Chỉ mục bài viết |
---|
Khúc Tráng Ca Thành Cổ Quảng Trị-Chương 9-16 |
Trang 2 |
Trang 3 |
Trang 4 |
Trang 5 |
Trang 6 |
Trang 7 |
Trang 8 |
Trang 9 |
Trang 10 |
Tất cả các trang |
Sáng ngày 14, địch cho một lực lượng biệt kích vào cắm cờ ở phía đông Thành cổ, quãng 3-4 giờ sáng, chủ yếu để chụp ảnh, bị Đại đội 14 hỏa lực của Trung đoàn 48 phát hiện, địch phải bỏ cờ lại đấy. Tôi nhớ hôm đó phóng viên ảnh Đoàn Công Tính vào, tôi còn điện xuống hỏi cờ địch còn không để chụp ảnh, nhưng không thấy, có thể đã rơi xuống hào nước xung quanh.
Địch tiếp tục củng cố lực lượng quân dù, chết bao nhiêu lại bổ sung đầy đủ ngay. Mỗi sư đoàn như thế bổ sung 500 tên. Qua ngày 18, địch vẫn không đạt được mục đích. Chúng mở cuộc tấn công quyết liệt nhất từ ngày 23 đến ngày 26, cố gắng đánh hủy diệt Thành để vào. Trong khi đó quân ta cố gắng giữ vững vị trí, đào công sự, nhanh chóng củng cố, làm thất bại kế hoạch của địch.
Không chiếm được Thành cổ, nhằm mục đích tuyên truyền, địch tổ chức cắm cờ giả ở đình làng Trầm Lý, phía đông bắc, cách thị xã 3 kilômét. Tối ngày 25, đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố quân mũ nồi đỏ đã vào Thành cổ, chuẩn bị sáng mai làm lễ chào cờ. Sáng hôm sau, địch đốt hỏa mù lên, cho quân leo qua tường giả làm tường Thành. Địch dự định tổ chức họp báo có cả cố vấn Mỹ và phóng viên phương Tây đến quay phim chụp ảnh. Nhưng ta đã phát hiện, nên khi địch đưa bộ binh vào diễn thì pháo của ta bắn cấp tập vào đội hình của địch và cuộc cắm cờ giả không thành. Sau đó địch thay quân dù bằng thủy quân lục chiến ở khu vực này.
Ngày 3 tháng 8 khi mưa vừa tạnh, địch bắt đầu tấn công và cuộc tấn công kéo dài cho đến ngày 10, song chúng gặp phải sự kháng cự kiên cường của quân ta, tinh thần của bộ đội mình còn, trận địa còn. Thủy quân lục chiến địch biết không thể tiếp tục lối đánh ồ ạt được, chuyển sang chiến thuật mới là dũi dần từng bước, đánh chiếm từng công sự một. Chiếm xong chúng mang dây thép gai và công sự lắp sẵn phía sau lên trận địa. Cho đến hết tháng 8 hai bên giằng co nhau, địch chiếm, ta phản kích. Địch đánh ban ngày, ta chuyển mọi hoạt động vào ban đêm, tập kích giành lại. Lúc này Thị xã và Thành cổ hầu như bị phá hủy hoàn toàn.
Trong tháng 9, sau một thời gian quyết tâm lấn dũi, địch quyết định tăng cường hỏa lực, thêm các liên đoàn biệt động xe tăng và dù, lợi dụng mùa mưa bão, tập trung đánh vòng ngoài hỗ trợ đánh dứt điểm các vị trí trong Thị xã. Tình hình diễn biến trong tháng 9 nổi lên một địa bàn quan trọng, phía đông có khu trại Mỹ đóng quân ngày trước, tường dày hàng thước; khu vực Tri Bưu… Có chỗ địch chỉ cách cổng Thành chừng 400-500 mét. Có hướng xa hơn như Cầu Sắt, nhưng ở hướng làng Thạch Hãn đi lên cửa nam chỉ còn cách 500-600 mét. Hai bên áp nhau, các trận đánh trở nên vô cùng ác liệt. Đặc biệt vài ngày một lần, ta dùng thuyền máy chạy dọc sông Thạch Hãn tiếp tế đạn dược, lương thực từ Tả Kiên qua Chợ Sải vào Thành cổ, để khi ra chở thương binh.
Diễn biến những ngày còn lại: địch tiếp tục dũi và ta chống cự. Nhưng ta thực sự khó khăn, các phương tiện chi viện rất hạn chế. Vận chuyển đường thủy bị tắc. Quân số trong Thành chỉ khoảng trên dưới một nghìn mà hỏa lực lại mỏng. Trong tình hình khó khăn đó, ta đã đánh trận ngày 9 tháng 9 tương đối có kết quả. Sau đó ta tổ chức tập kích lại trên các hướng. Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương được bổ sung quân và Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 48) sau khi ra nghỉ ngơi, đã trở lại vào cuối thượng tuần tháng 9. Tuy quân số trong Thị xã không nhiều lắm nhưng vẫn đánh tiếp dưới trời mưa lớn.
Ta dự định đưa Trung đoàn 18 của Sư đoàn 325 sang để phản kích nhưng không kịp. Tối 15, địch đã vào cả ba góc Thành, trừ góc tây bắc còn Tiểu đoàn 2 của ta. Tiểu đoàn này quân còn khá, có đại đội còn 7 đến 8 người, có đại đội độ 20 người. Sở chỉ huy họp với nhau và thấy rằng chỉ còn chờ vào khả năng bên ngoài bổ sung để phản kích, lại thêm nan giải là thương binh bị ùn lại, không có cách gì chuyển qua sông. Trung đoàn 18 thì chưa vào tiếp viện được, lực lượng tại chỗ hầu như mất sức chiến đấu nên quyết định rút khỏi Thị xã và Thành cổ theo thứ tự thương binh đi đầu, ở xa đi trước, ở gần đi sau, cuối cùng là lực lượng vệ binh. Tôi ở lại cùng rút ra với bộ phận cuối cùng này.
Trong 81 ngày đêm ở khu vực này, quân ta hy sinh nhiều. Khi vào Quảng Trị hôm giao lưu, tôi có gặp người nhà của một liệt sĩ, có lên ti vi nhờ đi tìm thi hài. Tôi có hỏi là báo tử ngày nào, nếu là ngày 23 tháng 7, thuộc Trung đoàn 101 thì lúc đó đang đánh ở An Tiêm, Nại Cửu, vì vậy nên tìm nghĩa trang xã đó; chứ không phải cứ nói đến Quảng Trị là chỉ có Thành cổ.
Trong trận chiến hậu phương là nguồn động viên rất lớn như thư từ, điện báo… Ngay như tôi, khi đó bà xã mới đẻ, đặc biệt may mắn biết sau đó ba ngày. Lúc đó điện báo là con gái, nhưng sau khi ký Hiệp định Pa-ri, đoàn nhà văn có Xuân Quỳnh, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Phạm Hổ có qua nhà tôi mang ảnh và thư vào thăm chiến trường, lấy tài liệu, tôi mới biết là con trai.
Nhớ Lại những ngày cuối bảo vệ
Thành cổ
Đại tá NGUYỄN VIỆT
Trung tuần tháng 8 năm 1972, Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 quyết định giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 325 chỉ huy lực lượng bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Lúc này, Sở chỉ huy cơ bản của Sư đoàn đóng ở khu vực Cao Hy - phía tây Đông Hà độ 15 kilômét trên một bãi bom B.52 địch đã đánh nát.
Tôi được mời lên gặp anh Lê Kích - Sư đoàn trưởng và được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy lực lượng của Sư đoàn phòng thủ Thành cổ Quảng Trị. Anh động viên tôi và nói rõ: "Nhiệm vụ rất khó khăn. Sư đoàn tin tưởng nên trao trách nhiệm nặng nề cho anh. Vào trong đó, cần chấn chỉnh lực lượng phòng thủ, cương quyết giữ vững trận địa, tạo điều kiện cho các sư đoàn bạn phản công từ hướng tây - nam và hướng đông".
Tôi cùng cậu Hùng công vụ và một liên lạc viên khẩn trương lên đường. Chúng tôi đi bộ giữa ban ngày, dựa theo vệt đường xe cơ giới qua dãy đồi lúp xúp, động Quai Vạc, Tân Vĩnh chi chít hố bom B.52, khét lẹt mùi thuốc nổ, cây cỏ bị đốt cháy nham nhở, xám xịt. Đây đó những xác xe tăng địch, xe vận tải của ta nằm rải rác, đen thui. Chúng tôi rẽ vào Sở chỉ huy Trung đoàn 95 ở ven sông Vĩnh Phước nắm tình hình mới nhất. Tôi gặp đồng chí Trung đoàn trưởng. Nhưng nói chung tình hình do anh cung cấp đều không cụ thể bằng những tài liệu mà Sư đoàn đã có.
Trên đường đi qua căn cứ ái Tử, một bên là sân bay lát ghi sắt máy bay phản lực lên xuống được, một bên là căn cứ đồ sộ của sư đoàn Mỹ cũ, sau là của sư đoàn ngụy, ngổn ngang cơ man nào là công sự bao cát, nhà cửa, chòi canh, cột điện. Không biết bao nhiêu của cải đã đổ vào đây. Những lô cốt xi măng, gỗ đất chi chít cả một vùng. Những cột điện dã chiến bằng gỗ thông sơn hắc ín đường kính từ 20 đến 30 centimét thẳng vút cao đến 20 mét, những chòi canh kiên cố sắt thép đen sì khống chế toàn khu vực. Đây đó dăm ba chiếc xe tăng M41 đổ chổng kềnh. Hàng chục xe tải GMC cháy nham nhở, lốp bẹp gí. Cả một vùng chết chóc, ảm đạm. Lác đác những cây cỏ mới chồi lá xanh, biểu thị sức sống mãnh liệt của vùng đất đỏ ba dan nhiệt đới.
Đến Nhan Biều, chúng tôi vào làng, cây cối đổ ngổn ngang, nhà cửa tốc mái ngả nghiêng. Lẻ tẻ còn một ít dân trụ bám trong hầm kèo chữ A làm bằng đủ thứ gỗ, sắt, tôn loại tốt, kể cả ghi đường băng sân bay. Đến hậu cứ cung cấp của Sư đoàn và Trung đoàn 95 sau hai ngày hành quân từ Sở chỉ huy Sư đoàn cơ bản, chúng tôi vào nghỉ ngơi, ăn vội vã bữa cơm chiều bằng gạo sấy với ruốc mặn Trung Quốc. Vừa lúc đó, đồng chí Chính ủy Trung đoàn 48 cũng mới từ Tả Kiên đến, anh em trò chuyện, trao đổi tình hình chiến đấu và bảo đảm hậu cần của các lực lượng bên Thành. Anh nêu những khó khăn cụ thể và đề nghị ở bên này để lo việc cho bên kia. Bên Thành đã có Chính ủy Trung đoàn 95.
Sở chỉ huy Thành cổ ở ngay sát mép sông, dưới một căn hầm rượu của dinh tỉnh trưởng Quảng Trị đã bị bom đạn làm đổ nát, gạch đá gỗ sắt đổ ngổn ngang bao phủ cả khu hầm dày tới 4-5 mét, bom ném bên cạnh cũng chẳng hề gì, trừ trường hợp bom khoan đúng lỗ, nên nói chung là khá an toàn.
Tổng số quân trong Thành khoảng 1.300 người, tinh thần cán bộ chiến sĩ đều tích cực dũng cảm, ngày chốt giữ, đêm đi tập kích. Ngày 20 tháng 8 trước sức tiến công của địch, các chốt của ta vẫn được giữ vững.
Sáng hôm sau, tôi tranh thủ đi trinh sát địa hình Thị xã. Đứng ở đài quan sát gần Sở chỉ huy, nhìn bao quát toàn Thành, thấy Thị xã gần như bị san bằng, chỉ thấy nhà cửa cây cối đổ ngổn ngang, còn trơ lại một ít mái bằng hoặc mảng tường cao hình thù đủ loại, trơ ra cốt thép cong queo tua tủa. Khu Thành cổ tường cao độ ba đến bốn mét, xám xịt màu rêu phong, đây đó đã bị sập đổ từng đoạn. Đến gần, chung quanh có hào nước sâu, nhiều quãng đã cạn nước. Ta tổ chức từng chốt đại đội dọc bờ Thành, đã cải tạo tường Thành thành công sự chiến đấu và trú ẩn, chủ yếu bằng gỗ đất, có bao cát phủ dày tới một vài mét khá vững chắc.
Tất cả cảnh vật ấy từ bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây đều đổ nát hoang tàn chết chóc. Khói bom đạn mù trời không ngớt. Ta và địch đang đứng trước một cuộc đọ sức quyết liệt mà phần ưu thế binh hỏa lực thuộc về chúng.
Anh em rất bỡ ngỡ với chiến trường, với súng đạn, nhưng với tinh thần hăng hái của tuổi trẻ -18 lại được cán bộ dìu dắt, hướng dẫn tập luyện ngay tại chốt: tập tháo lắp súng, bắn súng, ném lựu đạn, vận động bí mật qua gạch đá, tôn ván… nên cũng quen dần và đã thực sự chiến đấu được ngay. Tôi động viên anh em và nói vui: "Lớp trẻ các cậu thật anh hùng. Nếu mình có quyền thì gắn ngay tại trận địa huân chương cho bất kể chiến sĩ nào đã cởi quần áo bơi qua sông và vào được đến đây. Nhưng mình lại không có quyền đó. Biết làm sao bây giờ. Thôi hãy tranh thủ từng giờ để tập luyện đi. Kẻ thù đang ở trước mặt ta đó, cách đây có vài trăm mét thôi". Một vài anh em trẻ măng góp vui: "Chúng em sẽ quyết tập và quyết giữ. Nhưng thủ trưởng nhớ Huân chương Vượt sông vào Thành cổ nhé...".
Trong 81 ngày đêm chiến đấu, chúng ta đã bổ sung trung bình một ngày một đại đội tân binh cho Thị xã. Nhiều thanh niên tân binh chưa kịp huấn luyện đã cấp tốc hành quân từ miền Bắc, hăng hái đến thẳng sông Thạch Hãn, cởi quần áo bơi vượt sông sang Thị xã dưới làn phi pháo, hai bên bờ sông luôn chớp lên ánh lửa và vang lên tiếng nổ bom đạn quân thù.
Tìm lại Sở chỉ huy Thành cổ trước đây dưới hầm dinh tỉnh trưởng, thì nay chỉ là một bãi phẳng lì, cỏ mọc xanh rì. Không còn lại một vết tích gì, dù là một góc tường, một bậc thềm, một ngách hào về nơi chỉ huy đầy bão tố cách đây 15 năm ngắn ngủi. Tôi thầm nghĩ giá có cột bia ghi giản dị vài hàng chữ: "Nơi đây, năm 1945 ta đã nổi dậy giành chính quyền, và năm 1972 ta đã bám trụ chỉ huy 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ" thì hay quá.
Hỏi thăm anh Nam cán bộ xã đội gan lì, anh Mến, anh Vữ chỉ huy tiểu đoàn bộ đội địa phương xông xáo, o Kim, o Lan đen giòn, xinh xắn với đôi mắt lúng liếng, bộ ngực căng đầy sức sống, hai o du kích Nhan Biều dẫn đường chúng tôi đi ái Tử - Xuân An - Tả Kiên… thì cũng chẳng biết hỏi ai, ai biết mà thăm.
Tháng 5 năm 1987