watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
19:47:0718/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Thanh Cung Mười Ba Triều 76 - 100 - Trang 9
Chỉ mục bài viết
Thanh Cung Mười Ba Triều 76 - 100
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Tất cả các trang
Trang 9 trong tổng số 9

Hồi 99
MẤT VỢ CHỈ VÌ CÓ VỢ ĐẸP

Lại nói Lý Văn Thành chiếm được Hoạt huyện. Được tin Lâm Thanh đã chết, bèn triệu tập một vạn đồ đảng rùng rùng khởi loạn suốt một giải Sơn Đông, Hà Nam, nói để báo thù cho Thanh. Thành ỷ có sông Vận Hà vận chuyển lương thực dễ dàng tiện lợi nên đóng quân suốt dọc sông này, chống chọi với quan quân của triều đình. Tổng đốc Trực Lệ là Ôn Thừa Huệ, tuần phủ Hà Nam là Cao Dĩ đem quân đánh, đều bị Thành đả bại tơi bời. Gia Khánh đế bèn hạ chỉ sai tổng đốc Thiểm Cam là Na Ngạn Thành đem quân Sơn Đông và Hà Nam đi tiêu diệt giáo đồ.

Na Ngạn Thành có một vị phó tướng tên Dương Ngô Xuân, hết sức kiêu dũng, đã nhiều lần chinh đông dẹp tây, khiến các giáo đồ thấy đều sợ hãi. Xuân có ba chòm râu dưới cằm nên thường được gọi là "Tướng Râu". Và mỗi lần nghe nói tướng râu tới là cả bọn ai cũng lo tháo thân trước. Về sau lại có thêm tướng Dương Phương cũng đem quân từ Thiểm Tây tới để trợ chiến. Hai vị tướng họ Dương này đã lấy lại được nhiều thành trì, giết chết đến hơn hai vạn giáo đồ Bát Quái Giáo.

Lý Văn Thành chạy trốn tới gò Bạch Thổ cương thì bị phục binh tứ phía bao vây. Thành biết mình trúng kế, tính mạng khó toàn, bèn đốt một đống lửa tự thiêu chết. Từ đó, ba tinh Trực Lệ, Sơn Đông, Hà Nam mới được yên.

Gia Khánh đế nghĩ tới chuyện đáng sợ vừa qua của các giáo đồ, bèn hạ chiếu: "Từ nay về sau, bất luận tôn giáo nào, nhất luận đều bị nghiêm cấm".

Hồi đó, có viên tri huyện huyện Dương được tin một vị giáo sĩ người nước Anh truyền đạo tại huyện mình, chẳng hỏi ba bảy hai mươi mốt gì, bắt ngay đem về thắt cổ chết. Thế là vua nước Anh cáu tiết, phái luôn một lúc mười ba chiếc tàu binh tới chiếm Áo môn. Tổng đốc Lưỡng Quảng Hùng Quang hoảng lên, cấp báo về kinh. Gia Khánh đế hạ chỉ bảo Quang phong cấm đường thuỷ, đoạn tuyệt lương thực địch. Quả nhiên, quân Anh không thể giữ mãi, đành quay về Ấn Độ.

Cũng hồi đó, trên mặt bể mấy tỉnh Giang Chiết, Lưỡng Quảng thường có một bọn cướp bể xuất hiện. Hoàng đế hạ chỉ cho các tỉnh duyên hải huấn luyện thêm hải quân, đóng nhiều binh thuyền, tăng cường tuần thám trên biển. Ngài cũng nghiêm cấm tàu bè ngoại quốc chở thuốc phiện lậu. Mỗi khi tàu cập bến, tức thì đóng cửa, nghiêm ngặt khám xét, bắt được hai trăm cân trở lên đều được thưởng. Bởi thế bọn nhân viên kiểm nã càng sưu tra gắt. Thuyền bè ngoại quốc không dám cập bến nữa.

Gia Khánh đế lúc này thấy trong ngoài đã thái bình, bèn có ý xuất kinh tuần thú. Thế là ngài lên đường vào tháng ba năm đó. Tới Ngũ Đài sơn hồi tháng năm, rồi ngài từ Ngũ Đài sơn trở về. Ngài lại tuần hành Nhiệt Hà tránh nóng.

Tại vùng Nhiệt Hà ngài có toà sơn trang nghỉ mát một mặt tựa vào núi, ba mặt kề mép nước, xây cất rất là tân kỳ tráng lệ. Gia Khánh đế ở tại nơi đây, cứ nghĩ tới những chuyện phong lưu thú vị của các đời vua triều trước mà khoái thích.

Từ khi tịch biên hết gia sản của Hoà Khôn, ngài tỏ ra rất khoan khoái thư thái. Ngài vốn nổi danh là một vị vua tiết kiệm trong lịch sử, nhưng hoàng đế lúc tuổi già, bỗng nghĩ tới cái cảnh "nhân sinh kỷ hà" thì làm sao chả thèm muốn cái chuyện "vớt vát". Ngài bèn truyền lệnh ngầm cho nội vụ đại thần tới Giang Nam, tìm kiếm vật liệu để xây cất ngay tại đây một khu nghỉ ngơi cho ngài.

Lúc này, Gia Khánh đế đã lập thêm mấy bà phi nữa. Ngài tìm vui hưởng thú suốt ngày trong vườn với người đẹp. Chẳng bao lâu, đại thần trông coi việc tìm kiếm vật liệu trở về, đem theo mô hình của toà Kính Hổ đình. Nó vốn là tác phẩm của hai vợ chồng Vương Sâm do tuần phủ Chiết Giang bảo làm.

Nay nghe hoàng đế có ý xây cất đền vũ, tuần phủ Chiết Giang bèn đem dâng mô hình toà đình này và sai cả hai vợ chồng Sâm lên Nhiệt Hà nữa. Mặt khác, ông còn dâng lên một bản tấu chương ca tụng tài nghệ kiến trúc của vợ chồng Vương Sâm, đồng thời xin hoàng đế cho họ đứng coi chương trình kiến tạo viên đình đó.

Gia Khánh hoàng đế bảo đem mô hình ngôi đình lên cho ngài xem. Một tên nội giám bưng lên một cái hộp, bên trong đặt ngôi đình nhỏ xíu. Hoàng đế xem xét kỹ lưỡng, quả thấy ngôi đình kiến trúc cực kỳ tinh xảo: ngói bằng pha lê, cột bằng thuỷ tinh, tường chung quanh bốn mặt gắn hàng mấy vạn miếng kính nhỏ, lấp lánh hào quang. Ở giữa đình đặt một chiếc giường bằng ngà voi, chung quanh cẩn những miếng kính lớn.

Gia Khánh đế xem xong, tấm tắc khen đẹp. Ngài lại truyền lệnh cho hai vợ chồng Vương Sâm vào bệ kiến, viên thái giám hồi tâu nói hai vợ chồng Vương Sâm vì không có công danh gì nên không dám vào. Gia Khánh đế tức khắc thưởng cho Sâm áo mũ hàng thất phẩm. Hai vợ chồng Vương Sâm ăn mặc tề chỉnh rồi mới rón rén bước vào, bò mọp dưới đất. Sâm thấy hoàng đế, người bỗng run bắn lên như bị sốt, còn vợ Sâm thì cúi đầu quỳ lạy một bên.

Gia Khánh đế ngắm nhìn vợ Sâm thấy nàng yểu điệu duyên dáng, da trắng, má đào, bỗng thấy trong người xúc động bâng khuâng. Ngài bảo ngẩng đầu lên và thấy nàng quá đẹp, lông mày cong, cặp mắt lóng lánh như sóng nước mùa thu, miệng xinh, mũi dọc dừa, phảng phất mùi hương phấn. Ngài nhủ thầm: trong cung nội, không biết bao cung tần mỹ nữ, thế mà chẳng có ai đẹp bằng nàng. Bỗng mắt ngài sáng lên, mặt tươi như hoa. Ngài vừa cười khì khì vừa hỏi nàng họ gì thì nàng nhỏ nhẹ tâu họ Đổng. Ngài lại hỏi nàng lấy chồng đã bao lâu thì Đổng thị đáp: đã bốn năm. Lại hỏi: mô hình toà Kính Hổ đình có phải là do hai vợ chồng làm ra không, thì nàng đáp: mái ngói, cột tường thì do chồng nàng làm, còn điêu khắc cẩn khảm là do nàng làm. Gia Khánh đế khen cả hai người tài nghệ khéo léo, sau đó sai cho đưa Vương Sâm vào xảo nghệ viện chờ đợi sai khiến. Còn Đổng thị thì ngài cho đưa vào nội đình để làm cung phụng nữ quan.

Trong hoàng cung có một bọn cung phụng nữ quan, chuyên việc khâu vá, viết vẽ, điêu khắc những đồ nữ công tinh xảo. Làm chức nữ quan này, phần lớn là người Hán. Từ khi vào nội uyển, Đổng thị chẳng phải làm gì, chỉ suốt ngày hầu hạ hoàng đế du ngoạn quanh đảo mà thôi, Đổng thị thực tâm chẳng có ý muốn hầu hạ hoàng đế, nhưng nàng biết trong cung cấm có bướng bỉnh cũng chẳng ích gì. Thấy tính tình Hoàng đế hết sức ôn nhu, bữa nọ nàng vừa khóc vừa xin ngài cho nàng ra thăm chồng một bữa. Ngài cười và vỗ về nàng:

- Nàng hãy chịu khó ở nơi đây một năm rồi trẫm sẽ cho người đưa nàng về nhà.

Lại hỏi nàng:

- Nàng ở Giang Nam đã được nhìn thấy Tây Hồ chưa?

Đổng thị đáp:

- Tây Hồ chính là quê của tiện thiếp, làm sao lại chẳng thấy?

Thế là hoàng đế sai nàng làm một cái mô hình Tây Hồ mười cảnh, từ đó nàng ở trong cung nhào đất, nặn bủn, tỉ mỉ khởi công sáng tạo tác phẩm của mình. Hoàng đế hằng ngày ngồi ở bên cạnh xem nàng làm, cũng có khi ngài pha thuốc màu, nhào đất cho nàng. Trong căn nhà vắng lặng, hai người quấn quýt chẳng khác gì đôi vợ chồng dân dã vô cùng yêu thương nhau.

Cũng có lúc không thể ngăn lòng được, ngài kéo nàng vào toan tính chuyện ân ái thì nàng nhỏ đôi dòng lệ, khẩn khoản cầu xin. Nàng nói:

- Hoàng thượng có đến ba ngàn hương phấn, há tất cứ phải phá hoại trinh tiết của tiện thiếp?

Gia Khánh đế thấy nàng có vẻ đáng thương, lòng cũng mềm lại. Mấy lần nhờ đó mà Đổng thị thoát được. Song hoàng đế vẫn vương vấn nhớ nhung, không thể nào rời xa nàng được.

Cho nên ngày nào cũng phải ghé qua nói cười một lúc, miễn là được thấy dung nhan nàng là toại nguyện rồi. Ngài thường nói với bọn thái giám:

- Ngày xưa Ngô Giáng Tiên đẹp đến nỗi người ta ăn gì cũng thấy ngon. Nay Đổng thị đẹp đến nỗi khiến người ta quên cả ăn cả ngủ.

Câu nói này truyền vào cung cấm, nhiều phi tần có vẻ đố kỵ với Đổng thị. Hơn nữa, họ lại thấy hoàng đế suốt ngày ở Quỳnh đảo với nàng, không tới thăm bà nào, cô nào nữa, cho nên họ lại càng ghen tức thêm. Họ đồn rằng Đổng thị chỉ là một con hồ ly tinh mê hoặc hoàng đế. Thế rồi họ đến mách với hoàng hậu. Bà hậu này nổi danh hiền đức sáng suốt, nghe lời nói của bọn phi tần, cho rằng bọn này ghen tuông, đem lời khuyên can họ. Họ không ngờ rằng giữa hoàng đế và Đổng thị chưa hề có chuyện gì dâm ô xấu xa cả. Sở dĩ có được điều tốt đẹp này là nhờ ở cái đẹp như thiên tiên, cái đức tinh khiết của nàng khiến Hoàng đế phải kính phục mà trấn áp được lòng dục. Tới lúc thân mật nhất, bất quá cũng chỉ có một cái nắm tay là cùng.

Điều khổ tâm nhất là tình cảnh cô đơn thê thảm của Vương Sâm, trong khi chàng bị bỏ quên nơi viện xảo nghệ, ngày đêm nhớ tới người vợ vừa, đẹp vừa hiền đức. Chàng cầu khẩn viên tổng quản thái giám cho tới gặp mặt vợ chàng nhưng y chỉ đáp rằng người mà hoàng thượng đã giữ lại thì làm sao y dám tới gọi được. Thế là từ đó Vương Sâm như điên như dại, suốt ngày lúc khóc lúc cười khiến mọi người trong viện cho rằng chàng đã mất trí, chẳng thèm để ý tới chàng nữa.

Bỗng một hôm hoàng thượng từ trong cung đi ra: Sâm nhìn thấy vội bò mọp trên mặt đất, dập đầu liên hồi xin ngài cho phép vợ chồng ra ngoài gặp mặt một lần. Hoàng đế cười nói:

- Vợ người thủ công hết sức tinh xảo nên hoàng hậu lưu lại trong cung, không chịu cho ra nữa. Nếu người sợ buồn bã tẻ lạnh, trẫm sẽ thưởng cho người một cô cung nữ nhé!

Nói đoạn, ngài đi luôn. Đêm hôm đó, quả nhiên trong cung đình đưa ra một cô cung nữ thật. Viên thái giám quét dọn cho Sâm một căn phòng thật sạch sẽ, rồi đưa cả hai vào bên trong. Không ngờ luôn ba đêm, hai người chẳng ai gần ai. Sâm lại càng nổi cơn điên dại. Thấy ai Sâm cũng kêu, cũng cầu xin được gặp mặt vợ mình.

Hoàng đế biết hết mọi hành động, thái độ của Sâm. Ngài thăng chàng lên quan hàm ngũ phẩm, lại thưởng cho chàng hai vạn lạng bạc, rồi sai hai tên thị vệ đưa về Giang Nam, thưởng thêm cả cô cung nữ nọ nữa.

Cô cung nữ này vốn người Giang Nam, nên rất sung sướng được trở về quê nhà, cũng nguyện ý lấy Sâm. Sâm bảo nàng:

- Tôi cùng với vợ tôi, hai người tình nghĩa sâu như biển cả, chẳng may nàng bị giữ lại nơi cung cấm, tôi không thể nhẫn tâm phụ nàng được.

Nói đoạn, chàng cho cô cung nữ ba ngàn lạng bạc, đưa về nhà cha mẹ để đi lấy chồng. Chàng lại mang theo một vạn lạng bạc, lẻn lên Nhiệt Hà, bỏ tiền ra đút lót bọn thái giám, dò la tin vợ mình. Bọn thái giám thấy Sâm yêu quý vợ con đến đáng thương, bèn vào cung thăm dò tin tức cho chàng.

Cách vài hôm, Đổng thị gửi ra cho chàng một phong thơ nói:

"Thiên tử là người rất đa tình nhưng thiếp ở trong cung đã mười tháng vẫn không hề bị thất tiết. Thiếp đã cầu xin ngài thì hiện ngài đã hứa mãn một năm sẽ cho thiếp trở về nhà, vợ chồng đoàn tụ như xưa!"


Vương Sâm nhận được tin này, mừng rỡ khôn xiết. Từ đó chàng ở bên ngoài yên tâm chờ đợi. Những lúc rỗi rảnh, chàng cùng bọn thái giám vào cao lâu tửu điếm uống rượu mạn đàm.

Bọn thái giám thấy Sâm đã hết khùng, tính tình trở lại bình thường, nên hay đem những chuyện bí mật trong cung cấm nói cho chàng nghe: nào là hôm nay hoàng đế triệu bà phi thứ mấy, ngày mai, ngài đưa một bà phi thứ mấy khác đi du ngoạn… không một ngày nào là không có kẻ tới nói chàng nghe những chuyện như vậy.

Có một hôm, một thái giám tới bảo chàng:

- Đêm nay, Oanh Tần phát ghen quá xá, chỉ tại hoàng thượng sủng ái Đổng thị. Ngài thường tới Quỳnh đảo thăm nàng khiến Oanh Tần chịu không nổi cơn ghen, chạy vội tới nắm Đồng thị đánh đấm túi bụi, mãi khi Hoàng đế quát bảo mới ngừng tay. Oanh Tần còn nắm vạt áo hoàng đế kéo về phòng mình nữa, nhất định không chịu thua Đổng thị.

Vương Sâm nghe xong liền nói:

- Đường đường một vị thiên tử mà phải sợ một phi tần ư?

Tên thái giám thì thầm nói với Sâm:

- Không phải thế đâu. Vạn tuế gia đa tình quá trời mà. Nghe nói ngài quen biết Oanh Tần từ khi còn chưa làm lễ đại hôn kia. Nhớ đến tình cũ nghĩa xưa, ngài chẳng khỏi sủng ái bà ta hơn chút ít đó thôi.

Sâm nghe đoạn, rơi lệ nói:

- Có con cọp cái ấy trong cung thì chỉ khổ cho vợ tôi mà thôi.

Tên thái giám an ủi đôi ba lần rồi bảo Sâm:

- Vợ anh sắp được ra rồi, buồn khổ mà làm gì!

Sắp tới cái ngày đủ năm đó, Vương Sâm ở bên ngoài, lòng như kiến bò trên chảo rang. Chàng chờ đợi từng giờ từng phút.

Rồi một hôm, Sâm ước định với viên Tổng quản thái giám đợi ở toà lầu trên bờ hồ. Phía sau hồ lầu, có một cái hồ lớn.

Trên lầu bán rượu và đồ nhậu. Vương Sâm đến nơi hẹn còn sớm, gọi rượu ra, khề khà trước để đợi. Một lát sau, Sâm thấy một tên thái giám hoảng hốt chạy tới, mặt mất cả thần sắc, Sâm thấy thế, lòng bỗng như lửa đốt, biết có chuyện gì nguy kịch, vội hỏi:

- Vợ tôi làm sao rồi vậy?

Tên thái giám chẳng nói gì rõ, chỉ an ủi Sâm:
- Tôi khuyên anh đừng nên buồn khổ làm gì!

Hồi 100
CHÍNH SÁCH TIẾT KIỆM CỦA ĐẠO QUANG


Viên thái giám này, nhà vốn ở cách Quỳnh đảo rất gần. Nhất cử nhất động của Đổng thị y đều biết cả. y bảo Vương Sâm.

- Từ khi vợ ngươi vào cung, hoàng thượng rất yêu kính nàng. Hằng ngày, ngài ngồi nhìn nàng nặn đắp Tây Hồ thập cảnh. Ngài thường khen nàng tuyệt kỹ. Cứ mỗi lần nàng làm xong công việc, hoàng thượng đều có đồ thưởng tứ: khi thì châu báu, khi thì y phục. Nàng cũng bầu bạn với hoàng thượng, lúc thì đánh vài ván cờ, lúc thì dạo vài bản nhạc. Hai người tuy thân mật hết sức, nhưng tuyệt nhiên không có chuyên sa ngã lỗi lầm. Mấy hôm vừa đây, chỉ vì hoàng thượng bị Oanh Tần giữ rịt lấy nên không thể tới Quỳnh đảo. Đổng thị một mình làm việc trong nhà. Tối hôm đó, bỗng xảy ra chuyện rùng rợn…

Viên thái giám nói tới đây, Vương Sâm bỗng tái mặt. Hắn vội khuyên Sâm chớ có huỷ hoại thân thể rồi lại tiếp.

- Tối qua, bọn lính gác đã điểm canh ba. Bỗng tôi thấy có tiếng động mở cửa cung, nhưng vì ở xa, nghe chẳng được rõ, nhất là lúc đó đang mê ngủ. Một lát sau, tôi lại thiếp đi.

Nhưng rồi tôi giật bắn mình lên, chỉ vì tai nghe đánh rầm một cái ở phía cửa sổ. Thế là trông Quỳnh đảo trở thành náo loạn. Sau đó là tiếng một người con gái kêu la ầm ĩ. Tôi không còn có thể ngủ được nữa, bèn nhỏm dậy mặc áo, gọi mấy người đồng bạn chạy vội tới Quỳnh đảo. Nhìn vào phòng Đổng thị, bọn tôi thấy cửa sổ mở toang. Chạy hẳn vào bên trong, bọn tôi thấy chăn gối trên giường Đồng thị bị đạp xéo nhàu nát ngổn ngang. Hoa vàng rơi rải rác đó đây. Ngay bên cửa sổ, bên cạnh bao lơn, cũng còn thấy một chiếc trâm ngọc rơi nằm đó, nhưng đã gãy nát. Đó chính là chiếc trâm nàng thường gài hằng ngày. Chẳng biết nàng đã đi đâu mất dạng… Hôm nay, bọn tôi đã tới tâu rõ cho hoàng thượng hay. Ngài sai người đi khắp nơi tìm kiếm. Thấy có chiếc áo hồng lót mình nổi trên mặt hồ Thái Dịch, xem kỹ mới biết là áo của Đổng thị. Hoàng thượng vội sai các tay bơi lội nhảy xuống hồ tìm kiếm, nhưng chẳng thấy tông tích…

Vương Sâm từ nãy đến giờ theo dõi từng lời kể một, và chỉ hy vọng có một cứu tinh nào đó giải cứu vợ mình. Nhưng khi nghe tới đây, xem ra không còn có cứu tinh nào nữa, thì lòng đã như chết hẳn. Nhè lúc viên thái giám không để ý, Sâm la lên mấy tiếng: "Đau khổ quá, mình ơi" rồi nhảy phóc ra cửa sổ phía sau lầu.

Viên thái giám vội chạy theo níu lại nhưng không còn kịp nữa. Chiếc lầu này cao vượt trên mặt hồ có tới năm, sáu trượng.

Sâm nhảy vụt ra ngoài rơi tõm mãi xuống đáy hồ. Chiếc hồ này lại rộng mà sâu, nên mọi người đành chịu, chẳng có cách gì cứu được Sâm. Thật đáng thương thay cho đôi vợ chồng Sâm chỉ vì có tuyệt nghệ mà chết cả đôi!

Gia Khánh hoàng đế trước đây thấy Đổng thị đã đẹp lại trinh thục, hằng ngày tới nhìn ngắm một lúc thì lòng cũng yên ả. Nhưng nay người đẹp đã qua đời, ngài cảm thấy chua xót, não nề, đau đớn khôn nguôi. Năm đó, ngài đã sáu mươi tuổi. Tinh thần ngài đã suy, lòng lại có điều đau khổ não nề, cho nên ngài chẳng thiết gì việc triều chính nữa. Nhất thiết mọi việc quốc sự từ nhỏ tới lớn, đều giao cho vị tướng quốc người Mãn tên gọi Mục Chương A. A vốn là một tên gian tham chuyên ăn hối lộ, bậy bạ chẳng kém gì Hoà Khôn.

Mấy tinh miền Đông bắc, các giáo đồ phá quấy. Mấy tỉnh miền Đông nam: bọn cướp bể hoành hành. Ở Tân Cương, Tây Tạng, tín đồ Hồi giáo cũng nổi lên chống lại triều đình. Tại Quảng Đông lại xảy ra vụ thuốc phiện, mối bang giao giữa Anh và Tàu càng ngày càng căng thẳng. Cả nước sôi lên sùng sục dân chúng không một ai là không oán hận. Bọn quan Ngự Sử dâng sớ hạch tội A như bươm bướm, nhưng những bản sớ này đều bị A sai người ngăn chặn lại ngay trước khi tới tay hoàng đế.

Hồi đó Trí thân vương là Mân Ninh cũng tới lui trong cung nhưng lại là người chí hiếu không dám nói gì. Gia Khánh hoàng đế tưởng nhớ Đổng thị càng ngày càng khắc khoải hơn. Oanh Tần lại thường đánh ghen ầm ĩ với các phi tử khác trước mặt ngài. Đã già lại buồn bã đau khổ, ngài bỗng nhuốm bệnh. Chẳng bao ngày, bệnh ngài trở nên nặng. Trí thân vương hằng ngày hầu hạ ngài, trong cung không dám cởi dây lưng.

Gia Khánh hoàng đế đau luôn một hơi sáu, bảy chục ngày trời. Mọi việc triều chính, ngài đều phó mặc Tướng quốc Mạc Chương A. Ba tháng trọng bệnh, ngài tự biết mình gần đất xa trời rồi, bèn triệu tập Ngự triều đại thần Mạc Chương A, Quân cồ đại thần Đái Quân Nguyên và Thác Luật, củng một số lão thần quây quanh giường bệnh của ngài. Di chiếu được viết, đại lược nói:

"Trẫm chiếu theo phép nhà đã viết nhị hoàng tử Mân Ninh cất kín tại sau biển của điện Chính Đại Quang Minh từ năm thứ tư niên biểu Gia Khánh. Khi trẫm băng hà, ngôi báu sẽ truyền lại cho nhị hoàng tử Trí thân vương Mân Ninh. Các người đều chịu ơn sâu phải nên phải hết lòng phò tả hoàng tử nhất là phải cần, kiệm, nhân, hiếu, chớ có sửa đổi phép tắc của tổ tông. Khâm thử".

Đạo di chiếu này xuống xong thì hôm sau Gia Khánh đế mất. Trí Thân vương thương cha khóc lên khóc xuống suốt ngày đêm. Các đại thần đưa Trí Thân vương về kinh, lên ngồi tại điện Thái Hoà, chịu trăm quan triều hạ, cải niên hiệu là Đạo Quang nguyên niên.

Điều kỳ quặc nhất của Đạo Quang hoàng đế là lúc còn trẻ ngài tỏ ra rất dũng cảm, tính tình lại hào sảng. Thế mà sau khi cưới vợ, ngài bỗng đổi tính thay nết, đâm ra keo kiệt hết sức, nghĩa là về vấn đề tiền tài, ngài tiêu xài cực kỳ dè xẻn chứ không phung phí như các đời vua trước.

Sau khi Gia Khánh hoàng đế tịch thu hết gia sản của Hoà Khôn thì ngân khố của hoàng gia trở thành giàu có khôn xiết kể, ấy thế mà Đạo Quang hoàng đế vẫn kêu là nghèo mạt rồi bắt mọi người dè xẻn, cứ thấy bọn đại thần là ngài liền khuyên họ chớ xài phí nhiều. Bọn đại thần vốn khéo chiều ý kẻ bề trên, nghe hoàng thượng nói vậy, anh nào anh nấy cố ý làm ra vẻ cùng kiệt, nghèo khổ: Kẻ điêu xảo nhất trong bọn là Mục tướng quốc. Mỗi khi vào chầu, Mục tướng quốc chuyên mặc áo khoác rách. Đạo Quang hoàng đế thấy thế khen ầm lên, cho ông ta là một vị đại thần gương mẫu bậc nhất. Ngài đâu có biết ông ta ở bên ngoài tham lam, hối lộ, xa xỉ đến cực độ.

Thế là khắp triều văn võ đều bắt chước lối đó, anh nào anh náy cũng đều mặc quần áo rách. Đứng trên điện nhìn xuống chẳng khác gì hai hàng ăn mày đứng chực xin của bố thí, mà hoàng đế chính là lão cái bang vậy. Và cũng từ đó, bọn quan lại khắp nơi cũng không dám ăn mặc quần lành áo tốt nữa. Trong kinh thành, các tiệm bán quần áo cũ thoáng cái đã hết nhẵn, giá đồ cũ đắt chẳng thua gì giá đồ mới. Có nhiều gia đình quan lại nghĩ cách đem quần áo lành đi đổi quần áo cũ rách để mặc. Về sau, quần áo cũ đã bán gần hết thì giá lại càng cao, có khi một bộ cũ còn đắt hơn hai bộ mới nữa. Cũng có vị quan nghĩ ra kế khâu mấy miếng vá vào tay áo hoặc vào lưng vào ngực áo để cho có vẻ rách rưới cũ kỹ.

Hoàng đế thấy vậy, mới yên chí không khuyên nhủ gì về việc ăn mặc nữa.

Trời đã sang đông thời, tiết trời lạnh. Bọn quan lại trước đây ai chả có năm, ba cái áo da hoặc áo lông ngự hàn. Nhưng năm nay, có vị nào dám đem ra đâu! Vì sợ hoàng đế ngài quở trách thế là cả bọn đành chịu rét, rét cóng cả chân tay mà chẳng anh nào dám mặc.

Câu chuyện thú vị nhất về việc này phải kể chuyện Đại học sĩ Tào Chấn Dung tại điện Võ Anh. Bản tính của Dung rất keo kiệt. Dung với Đạo Quang hoàng đế có thể nói là một cặp tri kỷ về điểm này. Bởi thế bộ đôi này nói chuyện với nhau thật hết sức tương đắc. Hằng ngày Đạo Quang hoàng đế triệu Tào học sĩ vào cung bàn soạn. Bọn thái giám từ lâu cứ tưởng hai người luận bàn về quốc gia đại sự, ai ngờ khi nghe kỹ mới biết chỉ nói những chuyện vụn vặt đâu đâu.

Có một hôm, Tào học sĩ mặc một cái quần ống rách toác, có hai miếng vá bự bằng bàn tay ngay tại trên đầu gối, Đạo Quang hoàng đế thấy thế bèn hỏi:

- Ngươi vá hai miếng bự ấy hết bao tiền?

Tào học sĩ liền tâu:

- Chỉ hết có ba tiền.

Hoàng đế nghe xong giật mình, lấy làm lạ:

- Trẫm cũng có hai miếng vá như vậy, thế mà Nội vụ phủ tính những năm lạng bạc là tại sao?

Nói soạn, ngài liền kéo áo long bào lên cho xem. Tào học sĩ chẳng biết nói gì hơn, đành phải nhận rằng miếng vá của ngài đắt hơn miếng vá của ông quá xá. Đạo Quang hoàng đế thở dài đánh sượt một cái, tỏ vẻ tiếc tiền mà không dám nói rõ ra.

Nhưng từ đó, Đạo Quang bắt buộc bọn cung nữ cũng như hoàng hậu, phi tần đều phải học vả may thêu thùa, rồi cứ hễ có quần áo rách, ngài liền bắt đám này sửa chữa lại ngay cấp kỳ. Do đó, Nội vụ phủ chẳng còn xơ múi gì nữa để mà khai man, đến nỗi các quan đương ty đói rách quá, khó bề sống nổi.

Đạo Quang hoàng đế còn bảo trong cung chỉ tiêu quá tốn, rồi ngài cho bọn cung nữ và thái giám ra ngoài tự ý làm ăn lấy mà sống, khiến cả một toà đại nội rộng lớn như vậy trở thành hoang vắng tiêu điều. Rất nhiều đình viện bị đóng cửa và niêm phong. Hoàng đế cũng chẳng thiết dạo chơi đó đây nữa mà cả ngày chỉ ở lỳ trong cung lo những chi phí chuyện gạo muối củi lửa… tính toán kỹ lưỡng lại rồi hạ một đạo thánh chỉ như sau: các khoản chi dụng tại nội đình từ nay mỗi năm không được quá hai mươi vạn lạng bạc, bọn phi tần cả năm không được may thêu áo mới, tất cả đều phải mặc quần áo cũ rách. Ngay cả trong cung của hoàng hậu cũng phải bày các bàn ghế cũ kỹ, mục nát. Đạo Quang hoàng đế cùng với Tào học sĩ ngày ngày còn bàn tính sao cho rõ ràng và kỹ lưỡng hơn nữa. Hằng ngày muốn tiêu một món tiền gì Tào học sĩ lại phải đổ một con toán. Trong nhà ông có một cỗ xe lừa cũ kỹ, long càng bể ván nhiều nơi, do một tên nhà bếp đánh xe cho ông. Ngày nào cũng vậy, cứ mỗi phiên chầu sớm trở về thế nào ông cũng cho xe qua chợ, rồi cởi áo bào khoác ngoài, lấy cái giỏ mây trong thùng xe ra, đích thân đi mua rau cỏ đồ ăn thức uống, cùng với bọn buôn thúng bán bưng mặc cả đôi co rầm cả chợ. Nhiều lần hai bên không vừa lòng nhau về giá cả đến nỗi cáu giận, quai mồm ỉa mà chửi bới nhau. Cuối cùng Tào học sĩ không biết làm thế nào, đành phải rút thẻ bài Đại học sĩ từ trong bọc ra làm áp lực, rồi đưa tên bán rau vào nha môn để nhờ xử giùm. Tên bán rau nghe nói ông là Đại học sĩ thì hoảng sợ đến són đái ra quần vội bò sát xuống đất, đập đầu xin tha tội và xin vui lòng tính giá rẻ mạt theo ý ông. Tào học sĩ lúc đó ăn thua hơn kém được một vài cắc bạc, lấy làm đắc ý lắm, vênh vênh váo váo bước đi. Ông thường ra ngoài phô, vào trong các tiệm ăn quán nhậu hỏi giá hết thứ này đến thứ kia; hỏi giá nhưng không phải để vào ăn nhậu, mà là để bẩm báo với hoàng đế. Khi nghe biết được giá cả rồi hoàng đế liền bảo nhà bếp làm ngay các món ăn đó, cho ngài xơi. Chỉ tại rau cỏ trong cung quá đắt, nên ngài hết sức tính toán giảm chi đến mức tối đa. Chiếu lệ thì môi bữa cơm của nhà vua tính trung bình mất tám trăm lạng bạc. Đạo Quang hoàng đế thấy quá tốn, bèn giảm hết những món ăn cao quý, chỉ còn có rau dưa, mỗi bữa chỉ tốn một trăm bốn mươi lạng mà thôi. Nếu ngài muốn ăn thêm một món khoái khẩu nào đó, bất luận món gì cũng đều phải tốn thêm sáu, bảy chục lạng. Muốn ăn một cái hột gà, ngài phải bỏ ra năm lạng bạc mới được.

Có một hôm Đạo Quang hoàng đế ngồi bàn chuyện với Tào Chấn Dung, nhân hỏi Dung ở nhà có ăn hột gà không thì Dung trả lời:

- Hột gà là một món ăn rất bổ… Mỗi buổi sáng thần đều ăn luôn bốn chiếc trụng nước sôi.

Nghe vừa xong câu nói, Hoàng đế giật mình đánh thót một cái, vội nói:

- Hột gà giá mỗi cái năm lạng bạc, mỗi ngày ngươi ăn bốn cái, vị chi là tốn hai chục lạng bạc phải không?

Tào học sĩ vội tâu:

- Trong nhà thần, vốn có nuôi gà mái đẻ. Hột gà mà thần ăn đó đều là hột gà của nhà, chính những con gà mái này đẻ ra cả.

Đạo Quang hoàng đế nghe xong cười nói:

- Nuôi mấy ổ gà mái mẹ kể ra cũng đỡ tốn kém đấy!
Thế là ngày hôm sau, ngài hạ chỉ cho nội vụ phủ phải đi mua gà mái đẻ đem vào cung nuôi lấy trứng cho ngài. Nhưng khi được biết giá mỗi đầu gà phải mua tới hai mươi bốn lạng bạc thì ngài chỉ còn có nước thở dài mà thôi.

<< Lùi - Tiếp theo

HOMECHAT
1 | 1 | 224
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com