Phạm Minh Nhân mỉm cười nửa miệng theo thói quen, nói ngập ngừng nhưng hành động lại rất khẩn trương. Bên cạnh Nhân, ngồi ở một góc khuất là Việt Thành người dẫn đường cho quân đỏ hôm nay. Thành đã ngoài 30 tuổi, nghe nói có vợ ở lại miền Nam, cấp bậc thượng sĩ. Anh ta là một dẫn đường giỏi, bình tĩnh, xử lý tình huống nhanh, có điều… đã trở thành cố tật: đôi quân hàm thượng sĩ đeo ở cổ áo chẳng khi nào ngay ngắn, miếng nỉ xanh xệ xuống khỏi ve áo bên này thì ở bên kia nó lại bị kéo lên. Lẽ ra, quân hàm thượng sĩ, ngoài cái vạch bằng chỉ vàng ở giữa, ba ngôi sao đặt đúng vị trí thành một tam giác đều, có con chim ở phía trên. Nhưng, Thành ít khi đeo quân hàm, không phải anh ta thẹn vì cỡ tuổi đó mà còn cấp thượng sĩ, cái chính là tính cách ngang tàng, thích tự do, muốn mặc áo sơ mi trắng đục, thường phục, hơn là chiếc áo quân phục hạ sĩ quan dày cộp, chỉ có hai túi trên, ở dưới không có hai túi như của sĩ quan để đựng bao thuốc lá lúc nào cũng có trong người… Hôm nay Thành mặc quân phục, đeo quân hàm thượng sĩ nhưng không có chim. Thành đứng lên: - Thưa Trung đoàn trưởng, hôm nay tôi dẫn không thành công, xin đề nghị trên kỷ luật cho tôi được thoải mái. Chính ủy Đỗ Phụng giơ tay, đứng lên, trong khi Thành chưa ngồi xuống: - Nếu bay không thành công, kỷ luật, ai dám làm? Hôm nay chúng ta rút kinh nghiệm để mai bay tốt hơn. Thành nói tiếp: - Đúng như anh Ngọc nói, chúng tôi chưa phối hợp tốt giữa sở chỉ huy tức là ở bàn tiêu đồ với mặt hiện sóng. Ngay ở mặt hiện sóng, việc phối hợp giữa radar đo cao với sĩ quan dẫn đường ngồi tại bàn hiện sóng cũng chưa tốt. Hôm nay, buổi tập đầu tiên tuy không thành công nhưng nhiều bài học được chúng tôi rút ra ngay khi anh Ngọc hạ cánh. Anh Thiết dẫn đường ở radar và tôi cùng rút kinh nghiệm với anh Quang ở sở chỉ huy binh chủng bằng điện thoại. Chúng tôi cũng bàn về phối hợp giữa hai sở chỉ huy. Thành liếc nhìn đoàn trưởng, ông gật đầu, hài lòng. Bất giác Thành liếc ngang, Phan ngồi dãy trên cùng, không dằn lòng được Thành nói: - Binh chủng dẫn quân xanh cũng như địch bay vào nước ta, bọn Mỹ sẽ cơ động độ cao, diễn tập sát với thực tế rất có lợi. Tôi đề nghị, những anh chẳng biết gì về chuyên môn thì đừng có xía vô, vừa dở hơi, vừa lố bịch. Phan vội vã đứng lên. Đào Đình Luyện không cho nói, anh ta buộc phải ngồi xuống. Nhân mỉm cười, anh giơ tay: - Thưa các đồng chí. Buổi bay tập, theo tôi, là thành công. Chỉ có một vấn đề chưa trọn vẹn, đó là anh Văn và anh Huy chưa tập được xạ kích. Nhưng, rõ ràng, địch vô, radar phát hiện được. Chưa chắc dẫn đường có thể đưa phi công nhìn thấy địch sớm. Vấn đề đó, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm. Còn phi công, tôi thấy, các đồng chí bay lờ đờ lắm. Cách địch sáu cây số, phải xa hơn, mười cây số, dẫn đường thông báo, các đồng chí không phát hiện được, chúng ta phải cơ động, sục sạo ngang, sục sạo phía dưới cả phía trên. Tôi nghĩ, phát hiện địch sớm, phát hiện trước sẽ nắm chắc phần thắng. Tôi đề nghị các đồng chí phi công nên luyện mắt, phản xạ nhanh, phân phối tinh lực, vừa che được đuôi, vừa thấy địch sớm, nên bàn nhau kỹ vấn đề quan sát trên không. Huy bẽn lẽn, đứng lên, thừa nhận: - Quả thật, tôi bay sau số 1, hầu hết tinh lực là giữ biên đội, đúng là tôi không quan sát được gì, tôi thấy anh Văn quan sát theo hướng của dẫn đường thông báo, tức là chúng tôi chỉ quan sát trên mặt phẳng ngang, không để ý đến mặt phẳng đứng. Tôi đề nghị sĩ quan dẫn đường nên nhắc nhở chúng tôi quan sát, kể cả những động tác thuộc về nghề nghiệp của chúng tôi như: thả thùng dầu phụ, lên đạn, chuyển trạng thái bay hoặc bay về, nên nhắc chúng tôi thả càng, v.v… Phi công Trần Thông, đại đội trưởng, dáng cao, thư sinh, hay cười lớn, tiếng nói vang, đứng lên: - Tôi, cho là chúng ta nên tập trung vấn đề chiến thuật, những động tác cơ bản phi công phải tự nhớ, không ai được quên. Chiến đấu sẽ rất ác liệt, chúng ta luyện tập phải sát với thực tế chiến đấu. Hôm nay như thế là tốt, thất bại là mẹ đẻ của thành công.
Trung đoàn huấn luyện liên tục, khẩn trương, các khoa mục bay cơ bản, bay nâng cao, bay ứng dụng chiến đấu đều được bố trí tập luyện đúng theo tiến độ. Đặc biệt chương trình bay xuyên mây góc kép, xuyên mây bất kỳ, từ mọi hướng, đều được học rất kỹ và luyện tập rất công phu, để có thể ứng phó mọi tình huống không chiến, khi bay trở về sân bay, kể cả trường hợp bị địch khống chế sân bay. Những ngày này trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện luôn cùng bay tập với phi công, ông luôn ở cùng với phi công lúc luyện tập thể thao, khi giải trí. Ông luôn lắng nghe bất kỳ ý kiến đóng góp nào cho không chiến. Ông là phi công, ông biết rõ cuộc chiến đấu ở trên không với kẻ thù hùng mạnh nhất hành tinh không hề đơn giản, không thể dùng kèn đồng, những khẩu hiệu và hô hào xung trận là có thể làm cho sức mạnh của chúng ta tự nhiên được nâng lên. Ông biết rất rõ, để có thể chiến thắng kẻ thù to lớn, đầy kỹ năng và trí tuệ, chúng ta, trước hết phải chiến thắng với chính mình, phải là một phi công chân chính, có ý chí và bản lãnh chiến đấu cao. Phải có kỹ thuật bay giỏi, phải tiếp cận nhanh, ngắm chính xác, xạ kích hiệu quả khi có điều kiện… Ông ngồi trầm mình trước hiên nhà, điếu thuốc trên tay, đã cháy đến gần hết, ông nhớ rất rõ buổi họp quân sự dân chủ lần thứ ba, có các cơ quan của binh chủng xuống dự. Ông đã nói lời mở đầu: - Chúng ta đã hai lần bàn về cách đánh và xử lý những tình huống phức tạp vẫn chưa xong. Điều đáng quan tâm, chúng ta đã động não, đã tìm ra những vấn đề chưa có tiền lệ trong lịch sử của các trận không chiến trên thế giới, tôi muốn nói đến so sánh lực lượng, ta thì quá yếu, người Mỹ, đối thủ của chúng ta thì quá mạnh. Còn ở nước ta, đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam chúng ta có không quân. Vì thế, chúng ta chưa có kinh nghiệm chiến đấu trên không, chưa có ai đi trước để chỉ dạy chúng ta... Tôi muốn, hôm nay chúng ta bàn một vấn đề mấu chốt của chiến thuật không chiến. Chúng ta đều biết, ai thấy trước, ai chủ động, người đó sẽ thắng. Đào Đình Luyện nhìn rất lâu đội ngũ phi công. Ông nhìn lướt qua những người dự họp, đôi mắt dừng lại ở khối sĩ quan dẫn đường, ông nói: - Muốn thấy trước, muốn có thế chiến thuật có lợi, phi công không thể làm được. Người tạo thế ban đầu cho phi công là sĩ quan dẫn đường. Các đồng chí đó sẽ tạo tốc độ, sẽ giấu biên đội, làm cho địch không thấy,v.v… Tôi đề nghị các sĩ quan dẫn đường trình bày, theo các đồng chí làm thế nào để có yếu tố bất ngờ, tạo điều kiện có lợi cho biên đội tiếp cận? Ông thấy các sĩ quan dẫn đường nhìn nhau. Phạm Minh Nhân đứng lên: - Chúng tôi đã thành thói quen trong tác nghiệp luyện tập trên bản đồ. Trước khi cho biên đội cất cánh, chúng tôi nhìn đồng hồ để xác định hướng và góc cao của mặt trời tại thời điểm xuất kích. Kết hợp với độ cao của địa hình nhằm chống radar Mỹ trên máy bay. Như vậy chúng tôi phải dẫn cho biên đội nhìn xuôi theo hướng mặt trời, bọn địch sẽ khó thấy chúng ta, khi phải nhìn ngược mặt trời ...
Chương 20
Việt Thành nhấp nhỏm, giơ tay, Minh Nhân nhường lời cho Thành: - Thưa các đồng chí… Thành đứng lên nhiều ánh mắt xéo xắt nhìn anh. Trong những cái nhìn nảy lửa đó, có ánh mắt dè bỉu. Người ta quen nhìn người qua những ngôi sao và gạch trên cầu vai, càng nhiều vạch, càng nhiều sao, tự nhiên người đó sẽ có trình độ cao. Còn cấp thượng sĩ, chuẩn úy thậm chí thiếu úy là những con gà giò, chưa biết gì. Tại cuộc họp này, ở đây, tất cả đều là sĩ quan, cấp thấp nhất cũng mang quân hàm thiếu úy. Đào Đình Luyện nhận biết những ánh mắt lạ đó, ông khuyến khích: - Anh Thành, nói đi! Một số cán bộ nhìn Đào Đình Luyện khó chịu, họ cho là trung đoàn trưởng không tôn trọng họ. Minh Nhân giục: - Thành, nói đi! Thành mạnh mẽ, tự tin: - Thưa, trong chiến thuật không chiến, có ba yếu tố cấu thành lợi thế. Đó là độ cao, tốc độ và hướng tiếp cận. Theo tôi để có tốc độ không chiến, phải tích lũy. Mig-17 của chúng ta không có bộ phận tăng lực, tốc độ tối đa chỉ 1.000 km/giờ. Chúng ta sẽ dẫn cho biên đội cách địch 30- 40km, phải có tốc độ xấp xỉ 800 km/giờ. Phi công phải tự mình tăng tốc độ sau khi có lệnh “vứt thùng dầu phụ”. Nhiều ý kiến xì xào rồ lên. Đôi quân hàm ba sao có vạch vàng ở giữa, hôm nay Thành tìm đâu được con chim gắn lên, nhưng con chim bằng nhôm ở trên ve áo của anh không chịu đứng thẳng, nó xoay ngang tự lúc nào. Thành không để ý lắm đến quân hàm. Anh cho là… cấp thượng sĩ quân hàm càng cũ, càng xộc xệch, chứng tỏ đã có thâm niên, cấp trên dễ để ý và như vậy càng mau lên chuẩn úy. Đến như cấp chuẩn úy cũng chỉ là một vạch bằng nhôm và con chim thì để đâu chẳng được… Đang nghe Thành nói, Đào Đình Luyện thấy nhiều tiếng ồn nên nhắc: - Đây là hội nghị quân sự dân chủ. Ai cũng được phát biểu. Chúng ta hãy nghe anh Thành. Nào, Thành tiếp tục đi. Thái độ tôn trọng ý kiến mọi người của trung đoàn trưởng, làm cho cuộc họp trở nên sôi động, mọi người bắt đầu có biểu hiện tập trung. Thành nói tiếp: - Còn, thế chiến thuật, chúng tôi đã bàn, dẫn vào bán cầu sau ở hướng thuận mặt trời làm chói mắt địch, điều đó không khó. Vấn đề đang còn tranh cãi, chính là độ cao. Người ta dạy chúng tôi phải có ưu thế về độ cao. Độ cao, cao hơn, Mig của chúng ta sẽ có tốc độ lớn, người Trung Quốc có câu “độ cao sẽ biến thành tốc độ”. Tập thể dẫn đường yêu cầu, khi tập, phải dẫn quân ta cao hơn địch, tôi cũng tập như vậy. Nhưng,… đây là ý kiến cá nhân của tôi… Thưa các đồng chí, trong chiến đấu, người Mỹ nhiều máy bay hơn ta, tốc độ máy bay của chúng lớn hơn ta, máy bay của ta làm sao để bay cao hơn địch được? Địch lên 7.000 mét, ta phải lên 7.500 hoặc 8.000 mét, Mig-17 càng lên cao, càng bất lợi vì khi điều khiển ở độ cao dưới 3.000 mét, tính năng cơ động của Mig-17 tốt. Tôi đề nghị lôi địch xuống dưới thấp để đánh.
Phòng họp sôi nổi hẳn, không khí chộn rộn, mọi người trao đổi với nhau. Đào Đình Luyện rất mừng vì phát hiện một hiện tượng lạ. Đó là biểu hiện của tư duy. Thời còn làm chủ nhiệm chính trị sư đoàn, ông đã phát hiện một không khí kỳ la, mà thời đó ông chưa hiểu. Dường như mọi người có cùng một suy nghĩ nhưng đường đi đến để đạt được mục đích rất khác nhau. Về sau khi tổng hợp những ý kiến khác nhau đó, ông phát hiện chúng có quy luật của tư duy thuận. Bây giờ, sau ý kiến của Việt Thành, không khí sôi động, ông biết sẽ có ý kiến phản biện, thậm chí chống lại do chiếc quân hàm thượng sĩ trên ve áo của Thành. Quả nhiên, hai cánh tay giơ lên, trung đoàn trưởng nhận ra Đỗ Đình, một sĩ quan tác chiến, cấp đại úy, đầu hói, mắt một mí, mặc chiếc áo đại cán rất chỉn chu. Ông cho phép, Đình đứng lên, liếm mép trên, liếm mép dưới xong, phát biểu: - Chúng ta đang bàn cách đánh. Nói như anh Thành, anh có lên trời mà lôi thằng Mỹ xuống thấp để chúng ta đánh được không? Phan vụt đứng dậy, hùng hồn: - Cuộc họp hết sức nghiêm túc để bàn một vấn đề hết sức nghiêm chỉnh. Anh Thành là thượng sĩ, phát biểu vô ý thức, làm như chuyện đùa… Theo tôi để các đồng chí phi công phát biểu truớc. Lê Liên rỉ tai Long, anh nhìn đại úy Phan, đại úy Đỗ Đình, nhìn Trung đoàn trưởng. Long lưỡng lự, thật ra bài bản để tạo ra bất ngờ anh học được khá nhiều, nhưng, dường như ở môi trường của ta, khi mà địch rất mạnh, Long đâm lúng túng, có vấn đề gần như anh không hiểu, không đủ kiến thức để phát biểu. Còn những vấn đề Thành nói ra, Long thấy rõ, rất hợp lý, anh thích lối diễn đạt đó. Long giơ tay: - Thưa các đồng chí. Lôi địch xuống thấp để không chiến, đó là việc của phi công. Tôi nghĩ rằng, trong không chiến, nếu chúng ta có ý đồ chiến thuật rõ ràng thì lôi địch xuống để đánh không phải là việc khó. Buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta, đó chính là tư tưởng quân sự của ông cha ta hàng ngàn năm nay. Phan lại đứng lên: - Thưa Trung đoàn trưởng, tôi thấy các đồng chí sĩ quan dẫn đường cần phải học tập lại nghị quyết Đảng ủy quân chủng. Tác chiến hiện đại, những trận không chiến sắp đến không thể lấy tư tưởng quân sự lạc hậu, hoài cổ để mơ một chiến thắng vô vọng. Chúng ta cần phải… Lê Liên đứng lên: - Xin lỗi anh Phan, Bác Hồ của chúng ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nhắc nhở chúng ta phải học tập tư tưởng quân sự của tổ tiên. Chiến đấu ở mặt đất, bộ đội miền Nam đã bắt bọn Mỹ phải theo cách đánh của ta, đó là nghệ thuật quân sự của quân đội ta, nhất định chúng ta cũng sẽ làm được. Tôi nghĩ các đồng chí lái máy bay nên có tiếng nói của mình và suy nghĩ cách đánh ở trên không trong điều kiện địch mạnh và đông hơn ta. Hội nghị chưa có lối ra. Trung đoàn trưởng nhìn mọi người, thấy Lâm Văn nhấp nhỏm, ông gợi ý: - Lâm Văn muốn phát biểu?Chúng ta hoàn toàn giải phóng về mặt tư tưởng. Ai có sáng kiến cho không chiến đều có quyền phát biểu, có quyền tranh luận, thậm chí phản bác. Đó là dân chủ trong quân sự. Chỉ có vấn đề, chúng ta không nên suy diễn, chụp mũ, có thể gây xốc không cần thiết. Mời anh Lâm Văn.