Nhưng đến khi chàng quay lại thì tên Khuất Vỹ Hồ đã đào tẩu mất dạng. Lúc này chúng anh hùng đều bội phục Tồn Trung sát đất, cùng ồ cả lại tán dương không ngớt miệng. Bỗng có người cất tiếng hỏi:
- Thôi hãy tạm trói y lại đem về trong trang để chúng ta còn tra vấn cho vỡ lẽ.
Mọi người đều hân hoan vâng lời. Trần Lương Sơn không biết đã kiếm đâu được một sợi dây thừng rất lớn liền nhảy luôn lên trói chặt khuỷu tay tên nọ rồi xách đi đem luôn vào trang.
Trang chủ Lý Toàn đã sớm bày yến tiệc linh đình chờ sẵn vừa thấy Tồn Trung dẫn đầu quần hùng trở vào vội tiếp rước chàng vào trong đại sảnh, chắp tay tạ tội nói:
- Không ngờ tiểu huynh đệ lại là Liễu đại hiệp mà danh tiếng gần đây đã lừng lẫy xa gần. Vừa rồi Lý mỗ đã thất lễ! Xin thứ tội! Thứ tội!
Tồn Trung vội trả lễ đáp:
- Lão tiền bối chớ nên nói quá lời như thế. Vãn bối đâu dám nhận câu khen tặng ấy.
Đã nghe thấy Hoàng Diện Phong Cái lớn tiếng cười ha hả, từ phòng bên cạnh bước ra, xen lời nói:
- Tiểu sư đệ, ngươi làm cho lão ca ca này tìm kiếm ngươi muốn bở hơi tai ra, không hiểu ngươi đã trốn chui trốn nhủi ở nơi nào?
Tồn Trung vội tiến lại vấn an ông ta, rồi hỏi:
- Sư ca định sai bảo tiểu đệ việc gì thế?
Hoàng Diện Phong Cái gãi đầu gãi tai một hồi rồi mới cười hí hí đáp:
- Nói ra thì dài dòng lắm. Để đợi có dịp mỗ sẽ kể đầu đuôi cho ngươi nghe.
Liễu Tồn Trung liền quay lại ra lệnh cho xách Đô Ha tới trước mặt Lý Toàn nói:
- Lý tiền bối, tên này đã nghe Khuất Vỹ Hồ sai khiến tới đây gây rối. Không biết Vỹ Hồ đó là nhân vật phương nào? Y với lão tiền bối có mối thù hằn gì không?
Lý Toàn đáp:
- Lý mỗ xưa nay đối với tên Khuất Vỹ Hồ đó không hề có chút ân oán gì. Nghe nói trước kia y vốn là một sĩ phu thi rớt, rồi bực bội bỏ ra ngoài Quan ngoại, không ngờ y lại cấu kết với bọn Đại Thực quốc trở về Trung Nguyên này gây rối như thế.
Liễu Tồn Trung liền quát hỏi Đô Ha:
- Chúng ta là Trung Nguyên võ lâm xưa nay không hề có hiềm khích gì với các ngươi, tại sao các ngươi lại tới đây gây hấn như vậy?
Đô Ha đáp:
- Mỗ đâu có gây hấn hồi nào? Bọn mỗ Đại Thực quốc coi cuộc tỉ vô là một trò vui thường tình. Tên Khuất Vỹ Hồ bảo Lý Tập gia thường hay bày ra cuộc tỉ võ công khai, rồi dẫn bọn mỗ tới giúp vui. Nếu thâu được thắng lợi ở mỗi trận đấu thì được thưởng một ngàn lạng bạc.
Chúng anh hùng nghe nói đều quay đầu lại nhìn Lý Toàn, Lý Toàn ngạc nhiên hỏi:
- Y bảo nếu thắng trận nào là được thưởng một ngàn lạng bạc thật ư?
Đô Ha đáp:
- Đúng thế.
Liễu Tồn Trưng động lòng nói:
- Bằng hữu, bạn đã bị Khuất Vỹ Hồ lừa gạt rồi.
Nói xong, chàng quay đầu lại nói với Lý Toàn:
- Lý lão tiền bối, tên Khuất Vỹ Hồ đó không hiểu đánh lừa mấy vị bằng hữu Đại Thực quốc tới đây gây rối để mưu đồ việc gì? Chỉ đáng tiếc là để cho y đào tẩu mất.
Hoàng Diện Phong Cái cười hi hí, nói:
- Dù y có chạy chân trời góc biển, sớm tối đây thế nào lão nhi này cũng sẽ bắt y đem về đây. Lúc ấy chúng ta sẽ biết rõ sự thật ngay.
Liễu Tồn Trung liền giải khai huyệt đạo cho Đô Ha, rồi bảo quần hùng cởi trói cho y, nói:
- Bằng hữu ngươi đi đi!
Đô Ha nói:
- Nay ngươi không giết mỗ nhưng thế nào cũng có một ngày mỗ sẽ trở lại để báo thù cho hai vị sư đệ.
Liễu Tồn Trung cả cười nói:
- Bạn khỏi cần phải nói trước, Liễu Tồn Trung lúc nào cũng sẵn sàng khoanh tay chờ đợi.
Đô Ba bỗng lộ vẻ hào khí chắp tay nói:
- Hay lắm! Sau này sẽ có lúc tái ngộ.
Nói xong y quay mình rời khỏi đại sảnh luôn. Lý Toàn tuy trong lòng hơi cảm thấy bất an nhưng cũng không biết nên giải quyết thế nào hơn.
Lúc ấy tiệc rượu đã bày ra đầy đủ ông ta liền mời quần hùng vào mâm, Hoàng Diện Phong Cái ngồi ở ghế thủ tọa còn mình thì ngồi kế bên bồi tiếp.
Hoàng Diện Phong Cái rượu tới là nốc cạn, liên tiếp uống luôn mười mấy ly đầy, rồi cười hi hí nói:
- Vui thật! Không ngờ vì tìm tiểu sư đệ, đến đây lại được ăn uống một bừa thật no say thế này.
Liễu Tồn Trung liền đứng dậy, cung kính rót đầy rượu vào ly của Phong Cái, rồi nói:
- Sư ca tìm tiểu đệ có việc gì thế? Nếu sư ca không nói ra, cứ để chất chứa mãi trong lòng thế nào lát nữa cũng đau bụng đấy.
Hoàng Diện Phong Cái đáp:
- Việc mà phải kiếm đến ngươi thì rất nhiều nhưng không cần phải giải quyết ngay vội, chỉ có một việc này phải cấp bách làm cho xong ngay mới được.
Liễu Tồn Trung nói:
- Sư ca mau nói ra ngay đi!
Chàng lại rót đấy một ly rượu cho Phong Cái. Ông ta đưa lên miệng nốc cạn rồi chùi mép thở dài nói:
- Triều đình gian thần lộng hành càng lúc càng gia tăng. Đáng tiếc thay! Đáng tiếc thay!
Dứt lời ông ta lại đưa lên môi nốc cạn ly rượu mà Tồn Trung vừa rót tiếp, Hoàng Diện Phong Cái nói tiếp:
- Dọc đường lão nhi nghe nói mới đây Hộ bộ thượng thư Viên Tôn Kiệt đã bị lão hoàng đế ban xuống một thánh chỉ bắt trọn toàn gia, giải từ Tương Châu về tới Lâm An.
Tin tức này khiến chúng anh hùng đều cả kinh thất sắc, đồng thanh nói:
- Hộ bộ thượng thư Viên Tôn Kiệt là một vị ái quốc trung thần, tại sao toàn gia lại bị áp giải về kinh như vậy?
Hoàng Diện Phong Cái lại nốc cạn một ly, quăng lên bàn nghiến răng nói:
- Miêu Truyền tổng chế dã ra lệnh cho lão hoàng đế phải bắt trọn toàn gia Viên Tôn Kiệt thì làm sao lão hoàng đế dám cưỡng lệnh?
Tiểu sư đệ, lúc này việc đã gấp rút. Nghe nói Viên Tôn Kiệt bắt đầu được giải đi từ Tương Châu, xem như vậy, chỉ vào khoảng hai ngày sau chắc sẽ phải đi qua Thạch Kiều dịch ở Tương Dương hay là sẽ đi theo con đường Đào Hoa điếm. Lão nhi mỗ đi nhiều chân đã mỏi nhừ, chỉ thích ở lại đây ăn nhậu. Bây giờ các ngươi phải phái người tới Đào Hoa điếm để dò xem động tĩnh ra sao, còn tiểu tử ngươi vốn là một tên trẻ tuổi, lẹ chân mau tay, nên lập tức tới Thạch Kiều dịch. Nếu may mắn gặp được đoàn tù xa của Viên Tôn Kiệt thì hãy cứu y đem về đây. Sự việc không thể chậm trễ được. Hãy mau ăn uống cho thật no say rồi đi ngay mới kịp.
Liễu Tồn Trung liền bật dậy, nói:
- Tiểu đệ tửu lượng rất kém, xin cáo biệt lão ca đi ngay kẻo lỡ mất việc này.
Hoàng Diện Phong Cái nói:
- Khi ngươi tới Thạch Kiều dịch cần phải cẩn thận lắm mới được.
Nên biết tên Miêu Truyền tất nhiên phòng bị rất kỹ càng, phụ trách áp giải đoàn tù xa đó tất nhiên không phải là những tay dễ đối phó.
Này ngươi tới đó một mình, tất nhiên hung hiểm rất nhiều.
Lúc ấy chúng anh hùng đều cảm thấy nghĩa khí can vân, đứng dậy nói:
- Chúng tôi nguyện đi theo cạnh bên Liễu đại hiệp để đợi người sai bảo.
Hoàng Diện Phong Cái xua tay, nói:
- Không thể được! Không thể được! Không phải lão nhi coi thường, chư vị cùng đi phen này sẽ hỏng hết đại sự. Tiểu sư đệ đi lần này chỉ nên dùng trí chứ không nên dùng lực. Sau khi thành công sẽ quay trở về tổng đàn gặp lại mỗ.
Lý Long, Lý Hổ lúc này đối với Tồn Trung rất kính phục, thấy chàng sắp rời khỏi nơi này, mặt đều lộ vẻ quyến luyến. Lý Toàn vội đi vào trong nhà lấy một bao bạc ra, bên trong có ước chừng ba chục lạng hai tay trao cho Tồn Trung nói:
- Tại hạ có một chút quà mọn để tặng Liễu đại hiệp để tiện dụng trong khi đi đường, mong đại hiệp thâu nhận cho.
Liễu Tồn Trung hiện trong người cũng không còn tiền sử dụng, cho nên cũng không khách sáo gì cả, liền nhận luôn bỏ vào trong người, rồi chàng quay lại chào khắp chúng anh hùng trong đại sảnh một lượt, bái biệt Hoàng Diện Phong Cái rồi lớn bước rời khỏi đại sảnh, trực chỉ thắng Thạch Kiều dịch.
Lúc này thế lực của Miêu Truyền ở trong triều đình một lúc một lan rộng vây cánh của y bao bọc rất chặt chẽ, khiến cho Cao Tôn hoàng đế không làm sao còn nhúc nhích được. Y lấy quyền oai Tả mệnh đại thần vào triều không bái, không xưng danh. Mỗi khi bãi trào hoàng đế phải đích thân tống tiễn y ra tận ngoài cửa điện.
Lúc ấy Chiết Tây lộ phó tổng binh Lý Bửu đại phá quân Kim ở Tùng Lâm đảo, khiến Kim Ngột Truật phải bỏ chạy. Hoàn Nhan Xương liền cấp tốc viết một bức mật thư sai sứ giả đem tới kinh đô trao tận tay Miêu Truyền. Trong bức thư đại ý bảo Miêu Truyền phải nghĩ cách diệt trừ cho kỳ được Lý Bửu.
Khi ấy đang vào kỳ tháng Chạp, khi trời đất lạnh lẽo, tuyết rơi lác đác. Lúc ấy sứ giả tới Thành Đô thì tuyết đổ xuống rất nhiều. Y liền kiếm một tửu điếm, uống vài chén rượu cho đỡ lạnh. Ngờ đâu lại vừa lúc Hộ bộ thượng thư Viên Tôn Kiệt tới vùng này để thị sát trà vụ.
Vào thời Nam Tống, trà được coi là một mãi phẩm bậc nhất của triều đình, cho nên những cơ sở khuếch trương trà, việc trồng trà cùng thuế khóa được coi là việc rất trọng yếu.
Vào thời này, uống trà cũng là một cách tiêu khiển rất lý thú, cho nên mỗi gia đình cũng lấy trà làm món thượng phẩm để đãi khách. Vì vậy trà đã trở thành huyết mạch kinh tế của thời đó, nên triều đình đã nghiêm cấm tư nhân không được tự quyền khai thác trà vụ.
Viên Tôn Kiệt giữ chức Hộ bộ thượng thư, đối với việc sinh lợi trà vụ ra sao, mọi việc đều do ông ta phụ trách quản lãnh hết.
Tôn Kiệt vốn là một người trung quân ái quốc, thường thường hay đích thân đi trông coi về mọi sinh hoạt trà vụ ở khắp nơi trong nước.
Sau đó, ông ta lại đích thân tới các huyện nha để xem xét dân tình ra sao! Vì việc công rất bề bộn, ông ta có mướn một vị thống kế sư gia để tới giúp việc. Vị thống kế sư gia này họ Trình, tên là Tư Cận, là một nhà hình danh học. Y vốn là một người rất trung nghĩa, nên đã được Viên Tôn Kiệt tín nhiệm. Hôm đó, thấy tuyết rơi xuống rất dày, Trình Tư Cận đứng ở huyện nha, thấy bộ hành đội mưa đạp tuyết khí trời rất lạnh lẽo, liền nghĩ bụng:
- “Không biết trận mưa tuyết này tới bao giờ mới tạnh? Ta hãy tìm lột quán rượu uống vài chén cho ấm bụng”.
Nghĩ đoạn, y liền bước xuống thềm đi sang một tửu điếm bên phía Đông. Khi tới nơi, Trình Tư Cận đưa mắt xem xét chung quanh một lượt thấy trong tửu điếm bàn nào cũng chật ních những người, hơi rượu bốc lên thơm phức, chỉ còn lại một chiếc bàn dài, mà nơi đó đang ngồi một hán tử ăn vận theo lối quan quân là còn có ghế trống.
Trình Tư Cận vội bước tới, xin lỗi người nọ, rồi ngồi xuống. Tên quan quân này chính là sứ giả của Kim doanh sai đem bức mật thư dâng cho Miêu Truyền. Lúc này y đâu có vẻ hơi say sưa, hai mắt lờ đờ, không để ý gì đến Tự Cận, liền thò tay vào trong người móc ra một đĩnh bạc ném lên trên bàn, rồi bước ra ngoài cửa phóng đi ngay.
Trình Tư Cận bỗng đưa mắt nhìn xuống dưới đất, phát hiện chỗ ngồi của tên quan quân vừa rồi có một bao thư liền nghĩ thấm:
- “Bức thư này có lẽ là do vị quan quân nọ khi móc tiền đã lỡ làm rơi ra”.
Y vội cúi xuống lượm bao thư lên rồi vội chạy ra ngoài cửa định trao trả cho tên nọ phong thư ấy, nhưng khi ra tới nơi thì tên quan quân nọ đã phóng ngựa đi mất dạng.
Tư Cận vội đưa mắt nhìn vào chiếc phong bì, thấy đề những chữ như sau:
- “Kính gửi Miêu Truyền tổng chế qua mắt”
Hạ khoản có ghi một chữ “Hoàn” liền giật mình kinh hãi, nghĩ thầm:
- “Thì ra bức thư này của Kim doanh gửi cho Miêu Truyền”.
Y không dám mở ra coi, vội nhét luôn vào trong người, rượu cũng không uống, vội vã trở về huyện nha trao bức thư cho Viên Tôn Kiệt.
Viên Tôn Kiệt mở ra coi kinh hãi đến toát mồ hôi lạnh ra, nói:
- May mắn là bức thư lại lọt vào tay ta. Bằng không nửa mảnh sơn hà còn lại của Tống triều này thể nào cũng bị bọn gian thần bán rẻ cho ngoại bang.
Trình Tư Cận vội hỏi:
- Xin thượng thư cho biết bên trong bức thư viết những gì thế?
Tôn Kiệt liền trao bức thư cho Trình Tư Cận, nói:
- Ngươi hãy coi xem sẽ biết rõ ngay.
Tư Cận xem qua một lượt, thất thanh nói:
- Ôi chà! Kinh khủng thật! Tên Hoàn Nhan Xương không ngờ lại ngầm sai khiến Miêu Truyền hãm hại Lý tướng quân như vậy. Nếu chúng ta không hay biết chuyện này, thì không lâu sau, đại quân của Kim Ngột Truật cũng sẽ tới sát được đến đó. Không biết thượng thư định xử trí việc này ra sao?
Tôn Kiệt nói:
- Theo ý ngươi thì cần phải hành động như thế nào?
Trình Tư Cận đáp:
- Theo ngu ý của thuộc hạ phải lập tức hành sự ngay, một mặt thông báo cho Lý tướng quân biết rõ tự sự một mặt dâng bức thư này trình lên thánh thượng. Miêu Truyền phạm tội thông địch mãi quốc này, thể nào cũng bị xứ theo quốc pháp.
Tôn Kiệt đáp:
- Ngươi nói đúng lắm. Nếu vậy, ngươi mau đem bức mật thư này tới kinh sư ngay, còn ta phải lo thị sát trà vụ ở Tương Châu này xong xuôi đã.
Trình Tư Cận vội nhận lệnh, lựa chọn cột con ngựa tốt, đạp tuyết rong ruổi tới Lâm An. Nửa tháng sau, Viên Tôn Kiệt vẫn không nghe thấy tin tức gì của Trình Tư Cận cả. Ông ta nóng nảy vô cùng, vội dẹp chuyện thị sát trà vụ lại, định đích thân tới Lâm An xem sao thì đột nhiên nhận được thánh dụ, bảo ông ta cứ tiếp tục ở lại Tương Châu tra xét trà vụ, chớ nên hồi kinh vội.
Lại qua được mấy tháng nữa, bỗng phảng phất nghe người ta đồn đại Trình Tư Cận bị Miêu Truyền xử trảm, vì bị kết tội hiệp trợ với Viên Tôn Kiệt tham ô tiền bạc về trà vụ. Sau đó lại có tin đồn là Viên Tôn Kiệt tư gia tại kinh đô già trẻ ba mươi mấy người đều bị xử trảm đem ra chợ bêu đầu. Tội danh là vị Hộ bộ thượng thư Viên Tôn Kiệt tham ô lộng quyền làm lũng đoạn kinh tế quốc gia. Tiếp theo đó, lại có tin thủ phạm Viên Tôn Kiệt tại đào hiện ẩn trốn Tương Châu không dám trở về kinh sư.
Viên Tôn Kiệt đang ở Tương Châu huyện nha nghe thấy những tin tức nọ liền giật mình kinh hãi té lăn ra đất. Những viên chức trong huyện nha đều biết Viên Tôn Kiệt là người rất trong sạch nay nhất định là đã bị Miêu Truyền hãm hại nên đều khuyên ông ta tạm lánh ra miền Quan ngoại qua cơn tai bay vạ gió này.
Viên Tôn Kiệt ngửng mặt lên trời thở dài nói:
- Giữa thời buổi yêu ma tặc đảng đang lộng hành ngay giữa chốn triều đình như thế này, thử hỏi trong thiên hạ còn có nơi nào yên ổn.
Ông ta vừa dứt lời thì một tên nha lại đã dẫn một viên Kỳ bài quan tiến vào. Viên quan nọ tiến vào ngồi giữa trung đường tuyên đọc thánh chỉ đại ý là Viên Tôn Kiệt đã mượn việc thị sát trà vụ lấy tiền quốc gia làm của riêng man khai trà thuế. Nay hạ lệnh cho thống chế Miêu Truyền toàn quyền định đoạt xử án, áp giải về kinh sư lăng trì theo chính pháp...
Viên quan nọ đọc xong thánh chỉ liền đưa mắt nhìn Viên Tôn Kiệt mặt lộ vẻ rầu rĩ ái ngại thở dài một tiếng nói:
- Xin đại nhân chớ nên trách cứ, ty chức chỉ thừa lệnh cấp trên mà hành sự thôi.
Viên Tôn Kiệt gượng cười đáp:
- Viên mỗ có chết cũng không lấy gì làm tiếc nhưng chỉ hận là nửa mảnh sơn hà này rồi đây sẽ bị bọn gian nhân làm cho lũng đoạn.
Viên quan nọ rầu rĩ nói:
- Không ngờ Hộ bộ đại nhân một niềm thanh liêm chính trực mà lại bị kết tội vào tội danh lũng đoạn trà thuế. Thư thế này không biết họ đã nại bằng chứng ở đâu ra. Đại nhân, khi trở về kinh sư người cứ biện bạch ở trước mặt thánh thượng.
Y nói tới đó thì từ bên ngoài đã có mấy đại hán phụ trách việc sứ giả tù xa bước vào.
Viên quan nọ vừa trông thấy bọn đại hán nọ liền quát bảo:
- Các ngươi để tù xa ở đâu?
Bọn nọ vội ứng tiếng dạ ran, rồi chạy ra bên ngoài đẩy một chiếc tù xa tới trước cửa huyện nha. Kỳ bài quan tiến lại, hạ chiếc y quan của Tôn Kiệt đang đội xuống, đưa bộ áo tù nhân cho ông ta thay đổi rồi mời ông ta ngồi vào trong xe, áp giải về phủ Tương Châu.
Dọc đường bá tánh đều vây lại xem, ai nấy đều lắc đầu thở dài, thương tiếc.
Khi Liễu Tồn Trung tới Tương Châu thì tù xa đã được giải đi rồi.
Chàng vội vã đuổi tới Tương Dương, dọc đường dò hỏi nghe ngóng, được biết tù xa vào khoảng giờ Ngọ thể nào cũng đi qua nơi đây.
Bọn áp giải tù xa, trừ một bọn quan binh ra, còn có một bọn đại hán tướng mạo rất dữ tợn. Trong bọn chúng có một số cao thủ nổi danh trong giới Hắc đạo, Liễu Tồn Trung liền nghĩ thầm:
- “Sư ca tính toán không sai. Ông ta dặn bảo mình chỉ nên dùng trí chứ không nên dùng sức. Xem tình hình này thì ta cũng chỉ có cách duy nhất đó thôi!” Chàng lại nghĩ tiếp:
- “Khi tù xa tới Thạch Kiều dịch, thời gian có lẽ sẽ vào lúc trời sâm sẩm tối. Vậy ta hãy tìm một hàng quán nào đó để ăn uống nghỉ ngơi đã rồi chọn mua một con ngựa tốt mới xong”.
Nghĩ tới đó chàng vừa bước tới cửa một tửu điếm. Chàng thấy quán ăn này không rộng lắm chỉ bày chừng bảy tám cái bàn nhưng không thấy có khách ra vào gì cả mà góc bàn bên phía tây chỉ có một thiếu nữ ăn mặc võ trang lưng đeo trường kiếm. Vỏ kiếm nom đã bạc màu chuôi kiếm được nạm bằng cổ ngọc, mới thoáng trông cũng biết ngay là một thanh bảo kiếm rất quý giá. Tua kiếm màu hồng bay phất phới ở phía trước bộ quần áo lụa trắng nom thật đẹp mắt vô cùng.
Thiếu nữ nọ vừa trông thấy Tồn Trung tiến vào, ánh mắt sáng như sao của nàng hơi lộ vẻ kinh ngạc. Liễu Tồn Trung cũng rất lấy làm lạ lùng, vì một thiếu nữ đơn thân độc mã ăn vận võ phục lưng đeo trường kiếm lại ngang nhiên ngồi trong một tửu điếm ăn uống như thế quả là một việc rất hiếm cho nên chàng lộ tính hiếu kỳ chăm chú nhìn thiếu nữ nọ.
Ngờ đâu ngay lúc ấy thiếu nữ nọ cũng quay đầu lại nhìn thấy Tồn Trung đang chăm chú nhìn vào mình nàng liền nhếch mép cười nhạt rồi lại quay đầu ăn uống như thường.
Liễu Tồn Trung cũng không chú ý tới thái độ kỳ lạ đó. Chàng ăn uống qua loa để lại ít bạc vụn trên bàn để trả tiền cơm nước rồi vội vã bước ra khỏi quán.
Tồn Trung đưa mắt dáo dác ra nhìn tứ phía, vẫn không kiếm được quanh đó có một quảng trường nào bán ngựa. Chàng vội thăm hỏi người qua đường, mới biết quảng trường bán ngựa được thiết lập ở phía ngoại thành. Địa phương đó có tên là Tẩu Mã Ba. Suốt một dãy đó đều là những trường sở dùng để nuôi và bán ngựa.
Tồn Trung liền cất bước tiến thừng về phía đó. Xa xa, chàng đã nghe thấy có tiếng ngựa hí dài, và có tiếng người nói:
- Con này là Tây Bắc Danh Câu, rất khó điều khiển cho nó thuần phục. Cô nương muốn mua cần phải cẩn thận lắm mới được.
Lại nghe tiếng của người khác nói:
- Đúng thế. Vì nó thuộc vào loại ngựa giống rất tốt cho nên muốn cỡi con ngựa bất kham này không phải là việc dễ dàng. Nghệ thuật cỡi ngựa phải cao siêu lắm mới được.
Lại nghe thấy giọng của một thiếu nữ nói:
- Điều đó cũng không lấy gì làm lạ. Nếu ngựa càng hung hãn bao nhiêu thì bổn cô nương lại càng cảm thấy hứng thú, nhưng điều kiện cần phải chạy cho thật nhanh và dai sức là được rồi.
Lại có giọng của tên nói trước đáp:
- Nếu vậy con Tây Bắc Danh Câu này rất hợp với ý muốn của cô nương. Chúng tôi đã đặt cho nó cái tên là “Thiên Lý Phong”. Trong một nghìn dặm, nó chỉ lướt đi trong thoáng cái đã tới nơi nhanh như một làn gió thoảng. Nhưng cô nương cũng phải nên cẩn thận lắm mới được. Vì nó không những hung dữ mà còn không chịu phục nữ nhân.
Coi chừng sẽ bị nó hất ngã xuống dưới đất đấy.
Thiếu nữ nọ trề môi nói:
- Hứ! Bổn cô nương mà còn phải sợ nó ư?
Liễu Tồn Trung bước tới gần liền nhận ra ngay thiếu nữ nọ chính là người mà mình đã gặp trong tửu quán hồi nãy và tráng hán bán ngựa tay dắt một con ngựa cao lớn màu xám tro. Nó cứ hất vó lia ha ngửng đầu lên hí dài nom thật hùng dũng.
Thiếu nữ nọ liền đón lấy dây cương rồi nhẹ nhàng tung mình nhảy lên trên yên ngựa. Nàng bỗng quay đầu lại thấy Tồn Trung cũng tới nơi liền hậm hực kêu hừ một tiếng trừng mắt lên nhìn chàng rồi khẽ hích chân vào bụng ngựa. Con ngựa liền đứng dựng lên hí dài một tiếng bốn vó chồm lên chồm xuống một hồi như muốn hất người ngồi trên yên ngã xuống đất.
Thiếu nữ nọ tay phải ghì cương hai chân kẹp chặt lấy bụng ngựa tay trái khẽ giơ lên một cái, miệng quát:
- Đi!
Con ngựa nọ lại dộng chân hất cẳng một hồi, rồi ngửng đầu lên hí dài, cất bốn vó, như một làn gió phóng thẳng về phía trước.
Các tráng hán bán ngựa thấy vị cô nương trẻ tuổi này có thể khắc phục nổi con ngựa bất kham ấy đều lấy làm lạ, đưa mắt nhìn nhau.
Chúng quay đầu lại, thấy Tồn Trung dang đứng ngắm nghía, một tên liền cất tiếng hỏi:
- Khách quan cũng muốn mua ngựa phải không?
Tồn Trung gật đầu, đáp:
- Phải. Có con ngựa thật tốt nào, mau lựa ra đây một con cho tại hạ.
Tên bán ngựa vội chạy vào trong tầu ngựa, giây lát sau đã dắt ra một con ngựa trắng toát, trông thật hùng tuấn nói:
- Con này chúng tôi đặt nó một cái tên là Tuyết Hổ, chạy nhanh vô cùng, sức lực dồi dào, so sánh với con Lý Phong của vị cô nương vừa rồi xin đoán chắc với khách quan là nó không hề thua kém chút nào.
Tồn Trung liền hỏi:
- Thế định bán bao nhiêu?
Tên bán ngựa liền giơ ba ngón tay lên. Tồn Trung liền hỏi:
- Ba trăm quan ư?
Tên bán ngựa đáp:
- Ba trăm lạng. Đây là một loại ngựa giống tốt nhất xin khách quan cứ việc cỡi thử sẽ biết ngay.
Tồn Trung liền đưa tay lên sờ mó khắp thân thể của con ngựa một hồi. Chàng thấy con ngựa toàn thân trắng như tuyết, không có xen một đốm nhỏ nào về sắc lông khác.
Tồn Trung rất vừa ý, khẽ tung mình nhảy lên lên con ngựa, giật cương phóng thẳng về phía trước, theo hướng thiếu nữ nọ.
Con đường này rất nhỏ hẹp bên phải núi cao chọc trời bên trái là một vực sâu thăm thẳm, nếu hai ngựa chậm rãi thả rong thì khả dĩ còn tạm đi được nhưng nếu hai ngựa từ hai đầu cùng phi lại mà một bên không chịu nép sát bên để nhường lối thì thể nào cũng bị va đụng nhau và một bên bị hất văng xuống sơn cốc.
Thiếu nữ mặc võ phục đang quày ngựa lại, từ đằng xa nàng nhìn thấy Tồn Trung đang phi tới liền khẽ hừ nhạt một tiếng nghĩ thầm:
- “Đó là ngươi đã tự tìm lấy cái chết. Bổn cô nương phải cho ngươi biết tay mới được để sau này khỏi bị ngươi làm quẩn chân”.
Lúc ấy hai người chỉ còn cách nhau khoảng mấy chục trượng. Liễu Tồn Trung thấy thiếu nữ nọ đột nhiên chân khẽ thúc vào bụng ngựa, con ngựa liền hí dài một tiếng phóng nước đại tới nhanh như điện chớp.
Tồn Trung giật mình thất kinh chỉ sợ thiếu nữ nọ không kìm giữ nổi được ngựa va chạm vào mình sẽ rơi xuống sơn cốc, chàng vội gò cương lách sang bên trái nhường phần đường an toàn bên phải cho nàng nọ. Đó là hảo ý của chàng.
Tình thế lúc này quả thật là hung hiểm. Ngờ đâu, khi thiếu nữ nọ vừa lướt qua sát cạnh chàng, thì đột nhiên chân phải của nàng bỗng rời khỏi bàn đạp, rồi nhằm giữa bụng con ngựa của Tồn Trung đạp mạnh một cái.
Chỉ nghe thấy con ngựa của Tồn Trung hí dài một tiếng đau đớn, rồi cả người lẫn ngựa đều rơi xuống vực thẳm.
Nàng nọ cất tiếng cười rất đắc ý, rồi phóng ngựa thẳng về mã trường. Tên bán ngựa vội chạy tới đưa tay nắm lấy cương ngựa cười nịnh, hỏi:
- Cô nương, con Thiên Lý Phong này có phải rất vừa ý với ý muốn của cô nương chăng?
Thiếu nữ vui vẻ gật đầu đáp:
- Dùng được lắm. Ngươi định bán bao nhiêu?
Tên nọ đáp:
- Đáng lẽ với người khác thì tiểu nhân phải bán con Thiên Lý Phong này với giá bốn trăm lạng nhưng vì nể cô nương đây nên tiểu nhân chỉ xin ba trăm lạng là được rồi, cùng một giá tiền với vị quan khách kia. Ồ? Tại sao vẫn chưa thấy vị khách quan kia quay trở lại thế? Hay cưỡi không cẩn thận bị té xuống dưới sơn cốc thì thật là nguy tai!
Thiếu nữ mặc võ phục nọ có vẻ đắc ý, cười nói:
- Y đã đi luôn rồi. Ngựa của y đáng giá ba trăm lạng, phải không?
Tên bán ngựa đáp:
- Dạ! Dạ! Vị ấy còn chưa trả tiền.
Thiếu nữ nói:
- Không sao, để ta trả luôn cho.
Dứt lời nàng móc trong người ra hai đĩnh vàng, nói:
- Đây, còn dư bao nhiêu, thưởng cho ngươi hết.
Tên bán ngựa cảm tạ không ngớt, nhìn theo phía sau lưng thiếu nữ mặc võ phục nọ cho tới khi mất dạng, rồi mới hớn hở nói:
- Không biết vị cô nương này là nhân vật như thế nào mà lại rộng rãi đến thế.
Thiếu nữ mặc võ phục nọ dường như có mang một nhiệm vụ gì rất hệ trọng, hai chân nàng cứ thúc vào bụng ngựa lia lịa. Con ngựa liền sải bốn vó, như một làn gió lao thẳng về phía trước.
Lúc tới Thạch Kiều dịch thì đã vào lúc hoàng hôn. Thạch Kiều dịch này là một tiểu trấn nối liền Tương Châu với Hán Dương. Tương truyền vào đời Tây Hán, có một tiểu tử, lưng cõng cha già, lặn lội đi tìm thầy chữa thuốc, bất cứ tiết trời xấu hay tốt, ngày nào như ngày ấy đều không gián đoạn.
Nguyên nơi đây có một con sông nhỏ, thường có đò đưa người qua sông, nhưng vì hiếu tử rất nghèo nàn, không có tiền thuê đò, cho nên cứ mỗi ngày như thế đều chờ lúc thủy triều xuống tới sang bụng cõng cha già lội qua, mặc cho quần áo bị ướt sũng nước.
Hôm đó nước dâng lên rất lớn, mực nước cao hơn trước mấy thước, đợi mãi không thấy nước xuống, hiếu tử nọ lưng cõng cha già đứng bên bờ than thở. Bỗng thấy trước mắt có con mãng xà cực kỳ to lớn từ trong bụi rậm rạp cạnh đó phóng ra, rồi vắt mình sang bên kia bờ sông.
Hiếu tử nọ sợ hãi quá liền hôn mê ngã lăn ra đất. Khi tỉnh lại chàng không còn thấy con mãng xà đâu nữa, mà chỉ thấy trước mặt mình xuất hiện một chiếc cầu đá thiên nhiên nối liền hai bên bờ sông. Hiếu tử nọ mừng quá, liền cõng cha già đi qua chiếc cầu đó sang bên kia.
Sau có người nhớ lại điển tích về người con chí hiếu ấy, mới đổi cái tên vùng này là Thạch Kiều dịch.
Bình thời vùng Thạch Kiều dịch này rất náo nhiệt, nhưng hôm nay bầu không khí ngoài đường xá có vẻ khẩn trương, nên rất ít người qua lại, chỉ có những quan binh rầm rập đi tra xét, với một số võ sĩ mặc võ trang đi xen lẫn với bọn họ thôi.
Thiếu nữ mặc võ phục vừa tới một khách điếm, xuống ngựa lớn tiếng kêu gọi:
- Bên trong có người nào không?
Bỗng có một tên tiểu nhị từ bên trong chạy ra, đưa mắt quan sát nàng một lượt rồi hỏi:
- Có phải cô nương vừa kêu gọi đấy không?
Thiếu nữ đáp:
- Có phòng cho thuê không?
Tên tiểu nhị đáp:
- Chỉ còn một chiếc đơn phòng, một người nghỉ được thôi, chứ hai người thì không thể được.
Thiếu nữ trợn mắt nói:
- Câm mồm! Ta chỉ có một mình, sao ngươi dám ăn nới lếu láo bảo cái gì hai người.
Tên tiểu nhị ngơ ngác hỏi lại:
- Một mình cô nương mà trú ngụ ở khách điếm?
Vào thời Nam Trang một thiếu nữ đơn thân vào trú ngụ ớ một khách điếm là một chuyện thật hy hữu. Tên tiểu nhị nọ lại đưa mắt quan sát từ đầu chí chân thiếu nữ nọ một lượt thấy nàng lưng đeo trường kiếm trông vẻ người ngoài xinh đẹp yểu điệu còn ẩn hiện vẻ cân quắc anh thư liền nghĩ thầm:
- “Thạch Kiều dịch ngày hôm nay sao xảy ra lắm chuyện kỳ lạ thật”.
Nghĩ đoạn y liền dẫn thiếu nữ vào một căn phòng khoảng cuối dãy, mở cửa phòng rồi mở một cuốn sổ ra noi:
- Cô nương cao danh quý tánh là chi?
Thiếu nữ nọ hậm hực hỏi lại:
- Ngươi hỏi để làm gì?
Tên tiểu nhị đáp:
- Hôm nay huyện nha đã xuống lệnh, bất cứ khách trọ tới cư trú cũng đều phải ghi danh tánh đầy đủ để tiện việc kiểm tra.
Thiếu nữ lạnh lùng đáp:
- Hà Ngọc Trì.
Tên tiểu nhị vừa ghi vào cuốn sổ vừa hỏi tiếp:
- Chữ “Ngọc” đây là kim ngọc, và Trì là thành trì có phải không?
Ngọc Trì cười đáp:
- Kể ra ngươi cũng có đôi chút học vấn đấy.
Tên tiểu nhị lại hỏi:
- Cô nương bao nhiêu tuổi, là người ở phương nào?
Ngọc Trì đáp:
- Ngươi hỏi cặn kẽ như thế làm chi?
Tên tiểu nhị vừa xin lỗi, vừa cười nịnh, đáp:
- Đó là do lệnh trên ban xuống, bảo phải khai rõ danh tánh tuổi tác quê quán đầy đủ mới được.
Ngọc Trì dằn sự bực bội xuống nói:
- Mười tám tuổi. Tứ Xuyên.
Tên tiểu nhị ghi đầy đủ vào cuốn sổ rồi cúi mình vái thào lui ra bên ngoài.
Hà Ngọc Trì thấy tên tiểu nhỉ đã lui ra rồi, vội kêu gọi:
- Tiểu nhị, hãy trở lại đây, ta còn có điều muốn hỏi.
Tên tiểu nhị nghe gọi vội quay lại, hỏi:
- Cô nương vừa gọi tôi đấy ư?
Ngọc Trì đáp:
- Không gọi ngươi thì còn gọi ai nữa.
Tên tiểu nhị vội tiến vào trong phòng cung kính hỏi:
- Cô nương định sai bảo điều chi thế?
Ngọc Trì hỏi:
- Nghe nói Hộ bộ thượng thư Viên Tôn Kiệt phạm trọng tội. Bị nhốt vào tù xa áp giải về Lâm An ngày hôm nay sẽ đi qua Thạch Kiều dịch này, phải không?
Tiểu nhị đáp:
- Tiểu nhân không biết vị Viên đại nhân đó là ai, nhưng vừa được nghe người ta đồn đại, có một đoàn tù xa sắp đi ngang qua đây. Áp giải đoàn tù xa đó, ngoài đội quan binh ra còn một bọn võ sĩ rất dũng mãnh.
Ngọc Trì hỏi tiếp:
- Thế tù xa đình ngừng lại nghỉ ngơi ở đâu?
Tên tiểu nhị đáp:
- Nghe nói định dừng lại ở phủ nha.
- Thế phủ nha ở tận đâu?
Tên tiểu nhị đáp:
- Ở gần đây thôi. Rẽ qua bên trái chỉ đi một chút là tới ngay.
Tên tiểu nhị vừa trả lời vừa lấm lét nhìn thiếu nữ, rồi lui ra khỏi phòng.
Ngọc Trì thấy tên nọ đi rồi, cũng muốn nghỉ ngơi đôi chút, rồi sẽ tới huyện nha tra xét một phen.
Đúng lúc ấy, bỗng nghe giọng của tên tiểu nhị ở bên ngoài lớn tiếng hỏi:
- Khách quan định tìm ai thế?
Sau đó liền có tiếng đáp:
- Không tìm ai cả. Mỗ chỉ muốn kiếm phòng để trú chân thôi.
Còn phòng hay không?
Tên tiểu nhị đáp:
- Dạ còn ạ. Xin khách quan hãy theo tiểu nhân.
Thì ra tên tiểu nhị vừa dẫn một người tiến vào, không phải ai xa lạ, mà chính là Liễu Tồn Trung. Vì đã lo thay cho sự an toàn của Ngọc Trì, Tồn Trung đã nhường lối đi bên trong cho nàng, không ngờ bất thình lình lại bị nàng đá cả người lẫn ngựa rớt xuống sơn cốc.
Chàng vội nhún mình rời khỏi mình ngựa, lăng không phi thân lên trên cao hai trượng sử dụng thức Yến tử xuyên liễm lộn ngược người bám vào một thân cây nhỏ mọc ở ven núi, rồi uốn mình tung lên trên đường thoát nạn.
Lúc chàng đưa mắt nhìn, thì thấy Hà Ngọc Trì đã phóng ngựa đi xa rồi, Tồn Trung trong lòng rất hoài nghi, nghĩ thầm:
- “Ta với vị cô nương này xưa nay không hề gặp nhau bao giờ, tại sao nàng lại dùng thủ đoạn ác độc, coi ta như kẻ đại thù vậy”. Chàng liền quay trở về mã trường. Tên bán ngựa ngạc nhiên hỏi:
- Vừa rồi khách quan chả đã cỡi con Tuyết Hổ là gì? Sao không thấy nó đâu cả?
Tồn Trung đáp:
- Ta cho nó đi ăn cỏ, rồi nó bỗng xổng mất. Đây ta đền ngươi ba trăm lạng.
Tên bán ngựa cười nói:
- Vị cô nương kia đã trả thay cho khách quan rồi. Thế vị ấy không nói cho khách quan biết ư?
Tồn Trung trong lòng hơi ngạc nhiên nhưng rồi chàng lại vỡ lẽ ngay liền đáp:
- À, mỗ chóng quên thật. Cô nương ấy có nói cho mỗ biết rồi. Thôi ngươi hãy mau đi lựa cho ta một con ngựa tốt khác đi.
Tên bán ngựa liền đi vào trong tầu ngựa. Giây lát sau y đã dắt ra một con ngựa màu hoàng kim. Tồn Trung vừa thấy con ngựa rất mạnh khỏe liền vừa ý ngay. Chàng trả tiền xong xuôi rồi cỡi thẳng tới Thạch Kiều dịch.
Hà Ngọc Trì thấy Tồn Trung đi vào trong phòng rồi liền lánh mình bướt ra bên ngoài. Nàng vừa quẹo sang bên trái, quả nhiên xa xa đã nhìn thấy một tòa phủ nha sừng sững, trước cửa có hai tên bổ khoái đứng canh giữ.
Lúc ấy trời đã tối, nhà nhà đều đã lên đèn, và ngoài lộ đã vắng bóng người.
Ngọc Trì vội đi vòng qua mấy lượt, ngấm ngầm quan sát địa thế, cố ghi nhớ trong lòng rồi ung dung trở về khách điếm, kêu tiểu nhị đem cơm nước lên ăn uống.
Đợi tới khi trống điểm canh ba đoán là mọi người đều đã ngủ say, nàng liền thay đổi y phục dạ hành lưng giắt trường kiếm lướt ra ngoài cửa sổ rồi tung mình lên trên mái ngói.
Nàng trổ khinh công ra nhằm thẳng phủ nha lướt tới. Cách phủ nha không xa, nàng đưa mắt quan sát, thấy có một toán lính tuần đêm đang đi canh phòng. Nàng chờ cho bọn lính đi qua, liền lướt tới gần, nép mình vào một mái ngói trong bóng tối.
Giữa lúc ấy nàng bỗng phát giác một bóng đen đang dùng thuật xà hình phóng tới. Nàng quan sát kỹ, liền nhận ngay ra bóng đen nọ là Liễu Tồn Trung liền nghĩ thầm:
- “Ngươi cứ theo sát bổn cô nương mãi thế, thì chỉ sớm được đi thầu Diêm Vương thôi!” Nàng bỗng vung tay lên, liền có một vật phát ra tia sáng lấp lóe nhằm thắng Liễu Tồn Trung phóng tới.
Lúc ấy Liễu Tồn Trung đang chăm chú theo dõi bọn lính tuần canh đột nhiên bỗng thấy có ám khí bắn tới trước mặt, chàng vội buông tay ra thộp lấy.
Thì ra đó là một mũi phi tiêu bạc nho nhỏ. Chàng vội đưa mắt nhìn, thì thấy có một bóng đen tung mình xuống đất, rồi lướt thẳng về phía ngoại thành.
Tồn Trung vội phóng mình đuổi theo. Chàng thấy mình còn cách bóng đen kia khoảng năm sáu trượng. Bóng đen trước mặt đột nhiên đề khí thân hình như một ngôi sao xẹt bắn thẳng về phía trước, chỉ trong chớp mắt đã bỏ xa Tồn Trung tới hơn mười trượng. Tồn Trung hơi kinh hãi nghĩ thầm:
- “Đối phương là một nhân vật có khinh công ảo diệu như thế mà tối nay ta muốn giải cứu cho Viên đại nhân quả thật khó khăn vô cùng”.