Chỉ mục bài viết |
---|
Góp Nhặt Cát Đá - Thạch Sa Tập |
Trang 2 |
Trang 3 |
Trang 4 |
Trang 5 |
Tất cả các trang |
Truyện thứ 41
Làm Thế Nào Ðể Viết Một Bài Thơ Tứ Tuyệt
Người ta hỏi một thi sỹ Nhật nổi danh làm thế nào viết được một bài thơ tứ tuyệt của Trung Hoa. Thi sĩ giảng giải:
“Dòng đầu chứa phần khởi nhập; dòng hai là phần chuyển tiếp của dòng đầu; dòng ba chuyển từ đề mục và bắt đầu một ý mới; và dòng bốn gồm ba dòng trước lại với nhau.”
Một khúc dân ca Nhật minh họa ý này:
“Hai cô gái của một người bán lụa ở Kyoto.
Cô chị hai mươi, cô em mười tám.
Một anh lính có thể giết người với lưỡi kiếm anh ta,
Nhưng hai cô gái này giết đàn ông với đôi mắt các nàng.”
Hai nàng bán lụa thành Ðông Kinh
Mười tám đôi mươi ngắm thật xinh.
Tráng sĩ giết thù gươm vấy máu,
Cô nương hạ thủ, mắt đưa tình.
Truyện thứ 42
Đối Thoại Thiền
Các Thiền sư huấn luyện các chú tiểu tự diễn tả ý nghĩ của các chú. Hai ngôi đền Thiền, mỗi bên có một chú tiểu hầu cận. Một chú mỗi sáng đi hái rau, gặp chú kia giữa đường.
Chú thứ nhất hỏi: “Anh đi mô rứa?”
Chú kia đáp: “Ta đi mô bàn chân ta bước.”
Câu trả lời làm chú thứ nhất rối óc, chú về cầu thầy trợ giúp. Thầy chú bảo: “Sáng mai, khi con gặp anh bạn nhỏ của con, hãy hỏi lại hắn câu đó. Hắn sẽ trả lời câu đó, rồi con hỏi tiếp: “Giả như anh không có chân thì anh đi mô? Hắn sẽ chịu ngay”.
Sáng hôm sau khi hai chú gặp nhau. Chú thứ nhất hỏi: “Anh đi mô rứa?”
Chú kia đáp: “Ta đi nơi mô gió thổi.”
Câu trả lời này lại làm bù đầu chú thứ nhất, chú kia đã đánh bại cả bậc thầy chú.
Ông thầy lại mới ý: “Hãy hỏi hắn đi mô nếu không có gió?”
Ngày hôm sau, hai chú gặp nhau lần thứ ba. Chú thứ nhất hỏi: “Anh đi mô rứa?”
Chú kia đáp: “Ta đang đi chợ mua rau.”
Truyện thứ 43
Mùi Vị Của Lưỡi Kiếm BanZo
Matajuro Yagyu là con trai của kiếm sĩ Nhật lừng danh. Cha anh cho rằng tài nghệ của con ông quá tầm thường khó mong chức phận làm thầy, nên ông đã từ, không dạy.
Vì thế Matajuo đến núi Futara và tìm được một kiếm sĩ lừng danh khác ở đó là Banzo. Banzo lại xác định lời phán quyết của cha anh. Banzo nói: “Anh muốn ta dạy anh kiếm thuật phải không? Anh không đủ điều kiện để học kiếm đâu.”
Matajuro một mực hỏi tiếp: “Nhưng nếu con luyện tập chuyên cần thì con phải mất bao nhiêu năm để trở thành một kiếm sư?”
Banzo đáp: “Cả quảng đời còn lại của anh?”
Matajuro giải thích: “Con không thể chờ lâu đến thế. Con sẽ vượt qua bất cứ khó nhọc nào, nếu thầy dạy con. Nếu con làm một người hiến mình giúp việc cho thầy thì con phải mất bao lâu?”
Banzo hơi dễ dãi: “Ồ có lẽ mười năm.”
Matajuro hỏi tiếp: “Cha con đã già rồi và con phải sớm săn sóc ông. Nếu con luyện tập chuyên cần hơn nữa thì phải mất bao lâu?”
Banzo đáp: “Ồ, có lẽ ba mươi năm.”
Matajuro hỏi: “Sao thế? Trước thầy bảo mười năm bây giờ ba mươi năm. Con sẽ vượt qua bất cứ cực nhọc nào để nắm vững kiếm thuật trong một thời gian ngắn nhất.”
Banzo đáp: “Ðược, với điều kiện anh phải ở lại đây với ta bảy năm. Một người quá nóng nảy muốn đạt kết quả như anh, ít khi học nhanh được.”
Sau cùng, Matajuro hiểi rằng mình đang bị trách mắng vì không có tánh kiên nhẫn. Anh ta kêu lên: “Hay lắm, Con đồng ý.”
Matajuro không bao giờ nghe nói một lời nào về kiếm thuật và cũng không bao giờ đụng tới thanh kiếm. Matajuro nấu ăn cho thầy, rửa chén bát, dọn giường ngủ quét sân quét nhà, săn sóc vườn, nhất nhất không nói một lời nào về kiếm thuật.
Ba năm trôi qua, Matajuro vẫn làm việc. Nghĩ đến tương lai, anh ta buồn. Matajuro vẫn chưa bắt đầu học thứ nghệ thuật mà anh ta đã hiến mình cho nó.
Nhưng một hôm Banzo bò đến sau lưng Matajuro và tặng anh ta một đường kiếm rợn tóc gáy bằng một thanh kiếm gỗ.
Ngày hôm sau, lúc Matajuro đang nấu cơm, thình lình Banzo nhảy bay qua người anh ta.
Sau đó, ngày đêm Matajuro phải phòng vệ những cú đánh bất ngờ như thế. Bất cứ ngày nào, không một phúc nào Matajuro không suy nghĩ đến ý vị của lưỡi kiếm Banzo.
Matajuro học rất nhanh. Anh mang lại cho thầy những nụ cười vui vẻ. Matajuro trở thành một kiếm sĩ vĩ đại nhất nước.
Truyện thứ 44
Dạo Mát Nữa Đêm
Nhiều đệ tử đang theo học thiền định dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Sengai. Một người trong bọn họ thường hay dậy ban đêm, vượt tường ra phố để dạo mát cho thỏa thích.
Một đêm, Sengai đi giám thị phòng ngủ, thấy một đệ tử vắng mặt và cũng khám phá ra được chiếc ghế đẩu cao mà anh ta thường dùng để leo qua tường. Sengai dời chiếc ghế chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó. Khi anh chàng rong chơi trở về, không biết rằng Sengai là chiếc ghế, anh ta đặt chân lên đầu thầy và nhảy xuống đất. Khám phá ra sự việc mình làm, anh ta hoảng sợ.
Sengai bảo nhỏ nhẹ: “Sáng sớm này trời lạnh lắm. Con hãy cẩn thận kẻo bị cảm.”
Người đệ tử không bao giờ ra ngoài ban đêm nữa.
Truyện thứ 45
Lá Thư Cho Ngày Hấp Hối
Bassi viết lá thư sau đây để gởi cho một đệ tử của ông sắp chết:
“Bổn tánh của tâm con không sinh, vì thế nó không bao giờ chết. Nó không phải là một hiện hữu, nên nó không biến mất. Nó không phải là cái trống rỗng, mà là cái chân không. Nó không có màu sắc và thể hình. Nó không hưởng thụ khoái lạc và chịu đựng sự đau đớn.
“Thầy biết con bệnh nặng lắm. Giống như một người học Thiền giỏi, con đang đối mặt hoàn toàn với sự đau đớn. Có thể con không rõ ai là kẻ đang đau khổ, nhưng hãy hỏi chính con: “Bổn tánh của con là gì?” Hãy nghĩ một điều này thôi. Con sẽ không cần gì nữa. Ðừng ham muốn gì cả. Sự chấm dứt của con không chấm dứt, nó giống như một bông tuyết trong trắng tan biến trong không khí tinh khiết.”
Truyện thứ 46
Giáo Lý Tối Thượng
Thời xưa ở Nhật, người ta thường dùng những chiếc đèn lồng sườn tre phất giấy trong có gắn đèn sáp. Một đêm nọ, một người mù tới thăm bạn. Khi về, người bạn biếu một lòng đèn để soi đường đi. Anh ta nói:
“Tôi không cần đèn. Ðối với tôi, tối và sáng cũng như nhau.”
Người bạn đáp:
“Tôi biết anh không cần đèn để soi đường nhưng nếu anh không cầm một cái, người khác có thể chạy tung vào anh đó. Vì thế anh nên cầm một cái.”
Người mù ra về với chiếc lồng đèn, và anh ta đã ra đi khá xa, một người ở đâu chạy tung vào anh ta.
“Coi kìa, anh đi đâu vậy!”, anh ta than phiền với người lạ. “Bộ anh không thấy đèn tôi sao?”
Người lạ đáp: “Ðèn sáp của anh tắt queo rồi, anh ơi.”
Truyện thứ 47
Dấm Của ToSui
Tosui là một Thiền sư đã bỏ hình thức những ngôi đền để sống dưới gầm cầu với những kẻ ăn mày. Khi Tosui quá già, một người bạn chỉ cho Tosui cách kiếm sống mà không phải đi xin.
Người bạn chỉ cho Tosui lượm gạo để làm dấm. Tosui làm dấm kiểu này cho đến khi ông qua đời. Trong khi Tosui làm dấm, một người ăn mày biếu ông một bức tranh Phật. Tosui treo nó lên vách lều và ghi vào cạnh bức tranh:
“Thưa ông Phật A di đà: cái phòng này chật hẹp lắm. Tôi có thể để ông ở lại đây nhất thời. Nhưng xin ông đừng có nghĩ rằng tôi cầu cạnh ông để ông giúp tôi được tái sanh nơi thiên đàng của ông đấy nhé.”
Truyện thứ 48
Thiền Của Phật
Phật nói: “Ta xem những nơi các vua vá các nhà cầm quyền cai trị như là những hạt bụi. Ta xem những kho vàng và châu ngọc như những viên gạch và những viên sỏi. Ta nhìn những chiếc áo lụa tốt đẹp nhất như những mảnh vải rách tả tơi. Ta thấy vô số thế giới của vũ trụ này nhỏ như những hạt trái cây, và chiếc hồ lớn nhất ở Ấn Ðộ như một giọt dầu trên chân ta. Ta biết những giáo lý của thế gian là những ảo thuật của những tên phù thủy. Ta thấy rõ tư tưởng cao siêu của sự giải thoát như là một miếng nhung vàng trong giấc mộng, và thấy thánh đạo của những kẻ thông sáng như những đóa hoa xuất hiện trước mắt một người. Ta xem sự thiền định như là một cột trụ trên núi cao và Niết bàn là một cơn mộng du giữa ban ngày.
Ta xem những lời phán quyết về đúng và sai như là sự uốn mình nhảy múa của một con rồng, và sự lên xuống của đức tin là dấu vết của bốn mùa để lại.”