Đào Thế Kiệt lắc đầu:
- Thưa Lục-trúc tiên sinh, bất cứ việc gì, tiên sinh chỉ cần viết một lá thư, chúng tôi sẽ kính cẩn nghe theo. Nhưng tiên sinh dạy chúng tôi quy phục người Hán, muôn ngàn lần không được. Tổ tiên chúng tôi là đệ tử của Trung-tín hầu Vũ Bảo Trung, khai quốc công thần thời Âu Lạc. Khi Âu Lạc bị Triệu Đà dùng gian kế chiếm nước, tổ tiên chúng tôi mai danh ẩn tích, chiêu hiền nạp sĩ, chờ ngày quang phục, trãi đã gần 200 năm. Đến đời chúng tôi vì bất tài bạc phước, nên Đinh, Đào trang bị Thái thú Nhâm Diên đánh phá. Chúng tôi thà ngọc nát chứ không chịu để có vết, không chịu đầu hàng. Đinh, Đào chỉ có mấy trăm tráng đinh, cũng đánh cho Nhâm Diên thất điên bát đảo, giết được vợ con y, giết luôn cả mẹ già y, cướp luôn chiến thuyền ra lập nghiệp ở đảo này, chờ ngày về quang phục. Nay tiên sinh dạy chúng tôi đầu Hán. Chúng tôi thật không tuân được.
Chu Bá cười:
- Phải giống như loài rồng, khi lớn bằng trời đất, khi nhỏ, bằng con giun, con trùn. Đào hầu bằng này tuổi, sao không biết lẽ tiến thoái bằng lệnh đồ và Tam công tử?
Nghe nói đến Tam công tử, vợ Đào Thế Kiệt và Đinh Xuân Hoa vội hỏi:
- Chu huynh vừa nói đến đệ tử và tiểu tử, chẳng hay chúng nó đã làm gì khiến huynh cho rằng chúng biết lẽ tiến thoái?
Chu Bá mỉm cười:
- Đào hầu có người đệ tử thứ ba là Hoàng Thiều Hoa cô nương có phải không? Trong trận cảng Bắc, Hoàng cô nương gặp một người tướng trẻ người Hán tên Nghiêm Sơn, tình ý nảy sinh. Nàng bỏ ngoài tai những gì là Hán, những gì là Việt, kết hôn với tên tướng trẻ đó. Nay nàng đã trở thành phu nhân của Lĩnh-nam công. Nghiêm công sủng ái nàng cùng cực. Mỗi mỗi đều chiều theo ý. Như vậy, chẳng là người thức thời ư? Còn Đào tiểu công tử, khi lạc gia đình, chạy ra Long-biên, giữa chợ giết lính Hán. May nhờ sư huynh tôi đây là Hoàng Đức làm Huyện lệnh, che chở cho mới khỏi bị giết. Nhạc phụ tôi thấy y là con nhà danh gia, mang về Thái-hà trang nuôi cho ăn học. Chính muội phu Lục Mạnh Tân đây là thầy dạy y. Lục muội phu! Ngươi kể chuyện Đào tiểu công tử cho Đào hầu nghe đi.
Lục Mạnh Tân thấy ngôn từ Chu Bá muốn bẻ quẹo việc Đào Kỳ được ông dạy học thành ơn nghĩa của nhạc phụ. Vốn là người đọc sách, ông không muốn người khác vì ông mà bị lừa nên nói:
- Bấy giờ, tôi chưa là nghĩa tế của nhạc phụ đại nhân. Nhạc phụ nhờ tôi dạy cho Lan Phương tiểu thư học thuật Trung-nguyên. Khi tôi đến làm giáo thụ, Đào công tử là thư đồng của trang Thái hà. Nhìn qua, tôi đã đoán ra ngay công tử là con nhà danh gia, chẳng may gặp nạn. Tôi mượn cớ giảng sách cho Lan Phương, cố nói lớn tiếng cho công tử nghe. Khổng Tử nói: Giáo bất khả biệt loại, phàm dạy học không phân biệt loại người. Người xưa đi tìm thầy, ngược lại, thầy cũng đi tìm trò nữa. Tôi đậu Hiếu-liêm, không ưa công danh nên mới xuống vùng Lĩnh Nam truyền đạo Thánh. Đào Kỳ là học trò yêu nhất của tôi. Y là đệ tử danh môn chính phái, biết phân biệt phải trái. Y không những không nghi ngờ tôi, mà còn coi tôi như ông thầy đáng kính.
Đào hầu, Đào phu nhân! Các vị có người con thông minh chưa đáng mừng. Điều đáng mừng là công tử khoáng đạt,biết xử thế, biết lẽ tiến lui. Khi tôi giảng bài cho Lan Phương, Đào công tử ngồi ở phòng bên cạnh. Tôi có ý giảng thực to cho y nghe. Lúc tôi ra về, y theo tiễn chân tôi và tỏ cho tôi biết, y hiểu ý tôi muốn giảng cho y nghe hơn là giảng cho Lan Phương.
Ngừng một lát, ông tiếp:
- Tôi dạy Đào công tử tất cả sách vở của Trung-nguyên từ Tứ thư, Ngũ kinh cho tới Bách gia, Chư tử, Cửu lưu, Tam giáo. Đào công tử không ham công danh, chứ nếu đi thi thì Hiếu liêm sẽ đậu dễ dàng. Công tử chỉ thích học Tôn-ngô binh pháp và Lục-thao của Khương Thái công. Trong những ngày gần đây tôi đã giảng Tả truyện với Bắc sử cho Đào công tử .
Qua lời nói của Chu Bá và Lục Mạnh Tân, Đào hầu nhận ra hai người con rể Lê Đạo Sinh khác nhau quá xa. Một người giòng Việt, lại đi xu phụ làm quan với người Hán. Một người là Hán, thi đỗ Hiếu liêm, nếu muốn làm quan, cũng được chức Thái thú như ai, lại không ham công danh. Đúng như Lục nói, chắc Đào Kỳ bị bắt làm nô bộc, rồi được Lục dạy học, chứ việc Đào Kỳ học không phải do hảo ý của Lê Đạo Sinh. Trong khoảnh khắc, Đào hầu thấy Lục tiên sinh là một Khổng, Mạnh tái sinh, chứ không còn là một tên Hán cướp nước nữa. Ông đứng dậy, chấp tay xá Lục Mạnh Tân ba xá, rồi nói:
- Lục tiên sinh, ơn giáo hóa còn nặng hơn ơn sinh thành. Đào trang xin kính cẩn gởi đến tiên sinh lời cảm tạ.
Đức Hiệp gật đầu:
- Đào hầu ơi! Người nghĩ lại coi có đúng không. Cứu tiểu công tử khỏi chết là sư đệ Hoàng Đức, dạy tiểu công tử là muội phu Lục Mạnh Tân. Còn một điều quan trọng nữa, Đào tiểu công tử là nghĩa tế của Chu sư đệ đây! Sư phụ tôi, nhất sinh cực kỳ sủng ái cháu ngoại Chu Tường Quy, thế mà người đã đem đứa cháu bửu bối đó gã cho tiểu công tử.
Y quay lại gọi Tường Quy:
- Tường Quy cháu ra lạy bố mẹ chồng đi.
Trước khi rời thuyền, Tường Quy được mẹ trang điểm cho cực kỳ lộng lẫy. Nàng mặc bộ quần áo lụa xanh, cổ choàng chiếc khăn màu hồng, cổ đeo một chuỗi ngọc trai năm vòng trông phiêu hốt như một tiên nữ. Nàng được ông ngoại cho biết, ông dẫn nàng đi yết kiến cha mẹ Đào Kỳ để cho nàng chính thức kết hôn vối y.
Bây giờ thấy sự sắp thành, nàng vội tiến tới trước mặt Đào hầu phục xuống lạy. Đào phu nhân thấy nàng xinh đẹp, nhu nhã như tiên nga, chỉ mới trông qua đã thấy thương rồi. Lại nghe nói nàng là vợ Đào Kỳ lại càng mừng rỡ.
- Con với Đào Kỳ đã làm lễ bái đường rồi à?
Tường Quy e lệ cúi đầu:
- Chưa, nhưng chúng con đã...
Chu Bá ngắt lời:
- Con kể cho Đào phu nhân nghe về chuyện Đào Kỳ đi.
Tường Quy e lệ kể:
- Ngày nọ con về thăm ông ngoại và gặp Đào đại ca. Anh Kỳ rủ con đi Cổ-loa nghe ngóng tin tức gia đình. Nhưng chúng con chỉ gặp được Chu Thổ Quan. Chú cho biết chú Đào Thế Hùng có các em Hiển Hiệu, Quý Minh, Phương Dung đến Cổ-loa dò tin tức Đào, Đinh gia. Chiều hôm đó về, chúng con xuống du thuyền của ông ngoại, chơi đêm trên sông. Con đánh đàn thổi tiêu cho Đào đại ca nghe.
Đào phu nhân thấy Tường Quy ké né, e thẹn, mặt đỏ bừng lên trông như một tiên nữ, bà càng thương, cầm lòng không đậu, bà nắm lấy tay nàng, kéo ngồi xuống bên cạnh.
Hoàng Đức hỏi Đào phu nhân:
- Phu nhân! Liệu phu nhân có một người con gái có phẩm chất như cháu Tường Quy, dù phu nhân có tin tưởng một cậu trai nào đến đâu chăng nữa, phu nhân có để cho con gái mình đi du lịch xa với cậu trai đó không? Liệu phu nhân có cho phép cậu trai đó xuống du thuyền quý trọng nhất đi chơi trăng không?
Đào phu nhân gật đầu:
- Nếu đúng như thế thì quả thật Lục trúc tiên sinh và Chu huynh đã ưu đãi cháu Kỳ nhiều quá.
Bà cầm tay Tường Quy:
- Thế Đào Kỳ hiện giờ ở đâu, cháu có biết không?
Tường Quy bật thành tiếng khóc:
- Đại ca... đại ca bị ông ngoại xích chân rồi!
Vũ Hỷ cười:
- Đào phu nhân! Đào tiểu công tử và Tường Quy không giữ được lòng, buông thả quá độ, nên sư phụ tôi phạt giam lại, đợi gặp Đào hầu có mai mối chính thức, cưới hỏi rồi mới cho chúng gặp nhau.
Chu Bá thở dài:
- Đào công tử là người thông minh anh tuấn. Tiện nữ bản chất cũng không thường, chúng nó có thể kết thành đôi uyên ương. Tất cả những gì kể từ nãy tới giờ, đều chứng minh rằng Thái hà trang chúng tôi đối với Đào trang một lòng một lòng thân kính. Cho nên, nhạc phụ chúng tôi mới thân hành tới đây, mời Đào hầu về lục địa tu sửa Đào, Đinh trang. Thỉnh đại công tử, nhị công tử ra làm việc với phủ Đô sát Cửu-chân. Xin Đào hầu dạy cho một lời, để chúng ta còn bắt tay vào việc.
Đào Nghi Sơn đứng ra chắp tay, nói:
- Về việc Đào Kỳ, trước hết, xin các vị cho chúng tôi thấy mặt y đã. Không phải chúng tôi không tin lời quý vị, nhưng cha mẹ tôi xa con đã bảy năm, muốn gặp lại y, trước khi quyết đoán bất cứ việc gì về y.
Trần Dương Đức cũng bước ra nói:
- Thưa Lục Trúc tiên sinh! Thưa quý vị cao nhân! Thưa sư phụ, sư mẫu, sư thúc! Những lời vừa rồi con không tin. Nếu thật sự Thái-hà trang ưu đãi tiểu sư đệ, tại sao không đưa tiểu sư đệ đến đây tương hội với sư phụ, sư mẫu. Nếu bảo rằng Thái hà trang tử tế, sao còn mang đến đảo gần một ngàn người để uy hiếp chúng ta? Con nghi Thái-hà trang kéo đông người đến đây để làm áp lực đe dọa. Họ muốn nói chuyện trên thế mạnh. Nếu chúng ta nghe lời họ thì thôi, bằng không họ sẽ kéo lên đảo này gây chiến. Trên ba thuyền lớn của họ, có gần một ngàn người. Chúng ta tuy không đông bằng họ. Nhưng địa thế đảo này, chúng ta đã thông thuộc. Chúng ta thủ, họ tấn công. Một người thủ, phải mười người mới vào nổi. Vì họ không đủ năm ngàn người, nên họ mới lên đảo đàm phán. Họ lên đảo rõ ràng với ác ý. Rõ ràng do người Hán sai khiến. Tô Định muốn cho đất Lĩnh-nam tưởng rằng trận chiến nếu xảy ra, là do Thái-hà trang với Đinh, Đào trang bất hòa, chứ không phải do y chủ trương. Thái-hà trang hòa kiệt đâu có thiếu, sao không hiểu lẽ đó? Nhưng họ vẫn làm theo ý Tô là tại sao? Vì họ sợ chúng ta trở lại chiếm Đinh, Đào trang, mà Đinh, Đào trang hiện đang nằm trong tay Phong-châu song quái. Theo thiển ý đệ tử, muốn phân rõ trắng đen, xin họ cho tiểu sư đệ ra đây tương kiến đã.
Lê Đạo Sinh cười:
- Điều đó dễ lắm. Vũ Hỷ! Ngươi ra thuyền đón Đào công tử vào đây cho ta, để xem ta có phải là người nói dối không?
Vũ Hỷ đi rồi, Đào hầu gọi lớn:
- Mang rượu ra đây! Đào gia, Đinh gia chúng tôi mời quý khách dùng chút thổ sản hải đảo.
Đệ tử mang rượu và đồ ăn bày giữa sảnh đường. Đào Thế Kiệt đứng lên ân cần mời khách. Tường Quy e thẹn không dám ngồi, Đào phu nhân nắm tay Tường Quy, nói:
- Con lại đây với ta.
Bà ngắm Tường Quy từ đầu đến chân, tự nghĩ:
- Có một thiếu nữ xinh đẹp, nhu mì như thế này về làm dâu Đào-gia, hỏi còn gì bằng nữa?
Bà hỏi:
- Con có học võ không?
Chu Bá đáp thay:
- Cháu học võ với ông ngoại và tôi. Bản lĩnh cháu, tuy không bằng Đào công tử, nhưng trong giới nữ lưu trẻ tuổi ít ai bằng.
Đào Kỳ ngồi ở hàng ghế đệ tử Đào, Đinh, cười thầm:
- Vũ Hỷ ơi Vũ Hỷ! Mi trở lại thuyền không thấy ta, mi có dám trở lại không? Ta cứ ngồi đây đợi mi, xem bộ mặt mi thế nào?
Lê Đạo Sinh ngồi uống rượu đã lâu, vẫn không thấy tăm hơi Vũ Hỷ. Y rối ruột, bảo Phương Anh:
- Ngươi ra xem sao lâu quá vậy?
Phương Anh dạ một tiếng định đi, nhưng Vũ Hỷ đã trở lại. Mặt y đầy vẻ đăm chiêu. Y hướng vào Đạo Sinh nói:
- Thưa sư phụ! Đào công tử đã bẽ gãy xích sắt trốn đi rồi!
Cả sảnh đường im lặng, dồn mắt vào Lê Đạo Sinh. Nét mặt Đạo Sinh nhíu lại, y hỏi Vũ Hỷ:
- Ngươi đã tìm khắp trong thuyền chưa? Trên đời làm gì có người bẻ được xích sắt lớn như thế? Từ biển vào đây khá xa, dù y có trốn cũng không bơi vào được. Không lẽ y là cá voi?
Vũ Hỷ quả quyết:
- Con đã cho tráng đinh tìm khắp cả ba con thuyền, nhưng không còn dấu vết gì của y để lại. Hành lý cũng mất luôn. Rõ ràng y đã trốn rồi.
Chu Bá nói lớn:
- Đào hầu, cháu Kỳ thế nào cũng trốn lên đảo. Vậy người cứ cho tìm một lúc sẽ ra ngay.
Trần Dương Đức cười:
- Chu tiên sinh! Điều kiện tiên quyết là tiểu sư đệ phải xuất hiện. Nếu y không xuất hiện, chúng tôi nhất quyết không tin.
Từ đầu đến giờ, Đinh Đại vẫn ngồi yên. Bây giờ mới lên tiếng:
- Thưa Lục trúc tiên sinh! Xin mời quý vị dùng cơm rồi rời đảo cho. Dù cho cháu Kỳ có xuất hiện, dù y có là rể của Chu tiên sinh đi nữa, chúng tôi nhất quyết không cho đệ tử làm chó săn cho bọn giặc Hán. Nếu quý vị giữ y để đe dọa, chúng tôi coi như y đã tuẫn quốc.
Ông quay lại nói với Đào hầu:
- Tỷ phu! Chúng ta cần phải giữ khí tiết của tổ tiên, dù có phải chết hết cũng cam lòng.
Đức Hiệp tái mặt, nói:
- Đinh hầu! Chúng tôi lấy lễ đối với hầu, tại sao hầu lại sỉ mạ chúng tôi? Hầu bảo rằng những người làm quan với Hán là chó săn, vậy trong mười đệ tử của sư phụ chúng tôi, có tới năm người làm Huyện-úy. Hiện diện đây có Chu, Hoàng, Vũ, Phương, như vậy, có khác gì hầu bảo các sư đệ tôi là chó săn không? Đinh Đại cười nhạt:
- Chó săn hay không chó săn, tự các người biết.
Hoàng Đức giận run người. Y nhảy vèo đến, đánh một quyền vào sau gáy Đinh Đại. Đinh Đại trầm người xuống tránh, rồi trả đòn. Hiện trường náo loạn cả lên. Các đệ tử Đào, Đinh đều rút kiếm ra khỏi vỏ. Nhưng Đào Thế Kiệt vội vẫy tay ra hiệu ngồi xuống.
Đinh, Hoàng đã đấu với nhau trên mười hiệp. Đinh Đại lui lại, đánh ra một chưởng, véo một cái. Hoàng Hiệp xuống Trung bình tấn, phát chưởng đỡ Bùng một tiếng, cả hai cùng lùi lại. Họ gườm gườm nhìn đối thủ, và tự biết khó thắng nổi nhau.
Trước đây mười năm, nếu Đinh Đại đấu với Hoàng Đức chắc chắn ông không phải là đói thủ của y. Bởi y là đệ tử của Đệ nhất cao nhân đương thời Lê Đạo Sinh. Trải qua bảy năm, nung nấu mối hận mất trang, ấp, Đinh Đại, Đào Thế Kiệt suốt ngày luyện võ. Nhờ vậy, công lực tinh tiến vô cùng. Với một chưởng vừa rồi, người bàng quang đều thấy họ ngang nhau.
Hoàng Đức cười nhạt:
- Đinh-hầu! Người là một trong Cửu chân song kiệt, ngươi có dám song đấu với ta không? Hay là ngươi chỉ cậy đông người.
Đinh Đại cười nhạt:
-Ta há sợ ngươi sao?
Lê Đạo Sinh bước ra nói:
- Khoan! Kể về nhân số, các vị đông gấp bội chúng ta, nhưng kể về võ công thì chưa chắc. Vậy bây giờ tôi sẽ cử ra ba người đấu với Đào, Đinh hầu và Đào phu nhân. Nếu chúng tôi thắng hai trận, quý vị phải nghe lời chúng tôi. Ngược lại chúng tôi bại, chúng tôi nguyện sẽ rời khỏi nơi đây.
Đinh Đại nhìn Đào Thế Kiệt hỏi ý kiến. Đào Thế Kiệt tự thị anh em đã trải qua bảy năm luyện võ công trên đảo, công lực tiến rất nhiều. Ông gật đầu:
- Lục trúc tiên sinh là thái sơn bắc đẩu đất Lĩnh-Nam, chắc không chịu ra tay cùng bọn hậu bối như chúng tôi. Không biết bên quý trang, ai là ngươéi dạy dỗ chúng tôi mấy chiêu đây?
Hoàng Đức vẫn đang cơn giận, nói ngay:
- Ta sẽ dạy dỗ các ngươi.
Đinh Đại hất hàm về phía Hoàng Đức:
- Được! Ta với con chó săn của người Hán đấu trận đầu.
Hoàng Đức giận quá, vung chưởng đánh liền. Hai người quấn lấy nhau, chưởng phong trùm khắp hội trường. Đào Kỳ nhìn Đinh Đại đánh với Hoàng Đức, nghĩ:
- Không ngờ có bảy năm, mà võ công cậu ta đã tiến tới trình độ này. Hoàng Đức là đệ nhất cao đồ của Lê Đạo Sinh, e khó địch lại cậu ta.
Được khoảng năm mươi hiệp, Hoàng Đức đã yếu dần, chỉ đỡ nhiều hơn đánh. Đạo Sinh ngạc nhiên nghĩ:
- Hoàng Đức là đệ tử của ta, võ công không tầm thường. Trong những bọn ngang hàng như Nguyễn Trát, Phan Đông Bảng, Đặng Thi Kế cũng khó ai thắng nổi. Tên Đinh Đại, võ công vốn tầm thường, không hiểu sao lại tiến mau đến trình độ này?
Hoàng Đức bị dồn vào góc phòng, y chỉ còn chống đỡ cầm chừng.
Vũ Hỷ làm Đô sát Cửu-chân đã bảy năm, y biết hết chiêu thức võ công phái Cửu-chân, nên những chiêu thức Đinh Đại đánh ra, y đều đoán trước được. Y nghĩ cách giúp ngầm Hoàng Đức.
Y chợt lên tiếng:
- Sơn cao, thủy tận.
Hoàng Đức đang bị dồn vào thế bí, thấy có người nhắc, y vội trầm người xuống, ra chiêu Sơn cao thủy tận. Bịch một tiếng, Đinh Đại bị đánh trúng vai, loạng choạng lùi lại.
Vũ Hỷ lại nhắc:
- Thủy nhập thanh điền.
Hoàng Đức quay tròn người, phi thân lên cao, đánh một chưởng từ trên xuống. Bạch một tiếng, chân y đã đá trúng sườn Đinh Đại.
Đào Kỳ thấy Vũ Hỷ nhắc Hoàng Đức, gây khốn cho Đinh Đại, chàng vội len lỏi về phía trước. Chàng biết cả võ công Tản viên lẫn Cửu chân, nên cũng muốn nhắc cậu. Giữa lúc Hoàng Đức lui lại ra chiêu Ác ngưu nan độ trong Phục ngưu thần chưởng. Chưởng lực này sức mạnh hướng về phía trước, lúc biến chiêu sẽ rẽ sang phải hoặc sang trái, nên để lộ ra chỗ sơ hở phía trên. Chàng vội hô lớn:
- Loa thành nguyệt chiếu.
Chưởng Hoàng Đức đánh thẳng về trước, Đinh Đại vọt người lên cao, đánh từ trên xuống. Chưởng phong chụp lên đầu Hoàng Đức. Hoàng Đức đẩy vòng chưởng lên đỡ, nhưng đã hơi trễ. Bùng một tiếng, chưởng Đinh Đại đã đánh trúng người Hoàng Đức. Y bị bật lui liền ba bước, khí huyết chạy nhộn nhạo. Người y muốn ngộp thở.
Đào Kỳ lại lên tiếng:
- Kình ngư xuất hải.
Đinh Đại nhào người tới trước, lộn người lên cao, đá móc một cái trúng vai Hoàng Đức. Y bị đá văng ra giữa sân. Đào Kỳ lại hô tiếp:
- Song thu diệp lạc.
Đinh Đại xoay hai tay thành vòng tròn, đẩy tới một chưởng. Mọi người kêu thét lên, vì biết chưởng đó đánh tới ắt Hoàng Đức phải chết. Phương Anh nhảy ra đỡ chưởng của Đinh Đại. Bùng một tiếng Đinh Đại, Phương Anh đều lùi lại, mặt đỏ gay.
Đào Thế Kiệt hô lớn:
- Ngừng tay!
Hai người cùng nhảy lui lại.
Đinh Đại chỉ Phương Anh:
- Các ngươi định hai người đánh một ư?
Phương Anh chỉ Đào Kỳ:
- Hai người đấu với nhau, tại sao ngươi ở ngoài chĩa mõm vào?
Đào Kỳ chỉ Vũ Hỷ:
- Thế còn mõm của chồng mụ là mõm gì?
Đào Kỳ nhắc cho Đinh Đại ba chiêu, đã đánh cho Hoàng Đức gần bỏ mạng, khiến Đào hầu, Đào phu nhân cùng ngẩn người ra, tự nghĩ:
- Đệ tử ở đây ta biết mặt hết, vậy thiếu niên này là ai, sao ta không nhận ra?
Bà đưa mắt nhìn đại đệ tử Trần Dương Đức, như để dò hỏi. Dương Đức nhận ra Đào Kỳ là thiếu niên mới bơi vào đảo, chàng đã gặp ban nãy. Chàng định đến bên sư mẫu, nói cho bà biết nhưng lại thôi.
Trong lòng Đào phu nhân đầy nghi vấn:
- Không lẽ trong đám đệ tử của ta có người thông minh đến trình độ đoán ra các thế võ của đôi bên?
Phương Anh thấy Đào Kỳ chỉ là một đệ tử nhỏ tuổi của Đào trang, y thị không thèm cãi với chàng. Y thị đưa mắt nhìn chồng. Vũ Hỷ gật đầu tiến ra:
- Trận đấu thứ nhì ta xuất lực. Bên Cửu-chân, ai là người có chân tài, hãy ra đây.
Đào hầu nghĩ:
- Trong ba trận, chỉ cần bên mình thắng hai là đủ. Vậy bây giờ mình xuất trận đấu với Vũ Hỷ, như vậy, trận sau có thể khỏi phải ra tay nữa.
Nghĩ rồi, ông tiến tới trước nói:
- Vũ Hỷ! Năm xưa ngươi theo quân Hán đuổi đánh ta, làm cho ta tan cửa nát nhà. Hôm nay là ngày ngươi đền tội.
Nói xong, ông phát quyền đánh vù một cái. Vũ Hỷ lui lại đỡ. Đào Kỳ thấy công lực của cha mạnh hơn xưa gấp bội, chàng mừng lắm, tự nhủ:
- Năm xưa, cha mẹ ta chỉ đỡ một chưởng của Song quái đã phun máu miệng. Nay công lực của người đã cao hơn y khá nhiều. Đúng như lời Tường Loan nói trước đây.
Vũ Hỷ biết võ công Cửu-chân, nên Đào hầu ra chiêu nào y cũng đoán được. Đấu trên trăm hiệp vẫn bất phân thắng bại. Bỗng Vũ Hỷ lùi lại, phóng ra một chưởng. Chưởng phong bao trùm khắp hội trường. Đào Thế Kiệt cũng vội phóng ra một chưởng đỡ. Bùng một tiếng, cả hai cùng lùi lại. phóng ra một chưởng. Đào Kỳ nhận ra chưởng của Vũ Hỷ là Phục ngưu thần chưởng.
Vũ Hỷ lại phóng chưởng thứ nhì, Đào hầu cũng phóng chưởng đỡ, kình phong ào ào, đó là chiêu Hải triều lãng đãng, lớp thứ nhất, Bùng một tiếng cả hai đều lùi lại một bước.
Vũ Hỷ phóng chiêu thứ nhì là Ngưu ngọa ư Sơn, trong khi Đào hầu phóng lớp thứ nhì. Bùng một tiếng, Vũ Hỷ lùi lại một bước, phát chiêu Lưỡng ngưu tranh phong, trong khi lớp thứ ba của Đào hầu đã đổ xô đến. Bùng một tiếng, Vũ Hỷ bị bắn tung lại phía sau, còn Đào hầu, vẻ mặt nhăn nhó, khó chịu, bàn tay ông đỏ những máu. Ông quát lớn:
- Đồ lưu manh!
Vũ Hỷ tay cầm con dao nhỏ, cười ha hả. Bấy giờ ,mọi người mới hiểu Vũ Hỷ phát chiêu Lưỡng ngưu tranh phong , một tay phát chưởng, một tay y đưa ra sau rút dao trủy thủ đẩy vào giữa chưởng của ông.
Vũ Hỷ đắc thế, xuất một chưởng định kết liễu tính mạng Đào Thế Kiệt. Đào phu nhân thấy chồng lâm nguy, vội rút kiếm nhảy vèo đến đâm y liền mười chiêu. Chiêu nào cũng thần tốc phi thường. Vũ Hỷ thấy kiếm chiêu kình lực veo véo, y vội lui lại. Phía sau lưng y như có mắt, y rút kiếm của vợ, vòng lên đỡ kiếm của Đào phu nhân. Động tác của y nhanh không thể tả được. Đỡ xong kiếm của Đào phu nhân, y vọt ra khỏi vòng chiến nói:
- Trận thứ nhì mỗ đã thắng Đào-hầu. Vậy, trận thứ ba, ai bên Đào trang xuất chiêu?