watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
06:41:3819/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa 26 - 50 - Trang 4
Chỉ mục bài viết
Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa 26 - 50
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Tất cả các trang
Trang 4 trong tổng số 8

Hồi Thứ Ba Mươi Lăm

Ra cửa cho vàng, liễu hoàn* bỏ mạng,
Cạy hòm trộm của, ác bộc quên ơn.

* Liễu hoàn: người đầy tớ gái
Hôm sau Quân Hoành vẫn lẩn thẩn đi lại chơi ở thư trai của Nhan Xuân Mẫn. Đi tới hoa viên gặp con đầy tớ Tú Hồng đằng kia đi lại, bụng đã sinh nghi lại hỏi: "Tú Hồng? Mi đi lại đây làm gì?". Tú Hồng đáp: "Chào Phùng công tử, vì cô tôi dạy lại đây hái hoa". Quân Hoành hỏi: "Mà hoa mi hái ở đâu?". Tú Hồng nói: "Không có, bởi vì xem thấy hoa chưa nở, nên đi tay không về, mà công tử cật hỏi chuyện ấy làm chi? Vườn của chủ tôi, tôi hái, can thiệp gì tới công tử?".
Tú Hồng nói rồi bỏ đi một mạch, Quân Hoành vừa giận vừa nghi, đi riết vào thư trai chỉ thấy một mình Nhan sinh ở đó, còn Võ Mặc đi nấu trà vắng. Bấy giờ Nhan sinh đương cầm một phong thư vừa muốn mở ra xem, thấy Quân Hoành tới bèn đút vào cuốn sách trên bàn rồi chào hỏi mời ngồi. Quân Hoành ngồi xuống, làm bộ niềm nở hỏi mượn sách vở về xem. Nhan sinh vô ý bước lại kệ sách lựa lấy, ai dè khi nãy Quân Hoành đã thấy chỗ để bức thư, bèn lẹ tay lấy bỏ vào túi, đợi Nhan sinh đưa sách cho mượn liền kiếu ra về.
Về nhà Quân Hoành xé thư ra xem, thời là lời ước hẹn tới canh hai đêm ấy Kim Thiền và Nhan sinh sẽ hội ngộ tại cửa sau, để tỏ tình và cho tiền như ý bà vú Điền Thị đã nghĩ. Quân Hoành xem xong nghĩ thầm rằng: "Nếu đêm nay chúng nó hội ngộ nhau rồi, thời duyên phận ta như mây tan nước chảy. Mà may sao thư này lại lọt vào tay ta, dẫu Nhan sinh biết ta lấy, lại dám làm gì sao? Thôi đêm nay ta phải giả Nhan sinh lại nơi kỳ ngộ, ép nàng dưới nguyệt trong hoa, thời khoái biết bao nhiêu, nếu nàng không chịu ta có thư làm chứng, thời cái tội mở cửa rước trộm này lớn lắm, nàng phải sợ ngay “.
Nói lại lúc Kim Thiền sai Tú Hồng đưa thư cho Nhan sinh rồi thời thu vét cả đồ tư trang và tiền bạc đựng vào một gói. Tới trống canh hai sai Tú Hồng xách ra cửa sau cho Nhan sinh. Tú Hồng ra tới nơi, thấy đằng xa đi lại một người, coi giống dạng Nhan sinh liền hỏi: "Ai đó?". Người ấy đáp: "Tôi là Nhan sinh đây". Tú Hồng nghe tiếng lạ hoắc, lại thấy người ấy muốn xốc lại ôm, liền la rằng: "Có trộm, có... " Quân Hoành vội vã bụm miệng nó lại, ai dè cái tướng vũ phu thô lỗ kia, mạnh mẽ làm sao, vô ý làm sao, đã không bụm được miệng lại bóp vào cổ con Tú Hồng, làm cho thân mai vóc liễu không chịu nổi, ngã ngửa ra chết ngay. Quân Hoành thấy biến bèn xách gói bạc trở về nhà, rồi lại đem quạt và bức thư của Nhan sinh tới bỏ dựa bên thây Tú Hồng.
Tiểu thư và bà vú Điền Thị chờ một lúc lâu không thấy Tú Hồng trở lại. Điền Thị lén đi xem, thời thấy người canh hô hoán lên là Tú Hồng đã chết, lật đật về phòng cho tiểu thư hay.

Liễu viên ngoại và Phùng Thị nghe chuyện như vậy tức thì tới nơi xem, thấy có bức thư và cái quạt ở bên cạnh, bèn đem đèn lại xem, xem xong đi vội vào phòng tiểu thư mắng nhiếc thậm tệ. Tiểu thư ngồi xịu mặt chưa biết đáp làm sao, may Phùng Thị vừa đi tới, lấy bức thư xem và nói rằng: "Ông lầm rồi, việc này tại con Tú Hồng hết thảy, thư này nó viết chớ không phải Kim Thiền, vì chữ hai đứa nó giống lắm, lại con mình còn ở nơi phòng, mà Tú Hồng chết ở đó thì đen trắng rõ rồi. Tức nỗi thằng chết bầm kia đã được tiền lại còn hại mạng". Liễu Hồng nghe nói, trăm oán ngàn giận đều đổ trút lại một mình Nhan sinh, liền viết tờ cáo, nói Nhan sinh giết Tú Hồng rồi bắt Nhan sinh giải lên huyện Tường Phù.
Tội nghiệp Nhan sinh đương ngủ nào có hay gì. Nhờ có Võ Mặc biết đầu đuôi thuật lại, nên Nhan sinh không lấy làm lạ và cũng vững lòng. Còn Phùng Thị cứ kiếm kế này chước nọ xúi Liễu Hồng xin quan huyện buộc Nhan sinh phải thế mạng cho Tú Hồng; nên lúc quan huyện tới nghiệm thây, thì Liễu Hồng hết sức xin xử đền mạng. Quan huyện khám nghiệm xong, về nhà thăng đường thấy tướng Nhan sinh hiền từ nho nhã không phải kẻ sát nhân thời có ý thương bèn hỏi: "Nhan Xuân Mẫn kia, vì sao mi nỡ đang tay giết Tú Hồng?". Nhan sinh đáp: "Vì nó không vâng lời sai khiến và hay cự lại, nhân bữa đó nó nói nhiều điều vô lễ tôi nổi giận kéo cổ ra cửa sau bóp cho nó chết nghẹt. Tội như vậy mong lão gia liệu xử thế nào tôi cũng chịu. Nghĩ vì kiếp trước lắm nỗi oan trái, nay phải mang nghiệp báo". Nói rồi cúi lạy coi vẻ tự nhiên, quan huyện lấy làm lạ lắm nghĩ rằng: "Người này nếu không phải điên thời trong việc này cũng có lẽ gì rắc rối nên không thể nói ra, phải nhận liều như vậy cũng chưa biết chừng. Vậy ta nên xét kỹ rồi sẽ định án". Nghĩ xong sai đem giam Nhan sinh vào ngục.
Nguyên Nhan sinh nghĩ rằng: "Tiểu thư có lòng tốt giúp mình, mong nên ước hẹn, bởi tại mình vô ý thành ra Tú Hồng thác oan, nếu nay mà khai rõ nguyên do, chắc Tiểu thư chẳng khỏi ra cửa quan đối chất, như vậy e mất danh giá và bại hoại gia phong của Tiểu thư. Thà là chịu chết để buộc tội vô ý phải làm cho Tú Hồng chết oan kia". Khi Võ Mặc thấy chủ mình cung nhận và bị giam vào ngục, khóc rống lên, nước mắt như mưa xối, vơ vét tiền bạc đem lo cho chúa ngục xin vào hầu hạ tướng công. Vì vậy Võ Mặc được vào ngục, thấy Nhan sinh khốn khổ thời than khóc rầm rĩ, duy Nhan sinh thì cứ một mực vui vẻ tươi cười. Tin Nhan sinh chịu tội cung xưng đưa tới nhà họ Liễu, Liễu Hồng và Phùng Thị mừng rỡ lắm, chỉ có một mình Kim Thiền tiểu thư lại càng sầu não. Nàng nghĩ rằng: "Tại ta mà Nhan sinh phải liên lụy, lại cũng vì ta mà Nhan sinh phải cung xưng. Ôi! Người không bỏ ta, ta sao nỡ phụ người. Thôi thôi! Chàng mà chết thời ta còn sống làm chi, nhưng muốn tạ nghĩa chàng, ta nên chết trước chàng cho rõ mày đẹp dạ". Tiểu thư đã quyết rồi, nên chờ bà vú Điền Thị đi vắng, liền mở đây lưng buộc lên rường nhà treo cổ mà chết. Khi Điền Thị trở vào thấy vậy chạy báo cho Liễu Hồng, đem người nhà vào cấp cứu, song le hồn đã dạo chơi tiên cảnh, phách đà lên chốn đài mây, còn mong gì cứu. Liễu Hồng muốn sai người đi báo huyện, Phùng Thị can rằng: "Không được, nếu bộc lộ việc này ra thời hại to". Liễu Hồng hỏi: "Sao vậy?”. Phùng Thị nói: "Còn án con Tú Hồng kia mà, sao mà nhân mạng nhiều thế?”. Liễu Hồng lại hỏi: "Vậy tính làm sao cho êm bây giờ?". Phùng Thị nói: "Tốt hơn hết là nên sắm hòm rương tẩm liệm lại tử tế để quản sau hoa viên, cấm gia nhân không cho ai nói tiểu thư tự vẫn, mà phải tuyên truyền rằng tiểu thư bệnh nặng. Đợi ít ngày sẽ bán rao ra rằng tiểu thư vì bệnh mà chết, bấy giờ sẽ đem quan tài ra ngoài mà chôn, ấy là kế hay hơn hết".
Liễu Hồng nghe theo lời, bảo gia nhân làm y kế, rồi cho mỗi đứa bốn lượng bạc và cứ đóng kín cửa hoa viên sợ người ra vào biết.

Ai dè trong bọn gia nhân có Ngưu Lư Tử là con của Ngưu Tam. Vì cha nó lúc trước là đầy tớ trung thành của Liễu Hồng, nay già lại đui mắt, nên Liễu Hồng thương lắm, cất cho một cái nhà ba gian ở sau hoa viên, cho vợ chồng con cái ở với nhau. Khi Ngưu Lư Tử lĩnh bốn lượng bạc về nhà, vợ là Mã Thị mới hỏi cớ sao mà có bạc, Lư Tử liền kể hết các việc lại nói thêm rằng: "Tiểu thư chết đem theo nhiều đồ quá, nào là trâm phụng, kiềng vàng, bông tai ngọc, vòng chuỗi nhiều lắm". Mã Thị nghe nổi bụng tham, bèn bảo Lư Tử rằng: "Nếu mình bạo gan, đem nay lén tới cạy hòm trộm đồ ấy, thời cả đời sung sướng. Kìa kìa, cách có bao xa mà sợ". Ngưu Tam nghe nói rầy rằng: "Bây tính việc đó không được đâu! Làm vậy còn lương tâm thiên lý nào. Chủ có việc không lo, lại tham tâm làm quấy. Lư Tử! Việc ấy không nên đâu con". Ngưu Tam bảo vậy mà Lư Tử nào có nghe, cứ việc sai vợ con lo cơm nước cho sớm, tự mình kiếm một cái búa và một cây gậy, chờ tới canh hai sẽ ra tay.

Hồi Thứ Ba Mươi Sáu

Tiểu thư hoàn hồn, Lư Tử bị giết,
Thơ đồng hầu chỉ, hiệp sĩ xài tiền.


Ngưu Lư Tử chờ tới canh hai, xách gậy và búa leo tường vào hoa viên đi thẳng tới chỗ để quan tài của tiểu thư, bát giác nhớ tới lúc liệm tiểu thư, lưỡi le mắt trợn, thời thất kinh thụt lùi lại. Một lát gượng gạo đi tới quỳ vái rằng: "Ân ai vong hồn tiểu thư, Lư Tử này vì nghèo nên làm láo, xin tiểu thư cho mượn chút ít tư trang, bao giờ phát tài, sẽ tạ lễ”. Vái rồi bước tới dứt néo đút gậy bật nắp hòm qua một bên, vừa muốn thò tay vào, bỗng nghe tiếng rên ư ử, liền đưa mắt nhìn, thấy tiểu thư vừa lồm cồm ngồi dậy, vừa nói: "Kẻ vô phước này xin nhớ lời công công dạy bảo". Bấy giờ Lư Tử hồn vía lên mây, chạy nép một bên, giây lát tỉnh trí lại nghĩ rằng: "Bây giờ tiểu thư mới hoàn hồn, chắc hơi thở còn yếu lắm, vậy ta nên bóp cổ cho chết lại, mới lấy được của". Nghĩ rồi vội vã chạy lại vừa muốn ra tay, chợt nghe đánh xẹt một tiếng, tay trái đã bị thương đau lắm, song không dám la. Ngoảnh đầu ngó lại, thấy có bóng một người đi tới, Lư Tử dớn dác muốn chạy, bị người ấy đá nhào xuống đất, rút gươm ra kề vào cổ hỏi rằng: "Người chết trong hòm đó là ai?". Lư Tử nói: "Ấy là Liễu Kim Thiền tiểu thư thắt cổ chết". Người ấy lại hỏi: "Tại sao tiểu thư thắt cổ?". Lư Tử nói rằng: "Vì nghe Nhan sinh đã thú tội, nên tiểu thư tự vẫn không hiểu có ý riêng gì, xin lão gia dung mạng tiểu nhân, đừng giết tội nghiệp". Nói rồi lạy dài. Người ấy nói rằng: "Không thể tha được, ban đầu mi tham của cạy hòm, tội còn nhẹ, sau này lại sinh lòng hại người nữa, thời còn dung làm sao?". Tiếng nói vừa dứt lời Lư Tử đã bay đầu, hồn về quỷ cảnh.
Người lạ ấy là Kim Mậu Thúc ba lần gặp Nhan sinh ở quán, mà Kim Mậu Thúc tức là Bạch Ngọc Đường giả dạng. Từ lúc giúp bạc cho Nhan sinh, hằng tới lui nhà Liễu Hồng dò xét, thấy Nhan sinh ở yên thời vui lòng lắm, ai đè thình lình nghe Nhan sinh bị huyện Tường Phù bắt giam, lấy làm lạ nên thừa lúc tăm tối tới nhà Liễu Hồng rình nghe công việc, chớ thiệt chưa hay tin tiểu thư tự vẫn.”

Bạch Ngọc Đường đã giết Lư Tử rồi, nhìn lại thấy tiểu thư đã sống liền kêu lớn lên rằng: "Tiểu thư đã hoàn hồn rồi, tiểu thư sống lại rồi". La rồi liền nhảy ra khỏi tường đi mất dạng. Bọn tuần canh nghe kêu liền xách đèn đi xem, thấy tiểu thư đã sống lại thật, liền lật đật đi báo cho Viên ngoại, vừa đi thì đụng thây Lư Tử, chúng nó kinh hãi vừa chạy vừa la.
Vợ chồng Liễu Hồng nghe nói tiểu thư sống lại thì mừng rỡ vô hạn, bươn bả chạy ra hoa viên đã thấy có Điền Thị ở đó, liền giục ẵm tiểu thư về phòng, thuốc men một lát mới thấy phục thần như cũ, song còn yếu phải tĩnh dưỡng ít lâu. Tiểu thư đã tỉnh rồi, Liễu Hồng mới trở ra khỏi cửa, thời bọn tuần canh lại báo có thây chết nữa, Liễu Hồng liền lật đật đi theo, tới nơi thấy rõ là thây Ngưu Lư Tử, thất kinh nói: "Quái lạ, sao Lư Tử vào đây để bị chúng giết, vào đây làm gì lại có gậy có búa, hoặc có ý trộm của, mà nếu cạy hòm, thấy tiểu thư sống lại thời thôi, sao còn ai giết nó, lạ quá!". Nói rồi sai người đi báo với trưởng thôn. Ông ta tới nơi cười nhạt rằng: "Nhà ông thật làm rối cho làng xóm lắm, đêm trước bóp cổ chết liễu hoàn, nay lại chém gia bộc, thật là việc khó lắm lắm". Liễu Hồng nghe gióng hơi, biết cậu ta đòi ăn tiền, lật đật vào mở tủ lấy tiền ra hối lộ. Ai dè vào tới buồng tủ đã gãy khóa, mở ra thời bạc mất hết mười phong, bụng ông ta đã nát biến như tương, gượng lấy chút ít bạc lẻ cho trưởng thôn để cậy đi báo quan trên.
Trưởng thôn đi rồi, Liễu Hồng trở vào gọi Phùng Thị bàn luận việc mất bạc. Ý ông ta muốn cáo để quan trên tầm nã gian nhân. Phùng Thị can rằng: "Ông tính việc ấy không được, hiện nay nhà mình có hai án sát nhân còn lôi thôi chưa xong, nay lại có việc mất trộm nữa, e họ biết nhà mình có nhiều tin, không khỏi bức sách, chừng ấy chẳng những mất mười phong bạc kia mà lại còn hao thêm, không biết bao nhiêu nữa". Liễu Hồng khen phải, bèn bỏ qua việc ấy.

Còn Mã Thị ở nhà đợi chồng mãi không thấy về, trong bụng đã lo sợ, chợt thấy có Lý Nhị tới cho hay Lư Tử bị giết thời khóc kể om sòm. Ngưu Tam nghe rõ câu chuyện đã chẳng buồn lại mắng dâu rằng: "Con, dâu bất hiếu như vậy chết hết cũng không buồn nữa là một mình Lư Tử. Tao cản nó không được thời thôi, đó là sự báo ứng nhãn tiền còn khóc gì nữa". Mắng rồi bảo Lý nhị dắt mình ra mắt Viên ngoại, và làm chứng cho quan khám tử thi, rồi xin lĩnh về.
Nhan sinh ở trong ngục nhờ có Võ Mặc hầu hạ nên không đến nỗi khốn nạn lắm. Ngày nọ người coi ngục họ Giả kêu Võ Mặc ra miếu ngục thần, tỏ ý rằng không muốn cho nó ở hầu Nhan sinh nữa. Võ Mặc cũng biết thói đời sâu mọt, nhưng bây giờ túi không còn dính một xu, biết lấy gì mà đút lót, chỉ có kêu khóc năn nỉ mà thôi. Nhưng cái đồ lỗ mãng nọ, đâu có lòng trắc ẩn, biết thương người hoạn nạn chịu cho Võ Mặc ở hầu chủ. Võ Mặc đương lúc khó liệu, thấy cai ngục họ Ngô kêu cai ngục họ Giả ra ngoài nói chuyện. Một lát Giả trở vào hỏi rằng: "Mi với Bạch tướng công thân thích nhau không?". Võ Mặc đáp: "Không có quen với ai họ Bạch cả“.
- Sao Bạch tướng công nào cho chúng ta rất nhiều tin, dặn dò gửi gấm chủ mi, và xin vào ra mắt.
- Cái đó thật tôi không biết.
Giả còn đương cật hỏi Võ Mặc, thấy Ngô đưa một người đi vào. Võ Mặc nhìn người ấy ăn mặc đồ võ sinh, hình dung tuấn tú, ra vẻ hào kiệt anh hùng, có hơi giống Kim Mậu Thúc, nhưng không dám nhìn, chỉ làm thinh mà ngó. Người ấy là Bạch Ngọc Đường. Bạch Ngọc Đường thấy Võ Mặc liền vịn vai hỏi rằng: "Em cũng vào ở trong này nữa sao?". Võ Mặc thưa: "Dạ, tôi ở trong này hầu chủ tôi, dầu có bề nào, có chủ có tớ, chớ tôi bỏ đi đâu cho đành". Ngọc Đường nghe nói thương lắm khen rằng: "Trẻ nhỏ mà được ân hậu như em đây, ta chưa được thấy". Võ Mặc đáp: "Cái đó là bổn phận của tớ, có lạ chi, mà tướng công có phải là họ Kim không?". Bạch Ngọc Đường đáp phải, rồi lại hỏi Nhan Sinh hiện bị giam cầm nơi nào?
Ấy là:
Chủ mắc nạn, tớ cam một dạ,
Bạn chịu oan, ai nỡ hai lòng.

Hồi Thứ Ba Mươi Bảy

Thế cho chủ, đón xe đội trạng,
Lo giúp bạn, để kiếm trao thư.


Bạch Ngọc Đường hỏi, Võ Mặc chưa kịp đáp, thời Giả thưa rằng. "Dạ, ở trong nhà ba gian kia, chúng tôi hầu đãi hết sức tử tế”. Ngọc Đường nói: "Nếu được như vậy ta sẽ trọng thưởng”. Nói rồi cùng Võ Mặc vào thăm Nhan sinh. Nhan sinh tuy không bị gông xiềng, nhưng trong vòng khốn khổ nên vẻ mặt rất tiều tụy, dơ dáy. Ngọc Đường thấy vậy thương lắm, hỏi rằng: "Vì sao nhân huynh lại ra nông nỗi này?". Nhan sinh mỉm cười nói: "Hiền đệ vào đây mà hỏi việc ấy làm gì?". Bạch Ngọc Đường thấy Nhan sinh không có vẻ lo buồn thời khen thầm là người anh hùng liền đáp: "Tiểu đệ nghe nhân huynh mang nỗi hàm oan, nên vào đây hỏi cho tường chân giả, với ai nhân huynh giấu giếm, đến như tiểu đệ thời còn giấu làm chi". Nhan sinh bất đắc dĩ phải thuật rõ câu chuyện lại cho Bạch Ngọc Đường nghe và tỏ ý mình không muốn cho tiểu thư ra mặt mà bại hoại gia phong. Ngọc Đường nghe nói, hỏi rằng: "Nhân huynh làm như vậy thật là bụng tốt, song còn bác ở nhà chỉ có trông cậy ở nhân huynh, nếu nhân huynh vì chuyện nhỏ mà làm liều mình, thời lấy ai thế cho được đáp ơn trời biển". Một câu nói ấy khiến cho Nhan sinh lòng đau như cắt, đổ lụy như mưa, khóc mà rằng: "Nếu rủi có bề gì, xin hiền đệ thế ta mà chu toàn cho gia mẫu”. Nói rồi bụm mặt khóc rống lên, Võ Mặc đứng một bên cũng khóc. Ngọc Đường nói: "Chuyện ấy xin Nhan huynh yên tâm, tôi còn một phương giải cứu hiện nghe Bao Thừa tướng, công minh đúng bậc, đoán án như thần, có thể kêu oan với người để giải niềm oan uổng”. Nhan sinh nói: "Hiền đệ lầm rồi, làm sao kêu oan cho được, vì ngu huynh đã cung nhận rồi mà". Ngọc Đường nói: "Tuy vậy mà bẩm văn của huyện lên tới phủ Khai Phong, ắt không khỏi Bao Công nghi hoặc". Nhan sinh nói: "Kinh Thi có câu: Thất phu bất khả đoạt chi, huống chi là ngu huynh, xin hiền đệ yên lòng".
Ngọc Đường thấy nói không chuyển liền giả mượn Võ Mặc theo mình ít hôm, rồi ra ngoài lo lót với bọn cai ngục, cậy săn sóc Nhan sinh kỹ lưỡng. Bọn đó được bốn phong bạc của Ngọc Đường cho, thời chẳng quản khó nhọc. Ra khỏi ngục Võ Mặc hỏi Ngọc Đường rằng: "Tướng công đem tiểu nhân ra ngoài có điều chi sai khiến? Có phải sai lên phủ Khai Phong kêu oan hay không?". Ngọc Đường khen rằng: "Em sáng trí lắm, vậy có dám đi không?". Võ Mặc đáp: "Nếu không dám, tôi hỏi tướng công làm gì, ý ấy tôi tính đã lâu, ngặt không ai hầu tướng công tôi, nên đi chưa tiện". Ngọc Đường khen lắm, liền dặn dò các việc, và cho ít nhiều tiền bạc để Võ Mặc lên đường.

Võ Mặc lanh lợi khôn ngoan nên đi đường vô sự. chỉ có một điều rất lạ, là tới đêm ấy tại phủ Khai Phong có xảy ra một chuyện kỳ quái. Nguyên Lý Tài và Bao Hưng hầu hạ Bao Công tại Ngọa phòng, nửa đêm bỗng nghe có tiếng động và tiếng Bao Công cựa mình, liền lật đật bưng đèn rọi xem sự thể. Bỗng thấy trên bàn có một bức thư và một lưỡi gươm găm chặt thư ấy xuống mặt bàn, kinh hoảng la lên. Bao Công tỉnh giấc, bảo đưa lên xem, trong thư chỉ có bốn chữ "Nhan Xuân Mẫn oan" mà thôi, Bao Công lấy làm lạ lắm trong bụng nghĩ ngợi mãi.
Sáng ngày Bao Công cũng cứ lệ đi chầu. Khi trở về, thấy một đứa nhỏ đón kiệu kêu oan, liền sai Vương Triều dắt nó về phủ, rồi lập tức thăng đường, hỏi rằng: "Nhỏ kia tên họ là gì, việc oan uổng thế nào mà dám đến đây đón kiệu?". Võ Mặc bẩm: "Tiểu tử tên Võ Mặc người huyện Võ Tấn, theo chủ đi đầu thân tại huyện Tường Phù”. Bao Công hỏi: "Chủ mi tên chi?". Võ Mặc đáp: "Họ Nhan tên Xuân Mẫn". Bao Công nghe nói đến ba tiếng Nhan Xuân Mẫn thời trong bụng đã có chút mừng liền hỏi: "Chủ mi ở tại nhà ai?". Võ Mặc đáp: "Tại Song Tinh Kiều nhà của Viên ngoại Liễu Hồng, người ấy là dượng của chủ tôi, nhân lúc trước có hứa gả con gái là Liễu Kim Thiền, nên nay chủ tôi tới đầu thân để ăn học chờ hội thi năm tới và cầu hôn. Ai dè cách ba năm trước cô của chủ tôi mất rồi. Viên ngoại nối duyên với họ Phùng, vì vậy tình nghĩa có hơi lạt, chủ tôi tới chẳng vui mừng tử tế, chỉ cho ở tại hoa viên, sau này lại vu cho chủ tôi bóp họng con hầu Tú Hồng chết. Thật là oan uổng hết sức, vì tôi biết chủ tôi đêm ấy không rời thư phòng một phút nào, thế mà sao quan huyện Tường Phù bắt tra, chủ tôi lại vui vẻ mà cung nhận, trong đó chắc là có duyên cớ gì bí mật, tiểu tử chẳng nệ búa rìu, tới đây xin lão gia cứu gỡ “. Bao Công nghe xong suy nghĩ một hồi rồi hỏi: "Tiểu thư còn có ai phục dịch nữa, hay là chỉ có một mình con Tú Hồng mà thôi?". Võ Mặc đáp: "Tôi nghe như có một mình Tú Hồng và bà vú họ Điền mà thôi. Bà ấy tử tế lắm, thường tới vào châm nước, hay xoa đầu tôi mà rằng:. "Chủ tớ mi ở ngoài thư phòng buồn bã lắm, vậy phải lo ngừa điều bất trắc, tốt hơn là một vài ngày phải đi khỏi nơi này. Thật bà nói chưa được bao lâu mà oan khúc đã xảy đến". Bao Công nghe Võ Mặc nói tới đó liền cho lui xuống, lập tức sai đòi Liễu Hồng, Điền Thị và giải Nhan Xuân Mẫn lên xử.

Khi Liễu Hồng tới, Bao Công liền cho ngồi hầu, hỏi rằng: "Nhan Xuân Mẫn là thế nào với mi?”. Liễu Hồng đáp: "Ấy là cháu, kêu nhà tôi bằng dượng". Bao Công hỏi: "Y tới nhà mi có chuyện gì?".
- Y tới ở đọc sách chờ khoa thi năm tới.
- Nghe nói mi có hứa gả con là Kim Thiền cho Xuân Mẫn phải không?
- Dạ! Quả có, đã hứa khi chúng nó còn bé.
- Vậy chớ Xuân Mẫn tới, mi để nó ở đâu?
- Tôi để nó ở lại nhà tôi.
- Còn con tớ Tú Hồng có phải là đứa hầu của con mi không?
- Dạ, thật là đứa hầu của con tôi.
- Tại sao mà Tú Hồng chết?
- Ấy là tại Nhan Xuân Mẫn bóp họng nó.
- Tú Hồng chết tại đâu, hồi nào, có chi làm bằng cớ?
- Dạ, Tú Hồng bị bóp cổ chết tại sau cửa ngách, lúc canh hai, có cái quạt ở bên thây đề tên Xuân Mẫn. Vì vậy tôi biết thật y giết.

Bao Công nghe xong cho lui xuống. Điền Thị tới, liền đòi lên hỏi: "Vì có nào Tú Hồng chết, bà có biết được hay không?". Điền Thị liền khai rõ lúc nghe vợ chồng Liễu Hồng bàn bạc thế nào, cùng tiểu thư toan liệu làm sao, sai Tú Hồng cho của đến lúc được tin Xuân Mẫn bị bắt, Tiểu thư tự vẫn. Không giấu giếm tí gì. Bao Công nghe nói ngạc nhiên, bèn hỏi: "Tiểu thư tại sao mà chết?". Điền Thị đáp: "Không hiểu ý tứ làm sao, song cách vài hôm thì sống lại”. Bao Công hỏi: "Tại sao mà tiểu thư sống được?". Điền Thị liền khai rõ tình trạng lúc ấy và kể tới án Lư Tử nữa. Bao Công hỏi xong cho lui xuống, bụng lại nghĩ rằng: "Tên Nhan Xuân Mẫn được người cho tiền, mà còn giết liễu hoàn, gã ấy không cần hỏi tới cũng có lẽ biết được phẩm hạnh thế nào rồi". Nghĩ như thế liền cho đòi Võ Mặc lên, vổ án hét lớn rằng: "Gã kia, mi sao khéo già mồm lẻo mép nói rằng chủ mi không bao giờ lìa khỏi thư phòng, thế nào lại có quạt bỏ gần bên thây người như vậy?".
Đó thật là:
Chủ vô ý, mất thư gây họa,
Tớ hữu tình, nhớ quạt gỡ tai.

Hồi Thứ Ba Mươi Tám

Quân Hoành bị chém, Xuân Mẫn khỏi oan.
Hiệp sĩ đấu tài, Triệu Gia mất vía.


Bao Công vỗ án quát mà Võ Mặc không hề khiếp sợ, cứ ung dung thưa rằng: "Cũng vì cái quạt ấy mà chủ tôi bị oan, mà cũng vì cái quạt ấy mà tôi phải kêu oan. Nguyên vợ của Liễu viên ngoại có người cháu là Phùng Quân Hoành, ngày nọ tới chơi với chủ tôi, ban đầu thời là thơ đối, sau thấy cây quạt của chủ tôi chữ đề rất đẹp, nên đưa quạt cậy đề giùm. Chủ tôi không nhận. Phùng công tử bèn làm ngặt, lấy cây quạt của chủ tôi đem về, bảo khi nào chủ tôi đề xong sẽ đem lại đổi. Nếu tướng gia không tin, sai người tới ống viết tại thư phòng còn có cây quạt cắm ở đó là của Phùng Quân Hoành".
Bao Công nghe xong chúm chím cười, lật đật sai người đi bắt Phùng Quân Hoành. Bấy giờ huyện Tường Phù đã giải Nhan Xuân Mẫn tới, Bao Công bèn lấy công văn xem, xem xong đòi Nhan Xuân Mẫn lên hỏi. Xuân Mẫn thấy Võ Mặc quỳ trên thềm, thời rất buồn hỏi rằng: "Mi tới đây làm gì?". Võ Mặc chưa kịp trả lời, thì tả hữu bước tới mở trói cho Xuân Mẫn. Xuân Mẫn khúm núm quỳ xuống. Bao Công thấy tướng mạo nghĩ thầm rằng: "Người lương thiện thế này, lẽ nào lại giết Tú Hồng". Nghĩ rồi bắt đầu hỏi, Xuân Mẫn cứ như lời đã khai tại huyện mà khai lại. Bao Công nói: "Con Tú Hồng ăn ở như vậy đáng ghét lắm, song ngươi là khách không biết phép lịch sự đối với chủ, thế nào là đánh cho phải kiêng chủ nhà sao? Vậy chớ ngươi giết nó tại chỗ nào, hồi nào, đi ngả nào, hãy nói lại nghe coi?". Xuân Mẫn nghẹn họng, không biết trả lời làm sao. Còn đương ngần ngại, Võ Mặc quỳ bên cạnh khóc rằng: "Cậu nên liệu lời mà khai, ở nhà bà trông đợi cậu lắm!". Xuân Mẫn nghe nói như vậy, bất giác gan đau như chích, ruột rối như vò liền cúi đầu khai rằng: "Tội tiểu nhân đáng chết, xin tướng gia lấy đức. Nguyên hôm nọ con Tú Hồng có đưa thư, tiểu nhân chưa kịp xem, kế có Phùng Quân Hoành tới mượn sách, lúc y ra về, tôi tìm lại thời thư nọ đã mất, còn về sau này xảy ra sự gì thì tiểu nhân không được biết. Cho đến ước hẹn tại cửa ngách thế nào, tôi cũng không được rõ". Bao Công nghe nói bấy nhiêu đã rõ ý rồi, cho chủ tớ Xuân mẫn lui xuống, bảo sai dịch giải Quân Hoành tới, Bao Công hèn vỗ án hét rằng: "Quân Hoành gia kia, giả danh, đoạt của, hiếp gái lỡ tay thế nào, mau khai ngay ra". Quân Hoành đáp: "Tôi không có việc ấy, lấy gì khai cho được, Bao Công xem tướng và khí sắc Quân Hoành biết là đứa bất lương, liền sai tả hữu đem hình cụ ra tra. Quân Hoành bây giờ không gan nào chối nổi, bèn đem cả chuyện làm thơ, mượn quạt, trộm thư đến lúc giả danh bóp cổ Tú Hồng... từ đầu chí cuối khai lại một lượt. Bao Công đợi khai dứt liền bắt ký tờ cung, rồi xuống lệnh dùng Cẩu đầu trát chém Quân Hoành. Còn Liễu Hồng thời gọi lên mà rằng: "Nhan sinh chịu oan, Kim Thiền tự vẫn, Tú Hồng bỏ mạng, Lư Tử đứt đầu, cho tới Quân Hoành bị tử hình cũng tại mi tham giàu phụ khó mà ra. Tội mi đã đành chịu chết hay chưa?". Liễu Hồng nghe nói hồn vía lên mây, cúi xuống lạy mà rằng: "Xin tướng gia ban phúc tha chết cho thân già, xin nguyện lập công đền tội". Bao Công gật đầu mà rằng: "Vậy mi phải nuôi dưỡng Nhan sinh như đãi quý khách, các thức cần dùng phải cung cấp, sang năm ứng khảo dầu đậu dầu rớt cũng phải cho thành hôn. Nếu có điều chi sơ sót, đừng trách Cẩu trát nọ vô tình". Liễu Hồng vâng dạ, Bao Công lại kêu Nhan Xuân Mẫn răn rằng: "Ngươi đọc sách thánh hiền, sao không phân được việc lớn, việc nhỏ. Từ nay về sau nên nhớ “. Nhan sinh cúi đầu dạ dạ. Liễu Hồng dắt tay Xuân Mẫn cùng Điền Thị, Võ Mặc trở về Song Tinh Kiều.

Lại nói Triển Hùng Phi từ giã anh em họ Đinh, trở về dọc đường cứu Nhan Phúc, tới nhà giao cả các việc cho lão bộc Triển Trung, rồi lật đật trở về phủ Khai Phong. Công Tôn Sách và bốn dũng sĩ Vương, Mã, Trương, Triệu thấy chưa mãn phép mà tới, lấy làm lạ, xúm nhau hỏi, song Triển gia không cho biết là Bạch Ngọc Đường tìm mình, chỉ nói tế tổ xong, không bận việc gì nên quay về.
Án của Nhan Xuân Mẫn xử xong, Bao Công nhớ tới việc bỏ thư để kiếm, bèn cho mời Triển Hùng Phi tới cậy hết sức ngăn phòng, Triển Chiêu dạ lui ra đem chuyện ấy bàn với Công Tôn Sách rằng: "Tôi sở dĩ trở lại kinh sớm là bởi có Cẩm mao thử Bạch Ngọc Đường đi tìm. Mà việc để kiếm bỏ thư thì cũng của Ngọc Đường lập mưu cứu Xuân Mẫn. Nay án Xuân Mẫn xử xong rồi, chắc y không còn quấy rối ta nữa, cần chi mà tướng gia dạy phải hết lòng phòng bị“. Công Tôn Sách nghe nói cả cười rằng: "Nếu quả có người ở đảo Hãm Không tới tìm đại ca, thời đại ca phải hết lòng phòng ngừa mới được. Bạch Ngọc Đường tìm đại ca chẳng phải giao hảo, mà là quyết tranh đấu đó". Triển Chiêu nói: "Tôi với năm vị hào kiệt ở đảo Hãm Không có thù hiềm gì đâu?" Công Tôn Sách nói: "Đại ca nghĩ lại coi năm vị ấy đều lấy chữ Thử là chuột làm hiệu, còn đại ca lại xưng Ngự miêu là mèo, lẽ nào mèo không bắt chuột. Ngọc Đường đi tìm đại ca là lẽ đó”, Triển Chiêu nói: "Nếu Cẩm mao thử vì lẽ đó mà tới đây, tôi xin chịu lỗi mà bỏ hiệu ấy đi". Triệu Hổ đương cầm chén rượu nghe nói vậy liền đứng lên nói rằng: "Ngự miêu là hiệu của Thánh thượng ban cho đại ca, tội gì mà bỏ, nếu có Ngọc Đường, Ngọc Mật tới đây sinh chuyện lôi thôi, tôi hâm cho y một chén rượu thì y biết”. Nói dứt lời cái ly cầm trên tay đánh keng một tiếng, xem lại thì đã bị một viên đá đánh tan ra từng mảnh. Ai nấy thất kinh. Triển Chiêu lật đật thổi đèn, rồi cởi áo ra xách bảo kiếm, bước đến giả bộ xô ra, thời nghe một tiếng cộp khác. Đó là một viên đá chọi vào cửa. Triển Chiêu chờ viên đá rớt xuống tới mặt đất, bèn khoát cửa nhảy ra lẹ như tên. Thấy ở ngoài có một người tương tự như người đã gặp ở Miêu Gia tập, huơ kiếm nhảy tới chém. Triển Chiêu bèn ráng sức đỡ mạnh một cái thật mạnh nghe rổn một tiếng, kiếm của người ấy gãy làm hai đoạn, vừa muốn lướt chém lại thời thấy đánh vụt một cái, người ấy đã nhảy tót lên nóc lầu rồi. Triển Chiêu không dám nhảy theo, e có miếng chi lạ hay là dùng kế ám khí, nên bước quanh lại bên tường, chợt thấy trước mặt xẹt tới một vật, vừa né đầu tránh, cái khăn bịt trên đầu rớt xuống đất, nghe tiếng cộp, biết là viên đá. Triển Chiêu quay đầu nhìn lại thời người ấy đã đi mất rồi. Bây giờ trong công sở, bốn dũng sĩ dốc người xách đèn lồng và khí giới ra tiếp và tìm kiếm các nơi song không thấy tăm dạng gì cả.

Ai nấy đều lấy làm lạ, bàn luận ầm ã, kế có lệnh Bao Công đưa tới, đòi Công Tôn Sách và Triển Chiêu vào hầu. Hai người vào thư phòng bái kiến Bao Công và thuật lại chuyện khi nãy. Bao Công nghe xong, gật đầu và dặn rằng: "Việc xảy ra như vậy không dễ gì mà bắt được, vậy cần phải dè dặt canh phòng là tốt hơn". Triển Chiêu và Công Tôn Sách vâng dạ lui ra. Từ hôm đó không có điều gì xảy ra nữa.

HOMECHAT
1 | 1 | 148
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com