Dinh quan trấn thủ Hoá Châu Ðỗ Tử Bình, sớm hôm ấy, có vẻ tấp nập khác thường. Hình như vừa xảy ra một việc gì nghiêm trọng lắm. Các hàng văn, võ quan liêu được lệnh vời khẩn cấp tụ cả trước phủ đường. Ai nấy xì xào hỏi nhau: - Lạ quá, không biết chuyện gì? - Giặc Tầu tràn sang chăng? - Trong triều nội biến chăng? - Hay có bọn Hời (Chiêm Thành) nào định quấy rối?… - Có lẽ chỉ quan Ðô tướng biết rõ việc bí mật này. Trần Thế Hưng lắc đầu: - Tôi cũng như các ngài vậy thôi… Ta hãy chờ xem. Thế Hưng vừa dứt lời, cửa phủ đã rộng mở. Ðỗ Tử Bình tiến ra. Trên khuôn mặt cương quyết, đôi mắt sáng long lanh. bộ râu hùm điểm bạc lởm chởm quanh cặp môi dầy. - Chào các quan. Văn, võ cúi đầu, kính cẩn. Ðỗ công nói tiếp: - Các ngài hãy theo bản chức vào mật thất bàn việc. Mọi người đưa mắt nhìn nhau. Sự gì đã phải bàn trong mật thất thì không những đáng cho ai nấy ngạc nhiên mà còn nên e ngại nữa. Qua mấy dẫy hành lang vắng ngắt, đám đông tới trước một cánh cửa lim to. Ðỗ Công thân mở khoá: - Mời các ngài vào đây. Gian phòng bí mật mới trơ trụi làm sao! Chính giữa, một chiếc bàn vuông rộng khuất dưới lần nỉ tím buông sát đất. Hai bên song song hai lớp ghế bành. Tất cả đồ trang tiết chỉ có một cái giá cắm chừng mươi đạo binh phù. Ðỗ Công nhắc lại một lần nữa, giọng thấp hẳn xuống: - Các ngài vào đây. Khi văn, võ ngồi yên. Ðỗ công nói: - Thấy lệnh triệu, các ngài chắc đã đoán có việc chi khẩn cấp và quan trọng lắm. Các ngài quả thực không nhầm… Ngừng một lát, Ðỗ công tiếp theo: - Dụ Tôn Hoàng đế gia băng rồi. Nước Ðại nam nhà hiện nay vô chủ! Các quan thất sắc. - A!… - Triều đình muốn tôn Cung Ðịnh Vương, nhưng ý Thái hậu lại muốn lập người con nuôi Cung Túc Vương… - Lập Dương Nhật Lễ làm vua? - Phải. - Nước ta loạn đến nơi rồi! Ðem con một đứa ả đào tôn làm chủ một nước lớn. Ngai rồng còn chi là thể thống tôn nghiêm! - Các thân thần cũng nghĩ thế nên đồng lòng phản đối và quyết trừ Dương Nhật Lễ, rước Cung Ðịnh Vương lên ngôi. Ai nấy hớn hở: - Có thế chăng! Ðỗ Công vẫy tay: - Các ngài chóo vội mừng. Việc trong Triều chưa định xong thì ngoài biên trấn này đã bắt đầu hữu sự. Các quan kinh ngạc. - Nhật Lễ chưa hẳn nguy, mẹ nó lại trốn vào đây, có ý kết liên và xui giục Hoàng tử Chiêm Thành khởi loạn. Thế Hưng mỉm cười: - Xui Hoàng tử Chiêm Thành khởi loạn?… Ðỗ Công vội ngắt: - Tướng quân chớ coi thường. Binh pháp có câu: “Biết người biết mình, trăm trận trăm thắng” Hoàng tử Chế Bồng Nga là bậc thiếu niên anh dũng, dân Chiêm Thành lại là dân yêu chuộng tự do. Nay, nếu vua tôi đồng lòng, quyết cùng ta liều chết để thu lại giang sơn cũ, các ngài tưởng là việc chơi đó sao? Thế Hưng ngờ vực: - Nếu quả như lời Tướng công nói thì kể cũng đáng lo. Chỉ e là câu chuyện hoảng báo của lũ thám tử gà mờ…. Ðỗ Công nghiêm sắc mặt: - Tướng quân nên tin lời lão phu nói mới được. bọn thám tử dẫu chưa biết đích chỗ ẩn núp của con đàn bà phản quốc, dẫu chưa tìm ra tung tích Chế Bồng Nga nhưng có thể quả quyết sự hội kiến hai bên là đích thực rồi. Bản chức không những yêu cầu tướng quân tin chắc sự đó., lại còn muốn phiền tướng quân một việc khó khăn… Thế Hưng khẳng khái: - Ðược tướng công sai bảo, tiểu tướng dù chết cũng vinh. - Biết coi việc quốc gia làm trọng, tướng quân thực là người trung nghĩa đáng khen, cứ như hiện tình, việc bắt con ả đào kia là việc cần nhất, có thể nói là việc sinh tử của nền đô hộ ta mới gây dựng trên di tích Chiêm Thành. Vậy, tướng quân nên tức khắc cùng mươi tên dũng sĩ tìm xem nó lẩn lút chỗ nào. Nhận được giấu vết của con đàn bà ấy, ta có thể mưu bắt cả Chế Bồng Nga. - Xin vâng lệnh. - Hãy thong thả. Tướng quân nên thận trọng lắm mới khỏi lỡ việc. Như khi dò biết mụ kia ở đâu rồi, tướng quân nên ập vào bắt cho kỳ hết bọn nó, đừng để thoát đứa nào. Tướng quân sẽ ép nó viết thư mời Bồng Nga lại bàn việc. Nếu Bồng Nga đến, ta bắt luôn. Nếu hắn không đến thì, ít nhất, ta cũng biết rõ nơi tìm. Mọi người gật đầu, khen diệu kế. Ðỗ công kết luận: - Còn nhu các ngài đây, xin hãy sẵn sàng chơ đối phó với hết thảy mọi việc bất thưòng. Tôi sẽ hạ lệnh giới nghiêm và truyền đóng cổng thành ngay từ bây giờ. Văn, võ cúi đầu vâng theo. Ðỗ Công ra hiệu giải tán hội đồng. Các quan vừa đi khỏi, một cái bóng đen bỗng từ dưới gầm bàn đứng dậy. Người bí mật lắng tai nghe đoạn lấy chiếc thìa khoá riêng mở cửa lẻn ra… Trong phòng khuê, Nam Trân bồi hồi lo sợ. Nàng, tuy chưa hiểu rõ truyện gì, tự nhiên, có cái linh cảm chắc chắn là cuộc tụ họp bất thường kia liên lạc một cách nguy hiểm tới Bồng Nga. Phải, nguy hiểm lắm!… Một người thành thực như chàng làm sao tránh khỏi những mưu gian kế độc quanh mình. Nàng tưởng tượng lúc Bồng Nga bị bắt, bị gông đóng tróng mang, bị thảm hình, lăng nhục chán chường rồi bị ném vào xó tù lạnh lẽo. Tấm thân hồ hảicòn mong chi đạp gió tung mây; đành ngồi trơ lại đấ, ngồi trơ lại với muỗi, với rệp, với trăm nghìn mối thất vọng giết ngưòi, chờ ngày phó thác mảnh hình hài cho lưỡi gươm chuyên chế. Trên đời, đến nông nỗi ấy là cùng cực. Nam Trân thở dài… Trí tưỏng tượng lại đưa nàng về cuộc gặp gỡ dưới nắng thu, trong cảnh hoàng tàn lặng lẽ… …Nam Trân hãy lắng nghe tiếng chim hót, hãy nhìn cảnh rực rỡ chiều hôm, hãy trông mặt trời tà lấp loáng sau rặng cổ tùng… Trên đường luân lạc, tôi chưa từng dám ước mong có một buổi chiều, trong khung cảnh này, được gần một người như Nam Trân. Trời khắc này chẳng biết rồi ra còn lại thấy chăng hay rút cục chỉ là một giấc mơ chiêm bao?… Mấy câu chàng nói, Nam Trân tự nhiên nhắc lại rồi hai hàng lệ nóng bỗng tràn ướt cặp má đào… Giữa lúc ấy, nữ nhạc sư hấp tấp chạy đến bên cạnh nàng, thở chẳng ra hơi. Trái tim ngừng hẳn lại, Nam Trân đứng phắt dậy, hỏi dồn: - Cái gì thế? - Nguy to rồi, tiểu thự ạ! - Nguy làm sao? Người cung nữ thuật đầu đuôi câu truyện đã lỏm nghe trong mật thất, đoạn vừa khóc vừa kết luận: - Tiểu thư nghĩ cách nào cứu vớt lấy tính mệnh hoàng tử Bồng Nga, chứ nếu không…. - Trời ơi, nếu không thì… - Chiếc thân lưu lạc sẽ bị tan tành… Nam Trân, mặt tái ngắt, luống cuống hỏi mụ già: - Làm thế nào… - Vâng, biết là thế nào bây giờ?… Quan Ðô tướng đã kéo quân đi truy nã. Khắp thành trì đã có lệnh giới nghiêm… Nam Trân để tay lên ngực như muốn giữ lấy trái tim. Nàng rền rĩ: - Trời ơi! Xin trời thưong lấy khách anh hùng!… Một phút lặng yên thảm đạm. Tấm lòng nàng thơ ngây đa cảm, lúc ấy, lã bãi chiến trường của hai mối tình trái ngược cùng mạnh mẽ và cùng thâm thiết như nhau… Nàng chu toàn cho Bồng Nga ư? Thì phụ thân, thì tổ quốc, thì cả cái quyền lợi của dân tộc Ðại Nam, nàng tính sao? bỏ mặc Bồng Nga với số phận hẩm hiu. Thì… thì…. Bồng Nga chàng hỡi!… Chàng có thấu tình?….
Giữa gò đất sỏi, cách phía tây thành Ðồ Bàn chừng bốn dặm xa, một ngọn tháp cao nổi đột ngột trên đám lau vàng. Gặp những buổi chiều đông u ám, cảnh vật đìu hiu, cái buồn tiêu diệt thấm thía linh hồn, ngọn tháp chơ vơ kia thực là hình ảnh sự tín ngưỡng thiết tha của loài người đau khổ, muốn bay thấu đấng Từ bi. Xây nên và bỏ hoang lâu ngày, tháp nọ, cũng như hết thẩy mọi công nghiệp của người ta, đã bị Thời Gian, và Thiên Nhiên ngấm ngầm hủy hoại. Những dây truờng xuân, những dây đinh cấy, bám vào kẽ mạch, leo lên tặn nóc, cố đem cái mau xanh thiên cổ che lấp nét tài hoa của nhân loại in trên mặt đá vô tình. Chỗ nào không bị phủ kín thì gió mưa làm cho đến mòn mõi, phôi pha. Những đầu rui chạm trổ, những bức phá phong hoa mỹ lở gẫy dần, bừa bãi trên sân cỏ rậm. Trong các khung cửa, các hốc chạm, những loài bồ các, rơi rơi kéo nhau đến làm tổ ở, mừng thầm được chốn an thân. Nhưng đêm hôm ấy, ánh lửa mập mờ, và những tiếng xì xào dưới hầm đưa lên, khiến chim, thú, khiến cho cả sự lặng lẽ mọi khi phải kinh ngạc. Hầm không rộng lắm, thêm ẩm ướt tanh hôi. Dưới ánh lửa rễ thông chập chờn bốn ngưòi dị dạng, ngồi sát cánh nhau, đang bàn tán một truyện gì bí mật. Người ngồi phía trong, nhìn ra cửa hầm, ăn vận một cách quái gở. Cả khuôn mặt bị che lấp dưới chiếc khăn quàng đỏ thẫm, chỉ hở một đôi mắt long lanh. Bên tả người ấy, một thanh niên tráng sĩ da đen, râu rậm; còn bên hữu, một tướng già gầy guộc khô khan. Người thứ tư, vì quay lưng trở ra, dung mạo khuất hẵn. Cả bốn người rì rầm bàn tán, thỉnh thoảng yên lặng giờ lâu… Viên tướng già nhìn khắp cử toạ rồi, giọng thấp hẳn xuống, như ai nói bên giường bệnh, hỏi người phía trong: - Bà đã viết thư cho Dương Công rồi? - Phải. - Ngộ thư không tới nơi? - Nếu thư không chắc tới, sao tội lại mời các ngài đến đây bàn việc? - Bà lấy gì làm chắc? - Bức thư ấy do một người thân tín của tôi mang về. Ngưòi ấy, trừ phi có bị giết chết ngang đường mới để lỡ việc của ta. - Còn đại sự thì cứ nhất định như thế chứ? - Nhất định. - Bàn tính kỹ chưa? - Kỹ lắm. Triều đình nước tôi có ý tôn Cung Ðịnh Vương lên ngôi, nhưng ông ta là nguời nhu nhược, không phải tay đối thủ của Ðúc ông đây. Vả, hiện giờ, Hồ Quý Ly chuyên quyền, văn võ trăm quan chia bè kết đảng họ nghi kỵ ganh ghét nhau là rất hay cho ta. - Nghĩa là chúng tôi cứ việc lặng yên đem chiến thuyền ra Bắc, vào cửa Ðại An rồi, bất thần, kéo lên đánh phá Thăng Long? - Chính thế. Vua tôi nhà Trần sẽ giở tay không kịp, sự thắng bại ta có thể nắm chắc mười phần. - Kế ấy đã đành rất hay, nhưng tôi vẫn ngại sự nội ứng. - Chắc chắn lắm rồi. - Còn mặt bộ?… - … chỉ cần một toán quân mai phục chặn đường, không cho Ðỗ Tử Bình về Bắc là đủ. Thăng Long mà vỡ, Ðồ Bàn, sau một trận nhỏ, có thể khôi phục được ngay. Viên tướng già quay lại hỏi người phía ngoài: - Chúa công nghĩ sao? - Bồng Nga (vì đích chàng) chưa kịp đáp thì, tự cửa hang, thốt vọng vào một tiếng ống lệnh nổ. Như bị điện giật, ai nấy đứng phắt lên. Một tiếng lệnh thú hai. Rồi, trong hầm sâu, mấy tiếng báo hiệu vang lên, thảm đạm: - Có giặc!… Với bọn võ tướng, hằng trải gian nguy, một phút ngồi yên không phải là sự nghĩ ngơi. Gươm, nỏ lúc nào cũng sẵn bên mình. Vừa nghe quân canh báo giặc, hết thẩy đứng dậy, nhu đàn mãnh hổ, mắt sáng quắc, tai lắng nghe. Giữa khoảng yên lặng, tiếng chân ai chạy gấp trên mặt sân. Phút chốc, trong khung cửa lờ mờ sáng, một người hiện ra: - Có giặc!… Ta bị vây rồi!… Hai tiếng ống lệnh vừa nổ là của tên lính canh ấy. Bồng Nga thét: - Tắt lửa đi! Sĩ tốt bên ngoài vào cả đây. Chớ xung đột vô ích, vì đổ máu lúc này là thừa. Mọi người răm rắp, tỏ ra sự nguy biến rất quan trọng. Quân sĩ chen nhau vào hầm. Bồng Nga, hiểu rõ đưòng lối trong hầm, dẫn quân chạy trốn. Nhưng, về phía trước, bỗng có tiếng thì thào và tiếng gươm giáo va nhau. Vội giang hai tay cản bọn theo sau, Bồng Nga khẽ nói: “Ðứng lại!” Cùng lúc ấy, tiếng hô: “Bắn!” Một lượt hoả hổ bùng lên. Nhìn thoáng quân sắc đại Nam, Bồng Nga cũng hô: “Bắn1”. Một trận mưa bấc, một tia chớp loè. Ba tên quân Chiêm Thành chết ngay. - Ðường tụy đạo nghẽn rồi. Muốn thoát chết phải ra rừng. Quay lại! Quân Nam lại bắn. Ðằng này, theo lệnh của Bồng Nga, chạy lộn ra phía cửa hang. - Sẳn sàng cả đấy chứ? - Bẩm, sẳn sàng cả. - Quái, không hiểu sao chúng nó biết ta ở đây! - Chắc có nội phản! - Mặc lòng. Ðã đến nước này, không liều không được. Các ngươi nên nhớ rằng nếu ta bị bắt, kẻ thù sẽ không để sống một người nào. Cũng là chết, ta nên trọn cái chết của người chiến sĩ. - Xin tuân mệnh. - Tiến! Tiến lên và cho quân thù biết mặt anh hùng!… Quân sĩ đồng thanh: - Tiến! Ðang chạy, Bồng Nga giật mình, vì chàng thoáng ngửi mùi khói toả: - À!… Quân này dễ nó hun bọn ta! - Thì ta phải cho nó biết ta là hùm thiêng!… Khói mỗi lúc một dầy đặc; ngoài cửa hang, lửa cháy tưng bừng. Chỉ còn mươi bước. Bồng Nga đã nhìn thấy gươm dáo của bên địch lập loè. Chàng nghiến răng, trợn mắt, hăm hở muốn xông ra. Bỗng có người nắm áo chàng lôi lại. - Kìa! Bố Gia Luân! Sao cản ta? - Chúa công đừng mạo hiểm… Bồng Nga gắt: - Thế ngươi muốn ta hàng giặc à? - Không phải thế? - Hay trốn? - Chúa công nên nguôi giận. Anh hùng phải nên rõ chữ quyền biến. Chúa công hiện nay là hy vọng của một dân tộc, là linh hồn của ba quân, tấm thân nghìn vàng ấy, há nên quăng vào nơi miệng hùm nọc rắn hay sao? Giặc đến đây, chủ ý bắt Chúa công. Nhân nó chưa tường mặt, tôi xin bắt chước Kỷ Tín khi xưa, chết thay vua Cao Ðế… Bồng Nga cảm động: - Tướng quân trung nghĩa như vậy, ta xin ghi nhớ bên lòng. Nhưng… Tiếng reo ngoài cửa hang như sóng cồn đất động… Bố Gia Luân hăng hái: - Việc gấp lắm rồi! Chúa công hãy tìm lối thoát thân, đừng để tôi phải chết uổng. Dứt lời, viên tướng già nhẩy xổ ra ngoài sân, thét: - Lũ giặc kia!… Muốn xem mặt Chế Bồng Nga thì lại đây!…. Vùua nói vừa sấn vào giữa loạn quân, tung hoành chém giết. Cảnh xung xát không sao tả được. Tiếng quát mắng, tiếng rên la, tiếng đao, thương, tiếng cung, nỏ vang động một vùng hiu quạnh. Hai quân áp lá cà trong bầu không khí xặc mùi khói lửa ngã, dậy, lại ngã; thấp thoáng giữa muôn nghìn ánh gươm lia… Tráng sĩ, đứng cạnh Bồng Nga, nói: - Nhân lúc này, Chúa công nên tháo mau. - La Khải! Ta nở nào bỏ Gia Luân, một vị lão anh hùng!… - Chúa c6ng nếu nghĩ vậy, giang sơn Chiêm Thành không mong gì tái tạo được nữa đâu! Phải đi, đi ngay mới kịp…. - Thế còn lão phu nhân đây? La Khải cau mày ngẫm nghĩ… Mụ già hoảng hốt, níu lấy tay áo Bồng Nga: - Chúa công ơi!… Chúa công… cho già này theo… Ðỗ tử Bình mà bắt được già này thì!… La Khải trợn mắt, hẩy mụ già xuống đất … một nhát gươm… Một tiếng thở dài… - La Khải! Sao ngươi tự tiện… - Bẩm chúa công, lúc này không thể bìu dín được. Ốc chưa mang nổi mình ốc, còn hơi sức đâu mang rêu. Chúa công cho mụ theo đi, tôi e lỡ đến mình rồng; bỏ mặc lại với quân Nam cẩu, việc lớn của ta còn gì! Nói đoạn, tráng sĩ nắm tay Bồng Nga, cùng chạy lẩn vào đêm tối… Trên mặt sân, cuộc chém giết vẫn hăng…
Chế Bồng Nga băn khoăn hết đứng lại ngồi. Lắm lúc chàng lo ngại, không biết sứ giả có trót lọt chăng. Lắm lúc chàng vui sướng tưởng đến vẻ mặt của Nam Trân khi nhận được thư chàng, vẻ mặt cô gái Ðại Nam mà chàng đã đoán rõ tấm lòng thương xót hâm mộ đối với khách anh hùng luân lạc. Cũng có lúc chàng buồn rầu mơ mộng, vì cuộc gặp gỡ êm đềm của Nam Trân với chàng không hi vọng gì có một sự kết liễu tốt tươi. Chàng thở dài, ngẫm nghĩ: - Bỗng không vưóng phải lưới tình rồi ra, vớ mối sầu vong gia thất thổ biết đâu lòng ta chẳng đeo thêm một sự tuyệt vọng chua cay! Như đáp lại cái bối rối của chàng, một mụ già gánh đôi bồ lớn từ dưới chân gò đi lên bỗng cất tiếng hát… Trái tim của Bồng Nga nhẩy lên thình thịch; chàng nhìn chăm chú người đàn bà gày ốm có lẽ đã được giáp mặt Nam Trân và sắp kể truyện nàng. Mọi việc đã trôi chảy đứng như dự tưởng của Bồng Nga. Chế Bun, tên mụ già, lợi dụng sự tin cẩn mà từ quan Trấn Thủ đến anh lính quèn vẫn gửi ơ mụ, một người vẫn cung những món hàng vặt cho tiểu thư Nam Trân, đã len lỏi vào tận trong nội phủ giữa lúc toàn thành đang có lệnh giới nghiêm. Trong các thứ hàng vặt Chế Bun bày la liệt trên bàn. Nam Trân để ý đến một cái hộp ngà chạm chổ rất tỉ mỉ. nàng cầm lấy chiếc hộp, vân vê xem từng nét chạm. Ðường soi, và, sau khi đã ngắm chán chê, nàng hỏi Chế Bun lấy thìa khoá để xem bên trong hộp ngăn nắp ra sao. Chế Bun giả cách tìm một lát, sau cùng mụ nói trót để quên thìa khoá ở nhà và xin phép về tìm. Nam Trân ưng thuận. Mụ già xếp các vật vào bồ, quảy gánh bước ra. Một lúc sau, Nam Trân đang nóng xem bên trong chiếc hộp ngà thì tên thị nữ cầm chiếc thìa khoá bằng bạc vào trình, nói rằng mụ Chế Bun gửi lính canh đem dâng tiểu thư vì mụ còn giở chút việc cần nên không vào hầu ngay được. Nam Trân không để ý tới sự nhỏ mọn đó. Nàng tức khắc mở hộp. Tên thị nữ biết tính Nam Trân không thích có người đúng quanh mình những khi nàng không có lệnh gọi, khẽ khẽ lẻn ra. Trong hộp ngà, Nam Trân thấy chỉ có một mảnh hoa tiên gấp nhỏ. Nam Trân cảm động và đoán ngay ra sự gì bí mật. Nàng thổn thức, cất lấy tờ giấy mở ra xem: Nam Trân tiểu thư. Ðang khi mắc cạm trong hầm tháp cổ, tôi có ngờ đâu còn được viết bức thư này. Tiểu thư ơi, từ hôm gặp nhau trong cảnh hoang tàn miếu điện của tổ phụ tôi, tôi đã nhận thấy, tuy tiểu thư chẳng nói ra, tấm lòng thương xót của tiểu thư đối với kẻ xấu số này. Tôi thực cảm động vì mối tình thâm thiết ấy của tiểu thư. Nhưng ở đời, con đường tình ái cổ lai vẫn là con đường gai góc. Tôi, lúc này, cần phải lo trả nợ Non Sông, cùng với người Ðại Nam một phen sống chết. Thế thì, với tiểu thư, ngoài tấm lòng thờ kính riêng để tronglòng, tôi công nhiên là một kẻ thù vậy. Ðó thực là một sự đau lòng, nhưng biết làm thế nào! Có một điều này, một cái ân lớn tôi muốn cầu xin tiểu thư, nhưng chẳng biết tiểu thư có vui lòng ban cho: đêm nay, tôi muốn được gặp tiểu thư để nói mấy lời cảm tạ, và, trước khi đem thân dâng cho xã tắc, để cùng tiểu thư vĩnh biệt lần cuối cùng. Cuối canh hai tôi đến. Tiểu thư an tâm, không phải lo cho tính mệnh của tôi, vì đường lối trong thành tôi đã thuộc cả. Chế Bồng Nga. Nam Trân liếc mắt nhìn quanh, hoảng hốt. Nàng tưởng chừng hể quay đầu lại thì Bồng Nga đã ở sau lưng! Trong lúc Nam Trân hồi hộp với phong thư ấy, thì Bồng Nga đang lắng tai nghe mụ già kể lể. Khi đã hỏi đi hỏi lại về Nam Trân, Bồng Nga mỉm cười cho mụ già lui rồi trở vào trong lều tranh gọi các tướng ta lại bàn việc. Mọi người vừa hội họp đông đủ, Bồng Nga cất đặt phận sự ai nấy xong lập tức truyền thắng ngựa. La Khải giật mình vội hỏi: - Chúa công đi đâu? - Ta phải về Ðồ Bàn có việc khẩn cấp. - Chết chửa! Chúa công đi sao được? Ðồ Bàn hiện nay canh phòng nghiêm ngặt lắm. Trời lại sắp mưa bão to, chúa công mạo hiểm như vậy e có sự không hay. Bồng Nga nhìn xa phía chân trời thì quả nhiên cơn giông sắp tới thực. Mặt bể gầm thét và dềnh lên rất nhanh tuy chưa đến giờ thủy triều. Trên cao, mây đen chạy vùn vụt, nối nhau vô cùng vô tận. Gió mỗi lúc một nhanh, một mạnh, tàn bạo, hung hăng như muốn cuốn lôi hết thảy vào trong cơn lốc. Bồng Nga điềm nhiên nói: - Mặc! Ta phải đi!
Từ lúc xem thư của Bồng Nga, Nam Trân ngồi đứng không yên. Yêu, thương, lo, sợ, bấy nhiêu tình cảm xôn xao, ray rứt tâm hồn nàng. Giữa những phút bồi hồi ấy, nữ nhạc sư bỗng tự ngoài vào, băng khoăn lo ngại. - Thưa tiểu thư, chẳng hay những chậu hoa có cần phải cất vào không ạ? Nam Trân hỏi: - Tại sao phải cất? - Thế tiểu thư không xem chiều trời đó ư? Sắp có cơn bão to lắm, có lẽ đổ cây nước cũng nên. Nam Trân, nghĩ đến Bồng Nga, hoảng hốt. - Trời ơi, thực vậy sao? Nguy lắm đấy nhỉ? - Với tiểu thư ngồi tốt trong dinh thì chẳng việc gì; nhưng, với những dân sự ngoài thành hoặc những kẽ bận công việc phải đi ra đường, cơn bão này nguy hiểm lắm. - Già tin chắc như vậy chứ? - Bẩm chắc lắm. Tiểu thư có nghe đấy không? - Cái gì? - Rặng phi lao ngoài bờ biển. - À nhỉ, nó rền rĩ ghê gớm lắm, mà đó chính là cái dấu hiệu báo trước một trận đổ đất nghiêng trời. Quả vậy, trời tối sập xuống rất nhanh vì mây đen mỗi lúc một nhiều, thỉnh thoảng, một vệt gió qua, lay chuyển nhà cửa; rồi đâu đó lại im lặng như không, cái im lặng tựa hồ sự hấp hối của vạn vật. Nam Trân nhìn ra ngoài, những cây to rùng mình như cảm thấy sự xung đột gớm ghê của gió, của đất, của trời. Nàng kinh sợ, chắp hai tay lại, lẩm nhẩm: - Lạy Trời, lạy đức Quan Thế Âm bồ tát, xin người che chở cho Hoàng tử. Lúc ấy, bên ngoài đã tối đen như mực, nhưngmổi làn chớp lại soi sáng cả một vùng cảnh vật bằng cái ánh xanh le thảm đạm. Mỗi làn chớp tắt phụt đi thì tiếng sấm lại nổ ù ù, từ sau giải Trường Sơn chuyển xuống kinh thành Ðồ Bàn rồi mất tăm trên mặt biển sóng cồn. Theo với sấm gió chạy như điên cuồng, vặn cành nhổ cây, tốc mái nhà lên giữa không trung u ám. Nam Trân, tâm thần mê loạn, nhắc luôn câu nói thiết tha: - Ví phỏng dọc đường chàng được vô sự thì qua năm vọng gác, tính mệnh của chàng biết có được nguyên lành? Thương ôi, ta là thế nào được bây giờ? Trái lại với Nam Trân, Bồng Nga càng gần sự nguy hiểm, càng như lẩm liệt thêm lên. Mỗi tiếng sét đánh, chàng lại ngẩng trông trời; mỗi làn chớp lóe chàng lạihé môi cưòi nụ; chàng đã từng phen tranh cạnh cùng người, nay chàng tựa hồ khoan khoái được tranh thắng cùng tạo vật. Lính hầu đã dắt ngụa chực sẵn ngoài thềm. Bồng Nga vỗ về cô ô chuy đoạn nhảy phắt lên yên. Ô chuy hét một tiếng to, vụt chạy như làn chớp.