watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
18:42:2318/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa 51 - 75 - Trang 6
Chỉ mục bài viết
Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa 51 - 75
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Tất cả các trang
Trang 6 trong tổng số 8

Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy

Hoa Điệp đền bồi tội ác, Triển Chiêu thành hôn.
Song Hiệp đặt tiệc tiễn hành, Tịnh Tu bói chữ.

Hàng Chương và Tưởng Bình tới huyện, trình tờ giấy ở phủ Khai Phong ra, quan huyện xem xong liền mời vào thư phòng hỏi kỹ các việc, rồi lập tức thăng đường thẩm vấn. Hoa Xung không hề chối cãi, nhất thiết đều cung khai. Quan huyện viết tờ trình, sai nha dịch theo Hàng Chương, Tưởng Bình và bọn Long Đào giải Hoa Xung lên phủ Khai Phong.
Khi tới Đông Kinh, Tưởng Bình đi vào công đường ra mắt các vị anh hùng, tỏ cả đầu đuôi việc tìm Hàng Chương và bắt Hoa Xung. Ai nấy nghe nói vui mừng vô hạn. Lư Phương, Từ Khánh, Ngọc Đường, Triển Chiêu đều ra trước Hàng Chương, còn Tưởng Bình thay sắc phục vào ra mắt Bao Công. Bao Công nghe nói mừng rỡ lắm, truyền Bao Hưng mời Hàng nghĩa sĩ vào ra mắt.
Bây giờ lính đã giải Hoa Xung tới, tạm giam vào phòng, các hiệp sĩ nghĩa sĩ anh hùng cùng ra mắt lẫn nhau. Từ Khánh chỉ Mã Hán nói với Hàng Chương rằng: "Người bị trúng tên của anh là vị này". Hàng Chương cầm tay Mã Hán xin lỗi, Mã Hán nói: “Nay chúng ta như anh em một nhà, còn nhắc tới việc cũ làm chi?". Công Tôn Sách giục giã Hàng Chương vào thư phòng gia mắt Tướng gia. Hàng Chương và Công Tôn Sách đi rồi, Triển Chiêu bèn truyền bảo bọn nha dịch bày tiệc rượu để thết đãi Hàng Chương.
Chẳng bao lâu Hàng Chương đi với tiên sinh yết kiến Bao Công xong, ra tới phòng trà gặp Trương lão và Đặng Cửu Như ở đó. Cửu Như thấy Hàng Chương liền chạy lại nắm tay thưa rằng: "Con xin ra mắt Hàng tráng sĩ!”. Hàng Chương thấy cử chỉ của Cửu Như mạnh dạn khôn ngoan như người ở nơi quyền quý thời quên phứt. Lúc thấy Trương lão, Hàng Chương hỏi: "Sao hai người lại tới đây?". Bao Hưng liền đem việc gặp tại quán cho tới lúc đem về phủ Bao công tử nhận làm nghĩa tử mà thuật lại một lượt, Hàng Chương mừng rỡ lắm.

Bấy giờ ai nấy đều tới công sở thấy rượu thịt bày sẵn bèn cứ theo thứ tự chia nhau cùng ngồi. Công Tôn Sách nói: "Tướng gia thấy Hàng huynh tới ra mắt vui lòng lắm, thảo tấu lên Thiên tử, trong ấy nói luôn việc bắt Hoa Xung nữa. Chắc tờ tấu ấy tới mắt Thiên tử, Hàng huynh được nhiều điều may lắm". Lư Phương nói: "Rất cám ơn hiền đệ phù trì cho". Hàng Chương lại sai tùy tùng mời Long Đào vào ra mắt các vị anh hùng rồi nói: "Nhờ có Long huynh nhọc nhằn cay đắng nay đã bắt được Hoa Xung đợi xong chuyện rồi sẽ về chẳng muộn". Long Đào nói: "Tiểu nhân nhờ ơn Nhị gia và Tứ gia giúp sức rửa được hờn, trả được thù, thế thời lòng tôi đã toại". Nói chuyện với tới đó có lệnh Bao Công truyền giải Hoa Điệp vào Công đường hầu thẩm. Công Tôn Sách liền cùng bốn dũng sĩ Vương, Mã, Trương, Triệu đều tới công đường hầu chực.
Một lát các dũng sĩ trở ra, Triệu Hổ nói rằng: “Thật Hoa Hồ Điệp là anh hùng, mình làm thì mình chịu, không cần tra hỏi”. Kế Công Tôn Sách ra cũng khen và nói: "Tiếc vì y làm nhơ nhuốc phụ nữ, sát hại lương nhân, có tài mà cậy chi tài, tướng gia lên án trảm quyết đó cũng là nhẹ lắm". Long Đào nghe nói sướng khoái vô cùng.
Qua ngày sau Bao Công tâu lên Thánh thượng, Hàng Chương được vào bái kiến long nhan, được phong chức Hiệu úy, còn Hoa Xung thời y nghị, truyền quan huyện Tường Phù giám trảm. Long Đào từ tạ lui về, Hàng Chương tặng vàng trăm lượng, và cấp thưởng cho sai dịch. Từ đây Long Đào thôi làm chức ở huyện.
Ngày tháng thoi đưa, các anh hùng tụ đủ tại Đông Kinh, năm nghĩa sĩ đã một nhà đoàn hợp. Trăng lặn thỏ lên, ngày đêm thay đổi, chưa bao lâu mà đã tới ngày hôn lễ của Nam Hiệp. Đinh đại gia là Triệu Lang cùng Thái thái đưa tiểu thư Đinh Nguyệt Hoa lên kinh.
Chuyện ấy chẳng lạ chi, nên không cần tả ra, chỉ có một điều là các hào kiệt anh hùng ai cũng tưởng thế nào cũng có đủ mặt Song Hiệp và Bắc Hiệp là anh em họ Đinh và Âu Dương Xuân trong đám cưới này, ai dè Bắc Hiệp chẳng chịu lên kinh, cùng với Nhị gia Đinh Triệu Huệ ở nhà lo việc gia đình.
Hôn lễ của Nam Hiệp xong xuôi, Thái thái và Đinh đại gia ở lại kinh qua tới mùa xuân mới trở lại thôn Mạc Hoa.

Triệu Lang về tới nhà tỏ việc phủ Khai Phong và nói rằng: "Các bầu bạn ở đó đều có lòng kính mộ nhân huynh lắm, muốn cho gặp mặt để tỏ tình luyến ái, tiếc vì chẳng gặp nên họ trách tiểu đệ lắm". Bắc Hiệp nói: "Rất cám ơn các bạn lắm, nhưng tôi chẳng quen việc thù đáp. Nay hiền đệ đã về tôi xin cáo từ". Triệu Lang nói: "Vì cớ nào nhân huynh lại đòi đi vội vậy?". Bắc Hiệp nói: "Liệt huynh có tính hay bay nhảy, nay nhân ở yên nơi đây đã lâu rồi nên trong mình khó chịu, phải đi du lãm mới được". Đinh Triệu Lang thấy Bắc Hiệp đã quyết, chẳng thể giữ lại, bèn xin nán lại hai ngày.
Tới ngày thứ hai, anh em họ Đinh cùng Bắc Hiệp cất chén từ biệt, có tình quyến luyến. Triệu Lang hỏi rằng: "Bây giờ nhân huynh tính đi đâu?". Bắc Hiệp đáp: "Tính sẽ du ngoạn Khánh Châu”. Tiệc rồi, ba người trân trọng chia tay nhau.
Bắc Hiệp ra đi, gặp non xem non, gặp nước thưởng nước. Ngày nọ đi tới huyện Nhân Hòa, thấy một dãy rừng tùng rậm rạp, có một chót nhà cao tít mây xanh, liền nghĩ rằng: "Đó là cảnh Phật thế thời cũng nên tới chiêm ngưỡng". Nghĩ đoạn đi tới cửa, thấy trên ngạch có tấm biển đề ba chữ: "Bàn Cổ Tự", giậu rào xem rất chắc chắn đẹp đẽ, Bắc Hiệp liền mang bao phục đi vào chính điện lớn thấy tượng Tam Hoàng, bèn làm lễ bái. Lễ xong, thấy một chú tiểu đi ra, trạc độ ba mươi, thấy Bắc Hiệp liền thi lễ, Bắc Hiệp cũng đáp lễ rồi hỏi: "Chẳng hay có sự phụ tại hậu viện chăng?". Chú tiểu nói: "Tráng sĩ hỏi sư phụ có việc chi?" Bắc Hiệp nói: "Nhân quá bước tới đây nên trước vào thi lễ và sau xin trà uống". Chú tiểu nói: "Có vậy xin mời vào nhà khách đãi trà". Bắc Hiệp liền theo vào, chú tiểu đi nấu nước, trà đã châm xong, kế thấy một vị hòa thượng trạc bảy mươi mà nhan sắc như trẻ nhỏ, tinh thần cường tráng bước ra thi lễ và hỏi quý danh Bắc Hiệp. Bắc Hiệp đáp xong lại hỏi hòa thượng. Hòa thượng tự xưng pháp danh là Tịnh Tu rồi trò truyện với Bắc Hiệp. Câu chuyện càng dài, lòng kính mộ nhau lại càng nặng, chuyện vãn tới chiều, chú tiểu dọn cơm chay, Bắc Hiệp không từ chối, ăn uống như thường, hòa thượng vui lòng lắm.
Bắc Hiệp ở lại Bàn Cổ Tự chơi, chuyện vãn với Tịnh Tu lâu lắm. Nào khi câu thơ hòa vận, lại có lúc xem hoa nở khi chờ trăng lên, chén trà tỏ nỗi, câu đờn giãi bày.

Một hôm, một người học trò áo quần rách rưới, mặt mày hốc hác, tay cầm một xấp câu đối đi thẳng tới trước mặt hòa thượng và Bắc Hiệp mà thi lễ. Bắc Hiệp đáp lễ rồi hỏi: "Chẳng hay tiên sinh tới đây có điều chi dạy bảo?". Người học trò đáp: "Tiểu sinh nghèo khốn, không của nuôi thân, nhân có ít câu đối xin ẩn sĩ đọc giúp cho". Hòa thượng Tịnh Tu nghe nói đứng dậy tiếp giở cho coi, thoạt thất kinh mà rằng: "Hay lắm! Hay lắm!".

Hồi Thứ Sáu Mươi Tám

Đỗ Ung ở nhờ đọc sách, tiểu thiếp sinh tâm,
Tần Xương cam chịu lỗi lầm, a hoàn tán mạng.

Tịnh Tu xem thấy câu đối ấy chữ viết rất hùng kiện, cả khen chẳng ngớt, lại nhắm xem tướng mạo người học trò, thấy tuy là cùng khổ mà phong thái đàng hoàng, nên có ý cảm mến, liền sai chú tiểu mời vào đãi cơm chay. Học trò theo chú tiểu đi rồi, Bắc Hiệp nói với Tịnh Tu rằng: “Tôi xem người ấy rất có chính khí". Tịnh Tu nói: ”Phải, bần tăng cũng xem người ấy có cốt cách lắm nên giữ ở đây làm khách". Hai người nói chuyện một lát lâu thấy có một người đi vào. Tịnh Tu xem rõ là viên ngoại Tần Xương bèn mời ngồi rồi hỏi: "Ngài tới đây có việc chi?". Tần Xương nói: ”Nếu không có việc gì, chẳng dám tới làm rộn nhà chùa. Nhân vì mấy ngày rầy tâm thần chẳng an, nên tới xin sư phụ bói cho một quẻ". Tịnh Tu nói: "Tôi chẳng quen bói quẻ, vậy Viên ngoại nói cho một chữ gì để dùng làm phép mà luận”. Tần Xương nói: "Tôi xin nói chữ Dung". Tịnh Tu viết chữ Dung ra, ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói: "Đây là điềm chẳng tốt". Tần Xương nghe nói có vẻ lo buồn, nhân dòm lên bàn thấy có mấy câu đối bèn giở ra xem, xem xong hỏi: "Chữ thật hay, chữ hùng kiện lắm, vậy có phải của sư phụ viết ra chăng?". Tịnh Tu đáp: "Bần tăng viết thế nào được, đó là của một người học trò vừa mới đem bán đây". Tần Xương nói: "Người học trò ấy tên gì, hiện thời ở đâu?". Tịnh Tu nói: “Y tới xin giúp đỡ, nên chưa hỏi tới tên họ, hiện đang ở đây". Tần Xương nói: "Thế thời y là một người hàn nho sao? Tôi đương tìm một người có học, rước về dạy trẻ nhỏ ở nhà, song chưa gặp, vậy sư phụ rước giùm cho, há chẳng tiện cả đôi đường sao?”. Tịnh Tu cả mừng ưng chịu. Tần Xương liền bước ra cửa sai tiểu đồng trở về nhà đem áo quần, mã giày và ngựa tới rước.

Bấy giờ người học trò vào nhà sau tắm gội sạch sẽ, Tịnh Tu cho mời lên, thấy diện mạo khôi ngô, thời có ý kính mộ, bèn tỏ ý Tần Xương cho người học trò nghe và hỏi tên họ. Người học trò ấy tên là Đỗ Ung nghe nói Tần Xương rước dạy học thời nhận lời liền. Kế tiểu đồng đem mão giày quần áo tới. Tần Xương liền cung kính đưa cho Đỗ Ung thay đổi, rồi từ giã Tịnh Tu và Bắc Hiệp mà trở lại Tần Gia trang, để Đỗ Ung ở tại thư phòng cho kêu học trò lại học.
Nguyên vợ Tần Xương là Trịnh Thị, tuổi ước ba mươi có sinh được một đứa con trai tên là Quốc Bích tuổi vừa mười một. Lại có một vợ bé là Bích Thiềm và con hầu, đầy tớ rất đông. Trong đám ấy có một đứa lớn tên là Thể Phụng hầu hạ Trịnh Thị, và một đứa nhỏ là Thể Hà hầu hạ Bích Thiềm. Nhà ngoài thêm có bốn người trai giúp việc là Tấn Bảo, Chiêu Tài, Tấn Lộc, Tấn Hĩ. Tần Xương tuổi trạc tứ tuần song vẫn còn mẹ vú là Bạch Thị tuổi đã trên bảy mươi. Cả nhà gộp lại được gần ba mươi người.
Tần Xương bình sinh ít đọc sách nên hối hận lắm, nay nhà giàu của dư, muốn lo cho Quốc Bích học hành may sau này rạng vẻ tông môn, để khỏi thẹn với tiếng đời chê trọc phú. Từ ngày rước thầy về nhà Tần Xương có ý mừng rỡ, thường đãi đằng rất chu đáo, khi có việc đi đâu thường hay căn dặn vợ hoặc liễu hoàn Thể Hà phải lo liệu tử tế.
Ngày nọ Tần Xương có việc đi khỏi, ở nhà con Thể Hà nấu cơm sai người bưng tới thư phòng cho Đỗ Ung. Bích Thiềm liền lén đi theo, đứng ngoài để mắt vào kẽ vách ngó lên, thấy Đỗ Ung hình dung tuấn tú, tuổi còn măng, phút động lòng tà.

Dịp đâu may mắn cho Bích Thiềm, cách ít lâu Tần Xương cho Đỗ Ung nghỉ dạy nửa ngày, rồi đem Quốc Bích đi thăm bà con. Bích Thiềm nghe tin ấy mừng lắm, chờ Tần Xương đi rồi, bèn tự mình nấu cơm và nấu vài món đồ ăn rất ngon sai con Thể Hà bưng qua phòng cho Đỗ Ung. Một lát Thể Hà trở lại, Bích Thiềm hỏi nó rằng: "Tiên sinh làm gì trong ấy?". Thể Hà đáp: "Đương đọc sách". Bích Thiềm hỏi: "Có nói chuyện gì không?". Thể Hà nói: "Tiên sinh hỏi sao bữa trước gia đồng bưng cơm, mà bữa nay tôi lại bưng cơm sớm vậy? Hỏi như vậy rồi bưng để lại một bên chớ không ăn". Bích Thiềm lấy làm lạ hỏi rằng: "Sao lai không ăn?". Nói đoạn đi hớt hải tới thư phòng, đứng ngoài xoi giấy dán cửa đưa mắt vào xem, thấy đồ ăn vẫn còn y nguyên, bèn giả ho một tiếng. Đỗ Ung nghe ho cất đầu lên ngó, thấy giấy dán cửa rách một lỗ, có người con gái kê mắt dòm lén, bèn hỏi: ”Ai đó vậy?" Bích Thiềm đáp: "Đố biết là ai!". Đỗ Ung nghe tiếng đáp có hơi lả lơi mất tao nhã nên nói: "Đây là nơi thư phòng, không được tới làm rộn như vậy". Bích Thiềm đáp: "Thiếp biết tiên sinh thế nào cũng chẳng rõ, vậy xin tỏ cho tiên sinh tường. Thiếp sánh với phu nhân Trình Thị thời không bằng, mà sánh với liễu hoàn lại cao hơn. Nay Viên ngoại không có ở nhà, e tiên sinh buồn nên tới đây tương hội". Đỗ Ung nghe nói cả giận gắt rằng: "Đừng có nói như vậy, phải mau mau đi khỏi chỗ này!”. Bích Thiềm đáp: "Sao tiên sinh chẳng hiểu việc đời như vậy! Thiếp có lòng tưởng tới, nỡ đành cô phụ hay sao? Đây là chút tình xin tiên sinh nhớ giữ". Đỗ Ung giận lắm nạt rằng: "Thật không chịu đi khỏi đây hay sao? Ta la lên cho mà coi? " Dứt tiếng thời Bích Thiềm đã đi khuất bóng.
Đỗ Ung thấy quang cảnh như vậy vừa giận vừa buồn, nằm nghĩ rằng: "Rất tiếc lòng tốt của Viên ngoại hậu đãi ta rất tử tế, thế mà một đứa hèn hạ như vậy làm hư hoại cái lòng tốt của người, ta khó ở đây được nữa".

Tần Xương về tới nhà, thay xiêm đổi áo xong đi thẳng vào thư phòng, thấy một bên có mâm đồ ăn còn y nguyên mà Đỗ tiên sinh thời mặt giận đằm đằm, lấy làm lạ, vừa muốn ngồi xuống bỗng thấy trong chân vách có vật nháng sáng, bèn cúi lấy xem, té ra đó là chiếc nhẫn của đàn bà. Tần Xương liền quay mình trở ra khỏi thư phòng, không thốt một tiếng, vừa đi vừa xem kỹ, thời chiếc nhẫn ấy là vật của Trịnh Thị, máu giận vì thế mà sôi, lửa ghen vì thế mà phát cháy, vội vàng đi riết lại ngự phòng chỉ mặt Trịnh phu nhân mà rằng: "Mi là đồ nhơ nhuốc, dám làm bại hoại gia phong. Tao bảo mi khoản đãi tiên sinh là gói ghém cơm thịt, chớ có phải bảo mi đem cả thân xác tới thư phòng mà đãi tiên sinh hay sao?". Trịnh phu nhân thấy không có chuyện gì mà đất bằng nổi sóng, ngơ ngẩn mà rằng: "Ai nói với mình rằng tôi tới thư phòng?”. Tần Xương nói: "Có chiếc nhẫn làm bằng cớ đây " Trịnh phu nhân tiếp lấy rồi nói: "Quả vật này là của tôi, song có hai chiếc, một chiếc tôi đeo, một chiếc cho Bích Thiềm!”. Tần Xương nghe nói sai Thể Hà đi kêu Bích Thiềm. Giây lâu thấy Bích Thiềm đầu tóc tơi tả còn Thể Phụng thời vừa khóc vừa đi tới. Bích Thiềm nói rằng: "Con Thể Phụng lén cắp chiếc nhẫn của thiếp, đem bỏ trong thư phòng tính mưu hại thiếp!”. Thể Phụng nói: "Tôi nào có vào phòng dì bao giờ mà ăn cắp, đó rõ là dì đi vào thư phòng, bây giờ đổ thừa cho tôi. Hai đàng cãi cọ nhau um sùm lên, Tần Xương không biết ai phải ai trái.
Bà vú Bạch Thị cùng Trịnh phu nhân thấy vậy liền nghĩ ra một kế, nói nhỏ với Tần Xương rằng: "Phải làm như thế... như thế... ". Tần Xương y lời bèn phân giải lơ là cho êm chuyện.
Tối lại, tới canh hai, Tần Xương đi với bà vú đến thư phòng, thấy đèn vẫn chưa tắt. Đỗ Ung còn thức, bà vú liền gõ cửa hỏi: ”Tiên sinh chưa ngủ sao?!”. Đỗ Ung hỏi: "Còn chuyện gì đó nữa?". Bà vú nói: “Tôi là bà già ở trong phòng của cô hai (chỉ Bích Thiềm), nhân Viên ngoại đã ngủ rồi, nên cô hai sai tôi tới đây rước tiên sinh vào phòng có chuyện". Đỗ Ung nói: "Bà nói đó là nghĩa gì? Ban ngày đứng ngoài lỗ vách nói những câu lơi lả, mà bây giờ lại nói thế nữa, ý muốn tôi từ nhà này mà đi sao chớ?". Tần Xương nghe rõ liền bảo bà vú thôi, cùng trở lại nhà sau. Tần Xương nói rằng: "Cứ như lời mà suy, thì quyết chắc Bích Thiềm chẳng sai. Con ấy đã làm nhơ nhuốc như vậy còn dùng nó vào đâu nữa, ta phải giết nó cho rồi". Bà vú nói: "Không được, nếu đem nó ra mà giết e mang tội sát nhân, và tiếng xấu khó chuộng, chi bằng dọn nhà bỏ trống ngoài hoa viên giam nó vào đó, bỏ cho nó chết đói thời không hệ lụy gì". Tần Xương khen phải.
Sáng ngày sau, Tần Xương dạy Tấn Bảo dọn nhà bỏ không ngoài vườn đem Bích Thiềm ra giam tại đó cấm không cho ai đem cơm nước cho ăn uống, để cho đứa lẳng lơ ấy chết đói cho rồi đời.

Hồi Thứ Sáu Mươi Chín

Tần Viên ngoại lỡ lời đành chịu tội,
Kim huyện quan lập kế gỡ giùm oan.

Nguyên con Bích Thiềm với Tấn Bảo có tư tình với nhau, nay đem bỏ nó ra ngoài nhà trống tại vườn hoa, thì có khác gì đem gà bỏ vào bồ lúa. Hai đứa nhờ dịp này toại lòng dâm dục.
Bích Thiềm bàn bạc với Tấn Bảo rằng: "Viên ngoại và Trịnh Thị tuy ngủ ở nhà trên, song buồng Viên ngoại tại phòng mé đông, Trịnh Thị tại phòng mé tây. Vậy đêm khuya chàng lén xách dao vào giết Viên ngoại, rồi đổ là Trịnh thị giận chồng giết chồng, chắc Trịnh Thị bị đền mạng, chừng ấy tôi được cả gia viên điền sản thì chúng ta được hưởng trọn đời khoái lạc, há chẳng sướng hơn là tôi làm thiếp mà chàng làm tớ hay sao?". Tấn Bảo nghe nói vui mừng quên cả nhân đạo, định tối lại sẽ đi giết Tần Xương.
Nói về Tần Viên ngoại từ hôm mắng lầm Trịnh Thị tới nay, nằm gác tay lên trán tưởng lại mà thương vợ, đêm ấy mới qua phòng mé tây cùng Trịnh Thị chung gối. Con Thể Phụng thấy Viên ngoại vào phòng Trịnh Thị hèn lui ra đi qua phòng mé đông là chỗ viên ngoại ngủ, vén màn lên cuốn nệm quét dọn, chẳng ngờ còn đang mệt mỏi buồn ngủ, nằm bừa lên giường tắt đèn ngủ mê mệt.
Tần Bảo thấy đêm đã khuya bèn xách dao lén lén đi vào phòng mé đông, trong phòng tối om không xem rõ ai được. Tấn Bảo lấy tay rờ rờ vừa đụng nhằm đầu, liền chặt một đao. Thương ôi! Thể Phụng vô cớ bị ác nô giết chết. Tấn Bảo chém rồi, nghĩ chắc kế đã thành, vội vã đi ra, thấy mình vấy tinh là máu, bèn đi thay, vừa thay xong, nghe trong phòng có tiếng Viên ngoại kêu: "Tấn Bảo! Tấn Bảo!". Tấn Bảo thất kinh biết Viên ngoại chưa chết, lật đật chạy vào.
Nguyên Tần Viên ngoại qua phòng Trịnh Thị xong, khi trở lại thấy Thể Phụng bị giết trên giường thời sợ lắm mới la hoảng lên. Kế thấy Tấn Bảo vào bèn chỉ cho nó coi. Tấn Bảo thấy mình giết lầm Thể Phụng thời hối hận quá song ráng trấn tĩnh.

Bấy giờ người trong nhà đều hay việc biến, đến tựu lại đông nghịt. Trịnh Thị bàn nên cho mẹ của Thể Phụng là Mã Thị nhiều tiền để êm chuyện ấy. Tần Viên ngoại bằng lòng, bèn sai Tấn Bảo đi mời Mã Thị. Tấn Bảo tới nhà Mã Thị nói rằng: "Tần Viên ngoại hãm hiếp Thể Phụng chẳng được toại lòng nên giết đi". Rồi xúi Mã Thị xuống huyện Nhân Hòa cáo với quan huyện là Kim Tất Chánh. Vì vậy án ấy phát giác ra, quan huyện tới nghiệm thấy quả Thể Phụng bị chém đứt cổ mà chết, liền bắt Tần Xương về huyện, liệm thi thể Thể Phụng đem theo.
Kim huyện quan thăng đường đem Mã Thị ra hỏi qua một lượt, rồi cho xuống, kêu Tần Xương ra hỏi: "Tại sao ngươi giết Thể Phụng?". Tần Xương thưa: "Vì tôi dụ nó vào phòng quyết lòng giam hãm, nó không chịu nên tôi giận giết đi, xin quan tòa chiếu tội gia hình tiểu dân khỏi oán". Sao Tần Xương khai lạ như vậy?
Bởi vì Tần Xương không lẽ nói mình bỏ phòng đi lại an ủi với vợ, lại sợ huyện quan hỏi vì sao thời ló tới việc Bích Thiềm, ló việc Bích Thiềm thời e xấu hổ tới vợ lớn vợ bé, mà mình cũng có tội. Lại vị tiên sinh họ Đỗ kia cũng lụy nữa. Chẳng thà chịu ngay như vậy, có thể ơn thỏa hơn.
Kim Tất Chánh thấy Tần Xương khai như vậy có ý nghi bèn hỏi: "Ngươi giết Thể Phụng rồi, giấu dao ở đâu?" Tần Xương đáp: "Lúc ấy lật đật tôi quăng ở đâu không nhớ được". Tất Chánh nghe lời nói lôi thôi như vậy lại càng nghi nhiều, liền đình án ấy lại, dạy giam Tần Xương vào ngục.
Tần Xương trong ngục cũng yên lòng, vì việc nhà nhờ có Trịnh phu nhân lo liệu giúp cho, lại thỉnh thoảng lén đưa thư về cậy Đỗ Ung chăm sóc những công việc ngoài. Còn Trịnh phu nhân thời cắt bọn Tấn Bảo, Chiêu Tài, Tấn Lộc, Tấn Hĩ thay phiên vào ngục hầu hạ Tần Xương.
Ngày nọ hòa thượng Tịnh phu, nhân cớ đi ra ngoài quyên góp tiền hương khói nhà Phật, bèn lại Tần Gia trang thăm Đỗ Ung. Khi tới cửa ngõ, gặp Tấn Bảo bèn hỏi: "Có Viên ngoại ở nhà hay không? Đỗ tiên sinh mạnh giỏi chứ?". Tấn Bảo đáp: “Ối, sư phụ hỏi Đỗ tiên sinh làm gì, người ấy không tử tế, ở đây lại tư thông với bà chủ tôi, bị Viên ngoại biết được rầy cho nên lòng oán hận, bàn bạc với bà chủ tôi thế nào, giết chết Thể Phụng rồi vu cho Viên ngoại gian hiếp chẳng được mà giết người, vì vậy Viên ngoại bị khốn tại lao, tôi phải tới đó hầu hạ". Nói rồi giả bộ như thường, bỏ đi một mạch. Hòa thượng nghe nói kinh hãi, vội trở lại chùa, vừa đi vừa mắng Đỗ Ung chẳng ngớt.

Về chùa đem chuyện ấy thuật cho Bắc Hiệp Âu Dương Xuân nghe. Bắc Hiệp nói: “Theo mắt tôi xem thời Đỗ Ung quyết không phải là người thế ấy, e cho Tần Viên ngoại có điều chi mờ ám chăng?”. Tịnh Tu nghe nói chẳng vui mà rằng: "Bần tăng vẫn biết Tần Viên ngoại nhiều, trọn đời không làm điều ác, sao lại gặp tai họa như vậy. Ghét thay! Tên Đỗ Ung thật là đứa bất nhân!". Nói dứt lời bỏ đi ra nhà sau.
Bắc Hiệp nghĩ thầm rằng: "Chuyện này chắc có điều oan uổng, vậy tối nay ta phải đi thám thính xem sao?".
Tối lại, Bắc Hiệp nai nít hẳn hoi, tắt đèn, khép cửa không lại giả như ngủ sớm, đi thẳng qua Tần Gia trang. Tới nơi đêm đã hết canh một, đi lần tới thư phòng, nghe tiểu đồng đương nói chuyện với hai tên tuần canh rằng: "Tiên sinh mới đi ra đàng sau đó!". Bắc Hiệp nghe dứt lời len lén đi lên nhà trên nghe bà vú nói: "Chúng bay đừng có làm biếng, phải nấu trà chờ cô hai vào uống!”. Bắc Hiệp nghe dứt nghĩ rằng: “ Quái lạ, sao mà hai người lại không có ở trong nhà, thế thật đáng nghi. Vậy ta đi vòng ra sau xem sao". Nói đoạn đi vòng ra mé sau, vừa tới ba giàn hoa có gian nhà trống, thấy cửa khép hờ, nghe mé trong có tiếng thầm thì. Bắc Hiệp dỏng tai nghe, người đàn ông nói: "Tôi rất may mắn mà được gặp cơ hội này, vậy chúng ta chớ bỏ qua sự vui vẻ đêm nay. Chỗ này kín đáo, chúng ta... tiện lắm". Kế nghe tiếng đàn bà đáp:, ”Thôi thiếp cũng để cho chàng toại chí, nhưng mà chơi hoa chớ bẻ nhành bán rao và phụ tình nhé". Bắc Hiệp nghe mấy lời, cả giận nói rằng: "Thôi còn nghi ngờ gì nữa, quả y như lời Tịnh Tu mà!”. Nói đoạn rút bảo đao xô cửa bước vào. Thương hại cho đôi trai gái nọ, vừa mới... chưa thỏa chí, mà hồn đã lìa đời.
Bắc Hiệp chém chết hai mạng, xách đầu ra mé ngoài, buộc xâu lại máng trên cánh cửa, khí giận mới nguôi, bèn trở về Bàn Cổ Tự. Đỗ Ung vừa đi ra ngoài trở vào, thấy hai tên canh phu chạy tới nói: "Không xong rồi tiên sinh, nguy lắm, chúng tôi đi tuần mé sau, tới giàn hoa thấy hai người ló đầu dòm lên trên cánh cửa, nghi là kẻ trộm nên giơ đèn lên rọi, té ra là đầu của hai người nào bị cắt đem treo ở đó". Đỗ Ung hỏi: "Đầu đàn ông hay là đàn bà?”. Canh phu đáp: "Chúng tôi chưa coi cho kỹ". Đỗ Ung nói: "Vậy thời các người dắt ta ra đó coi".
Ra tới nơi, Đỗ Ung nhìn thấy một cái đầu trong lỗ tai có đeo bông liền hỏi canh phu rằng: "Bây nhìn cái đầu đàn bà ấy là ai?". Canh phu đáp: "Giống hệt cô hai thời phải”. Đỗ Ung lại hỏi: "Còn cái đầu kia coi là ai?". Canh phu đáp: "Quả là đầu của Tấn Lộc rồi". Đỗ Ung nói: "Thôi đừng có động tới nữa phải đi báo quan lập tức. Hãy đi mời bốn vị quan gia ra đây”. Canh phu nói: "Ngày hôm qua Tấn Bảo ở hầu Viên ngoại trong khám, bữa nay là phiên Chiêu Tài, song Chiêu Tài đi vắng, nên Tấn Lộc viết thư cho Tấn Bảo phải nán hầu một ngày nữa. Chẳng hiểu tại sao Tấn Lộc bị giết. Bây giờ chỉ có Tấn Hĩ ở nhà mà thôi". Đỗ Ung liền cho mời Tấn Hĩ tới đọc rõ đầu đuôi bảo đi bẩm cho chủ mẫu hay.
Trịnh phu nhân nghe tin dữ, lật đật tới hỏi Đỗ Ung rằng: "Việc đã như vậy, bây giờ mới liệu làm sao?”. Đỗ Ung nói: "Việc này không nên giấu giếm, phải đi báo quan lập tức". Trịnh phu nhân liền sai Tấn Hĩ đi báo quan địa phương, quan địa phương tới nơi xác nhận rồi chuyển bẩm lên huyện lệnh.
Kim Tất Chánh lập tức hỏi qua loa những điều đại khái, biên cả tên họ rồi nghiệm thây, thấy thân dưới hai thây ấy để lõa lồ, biết là chúng nó tư dâm với nhau. Lại thấy trên bộ ván gần bên có phong thư, quan huyện liền đút vô tay áo. Thêm dưới bộ ván ấy có một cái áo vấy máu, gói một đôi giày và tất. Quan huyện hỏi Tấn Hĩ rằng: "Mi nhìn đồ này coi của ai?". Tấn Hĩ xem một hồi rồi nói: "Quả là của Tấn Bảo". Quan huyện gật đầu nghĩ rằng: "Việc này đều tại Tấn Bảo". Nghĩ đoạn truyền liệm hai thây ấy, và bắt Tấn Hĩ về nha.
Kim Tất Chánh thăng đường, chẳng hỏi Tấn Hĩ mà cũng không tra Tần Xương, lại truyền vào khám đòi Tấn Bảo ra. Tấn Bảo nghe đòi thì dựng tóc gáy, theo sai dịch ra công đường thấy quan huyện nghiêm sắc mặt mà rằng: "Việc của Viên ngoại mi, ta đà dò xét rõ rồi, vậy mi là Viên chủ quản trong nhà ấy, mi phải viết tờ tấu trình để ta xét mà tha cho chủ mi". Tấn Bảo lui xuống viết tờ tấu trình rồi dâng lên. Quan huyện hỏi: "Phải tự mi viết hay là mượn ai?". Tấn Bảo đáp: "Quả chữ tôi viết". Quan huyện liền cầm lên xem kỹ, so với phong thư lượm ở giàn hoa thời rập một tuồng chứ, liền vỗ án hét rằng: "Hay cho tên ác nô, mi thông gian với Bích Thiềm, lại giết Thể Phụng hãm hại Viên ngoại mi, sự thể làm sao mau khai ra cho khỏi bị tra khảo!”. Tấn Bảo nghe hỏi thất kinh, run lập cập thưa rằng: “Việc việc đó tôi không có không biết". Quan huyện dạy nha dịch vả miệng cho nó khai, Tấn Bảo bị vả đau quá liền la rằng: ”Để tôi khai, để tôi khai, xin đừng vả nữa". La rồi cúi đầu khai rõ đầu đuôi, nào là Bích Thiềm để nhẫn làm của tin, bị Viên ngoại thấy được sinh nghi cho phu nhân Trịnh Thị, nào là do ý tiên sinh, biết bùn chẳng nhơ sen, nên giam Bích Thiềm nơi hoa viên, nào là tình riêng dâm lén, bàn bạc mưu ác giết chủ đoạt của, nào dè giết lầm Thể Phụng, thuật không sót tí nào. Còn việc Bích Thiềm và Tấn Lộc vì sao mà bị giết thời nó nói không biết.

Quan huyện nghe khai, bèn hỏi: "Ta chắc mi ghen nên giết Tấn Lộc và Bích Thiềm chớ gì?". Tấn Bảo nói: "Đêm ấy tôi hầu Viên ngoại trong khám, chẳng hề đi đâu làm sao giết được?". Kim huyện quan khi nghe xong gật đầu nghĩ thầm rằng: "Phải, nó khai đó hợp với lời trong phong thư lắm". Vậy ai là người giết Bích Thiềm và Tấn Lộc? Sao Bích Thiềm còn có tình với Tấn Lộc nữa? Phong thư ấy nói những gì ở trong?

HOMECHAT
1 | 1 | 153
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com