Chỉ mục bài viết |
---|
Khúc Tráng Ca Thành Cổ Quảng Trị-Chương 9-16 |
Trang 2 |
Trang 3 |
Trang 4 |
Trang 5 |
Trang 6 |
Trang 7 |
Trang 8 |
Trang 9 |
Trang 10 |
Tất cả các trang |
Chương 13
Đánh bại cuộc hành quân "Sóng thần 9"
Thiếu tướng NGUYỄN ĐỨC HUY
Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 18 thuộc Sư đoàn 325
Đầu tháng 10, tôi được điều về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 18, đồng chí Phạm Công Nhân về làm Chính uỷ. Trung đoàn lúc này đủ ba tiểu đoàn 7, tiểu đoàn 8, tiểu đoàn 9, quân số được bổ sung đạt khoảng sáu mươi phần trăm, hoả lực cũng được tăng cường tương đối mạnh, ngoài hoả lực bản thân còn được tăng cường một đại đội cối 120 ly, một đại đội cối 160, một đại đội hoả tiễn 14 (có 3 dàn), 1 tiểu đoàn ĐKB (Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 84), một đại đội xe tăng 6 chiếc, khi xảy ra tác chiến còn được pháo binh của Sư đoàn và Mặt trận chi viện trực tiếp.
Đêm hôm đó trời mưa rét, rất tối, 4 giờ sáng ngày 2 tháng 11 năm 1972, tôi kiểm tra tình hình các đơn vị, Tiểu đoàn 8 báo cáo không có gì xảy ra, nhưng chỉ sau khoảng 30 phút, đồng chí Chung - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 báo cáo gấp là đã có khoảng 2 đại đội địch bí mật vượt sông sang chiếm bãi cát Nhan Biều 1, trước chính diện của Đại đội 5 và Đại đội 7. Đây là điều rất bất ngờ, tôi lệnh cho kiểm tra lại thì được biết địch bí mật vượt sông khoảng 1 giờ sáng ngày 2 tháng 11 năm 1972. Trung đội đồng chí Thiều Chí Đinh phát hiện, nhưng chỉ cho là bọn thám báo, nên cử một tổ ra đánh và không báo cáo với Tiểu đoàn. Địch đã đưa được 2 đại đội và cơ quan chỉ huy tiểu đoàn 6 Thuỷ quân lục chiến qua sông, chiếm toàn bộ bãi cát trước mặt thôn Nhan Biều 1 dài khoảng 300 mét, có nơi chúng vào sâu chỉ cách đường số 1 độ 500 đến 600 mét, mở đầu cuộc hành quân "Sóng thần 9".
Mờ sáng ngày 2 tháng 11 năm 1972, hàng trăm quả pháo địch từ các trận địa trong Thị xã Quảng Trị, La Vang, Hải Lăng bắn vào trận địa phòng ngự của hai Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn 9; hàng chục máy bay phản lực đánh bom vào thôn Nhan Biều 1 và ái Tử, cao điểm 20, cao điểm 21, sân bay ái Tử; B.52 cũng rải thảm hai đợt vào trận địa phía sau của Trung đoàn.
Được chi viện hoả lực mạnh của pháo binh và không quân, khoảng hơn 7 giờ, địch tổ chức tấn công thành hai hướng, một hướng tập trung đánh chiếm chốt lô cốt do trung đội đồng chí Đinh phụ trách, một hướng chừng một đại đội chia làm 2 mũi đánh vào Đại đội 5.
Quân ta dựa vào các công sự đã chuẩn bị, để địch vào thật gần tới 20-30 mét mới nổ súng, nhiều tên địch đã bị diệt ngay từ loạt đạn đầu, nhưng chúng vẫn tiếp tục xông lên, cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt, đặc biệt là khu vực lô cốt địch cố chiếm bằng được, vì nếu chiếm được nơi đây sẽ là bàn đạp tấn công vào đường số 1 và đảm bảo cho lực lượng vượt sông sang tiếp được thuận lợi. Quân ta chiến đấu rất ngoan cường, súng cối 60 ly, 82 ly bắn trực tiếp vào đội hình địch trên bãi cát, nhiều tên địch chưa kịp ngóc đầu đã bị diệt; cối 160 ly, hoả tiễn BM14 đánh trúng đội hình tập kết bờ đông sông, nên địch không thể vượt sông sang tiếp ứng được. Sau chừng 30 phút tấn công, địch bị thiệt hại nặng phải lui lại phía bãi cát và mép sông để củng cố, đồng thời pháo binh địch kể cả pháo hạm Mỹ bắn mãnh liệt vào trận địa của ta.
Gần 9 giờ, địch tổ chức một đợt tấn công tiếp nhưng bị quân ta bẻ gãy. Khoảng 10 giờ, tôi xuống thôn Nhan Biều gặp đồng chí Trần Minh Thiệt1 - Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 8 nắm tình hình và giao nhiệm vụ tổ chức phản kích diệt toàn bộ quân địch đã vượt sông. Dự kiến 12 giờ sẽ thực hành phản kích, nhưng do tổ chức không kịp nên mãi đến 14 giờ 15 phút mới thực hiện phản kích được. Để tăng thêm lực lượng cho Tiểu đoàn 8 phản kích, Trung đoàn đã điều một trung đội của Tiểu đoàn 7 tăng cường cho Tiểu đoàn 8.
Ta chủ trương đêm 2 tháng 11 năm 1972 sẽ dùng đặc công phối hợp với bộ binh để diệt nốt quân địch co cụm, nhưng do hiệp đồng không chặt nên không tập kích được.
Sáng 3 mùng tháng 11 năm 1972, ta sử dụng cối 82 ly, cối 60 ly chi viện cho lực lượng của Đại đội 5 và Đại đội 7 thực hành phản kích nốt quân địch co cụm.
Sau hai ngày chiến đấu, ta đã diệt gọn hai đại đội và cơ quan chỉ huy tiểu đoàn 6 Thuỷ quân lục chiến ngụy 0 thu rất nhiều vũ khí, trang bị, đánh thiệt hại nặng 2 đại đội địch nữa ở bên kia sông Thạch Hãn.
Ta nhanh chóng bẻ gãy hoàn toàn cuộc hành quân "Sóng thần 9" của địch. Sau chiến thắng, Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 đánh giá: "Đây là trận chiến đấu phòng ngự xuất sắc nhất, mở ra kinh nghiệm đánh tiêu diệt gọn bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng trong phòng ngự"1.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen và đánh giá:
"Trận chiến đấu phòng ngự của Trung đoàn 18 thắng lợi đã góp phần đánh bại ý chí của địch phản công lấy lại vùng đã mất sau ngày 30 tháng 3 năm 1972 tại bắc Quảng Trị".
-4021
Về lại Quảng Trị
TÙNG NGUYÊN
Cuối hè năm 1971, có nhiều đợt tuyển quân khẩn cấp. Sinh viên các trường đại học và học sinh hết cấp III lũ lượt lên đường. Cuối năm 1971, nhiều sư đoàn ngoài Bắc lần lượt chuyển dần vào miền Trung. Quảng Trị là điểm nóng nhất của chiến tranh lúc này, khi mọi diễn biến ở Hội nghị Pa-ri đều phụ thuộc vào chiến trường. Tết năm 1972, Sư đoàn 325 của tôi vừa chuyển từ huấn luyện quân tăng cường thành sư đoàn chiến đấu, cũng vào Hà Tĩnh thay cho các sư đoàn khác vào sâu hơn.
Mùa hè năm 1972, tôi tròn hai mươi tuổi và theo đơn vị vào chiến dịch Quảng Trị. Sư đoàn tôi tham gia bảo vệ Thị xã và Thành cổ từ giữa tháng 7 năm 1972, vào giai đoạn quyết liệt nhất của chiến dịch. Tiểu đội trinh sát của tôi có nhiệm vụ theo dõi các trận đánh tại Thị xã và vùng ven với hai đài quan sát ở làng Nhan Biều và đầu cầu Thạch Hãn, đi điều tra hoặc lấy tin ở các nơi cấp trên cần. Từ làng Nhan Biều trông qua bên kia sông Thạch Hãn là Thị xã và Thành cổ. Nhan Biều là điểm bộ đội tập kết trước khi vượt sông sang bổ sung cho các đơn vị bảo vệ Thị xã, là nơi thương binh từ Thành đưa về để chuyển ra tuyến sau, là nơi tiếp đạn và lương thực… và cũng là một túi bom và đạn pháo.
Đêm 13 tháng 9, hai gã trinh sát chúng tôi được lệnh ngụy trang tìm cách qua sông đến Sở chỉ huy trong Thành cổ nhận nhiệm vụ. Lên được bờ, chui xuống hai tầng hầm sâu, chúng tôi gặp được Ban chỉ huy Trung đoàn bảo vệ Thị xã và được giao nhiệm vụ trinh sát phía trước. Dưới hai tầng hầm sâu là những căn hầm nhỏ. Xung quanh tôi la liệt thương binh chưa được qua bên kia sông. Vòng vây thu hẹp dần, đêm 14 tháng 9 không ai qua sông được. Đêm 15 tháng 9 chúng tôi cùng rút ra với quân trong Thành.
Một ngày cuối tháng 11 này của ba mươi năm sau, trên đường đi tham gia trại huấn luyện công nghệ thông tin ITBC3, tôi được về đây rưng rưng nhớ lại những ngày xưa, nhớ đến các anh, nghĩ đến tất cả những người đã ngã xuống nơi đây, những người đã hóa thân thành sông nước, thành cát trắng, thành nắng rát, thành dai dẳng mùa mưa Trị Thiên.
Vẫn lất phất mưa như ngày nào. Vẫn lặng lẽ sông Thạch Hãn ra biển như ngày nào. Chỉ cây cối đã xanh lên. Chỉ nhà mới đã mọc lên. Và ngỡ ngàng giọng Quảng Trị của mấy em nhỏ với nụ cười trên môi xưa tôi chưa từng nghe từng thấy bao giờ. Thương biết bao những người đã ngã xuống. Mong biết bao những người đang sống đều biết đến, chia sẻ và xây đắp cho Quảng Trị, cho mỗi mảnh đất đã từng chịu nhiều máu lửa trên quê hương mình.
Tháng 12 năm 2002
Những ngày ở Thượng Phước
TẠ QUỲNH PHƯƠNG
Thượng Phước một cao điểm nhỏ bên bờ sông Thạch Hãn, dạo ấy địch điên cuồng dồn hết lực lượng đẩy quân ta sang bên này sông, hòng chiếm hết hữu ngạn lấy sông Thạch Hãn làm phòng tuyến thay cho sông Bến Hải và gây sức ép với ta tại Hội nghị Pa-ri, vì vậy giao tranh ở đây ác liệt lắm. Đơn vị tôi được lệnh đặt một đài quan sát ở Thượng Phước.
Chúng tôi gồm anh Vương Tùng - đại đội trưởng, anh Khanh - trung đội trưởng, Phong, Cường1, Cẩn và tôi. Chúng tôi phần lớn là sinh viên nhập ngũ. Trong số chúng tôi chỉ có anh Tùng là người nhiều tuổi nhất nhưng chưa vợ con gì nên vẫn sống vô tư lắm. Anh có khuôn mặt chữ điền, da đen lấp lánh, tóc xoăn tít như dân châu Phi, chỉ có nụ cười tươi, chúng tôi thường nói đùa anh mà đi quảng cáo kem đánh răng "Hi Nốt"2 chắc là đắt khách. Khanh "râu" thì nổi bật với bộ râu quai nón, da đỏ như gà chọi, sinh viên Tổng hợp Văn với những câu chuyện tiếu lâm ở một vùng quê Thanh Hoá nghèo túng và nhiều hủ tục. Anh kể chuyện rất dí dỏm, có nhiều chuyện không hay lắm, nhưng với tài kể chuyện cộng với những điệu bộ hòa theo, chúng tôi cười đến vỡ bụng, vui đáo để. Những đêm âm u trong hầm tối anh lại kể chuyện, bao giờ cũng bắt đầu bằng bộ râu quai nón rung rung, cặp mắt cứ hay háy, nhiều đoạn biết là anh bịa, nhưng hay và rất hợp lý nên chúng tôi say sưa ngồi nghe. Nghe chuyện cho đỡ nhớ nhà, đỡ buồn.
Cao điểm này chi chít hố bom, đạn, cày đi xới lại không sót một tý màu xanh cho có gọi là, cây cối đổ ngổn ngang, thỉnh thoảng còn vài ba thân cây đen sì sì trơ trụi, nhằng nhịt vết bom đạn, đất đá thì đã nát tươm rồi mà bom đạn vẫn thi nhau xáo đi, xáo lại, trộn kỹ thế. Được cái màng nhĩ lỗ tai nghe nhiều tiếng nổ dày ra nhiều nên cũng đỡ điếc tai và cũng phải mặc kệ, chúng mày cứ bom, cứ đạn, việc chúng mày chúng mày làm, việc ông ông làm chứ chờ ngớt bom ngớt đạn thì họa chăng phải đợi đến hoà bình. Khi nào bom đạn nổ sát gần lại lăn vào một hố đạn, hoặc hố bom để tránh xong lại tiếp tục làm. Chúng tôi chọn địa điểm rồi làm hầm, cũng không phải đào cứ chọn hố bom cũ xong chặt một thân cây làm nóc rải cọc sắt, rải tôn rồi lấp đất lại.
Phía bên kia sông là Tích Tường, Như Lệ, hình như là hai cái tên làng gì đó nhưng bây giờ thì chẳng còn một dấu tích nào của làng mạc nữa, chỉ còn màu đỏ của đất đồi nham nhở. Đồi Chè là một cao điểm thâm thấp sát sông, cái tên đồi Chè gợi nhớ một màu xanh mướt mát nay chỉ còn lại cái tên, còn chè gốc cũng chẳng có. Ở phía bên này sông nhìn sang thấy địch nhỏ xíu bằng cái đầu đũa, nhiều lúc chúng trồi lên khỏi mặt hầm. Nhất là những hôm mưa, chúng tôi gọi về trung đoàn xin dùng pháo giã cho chúng một trận, nhưng vì đạn dược ít, đành chịu ngồi nhìn; khi nào chúng tấn công đạn ta mới được nện. Phía bên này sông ĐKZ, SKZ, 12,7 ly cối ta nện sang, đạn A12, H12 cứ reo vu vu ở trên đầu như nghe nhạc. Tuy vậy để tiết kiệm đạn, khi chúng rụt lại ta phải dừng để dành cho hôm sau. Bên chúng bom đạn còn hơn ta nhiều, cứ gọi là xả ra, ta bắn một, chúng chơi mười, hai mươi, chúng chơi suốt ngày đêm, nhất là cối 81 ly, cối cá nhân nổ như ngô rang, nổ như pháo băng nổ, cứ cạch đùng liên hồi, khói bụi mù mịt. Địch với ta tranh nhau từng tấc đất một, giao tranh ác liệt, đánh nhau cứ ùng oàng cả ngày, địch chiếm được một đoạn ta đánh bật chiếm lại, thế giằng co nhau. Bên địch có thằng Lâm khét tiếng cả Quảng Trị là lì, hắn lớn lên trong một cô nhi viện không cha không mẹ nên chẳng sợ chết, quân ta vật nhau với nó cũng khá vất vả.