Tôi đã nhận được quyển sách biên khảo “Biên Hùng Liệt Sử “ của anh gửi tặng. Tôi xin cảm tạ anh đến hai lần, vì cho tới nay tôi chưa có sách do Thư Viện Việt Nam trên Internet để tặng lại bạn văn. Xin anh thông cảm. Đọc sách anh, tôi thấy thể hiện con người chân thật của anh. Anh viết không cầu kỳ, bóng bẩy, trau chuốt, nhưng thấy cả một tấm lòng của con người gắn bó với quê hương, đất nước. Nhờ những loại sách như vậy chúng ta, trong cũng như ngoài nước, còn cảm thấy được chút tình gắn bó với quê cha, đất tổ. Tôi rất thích loại sách như của anh viết. Tuy thuộc loại biên khảo, nhưng nó không khô khan, nhàm chán. Anh viết như kể chuyện. Độc giả say mê nghe anh kể những chuyện về quê hương Biên Hoà với tất cả tấm lòng trân trọng. Sách nầy giúp cho tôi rất nhiều trong khi viết về miền Nam. Tôi chỉ muốn gửi thêm nhiều chi tiết mà tôi hiện có để góp phần làm tăng thêm sự hiểu biết hữu ích về quê hương. Tôi có được quen với kỹ sư Hồ Văn Bữu. Ông đã qua được trại tị nạn ở Thái Lan, nhưng không qua được đợt thanh lọc, nên bị trả về Việt Nam. Từ đó chúng tôi bặt tin luôn. Tôi nghe anh Xuân Vũ nói có lẽ bị Việt Cộng... Hy vọng tin ấy sai. Tôi cũng biết ông Bữu có người con gái tên Hồ Thị H., có chồng Mỹ, vậy mà khi ông qua trại tị nạn, không can thiệp bảo lãnh ông(?) . Tôi đã đọc tài liệu anh gửi tặng một cách say mê. Rất cám ơn anh đã giúp tôi nhiều chi tiết để làm sáng tỏ lịch sử Nam bộ, vốn nhiều uẩn khúc mà ít người trong chúng ta hiểu biết cặn kẽ. Những sự đóng góp của anh trong Biên Hùng Liệt Sử rất đáng trân trọng. Nếu không có những người như anh, chân thành ghi lại những sự kiện lịch sử để làm tài liệu, thì các thế hệ đời sau, muốn tìm hiểu sự thật, không biết lấy đâu mà tham khảo? Tôi nhớ mang máng rằng nhà văn Nguyễn Hiến Lê có nói: Bằng hình thức nào cũng được, ai có biết một tài liệu gì về lịch sử cũng có bổn phận phải ghi chép lại, Miễn thận trọng và thành tâm là quý rồi...Nếu không vậy thì thực khổ tâm cho những người sau muốn tìm hiểu những người trước. Anh Thái Thụy Vy ơi, làm thơ cũng là một hình thức đóng góp làm cho phong phú văn hóa, đồng thời cũng là một trạng thái diễn tả những khả năng xâu kín của tâm hồn. Thơ không thể thiếu trong nhu cầu cuộc sống, nhưng biên khảo thì cần hơn, vì nó làm chúng ta có thêm cơ sở giữ gìn bản sắc dân tộc. Việc anh làm âm thầm, nhưng là công việc có ý nghĩa lớn vì anh viết lại với tất cả lòng thành thật. Những gì Hồ Chí Minh thực hành ở Việt Nam thời kháng chiến đều đúng theo lời dạy của thánh kinh Cộng Sản. Cải cách ruộng đất chính là đương nhiên và trước hết phải thanh toán xong giai cấp tư sản nước mình trước đã, để tiến lên giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhiều người vì chưa có điều kiện đọc lý thuyết về chủ nghiã Cộng sản nên ngộ nhận. Ông Huỳnh Văn Nghệ, ông Huỳnh Tấn Phát đều thuộc giai cấp tiểu tư sản, đều bị Hồ Chí Minh lợi dụng trong giai đoạn đầu, sau đó phải bị...thanh toán bằng cách nầy hay cách khác. Không có chuyện ông Hồ đãi ngộ trí thức hay tiểu tư sản, mà chỉ là lợi dụng trong giai đoạn. Chuyện nầy còn dài. Tôi đang viết về lịch sử tập ba. Một lần nữa xin cám ơn anh và xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với anh. San Antonio ngày 8 - 9- 2002
Chương 16 Trần Văn Linh
Những Bài Viết của Thân Hữu
Trần Văn Linh Lên Đường Ông Trần Văn Linh, Thẩm Phán Cựu Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Việt Nam Cộng Hòa (Baton Rouge, Louisana), người gốc Tân Uyên, rất yêu thơ. Thật không ngờ ông cũng rất thích làm thơ. Đây là một bài thơ ông đã sáng tác hồi lúc ông còn là học sinh Trung Học Pétrus Ký, mà ông khiêm nhường gọi là mộc mạc. Vì cảm thông với kiếp sống tha hương, ông đã đồng cảm: Trong những bài thơ của anh Thái Thụy Vy đã đăng trong tuyển tập Vườn Thơ Hải Ngoại ở San Diego, California, tôi rất thích bài Sầu đại dương, bài nầy đã nói lên một cách sâu sắc những u hoài của nỗi lòng người tha hương. Qua bài thơ "Lên đường", ta thấy nỗi nhớ nhà (nostalgia) của một người đi học xa nhà, nó cũng là nỗi niềm hoài hương của người viễn xứ hôm nay. Lên đường
Lễ hè qua thấp thoáng Nay đến lúc lên đường Về thủ đô ánh sáng Trở lại dưới mái trường
Đêm nghe như còn khuya Tiếng ga sao thôi thúc Thời gian buổi phân chia Một đêm qua phút chốc
Hành trang mẹ đã lo Gói con sao nặng nhỉ? Hé cửa đừng khua to Mẹ già còn an nghỉ
Chó Phèn mừng ngoắc đuôi Liếm tay nhìn thân mến Nay ta đi chó ơi! Giữ nhà, chờ hè đến
Đuờng đất dọc ven sông Lờ mờ trong sương lạnh Nước xanh hiền mênh mông Sậy lau run cô quạnh
Nhặt đá ném giữa dòng Cho tan bầu cảm xúc Tiếng rơi vang trên sông Chìm trong dòng sương đục
Đầu làng tẻ sang gò Ra đường trời vừa sáng Đường quạnh hiu quanh co Xe đò chưa lố dạng
Nhìn lại mái nhà thân Sau cánh đồng xanh biếc Hàng cau ốm ngoài sân Phất phơ như vẫy biệt
Mái nhà vừa nhả khói Mẹ ta đã dậy rồi Vắng ta mẹ không nói Nhưng dạ chắc bồi hồi
Giã từ nhà thân mến Giã từ cả đồng ruộng Từ xa xe tiến đến Cuốn theo chuỗi bụi hồng.