watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
08:30:3519/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa 26 - 50 - Trang 7
Chỉ mục bài viết
Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa 26 - 50
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Tất cả các trang
Trang 7 trong tổng số 8

Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu

Cáo lầm nơi, quyền thần sắp kế độc.
Gặp cơ hội, công tử phá mưu gian.

Triệu Hổ nghe Triệu Khánh thuật chuyện, miệng bảo như vậy, mà bụng nghĩ rằng: "Tướng gia ta lòng son vì nước, lo lắng cho dân, ai dè con cháu lại kinh nhờn luật pháp thế này, ta cũng nên chỉ vào phủ Khai Phong coi tướng gia nghĩ thế nào?" Nghĩ rồi bèn hỏi: "Nay ông đến đây có ý đi tố oan hay không?". Triệu Khánh đáp: "Tôi tính tìm nhà bà con rồi sẽ đi tố oan". Triệu Hổ nói: "Vậy ông nên vào kêu ở phủ Khai Phong, vì Bao Thừa tướng là người chánh trực công bình, dầu thân dầu sơ người cũng cứ lẽ cân bằng mực chẳng mà thôi. Nếu lại kêu nơi khác e gặp chỗ không hay”. Triệu Khánh đáp: "Khách quan dạy phải, tôi xin vâng lời". Triệu hổ nói: "Nhưng mà hôm nay, Bao Thừa tướng không có ở phủ, phải sau ngày rằm ông sẽ đón kiệu kêu oan mới được”. Triệu Hổ nói rồi móc túi cho ông già một đĩnh bạc rồi kiếu ra đi.
Triệu Hổ trở về phủ Khai Phong, đợi hoài trông mãi mà không thấy Triệu Khánh tới. Nguyên sau ngày rằm, Triệu Khánh nhớ lời Triệu Hổ dặn, bèn đi vào thành, tới một chỗ kia, người ta qua lại rất đông, bèn men gần lại, nghe xa xa có tiếng nạt đường rằng: "Tránh, tránh cho kiệu Thái sư đi". Triệu Khánh nghe nói Thái sư đi thì cả mừng, đứng lại chờ kiệu đi tới miệng kêu oan uổng, đầu đội tờ trình. Chợt thấy kiệu ngừng, có một người nhảy xuống ngựa tiếp tờ trình, dâng vào trong, một lát, trong kiệu có lệnh truyền ra rằng: "Đem người đội trạng ấy về phủ”. Tả hữu vâng lời, điệu Triệu Khánh đi theo, thẳng đường về tới một dinh thự rất lớn.
Đó không phải là phủ Khai Phong, mà là dinh của Bàng Thái sư vậy. Bàng Kiết được tờ trình ấy lọt vào tay, mừng rỡ như được châu ngọc, hối hả sai người đi mời rể là Tôn Vinh và học trò là Lục Thiên Thành tới đưa tờ trình cho chúng nó coi. Cả hai xem xong, vỗ tay nhảy nhót và nghĩ rằng: "Phen này có thể đánh đổ được Bao Công rồi". Liền kêu Triệu Khánh vào thư phòng gạn hỏi nguyên do rồi bàn tính cùng nhau làm một tờ tấu cho nghiêm khắc.

Ngày sau, Nhân Tôn ra chầu, Bàng Thái sư dâng tờ tấu lên, vua xem xong, triệu Bao Công lên điện hỏi rằng: "Khanh có cả thảy được mấy đứa cháu?". Bao Công tâu: "Tâu bệ hạ, hạ thần chỉ có ba đứa cháu, hai đứa lớn lo bề ruộng nương, còn đứa nhỏ thời đi học". Nhân Tôn hỏi: "Đứa đi học đó tên gì?". Bao Công tâu: "Tâu bệ hạ, nó tên là Bao Thế Vinh". Nhân Tôn lại hỏi: "Khanh có biết mặt chúng nó hết không?". Bao Công tâu rằng: "Tâu bệ hạ, từ lúc hạ thần tựu chức tới nay, chưa có về quê lúc nào, chỉ có đứa lớn vào kinh đôi khi, hạ thần được biết, còn hai đứa kia thời chẳng biết mặt.
Nhân tôn nghe tâu gật đầu, đưa tờ tấu cho Bao Công xem. Bao Công xem xong, quỳ xuống chịu tội rằng: "Hạ thần không phép tề gia, nên cháu làm điều phi pháp, cúi xin Thánh thượng mở lượng hải hà, xử đoán lẽ nào, hạ thần muôn nhờ đức cả". Nhân Tôn phán: "Khanh hãy bình thân, vì khanh bận lo việc nước, không sửa được nhà, vậy trẫm cũng dung thứ cho, bao giờ bắt được tên Thế Vinh, trẫm sẽ định liệu. Vua phán xong, liền truyền chỉ cho các châu, quận tầm nã tên Bao Thế Vinh giải về kinh.
Công văn gửi ra mau như chớp, lẹ như tên, chưa bao lâu mà Bao Công tử đã bị giải về kinh. Vừa tới cửa thành, có một người cưỡi ngựa chạy tới như bay, thưa với quan công sai ấy rằng: "Tôi là Bao Hưng, sai nhân của Bao Thừa tướng, xin tới ra mắt Tam Công tử có chút tư sự". Công sai nghe nói sai nhân của Thừa tướng, cũng vị tình cho hai bên gặp nhau, chuyện vãn thì thầm giây lâu rồi Bao Hưng từ tạ, giục ngựa chạy về như bay. Bao Công sai giải Bao công tử vào Đại lý ti chờ thánh chỉ. Nào hay Bàng Kiết quyết hại cho được Bao Công, nên đã tâu với Thiên tử xin giao vụ ấy cho Tam Đường là Đại lý ti, Binh mã ti và Đô sát viện hội xử, vì quan lý ti đứng đầu Binh mã ti là Tôn Vinh, quan đứng đầu Đô sát viện là Lục Thiên Thành, đều là tay tâm phúc của Bàng Kiết thì Văn Ngạn Bác không thể gì cứu gỡ nổi.

Tôn Vinh và Lục Thiên Thành được lệnh, liền tới viện Đại lý. Văn Ngạn Bác ngồi giữa, hai người phân hai bên tả hữu. Sai dịch điệu Bao Thế Vinh lên. Ngạn Bác bèn hỏi rằng: "Tại sao mi bức sách bạc tiền của châu huyện?". Thế Vinh nhớ lời của Bao Hưng dặn khi nãy, bèn bẩm rằng: "Tiểu sinh vâng lệnh của bà nội qua Thái Nguyên dâng hương, nghe đồn Tô, Khanh hai châu ấy có lắm nơi danh sơn tú thủy, muốn nhân dịp đi du ngoạn chơi, nhưng thiếu tiền bạc, nên phải tạm mượn của các quan châu huyện, chứ không có ép bức ai". Tôn Vinh hỏi: "Mi đi dọc đường bức sách châu huyện, phỏng chừng bao nhiêu lượng?". Thế Vinh đáp: "Đi tới đâu mượn đó, không thể nhớ hết được". Vừa nói tới đó, có người đem tới cho Tôn Vinh một phong thư. Văn Ngạn Bác chờ Tôn Vinh xem xong bèn hỏi: "Đó là thư gì?". Tôn Vinh đáp: "Ấy là giấy biên những tiền của châu huyện bị bức sách, mà Bàng Thái sư đã sai người dò xét biên ra". Văn Ngạn Bác liền lấy xem, thấy ở trên biên tên các châu huyện và số tiền Thế Vinh đã lấy, ở dưới là lời Bàng Kiết dặn Tôn Vinh nên hết sức bó buộc Bao Công cho nhiều. Văn đại nhân xem xong, lấy giấy ấy đút vào tay áo, quay lại nói với người đem thư rằng: "Giữa lúc bản quan tra xét, sao mi dám đem thư tín tới như thế là đáng tội, song ta vị tình Thái sư mà dung thứ cho mi. Tả hữu đâu mau đánh đuổi nó ra". Tả hữu vâng lời. Văn đại nhân nói với Tôn Vinh rằng: "Thật lệnh nhạc quá đỗi khinh suất, giữa chốn pháp đường dám sai người đưa thư, sao mà quên cả luật pháp vậy?". Tôn Vinh cúi mặt không dám đòi thư lại. Lục Thiên Thành bèn tiếp hỏi Thế Vinh rằng: "Nghe lúc mi vào kinh, Bao Thừa tướng có sai người tới dặn dò mi những gì có hay không?". Bao Thế Vinh đáp: "Dạ có, chẳng qua cũng dặn dò tiểu sinh nên yên lòng mà thôi". Thiên Thành hỏi: "Người ấy tên gì?". Thế Vinh đáp: "Tên Bao Hưng “. Lục Thiên Thành liền cho Bao Thế Vinh lui ra, truyền sai dịch đi bắt Bao Hưng.

Lúc Bao Hưng tới, Lục Thiên Thành giả mặt quỷ thần vỗ án hét rằng: "Bao Hưng, sao mi dám đón khâm phạm, truyền lén tin tức, tội ấy mi biết chưa?". Bao Hưng đáp: "Tôi lúc nào cũng chầu chực tướng gia, không bao giờ có chuyện như vậy”. Lục Thiên Thành quở rằng: "Mi thật là lẻo mép già chối sao? Tả hữu đánh nó hai chục hèo cho biết mặt". Tội nghiệp Bao Hưng vô cớ bị đòn, tức mình nói thầm rằng: "Từ khi ta theo tướng gia tới bây giờ chưa lúc nào khổ như vậy, nay thời suy mới gặp đứa thù vặt". Tôn Vinh cũng bảo Bao Hưng khai, nhưng Bao Hưng cứng cỏi, nhất định chẳng khai. Tôn Vinh thấy Bao Hưng vậy sai đem đại hình ra. Tả hữu khiêng ba khúc cây để trước công đường. Bao Hưng vẫn thấy quen, không chút sợ hãi cười rằng: "Đại nhân nói rằng tôi đón khâm phạm, truyền lén tin tức, vậy xin cho đem công tử ra đối chất xem thế nào". Tôn Vinh nói: "Ta không cần nói với mi, tả hữu đâu cứ việc thi hành". Văn Ngạn Bác thấy vậy, cho người đòi Bao Thế Vinh ra. Thế Vinh nhìn Bao Hưng một hồi rồi nói: "Không phải, người này chỉ tương tự mà thôi, người kia đen ốm chứ không mập và trắng như vậy". Tôn Vinh nghe xong biết việc không xong rồi, chợt thấy tả hữu báo có Công Tôn Sách tới ra mắt. Văn đại nhân cho mời vào, Công Tôn Sách bước tới trước công đường thi lễ rồi đưa thư lên, Văn đại nhân xem xong, mặt lộ sắc vui hỏi Công Tôn Sách rằng: "Ba người ấy có tại đây chăng?”. Tôn Sách đáp: "Có đủ, xin cho tôi kêu vào". Nói rồi trở ra. Văn đại nhân đưa bức thư cho Tôn Vinh và Lục Thiên Thành coi, cả hai như ngây như dại, ngồi sững như bù nhìn.

Bây giờ ba công tử đã vào tới công đường. Văn đại nhân xem thấy cả hai đều diện mạo đoan trang, người thứ ba thanh tú hơn cả, liền cho ngồi. Người lớn là Bao Thế ân, người thứ hai là Bao Thế Huân làm thinh không nói, chỉ có Công tử thứ ba là Bao Thế Vinh đứng dậy thưa rằng: "Chú tôi đã có đưa thư cho bác, sai tôi tới công đường cùng đứa giả mạo kia đối chất vạch cho ra lẽ ngay gian". Nói vừa dứt lời, Bao Thế Ân liếc người quỳ một bên, bất giác hỏi rằng: "Mi có phải là Võ Kiết Tường đó không?". Bao Thế vinh giả thấy ba Công tử tới thời thất kinh, hồn phị thiên ngoại, không đáp được lời nào. Văn Ngạn Bác liền nói: "Sao Công tử lại biết nó?". Bao Thế ân đáp: "Nguyên Võ Kiết Tường có em là Võ Bình An đều làm tớ nhà tôi, vì chúng nó cứng đầu khó dạy nên đã đuổi nó rồi, không rõ vì sao nó lại giả tên em tôi mà tới đây". - Văn Ngạn Bác xem kỹ lại thời Võ Kiết Tường và Bao Thế Vinh phảng phất giống nhau, trong bụng đã hiểu rõ rồi, bèn cho ba Công tử lui về và thả Bao Hưng.
Nói về Bao Công bị Bàng Kiết tâu vạch chuyện cháu mình, thời lo buồn và giận lắm, lớp giận anh sao không biết dạy con, lớp giận cháu sao không lo học lại thả đi gây họa. Kế nghe Tam Công tử đã bị giải vào kinh, Thiên tử giao cho Tam đường tra xét, lòng thêm lo sau lại thấy đòi Bao Hưng, thời ruột rối như vò. Đương lúc buồn bã bỗng thấy sai dịch dắt vào một người, người ấy ra mắt xưng là Bao Vượng, Bao Công hỏi: "Mi tới đây có việc chi?". Bao Vượng thưa: "Tôi vâng lịnh ông bà, đưa ba Công tử tới đây mừng. thọ lão gia". Bao Công nghe nói lấy làm lạ hỏi: "Ba công tử còn ở đâu?". Bao Vượng đáp: "Còn đi sau một lát". Bao Công liền sai Lý Tài ra đón. Giây lâu ba Công tử vào tới, lạy mừng xong xuôi. Bao Công vui mừng lắm, hỏi thăm cha mẹ, anh chị, bà con. Bao Công thấy ba Công tử tới đủ mặt, hiểu ngay rằng, án kia quả là kẻ mượn tên làm càn, nên lật đật lui vào thư phòng mời Công Tôn Sách tới, kể các việc cho hay và cậy đem ba Công tử tới Đại lý ti đối chất.
Công Tôn Sách đi rồi, các nghĩa sĩ được tin tới chúc hạ. Lư Phương nhân dịp trình việc mình dò la bấy lâu, và xin Bao Công đem bọn mình tâu lên Thiên tử, một là tạ tội hai là cho hoãn việc tra xét. Bao Công nhận lời và đáp rằng: "Việc ấy thủng thẳng sẽ tìm cơ hội". Đương nói chuyện thấy Công Tôn Sách đãi lãnh Bao Hưng và ba Công tử trở về.
Thật là:
Mưu sâu khó hại người trung chính.
Phép nước nào dung đứa nịnh tà.

Ba Công tử về tới phủ thuật chuyện nhận được tên giả mạo ấy là Võ Kiết Tường, còn Bao Hưng mách việc Tôn Vinh đánh mình, Bao Công nghe xong cho Bao Hưng vào sau nhà yên nghỉ và báo Lý Tài đem ba Công tử vào ra mắt phu nhân, cả nhà vui vẻ.
Đây nói về Văn Ngạn Bác xét ra vụ ấy liền viết sớ tâu lên Thiên tử, vua Nhân Tôn xem thấy nửa mừng nửa lo, mừng là mừng cháu Bao Công không làm sự càn quấy, lo là lo Bàng kiết hay quấy rối Bao Công, lại quy tụ đồ đảng là Tôn Vinh nữa, không biết nghĩ làm sao, liền giao lại cho phủ Khai Phong tra xét.
Bao Công được lệnh, vội thăng đường hỏi sơ Triệu Khánh một lượt rồi đem Võ Kiết Tường ra hỏi rằng: "Đồng đảng của mi có những ai nữa?". Võ Kiết Tường đáp: "Còn em tôi là Võ Bình An giả làm Bao Vượng và hai tên nữa, song lúc mưu sâu bại lộ chúng nó trốn mất rồi". Bao Công lại lấy tờ giấy của Bàng Kiết biên những châu quận và số tiền bức sách ra hỏi, Võ Kiết Tường đều cung nhận cả. Nhân hỏi tới lúc bị giải vào kinh, Bao Hưng đón dặn dò những điều gì, thời Võ Kiết Tường thưa rõ không sai. Bao Công lại nói: "Nếu gặp được người ấy mi có thể nhìn được rõ không?". Võ Kiết Tường đáp: "Nếu thấy mặt người ấy chắc tôi không quên được".

Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy

Tra đứa gian công tử giả bị tội,
Biếm tôi nịnh, nghĩa sĩ tới chầu vua.

Bao Công nghe xong cho giam Võ Kiết Tường vào ngục rồi phái Giang Phàn, Huỳnh Mậu đi với Cảnh Xuân, Trịnh Bình qua phủ Bàng thái sư dò xem người nào hình dung giống Bao Hưng thời bắt. Bốn người vâng lệnh. May sao chưa nhọc công bao nhiêu, đã gặp một người say rượu đằng trước đi lại, có một người đi theo nâng đỡ, người ấy giống hệt Bao Hưng, bốn người ép áp lại bắt. Người ấy thất kinh hỏi rằng: "Tôi có tội tình gì mà bắt ngang như vậy?”. Chúng không thèm đáp cứ giải thẳng về phủ. Bao Công lập tức thăng đường hỏi người ấy rằng: "Mi tên họ là gì?". Người ấy đáp: "Tôi họ Bàng tên Quang, gia nhân của Bàng thái sư “. Bao Công xem hình dung nó giống hệt Bao Hưng liền vỗ án hét rằng: "Bàng Quang, vì cớ nào mi dám mạo tên Bao Hưng làm việc phi pháp, mau cứ thật khai ngay". Bàng Quang đáp: "Tôi nào có mạo tên ai bao giờ, xin lão gia lượng xét". Bao Công liền sai đem Võ Kiết Tường ra. Nó vừa thấy Bàng Quang liền nói: "Người này quả hôm trước có đón tôi truyền tin, và xưng là Bao Hưng đây". Bàng Quang thấy có Kiết Tường đối chứng, không chối được bèn khai rằng: "Nguyên Bàng thái sư và Tôn Vinh định kế cho Tam công tử không xưng nhận, nên sai tôi giả làm Bao Hưng đón đường dặn bảo, bề nào cũng sẽ có tướng gia tôi cứu gỡ cho, ngoài việc ấy tôi không rõ chi khác nữa". Bao Công liền bắt ký tờ cung rồi cho vào ngục làm bạn với Kiết Tường, chờ tâu lên Thiên tử.
Bao Công trở lại thư phòng viết sớ bày tỏ đầu đuôi án ấy, rồi kết như sau: "Tội Võ Kiết Tường đáng ngự hình trảm quyết, còn như Bàng Thái sư, Tôn Vinh và Lục Thiên Thành âm thiết độc kế, đón kẻ khâm phạm lén đưa thư riêng, cố ý muốn hãm hại trọng thần, tội trọng như thế xin Thánh hoàng thông minh lượng xét". Vua Nhân Tôn xem sớ chẳng vui liền xuống dụ rằng: "Bàng Thái sư nhiều phen lập kế, mưu hại đại thần tội ác đã đầy, tình riêng khó thứ, đáng lột chức đuổi về thứ dân, song tưởng nghĩa trước, cũng dày công phò tá, cho nên để cho Bàng Thái sư ăn trọng bổng. Nhưng không được lui tới triều môn, nếu không biết sửa mình, còn gây thêm việc ắt luật pháp không dung. Đến như Tôn Vinh, Lục Thiên Thành a tòng Bàng Kiết, không biết trọng mình, tội đáng sụt xuống ba cấp, các quan phải y nghị, khâm thử".

Dụ trên đã xuống, kẻ dưới lòng vui, Bao Công tiếp chỉ, sai chém Võ Kiết Tường, tha Bàng Quang, thưởng Triệu Khánh mười lượng bạc, và cho trở về làm sai dịch lại.
Án ấy xong rồi Bao Công liền mở tiệc khánh thọ. Thiên tử và Thái hậu đều có phẩm vật ban tứ, còn các quan ai nấy cũng đối liễn, rượu trà, thọ lễ, chẳng cần tả rõ.

Hồi Thứ Bốn Mươi Tám

Trước điện thử tài, các chuột làm quan,
Cửa chùa đội trạng, hai quạ cáo án.

Hôm sau, Bao Công vào chầu tâu rõ ngọn ngành việc tra xét, vua Nhân Tôn đẹp lòng lắm.
Liền đó, Bao Công bèn nhắc vua việc thử tài bọn nghĩa sĩ mới được tiến cử. Việc này lẽ đã làm rồi song vì Bàng ngụy thử và Triệt địa thử vắng mặt nên vua đành tạm trì hoãn. Nay vì lời tâu của Bao Công, vua bèn cho gọi tới tên Xuyên sơn thử Từ Khánh. Từ Khánh ngó lên tâu: "Dạ, có Từ Khánh đây". Vua Nhân Tôn xem tướng Từ Khánh thấy mặt láng, mắt tròn, mày to, trán lớn, rất hào hiệp anh hùng, cử chỉ dạn dĩ không vẻ sợ sệt.
Vua Nhân Tôn liền hỏi rằng: "Tại cớ nào mà khanh lấy hiệu Xuyên sơn thử?". Từ Khánh tâu: "Nguyên tội dân ở tại đảo Hãm Không, hay chui luồn qua mười tám cái hang nên thành hiệu ấy". Vua hỏi: "Tại Thọ Sơn có nhiều hang như vậy khanh chui có được không “. Từ Khánh tâu: "Nếu nó thông thời tội dân sẽ chui được". Vua liền sai Trần Lâm đem Từ Khánh ra Thọ Sơn thử tài. Tới nơi Trần Lâm dặn rằng: "Ngươi có chui vào thời mau mau ra, đừng có ở lâu trong ấy”. Từ Khánh gật đầu leo vào một cái hang, cúi mình chui mất. Lâu ước tàn một cây nhang, không thấy Từ Khánh ra, ai cũng có bụng lo. Trần Lâm liền kêu lớn rằng: "Từ Khánh mau chui ra". Bỗng nghe có tiếng trả lời trên chót núi mà không thấy hình tích ở đâu, biết là Từ Khánh đã chui luồn tới trên ấy rồi. Một lát thấy trong hang chui ra một người mình mẩy xanh lè, hóa ra là Từ Khánh, vì rêu đóng bụi tô nên coi kỳ cục lắm. Từ Khánh thử tài rồi, Trần Lâm dắt lại đơn trì quỳ y chỗ cũ. Thánh thượng khen rằng: "Vậy mới xứng với cái hiệu Xuyên sơn thử". Tới phiên Hỗn giang thử Tưởng Bình. Vua thấy Tưởng Bình hình vóc nhỏ mặt tái mét như người bệnh quỳ trước điện. Vua có ý không bằng lòng, liền hỏi: "Khanh lấy hiệu Hỗn giang thử là ý làm sao?". Tưởng Bình tâu rằng: "Tội dân lặn xuống nước được lâu, mở mắt xem được các vật, lại có thể biết được tính nước cho nên lấy hiệu là Hỗn giang thử “. Vua nghe nói biết được tính nước lại càng không vui, liền sai Thái giám trở về cung đem con Kim thiềm ra. Thái giám xách ra một cái thùng, trong ấy có một vật vừa to vừa lớn, trông trắng như hổ phách, mép miệng như yên chi, mình xanh ức trắng, quý đẹp vô cùng. Vua truyền cho Trần Lâm đưa Tưởng Bình đi một chiếc thuyền nhỏ, sai Thái giám xách thùng ấy theo. Thiên tử và các quan đi chung một chiếc thuyền lớn.

Trần Lâm thấy quang cảnh như vậy, bảo nhỏ Tưởng Bình rằng: "Con ếch vàng này là vật rất quý của Thiên tử, ngươi lượng sức bắt lại được thời trổ tài, bằng không ta xin tội cho, chứ đừng để mất vật báu mà khổ thân". Tưởng Bình nói: "Xin chớ ngại, hãy cho tôi mượn đồ chật thay đổi cho gọn, lội nước mới hay”. Trần Lâm kêu thái giám đi lấy đồ cho Tưởng Bình thay. Bỗng nghe tên thái giám ở bên thuyền vua kêu rằng: "Này xem thả con Kim thiềm ra!" Nói dứt tiếng, thả con ếch xuống nước, nó lội một đỗi rồi lặn mất. Tưởng Bình đứng trên mũi thuyền dòm thấy nhảy theo, chỉ thấy nước túa trắng mà không thấy hình dáng y ở đâu. Ước nửa giờ đồng hồ cũng chẳng thấy tăm dạng. Vua nghi cho Tưởng Bình sợ mất vật quý mà bị tội nên đã trầm mình tự tận rồi.
Đương nghi ngại chợt thấy đàng xa mặt nước dợn dợn, rồi thấy Tưởng Bình trồi lên, nhắm mũi thuyền vua lội bay lại, tới nơi trao con Kim thiềm cho thái giám rồi trở lại thuyền của Trần Lâm thay y phục lên chầu tại đơn trì. Vua cũng lên điện triệu Bao Công lên phán rằng: "Trẫm xem các khanh đều tài cao lỗi lạc, lại nghe hay hào hiệp chuộng nghĩa, nên muốn phong cho chức tước, đó là phép khích lệ nhân tài của nước nhà, để sau những kẻ tài đều vui lòng phò vua giúp nước. ý khanh nghĩ thế nào?". Bao Công tâu: "Thánh chúa đã đèn trời soi sáng, chúng tôi vào cửa phước dâng công, ấy là may cho nước nhà lắm". Liền khi ấy, vua hạ chiếu phong cho bọn Từ Khánh chức Hiệu úy Chính lục phẩm, đều nhận chức tại phủ Khai Phong và truyền phải mau mau tìm cho ra Hàng Chương và Bạch Ngọc Đường. Bao Công và các nghĩa sĩ bái tạ rồi lui ra, trở về phủ Khai Phong.
Từ Bao Công tới sai dịch ai cũng mừng rỡ, duy có Triệu Hổ tức mình lắm, anh ta nghĩ rằng: "Bọn mình cực khổ nhiều phen, cay đắng đủ bậc làm được chức Hiệu úy, chứ bọn này không công cán gì mà cũng Hiệu úy, ngang hàng với lão Triệu này. Tức lắm! Như anh Lư Phương tài giỏi, tính hiền, xứng đáng không nói làm chi, anh Từ Khánh cũng thô lỗ nghênh ngang như lão Triệu, sánh bằng lão Triệu cũng được. Đến như tên Tưởng Bình kia hình dáng người chẳng ra người, quỷ không ra quỷ, xanh mét như tàu lá, thế mà cũng một bậc ngang hàng với mình, thật ta không phục”. Triệu Hổ có ý đố kỵ, mỗi khi tựu họp đều có vẻ không bằng lòng với Tưởng Bình mà Tưởng Bình nào có để ý.
Ngày tháng như thoi đưa, ngày nọ Bao Công đi chầu về, có hai con quạ bay tới trước kiệu vỗ cánh kêu inh ỏi. Bao Công bụng đã sinh nghi, bỗng có một vị hòa thượng đội trạng kêu oan trước kiệu. Bao Hưng lấy tờ trạng dâng lên, Bao Công xem xong truyền đưa hòa thượng về phủ, rồi lập tức thăng đường. Hỏi ra mới biết đó là sãi Pháp Minh thế cho sư huynh là Pháp Thông đi kêu oan, liền cho lui xuống tạm nghỉ.

Bao Công lui vào hậu đường nghe có tiếng hai con quạ kêu nữa, bước ra xem thời quả hai con quạ khi nãy liền hiểu ý ngay, sai kẻ tả hữu đi kêu Giang Phàn và Huỳnh Mậu tới thư phòng. Bao Công liền sai chúng đi theo hai con quạ, hễ thấy có người đáng nghi thời bắt ngay. Giang Phàn và Huỳnh Mậu vâng lệnh kêu hai con quạ mà nói rằng: "Chúng bay đi trước dẫn đường cho ta đi". Quạ gật đầu rồi vỗ cánh bay bổng, Giang Phàn và Huỳnh Mậu vội vã đi riết theo. Hai người mồ hôi ướt áo, hơi thở khò khè, bước đã không bước nổi. Thấy trước mặt là Bửu trang. Hai con quạ đã mất hút, chỉ thấy có hai người mặc áo đen, một người to lớn phốp pháp và một người dáng học trò. Giang Phàn và Huỳnh Mậu đương ngơ ngác lấy làm lạ, chợt thấy hai người nọ bỏ chạy vào một đường hẻm. Người dáng học trò chạy theo không kịp một chiếc giày tụt ra để lộ gót sen. Người lớn phốp pháp trở lại đỡ dậy lượm chiếc giày đưa cho người nọ. Huỳnh Mậu thấy vậy chạy tới hét rằng: "Mi là ai dám bắt con gái nhà người đem đi đâu đây?". Nói dứt tiếng với kéo tay người ấy lại, ai dè người to lớn ấy lẹ mắt hơn tay đùa một cái, né mình ra thời Huỳnh Mậu té nhào xuống đất. Giang Phàn nhảy tới tiếp bị người to lớn xô một cái đứng không vững cũng ngã quỵ xuống. Hai người mắng chửi om sòm, muốn đứng dậy đấu sức nữa, song nhắm không đương nổi, nghe người to lớn sai người dáng học trò: "Mi mau chạy theo đường mòn này qua khỏi cụm rừng, vào nhà bảo trang đinh ra trói bọn nó". Người dáng học trò vâng lời chạy đi một lát thì bọn gia đinh xách gậy, thước sắt tới, chúng bắt Giang Phàn và Huỳnh Mậu trói lại rồi kiệu đi khỏi cụm rừng đưa vào một tòa nhà.
Tới nơi người to lớn mà bọn gia đinh kêu chủ quản đi vào trong bẩm với Viên ngoại. Viên ngoại nghe báo chạy ra thấy hai tên công sai thời thất kinh.
Ấy là:
Tưởng theo đôi quạ dở tin lạ,
Mừng được một khi gặp bạn quen.
Hồi Thứ Bốn Mươi Chín

Triệt Địa Thử lo cứu hai công sai,
Bạch Ngọc Đường lén trộm ba báu vật.

Vị Viên ngoại ấy nhìn được Giang Phàn, liền vội vàng sai gia đinh mở trói cho hai người, rồi mời ngồi. Nguyên vị Viên ngoại ấy tên là Lâm Xuân, trước kia cùng với Giang Phàn kết bạn, cũng một tụi phá xóm phá làng với nhau. Về sau Lâm Xuân gặp mối, được nhiều tiền bạc bèn ở bạc với Giang Phàn. Thấy vậy Giang Phàn mới xuống phủ Khai Phong đầu hiệu. Lâm Xuân được tin ấy muốn xóa việc cũ mà kết liên lại, ai dè Giang Phàn thấy Bao Công bình chính trực, giúp nước vì dân, lại thêm có Triển Chiêu, Công Tôn Sách, và bốn dũng sĩ, hào kiệt anh hùng nên đã cải tà quy chính rồi. Chẳng may ngày nay rủi bị tên chủ quản của Lâm Xuân là Lôi Hồng bắt được. Lâm Xuân lại tỏ ý hậu đãi, thời lòng cũng yên. Khi Giang Phàn và Huỳnh Mậu uống trà, Lâm Xuân đứng dậy thưa rằng: "Ngu phu thật không dè hai ngài là công sai, nên mới lầm lỡ như vậy xin nghĩ tình trước mà dung một vài phần". Giang Phàn nói: "Tôi cùng nhân huynh xưa kia đã từng chung chịu gian nan khổ, sao nay còn e ngại như vậy". Nói rồi đứng dậy từ tạ lui về. Lâm Xuân đưa mắt liếc tiểu đồng một cái, và giữ Giang Phàn lại nói rằng: "Hiền đệ chớ vội vã". Nói rồi tiểu đồng đã bưng ra một mâm, trên có để bốn gói bạc, Lâm Xuân nói với Giang Phàn rằng: "Tình xưa nghĩa cũ, không biết lấy chi tỏ lòng, xin có chút lễ bạc, xin hiền đệ chớ cười mà nhận cho". Giang Phàn đáp: "Nhân huynh muốn mua lòng tôi sao, tôi quyết không nhận". Lâm Xuân thấy Giang Phàn từ chối cả giận nạt rằng: "À, mi ỷ có chỗ dựa hơi, ỷ có phủ Khai Phong, nên không nhận bạc, còn mở lời sỉ nhục ta, ta sẽ cho mi biết mặt". Dứt lời hạ lệnh cho Lôi Hồng và gia đinh ập lại bắt Giang Phàn và Huỳnh Mậu đem ra nhà bên cạnh treo lên trên hai cái vòng sắt, rồi thay phiên nhau lấy roi da mà đánh. Hai người tức mình lắm, mắng nhiếc không ngớt lời.

Bấy giờ trời đã tối, trong nhà đã đốt đèn, Lôi Hồng và gia đinh đánh đã mỏi tay, bèn đóng cửa lại bỏ đó, kéo nhau đi ăn cơm, cho nên bốn bề lặng lẽ. Giang Phàn và Huỳnh Mậu nghe mé trong có người than khóc, bèn hỏi rằng: "Ngươi là ai mà than khóc như vậy?" Người nọ đáp: "Tôi nguyên họ Đậu, nhân cùng con gái đi xuống Biện Lương tìm bà con, đi ngang qua đây rủi gặp Viên ngoại thấy con tôi có chút nhan sắc bèn bắt đi. Nhờ một hiệp sĩ là Hàng Chương thấy việc bất bình, ra tay cứu gỡ, lại cho năm lượng bạc. Chẳng dè cha con tôi lạc nẻo lạ đường, đi luẩn quẩn bị Viên ngoại bắt lại, đem giam tôi vào đây, còn con gái tôi tính mạng thế nào chưa biết“. Lúc đương nói chuyện, nghe cửa khua kẹt kẹt, rồi mở ra, có một người bước vào, Đậu lão ngó thấy bèn kêu: "Bớ ân nhân, mau cứu tôi với". Giang Phàn và Huỳnh Mậu nghe Đậu lão kêu là ân nhân biết là Hàng Chương liền kêu rằng: "Bớ Nhị gia, xin cứu chúng tôi". Hàng Chương liền rút dao ra cắt đứt dây trói cứu Giang Phàn, Huỳnh Mậu và Đậu lão, rồi dắt ra khỏi nhà tìm chỗ cho trốn, đợi mình vào bắt Lâm Xuân và tìm con gái Đậu lão. Còn đương bàn luận, chợt thấy có một cái tàu ngựa ở mé phía tây, Giang Phàn liền đem Đậu lão và Huỳnh Mậu giấu ở đó, còn mình trốn chỗ khác. Yên trí xong xuôi, Hàng Chương liền trở vào nhà, đi qua một gian phòng đèn đốt sáng trưng, bèn núp ngoài nghe có tiếng đàn bà nói rằng: "Bẩm bà, bà thắp nhang cầu phật chắc là cầu cho Viên ngoại bình an vô sự”. Bà ta đáp: "Tâm tôi như vậy, song chưa chắc là được. Vì nó cứ làm điều ác mãi. Hôm nay lại mới bắt được một đứa con gái nhốt ở buồng bên kia, không hiểu chủ ý nó làm gì?". Người đàn bà nói: "Ở phía nam nhà ta có một người thợ thiếc tên là Quý Quản, vợ y là Nghê Thị với Viên ngoại có tình ý gì mà nhân lúc Quý Quản ốm vừa dậy, Viên ngoại sai Lôi Hồng định kế với Nghê Thị về nói với chồng rằng: Khi ốm có nguyện thắp hương tại chùa Bửu Châu, nên thế nào cũng phải cầu nguyện. Sau chùa ấy có một cái gò không, tên Lôi Hồng nhà ta nấp ở đó, chờ lúc Nghê Thị thắp hương xong ra gò ấy đi tiểu, cởi quần ngoài dắt gần đó, khi tiểu xong, dòm lại thì mất quần, liền bươn bả trở về nhà, đến nửa đêm nghe có người kêu trả quần, Nghê Thị sai chồng mở cửa mà lấy, ai dè bị chúng cắt mất đầu. Nghê Thị liền đem việc ban ngày mất quần, tối chồng bị cắt đầu, cáo ở huyện Tường Phù. Quan huyện tới chùa khám xét thấy ở sau gò đó có chỗ đào đất, liền sai người đào lên thời có cái quần của Nghê Thị gói đầu Quý Quản chôn ở đó.
Người đàn bà lại nói tiếp: "Vì vậy mà vị hòa thượng ở trong chùa là Pháp Thông bị bắt về huyện tra khảo. Chẳng dè Pháp Thông có một người sư đệ là Pháp Minh đi mộ hóa về, nghe có sự như vậy liền lên phủ Khai Phong đầu cáo. Viên ngoại nghe tin ấy sợ lắm, vì phủ Khai Phong xét án rất lợi hại, nên mới sai Lôi Hồng đem áo cho Nghê Thị cải trang và rước về đây để vào buồng kín mé bên kia, nghe đâu đêm nay sẽ thành thân". Hàng Chương nghe xong rón rén đi qua buồng phía đông nghe ở trong đó có tiếng nói rằng: "Lúc thiếp qua đây có gặp hai tên công sai, chẳng may tuột giày, lộ gian cho chúng nó biết, nếu để cho chúng nó thoát ra thời bể việc to". Lâm Xuân nói: "Ta đã sai Lôi Hồng tới canh ba sẽ đem bọn nó giết cho rồi". Hàng Chương nghe nói tới đó liền vén rèm bước vào rút đao giơ lên và hét một tiếng. Lâm Xuân thất kinh quỳ lạy xin dung mạng. Hàng Chương không nói gì cứ việc trói Lâm Xuân và người đàn bà ấy lại lấy giẻ nhét vào mồm. Vừa trở ra, thời có người đi tới, ấy là Lôi Hồng vâng lệnh chủ xách đao ra giết Giang Phàn và Huỳnh Mậu. Lúc hắn tới nơi không thấy ai cả tiền hô hoán lên, lũ gia đinh túa ra đi kiếm, gặp Đậu lão và Huỳnh Mậu ở trong tàu ngựa, liền kéo ra trói lại. Lôi Hồng dặn dò gia đinh coi giữ, còn mình chạy báo cho Viên ngoại. Vừa gặp Hàng Chương liền cùng nhau đánh đấu. Lôi Hồng tuy dở mà có sức mạnh, Hàng Chương giỏi mà yếu hơn, may sao Lôi Hồng bị một cục đá ở đâu chọi tới trúng đầu ngã lăn ra, Hàng Chương nhảy tới chém bồi một đao vào giữa xương sống. Kế thấy Giang Phàn chạy tới phụ với Hàng Chương trói Lôi Hồng lại.

Nguyên Giang Phàn giấu Huỳnh Mậu và Đậu lão rồi, tìm nơi có bóng tối núp. Đến lúc bọn gia đinh và Lôi Hồng vào tàu ngựa bắt hai người kia, rồi Lôi Hồng chạy báo cho Viên ngoại, Giang Phàn lén đi theo, song trong tay không có khí giới, chẳng biết làm sao, bèn lượm đá kèm theo, đề phòng khi bất trắc. Khi Hàng Chương có cơ không thắng nổi Lôi Hồng bèn dùng đá chọi cầu may.
Hàng Chương bắt được Lâm Xuân, Lôi Hồng rồi, bèn đi kiếm con gái Đậu lão, giao cả cho Giang Phàn, Huỳnh Mậu và kể lại những lời đã nghe lén về mụ Quý Quản mất đầu. Giang Phàn lại đem chuyện Lư Phương xin ra đầu hiệu triều đình kể cho Hàng Chương nghe, Hàng Chương không nói gì bỏ đi.
Bọn Giang Phàn áp giải cả bọn về phủ Khai Phong và kể lại mọi chuyện. Bao Công liền sai nha dịch ra huyện Tường Phù điệu Pháp Thông về phủ, rồi lập tức thăng đường. Bọn Lâm Xuân, Lôi Hồng, Nghê Thị nhắm không thể chối cãi liền khai ngay. Bao Công bắt chúng ký tờ cung rồi luận tội gia hình. Án ấy xử xong, Bao Công trở vào nhà trong dùng cơm tối.
Lúc bấy giờ vừa hết canh một, Bao Công nghe trong viện có tiếng động, liền bảo Bao Hưng rọi đèn coi, thấy có một gói giấy gói cục đá. Bao Công mở ra, thời là một phong thư, có bốn câu: "Bữa nay ta tới mượn Tam Bảo, đem thẳng về bên đảo Hãm Không. Triển Chiêu phải tới Lư gia trang. Đem lông Ngự miêu cho ta cạo". Bao Công xem xong sai Bao Hưng đi coi chừng Tam Bảo (ba vật báo là: Gối Du tiên, mảnh gương xưa và Cổ kim bồn) lại sai Lý Tài đi mời Triển hộ vệ. Chẳng bao lâu Triển Chiêu tới, Bao Công đưa thư cho coi, Triển Chiêu coi xong lật đật nói rằng: "Tướng gia đã có sai ai đi coi chừng Tam Bảo không?". Bao Công đáp: "Đã có sai Bao Hưng đi rồi". Triển Chiêu cả kinh nói: "Thôi rồi, Tướng gia mắc kế "ném đá dò đường” rồi!" Bao Công hỏi: "Kế ấy làm sao?" Triển Chiêu đáp: "Vả chăng nó chưa biết Tam Bảo để chỗ nào, nên viết thư ấy làm cho ta nghi, sai người đi thăm, nếu ta không đi thăm chừng thời nó hết phép, nay đã sai đi thăm, thì Tam Bảo chắc mất chẳng sai”. Đương còn bàn bạc, nghe bên ngoài có tiếng la lối. Triển Chiêu càng thêm kinh hãi.

HOMECHAT
1 | 1 | 155
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com