watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
13:34:2918/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Dương Gia Tướng Diễn Nghĩa 1 - 25 - Trang 2
Chỉ mục bài viết
Dương Gia Tướng Diễn Nghĩa 1 - 25
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Trang 11
Trang 12
Tất cả các trang
Trang 2 trong tổng số 12

Hồi Thứ Ba

Kim Đầu Nương Thao Trường Đấu Võ
Cao Hoài Đức Đại Chiến Lộ Châu


Nói đến Mã Trung, Lưu Thị quả nhiên thấy Hô Diên Tán toàn thân nai nịt từ trong lũy xông ra, hét to: "Những tên giặc giết không hết kia, còn muốn đến đây đánh nhau sao?" Lưu Thị vỗ ngựa tiến lên trước, nhận ra rõ ràng, cũng nạt to: "Phúc Lang không được vô lễ". Tán nghe tiếng, ngẩng đầu lên, nhìn thấy là mẫu thân, liền quăng giáo xuống ngựa, lạy phục bên đường mà thưa: "Bất hiếu nhi đắc tội, sao mẹ lại ở nơi này?" Lưu Thị nói: "Con đứng lên, tới gặp thúc thúc đi". Tán theo mẹ, vào trong quân. Sau khi ra mắt Mã Trung. Trung nói: "Nghe nói mi ở trại Cảnh Trung mà, ai biết lại đánh nhau ở đây , Mã Khôn là anh em kết nghĩa của ta, mi hãy đến mà chịu tội đi". Tán nói: "Hôm trước con bắt con trưởng của ông ta trên núi, lại đánh Mã Vinh bị thương, nếu đi gặp ông ấy, e rằng khó thoát tai họa". Trung nói: "Có ta ở đây con đừng ngại". Tán vâng lời, theo Mã Trung về trại gặp Mã Khôn. Trung nói: "Tiểu nhi không biết tôn huynh, mạo phạm gây tội nặng, nay mong tha thứ”.
Mã Khôn kinh ngạc hỏi nguyên do. Trung đem chuyện của Tán kể lại rõ ràng. Khôn than rằng: "Không uổng là con trai của Tướng Quốc!" Tán sụp lạy nói: "Tiểu đệ mắt phàm không biết bá bá, nay nhờ nâng đỡ, hãy tha lỗi trước của cháu". Khôn nói: "Cháu vốn không biết, sao có thể trách được”. Lập tức truyền bày yến tiệc chúc mừng. Khôn gọi bọn Mã Vinh... đến ra mắt. Vinh thấy Tán có sắc hổ thẹn. Tán nói: "Mạo phạm ca ca, ngàn vạn lần xin xá tội". Vinh cũng đáp lễ. Hôm đó, trong trại náo nhiệt vui vẻ, mọi người đều uống say. Có thơ làm chứng:
Hào kiệt tương phùng bất ngẫu thiên,
Nhất thời hội tụ nghĩa toàn kiên
Vị giao phú tá trung triều chủ,
Tiên hữu uy thanh chấn Thái Nguyên.

Mã Khôn quay sang nói với Trung rằng: "Ta có một việc muốn nói, không biết hiền đệ chịu nghe không?" Trung đứng dậy nói: "Lệnh của anh, làm sao dám trái". Mã Khôn nói: "Tiểu nữ Kim Đầu Nương tướng mạo tuy xấu xí, nhưng giỏi võ, nếu không chê, xin cùng cháu Tán kết nghĩa trăm năm". Trung vòng tay cảm tạ: "Huynh nếu thương tình, hậu đức khó quên". Khôn lập tức cho người báo cho Kim Đầu Nương biết, Kim Đầu Nương cười nói: "Gả cho hắn cũng được, chỉ không biết Hô Diên Tán võ nghệ thế nào? Ngày trước giao phong, chưa phân thắng bại. Nay xin cùng tỉ thí, nếu thắng ta được thì ta ưng thuận". Tiểu tốt ra báo cho Mã Khôn biết. Mã Khôn nói: "Tiểu nữ có thói quen từ nhỏ khó bỏ, muốn tỉ võ với Hô Diên tướng quân, cũng là điều tốt”. Trung liền kêu Tán tỉ thí với Mã Thị. Tán vâng lời, nai nịt lên ngựa ra giáo trường. Mã Thị cũng nai nịt mà ra, hai người quyết đấu ở giữa giáo trường.
Mã Trung, Lưu Thị, Mã Khôn đứng ở cửa trại xem, thấy hai người tay múa binh khí, giao đấu trên 20 hiệp, chưa phân thắng thua. Mã Thị nghĩ thầm, thương pháp của Tán rất thành thục, nay hãy thử tiễn pháp của hắn xem sao, nghĩ rồi bèn gò ngựa quay về phía đài mà chạy. Tán nghĩ: "Đây chắc muốn dùng tên dọa ta, đợi đuổi theo xem nàng ta làm gì".
Nghĩ rồi cũng tế ngựa đuổi theo. Mã Thị đợi cho đến gần, đặt tên kéo cung, bắn một lúc ba mũi, đều bị Tán né được. Tán nói: "Tưởng ta không biết bắn tên sao?”. Quay đầu ngựa dụ Mã Thị đuổi theo, cầm cung trong tay, đặt tên và bắn ra, ghim ngay vào chỏm mũ của Mã Thị. Mọi người đều hò reo khen ngợi. Mã Trung chạy ra giữa trận, kêu rằng: "Người một nhà, không được đánh nhau”. Hai người liền xuống ngựa, vào trong trướng. Khôn cười nói: "Tán tướng quân võ nghệ thật giỏi không?" Mã Thị cúi đầu không nói. Khôn biết ý đã chịu, lập tức ra lệnh đốt hương lập thề, đem Mã Thị gả cho Hô Diên Tán. Tán lạy cha mẹ, cảm tạ Mã Khôn. Ngày đó mọi người đều vui vẻ rồi tan.

Ngày thứ, Tán vào gặp Khôi nói: "Tiểu tế về sơn trại gặp Lý Kiến Trung, sẽ đưa tiểu tướng quân về”. Khôn mừng rỡ, liền sai người tiễn Tán lên đường. Tán về gặp Lý, Liễu hai người, kể lại chuyện gặp cha mẹ và việc kết hôn. Kiến mừng rỡ: "Việc này đều không phải là ngẫu nhiên". Tán nói: "Ngày trước bắt được Mã Hoa, nay phải thả ra". Kiến Trung nói: "Giờ đã là người một nhà, sao mà còn chuyện hại nhau nữa”. Liền khiến người ra sau trại mời Mã Hoa lên. Mã Hoa sợ bị mưu hại, sợ đến tim đập tay run, toát mồ hôi đầm đìa. Lý Kiến Trung nói: "Nay có chuyện vui muốn báo, ngươi đừng nghi sợ". Rồi đem chuyện Tán và em gái Hoa thành thân đoàn tụ kể lại từ đầu đến cuối. Hoa chuyển lo thành mừng nói: "Nếu như thế, cũng xin mời các vị qua tiểu trại mà gặp gỡ , Kiến Trung nói: "Mời tướng quân về trước, ta dặn dò thủ hạ xong sẽ tới sau. Mã Hoa bèn từ biệt Kiến Trung rồi về.
Lúc ấy Liễu Hùng Ngọc không muốn đi, Kiến Trung nói: "Nếu không đi tất sẽ gây ra sự nghi ngờ, nay nên gặp nhau, để giải mối thù thuở trước”. Ngay hôm đó liền cùng với Tán và mọi người đến Thái Hành Sơn, kêu người báo với Mã Khôn. Khôn lập tức ra trại nghênh đón. Sau khi vào trướng mọi người làm lễ tương kiến, Kiến Trung nói: "Nay tình như huynh đệ, gặp hoạn nạn phải cứu nhau, đừng nên khiến cho tranh nhau nữa, làm tổn hòa khí”. Khôn mừng rỡ, mời Mã Trung, Lưu Thị ra chào. Trung nói: "Tiểu nhi may được hiền huynh cứu giúp, ân đức khó quên". Lý Kiến Trung nói: "Tán tướng quân không phải là người tầm thường, ngày sau tất được đại quý”. Khôn liền ra lệnh bày tiệc rượu ăn mừng. Ngày đó các hào kiệt theo ngôi thứ mà ngồi, vui vẻ, uống đến say mềm.
Rượu đến nửa chừng, chợt nghe báo: "Dưới núi có hơn 5000 quân mới kéo đến, không rõ là ai?" Tán nói: "Mới được yên ổn, lại có chuyện đánh nhau”. Và muốn điểm người ngựa đi nghênh địch. Mã Khôn nói: "Để ta tự đi xem sao". Lập tức dẫn 2000 người xuống núi xem, thì ra là U Châu Gia Luật hoàng đế điện tiền danh tướng Hàn Diên Thọ. Khôn hỏi rằng: "Tướng quân đến có việc chi?" Hàn Diên Thọ nói: "Gia Luật hoàng đế đã chết, nay Tiêu thái hậu lên ngôi nắm quyền, ta phụng lệnh chỉ, đến mời tướng quân về nước, cùng phò chúa mới". Khôn nói: "Nếu đã phụng lệnh chỉ, tôi đâu dám không về nước. Xin tướng quân hãy cùng vào tương kiến với các huynh đệ tôi trong sơn trại, rồi ta thương nghị".
Diên Thọ nghe theo, để người ngựa đóng ở dưới núi, rồi cùng Khôn lên sơn trại. Khôn kêu mọi người đến ra mắt xong, mở tiệc khoản đãi Diên Thọ. Trong tiệc, Khôi nói với Tán và mọi người: " Ta do Gia Luật hoàng đế vô đạo, nên ẩn vào Thái Hành Sơn, nay đã 15 năm rồi! Nay nghe trong nước đã lập Tiêu thái hậu làm chúa, có chỉ đến đòi . Trong trại nay có khoảng 7000 người ngựa, để lại 2000 để con cùng con gái ta trấn thủ, ta dẫn 5000 đem Hoa, Vinh hai người về nước, nếu có chiếu thư đến triệu, thì ngươi mới đi". Tán vâng lời. Ngày thứ Khôn từ biệt mọi người cùng Diên Thọ rời Thái Hành Sơn. Bọn Mã Trung theo tiễn hơn năm dặm mới tạm biệt. Cha con Khôn mang theo người ngựa đi đến U châu. Trên đường không có gì đáng nói.

Bây giờ nói về Hô Diên Tán cùng mọi người quay về đến trại, bắt đầu chiêu binh mãi mã, đợi được triều đình chiêu an.
Tháng ba năm Khai Bảo thứ chín, Tống Thái Tổ nghe Lưu Quân ngày đêm thao luyện binh mã, bèn cùng bọn Triệu Phổ thương nghị kế sách chinh phạt. Phổ tâu:
"Chưa có cơ hội để đánh, xin bệ hạ để sau hãy bàn”. Vua Tống ý chưa quyết, thì gặp lúc Quy Đức tiết độ sứ Cao Hoài Đức vào tâu việc, và nói: "Hà Đông văn võ không hòa, bệ hạ nên thừa cơ hội mà đánh lấy".
Và lại có Khu mật sứ là Phan Nhân Mĩ ra sức tâu xin vua thân chinh. Tống Thái Tổ bèn hạ chiếu, phong Phan Nhân Mĩ làm giám quân, Cao Hoài Đức làm tiên phong, thống lĩnh 10 vạn tinh binh, ngay hôm đó rời Biện Kinh hướng về Lộ Châu thẳng tiến. Tin tức truyền vào Tấn Dương. Lưu Quân hoảng hốt, lập tức triệu văn võ vào thương nghị. Triệu Toại tâu: "Xin chúa công chớ lo, mấy năm nay quân Tống liên tiếp chinh chiến, quân sĩ oán giận. Để thần dẫn theo một lữ người, ra Lộ Châu nghênh địch". Lưu Quân chuẩn tấu, phong Toại làm Hành quân đô bộ thử, Lưu Hùng, Huỳnh Tuấn làm chánh, phó Tiên Phong, điểm binh 5 vạn, ra chặn quân Tống Triệu Toại được lệnh, ngay hôm đó dẫn quân đến Lộ Châu địa giới hạ trại và sai người do thám động tĩnh của quân Tống. Quân do thám về hồi báo: "Quân Tống đóng trại cách lộ châu 20 dặm, cờ trống liên tiếp, thanh thế rất thịnh". Triệu Toại được báo, ngày hôm sau dẫn Lưu Hùng, Huỳnh Tuấn và quân sĩ hướng về Lộ Châu mà tiến. Tiên phong quân Tống là Cao Hoài Đức đã dàn sẵn trận thế, hai quân đối lũy. Cao Hoài Đức cầm ngang ngọn giáo cưỡi ngựa đứng trước trận. Trận của Bắc Hán Triệu Toại tế ngựa ra, tay cầm cương đao, lớn tiếng mắng: "Tống tướng không biết thời vụ, sao dám xâm phạm biên giới!".

Cao Hoài Đức nổi giận, nâng thương tế ngựa xông vào Triệu Toại, Toại múa đao đón đánh, hai quân giao nhau, đánh được hai mươi hiệp, không phân thắng thua. Hán tiên phong Lưu Hùng thấy Triệu Toại không thắng dược Tống tướng, múa phương thiên kích xuất trận trợ chiến. Tống tướng là Cao Hoài Lượng trợn mắt giận dữ, múa trúc tiết cương tiên đón địch. Lưu Hùng đánh chưa được vài hiệp, bị Hoài Lượng đánh vỡ đầu mà chết. Triệu Toại thấy vậy liền quay ngựa bỏ chạy, Cao Hoài Đức vỗ ngựa đuổi theo. Phan Nhân Mĩ liền xua hậu quân, thừa thế đuổi giết. Quân Bắc Hán đại bại, bị chết vô số. Cao Hoài Đức, Hoài Lượng đuổi theo hơn 20 dặm mới quay về.
Triệu Toại thua to một trận, chạy vào Dịch Châu đóng quân, cùng bọn Huỳnh Tuấn bàn: "Quân Tống dũng mãnh, nên sai người về Tấn Dương cầu cứu, mới giữ được thành này". Tuấn nói: "Không nên chậm trễ, nếu đợi lúc quân Tống vây thành thì khó lòng!". Toại lập tức cho người ngày đêm đi gấp về Hà Đông, tâu với Lưu Quân.
Lưu Quân nói: "Triệu Toại vừa ra quân đã bại trận, ai có thể xuất quân tiếp ứng”. Đinh Quý tâu rằng: "Chuyến này nếu là tướng khác đều không địch được quân Tống, chúa công nên triệu Sơn Hậu Dương Lệnh Công phát quân đến cứu, mới có thể lui được quân Tống”. Lưu Quân theo lời đó, liền sai Trịnh Thiêm Thọ làm sứ giả, mang chiếu chỉ và tê vàng ngọc đến San Hậu ra mắt.
Dương Lệnh Công đưa ra chiếu thư:
Bắc Hán Chủ Lưu Quân chiếu rằng: Gần đây bởi Trung Quốc xâm phạm cảnh giới, đã lệnh Triệu Toại suất binh cự địch. Trận chiến ở Lộ Châu, bị thua phải chạy đến Dịch thành. Nay Cô có thư báo cho biết, thật sự là gấp như lửa đốt lông mày. Lệnh công đóng trọng binh ở San Hậu, chí tồn trung nghĩa, nên gánh nạn nước nhà. Ngày nhận chiếu thư, nên lập tức phát binh đến cứu đừng phụ sự trông đợi của Cô gia.

Dương Nghiệp được thư, cùng chư tướng bàn luận: "Năm trước Châu chúa xuống Hà Đông, cha con ta đã đánh thắng quân họ, đủ để chấn uy danh. Nay quân Tống lại đến. Hán Chủ lại xuống chiếu đến triệu, cũng nên cứu ứng". Nói chưa dứt lời, Thất Lang thưa rằng: ”Trung Quốc binh mã rất mạnh, đại nhân lần này đừng ra quân vội, đợi quân Tống sắp vây Hà Đông, mới cứu cũng chưa muộn". Vương Quý nói: "Tiểu tướng quân nói sai rồi!. "Quân mệnh triệu, bắt sĩ giá nhi hành". Lời xưa nói cứu binh như cứu hỏa, nếu đợi quân Tống tới sát thành thì sẽ thành thế quyên quyên, cực nhọc vô ích. Giờ chính nên ra quân cứu giúp, để bày tỏ lòng trung với nước".. Dương Nghiệp theo lời này, bèn lệnh con trưởng Uyên Bình giữ ưng Châu, tự mình cùng Vương Quý dẫn quân tới Tấn Dương, vào bệ kiến Lưu Quân, ra mắt xong, Lưu Quân dùng lễ khách mà tiếp đãi, tặng thưởng lại rất hậu, Nghiệp bái tạ mà lui.
Ngày thứ, Lưu Quân thiết yến ở trung điện, khoản đãi Dương Nghiệp. Dương Nghiệp tâu rằng: "Bệ hạ triệu thần để lui giặc nay chưa giải được mối lo cho chủ, sao dám dùng tiệc". Quân nói: "Uy vọng của khanh, mã đáo thành công, lo gì không diệt được kẻ thù? Cứ uống vài chén, ngày mai xuất quân vẫn chưa muộn". Nghiệp lạy tuân mệnh. Ngày hôm đó, Lưu Quân thân tứ Nghiệp kim chi, Vua tôi cùng vui vẻ rồi tan.
Ngày tiếp theo, Nghiệp vào gặp Lưu Quân tạ yến và thỉnh chỉ xuất binh. Quân nói: "Hôm nay khanh có thể dẫn quân đi trước, nếu lui được quân Tống, Quả nhân sẽ gia phong tước cao cho khanh”. Nghiệp ngay hôm đó ra khỏi triều, dẫn tinh binh tới Dịch Châu hạ trại.

Hồi Thứ Tư

Giảng Hòa Nghị Dương Nghiệp Lui Binh
Đón Loan Giá Hào Kiệt Trổ Tài

Thám mã báo về trong quân Tống, Thái Tổ nói: "Năm trước trẫm theo Thế Tông xuống Hà Đông, chưa được gì phải quây về. Nay người đó lại đến cứu ứng, nên lui quân để tránh mũi quân tinh nhuệ này". Phan Nhân Mĩ tâu rằng: "Quân của Dương Gia tuy hùng mạnh, nhưng thống thuộc bất nhất. Thần và chủ tướng sẽ dùng kỳ binh để thắng, xin thánh thượng chớ lo". Tống Thái Tổ nghe theo, xuống lệnh xuất binh. Phan Nhân Mĩ cùng Cao Hoài Đức, Đảng Tiến, Dương Quang Mĩ,... Hoài Đức nói: "Võ nghệ của Dương Nghiệp, nổi tiếng khắp Hà Đông. Ngày mai giao phong, có thể sai Tiêu Hoa đánh trận đầu, Triệu Nghi đánh trận thứ hai, Ta và em ta Hoài Lượng đánh trận thứ ba. Ông đem đại quân tiếp ứng cứ thế dùng thế đánh lâu dài hay hơn là dùng kỳ binh vậy". Nhân Mĩ mừng rỡ, lập tức phân phối làm theo.
Bình minh hôm sau, sau ba hồi trống, Tiêu Hoa dẫn quân tiến lên trước vừa lúc gặp quân mã của Dương Nghiệp. Hai quân đối địch, Tiêu Hoa tế ngựa cầm thương, cao giọng nói: "Bắc tướng hãy mau sớm hàng, để tránh việc bị giết, nếu không đại quân tiến đến, san Hà Đông thành bình địa". Nghiệp múa đao tế ngựa, phi ra trước trận, quát mắng: "Đồ thất phu sinh sự, chết đến nơi mà còn dám lên giọng sao!". Nói rồi bèn múa đao vỗ ngựa sấn vào chém Tiêu Hoa. Hoa múa thương nghênh địch, hai ngựa giao nhau, chưa được vài hiệp, bị Dương Nghiệp chém một nhát chết lăn xuống ngựa. Tống binh thua to bỏ chạy. Nghiệp vẫy hai bên tả hữu cùng xông lên. Trong trận quân Tống mở ra, thì Triệu Nghi ra ngựa múa búa xông đến cùng Dương Nghiệp giao phong. Đấu hơn 20 hiệp, Triệu Nghi cũng bì Dương Nghiệp cho một đao, cả người lẫn ngựa xả ra làm bốn, tàn binh bị chém chết vô số. Cao Hoài Đức nghe báo kinh hãi, gấp rút cùng Hoài Lượng dẫn Mã binh một vạn kéo ra địch. Thích Châu Triệu Toại thấy cứu binh đến cũng mở cửa thành kéo ra tiếp ứng. Dương Nghiệp xông thẳng vào trong quân Tống chém giết. Hoài Đức vội múa giáo đón đánh. Hai ngựa giao nhau, đánh hơn 50 hiệp, bất phân thắng bại. Dương Nghiệp quay ngựa chạy về.

Hoài Đức tế ngựa đuổi theo, chợt Dương Diên Chiêu xộc đến từ bên cạnh, chém Hoài Đức rớt xuống ngựa, may nhờ Hoài Lượng lăn xả vào đánh, cứu được Hoài Đức về trận nhà. Vương Quý thúc quân chém giết. Quân Tống bị chết vô số.
Hoài Đức dẫn quân về gặp Phan Nhân Mĩ, kể lại Dương Nghiệp anh hùng, liền chém hai viên đại tướng. Nhân Mĩ nói: "Để gặp thánh thượng thương nghị, trù định kế sách đánh Dương Nghiệp". Phan Nhân Mĩ vào tâu với Thái Tổ: "Vương sư đã thua một trận, Quân của Dương Gia ta khó địch lại". Thái Tổ than rằng: "Không lẽ ý trời không cho Trẫm bình định Hà Đông ư?” Liền cùng chư tướng thương nghị việc ban sư. Dương Quang Mĩ tâu: "Quân của Dương Nghiệp đã hợp lại với Triệu Toại, thanh thế rất lớn. Nay nếu rút quân về, giả như quân địch đuổi theo, quân ta thấy khí thế của quân Bắc, sẽ không đánh mà thua, như vậy sẽ nhục với nước khác vậy kế sách hiện nay, có thể sai người cùng giảng hòa với Dương Nghiệp, sau đó mới rút quân, mới không lo mặt sau nữa!". Tống Thái Tổ hỏi: "Ai có thể làm sứ giả để đi?”
Dương Quang Mĩ nói: "Thần tình nguyện phụng chiếu đi chuyến này". Thái Tổ ưng chuẩn, liền sai quan văn thảo chiếu để Quang Mĩ đem đến Dịch Châu, gặp Dương Nghiệp nói về chuyện giảng hòa. Nghiệp cười nói: “Chúa người dẹp yên các nước, cũng từng có kẻ đến giảng hòa ư?” Dương Quang Mĩ lớn tiếng nói: "Chúa ta anh võ kế thừa đại thống, ân uy đều đủ với các nước, gần đây đánh kẻ nghịch mệnh, như Thái Sơn đè trứng mỏng, kẻ uốn gối xưng thần người nhiều vô số. Nay xa giá Hà Đông, thành công chỉ tính từng ngày. Nếu không vì tránh cho sinh linh gan óc lầy đất, lại nữa vì tướng quân danh vọng rất to, không muốn gây tổn thương. Huống chi Trung Quốc mưu thần, dũng tướng, quân mạnh vẫn chưa điều động. Nếu được tin chưa hạ được Hà Đông, Xa giá vẫn ở đây, nổi giận kéo đến, Tấn Dương của ông giữ được vô sự ư? Tướng quân lại giữ được danh tiếng không?"

Dương Nghiệp bị Dương Quang Mĩ thuyết cho một hồi, không lời đáp trả. Vương Quý nói rằng: "Cơ hội khó được, tướng quân có thể ưng theo đề nghị này, nếu như khích nộ Trung Quốc không có lợi cho Hà Đông”. Nghiệp liền trả lời sứ giả: "Xin hãy về tâu cùng vua Tống, ta xin rút quân trở về". Dương Quang Mĩ cáo từ lui ra, rồi vào trại khác, gặp Triệu Toại nói cho biết việc giảng hòa. Toại vui mừng nói: "Trung Quốc cũng là chúa của ta, nếu đã có ý hòa hảo, thì ai dám không theo". Dương Quang Mĩ từ biệt Toại về gặp Thái Tổ, tâu rõ việc giảng hòa. Thái Tổ mừng rỡ, liền hạ chiếu ban sư. Lúc đó trong quân lương thảo cũng vừa hết, khi nghe lệnh ai nấy vui mừng khôn xiết.
Ngày thứ, Xa giá từ Lộ Châu rút về, đi đến Thái Hành Sơn đóng quân lại. Có tiểu tốt vào vào trong trại báo rằng: Tống Thái Tổ xuống Hà Đông bất lợi mà rút về. Hô Diên Tán mừng quá, thương nghị với Lý Kiến Trung: "Ta và đất Hà Đông có mối thù sâu nặng. Nay nên xuống núi chặn lại xa giá, cầu xin ban cho 3000 bộ áo giáp, 3000 bộ cung nỏ, để cho quân ta dùng để diễn tập. Đợi xa giá lần tới xuống Hà Đông, sẽ xin làm tiên phong, lập công trạng với triều đình, như thế không hay hơn là làm cướp sao?".

Cảnh Trung nghe theo, lập tức giao 5000 người ngựa. Tán nai nịt đầy đủ dẫn quân mã xuống núi bày ra thế trận, cản lấy đường đi. Thám mã báo vào trong dinh Tống rằng: "Phía trước có bọn giặc cản trở đường đi". Tiên phong phó tướng Phan Chiêu Lượng vỗ ngựa ra hỏi: "Kẻ nào dám cản xa giá?" Hô Diên Tán trả lời: "Cản xa giá không vì việc khác, chỉ xin để lại áo giáp 3000 bộ, cung nỏ 3000 cái, để tiểu tướng diễn tập trong trại. Đợi thánh chúa trở xuống Hà Đông, nguyện xin làm tiên phong để phá nước thù”.
Phan Chiêu Lượng nổi giận mắng rằng: "Trung Nguyên bao nhiêu anh hùng, dùng tên thảo khấu vô danh như mi làm gì được? Mau quay về, thì ta cho sống, nếu không thì bắt mi nạp dâng". Tán nói: "Thắng được ngọn thương trong tay ta, mới cho xa giá đi qua". Chiêu Lượng tức giận, vác giáo tế ngựa, xông vào chém Hô Diên Tán, Tán cử thương nghênh chiến, hai ngựa giao đấu được hai hiệp, bị Tán rút cương tiên đập một nhát, chết lăn xuống ngựa. Tiền quân phi báo với trung quân, Dương Diên Hán đề đao ra ngựa đến đánh. Hô Diên Tán lui lại vài bước, để Diên Hán xắn vào, được vài hiệp, bị Tán bắt sống trên ngựa, khiến thủ hạ giải vào trong trại.

Phan Nhân Mĩ nghe con mình Chiêu Lượng bị Tán giết đang lo buồn, chợt Đảng Tiến vào nói: "Phía trước có quân giặc cản đường, sát thương quan quân rất nhiều, ông gối cao nằm kỹ được sao? Nếu chúa thượng biết được làm sao trả lời?" Phan Nhân Mĩ nói: "Tôi đang suy nghĩ, nhưng chưa có mẹo nào cả". Tiến nói: "Để tôi dẫn quân ra đánh". Nhân Mĩ nói: "Thái Uý nếu chịu ra sức, là may mắn cho triều đình". Đảng Tiến lập tức nai nịt lên ngựa, phi ra trước trận rằng: "Đồ thất phu gây sự, sao ngăn xa giá ở đây muốn tìm chết sao?". Tán nói: "Tiểu tướng phi kích giá, chỉ là muốn tận trung với thượng bang vậy! Chuyện áo giáp, cung nỏ là chuyện nhỏ. Sao lại tiếc mà không cho, để phải động can qua?”
Đảng Tiến nổi giận múa đao xông vào Hô Diên Tán. Hô Diên Tán cử thương nghênh địch, hai người đấu hơn mười hiệp, bất phân thắng bại. Tán giả thua, chạy vào bổn trận. Đảng Tiến tế ngựa đuổi theo, đưa đao chém thẳng vào đầu. Tán quay người né qua, bắt lấy cán thương, dùng sức kéo một cái, lôi té xuống ngựa. Bọn lâu la đồng loạt xông lên trói lại. Tán ra lệnh giải lên núi. Trong quân Tống, Cao Hoài Đức nghe tin này, thất kinh nói: "Nơi này sao lại có dũng tướng như vậy?" Lập tức phi ngựa xuất trận, giao chiến với Tán, hai người đấu hơn 50 hiệp, không phân thắng thua.

Kỵ hiệu tâu với Thái Tổ. Thái Tổ thân dẫn quân ra trước trận thấy hai viên hổ tướng đánh nhau không ngừng. Thái Tổ lệnh Dương Quang Mĩ dụ chỉ. Dương Quang Mĩ phi ngựa ra trước trận nói: "Hai vị tướng quân dừng tay, thánh thượng có chỉ đến!". Cao Hoài Đức liền giựt cương quay ngựa, Hô Diên Tán cũng lui lại đứng ở dưới cờ.
Dương Quang Mĩ nói: "Tướng quân cản trở thánh giá có nghị luận gì?" Tán nói: "Nghe Trung Quốc đánh Hà Đông bất lợi thu quân về, tiểu tướng muốn mượn y giáp 3000 bộ, cung nỏ 3000 cái, lưu ở trong trại, chiêu mộ tráng sĩ tập luyện. Đợi chúa thượng xuống Hà Đông lần sau sẽ xin sung làm tiên phong, để phá cường địch. Đó là chí nguyện, chứ nào dám có ý khác". Quang Mĩ nghe xong nói: "Tướng quân xin hãy chờ, ta tâu với chúa thượng sẽ quyết". Rồi lập tức vào trong quân gặp Thái Tổ, tâu rõ nguyên nhân quân phía trước cản đường. Thái Tổ nói: "Trẫm đường đường Trung Quốc lại tiếc 3000 bộ y giáp cung nỏ ư? Nếu người này có thể lập công, tước lộc sẽ không thiếu vậy". Rồi liền ra lệnh quân chính Ty chọn 3000 bộ giáp tinh tế, 3000 cây cung nỏ cứng chắc, giao Quang Mĩ đưa cho Hô Diên Tán. Quang Mĩ lĩnh chỉ, ra trước trận sai quân hiệu khiêng áo giáp, cung nỏ vào trong quân Hô Diên Tán.

Tán mừng rỡ, lạy tạ thụ mệnh, dẫn nhân mã trở về trại, nói rõ với Lý Kiến Trung. Kiến Trung nói: "Nếu thánh chỉ chuẩn tứ y giáp cung nỏ, thì nên đưa trả tướng bị bắt, tự ta đến trước thánh giá tạ ơn thỉnh tội". Hô Diên Tán nghe theo lời, mời Dương Diên Hán, Đảng Tiến ra trướng tương kiến. Hô Diên Tán nói: "Vừa rồi mạo phạm tướng quân, xin hãy tha thứ”. Đảng Tiến nói: "Đó là do bọn ta không hiểu thấu ý của dũng sĩ, nên bị bắt, tự thấy hổ thẹn, sao trách ngài được?". Tán sai mở tiệc khoản đãi, Kiến Trung lệnh thủ hạ lấy ra 20 lượng vàng, nói với Hô Diên Tán: "Vừa rồi xúc phạm hai vị, đây xem như món quà tạ tội, xin dẫn tiểu đệ đến trước thánh giá, gặp mặt chúa thượng một lần, sống chết không quên".
Đảng Tiến nói: "Nếu nhận lễ của dũng sĩ, còn mặt mũi nào gặp thiên tử đây?" Kiên quyết không lấy. Lại dẫn Kiến Trung, Hô Diên Tán tới trước xa giá bái kiến Thái Tổ, sau khi tung hô, Đảng Tiến tâu rõ ý nguyện của Hô Diên Tán, và nói: "Cả hai người đều muốn tận trung với bệ hạ, xin bệ hạ hãy ban thưởng". Thái Tổ nói: "Cáo mệnh của trẫm không theo trong quân, nay quyền phong Lý Kiến Trung làm Bảo Khang Quân Đoàn Luyện Sứ, Hô Diên Tán làm Đoàn Luyện Phó Sứ. Sau khi trẫm về Biện Kinh, lập tức sai sứ tuyên triệu". Kiến Trung và Hô Diên Tán tạ ân xong, trở về sơn trại chờ đợi. Chuyện không có gì đáng nói.

Hồi Thứ Năm

Tống Thái Tổ Di Chúc Việc Cuối
Phan Nhân Mĩ Kế Đuổi Anh Hùng

Nói về Tống Thái Tổ về tới kinh sư, dọc đường cảm nhiễm phong hàn, nên phải dưỡng bệnh trong cung, đã lâu không lâm triều. Kéo dài cho đến mùa đông tháng mười, bệnh càng trầm trọng, do tuân theo di mệnh lâm chung của mẫu hậu nên triệu em là Tấn Vương Quang Nghĩa vào hầu, dặn dò việc sau: "Trẫm thấy ngươi tướng rồng bước đi như cọp, ngày sau tất là thái bình thiên tử. Cháu ngươi là Đức Chiêu, nên đối xử tốt với nó. Và có ba việc trẫm chưa làm được, ngươi nên cố gắng làm tiếp. Việc thứ nhất, Hà Đông là đất gần biên giới, không thể không lấy. Việc thứ hai, Thái Hành Sơn Hô Diên Tán, nên triệu đến mà dùng. Việc thứ ba, cha con Dương Nghiệp, trẫm rất là yêu, nên chiêu mộ về làm tướng. Ta thấy nước địch có Triệu Toại có thể giao hảo với người này, và dụ hắn đến hàng, còn cha con nhà họ Dương có thể dùng phú quý của Trung Quốc để dụ, nên xây Vô Nịnh Phủ ở bên hồ Kim Thủy để cho ở, rồi cho người thông tin tức với nhà Sơn Hậu, tất không có gì trở ngại. Còn nữa, trẫm lúc trung niên ở Ngũ Đài Sơn từng hứa tiêu nhưng do quốc gia nhiều việc, vẫn chưa làm được. Ngươi nên tranh thủ lúc triều đình vô sự, thay trẫm mà trả lễ. Những việc này phải nhớ kỹ chớ quên".
Quang Nghĩa lạy mà chịu mệnh. Thái Tổ lại gọi con là Đức Chiêu tới: "Làm vua không dễ, nay truyền ngôi cho hoàng thúc con, đã là thay sự cực nhọc cho con đó. Nay ban cho con kim giản một thanh, ở triều nếu có thần tử nào bất chính, thì con được phép trị tội". Đức Chiêu nói: "Lệnh của phụ hoàng, con đâu dám quên”. Thái Tổ dặn dò xong, nhìn Tấn Vương mà kêu to: "Ngươi hãy cẩn thận làm cho tốt!”. Xong thì băng hà, trị vì 17 năm, thọ 50 tuổi. Người sau có thơ vịnh rằng:
Cảnh cảnh Trần Kiều kiến đế tinh,
Hoàng khai Tống vận tế quang minh.
Can qua chỉ xứ lang yên diệt,
Sĩ mã khu lai vũ trụ thanh.
RỡrỡTrầnKiềugặpsaođế,

Vào lúc canh tư, Tống hậu vào gặp Tấn Vương, sửng sốt kêu nhiều lần: "Mạng sống của mẹ con tôi, đều nằm trong tay bệ hạ!" Tấn Vương khóc mà nói: "Em xin bảo đảm phú quý, chị đừng lo". Ngày thứ, Tấn Vương Quang Nghĩa tức vị, đổi niên hiệu, tức là Thái Tôn hoàng đế. Sau khi quần thần triều hạ xong, tôn Tống hậu làm Khai Bảo hoàng hậu, dời đến Tây Cung. Rồi hạ lệnh đại xá thiên hạ.
Lúc mới lên ngôi, Thái Tôn rất để ý các tướng soái. Các tướng phù Sảo Khanh, Mã Toàn Nghĩa... của triều trước đều đã mất. Một ngày kia Thái Tôn nói với quần thần: "Hà Đông, Liêu, Hạ đều là nước địch của ta, tiên đế lúc sắp băng hà, dặn dò trẫm về việc của hai danh tướng Thái Hành Sơn là Lý Kiến Trung, Hô Diên Tán, nay trẫm phải hạ chiếu triệu vào". Dương Quang Mĩ tâu rằng: "Bọn Lý Kiến Trung, tiên đế đã từng phong thụ, chính nên tuyên triệu nhập triều, bổ nhiệm làm Soái, bệ hạ nếu đánh Hà Đông thì bọn họ tất có thể lập được công”. Thế Tông theo lời tâu, ngay hôm đó sai Cao Quỳnh làm sứ, tới Thái Hành Sơn triệu bọn Lý Kiến Trung. Cao Quỳnh lãnh mạng, đem chiếu chỉ tới Thái Hành Sơn tuyên đọc:
“Trẫm mới kế vị, chú ý tướng soái. Nay Hà Đông chưa thu được, việc chinh chiến còn phải cảnh giác. Nay đặc biệt chiêu mộ các anh hùng để cùng bàn việc xuất chinh. Gần đây có Thái Hành Sơn Lý Kiến Trung, Hô Diên Tán cung mã tinh thông, võ nghệ siêu quần, quân sĩ tinh nhuệ, không dưới vài ngàn người. Trẫm theo di mệnh của tiên đế, đã từng thụ phong nhưng chưa ban cáo mệnh. Nay đặc biệt sai cận thần Cao Quỳnh mang chiếu đến tuyên, ngày các khanh nghe mệnh, hãy lập tức vào chầu, đừng phụ lòng trẫm.”

Bọn Lý Kiến Trung được chiếu, lạy thụ mệnh, mời Cao Quỳnh vào trướng làm lễ tương kiến. Quỳnh nói: "Chúa thượng nghe danh nhị vị tướng quân, sai hạ quan đến hối thúc vào chầu. Vậy hai ông nên theo chiếu mà làm". Kiến Trung nói: "Đã có lệnh vua, đâu dám kháng chỉ. Chỉ khó là nơi đây chỉ cách Hà Đông một dãy đất, nếu tướng, quân, ngựa đều vào đầu nơi cửa khuyết, kẻ địch sẽ thừa cơ đến đánh trại ta. Nay để Hô Diên Tán theo chiếu vào chầu thánh thượng, ta lưu lại ở đây, đợi đến khi thánh giá xuống Hà Đông, sẽ theo mà đánh giặc ngài thấy thế nào?" Quỳnh nghe theo lời này.
Ngày thứ, cùng Hô Diên Tán với Mã Thị và 2000 thuộc hạ, từ biệt Kiến Trung rời khỏi Thái Hành Sơn, thấm thoát đã tới Biện Kinh. Sau khi Cao Quỳnh dẫn Tán vào triều kiến Thái Tôn xong, tâu rõ nguyên nhân Lý Kiến Trung lưu lại ở trại. Thái Tôn tuyên Tán vào lên điện, thấy hình dạng khôi vĩ, uy phong lẫm lẫm, hết sức khen ngợi. Tán vừa muốn lui, Quỳnh lại tâu rằng: "Tướng mới vừa đến, bệ hạ nên cho phủ đệ mà ở, để biểu rõ hi vọng sự quy thuận của hiền tài". Thái Tôn mới hỏi quần thần: "Gần thành có chỗ tráng lệ nào không, sửa sang lại để Tán vào ở “.
Phan Nhân Mĩ bước ra tâu: "Thần được biết Đông Quách Môn của Biện Kinh có một tòa vương phủ, nguyên là Long Mãnh trại, chỉ có nơi đó là rộng rãi, nay có 1000 tráng binh canh giữ, nơi này thật số có thể ở được". Vua chuẩn tấu, liền hạ chỉ cho Hô Diên Tán ở nơi vương phủ đó. Tán được chỉ. Ngày thứ, dẫn thuộc hạ và Mã Thị đi ra Đông Quách Môn, đi đến nơi vương phủ, hóa ra là một ngôi nhà nát, hai nhà lớn đã đổ sụp, nhà giữa thì xiêu vẹo, sân đầy cỏ dại, góc nhà có rất nhiều mạng nhện giăng, hoàn toàn chưa được sửa sang, chỉ có 500 quân giữ, đều là những kẻ ốm yếu già nua. Tán rất không vui, mặt buồn bã. Mã Thị cố gắng khuyên rằng: "Tướng quân bớt giận, đây chẳng qua chỉ là nơi ở tạm thời, đợi thánh thượng đi đánh Hà Đông, chúng ta sẽ rời khỏi nơi này mà!" Tán nghe theo, ra lệnh quân hiệu quét dọn, sắp xếp mà ở. Ngày thứ, hạ lệnh thuộc hạ không được quên việc quân, mỗi ngày đều phải ra giáo trường thao luyện.

Đây nói về Phan Nhân Mĩ sai người do thám động tĩnh của Tán, và được báo là: "Từ khi Hô Diên Tán tới phủ của mình, không vì sự hoang tàn mà phật ý, chỉ ngày đêm chỉnh đốn nhung ngũ; hiệu lệnh thuộc hạ nghiêm minh, tất cả đều không dám tự ý vào thành nhiễu loạn bá tánh". Nhân Mĩ nghe báo, tự nghĩ kẻ này về sau tất được làm quan to, phải nghĩ kế để đuổi đi, bèn thương nghị với kẻ tâm phúc là Lưu Vượng. Vượng nói: "Việc này không khó, hắn nay mới đến, chưa được chức cao, ba ngày sau phải đến tham kiến đại nhân. Đợi cho đến khi hắn đến, ta kiếm cớ hành hạ hắn, hắn bị làm nhục tất sẽ trốn đi, ta đâu cần phải đuổi!". Nhân Mĩ mừng rỡ nói: "Thật là diệu kế!", liền dặn dò tả hữu để sẵn hình cụ mà chờ.
Ngày thứ tư, có người báo Hô Diên Tán vào phủ xin gặp Nhân Mĩ lệnh cho vào, Hô Diên Tán vào bệ quỳ lạy nói: "Tiểu tướng nhờ khu sứ nâng đỡ, nay được vào triều, nay nguyện tận trung dưới cửa khuyết, để báo đáp đại ân tri ngộ của tiên đế”. Nhân Mĩ im lặng hồi lâu, rồi nói: "Ngươi có biết pháp lệ do tiên vương để lại chăng?” Tán đáp: "Tiểu tướng mới đến, nên chưa được rõ". Nhân Mĩ nói: "Tiên hoàng thệ thư, phàm gặp bọn cướp được chiêu hàng xuống núi, đều phải chịu 100 roi ra oai, để ngăn về sau, nay ngươi cũng phải như thế?”. Tán nghe xong, giật mình chưa đáp. Nhân Mĩ liền nạt thủ hạ y phép thi hành. Tả hữu được lệnh, đem Hô Diên Tán vật ra trước thềm đánh 100 roi thật mạnh. Đáng thương Hô Diên Tán bị đánh đến thịt nát da nứt, máu tuôn dầm dề, kẻ khác nhìn thấy đều không ngăn được nước mắt. Nhân Mĩ sai người hầu khiêng ra ngoài.
Hô Diên Tán về đến phủ, Mã Thị đỡ lấy, thấy dung nhan đổi sắc, bước đi loạng choạng, hoảng sợ hỏi nguyên do. Tán kể lại việc bị đánh ra oai. Mã Thị nói: "Nếu tiên đế có pháp lệ này, thì cũng phải chịu, tướng quân chỉ nên nhẫn nại." Nói xong, hâm nóng rượu đưa Tán uống. Chưa uống cạn ly, chợt thét to một tiếng, ngã vật ra đất. Mã Thị thất kinh, bàng hoàng run rẩy, tìm mọi cách để cứu mà không tỉnh, bèn òa khóc mà nói: "Vợ chồng ta vốn muốn tận trung với triều đình, ai ngờ tự nạp mạng sống". Chợt bên cạnh có một người lính già nói: "Đây hẳn là khi tướng quân bị đánh trượng thì trên trượng đã được bôi thuốc độc, thấm vào da thịt, gặp rượu nóng bèn phát tác, nên mới ngất đi như thế. Để tôi đem linh dược mà giải, là lập tức tỉnh ngay". Mã Thị nói: "Nếu có thuốc hay, xin hãy chữa trị, sẽ có ngày báo tin này". Người lính già lấy thuốc viên, hòa chế rồi cho uống.

Hô Diên Tán ngấm thuốc, từ từ tỉnh lại, mọi người đều mừng rỡ. Tán hỏi người lính già: "Thuốc này sao lại hiệu nghiệm như vậy?" Người lính già nói: "Kẻ này từng bị kẻ thù hạ độc thủ, bị đánh mà chết, may nhờ phương ngoại đạo nhân cứu tỉnh, do đó được truyền bài thuốc này”. Tán dùng trăm lượng vàng hậu tạ, người lính già không nhận mà nói: "Tướng quân phải ở chỗ này, rõ ràng là bị đương triều Phan Nhân Mĩ hãm hại, vừa rồi bị độc trượng chắc cũng là mưu kế của hắn. Ngài nếu không đi gấp e rằng sớm muộn cũng khó bảo toàn được mạng sống!" Tán nghe xong nổi giận nói: "Quyền thần đương quốc, ta làm sao có chỗ lập thân". Liền hạ lệnh toàn bộ thuộc hạ thu thập hành lí, ngay đêm đó cùng Mã Thị chạy về Thái Hành Sơn.
Tảng sáng đã tới bên ngoài trại, tiểu tốt báo với Lý Kiến Trung. Kiến Trung không tin, ra trại xem thử, quả nhiên là Tán. Liền cùng vào trong trại hỏi lý do quay về. Tán đem việc bị đánh, nói lại một lượt. Lý Kiến Trung nổi giận nói: "Tên giặc này chắc do em giết con hắn, nên bày mưu này để trả thù. Nay hãy giữ ở đây, đợi thánh giá lại xuống Hà Đông, thì bắt tên thất phu này, xé xác ra ngàn mảnh". Tán vâng theo. Kiến Trung sai người bày tiệc rượu giải buồn.
Chợt nghe báo dưới núi có một toán người ngựa kéo đến, không biết là ai. Lý Kiến Trung lập tức dẫn quân ra trại nghênh đón, thì ra là bọn Cảnh Trung. Cảnh Lượng. Lý Kiến Trung mừng rỡ: "Vừa muốn đến mời hiền huynh, không ngờ nay tự đến, thật đúng ý tôi". Liền mời vào trong trướng chào hỏi, theo thứ tự ngồi uống rượu. Giữa tiệc Cảnh Trung hỏi: "Gần đây nghe hiền diệt được tuyên vào triều, hôm nay sao lại ở đây?" Kiến Trung đáp: "Một lời khó nói hết chuyện, Tán từng theo sứ giả vào chầu, muốn tận trung với triều đình, không ngờ gian thần Phan Nhân Mĩ ôm oán hận cũ, nhiều lần lập mưu hãm hại Tán". Và đem chuyện trước kia kể lại một lượt. Cảnh Trung nghe xong nổi giận: "Hiền đệ có trong tay bao nhiêu nhân mã?" Kiến Trung nói: "Khoảng hơn 8000 người". Trung nói: "Mượn ta 2000 người để ta cùng cháu Tán đi vây thành Hoài Châu, ép dâng tấu lên tâu rõ lòng gian của Phan Nhân Mĩ, để rửa oan cho cháu ta".

Kiến Trung vâng lời, ngay hôm đó giao 2000 nhân mã cho bọn Cảnh Trung, Hô Diên Tán, kéo đến phủ thành Hoài Châu vây chặt lấy thành. Tiếng chiêng trống dưới thành vang vọng trong ngoài, dân trong thành ai cũng kinh hãi. Quan Tri Châu là Trương Đình Thần biết được, lại lên thành quan sát. Xa xa trông thấy bọn Cảnh Trung đang diễu võ dương oai, la hét dưới thành. Đình Thần hỏi rằng: "Các ngươi kéo đến vây lấy thành trì là có ý gì?” , Cảnh Trung nói: “Chúng tôi đến không phải để cướp, mà vì rửa nỗi oan không rõ cho cháu tôi thôi". Đình Thần không hiểu lý do, liền hỏi muốn giải nỗi oan.
Trung nói: "Ngày trước, Thái Hành Sơn Hô Diên Tán chịu sự tuyên triệu của triều đình, đến cửa khuyết chầu vua, bị nịnh thần là Phan Nhân Mĩ hãm hại, lại giả lập tổ chế, đánh cho 100 roi ra oai, muốn lấy cả tính mạng, nên chỉ có thể bỏ trốn về sơn trại để bảo vệ mình. Nay triều đình không rõ lý do, mà buộc Tán có tội bỏ trốn. Nên hôm nay cố tình đem quân đến vây thành, yêu cầu đại nhân tâu rõ việc này, trừ bỏ nịnh thần, chúng tôi đều nguyện đi theo Trung Quốc vậy”. Đình Thần dụ nói: "Nếu có việc này, bọn ngươi hãy tạm lui, đừng kinh động bá tánh. Ta sẽ lập tức tấu rõ triều đình, rồi sẽ được triều đình tuyên dụ, người thấy thế nào?" Cảnh Trung liền hạ lệnh quân mà rút lui, cách thành 20 dặm hạ trại. Không biết có được tuyên triệu hay không? Xem hồi sau sẽ rõ.

HOMECHAT
1 | 1 | 167
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com