Chỉ mục bài viết |
---|
Tập Truyện Ngắn của Dương Ánh Đăng |
Trang 2 |
Trang 3 |
Tất cả các trang |
Tập Truyện Ngắn của Dương Ánh Đăng
Tác giả: Dương Ánh Đăng
ĐỘ GÀ
Trong chuyến về chơi Việt Nam cùng đám bạn, tôi có về thăm quê của một thằng bạn thân, Bảo, ở tận Bình Định. Nó rủ tôi nhất định phải dành thời gian để đi xem độ gà đá cùng nó. Tôi đã nghe từ lâu về gà Bình Định. Sẵn dịp này, tôi muốn ghé coi một lần cho biết nên tôi đồng ý liền.
Ngày hôm sau, trời còn tờ mờ sáng, nó đã đập cửa ầm ầm đánh thức tôi. Nó đã thức từ sớm và chuẩn bị mọi thứ. Chỉ chờ tôi xong là vọt liền. Anh nó nói hôm nay có độ lớn ở xóm bà Tư. Đến trễ là khỏi vào luôn vì tụi bảo kê sẽ không cho vào khi đã đủ người. Vì sợ trễ giờ, tôi làm qua loa vài vệ sinh cá nhân cần thiết và rời phòng.
Khi xuống nhà dưới, Bảo đã đề máy xe Honda đợi sẵn. Tôi nhảy vội lên và nó rồ máy phóng đi cái vèo. Vừa chạy, nó vừa tâm sự, “tao đi Mỹ lâu rồi. Tao nhớ đá gà thấy mẹ. Ở bên đó, đâu có ba cái vụ này. Có lần tao nghe nói đâu ở Phố Tàu San Francisco có độ đá lén. Tao chưa kịp mò đến coi thì nhóm đó đã bị tóm cổ rồi. Mười mấy năm chưa được coi đá gà lại. Khi xưa tao ở đây, ngày nào cũng đi coi. Thằng nào chưa từng coi thì cho rằng đá gà là ác. Tao bảo đảm mày coi một lần rồi mê luôn đó.”
Tuy còn hơi sớm, nhưng cái nóng của tháng Tư cũng đủ hầm và làm tôi khó chịu. Nhờ xe chạy nhanh nên gió giúp làm dịu đi phần nào sự oi bức. Vừa chạy vừa nhỏ to tâm sự. Xe đã chạy được 15 phút rồi mà không thấy Bảo nhắc gì đến khi nào tới. Tôi hỏi thì mới biết là xóm bà Tư ở ngoại thành lận.
Chiếc xe chạy một hồi cũng đến nơi. Vào đến đầu xóm bà Tư, tụi tôi hỏi thăm đường thì được tụi bảo kê cho biết là xe không được vào xóm. Xe cần gởi lại chỗ giữ xe do tụi nó ấn định, chẳng qua cũng là một lối làm tiền. Nhập gia tùy tục vậy. Đành thôi, Hai đứa xuống xe gởi lại và cuốc bộ theo sau thằng bảo kê.
Tôi vừa đi vừa hỏi Bảo,“tại sao lại phải ra tận ngoài này mà đá? Họ có thể đá trong phố không sướng hơn!” Bảo trả lời, “Ngu như mày mới đá ở trong nhà, ngoài phố. Mấy thằng công an Phường nó ập vào là tiêu tùng cả đám. Đá ở đây, tụi công an Xã đã bị mua chuộc hết rồi. Mặc sức mà coi không ai thèm động đến mày hết.”
Sân đá gà là bãi đất trống nằm sau vườn nhà ông Nam. Nhà ổng thì lại nằm tận cuối xóm nên khá biệt lập và an toàn. Ở cái xóm này, ổng là người mê gà nhất. Một tuần mà ổng không đá chắc ổng chết mất. Ông này cũng nổi tiếng du côn nhất xóm. Dưới tay ổng có một tá đàn em lúc nào cũng trực chờ lịnh ổng. Ổng mê đá gà đến nỗi ai trong xóm cũng đặt cho ổng cái tên Ông Nam Gà. Gà ổng thắng độ, ổng bao đàn em đi ăn nhậu. Gà ổng thua độ, ổng cho đàn em chấn lột người thắng rồi dùng tiền đó bao đàn em đi ăn nhậu nốt. Vì vậy, trong xóm ai cũng sợ và ít ai dám cáp độ gà cùng ổng.
Tuy mới tới trước cửa nhà, hai tôi đã nghe tiếng la ó rang trời phát ra từ bên trong. Đứa thì la, “tao bắt con gà Ngũ Sắc; hai ăn một.” Một thằng khác lại la lớn hơn, “tao bắt con gà Ô.” Tiếng la hòa cùng tiếng vỗ tay hoan hô càng lớn lên khi họ thả hai con gà ra đá. Người đứng ngập cả lối đi trong nhà. Hai tôi chen lấn nhưng chưa vào được “đấu trường” thì đã nghe tiếng la ó ồn ào lớn hơn. Một ông thét lên, “chết cha, con Ô bị trúng cựa ở cổ đang giẫy chết .” Thêm vào đó là tiếng than thở của những người thua và tiếng hò hét của kẻ thắng, “chung tiền đi. Tao đã nói mà. Con Ô này chọi sao lại con Ngũ Sắc.”
Mới đó mà cả đám đã chung và thu tiền xong. Một số thua độ mặt cú rũ bỏ ra về. Phía sân sau giờ đã bớt người nên hai tôi mới dễ dàng chen chân vào được đấu trường. Lúc đó, họ cũng vừa mang cặp gà kế tiếp ra cáp độ. Một bên là con gà Tre lông xám của ông Nam Gà. Bên kia là con gà Cồ lông đỏ của thằng Dậu của xóm khác mang đến. Nhìn sơ qua thấy con gà ông Nam thua chắc. Tuy nó có vẻ hăng máu nhưng nhỏ con quá. Còn con gà thằng Dậu thì chẳng những to xác, mà còn có phần lanh lẹ hơn. Nhìn ánh mắt nó là biết là gà chiến rồi. Vì độ gà không đồng điều, gà thằng Dậu phải chấp gà ông Nam một cựa có nghĩa là gà thằng dậu chỉ được gắn một cựa sắt thôi còn gà ông Nam thì được cả hai. Dù vậy, hình như những người biết chuyện đều theo gà ông Nam. Những nhóm từ nơi khác tới đều đánh cá gà thằng Dậu thắng. Theo nhận xét của tôi và sự chênh lệch của hai con gà, tôi cũng cho rằng thằng Dậu cầm chắc cái thắng trong tay.
Tôi hồi hộp theo dõi trận chíến ác liệt sắp được mở màn. Khi hai con gà đã được nạp cựa và chuẩn bị, chúng nó được thả ra sân đá trong tiếng reo hò hào hứng của mấy tay cá độ. Con gà Tre nhỏ tung cánh nhảy lên cao trước và sáp vào định chấn cựa ngay ức con gà Cồ. Con gà Cồ cũng không vừa. Nó phản đòn và đá mạnh một đá làm con gà tre văng ra xa. Bước chân đi không muốn vững. Hên cho nó là chưa trúng cựa sắt vì bị đá bằng chân không nạp cựa. Bấy giờ, dân cá độ nhao nhao lên chấp thêm, “ai dám bắt gà Ông Nam? Năm ăn một.” Một đứa xỏ miệng vào, “sáu ăn một. Có ai bắt không.” Hình như ai cá bao nhiêu thì ông Nam cũng ôm vào hết. Ngó ông ta, tôi thấy ổng vẫn còn bình tĩnh lắm và không có vẻ gì sợ hãi. Ổng còn ung dung kéo điếu thuốc Lào kêu “rột rột”. Tôi nghĩ chắc con gà này có chiêu gì độc đây. Để rồi xem.
Con gà Tre đang hăng máu bay vào lần nữa. Lần này thì nó đá trúng con gà Cồ một cái nhẹ. Đúng ra con gà Cồ dễ dàng tránh đòn như lần trước, nhưng không biết tại sao nó không nhảy lên tránh. Con gà Cồ chưa kịp phản đòn thì đã bị con gà Tre sáp lại và đá cái nữa. Lần này thì hình như con gà Cồ bị dính cựa trên lưng vì thấy thân mình nó giựt giựt. Nhìn nó có vẻ đau đớn lắm. Đến lúc này thì con gà Cồ đứng yên không phản ứng gì nữa. Tôi lấy làm ngạc nhiên và nghĩ nó bị trúng gió. Rồi tự nhiên con gà Cồ quị xuống. Có người la, “bị trúng tử huyệt rồi.” Tôi thầm khâm phục con gà Tre của ông Nam có võ. Thấy nó nhỏ nhỏ mà có độc chiêu. Nhưng rồi từ miệng con gà Cồ, tôi thấy một dòng máu đen thùi lùi từ từ ứa ra. Một đứa trong bọn thằng Dậu la, “tử huyện con khỉ họ gì. Gà bị trúng độc rồi. Máu đen thui không thấy hả, cha nội?”
Thằng Dậu bực mình lắm nhưng không dám nói câu nào. Nó vào sân ôm con gà chết ra. Nó vạch lông xem thì thấy toàn thân gà đã tím bầm. Lúc đó, tôi nghĩ chắc có ai chơi gian thoa chất độc vào cựa gà của ông Nam. Vì thế mà nó mới đá chết con gà Cồ. Nhưng khi thằng Dậu coi lại lần nữa thì không thấy gà nó bị trúng cựa nào cả. Bằng chứng rõ ràng hơn là cặp cựa sắt được mang trên chân con gà ông Nam không có dính máu. Trận đó, thằng Dậu thua đâu cũng vài trăm đô Mỹ. Nó ôm xác con gà chết ra về mà mặt hầm hầm.
Tôi thấy chuyện lạ. Tôi hỏi một bác đứng kế bên, “chuyện gì vậy bác?” Ông ta trả lời, "chuyện gì đâu. Gà thằng Dậu bị trúng thuốc độc thôi. Chắc ai đó đã lén thuốc nó rồi.” Tôi mới hỏi tiếp, “vậy sao nó không khiếu nại?” Ông già cười, “ở đây mà khiếu nại cái giống gì mậy. Cũng hên cho thằng Dậu là nó thua đó. Chứ nó thắng thì không chừng đã bị tụi côn đồ xóm này đè ra đập cho bò càng rồi.” Tôi ngạc nhiên, “ủa, sao lại bị đánh?” Bác ấy trả lời liền, “có gì đâu mà lạ. Ai mà dám đụng đến ông Nam Gà ở cái xóm này. Đã mấy lần rồi, hễ gà ai mà đá thắng gà ổng thì đều bị đám côn đồ đệ tử ổng chận đường đè ra đập gần nhừ tử. Tại thằng Dậu nó không biết đó thôi. Sau chuyến này chắc nó học khôn không mang gà qua đây đá nữa. Lúc trước, có một thằng mang con gà chiến từ tận thành phố về đây. Đá mới một phát làm chết con gà ông Nam. Khi nó vừa ra đến đầu xóm bị nhóm côn đồ đè ra đánh gần mềm mình luôn.” Tôi tức mình hỏi, “ủa mà công an không giải quyết hả bác.” Ông ta ngó mặt tôi rồi nói, “cái đồ Việt Kiều như mày mới đòi công đạo ở đây. Tụi nó bị mua chuộc hết rồi cháu ơi. Cả bè cả đám tụi nó ăn chia nhau hết rồi thì lấy ai mà xét với xử.” Tôi vẫn còn tức mình vì chuyện con gà chết nên trở lại vấn đề, “vậy ai thuốc con gà Cồ vậy bác?” Ổng không trả lời mà còn hỏi ngược lại tôi, “cháu nghĩ là ai hả?” Tôi ngó một vòng và đã có cho mình một câu trả lời. Thì ra từ đầu ông Nam đã biết gà mình không thể nào thua rồi.
Bảo thấy tôi xía vào hỏi lôi thôi chuyện của người khác. Nó lôi tôi ra một bên và nói, “muốn chết hả con. Ở đây xóm người ta mà mày lại đi hỏi chuyện bậy bạ. Nói một hồi tụi nó đè mầy xuống đánh thấy cha rồi liên lụy luôn tới tao. Thôi đi về.”
Chưa kịp coi trận gà kế tiếp nhưng tôi cũng hết còn hứng thú để coi. Hai tôi bỏ ra về. Tôi không dám hỏi câu nào nữa cho đến khi Bảo đã lấy lại xe và chạy ra khỏi xóm bà Tư. Lúc đó tôi tức mình lên tiếng, “Đá gà kiểu gì mà kỳ vậy. Đã chấp một cựa rồi mà còn chơi gian manh đi bỏ độc nữa.” Thằng bạn tôi nói, “phép vua thua lệ làng mầy ơi. Không thích thì đừng chơi. không muốn thì đừng coi. Ở đây là vậy đó. Chịu không chịu thì thôi. ” Tôi buồn buồn tự nói một mình nghe, “thì cũng đúng thôi. Ở đâu mà chẳng vậy. Mạnh hiếp yếu. Bè phái bênh nhau có gì mà lạ. Ông trời có lúc còn không công bằng thì đòi hỏi chi con người …”
CHÓ ĐIÊN, CHÓ DẠI
Hôm qua, tôi ghé nhà người bạn chơi. Hắn cũng ở cùng một khu chung cư với tôi. Tuy là bạn bè khá thân, nhưng lúc sau này ít qua lại vì tôi quá bận. Mấy hôm nay, việc làm hơi nới tí nên tôi được rảnh và chợt nhớ đến hắn nên ghé thăm. Khi đi ngang qua nhà người hàng xóm kế bên nhà hắn, con chó Chihuahua (một loại chó nhỏ con của MỄ, nhưng rất hay sủa) của người hàng xóm này chồm lên sủa om xòm làm tôi hoảng hồn hoảng vía hết. Tim tôi nhảy muốn rớt ra ngoài. Công nhận, con chó này tuy nhỏ xíu nhưng nó sủa lớn tiếng ghê. Nghe điếc tai nhức óc hết sức vậy đó. Nó còn nhe hàm răng nanh nhọn, lè cái lưỡi đỏ lòm ra dọa tôi. Miệng nó thì phát ra những tiếng kêu “rừ rừ” như đang muốn ăn tươi nuốt sống tôi vậy. Nhìn quả thật kinh khủng lắm. Nó cứ nhảy dựng lên dù tôi đã tránh nó. Hình như nó muốn cắn vào mắt … mắt … mắt cá của tôi thì phải. Tôi nghĩ nó chỉ có thể cắn được mắt cá thôi vì nó nhỏ con và thấp quá. Dù nó có cố nhảy vọt lên thì chắc cũng chỉ đủ chạm đến đầu gối tôi là cùng, chứ nói chi đến háng. Còn nó thật sự muốn cắn ở đâu hoặc cắn cái gì của tôi thì thiệt tình tôi không biết. Dù cho bị cắn ở đâu đi nữa, tôi cũng như mọi người, đều không muốn bị chó cắn. Lúc đó thật sự tôi chưa biết nó là chó điên. Chứ nếu biết rồi thì tôi cũng đã nên tránh xa từ sớm rồi.
Nói đến chuyện tránh đường làm tôi chợt nhớ đến một câu chuyện vui đã xảy ra nơi quê nhà. Nhân tiện đây, tôi xin hiến dâng quí vị đọc chơi cho quên ngày tháng:
Hồi còn ở Việt Nam, dưới quê tôi tận miền Tây Nam Bộ, có rất nhiều cây cầu khỉ. Những cây cầu khỉ quê tôi tuy mộc mạc nhưng gắn liền với quê hương yêu dấu và cuộc sống của người dân miệt vườn. Nhờ những cây cầu khỉ này, nhiều người đã có được những kỉ niệm buồn vui thời tuổi thơ. Ngoài kỉ niệm đẹp, cây cầu khỉ còn giúp tôi học được cái khôn của người khác. Loại cầu khỉ quê tôi rất mỏng manh và hẹp. Thân cầu được làm vỏn vẹn bằng một thân tre. Một người không quen đi sẽ dễ dàng bị té nếu không cẩn thận. Nếu đã có một ai đang đi trên cầu, một người khác muốn đi từ phía ngược chiều phải đợi đến người kia đi xong rồi mới đi được. Dành đường chen lấn nhau thì chỉ có nước bị lọt hầm cá Vồ bên dưới mà thôi.
Một ngày nọ, tôi thấy thằng Minh đang đi từ bên kia qua hơn nửa cây cầu rồi. Ở đầu cầu bên này, con Điệp mới bắt đầu bước lên đi. Theo phép lịch sự, con Điệp phải bước xuống và nhường đường vì thằng Minh đã đi trước. Nhưng con Điệp không làm như vậy. Nó tiếp tục đi và dĩ nhìên hai đứa nó gặp nhau gần đầu cầu bên này. Con Điệp ỷ mình là phường côn đồ hạng nặng. Nó làm hùm, làm hổ và lên tiếng chửi thằng Minh liền,“Ê, Minh, mày không thấy tao đang đi hả? Không tránh đường, tao đánh thấy cha mày bây giờ. Đánh không lại tao sẽ kêu đám anh em xã hội đen thanh toán mày đó. Tao cho mày biết tao lì nhất xóm này. Tao quen toàn là những người tai to, mặt lớn, chức ông này, bà nọ (nó tự bô bô như vậy). Ai gặp tao mà không tránh đường. Dù có NGU như mày cũng phải biết tao là ai mà tránh chứ?”
Rồi con Điệp nói tiếp và cố tình lên giọng hầu để tôi nghe mà tránh mặt nó sau này, “cái đồ bá dơ, cà chớn, và ngu như mày thì không bao giờ tao thèm ngó ngàng đến. Tao không tránh đường gì cả. Tao chỉ tránh đường cho ngưòi KHÔN thôi. Kẻ NGU như mày thì đừng hòng.” Rồi con Điệp tiếp tục tiến tới.
Thằng Minh quả thật là đồ chết nhát. Tôi thấy nó đi ngược lại một lèo trở về phía bên kia cầu. Con Điệp bước theo sau nghêng nghêng cái mặt bư bư và rất ư tự đắc. Khi qua đến bên kia cầu, thằng Minh còn gỡ nón xuống mà kính cẩn chào con Điệp nữa. Rồi thằng Minh mới từ tốn nói: “Tôi rất phục cái cá tánh đặc biệt của chị. Chị không bao giờ nhường bước cho kẻ NGU, nhất là tôi. Tôi thì khác xa chị. Tôi luôn nhường kẻ NGU qua trước.”
Lâu quá tôi không về quê nên không biết sự tình ra sao. Nghe cô tôi kể lại rằng con Điệp sau này bị chó điên cắn và ngã bịnh chết rồi. Nghe mà sợ luôn. Chắc có lẽ con Điệp đã không nhường đường khi gặp chó điên hơn nó.
Nói vòng vòng một hồi làm tôi sắp quên mất mình đang nói chuyện chó điên. Bây giờ xin quí vị cho phép tôi được trở lại vấn đề chó. À, mà tôi đang nói đến đâu rồi nhỉ. Ôi, nhớ ra rồi. Tôi đang nói đến lúc tôi bị chó sủa.
Cũng may cho tôi lúc đó chưa bị chó đớp một miếng thịt. Khi nó nhảy chồm lên định cắn tôi thì bị sợi dây lòi tói thắt chặt vào cổ làm nó đau quá kêu lên “ảng, ảng.” Con chó bị đau vì bị dây xiết chặt cổ lại và không chồm đến gần tôi được. Nó giận run và cố tiếp tục sủa. Nhưng mà tiếng sủa của nó bấy giờ nghe tru tréo và đau khổ làm sao ấy; làm tôi liên tưởng đến khi heo bị thọt huyết. Con chó đau đớn không phải vì tôi làm mà vì chính nó muốn chồm lên cắn tôi. Quả thật là gậy bà đập lưng bà (ý lộn, gậy ông đập lưng ông chứ). Lúc đầu, tôi cho rằng vì tôi là người lạ nên nó mới sủa dữ vậy. Đến khi hỏi bạn tôi thì được hắn trả lời: “Chó điên đó mày ơi. Hơi sức đâu mà để ý đến nó làm gì. Ai đi ngang mà không bị nó sủa mới là chuyện lạ. Tao đây là hàng xóm mà còn bị nó sủa như ăn cơm bữa kìa. Nó sủa tối ngày sáng đêm. Tao ở kế bên nghe nhức đầu thấy mồ tổ. Tao đã có gởi complaint đến bà chủ của nó nhưng được trả lời là ‘chó sủa chó không cắn’. Bà chủ còn nói ‘đã là chó thì phải cho nó cái quyền sủa chứ’. Nghĩ lại tao thấy bà chủ nói cũng có lý lắm--đã là chó mà không sủa thì đâu phải là chó (chắc chỉ có chó chết mới không sủa thôi). Dù sao tao cũng sợ dùm cho bà ta vì một khi con chó đó nó nổi điên lên và cắn người rồi thì sẽ làm liên lụy đến bả.”
Sau khi nuốt nước miếng, người bạn tôi lại tiếp tục, “mày biết không. Mấy tháng đầu, nó sủa chút chút. Cả xóm không ai thèm để ý vì tiếng sủa của nó cũng thanh và vui tai. Nghĩ cho cùng thì cũng vô hại vì có nó sủa thì những tên trộm mới biết là xóm mình có chó để mà tránh. Khổ một điều là bây giờ thì gặp ai nó cũng sủa. Kẻ xấu bị nó sủa đã đành, mà người tốt cũng bị nó sủa luôn. Sáng nó mở mắt ra là sủa rồi. Khi tối nó ngủ không được (có phải vì gượng đực hay không thì không biết) nó cũng sủa. Bụng nó đói mà sủa thì tao đâu nói làm gì. Khi đã được cho ăn no mà nó cũng sủa thì tao cũng hết ý luôn. Hình như là cái miệng nó chỉ dùng cho việc ăn, sủa và cắn thôi. Hể cái miệng nó rảnh một tí là nó sủa. Tao nghe nói bà chủ nó cũng sợ nó luôn. Bà ta muốn gọi cho tụi Animal Control đến mang nó đi nhưng thấy tội cho kiếp chó của nó. Vào dogpound rồi mà còn dỡ thói điên điên dại dại như vậy thì chắc bị tụi nó chích cho một liều thuốc đi chầu diêm vương luôn. Mà nói mày nghe. Tội cho nó lắm. Nó sủa riết rồi không ai thèm để ý cả. Bây giờ thì chẳng còn ai để tâm đến tiếng sủa của nó. Tiếng sủa hết còn dọa được ai. Bây giờ khu này bị trộm liên miên. Những tên trộm một thời bị nó sủa bây giờ cũng có thể nghêng ngang đi qua mặt nó mà không còn lo tiếng sủa sẽ đánh thức những người hàng xóm. Quả thật là tiếng chó sủa ngoài tai không ai để ý. Khi không ai thèm nói đến nó (không phải vì sợ mà vì nó không đáng để họ nói), nó lại tưởng nó hay. Nó bây giờ lên mặt và sủa to tiếng hơn nữa. Thậm chí, nó còn học tiếng tru tréo của loài sói rừng nữa kìa.”
Khi biết tôi có vẽ tội nghiệp con chó và có ý muốn khuyên nhủ, người bạn tôi tiếp luôn: “Thôi mày ơi. Đừng có tài lanh mà đụng đến nó mà cũng đừng đến gần nó. Khuyên với nhủ cái con khỉ họ gì. Theo đà sủa và tru tréo cái kiểu này, tao dám đánh cá với mày là nó sẽ nổi điên và cắn bất cứ những ai đến gần. Mày coi chừng nó cắn cho một cái rồi lại mang bịnh chó dại để rồi điên điên khùng khùng như nó thì lại khổ cho gia đình mày đó. Mày không thấy hả? Bà chủ nó có treo cái bảng COI CHỪNG CHÓ DẠI ở trước cửa nhà đó.”
Thật sự, tôi thấy tội nghiệp cho con chó này quá. Tôi thiết nghĩ chắc con chó này đã bị đời phụ nó, người phụ nó, và tình phụ nó nên nó mới hận đời mà phát điên như vậy. Có khi nào nó bị người đời hành hạ mà bỏ rơi chăng? Tuy là chó nhưng nó cũng muốn và cần phải có được một cuộc sống êm đẹp như con người chứ! Thật sự nếu nó có một cuộc sống an lành, chắc có lẽ nó không điên dữ vậy đâu, ngoại trừ nó bị bịnh điên di truyền nằm sẳn trong gene. Tôi cố hiểu và thông cảm cho nó. Tôi tự bào chữa cho nó. Tôi nghĩ nó sủa để thiên hạ tránh xa ra. Nó không muốn thiên hạ đến quá gần để có thể tiếp tục hại và làm nó khổ thêm. Những người ác cố ý muốn làm cho nó đau đớn thì bị nó cắn là đáng cái đời rồi. Làm nó đau, chọc nó giận, nó cắn đó là chuyện thường tình vì chẳng qua đó là bản năng tự vệ của mọi sinh vật.
Vì chỗ tội nghiệp và thông cảm đó. Tôi đến gần nó và muốn tìm hiểu tại sao nó bị điên. Bạn tôi đã nói nó là chó điên, nhưng tôi đâu ngờ nó điên đến hết thuốc chữa. Bây giờ biết sự thật thì cũng đã muộn rồi. Nếu biết trước, có mướn tôi, tôi cũng không muốn đến gần thứ chó điên như vậy. Chẳng qua lúc đầu tôi muốn an ủi và khuyên nó đừng sủa nữa vì thật ra ở cùng xóm mà sủa hoài thì cũng điếc tai và tội người bạn tôi lắm. Tôi nghĩ chắc nó thiếu tình yêu hay tình thương nên nó hận đời. Khi hận đời thì sủa cho bỏ ghét. Nếu tôi đem sự an ủi đến cho nó, hy vọng nó sẽ tiếp nhận để rồi hoàn thiện. Biết đâu được vô tình tôi chữa được cái bịnh điên của nó. Nếu được vậy cũng là một điều nên làm.
Tôi đã lầm và tôi phải trả giá cho sự sai lầm đó. Tôi tự phạt tôi bằng cách phải ngồi đây đánh cho xong bài “Chó Điên Chó Dại” này. Y như lời người bạn tôi nói. Tôi chỉ mới đến gần và chỉ hỏi tại sao nó sủa hoài thì đã bị nó đớp cho một cái ngay bắp chuối đau muốn té đái trong quần, máu me chảy tùm lum. Có lẽ nó nghĩ tôi đến gần để sờ mó nó cũng không chừng. Hên cho tôi là chưa ngồi xuống gần nó mà chỉ đứng thôi, chứ không nó đớp trúng phần khác của thân thể thì chắc chuyến này phải vào chùa Kim Sơn xin làm tiểu hòa thượng luôn. Tôi nghĩ rằng con chó này đã từng bị harassed hay abused gì rồi đây vì khơi khơi đâu có chó nào mà thô bạo vậy.
Lúc đó, tôi giận lắm và định đá cho nó một đá cho hả giận nhưng sợ đến gần bị cắn nữa. Người bạn tôi khi nghe tiếng ồn ào bên ngoài vội chạy ra xem. Khi biết tôi bị chó cắn vì đã đến gần con chó. Hắn giận tôi vì cái ngu của tôi. Hắn la tôi,“tao đã nói mày rồi. Con chó dại mà cũng đụng vào. Bị cắn rồi thấy không. Bây giờ thì lại báo tao phải đưa đi nhà thương.”
Anh ta tìm bà chủ thì bà ta đã đi vắng. Hắn đành phải vội vã một mình đưa tôi đi nhà thương băng bó cái chân. Khi về nhà, anh ta vội chạy qua báo cho bà chủ biết rằng chó đã cắn người rồi. Bấy giờ thì lại biết thêm rằng con chó dại này chưa có được chích ngừa. Tôi lại một phen phiền phức đi nhà thương và lại phải chịu đau để đi bác sĩ chích ngừa rabies vì tôi không muốn bị bịnh. Cũng hên là lúc đó tôi không đá nó. Lỡ mà đá không trúng rồi bị nó cắn tôi một cái nữa chắc là phát điên theo nó thiệt chứ chẳng chơi đâu. Tôi lúc đầu cũng muốn kiện bà chủ nhưng khi nghĩ lại thì lỗi do mình. Bà chủ đã cảnh báo trước là nên COI CHỪNG CHÓ DẠI rồi. Bạn tôi cũng đã cho biết đó là chó điên rồi. Lỗi do tôi vì tôi không chịu nghe thôi. Có trách thì trách mình cũng điên như nó. Ăn ở không lại đi chọc chó điên. Muốn trách trời, trách đất, hay trách thiên hạ gì thì trước đó nên coi lại mình.
Hên là nó là chó và không biết nói tiếng người chứ không nó dám la làng la xóm rằng tôi có ý định muốn Sexual harassment là thấy mẹ tôi. Người bạn tôi nói đúng, “mày bị cắn là vừa. Ai biểu mày nhiều chuyện. Tao nói mà không nghe bây giờ thì đừng kêu khổ.”