Hồi 13-2
Châu-Trọng-Anh chưa kịp trả lời, Trần-Gia-Cách đã mỉm cười giới thiệu Từ-Thiện-Hoằng với ông:
-Thưa lão tiền bối! Người này là Từ-Thiện-Hoằng, vai vế đứng thứ 7 trong Hồng Hoa Hội, biệt hiệu là Võ-Gia-Cát, là người túc trí đa mưu, có thể nói là bộ óc của Hồng Hoa Hội đó!
Châu-Ỷ liếc nhìn Từ-Thiện-Hoằng, khẽ ‘hừ’ một tiếng rồi quay sang nói với Mạnh-Kiện-Hùng:
-Mạnh huynh! Anh xem hạng người như thế mà dám sánh với Gia-Cát-Lượng Khổng-Minh đời Tam-Quốc đấy! Liệu có tin được không?
Mạnh-Kiện-Hùng không đáp, mà cũng chẳng có ý kiến, chỉ mỉm cười. Châu-Trọng-Anh liền hỏi:
-Ý Từ thất đương-gia như thế nào, có thể nói cho lão phu biết được không?
Từ-Thiện-Hoằng bèn thưa:
-Tên Đổng-Triệu-Hòa là một đứa gian ngoa hiểm ác, chúng ta chẳng may không bắt được nó ắt thế nào nó cũng còn trở lại đây mà quấy rối, đống thời bọn tẩy cẩu kia cũng sẽ đi cáo quan. Lúc đó binh lính triều đình sẽ kéo tới bao vây lùng bắt các người của Thiết-Đảm-Trang ở các vùng phục cận nơi đây. Chi bằng mọi người thừa lúc này đi thẳng về An-Tây thì chắc chắn vững vàng hơn. Đây không phải là vì sợ quan binh triều đình mà chạy trốn, chẳng qua là chỉ tạm thời tránh ngọn gió dữ mà thôi. Chờ đến khi đâu đó đã được ổn định rồi thì mặc chúng muốn gì cũng được. Còn như tiền bối đến Xích-Kim-Vệ thì quá xa với căn cứ của Hồng Hoa Hội, việc tiếp cứu rất ư là bất tiện, thật không phải là thượng sách!
Nghe Từ-Thiện-Hoằng phân giải những điều lợi hại, Châu-Trọng-Anh hết lời khen ngợi, phục Từ-Thiện-Hoằng là người sâu sắc, có mưu cao, với tầm mắt nhìn rất xa. Châu-Trọng-Anh gật đầu nói:
-Đúng! Đúng lắm! Lão đệ thật không hổ danh với ngoại hiệu Võ-Gia-Cát! Ý kiến đi An-Tây thật hay, lại có nhiều điều thuận tiện cho lão phu là đàng khác nữa. Tại An-Tây lão phu có rất đông bằng hữu, nếu phải đến tạm nương tưởng cũng chẳng khó khăn gì.
Châ-Ỷ nghe phụ thân luôn miệng khen Từ-Thiện-Hoằng thì trong lòng nàng không được vui. Đối với Từ-Thiện-Hoằng, nàng vẫn còn giữ nhiều ác cảm. Tuy đám hào kiệt Hồng Hoa Hội cho rằng Đổng-Triệu-Hòa là kẻ phóng hỏa đốt cháy Thiết-Đảm-Trang và cho người chia nhau đi tìm hắn nhưng Châu-Ỷ vẫn không tin. Nàng cho đó là kế của Trần-Gia-Cách bày ra để xoa dịu lòng uất hận của người Thiết-Đảm-Trang để che dấu tội lội của Hồng Hoa Hội. Châu-Ỷ nghĩ rằng chính Từ-Thiện-Hoằng mới là thủ phạm đã dùng hỏa công thiêu hủy Thiết-Đảm-Trang nếu quả thật hắn xứng danh là Võ-Gia-Cát. Chẳng qua là trong những trận giao phong vừa qua, Từ-Thiện-Hoằng luôn miệng kêu gọi người Hồng Hoa Hội phóng hỏa đốt Thiết-Đảm-Trang. Vì vậy Châu-Ỷ ghét Thất đương-gia đến độ chẳng thèm nhìn mặt. Cùng lắm là chỉ liếc sơ qua mà thôi.
Trần-Gia-Cách sau đó nhờ Tống-Thiện-Bằng làm một danh sách của toàn thể gia nhân tráng đinh của Thiết-Đảm-Trang. Trước sau, tổng cộng là 162 người tất cả. Ngồi dưới ánh sáng của ngọn lửa hồng đang bùng lên một cái trước khi tắt, Trần-Gia-Cách viết trên một tờ giấy tự điều trao cho Tống-Thiện-Bằng nói:
-Lần thiệt hại này, các vị bị tổn thất quá nặng. Hồng Hoa Hội chúng tôi áy náy vô cùng. Vậy khi đến An-Tây, chư vị cứ lấy mà chi dụng, đừng ái ngại gì cả. Tống huynh hãy cầm lấy tờ giấy này mà làm bằng.
Tống-Thiện-Bằng cầm tờ tự điều của Trần-Gia-Cách trao cho mà cứ ngẩn cả người, không sao mở miệng ra được. Mạnh-Kiện-Hùng bước đến gần sát bên đưa mắt nhìn vào tờ giấy thấy có hàng chữ như sau:
“Cứ chiếu theo văn tự này mà xuất ra năm vạn lượng bạc”
Nét chữ như rồng bay phượng múa đẹp không thể nào tả được. Trên những đại tự ấy là một con dấu hình đóa hoa hồng. Mạnh-Kiện-Hùng nhìn mãi hàng chữ mà không biết chán. Có lẽ trong đời chàng chưa bao giờ được nhìn nét chữ của ai sắc xảo tinh vi như thế này.
Mạnh-Kiện-Hùng bèn bưóc lại tạ ân Trần-Gia-Cách rồi hỏi:
-Thưa Tổng-Đà-Chủ, đại đức của ngài chúng tôi xin tuân mệnh. Nhưng ví phỏng không lãnh được số tiền này thì sao?
Trần-Gia-Cách đáp:
-Khi đến An-Tây, Mạnh huynh cứ cầm tờ giấy này đến chùa Ngọc-Hư Đạo Quang trình ra thì tức khắc có người cho lãnh tiền ngay vì đó là ngân phiếu của Hồng Hoa Hội. Riêng về phần Mạng huynh và An huynh, mỗi gia quyến được lãnh 5000 lượng, còn kỳ dư mỗi người khác được lãnh 500 lượng. Còn dư lại bao nhiêu, kể như các vị cứ dùng vào lộ phí đi đường từ đây tới An-Tây.
Mạnh-Kiện-Hùng toan từ chối không chịu lãnh 5000 lượng cho gia quyến của mình thì Trần-Gia-Cách đã nói chặn trước:
-Ý tôi đã định như vậy rồi. Nếu Mạnh huynh mà còn từ chối thì tôi không thể coi Mạnh huynh là bằng hữu được đâu đấy nhé! Tôi biết Mạnh huynh không đặt vấn đề tiền bạc làm trọng yếu nhưng lúc này nếu không có tiền cho gia quyền tạm chi độ nhật thì làm thế nào?
Mạnh-Kiện-Hùng vẫn không dám tự chuyên liền đến hỏi ý kiến của sư phụ để xem ông ta định đoạt như thế nào. Châu-Trọng-Anh xưa nay tính tình rất hào sảng, luôn lấy sự thành thực xử trí chứ không hay câu nệ khách sáo. Vì vậy nghe Mạnh-Kiện-Hùng thỉnh thị, ông bảo rằng:
-Trần Tổng-đà-chủ đã hết lòng như vậy, nếu ngươi còn từ chối thì chẳng hóa ra phụ lòng người lắm sao! Hãy cứ tuân theo là hơn.
Còn Trần-Gia-Cách sở dĩ không dám đả động gì đến việc tiền bạc với Châu-Trọng-Anh và Châu-Ỷ là do sự tế nhị và tôn trọng. Châu-Trọng-Anh thấy cách xử trí của Trần-Gia-Cách như vậy thì hết sức hài lòng. Ông ta bảo Trần-Gia-Cách:
-Nhìn thấy cách xử trí của Tổng-Đà-Chủ, lão phu hết sức khâm phục.
Châu-Trọng-Anh càng lúc càng thêm mến phục Trần-Gia-Cách nên lúc nào cũng ở sát một bên, không muốn rời xa, tự hào rằng đã tìm được một người bạn tri kỷ hiếm có trên đời. Ông ta sau đó lại gọi Tống-Thiện-Bằng lại dặn:
-Đến An-Tây, mi nhớ lại ngay dinh đường của Ngô đại quan nhân đem hết công việc của Thiết-Đảm-Trang chúng ta nói cho ông ấy nghe. Ông ta sẽ thay mặt ta mà biện lý hộ. Sau khi hoàn tất mọi việc nhớ tin cho ta hay.
Châu-Ỷ ngạc nhiên hỏi:
-Gia gia! Chúng ta không đi An-Tây sao?
Châu-Trọng-Anh đáp:
-Hiện nay chúng ta chưa thể đến đó được. Văn tứ gia hiện đang bị nạn chưa biết lành dữ thế nào. Việc cứu nguy cho Văn tứ gia là khẩn cấp. Chẳng lẽ chúng ta lại khoanh tay ngồi nhìn mà lo cho việc tư của chúng ta hay sao?
Nghe Châu-Trọng-Anh đề cập đến chuyện giải cứu Văn-Thái-Lai, ba người Châu-Ỷ, Mạnh-Kiện-Hùng và An-Kiện-Cường hết sức tán đồng. Nhất là Mạnh-Kiện-Hùng, chàng mừng rỡ vô cùng vì đối với Văn-Thái-Lai, chàng một lòng kính phục và quý mến tuy chỉ được biết nhau có mấy tiếng đồng hồ. Nghĩa khí và cùng võ công của Văn-Thái-Lai tỏ ra tại Thiết-Đảm-Trang cùng với sự chiến đấu dũng cảm của chàng ta tại hoa viên khiến cho Mạnh-Kiện-Hùng đã in vào trong đầu Mạnh-Kiện-Hùng một hình ảnh của một trang hào kiệt mà chàng muốn noi gương theo.
Trước đây, Mạnh-Kiện-Hùng chỉ phục có một mình sư phụ. Nhưng từ lúc được gặp Văn-Thái-Lai, chàng mới hiểu rằng ngoài Châu-Trọng-Anh ra, trên đời cũng còn rất nhiều hảo hán nữa.
Lúc Văn-Thái-Lai bị Trương-Siêu-Trọng bắt đi, Mạnh-Kiện-Hùng đã toan liều mạng để giải cứu. Nhưng thấy lực lượng của Trương-Siêu-Trọng quá mạnh, chàng biết sự hy sinh của mình chỉ là vô ích mà thôi chứ không được lợi gì. Nhìn Văn-Thái-Lai bị giải đi, Mạnh-Kiện-Hùng đau lòng vô cùng. Chàng định chờ sư phụ về sẽ xin ông ta cho chàng huy động toàn bộ lực lượng Thiết-Đảm-Trang cho rượt theo liều mạng cứu lại Văn-Thái-Lai. Nhưng sau đó Thiết-Đảm-Trang liên tiếp xảy ra việc này tới việc nọ thành thử Mạnh-Kiện-Hùng chưa bao giờ bày tỏ được ý kiến của mình.
Nay bỗng nhiên Châu-Trọng-Anh khi không lại khơi động đến việc này cho nên chí nguyện của Mạnh-Kiện-Hùng được đáp ứng làm chàng sung sướng đến tột độ.
Trần-Gia-Cách nói:
-Tại hạ có ý kiến như thế này, không biết có nên thưa cùng Châu lão tiền bối chăng?
Châu-Trọng-Anh đáp:
-Xin Tổng-Đà-Chủ vui lòng cho biết.
-Mỹ ý của Châu lão tiền bối làm cho Hồng Hoa Hội chúng tôi cảm kích vô ngần. Nhưng xin tiền bối hãy giúp chúng tôi trên phương diện chỉ dạy chiến thuật với chiến lược thôi. Còn vấn đề giải cứu Văn tứ ca bằng vũ lực, xin tiền bối đừng nhúng tay vào mà hãy để cho Hồng Hoa Hội tự đảm đương lấy.
Châu-Trọng-Anh khẽ vuốt chòm râu bạc suông đuột như những sợi cước nói rằng:
-Trần tổng-đà-chủ sợ liên lụy đến lão phu à? Nếu như Tổng-Đà-Chủ không cho lão đem tánh mạng già đi cứu bằng hữu tức là không muốn xem lão phu là bằng hữu của Hồng Hoa Hội rồi! Nếu Hồng Hoa Hội khi dễ lão phu đến thế thì lão phu sẽ...
Không đợi cho Châu-Trọng-Anh nói hết câu, Lục-Phỉ-Thanh lập tức chặn lại nói với Trần-Gia-Cách:
-Châu lão anh hùng nghĩa nặng bằng non, trong giới giang hồ ai chẳng bội phục? Châu lão anh hùng nếu sợ liên lụy ắt đã không tiếp Tứ đương-gia, Thật nhất đương gia và Thập tứ đương-gia rồi! Nếu như vậy thì làm gì có chuyện lục soát Thiết-Đảm-Trang; hạch sách tiền tài, để đưa đến việc thiêu hủy sơn trang? Châu lão anh hùng đã không sợ liên lụy từ trước ắt sẽ không sợ liên lụy về sau! Xin Tổng-Đà-Chủ đừng bận tâm mà phụ chân tình của Châu lão anh hùng.
Trần-Gia-Cách trầm ngâm một lúc rồi nói:
-Châu lão tiền bối nghĩa khí đến thế, anh em Hồng Hoa Hội chỉ biết cảm đại đức chứ biết nói sao cho cùng đây!
Lúc bấy giờ Lạc-Băng mới đến trước mặt Châu-Trọng-Anh quỳ hai gối xuống dưới chân mà rằng:
-Thưa lão tiền bối, điệt nữ vì nóng giận vô lý mà trót phạm đến hổ oai, nay tự xét thấy tội lỗi quá nhiều. Xin tiền bối thương xót cho điệt nữ chỉ vì quá nặng tình nghĩa vợ chồng nên đâm ra u mê ngu muội, mà rộng lượng tha thứ cho. Lỗi lầm lớn lao kia, lão tiền bối đã không chấp thì chớ, nay còn quyết ra tay giúp Hồng Hoa Hội để giải thoát cho Văn tứ ca. Điệt nữ xin thay mặt Văn tứ ca mà lạy tạ ân đức cao dày của Châu lão tiền bối.
Dứt lời, Lạc-Băng lạy hai lạy. Châu-Trọng-Anh ngăn không kịp nên đành đỡ dậy nói:
-Văn tứ phu nhân xin đừng bận tâm mà chi. Hãy cứ vui vẻ lên chứ đừng nên buồn rầu mà làm gì. Lão phu đã quyết một lời là không cứu được Văn tứ đương-gia quyết chẳng thèm làm người đứng trên thế gian này nữa.
Xoay qua Trần-Gia-Cách, Châu-Trọng-Anh nói:
-Việc này không nên trễ nãi. Xin Tổng-Đà-Chủ ban bố hiệu lệnh cho tất cả thi hành.
Trần-Gia-Cách nói:
-Trách nhiệm ấy vãn bối thật không dám đảm trách. Xin hai vị tiền bối cùng nhau phác họa kế hoạch ra sao rồi dạy lại cho anh em vãn bối thì hơn.
Lục-Phỉ-Thanh cười nói:
-Trần tổng-đà-chủ bất tất phải khiêm nhượng. Chúng tôi chỉ là khách, và cũng đang chuẩn bị nghe theo chỉ thị của Tổng-Đà-Chủ mà tiến hành đây.
Trần-Gia-Cách lại nói mấy lời khiêm nhường. Lục-Phỉ-Thanh và Châu-Trọng-Anh phải cố thuyết phục mãi, vị Tổng-Đà-Chủ mới chịu nhận lãnh trách nhiệm điều hành. Trần-Gia-Cách hướng về hai người cung kính nói:
-Hai vị tiền bối vì quá thương nên mới dạy như thế. Nếu như vãn bối có điều gì sơ sót xin hai vị dạy bảo thêm cho.
Xoay qua đám đương-gia thuộc hạ, Trần-Gia-Cách nói tiếp:
-Các anh em Hồng Hoa Hội! Chúng ta trước tiên phải vọng bái Tổ-Sư đã!
Sau đó Trần-Gia-Cách sai Tâm-Nghiện mở gói lấy chiếc áo dài bằng gấm Hàng-Châu màu hồng rồi dẫn đám hào kiệt trong bang hội đến một khoảng đất sạch sẽ và rộng rãi rồi theo thứ tự mà quỳ xuống làm lễ.
Trần-Gia-Cách quỳ hàng đầu ngay chính giữa. Hai bên là Vô-Trần Đạo-Nhân và Triệu-Bán-Sơn. Rồi mọi người cứ theo thứ tự lớn nhỏ mà quỳ ở những hàng sau. Kế đến, mọi người đều nghiêm chỉnh hướng mặt về phương Nam lạy ba lạy.
Châu-Trọng-Anh và Lục-Phỉ-Thanh không phải là đương-gia hay thành viên của Hồng Hoa Hội nên không tham dự lễ ‘vọng bái Tổ-Sư’ này.
Lễ ‘vọng bái Tổ-Sư’ vừa chấm dứt, Trần-Gia-Cách lên tiếng ban truyền mệnh lệnh để mọi người chuẩn bị cuộc hành quân. Khi ấy ngọn lửa vẫn chưa tắt hẳn. Kèo cột vẫn còn cháy nên một khi có gió mạnh thổi tạt vào, ngọn hồng quang sáng tỏa khắp trời. Trừ tiếng tre nổ và tiếng gió reo, bốn bề đều im phăng phắc như chờ đợi lệnh của Trần-Gia-Cách sắp sửa ban hành. Quanh cảnh thật là oai nghiêm chẳng khác gì trước giờ phút lên đường của một vị đại nguyên-soái trước ba quân...
Trần-Gia-Cách hô lên một tiếng khảu hiệu rồi bắt dầu truyền lệnh:
-Đội thứ nhất đi trước dẫn đường là Kim-Địch Tú Tài Dư-Ngư-Đồng. Dọc đường sẽ gặp hai anh em Tây-Xuyên Song-Hiệp là Thường-Thích-Chí và Thường-Bá-Chí. Hai anh em họ Thường sẽ chịu trách nhiệm liên lạc thường xuyên với các đội để báo tin cho chính xác.
Đội thứ hai do Thiên-Thủ Như-Lai Triện-Bán-Sơn lãnh đạo, suất lĩnh Chương-Tấn và Quỷ-Kiến-Sầu Thạch-Song Anh.
Đội thứ ba do Truy-Hồn Đoạt-Mệnh-Kiếm Vô-Trần Đạo-Nhân lãnh đạo, suất lĩnh Thiếp-Tháp Dương-Thanh-Hiệp và Đồng-Đầu Lý-Ngư Tưởng-Tứ-Căn.
Đội thứ tư do Hồng Hoa Hội Tổng-Đà-Chủ Trần-Gia-Cách lãnh đạo, suất lĩnh Cửu-Mệnh Cẩm-Báo-Tử Vệ-Xuân-Hoa và thư đồng Tâm-Nghiễn.
Đội thứ năm do Miên-Lý-Châm Lục-Phỉ-Thanh lãnh đạo, suất lĩnh Thần-Đạn-Tử Mạnh-Kiện-Hùng và Độc-Giác-Hổ An-Kiện-Cường.
Đội thứ sáu do Thiết-Đảm-Trang Châu-Trọng-Anh lãnh đạo, suất lĩnh Tiểu-Quý-Lục Châu-Ỷ, Võ-Gia-Cát Từ-Thiện-Hoằng và Uyên-Ương-Đao Lạc-Băng.
Phát lệnh xong, Trần-Gia Cách gọi Dư-Ngư-Đồng đến nói:
-Dư thập tứ đệ! Em phải đi liền bây giờ thì mới kịp thời hợp nhất với Tâh-Xuyên Song-Hiệp được. Công việc của hai người đó rất quan trọng, em phải cố gắng căn dặn cố gắng mà thi hành gấp rút mới được. Phải biết rõ ràng tung tích của Văn tứ ca thì mới có thể có kế hoạch tấn công để giải cứu được.
Xoay qua những người khác, Trần-Gia-Cách nói:
-Các đội còn lại tạm nghỉ lại đây lấy sức để sáng mai lên đường. Khi đó các đội sẽ tách riêng ra mà đi thẳng tới Triệu-Gia Bảo. Khi nào qua khỏi Gia-Cốc-Quan ta mới hợp lại để bàn kế hoạch mới. Viên tướng giữ ải Gia-Cốc là Tôn-Bàng. Tên này là tướng giặc mạnh, có rất nhiều bọn ‘ưng khuyển’ làm nha trảo. Các vị nên thận trọng, đừng để lộ bí mật.
Mọi người ai nấy đều răm rắp nghe theo lệnh. Dư-Ngư-Đồng lên ngựa, chào hết mọi người rồi giục ngựa phi như bay. Không hiểu vì sao chàng bỗng quay đầu nhìn lại thì bắt gặp Lạc-Băng đang ngó theo chàng với vẻ trầm tư. Dư-Ngư-Đồng khẽ thở dài một tiếng. Chỉ trong chớp nhoáng, bóng chàng đã mờ dần và khuất hẳn sau những bụi cây...
Dư-Ngư-Đồng đi rồi, ai nấy đều tìm đỡ một nơi tạm nằm nghỉ chân theo lệnh của Trần-Gia-Cách mà chờ đến trời sáng. Trần-Gia-Cách đến tìm gặp riêng Từ-Thiện-Hoằng mà nói nhỏ:
-Thất ca à! Thật là tội nghiệp cho Châu lão anh hùng quá! Chính vì chúng ta mà ông ấy phải lâm vào cảnh cửa nát nhà tan, người thì chết! Vậy mà lão anh hùng còn nhất định theo chúng ta đi để giải cứu cho bằng được Văn tứ ca. Theo tôi nghĩ thì chúng ta nên tìm cách nào để bọn quan binh đừng nhận diện được Châu lão anh hùng thì hơn. Có như vậy thì sau này khi trùng tu lại Thiết-Đảm-Trang Châu lão anh hùng mới có thể sống yên được mà sống cảnh đoàn viên với gia đình. Còn Văn tứ tẩu còn mang nhiều thương tích, mong thất ca đừng để cho nàng phải giao chiến với địch nhé. Đó là lý do tôi xếp thất ca vào đội cha con Châu lão anh hùng và Văn tứ tẩu. Cố mà ngăn họ lại. Tốt hơn hết là làm cách nào để họ không phải ra tay là hay nhất!
Từ-Thiện-Hoằng nhất nhất tuân theo lời của Tổng-Đà-Chủ dặn, hứa sẽ thi hành y như vậy...
Chú thích:
1 Linh đường: nơi thờ cúng.
2 Linh vị: bảng viết tên người quá cố để thờ cúng.
3 Đèn sáp: nến, đèn cày.
4 Hạ huyệt: đem chôn.
5 Anh hùng bản sắc: mặt thật của người anh hùng.
6 Tự cường thị nhược: ỷ mạnh hiếp yếu.
7 Phong khố: kho gió.
8 Bình địa: vùng đất trống vì bị san bằng.