watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
16:46:3129/04/2025
Kho tàng truyện > Truyện Kiếm Hiệp > Tác Giả Khác > Tập 1 - Anh Hùng Lĩnh Nam - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ - Hồi 21-30 - Trang 7
Chỉ mục bài viết
Tập 1 - Anh Hùng Lĩnh Nam - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ - Hồi 21-30
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Trang 11
Trang 12
Trang 13
Trang 14
Trang 15
Trang 16
Trang 17
Trang 18
Trang 19
Trang 20
Tất cả các trang
Trang 7 trong tổng số 20

Hồi 24a

Đại hội hồ Tây

Đào Kỳ thảnh thơi ngồi ăn trên tửu lầu, chàng tự xếp đặt:
- Đại hội này, phe tà do Lê Đạo Sinh chủ trì, có Tô Định đứng sau. Họ khéo tập họp những người bất mãn, những loại người nhiều tham vọng hành sự. Ta không hiểu sao Lê Đạo Sinh đã là Thái-sơn Bắc-đẩu hiện thời, vậy y còn tham vọng gì nữa đây? Quan chức đã tới chức Đô-úy rồi, vậy chủ ý của y là gì? Khổ cho mình một nỗi, trong đại hội còn có Nghiêm đại ca. Không biết Nghiêm đại ca đóng vai gì trong đại hội? Về công danh, địa vị, đại ca đã là chúa tể vùng Lĩnh Nam, vả lại, đại ca đâu phải là người ham công danh! Còn Hoàng sư tỷ, nhất định người sẽ đi. Người nhớ nhung bố ta lắm, thế nào người cũng đi tìm bố ta. Từ hôm thất lạc ta, chắc người tưởng ta chết rồi? Người sẽ liên lạc trong đại hội để thăm tin tức ta. Còn Phương Dung? Chắc nàng trở về với cha. Đại hội này, phái Long-biên sẽ kéo đi đông đủ. Ta hy vọng nhất ở phái Tản-viên. Đặng Thi Sách với Nhị Trưng là những anh hùng thời đại, hào sảng, mưu cơ viễn lự, được anh hùng bốn phương quy phục, chắc sẽ về dự, chắc họ có kế hoạch để đối phó với Lê Đạo Sinh. Ta cải trang thế này sẽ không ai nhận ra nổi, còn tiếng nói ta cũng phải đổi đi mới được.
Nhìn về phía quầy hàng hoa quả, thấy có đủ mọi thứ, họ còn để một ít quả mây cho đẹp nữa. Chàng nhớ hồi bé, có lần ăn cỏ mây, chàng đã bị khan tiếng. Bị bố mắng, chàng đã khóc, rồi được Thiều Hoa bế ra sân an ủi. Chàng chợt nghĩ:
- Ừ, tại sao ta không ăn mấy quả cho khan tiếng?
Chàng gọi người hầu bàn, xin một đĩa hoa quả, với ít chùm mây. Xưa nay, quả mây để trang hoàng cho đẹp, chứ có ai ăn đâu? Lần đầu tiên, người hầu bàn thấy có khách đòi ăn, y ngẩn người ra một lúc, rồi cũng đem cho Đào Kỳ. Đào Kỳ bóc ăn liền. Chàng ăn chầm chậm cho nước chát của mây ngấm vào cổ, rồi chàng lên tiếng nói một mình. Quả nhiên, chính chàng cũng không nhận ra tiếng nói của mình nữa.
Chàng liếc sang bàn bên cạnh, thấy một đám gần mười người ngồi, người nào cũng đeo kiếm bên mình. Nhìn kỹ cả bàn, chàng thấy người cầm đầu là một thiếu phụ dáng điệu khoan hòa, tuổi tuy lớn, nhưng coi còn đẹp lắm. Bên cạnh có bốn nam, bốn nữ đều còn trẻ. Người nào cử chỉ cũng nghiêm trang, uy vũ, rõ ra vẻ một danh môn chính phái. Chàng đoán vị nữ lưu kia là sư phụ, tám người còn lại là đệ tử. Người con gái quay lưng lại phía chàng, chàng thấy có dáng quen quen, nhưng chưa biết là ai. Chàng cố moi đầu óc cũng không tìm ra. Chàng nghĩ:
- Mình làm bộ ăn mày đi về phía trước nhìn mặt người con gái kia xem là ai mới được.
Nghĩ là làm, chàng đứng lên đi vòng qua góc lầu bên kia và sau đó, quặt trở lại. Chàng suýt bật lên tiếng kêu, vì người con gái đó chính là Đông-triều nữ hiệp Lê Chân, người chàng đã gặp ở Đăng-châu. Tính trẻ con tinh nghịch nổi dậy, chàng nghĩ:
- Mình giả ăn mày thế này không biết có ai nhận ra không? Chi bằng mình giả bộ xin ăn xem Lê Chân có nhận ra mình không? Nếu nữ lang kia là sư phụ của nàng, thì chắc là Nam-hải nữ hiệp lừng danh thiên hạ đây.
Nghĩ rồi, chàng tiến đến bàn Lê Chân, đưa tay ra, cất tiếng ca:
Con cá nó sống vì nước,
Con người sống vì đồng tiền bát cơm.
Xin ông đi qua, xin bà đi lại,
Làm ơn bố thí, phúc đức đầy nhà...
Người con gái ngồi bên Lê Chân liếc mắt nhìn Đào Kỳ, rồi nói:
- Sư phụ, thiếu niên này đói quá rồi đây, con cho y ăn có được không?
Nam-hải nữ hiệp nói:
- Không được.
Cô nữ đệ tử hỏi:
- Hắn đói quá, mình cho hắn ăn mà!
Nam Hải nữ hiệp nói:
- Con nhớ, võ công ta không thể nào bằng các cao thủ Tản-viên, không thể nào bằng Long-biên nhị hiệp, Cửu-chân song kiệt. Nhưng về hiệp nghĩa, chúng ta đứng đầu. Con ngồi ăn, lại bưng bát canh thừa cho thiếu niên này, đâu còn nghĩa chữ hiệp nữa? Không mời người ăn thì đâu còn chữ nghĩa? Con hãy đứng lên mời thiếu niên này ăn như bạn vậy. Xuân Nương, đứng dậy mời khách đi.
Tám người đệ tử đều gật gù, ghi nhớ lời dạy của sư phụ. Xuân Nương đứng dậy, kéo thêm ghế, rồi nói với Đào Kỳ:
- Này chú em, sư phụ ta cùng sư huynh, sư đệ mời chú em cùng ngồi ăn cho vui. Chú muốn ăn món gì, cứ kêu.
Đào Kỳ không ngần ngại, ngồi xuống, nói:
- Đa tạ bà với các vị đại hiệp. Tôi thèm ăn món biển, mà ngặt không biết kêu. Xin nữ hiệp gọi dùm.
Lê Chân nói:
- Để tôi kêu dùm cậu nghe.
Rồi nàng gọi một món chả mực, một món ám cá biển và món cá chim kho. Đào Kỳ nhớ lại đêm ở Đăng-châu, chàng được Lê Chân cho ăn mấy món biển, lại còn giảng giải cho nghe, khiến chàng không bao giờ quên. Chàng hỏi Lê Chân:
- Nữ hiệp, những món nữ hiệp gọi, tôi chưa từng nghe bao giờ. Xin nữ hiệp giảng cho tôi được không?
Lê Chân vốn người hào hiệp, thấy cậu ăn mày nói năng lễ độ, nàng cũng thấy vui vui, liền giảng:
- Phàm ăn cơm muốn ngon, phải có món canh, món xào và món kho. Món kho vốn khô, thuộc về dương. Nhưng ăn món kho, khô quá khó nuốt, phải thêm món canh. Món canh thuộc về âm so với món kho. Tuy vậy, vẫn thiếu mùi thơm nồng, phải thêm món xào, nửa âm nửa dương. Chả mực coi như một món xào vậy. Cá biển nấu ám, nếu không biết làm sẽ bị tanh, ăn đâu còn ngon nữa? Cá nấu ám, phải chọn cá vẩy trắng ăn mới ngon. Đánh vảy cho sạch, dùng nước lạnh rửa sạch máu, nhớt đi, rồi để khô. Nếu rửa với nước nóng thì tanh lắm. Chờ cá khô nước, cho vào rán sơ, rồi mới nấu.
Xuân Nương hỏi:
- Tại sao phải rán sơ trước?
- Phải rán sơ trước để thớ thịt của cá săn lại. Cá đã rán sơ, khi có hơi lửa vào, nó mới nở các thớ cá ra, nước ngọt của cá mới tiết ra ngoài được, và mắm muối dễ ngấm vào cá. Có vậy, khi ăn mới thấy đậm đà. Sau khi chiên sơ, cho vào nồi, nếu là nồi đất sẽ thơm ngon hơn nồi đồng, vì nồi đồng gặp me chua dễ bị tanh. Cho vào cá, một thìa mắm tôm hoặc bốn thìa nước mắm. Me phải lọc cho kỹ, gọi là đồ. Không có me, có thể thay bằng bứa, sấu như bứa, sấu không ngon bằng me. Bây giờ cho vào nồi nấu. Đun sôi rồi để nhỏ lửa. Đun như vậy khoảng nửa giờ, chớ có quậy, vì nếu quậy, cá sẽ bị nát. Đợi cá nhừ, lúc sắp bắt ra mới thái thì là, xương xông trần qua. Cứ một con cá bằng bàn tay thì một vun tay thì là, xương xông. Sau đó múc ra ăn thực nóng mới ngon. Ăn nguội sẽ mất mùi thơm.
Đến đây, người hầu bàn bưng cá ám lên. Lê Chân lấy muỗng múc ra bát cho sư phụ, rồi tới Đào Kỳ và các sư huynh, sư muội, mỗi người một muỗng để nếm thử. Đào Kỳ kính phục trong lòng:
- Nàng quả không thẹn với cái tên Đông-triều nữ hiệp. Nàng múc cho sư phụ trước, rồi tới ta là khách, một tên ăn mày, sau đó mới tới các sư huynh, sư muội, cuối cùng mới tới nàng. Ta lớn rồi, phải học cung cách này mới được.
Cả bàn cùng ăn cơm với cá ám. Một lát sau, món cá kho đưa lên.
Xuân Nương hỏi:
- Sư tỷ, còn cá chim kho thì làm thế nào? Có chiên sơ như trước không?
- Không. Cá chim mới đánh lên, rửa sạch, kẹp vào hai thanh tre thực tươi mà nướng. Nướng tái đi rồi mới kho. Phải tre tươi mới được. Khi nướng, nước chát của tre chảy ra, thấm trên cá, nên khi ăn có mùi vị ngọt ngọt, thơm thơm kỳ lạ. Cá cắt ra làm hai, cho vào nồi đất, đổ kẹo đắng, muối, hồ tiêu vào kho. Kho cho đến hết nước, thành keo hãy ăn.
Mọi người nhìn hai niêu cá trên bàn, quả đúng, còn đang sủi bọt, keo dính vào cá thơm lừng.
Đào Kỳ hỏi:
- Nữ hiệp, còn chả mực thì làm thế nào?
- Mực rửa sạch, lấy mai vứt đi, để cho khô nước, rồi mới giã nhỏ ra. Sau khi đã giã nhỏ sẽ trộn với trứng. Cứ nửa mực, nửa trứng. Chả mực muốn thơm phải có rau thì là và lá tỏi tươi. Thì là, lá tỏi thái thực nhỏ, trộn lẫn với trứng, mực, cho thêm vài thìa nước mắm, rồi mới rán lên. Khi rán, nhớ để nhỏ lửa, đợi lúc chả hơi vàng mới lấy ra. Lúc ăn, mùi trứng, mùi mực lẫn với mùi tỏi, mùi thì là, vừa thơm ngậy, vừa đậm đà.
Đào Kỳ được ăn những món lạ, được giảng giải cách nấu nướng, nên chàng ăn rất ngon miệng.
Nam Hải nữ hiệp hỏi:
- Cháu trai, năm nay cháu bao nhiêu tuổi? Tại sao phải đi xin ăn?
Chàng thấy bà là người nồng nàn, hiệp nghĩa, chàng không muốn nói dối bà, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, chưa cho phép chàng nói thực. Chàng nhớ lời Trưng Trắc nói với Đặng Thi Sách: "Vì đại cuộc, mạng sống còn không cần, nói gì tới những việc khác". Chàng nói:
- Thưa bà, cháu là con một gia đình danh gia, nhưng quân Hán đến đánh phá trang ấp, cha mẹ, anh chị cháu hiện nay sống chết, lưu lạc phương nào, cháu cũng không biết. Năm nay cháu 20 tuổi.
Xuân Nương nói:
- Thì ra em mồ côi từ nhỏ. Tội quá nhỉ. Em có muốn về Đông-triều ở với chị không? Ở đó có biển, ngoài biển còn có nhiều động đá đẹp lắm.
Đào Kỳ giả đò muốn đi ngay:
- Thế bao giờ đi?
Lê Chân nhìn Đào Kỳ với vẻ tội nghiệp:
- Tối nay, chị phải ra Tây-hồ dự hội. Sau đó, độ ba hay bốn ngày mới về lại Đông-triều.
Đào Kỳ làm bộ ngây thơ:
- Mấy hôm nay, em thấy nhiều người đeo kiếm, đeo đao đến Long-biên này nhiều lắm. Đại hội hồ Tây là đại hội của người học võ à? Thế chị là người phe theo Hán hay phe Văn-lang, Âu-lạc?
Xuân Nương ngẩn người ra nhìn Đào Kỳ:
- Chị là phe Văn-lang. Làm sao cậu biết có hai phe?
Đào Kỳ cười:
- Em ăn mày khắp khu vực này nên biết như vậy. Em biết phe theo Hán họ định giết hết người phe Văn-lang, Âu-lạc.
Nam Hải nữ hiệp giật mình:
- Lát nữa ra ngoài chúng ta hãy nói chuyện đó.
Lê Chân trả tiền rồi cả bọn kéo nhau xuống lầu, đi về phía bờ sông Hồng-hà.
Đào Kỳ ghé tai Xuân Nương nói nhỏ:
- Có một thằng, lúc ở trên lầu, nó ngồi phía sau chị, luôn luôn nghe trộm bọn ta. Bây giờ nó đang đi theo xa xa phía sau kia kìa. Không biết nó là người của Hán hay Việt? Nó giả bộ bán lạc rang đấy.
Lê Chân giật mình, xấu hổ, vì nàng nổi danh là Đông-triều nữ hiệp, lại không cẩn thận bằng một đứa ăn mày. Nàng liếc mắt nhìn lại sau, quả thấy tên bán lạc rang đang theo phía xa. Nàng ra hiệu cho mọi người biết, và thản nhiên đi như không có chuyện gì xảy ra.
Tới một bãi cỏ cạnh bờ sông, thấy không có ai, Xuân Nương hỏi:
- Chú em, chú nghe được những chuyện gì, nói cho bọn ta biết được không?
Đào Kỳ nói:
- Em ăn mày ở trên lầu, có một lần nghe họ bàn với nhau, nên biết hết...
Rồi chàng thuật lại những gì đã thấy ở trang Thái-hà cho mọi người nghe. Trí nhớ của chàng rất tốt, nên chàng kể không sai một lời.
Nam Hải nữ hiêp nhìn trước sau không có ai, nói:
- Ta được tin của chưởng môn phái Tản-viên cho biết Tô Định đã bày kế đó. Đặng Thi Sách với Nhị Trưng đã có kế hoạch đối phó rồi. Nhưng ta e rằng khi chúng ta thắng, Tô Định không ngại gì không dùng thiết kỵ bao vây, tiêu diệt hết chúng ta. Hà... các con nhớ lời ta dặn: Nếu sự việc xảy ra đúng như vậy, các con không được vì cái vũ dũng nhất thời mà quên việc lớn. Các con phải tìm đường chạy trốn, không được ham chiến. Cần để dành tấm thân hữu dụng dâng cho đại cuộc. Các con trở về thôn trang của mình, chiêu mộ hào kiệt, khởi nghĩa ngay, không chờ được nữa. Trước kia ta không cho các con khởi nghĩa là còn chờ thời. Nay thời đã đến rồi đấy. Võ lâm thiên hạ đều căm giận giặc Hán, cấm không cho tập võ là mất hết tương lai khởi nghĩa. Thà khởi nghĩa rồi có thất bại cũng cam.
Bỗng Xuân Nương quát lớn:
- Đứng lại!
Nàng vung tay. Một sợi giây dài đã bay véo về hướng bụi cây gần đó. Tên bán lạc rang vùng chạy, bị sợi dây quấn chặt hai chân. Y ngã sóng xoài xuống đất. Một nam đệ tử chạy tới, chỉ kiếm vào cổ y, rồi gỡ sợi dây ở chân y ra, hỏi:
- Ngươi là ai? Theo chúng ta làm gì?
Tên kia run lẩy bẩy, nói không ra lời.
Lê Chân ra lệnh:
- Quang Minh, sư đệ khám trong người nó xem có gì không?
Người nam đệ tử đó là Quang Minh, lục trong túi tên bán lạc rang, thấy có mấy đồng tiền và một cái thẻ bài rất nhỏ, đề tên hắn là Trịnh Long, làm việc cho phủ Tế-tác. Ngoài ra, còn hai bình nhỏ đựng bột thuốc. Quang Minh lấy ra ngửi, rồi hỏi sư phụ:
- Sư phụ, dường như là thuốc độc.
Nam Hải nữ hiệp gật đầu:
- Ngươi hỏi cung nó đi.
Quang Minh hỏi:
- Ngươi theo bọn ta làm gì? Thuốc này là thuốc gì?
Trịnh Long trợn mắt lên:
- Các ngươi dám tra khảo người của phủ Tế-tác ư? Ta cho bọn mi hay, bọn mi mà đụng đến ta, thì dù có đến trăm cái đầu cũng không còn.
Xuân Nương không nói gì, rút trong túi ra cây kim, búng một cái, cây kim cắm phập vào đùi Trịnh Long. Nàng cười:
- Nếu ngươi không nói, chỉ nữa giờ sau, thuốc độc phát tác, ngươi sẽ chết ngay. Ngươi ngoan ngoãn nói đi, ta sẽ cho thuốc giải.
Thuốc độc đã ngấm. Trịnh Long ngứa ngáy chịu không được, nó đưa tay gãi sồn sột trên đùi, kêu lên:
- Ngứa quá, ngứa quá! Tôi xin nói!
Thì ra phủ Tế-tác Giao-chỉ cùng với sở Tế-tác Long-biên có bổn phận theo dõi tất cả các trang, các phái dù theo Hán hay phản Hán, cũng đều bám sát hết. Trang, phái nào có người của họ nằm vùng thì khỏi. Những tin tức theo dõi đó sẽ báo cáo về phủ, rồi nếu cần, phải bỏ thuốc mê, hoặc thuốc độc vào thức ăn, thức uống của họ.
Lê Chân giật mình kinh sợ:
- Sư phụ, như vậy, các trang, các phái dữ nhiều lành ít. Mình phải làm sao bây giờ?
Xuân Nương lấy giẻ nhét vào mồm Trịnh Long, trói y lại quăng vào bụi rậm, nói sẽ vào tai y:
- Ngươi cứ nằm đây, sáng mai thuốc độc hết hành, ngươi sẽ đi được.
Nguyên những mũi châm của phái Sài-sơn đều tẩm thuốc độc, nhưng chỉ làm cho ngứa ngày, tê tê trong một ngày mà không làm chết người. Xuân Nương phóng châm vào đùi Trịnh Long, nó thấy tê tê, vì sợ hãi nên mới khai ra.
Lê Chân hỏi Đào Kỳ:
- Chú em, chú biết đường đi hồ Tây không?
Đào Kỳ chỉ vào bờ sông:
- Chị cứ men bờ sông này đi về phía Bắc khoảng năm dặm là tới.
Đoàn người theo bờ sông, hướng về phía Bắc. Trời gần tối, trăng tháng tám tròn như một cái đĩa màu vàng từ từ hiện lên ở phía Đông. Đi hơn khắc, bọn họ gặp một đám người nữa. Đào Kỳ không nhận được họ thuộc môn phái nào. Họ nói tiếng rất khó nghe.
Xuân Nương ghé tai Lê Chân nói:
- Họ thuộc phái Quế-lâm đấy. Họ nói tiếng Quảng rất khó nghe.
Phái đoàn của phía Quế-lâm liếc nhìn phái đoàn Sài-sơn rồi lầm lũi đi. Phía sau, có một đoàn người ngựa đi tới. Người đi đầu, lưng đeo cung tên, trông cực kỳ oai phong hùng vĩ, theo sau khoảng 50 người, đều đeo dung tên.
Người đi đầu nói lớn:
- Đi phía trước kia có phải các huynh đệ Sài-Sơn đó chăng?
Đám Sài-sơn ngừng lại. Nam-hải nữ hiệp hỏi:
- Phải chăng Trường-yên Cao đại hiệp đó chăng?
Đào Kỳ nghe đến tên Trường-yên đại hiệp, mới nhớ ra, là người mà bố chàng thường nhắc đến. Ông là Cao Cảnh Minh, chú của chưởng môn Cao Cảnh Sơn, võ công, nghĩa hiệp nức tiếng giang hồ.
Quả nhiên, người cưỡi ngựa đi đầu tiến lên chào Nam-hải nữ hiệp:
- Tại hạ là Cao Cảnh Minh cùng chư đệ tử phái Hoa-lư ra mắt quý vị phái Sài-sơn. Tại hạ mắt kém, không nhìn ra vị Thái-bảo nào phía trước?
Nam-hải nữ hiệp nói:
- Tại hạ là Trần Phương Châu.
Cao Cảnh Minh nói:
- Thì ra Đệ-nhất Thái-bảo Sài-sơn, Nam-hải nữ hiệp. Mấy năm nay, lão phu ở Trường-yên nghe danh hiền đồ là Đông-triều nữ hiệp, Hạ-long tam hiệp nức tiếng anh hùng, hôm nay mới hân hạnh được tiếp kiến.
Hai phái đoàn chào hỏi, giới thiệu nhau xong, Cao Cảnh Minh hỏi:
- Tiếp được thư của Đặng Thi Sách và Nhị Trưng, lão phu vội đi trước, xá điệt Cao Cảnh Sơn sẽ xuất lĩnh đệ tử đi sau. Chắc lát nữa sẽ gặp nhau.
Nam-hải nữ hiệp kể lại cho Cao Cảnh Minh nghe hết những gì Đào Kỳ đã kể cho bà, và nhất là vụ Trịnh Long kể phủ Tế-tác muốn đánh thuốc độc mọi người. Cao Cảnh Minh râu tóc dựng ngược lên, nói:
- Vậy ta phải cẩn thận.
Ông dặn đệ tử chỉ ăn lương khô, không mua lương thực ở Luy-lâu, nhất thiết phải nấu ăn, khi nấu ăn phải cử người canh gác cẩn thận.
Đoàn người tới bờ hồ Tây lúc trăng đã nhô lên khỏi ngọn cây, tỏa ánh sáng vằng vặc xuống mặt hồ. Gió thổi hiu hiu. Mặt hồ lăn tăn gợn sóng như muôn vàn con rắn vàng bơi lội trên mặt nước.
Tây-hồ là một cái hồ cực lớn, rộng đến mấy trăm mẫu. Hồ có con sông thông với sông Hồng-hà.
Ghi chú của thuật giả
Thời bấy giờ, hồ Tây bao gồm cả thành phố Hà-nội hiện nay. Sau này đất bồi lên, hồ bị cắt ra thành những hồ nhỏ như hồ Trúc-bạch, hồ Thuyền-quang, hồ Hòan-kiêm.
Lê Chân ngắm cảnh hồ, than:
- Đất này là đất kỳ lạ. Nói rằng hùng vĩ cũng có vẻ hùng vĩ, nói rằng có vẻ tiêu dao cũng có vẻ tiêu dao. Trong cái thơ mộng có cái oai phong, trong cái oai phong có cái thơ mộng. Đất này phải dùng làm đế đô mới phải.
Nơi đại hội nằm ở phía tây của hồ, ở giữa có một ngọn núi nhỏ. Khu đại hội được rào chung quanh bằng những cọc tre vững chắc, cao khoảng một thước. Bốn góc có bốn cái cổng đề rõ: đông, tây, nam, bắc. Trên cổng, mấy chữ viết rất đẹp:
Lĩnh Nam Anh hùng đại hội.
Gần đến cổng, một đám đệ tử của Thái-hà trang ra tiếp đón. Họ mặc toàn đồ trắng. Quang Minh hỏi Lê Chân:
- Sư tỷ, sao bọn họ mặc quần áo bốn màu khác nhau vậy?
Lê Chân tuy có đọc sách, nhưng nàng chưa học kinh Dịch, thành ra không hiểu ý nghĩa về mầu sắc. Đào Kỳ là người đọc sách, nghiên cứu binh thư, kinh Dịch nhiều nên chỉ liếc qua chàng đã hiểu. Trong lúc vui vẻ, chàng quên mất mình là đứa ăn mày, được người ta chiếu cố như chiếu cố đứa con nít. Chàng buột miệng giảng:
- Đại ca, bốn cổng đại hội hướng về bốn hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Hướng Đông thuộc mộc thì họ mặc đồ xanh. Hướng Tây thuộc kim thì họ mặc đồ trắng. Hướng Nam thuộc hỏa thì họ mặc đồ đỏ. Hướng Bắc thuộc thủy thì họ mặc đồ đen. Lát nữa, vào trung ương tất sẽ có người mặt đồ vàng. Bởi, trung ương thuộc thổ, thuộc màu vàng. Họ trang phục theo thuyết Âm-dương Ngũ-hành đấy.
Xuân Nương nhìn Đào Kỳ ngạc nhiên:
- Cậu em, sao cậu em biết rõ vậy?
Đào Kỳ buộc miệng nói ra, biết mình đã lỡ lời, chàng vội kiếm cách chống chế:
- Hồi bé, cha em có dạy em về Âm-dương Ngũ-hành nên em biết.
Đám đệ tử áo trắng khom lưng làm lễ:
- Đệ tử Thái-hà trang cung kính nghinh tiếp Nam-hải nữ hiệp và các vị huynh đệ.
- Đệ tử Thái-hà trang cung nghinh đại giá Trường-yên đại hiệp và các vị huynh đệ.
Quả nhiên vào đến trung ương, có đám đệ tử mặc quần áo vàng cung kính tiếp đón lên đài. Đào Kỳ đếm thấy có 32 đài. Cứ 8 đài làm theo một hình bát quái. Phía sau, thêm hai đài nữa, cộng 32 đài. Tại trung ương, một đài lớn, rất cao cũng hình bát quái, có tám cầu thang đi lên. Đám đệ tử áo vàng dâng nước, trái cây. Lê Chân liếc mắt hỏi sư phụ xem có nên ăn không. Thấy sư phụ gật đầu, nàng mới ra hiệu cho các sư huynh đệ ăn uống.
Cứ mỗi lần có một phái đoàn đến là tiếng loa ở cổng trước xướng lên, rồi tiếng loa ở trung ương cũng xướng theo.
- Sài-sơn đệ tứ Thái-bảo và đệ tử đến.
Đào Kỳ liếc mắt thấy Nguyễn Tam Trinh cùng một đoàn đệ tử đi vào, trong đó có cả cô bé Tử Vân. Mặc dù xa cách bảy năm, nàng đã lớn lên, nhưng Đào Kỳ vẫn nhận được mặt. Nguyễn Tam Trinh đến trước đài chắp tay chào Nam-hải nữ hiệp:
- Đại sư tỷ! Tiểu đệ chậm chân hơn đại sư tỷ một bước rồi.
Nam-hải vui vẻ:
- Tứ sư đệ! Ta ở Đông-triều, nghe tiếng sư đệ đã làm được nhiều điều hiệp nghĩa, danh tiếng, ta rất kính phục.
Sáng tổ phái Sài-sơn là Phù-đổng Thiên-vương, lấy hiệp nghĩa để sắp xếp vị thứ, chứ không lấy võ công cao thấp. Từ khi phái thành lập đến nay, chưa từng xảy ra một việc ô danh môn hộ. Sư huynh, sư đệ đối với nhau như tình ruột thịt. Cho đến các đệ tử bậc dưới cũng nhường nhịn nhau. Trong dân chúng đã truyền tụng câu: "Nghĩa Sài-sơn, ơn Cửu-chân". Ý nói nghĩa hiệp của phái Sài-sơn, ban ơn cho thiên hạ như biển cả. Phái Cửu-chân cũng chuyên thi ân, bố đức cho thiên hạ. Cho nên, trong suốt các vùng từ Quế-lâm, Giao-chỉ tới Cửu-chân, Nhật-nam, Hợp-phố và Tượng-quận, cứ nghe thấy người của Sài-sơn là tỏ lòng kính trọng.
Nguyễn Tam Trinh đến ngồi bên Nam-hải nữ hiệp, chuyện trò. Luật lệ phái Sài-sơn cũng không quá nghiêm khắc, nên giữa thày trò được tự do trao đổi tin tức.
Nguyễn Tam Trinh hỏi Lê Chân:
- Tre già măng mọc. Sư thúc nghe danh Đông-triều nữ hiệp cũng thấy hãnh diện lây. Sư tỷ của ta quả thực mát tay. Đệ tử người nào người nấy giống sư phụ y hệt.
Xuân Nương lễ phép hướng về Tam Trinh, hỏi:
- Sư thúc, điệt nữ nghe nói sư thúc bắt sống Lĩnh-nam công rồi thả ra, có đúng như vậy không? Tại sao sư thúc bắt rồi lại thả? Hắn là người cầm quân ở đất này, sư thúc không sợ hắn mang quân tàn sát mình ư? Người Hán vốn xảo quyệt và ác độc lắm mà.
Luật lệ từ mấy ngàn năm nay của phái Sài-sơn là những việc đã làm của bất cứ ai, dù là sư tổ, sư phụ, các đệ tử cũng có quyền hỏi để học hỏi kinh nghiệm. Hoặc là những việc quấy, người dưới cũng có quyền chất vấn. Câu hỏi của Xuân Nương vừa ngụ ý thắc mắc về phương diện kinh nghiệm lẫn trách cứ sư thúc.
Nguyễn Tam Trinh nói:
- Đây là điều sư thúc muốn giảng cho các cháu biết cho thêm kiến thức, kinh nghiệm. Chúng ta là người nghĩa hiệp, khi gặp người nghĩa hiệp, chúng ta phải đem cái hiệp ra để đối đãi, mang cái nghĩa ra làm nòng cốt. Bất cứ ở đâu cũng có người xấu, người tốt. Kẻ thù của ta có cái tốt, ta cũng phải công nhận, chứ không nên giữ quan niệm ta luôn tốt hết và kẻ thù đều xấu hết. Đừng có cái lối cái tốt của kẻ thù là của ta, cái xấu của ta là của kẻ thù. Người Hán tàn bạo, nhưng vẫn có Khổng-tử, Mạnh-tử. Tô Định ác độc tham tàn, nhưng vẫn có Nghiêm Sơn hào sảng, anh hùng, nghĩa hiệp. Từ ngày y sang Giao-chỉ đến giờ, y luôn chống đối Tô Định tham tàn. Y đã từng xử tử nhiều bạo quan người Hán, chưa từng giết một người Việt. Chống Tô Định bênh người Việt là hiệp. Giết người Hán bạo tàn là minh. Không tham của là nghĩa. Bản lĩnh ta thua y, y bị ta dùng kế bắt được, y vẫn nhận ta và phục ta, đó là dũng. Ta tha về, y theo lệ, mang trâu đến thế mạng là tín. Ta đang là kẻ thù của y, mà y tôn là bậc trưởng thượng, cầu xin ta đứng chủ hôn cho y lấy một người con gái Việt, đệ tử của Cửu-chân song kiệt, đó là bậc trí. Một người đủ: Nhân, Nghĩa, Lễ., Trí, Tín, Hiệp, Minh như vậy... hà... khó tìm được ngay trong đám người Việt mình chứ đừng nói là người Hán.
Rồi ông tường thuật đầy đủ việc bắt Nghiêm Sơn, gặp Đào Kỳ, làm lễ cưới cho Thiều Hoa, nhất nhất kể lại.
Lê Chân cũng nhân đó kể lại những việc đã làm với Đào Kỳ, Phương Dung.
Nguyễn Tam Trinh nói:
- Đào Kỳ và Phương Dung là hai đứa trẻ ngàn năm mới có. Khi phất cờ, phải để cho hai người vào chức nguyên soái mới đúng. Rất tiếc, gần đây ta được tin Đào Kỳ bị trúng độc và mất tích. Còn Phương Dung không hiểu ra sao.
Tiếng loa lại tiếp tục. Chỉ một lát sau, cả tám vị Thái-bảo phái Sài-sơn và đệ tử tề tựu đông đủ. Tổng cộng lên tới gần 500 người. Họ trao đổi kinh nghiệm, trò chuyện thực vui vẻ.
- Nhật-nam thất hiệp và chư đệ tử tới.

 

<< Lùi - Tiếp theo >>

HOMECHAT
1 | 1 | 160
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com