Chương 13
Cuộc họp “quân sự dân chủ” bàn về cách đánh, bàn về phương án tác chiến thảo luận rất sôi nổi. Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện vốn là một cán bộ chính trị, có quá trình rèn luyện và chỉ huy chiến đấu ở bộ binh, sắc sảo về tư duy, có lý luận vững chắc. Ông nghiên cứu rất kỹ các trận đánh của Trung Quốc, Triều Tiên, ở vùng Trung Đông giữa Israel và các nước Ả Rập bằng những vũ khí hiện đại. Ông mở đầu:
- Trước hết chúng ta hãy quán triệt 11 nguyên tắc tác chiến của Quân ủy Trung ương đối với các lực lượng vũ trang và nắm nguyên tắc chỉ đạo tác chiến của quân chủng. Đó là, tích cực tiêu diệt máy bay địch, bảo vệ mục tiêu, giữ gìn và bồi dưỡng lực lượng ta. Hai là, thường xuyên sẵn sàng chiến đấu, đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu, đánh thắng liên tục. Ba là, tập trung hỏa lực vào lực lượng chủ yếu, bảo vệ mục tiêu chủ yếu, đánh đúng thời cơ, đúng đối tượng. Bốn là, thống nhất chỉ huy, độc lập tác chiến, chủ động chi viện, hiệp đồng chặt chẽ. Năm là, phát huy ưu thế về chính trị, tinh thần dũng cảm, mưu trí, chủ động, linh hoạt, bí mật, bất ngờ. Tôi đề nghị, chúng ta hãy động não, suy nghĩ cho kỹ, mạnh dạn nói và chú ý nghe. Sĩ quan quân báo trình bày về địch, căn cứ vào ưu thế và tính năng kỹ thuật của địch. Chúng ta sẽ bàn đến chiến thuật không chiến và cách đánh của chúng ta. Anh Lễ trình bày trước.
Lễ là một sĩ quan quân báo trẻ, được đào tạo chính quy. Lễ bước lên nhìn trở lại những sĩ quan tham mưu, chính trị, hậu cần ngồi ở phía sau, hàng trên cùng là các chủ nhiệm bay, chủ nhiệm xạ kích, chủ nhiệm dẫn đường, ba hàng ngồi ở giữa là những phi công chiến đấu của trung đoàn. Anh vừa nói vừa chỉ trên hình vẽ và ảnh những chiếc máy bay chiến đấu của Mỹ:
- Tốc độ, tính năng kỹ thuật, vũ khí, tất cả máy bay tiêm kích Mỹ đều hơn Mig-17. Tính năng bọn cường kích cũng hơn Mig của chúng ta. Tôi xin nói rõ hơn, trong chiến đấu cũng cần tốc độ tiếp cận, có tốc độ chênh lệch lớn sẽ mau tiến đến xạ kích. Nhưng, chiến đấu trên không, hầu hết lượn vòng và quần nhau, ai có tốc độ góc lớn sẽ chiếm vị trí có lợi nhanh chóng và trong trường hợp đó Mig-17 thật là lợi hại. Tôi báo cáo hết, cần hỏi tôi bất kỳ vấn đề gì tôi xin trả lời bất kỳ lúc nào.
Nhân ngồi một góc thuận lợi, vừa nhìn thấy được bản vẽ, vừa có thể quan sát tất cả mọi người. Anh muốn ghi lại hình ảnh các phi công bây giờ đang còn rất đầy đủ, anh nhớ lời ông Tám: “Cuộc chiến đấu nào mà không có hy sinh?” Nhân nhìn nét mặt của Ngọc, Văn, Minh, Phạm, Sáu, Ngôn, Trần, Nguyên, xa hơn là Thanh. Đình Sĩ, Lê,v.v… họ đẹp quá, đôi má bầu bĩnh, ửng hồng, mạnh mẽ. Có lẽ chỉ có Huy hơi lạ, anh ta dáng gầy, mặt hơi nhọn như một người ốm yếu… Nhưng, Huy khỏe, có lần kéo co tay, những phi công to, mập đã không chịu nổi đòn quặp tay của anh ta… Nhân bồi hồi, không biết những chàng trai này ai còn, ai mất trong một cuộc chiến đấu sẽ diễn ra không khoan nhượng với một kẻ thù hùng mạnh hơn chúng ta gấp vài chục lần. Bất giác Nhân thở dài, mắt nhìn vào số phi công quý báu, phải gần chục năm chúng ta mới đào tạo được chừng này người… Để có chừng này người, số phi công bị đào thải do sức khỏe, do bị cố tật không thể bay được qua các giai đoạn tuyển chọn khi bay sơ cấp bằng loại máy bay cánh quạt, bay cao cấp bằng U-MIC và… bay ứng dụng chiến đấu trên Mig-17, số người bị loại nhiều hơn số người có thể trở thành phi công chiến đấu. Trong số này, chỉ có vài ba người có vợ, con..., còn hầu hết họ rất trẻ có người chưa từng có bạn gái …
- Cậu thở dài…, sao vậy?
Nhân giật mình quay lại, ở phía sau anh một sĩ quan cấp đại úy tên là Phan nói qua vai anh. Nhân vội trả lời:
- Không có gì, mệt một chút thôi,…
Nhân nói dối, nhưng không qua mắt được anh ta, Phan nói nhỏ đủ cho Nhân nghe:
- Cậu nghĩ rằng, có người trong số này sẽ chết, đúng không? Cái lắc đầu của cậu, trước khi cậu thở dài, tớ biết.
Đại úy Phan có giác quan kỳ lạ. Anh ta có thể nhìn thấy và đặc biệt… anh ta chộp rất đúng ý nghĩ của người đối thoại, dù không nói ra. Phan có cặp mắt sâu, đôi lông mày rậm, râu quai nón, trán rộng, như được xoa mỡ bóng lộn, đặc biệt vào mùa đông, da ở bàn tay bị xùi lên như vẩy, xù xì. Ở đơn vị đã có vè chế giễu “Xù xì da cóc/ Râu mọc đen xì/ Trán đánh véc-ni/ Nói dai như đỉa”. Phan rất chỉnh chu từ tác phong quân nhân cho đến từng câu nói, chưa bao giờ nói sơ hở về chính trị. Những thời điểm quan trọng đến cỡ nào, dáng đi chậm rãi hoặc khẩn trương, nét mặt vui hay đôi lông mày nhíu lại ra chiều suy nghĩ, cười đùa hay nghiêm trang đến mức nào. Đặc biệt, đôi mắt khi nói chuyện với người đối diện cấp trên, mắt anh ta lúc nào cũng nhìn vào cổ áo của thủ trưởng, đôi lúc nhìn xuống đất tránh ánh mắt nhìn vào anh ta, những lúc như vậy, đôi mắt sâu như thiếu nước, anh ta phải chớp chớp hay nháy mắt nhiều hay ít là do người thủ trưởng nói những vấn đề có tầm quan trọng đến cỡ nào… Còn đồng cấp hoặc cấp dưới, đặc biệt là khi nói chuyện trước đông người, đôi mắt của anh ta nháy nhiều hơn và nhìn lên mái nhà, thi thoảng những sùi nước bọt trào ra dính vào khóe miệng lúc anh ta say sưa thuyết giảng. Nhân không trả lời câu nói của Phan, mà hướng về Trung tá Đào Đình Luyện, ông Luyện đã đứng lên:
- Hôm nay, chúng ta bàn về cách đánh, về chiến thuật không chiến, về xạ kích, về kỹ thuật tránh tên lửa của địch. Chúng ta đều biết, sắp tới không quân non trẻ của chúng ta sẽ phải đương đầu với không quân hùng mạnh nhất thế giới. Người Mỹ, có vũ khí và kỹ thuật hiện đại, có cả những phương tiện tính toán chính xác. Trước hết, tôi lưu ý, về không quân địch, chúng ta đã biết sơ bộ, bộ phận quân báo cố gắng liên hệ với phòng quân báo quân chủng để biết cụ thể hơn, chúng ta có thể xin khai thác cung tù binh để biết thêm về địch, đặc biệt là chiến thuật không chiến và tính năng kỹ thuật các loại tên lửa của Mỹ…
Đào Đình Luyện với cách nói gọn gàng, không ồn ào nhưng đi vào lòng người. Mọi người hết sức chăm chú, Long ngồi bên cạnh Thiếu tá Trần Lạc, một sĩ quan dẫn đường đầu ngành. Trần Lạc đã từng chiến đấu bên cạnh Đào Đình Luyện nhiều năm thời còn ở bộ binh. Nhiều lần Long được Trần Lạc nói về Đào Đình Luyện với lòng kính trọng và ngưỡng mộ “… Anh Luyện giữ chức chính ủy trung đoàn 141 lúc mới 22 tuổi, 24 tuổi làm chủ nhiệm chính trị sư đoàn 312. Sau cải cách ruộng đất năm 1953, anh chuyển sang giữ chức tham mưu trưởng sư đoàn 312 cho đến khi được chọn đi học lái máy bay”. Cũng vài lần Long không thỏa mãn cách giải thích của Trần Lạc về chuyện chuyển từ chủ nhiệm chính trị sang tham mưu trưởng. Thời đó, chủ nhiệm chính trị sư đoàn là sự một tín nhiệm tuyệt đối của cấp trên đối với ông. Nhưng, dường như Trần Lạc không muốn nói cho Long biết… Đào Đình Luyện nói tiếp, chín chắn:
- Chúng ta không sợ Mỹ, không sợ vũ khí hiện đại của Mỹ. Nhưng, chúng ta cũng không biến mình thành một kẻ “hữu dũng vô mưu”. Chúng ta hãy động não “tam ngu thành hiền” ai cũng có thể hiến kế. Cách đây ít lâu, tôi đã được nghe tâm sự của anh Hòa cán bộ thợ máy, tôi đã có cuộc trao đổi với anh Long sĩ quan dẫn đường binh chủng, rất bổ ích… Có lẽ, chúng ta bắt đầu bằng cách đánh…
Chương 14
Long hết sức ngạc nhiên, dù anh đã biết Đào Đình Luyện là một sĩ quan cao cấp hiếm hoi, biết nhiều ngoại ngữ, nhưng thạo nhất là tiếng Pháp và tiếng Hoa. Điều đáng phục là ít khi ông dùng tiếng nước ngoài để nói với cấp dưới. Ông am hiểu rất sâu chữ Nôm, thuộc thơ Đỗ Phủ, Nguyễn Du. Ông đọc binh pháp Tôn Tử, Tam Quốc Chí, Sử ký Tư Mã Thiên bằng nguyên tác. Ông nghiên cứu rất kỹ phong cách quân sự của Napoléon, Koutouzov, Yukov. Ông say sưa nghiên cứu binh pháp của Trần Hưng Đạo, Quang Trung … Ông hiểu rõ, những bậc tiền bối thiên tài về quân sự đều là những người có tài thu phục nhân tâm, biết lắng nghe cấp dưới để bổ sung cho nhận định và quyết tâm chiến đấu của mình. Trong những ngày này, khi cuộc chiến đấu chưa thực sự đến, ông biết, muốn đánh thắng, phải vận dụng trí tuệ tập thể… Ông nhìn Nhân, Thành, lớp dẫn đường đầu tiên của trung đoàn. Ông liếc nhìn Trần Lạc, nhìn Long và các phi công của trung đoàn, nói:
- Mig-17 có ba khẩu súng, cự ly xạ kích không xa nhưng uy lực rất mạnh, góc đón bắn đơn giản, chính xác, dù lúc bắn tốc độ góc lớn. Bán kính lượn vòng nhỏ, ta sẽ nhanh chóng cắt bán kính nếu địch đi vào lượn vòng với chúng ta. Đó là điểm mạnh của Mig,…
Ông tiếp tục phân tích rất kỹ những điểm yếu của Mig, của phi công ta, đặc biệt là kỹ thuật nhảy dù khi lâm nạn…
Long nhìn theo bàn tay điều khiển chiếc Mig mô hình bằng nhôm của trung đoàn trưởng đoàn Sao Đỏ. Đôi lúc ông dừng lại, lấy phấn vẽ lên bảng các thông số của một phương trình toán học cao cấp, người ta đã đơn giản nó bằng những hệ số “K”để cho những người có trình độ văn hóa lớp 7 cũng có thể hiểu và tự tính toán được. Mọi người chăm chú nhìn theo bàn tay của ông, ông đang phân tích trạng thái máy bay địch để Mig có thể xạ kích … Còn Long, anh bị ám ảnh bởi những từ ngữ cũ, nhưng lại mới- “nhảy dù” và “lâm nạn”- mặc cho mọi người đang “bám” theo “địch” để xạ kích. Long đã từng học và tập nhảy dù vài lần trên chiếc AN-2, loại máy bay tới hai tầng cánh. Hồi đó, học nhảy dù, giáo viên hướng dẫn cho anh tự gấp dù cho vào áo, rồi giật thử, dù mồi bung ra kéo theo dù chính, anh hoàn toàn tự tin.
Vậy mà, khi cửa máy bay mở ra, bên dưới hun hút, chiếc dù mồi được nối với một sợi dây đã móc vào máy bay, tốc độ chiếc AN-2 chỉ trên dưới 180 km/ giờ, Long cảm thấy gió lướt qua thân máy bay vun vút đến ngộp thở… Có một cái gì đó rờn rợn, trong tâm linh, cái chết vụt đến, anh sợ hãi rụt chân co lại… liền sau đó, cũng bởi tâm linh sai khiến, Long sợ mọi người chê cười, sợ xấu hổ vì nhút nhát, anh nhảy đại ra khỏi máy bay. Gió lướt vụt qua tai, chưa kịp nghĩ cái gì xảy đến, Long nghe vài va chạm ở hai đùi, hai vai bằng cái giật rất mạnh, dù bung ra. Hai tay anh vội vã nắm chặt những sợi dây dù nhìn trời, nhìn xuống mặt đất, ngây ngất, sung sướng biết mình còn sống, trước khi thưởng thức cảnh đẹp của thiên nhiên… Long nhìn những phi công, họ hết sức tập trung nghe trung đoàn trưởng của mình. Long mơ hồ khi nghĩ đến chiếc Mig, nếu nó bị bắn rơi, đâu có ai biết tư thế chiếc máy bay sẽ nằm như thế nào? Quả tên lửa nổ sức mạnh của nó cỡ nào? Phi công bị bắn rơi có đủ tỉnh táo để kéo dù? Viên đạn đẩy dù ra khỏi máy bay nằm ở bên dưới chiếc ghế ngồi của phi công có hoạt động không? chân tay của những chàng trai này có còn phản xạ để tự co vào trong lòng hay bị đập vào thành máy bay nát vụn? rồi, dù có mở hay không? và với tốc độ không chiến trên 900 km/ giờ, cái gì sẽ đến với người lái máy bay lâm nạn?
Long bồi hồi, hết nhìn những phi công, lại nhìn Trung tá Đào Đình Luyện đang muốn những gì hiểu biết của ông phải đến với các chiến sĩ của ông. Đột ngột, Đào Đình Luyện chuyển đề tài, ông tâm sự:
- Các đồng chí có biết, những giờ đầu tiên không quân ta có mặt ở sân bay Nội Bài, ngay đêm 6 tháng 8 năm 1964, đài BBC của nước Anh đã đưa tin “Phi cơ Mig của Bắc Việt Nam đã có mặt ở sân bay Nội Bài”, ngay ngày 7 tháng 8 năm 1964 chiếc U-2 đã trinh sát, chụp ảnh toàn bộ trung đoàn chúng ta. Hôm qua Tư lệnh binh chủng không quân Nguyễn Văn Tiên đã trao đổi với tôi, ông ấy nói: “Đường bay của chiếc U-2 vừa là một sự răn đe, vừa là một thách thức đối với chúng ta. Bọn Mỹ ngang nhiên dòm ngó chúng ta, và việc Mig xuất hiện ở sân bay Nội Bài không còn là yếu tố bất ngờ đối với người Mỹ. Vấn đề là, chúng ta tự tạo ra bất ngờ cho từng trận không chiến…”. Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của Tư lệnh. Chúng ta cần phải tỉnh táo, cần phải trí tuệ. Người Mỹ hơn hẳn chúng ta về tất cả các mặt, phi công Mỹ được đào tạo căn bản, giờ bay nhiều. Chúng ta đều biết, ở trên không, giờ bay tích lũy, đồng nghĩa với kinh nghiệm điều khiển máy bay, là sức mạnh ở đôi bàn tay, là sự thuần thục theo thói quen. Người Mỹ có kinh nghiệm chiến đấu trong Đại chiến thế giới lần thứ hai, trong chiến tranh Triều Tiên với không quân Trung Quốc. Tôi lưu ý tất cả vấn đề thực tiễn, để chúng ta thấy rằng, chúng ta yếu và thiếu. Vậy thì, người Việt Nam chúng ta sẽ san bằng cái yếu và thiếu đó như thế nào?Tôi đề nghị chúng ta đi sâu vào mổ xẻ để đi đến hành động thống nhất.
Thiếu tá Trần Lạc giơ tay, Đào Đình Luyện gật đầu, Trần Lạc đứng lên:
- Tôi xin phát biểu ý kiến cá nhân… Tôi hoàn toàn đồng tình với cách đặt vấn đề của đồng chí trung đoàn trưởng. Tại cơ quan quân chủng đã ba lần bàn về cách đánh, rằng chúng ta sẽ đánh như thế nào? Những buổi thảo luận nghiêm túc của các cơ quan, đồng chí Tư lệnh quân chủng và Tư lệnh không quân đều kết luận: “Chúng ta không có gì nghi ngờ về khả năng chiến đấu của chúng ta. Có đồng chí phi công đã nêu vấn đề quyết tử, sẵn sàng lao vào địch một đổi một. Chúng tôi và các đồng chí đều thống nhất, chúng ta chỉ có hơn 20 chiếc Mig-17, nếu một đổi một thì chỉ vài trận chúng ta sẽ hết sạch. Đó là nói một đổi được một. Nhưng cũng có thể với tinh thần”hữu dũng vô mưu “thì có thể chưa chắc chúng ta đã đạt được tỷ lệ đó. Còn,… không quân Mỹ, nhiều lắm… Điều đó không đúng với phương châm tác chiến của quân đội ta”. Riêng về bộ phận dẫn đường, chúng tôi cũng đã bàn về dẫn cho Mig-17 đánh với bọn Mỹ, chúng tôi đã bàn về lấy ít đánh nhiều, nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề hình thái chiến thuật cụ thể. Tại sở chỉ huy binh chủng cũng đã thảo luận nhiều vấn đề, trong đó giải quyết mối quan hệ giữa con người và phương tiện chiến đấu, chính trị và kỹ thuật được đặt ra hết sức nghiêm túc.
Phan ngồi phía sau Nhân và Thành vụt đứng lên, vội vã:
- Chúng ta có thể bàn cách đánh, chiến thuật không chiến… Nhưng, để bàn về yếu tố tinh thần, yếu tố chính trị và kỹ thuật như đồng chí trưởng ban dẫn đường, tôi đề nghị không bàn bởi vì yếu tố tinh thần chúng ta hơn hẳn bọn Mỹ, bọn lính đánh thuê làm gì có tinh thần chiến đấu. Còn mối quan hệ giữa chính trị và kỹ thuật, chúng ta coi chính trị làm gốc, tư tưởng đi đầu, không có chuyện so sánh với chính trị được, chính trị của chúng ta là chính trị ưu việt, cuộc chiến đấu của chúng ta là chính nghĩa, không thể bàn cãi.