Chỉ mục bài viết |
---|
Khúc Tráng Ca Thành Cổ Quảng Trị-Chương 9-16 |
Trang 2 |
Trang 3 |
Trang 4 |
Trang 5 |
Trang 6 |
Trang 7 |
Trang 8 |
Trang 9 |
Trang 10 |
Tất cả các trang |
Chương 12
Người lính già của trung đoàn
LÊ XUÂN TƯỜNG
Cựu chiến binh Đại đội 3 Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 101 thuộc Sư đoàn 325 Quân đoàn 2.
Ông là một người lính già - như ông vẫn nói với chúng tôi - là một vị chỉ huy quả cảm của Trung đoàn 101 trong những thời khắc ác liệt nhất của cuộc chiến tranh giải phóng Tổ quốc.
Ba mươi tư năm về trước, tại khu vực Chợ Sải, An Tiêm, Nại Cửu… phía đông bắc thị xã Quảng Trị dưới sự chỉ huy của ông, những gã lính trẻ chúng tôi xuất thân từ mọi tầng lớp và từ mọi miền quê khác nhau đã gồng mình trước mưa bom, bão đạn của B.52, của đủ loại pháo bầy, pháo dàn từ hạm đội 7 Mỹ trong suốt Mùa hè đỏ lửa 1972. Lớp này ngã xuống, lớp khác xông lên giành đi giật lại từng mảnh đất thiêng liêng của Thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Cũng những ngày này cuối tháng 1 năm 1973 ấy, tại cao điểm 12 phía nam Cửa Việt, khi xe tăng địch cùng Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến của chúng đã thọc sâu vào khu vực Chỉ huy sở Trung đoàn, ông đã cùng các chiến sĩ, vệ binh, thông tin của mình và các cán bộ chiến sĩ, cơ quan trung đoàn bộ với tiểu liên AK và lựu đạn trong tay xông lên cản phá quân thù, quyết tâm giữ vững Cửa Việt dù phải hy sinh đến người cuối cùng, quyết không để cho địch chiếm được cảng. Mùa Xuân năm 1975, với cương vị Tham mưu phó sư đoàn, ông đã dẫn dắt chúng tôi ngược lên Trường Sơn đánh xuống tây Thừa Thiên cắt ngang đường số 1 tại Phú Lộc để tiến vào Huế, cắm lên Phú Văn Lâu ngọn cờ giải phóng của Trung đoàn 101 - đứa con của mảnh đất cố đô - lúc 13 giờ ngày 25 tháng 3 năm 1975.
Vượt đèo Hải Vân, ông cùng chúng tôi tiến đánh bán đảo Sơn Trà, giải phóng Đà Nẵng; băng qua duyên hải miền Trung, công phá phòng tuyến Phan Rang - Tháp Chàm, sân bay Thành Sơn. Trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975 không thể nào quên ấy, dưới sự chỉ huy của ông chúng tôi đã giành giật với địch từng căn nhà, góc phố tại Nước Trong - Long Thành để mở đường cho pháo tầm xa của ta vào Nhơn Trạch, đánh chiếm bến phà Cát Lái, tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Với chiến sĩ, ông là một con người bình dị, rất nhân từ nhưng không kém phần nghiêm khắc. Cánh lính sinh viên Hà Nội chúng tôi vẫn thường mắc căn bệnh cao ngạo, ngang ngạnh, không phục và hay châm chọc những cán bộ chỉ huy có trình độ văn hoá thấp hơn mình nhưng lại mắc bệnh nói dai và hay áp đặt. Chúng tôi đã truyền tụng nhau câu chuyện ông đã gặp một số lính sinh viên và mắng thậm tệ những tật xấu đó. Nhưng ông cũng đã từng nói với những cán bộ cấp dưới: "Trong chiến công của trung đoàn năm 1972 thì lính sinh viên đóng góp một phần không nhỏ, chỉ huy họ không thể giống như những người lính khác...".
Tôi cũng là một người lính sinh viên. Tôi ra trận với cặp kính cận ba
đi-ốp. Trong trận Chợ Sải ngày 16 tháng 9 năm 1972, Đại đội 3 của tôi bị bao vây, tôi bị thương khi phá vây và lết về tới chốt của Đại đội 6. Tại đây, lính Đại đội 6 cho rằng tôi là thám báo ngụy vì "chỉ có lính địch ra trận mới đeo kính", may mà đại đội trưởng của tôi bị thương nằm ở đó nhận ra. Sau khi ra viện trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu, cho tới một hôm, đại đội trưởng gọi tôi lên đưa cho một đôi pin "con thỏ" và nói rằng: "Từ tháng này trở đi tiêu chuẩn nhu yếu phẩm của đồng chí được thêm một đôi pin đèn, đây là lệnh của Trung đoàn trưởng".
Cầm đôi pin trong tay, tâm trạng tôi lúc ấy rất khó tả, thời đó chỉ có cán bộ trung đội trở lên mới có tiêu chuẩn pin đèn, mà tôi chỉ là một anh lính quèn mới được phong từ binh nhì lên binh nhất. Khoảng cách giữa người lính với vị chỉ huy trung đoàn xa lắm, thế mà ông biết đến một người lính trong số hàng nghìn lính của ông mắt bị cận đã phải vất vả như thế nào trong đêm tối, nhất là những đêm mưa dai dẳng của mùa mưa Quảng Trị để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cái ơn đó theo tôi suốt cuộc đời cùng với ký ức của chiến tranh khốc liệt với những kỷ niệm không thể nào quên về những người đồng đội thân yêu.
Mới đầu năm ngoái thôi, sau lễ mừng ông thượng thọ 80 tuổi, ông còn gửi thư và quà cho mấy thằng lính Đại đội 3 chúng tôi vì bận việc không về với ông được: "... cho người lính già hỏi thăm và có chút quà tới con cháu những người lính trẻ...".
Và tháng 5 vừa qua trong dịp công tác qua Hải Phòng, tôi tới thăm ông sau hơn ba mươi năm. Đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp hầu chuyện ông, tôi kể lại câu chuyện đôi pin năm nào, ông không còn nhớ nữa. Với ông bây giờ là sự quan tâm lính của mình hoàn cảnh gia đình ra sao, kinh tế thế nào, đã được mấy cháu gọi bằng ông… Ông vui khi biết có những thằng lính của mình giờ đã trưởng thành, ông buồn vì quân của ông còn quá nhiều thằng vất vả. Nhắc đến những trận đánh ác liệt với bao người lính của mình ngã xuống, mắt ông rưng rưng ngấn lệ. Suốt hơn hai tiếng đồng hồ, ông đã bốn lần nhắc lại câu hỏi: "… Ngày ấy chúng mày chết nhiều quá, có oán bố không?".
Dường như câu hỏi đó day dứt trong lòng ông như một món nợ của cả một thế hệ đã chiến đấu và hy sinh vì sự tồn vong của dân tộc. Và cũng chỉ có ở những người chỉ huy như, ông nghĩ tới những người lính của mình với tấm lòng phụ tử mới có thể thốt lên những nỗi đau như vậy. Tuy về nghỉ, nhưng ông vẫn tập hợp tất cả những người lính cũ của trung đoàn ở mọi vùng quê khác nhau từ Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, ra đến Quảng Ninh… để động viên giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn của ngày hôm nay cũng như ngày xưa ông dẫn dắt chúng tôi xông lên tiêu diệt quân thù.
Đầu tháng 9, trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trung đoàn 101 Cao Vân -3968, thiếu vắng ông, lòng chúng tôi se lại khi biết ông không còn khoẻ nữa…Thế mà ông đã rời xa chúng tôi. Trên đường ra Hải Phòng để tiễn biệt ông, xem lại bức ký họa Lê Duy ứng vẽ ông trong căn hầm chỉ huy tại cao điểm 12 cuối tháng 1 năm 1973, ông đang chỉ huy tác chiến qua điện thoại. Lần này, ông ra đi thực sự để trở lại những nơi ngày xưa ấy, nơi những người đồng đội, những người lính của ông đang chờ đợi mà với tấm lòng nhân hậu của mình ông vẫn thường nhắc đến họ từ trong vô thức sâu thẳm của cõi lòng của một người lính già.
Cho tôi được dâng lên ông bài viết nhỏ này như một nén nhang để tưởng nhớ tới một người lính già, một người chỉ huy quả cảm, một người cha già nhân hậu của trung đoàn. Ông là Đại tá Bùi Đức Ngoan, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 101 Sư đoàn 325 trong những năm 1972-1973 tại mặt trận cánh đông Quảng Trị.
Nhớ lại trận đánh tại nhà thờ Tri Bưu
BÙI DUY DÂN
Nguyên lính Đại đội 10 Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64 thuộc Sư đoàn 320B
Như một quy luật, đời người có nhiều kỷ niệm, nhưng kỷ niệm dễ nhớ, khó quên nhất vẫn là những kỷ niệm của những năm tháng cam go, một sống hai chết, hòn tên mũi đạn, xanh cỏ đỏ ngực, đi không trở về... kỷ niệm về một thời quân ngũ, khi tuổi xuân còn ngẩn ngơ, chập chững bước vào ngưỡng cửa cuộc đời. Đang là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, nghe theo tiếng gọi của hồn thiêng sông núi, tôi hồn nhiên, tình nguyện vào lính như bao người bạn cùng trang lứa. Vào lính, vào chiến trường Quảng Trị, 81 ngày đêm đỏ lửa tại Thành cổ, tôi tham gia không trọn vẹn vì bị thương sớm -1961 nhưng kỉ niệm về một trận đánh vẫn còn tươi nguyên trong đầu óc tôi suốt 35 năm qua - trận đánh vào nhà thờ Tri Bưu, một hang ổ đầy gian nan, khó tiếp cận, đổ máu, hy sinh nhiều nhất phía sau bờ sông Thạch Hãn.
Từ Đông Hà, xe Viettel hành quân qua các làng bản, qua cầu Quảng Trị, qua Thạch Hãn, đưa chúng tôi về Thành cổ Quảng Trị. Cái đích Thành cổ bây giờ sao lại thênh thang, thuận lợi đến thế. Ngồi trên xe chúng tôi muốn xe đi chậm lại để suy ngẫm, nghe lại bước chân hành quân, hình dung lại những trận rượt đuổi thù năm xưa. Song cái gì đến sẽ đến, Thành cổ hiện ra trước mắt chúng tôi, bỏ lại sau lưng biết bao kỷ niệm mà chúng tôi chưa kịp mường tượng hết. Xuống xe, tôi và các cựu chiến binh Đại đội 10, những anh Bằng, Điệp, Luỹ, Hùng, Đức v.v... toả ra chạy vội đến nhà thờ Tri Bưu để tận mắt nhìn lại nơi diễn ra cuộc chiến ác liệt xưa.
Đoàn Cựu chiến binh Phủ Lý - Hà Nam đến Tri Bưu, mỗi người một tâm trạng khác nhau, buồn nhất là anh Hùng, người đã có người em ruột hy sinh tại đó (vẫn chưa tìm thấy mộ), anh thắp nén nhang, khóc nức nở, cầu xin hương hồn em trai anh trong niềm tuyệt vọng. Riêng tôi, trước đây Tri Bưu là một hình ảnh lờ mờ, vì thời đó năm 1972 ban ngày thì trú ẩn, ban đêm mới xông trận, cây cối trơ trụi, gạch đá ngổn ngang, cả Thành cổ ta địch lẫn lộn, làm sao nhớ nổi? Nay có dịp vào ban ngày cộng với những ký ức xưa dội về đã cho tôi một bức tranh toàn cảnh về Tri Bưu.
Tri Bưu hôm nay đẹp đẽ, hiền hoà, biểu tượng của sự pha trộn giữa đạo và đời. Quanh Tri Bưu xóm làng đông đúc, phủ kín cây xanh, đường đi lối về đàng hoàng hơn. Đến đó, tôi vội chạy phía sau một nhà dân tìm lại con đường nhựa nhỏ năm xưa, đường đó nay vẫn còn, đường không tên nhưng chính nó là một chướng ngại vật rất trống trải buộc chúng tôi phải vượt qua để tiếp cận nhà thờ. Nhà thờ Tri Bưu tháng 7 năm 1972 tồn tại như một thách thức giữa ta và địch. Trong nhà thờ có ngụy, có dân; diệt ngụy là diệt cả dân, diệt cả thì nhanh lắm nhưng ta là quân đội nhân dân, chiến đấu vì dân, chẳng nhẽ lại làm như vậy sao? Bằng nhiều cách tiếp cận, cách dùng loa kêu gọi nhiều lần, để giãn dân, ít đổ xương máu địch vẫn không nghe, chúng ngoan cố tử thủ đến cùng. Đã nhiều lần các đơn vị nhận nhiệm vụ đánh vào nhà thờ đều vấp phải sự kháng cự quyết liệt của kẻ thù. Ta - địch tổn thất thương vong khá nhiều. Mỗi lần đánh như thế, khi rút quân ra ta lại gom còn ai lại vào trận, bất biết người lính đó ở đơn vị nào. Sự chiến đấu, hy sinh tình nguyện là nguồn mạch để củng cố tinh thần tướng sĩ. Có lúc, có khi chúng tôi chẳng biết thủ trưởng mình là ai, vì họ đã hy sinh, bị thương cả rồi.
Tối 18 tháng 7 năm 1972, lệnh từ trên xuống, yêu cầu Tiểu đoàn 9 xung trận. Màn đêm buông xuống, tôi và đồng đội vào trận như bao trận đánh trước, các mũi, hướng đã bố trí sẵn sàng. Chúng tôi những người lính được lệnh của cấp trên bảo đi là đi, bảo đánh là đánh, cả đại đội dồn vào có lẽ được hơn một trung đội. Tôi đi theo mũi do Tiểu đoàn phó Kiều Ngọc Luân dẫn đầu. Sau một hồi tiếp cận gian nan, vất vả, địch chống cự mạnh mẽ. Trên trời pháo sáng, máy bay lượn vè vè, dưới đất thì đạn, cối, pháo tầm xa bắn như mưa. Mũi chúng tôi vấp phải ổ trung liên từ phía cửa sổ tầng hai nhà thờ bắn ra rát mặt, không sao tiến lên được.
Tạm trú ở một hố bom sâu nhỏ, chờ lệnh cấp trên, chờ đợi giữa cái sống và cái chết trong gang tấc, nghĩ lại thật là khủng khiếp! Tối đó, tôi được phân bắn B40 (chiến trường hồi đó mà cầm hoả lực thì cái chết chắc trong tay), mục tiêu là nhắm vào cửa sổ tầng hai nơi ổ trung liên. Tôi khom người, tìm mục tiêu bóp cò, đạn B40 bay đi để lại phía sau một vệt sáng và khói mù. Bắn xong tôi lao xuống hào, lập tức vài quả cối cá nhân từ hướng nào bắn tới nổ quanh tôi. Rất may, tôi vẫn an toàn nhưng bỗng tôi thấy nhói ở thái dương, sờ vào thấy máu chảy đầm đìa. Vết thương nhỏ thôi nhưng phải chỗ hiểm nên máu ra nhiều... Tôi được ai đó băng bó trắng toát cả đầu và đưa ra phía sau. Nhưng sau phát B40, tiếng súng trung liên của địch im bặt (sau tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba tại trận này). Tôi được chuyển vào hầm nhà tỉnh trưởng, đêm đó ta thương vong nhiều, ngổn ngang thương binh trong hầm, mỗi người một vẻ. Tối sau, tôi được thuyền chuyển qua sông Thạch Hãn ra Vĩnh Linh điều trị, sau vài tháng chữa chạy vết thương và an dưỡng, tôi lại trở lại chiến trường tham dự trận đánh Cửa Việt trước giờ ngừng bắn ngày 27 tháng 1 năm 1973.
Tản mạn nhớ chuyện ngày xưa, chuyện người lính còn nhiều lắm, mực nào viết hết, giấy nào in xuể. Với tư cách một cựu chiến binh, một lần nữa xin cám ơn Ban liên lạc Trung đoàn 64 thuộc Sư đoàn 320B đã cho tôi một cơ hội để giãi bày tâm sự người lính hồi kết của cuộc chiến tranh ái quốc
vĩ đại.
Hà Nội tháng 7 năm 2007
Một trang sử hào hùng
Đại tá NGUYỄN HẢI NHƯ
Nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 48 thuộc Sư đoàn 320B
Đầu tháng 5 năm 1972, Đông Hà - ái Tử, Thị xã Quảng Trị được giải phóng, địch phải lui về cố thủ tỉnh Thừa Thiên - Huế. Không cam chịu thất bại, chúng mở cuộc phản công hòng "tái chiếm" Quảng Trị cho tới khu giới tuyến với mục đích đầu tiên là thị xã tỉnh lỵ. ở đây đã diễn ra các trận đánh vô cùng ác liệt ngay từ những ngày đầu, cho đến khi Hiệp định Pa-ri được ký kết vào cuối tháng 1 năm 1973. Ta đã đánh lui nhiều đợt tấn công của địch từ La Vang, ngã ba Long Hưng, Quy Thiện, Tri Bưu và trục đường 1, với ý chí kiên cường và lòng dũng cảm, đã bám trụ và giữ vững trận địa suốt 81 ngày đêm.
Xin kể lại một số trận chiến đấu đáng nhớ cũng như cảm xúc của bản thân về 81 ngày đêm đó. Địch âm mưu đánh chiếm Thị xã Quảng Trị để cắm cờ trên Thành cổ vào ngày 10 tháng 7, gặp phải sức chiến đấu ngoan cường và đầy mưu trí của ta, chúng không thực hiện được.
Đến ngày 12, địch chiếm được nhà thờ Tri Bưu ở phía bắc, cách Thành cổ khoảng 1 kilômét. Nếu địch chiếm được chỗ đó thì chỉ còn cách ta có 500-600 mét. Khi nắm được thời cơ này, Tư lệnh quân đoàn 1 quân đội Việt Nam Cộng hòa Ngô Quang Trưởng hạ lệnh cho quân dù bằng mọi giá phải cắm được cờ lên Thành cổ ngay trong đêm đó vì sáng hôm sau, ngày 13 tháng 7 diễn ra phiên họp của Hội nghị Pa-ri. Tối, chúng tôi nhận được điện của Tư lệnh chiến dịch hạ lệnh đêm nay không được để tên địch nào lọt được vào Thành cổ. Tiếp theo là điện của Quân ủy Trung ương hạ lệnh chỉ thị cho Trung đoàn 48, Tiểu đoàn địa phương 3 Quảng Trị là lực lượng trực tiếp giữ Thành, phía sau có Trung đoàn 95 của Sư đoàn 325 đóng ở bờ sông phía bên kia từ Nhan Biều đến ái Tử, sẵn sàng vượt sông sang để chi viện cho Trung đoàn 48.