Chỉ mục bài viết |
---|
Robinson Crusoe |
Trang 2 |
Trang 3 |
Trang 4 |
Trang 5 |
Trang 6 |
Trang 7 |
Trang 8 |
Trang 9 |
Trang 10 |
Tất cả các trang |
Chương 17
Nhưng vừa ra khỏi bờ, chúng lại quay trở vào, có lẽ đã nghĩ ra được một cách gì khác để tìm bọn mất tích. Chúng để lại ba tên coi xuồng còn bao nhiêu đều trở lên bờ đi tìm đồng lõa. Cách bố trí ấy của chúng gây trở ngại lớn cho chúng tôi. Nếu chiếc xuồng mà thoát khỏi tay chúng tôi thì dù có tóm được cả bảy tên trên bờ cũng chẳng nên công chuyện gì! Bọn canh xuồng thấy động tất nhiên sẽ nhảy lên xuồng chạy trốn về tàu; đến nước ấy nhất định chiếc tàu sẽ giương buồm đi thẳng và thế là chúng tôi sẽ mất hết há vọng cướp lại chiếc tàu. Oái oăm hơn nữa là bọn này lại chuyển chiếc xuồng ra ngoài xa và bỏ neo cách bờ một quãng. Cơ sự này thì bao nhiêu điều mưu tính trước đều đổ nhào cả. Chúng tôi đành chờ xem tình thế xoay chuyển ra sao để liệu bề tính kế. Bảy tên lên bộ đi sát nhau thành hàng chữ nhất như dàn trận mà tiến về phía trái núi bên nhà tôi. Nhờ thế, chúng tôi thấy chúng rất rõ ràng mà chúng không thể thấy chúng tôi được. Chúng tôi rất mong chúng lại gần hơn nữa để nổ súng vào chúng dễ dàng, hoặc là chúng đi ra xa hơn để chúng tôi ra khỏi chỗ nấp mà không bị lộ.
Lên tới đỉnh núi, ở đó có thể nhìn bao quát được một phần lớn cánh rừng và những thung lũng trong đảo, nhất là về phía đông bắc là phía thấp hơn hết, chúng lại gọi ầm lên cho đến lạc cả giọng. Hình như chúng không dám liều lĩnh đi sâu vào nữa, sợ gặp nguy hiểm; chúng lại ngồi xuống bàn cãi lung tung. Nếu lúc đó chúng thấy mệt mà có "sáng kiến" muốn nằm ngủ thì tốt quá! Nhưng quả là chúng đã lo sợ đến nỗi không còn đầu óc nào nghĩ đến nằm ngủ nữa, mặc dầu chúng chưa biết mảy may gì về tai họa đương đe dọa chúng. Theo dői cử chỉ và thái độ của chúng, viên thuyền trưởng đoán già rằng chúng sẽ nổ một loạt súng thứ hai nữa để làm hiệu cho đồng lõa. ông bèn bàn mưu là sau khi chúng bắn xong chưa kịp nạp đạn, tất cả chúng ta sẽ nhảy xổ tới dùng vũ lực bắt chúng phải qui hàng, như thế thì sẽ không phải đổ một giọt máu nào. Mẹo ấy quả thật hay nhưng phải làm cho thật đúng lúc, gọn và nhanh. Muốn vậy, phải tiến lại thật gần để chúng không kịp trở tay được.
Nhưng mưu thần ấy cũng tan ra mây khói vì không gặp được cơ hội. Chúng tôi cứ nhìn nhau một hồi lâu, chẳng biết tính liệu ra sao! Cuối cùng, theo ý tôi, phải chờ trời tối vậy. Nếu đến tối mà chúng chưa trở về tàu thì sẽ kiếm cách chặn đường chúng ra bờ biển rồi liệu kế trà trộn với chúng cùng lên xuồng mà bắt buộc chúng phải trở vào bờ. Như thế kể cũng phiêu lưu thật nhưng cũng không có cách gì khác. Chúng bàn cãi một hồi lâu trên đỉnh núi rồi đứng cả dậy kéo nhau ra phía bờ biển. Thôi thế là hỏng bét cả rồi! Có lẽ chúng đã hình dung một cách khủng khiếp những tai nạn đương chờ chúng ở hòn đảo hoang vắng này! Bởi thế cho nên chúng mới trở về tàu, tiếp tục cuộc hành trình, bỏ mặc bọn đồng lõa đã biệt tăm biệt tích. Thấy chúng quay trở ra tàu đột ngột như thế, viên thuyền trưởng như cháy cả ruột gan. Để đối phó với tình thế gay go đó, tôi bèn nghĩ ra một mưu bắt chúng phải quay trở lại chỗ cũ và quả nhiên chúng tôi đạt được kết quả mong muốn. Tôi phân công viên thuyền phó và Thứ sáu làm nhiệm vụ dử địch. Hai người sẽ qua bên kia cái vịnh nhỏ ở phía tây, tới chỗ hồi trước tôi đã cứu Thứ sáu khỏi bọn thù địch. Tới một ngọn đồi nào đó, họ sẽ hú ầm lên và đứng lại cho đến lúc biết chắc là những quân kia đã nghe tiếng họ.
Nghe bọn kia trả lời thì họ lại hú lên một tiếng nữa rồi tiếp tục đi thành một đường vòng cho kín đáo. Tới mỗi ngọn đồi, họ lại hú lên như thế để dử quân địch đi sâu dần vào trong rừng. Cuối cùng, họ sẽ theo một con đường riêng trở về chỗ chúng tôi nấp. Bọn kẻ cướp mới bước chân vào xuồng thì những tiếng hú thứ nhất vang tới. Vừa nghe thấy, chúng nhảy bổ ra, chạy vội lên mé bờ biển phía tây tức là theo hướng tiếng kêu. Bị cái vịnh nhỏ chắn lại, chúng không thể qua bên kia được vì nước triều đang lên to lắm. Thế là chúng phải đem chiếc xuồng lại để vượt qua vịnh, đúng như tôi đã dự tính, trước khi đưa chúng vào bẫy. Qua được bên kia, chúng đem giấu xuồng vào một chỗ kín ở sâu trong vịnh rồi kéo nhau đi, chỉ để lại hai tên trông xuồng. Bọn này đem xuồng buộc vào một cây to gần đó. Thật là quá hợp ý muốn của tôi. Trong khi Thứ sáu và viên thuyền phó tiếp tục nhiệm vụ, chúng tôi đi vòng sang bên kia vịnh rồi bất ngờ đánh úp bọn gác xuồng. Một tên nằm trong xuồng, còn một tên nằm dài trên bãi cát, nửa ngủ nửa thức. Chúng tôi ập tới thì tên này thức dậy; hắn đương ngơ ngác thì viên thuyền trưởng đi trước đã nhảy xổ lại giáng cho một báng súng, hắn ngã lăn quay bất tỉnh. Tiếp đó, ông lên tiếng gọi tên trong xuồng và bảo nó phải qui hàng nếu muốn toàn mạng. Tên này cũng chẳng phải nghĩ ngợi lâu la gì.
Vốn cũng là một trong mấy người lương thiện miễn cưỡng theo bọn bất lương, anh ta qui thuận ngay và tình nguyện đi theo giúp chúng tôi hết sức. Trong lúc đó thì Thứ sáu và viên thuyền phó chơi trò ú tim khéo đến nỗi cứ vừa gọi vừa trả lời, họ đã dử bọn côn đồ từ ngọn đồi này qua ngọn đồi khác, làm cho chúng mệt lử và lúng túng chẳng biết đường nào mà lần. Họ chỉ buông tha chúng sau khi đã lừa chúng vào khá sâu trong rừng, không còn có thể mò trở ra xuồng trước khi trời tối mịt. Khi hai người về tới chỗ hẹn thì cũng đã mệt nhoài ra cả rồi. Nhưng họ vẫn còn rộng rãi thì giờ nghỉ ngơi vì chúng tôi quyết định chờ đêm đến mới tấn công vào bọn địch để dễ bề chiếm phần thắng. Bọn kia trở về đến gần chỗ để xuồng sau Thứ sáu mấy tiếng đồng hồ. Chúng tôi nghe rő ràng những tên đi trước giục bọn đi sau rảo bước. Nhưng bọn đi sau trả lời là chúng đang mệt gần chết, không nhấc nổi chân lên nữa. Nắm được tình hình địch như thế, chúng tôi lại càng vững lòng cầm chắc phần thắng trong tay. Chúng tỏ vẻ kinh hoàng quá sức khi thấy nước triều đã rút, chiếc xuồng nằm trơ trên bãi cát không người trông coi. Chúng gọi nhau í ới, nghe thật thảm hại. Chúng than thở với nhau rằng chúng đã vô phúc đặt chân lên một hòn đảo kỳ quái: nếu trên đảo có người thì chúng sẽ bị giết hết không còn một mống hoặc nếu có ma quỉ thì chắc chắn cả bọn sẽ bị nhai sống nuốt tươi. Chúng lại kêu ầm lên và gọi tụi đồng lõa từng tên một, nhưng chẳng có một ai trả lời. Trong lúc tranh tối tranh sáng, chúng tôi thấy chúng chạy ngược chạy xuôi, xớn xơ xớn xác, hai tay vặn nhau tỏ vẻ tuyệt vọng. Có lúc chúng chạy vào trong xuồng để nghỉ một chút cho đỡ sợ; nhưng rồi chúng lại nhảy ra khỏi xuồng, chạy tán loạn trên bãi cát chẳng hiểu đi đâu.
Chúng loanh quanh như thế khá lâu và hốt hoảng hết sức. Các bạn của tôi đều muốn nhảy xổ ra đánh chúng cùng một lúc.
Nhưng tôi lại muốn thu hoàn toàn thắng lợi mà chỉ phải đổ rất ít máu. Tôi bèn cương quyết chờ, hi vọng chúng sẽ phân tán. Để ngăn không cho chúng trốn thoát, tôi tìm cách thu hẹp vòng vây lại dần. Tôi bảo Thứ sáu và viên thuyền trưởng trườn về phía chúng, càng gần càng tốt, nhưng đừng để bị lộ. Hai người vừa tiến được một đoạn thì tên hạ sĩ trên tàu tình cờ quay lại và đi về phía họ cùng với hai tên nữa. Chính tên hạ sĩ này là một trong những tên cầm đầu nhưng bây giờ, trong cơn nguy khốn, nó lại tỏ ra hèn nhát và tuyệt vọng hơn hết. Có lẽ nó định bỏ bọn kia mà đi trốn chăng! Nhưng quả là nó đã hết phúc. Viên thuyền trưởng rất mực căm thù tên khốn kiếp ấy. ông cố hết sức nén giận để bình tĩnh chờ nó lại gần mà hạ thủ cho chắc tay. May sao ông đã trấn tĩnh được và chỉ mấy phút sau, ông đã nhảy vùng ngay dậy cùng Thứ sáu và nổ súng luôn. Tên hạ sĩ bị bắn chết ngay; một tên khác trúng đạn bị thương ngã xuống, hai giờ sau thì cũng chết, còn tên thứ ba bỏ chạy trốn mất. Nghe tiếng súng, tôi chỉ huy "đại quân" xông lên. "Đại quân" của tôi gồm tám người: Tôi là tổng tư lệnh, Thứ sáu là phó tư lệnh, binh sĩ gồm có viên thuyền trưởng, hai người bạn của ông, ba người tù đã được tha và được cấp súng ống.
Chương Kết
Đêm tối như mực, bên địch không thể nào biết được quân số của chúng tôi. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi bảo anh thủy thủ gác xuồng vừa mới đầu hàng lúc chiều hãy lên tiếng gọi bọn chúng từng tên một và hỏi chúng có muốn qui thuận hay không? Quả là diệu kế; kể ra thì cũng dễ hiểu. Anh ta bèn gọi thật to:
-Này, Tô-mát Xmít! Tô-mát Xmít! Anh chàng tên là Tô-mát Xmít trả lời ngay sau khi nhận ra tiếng ai đã gọi mình:
-Anh đấy ư? Rốp-xơn? Rốp-xơn trả lời:
-Đúng đấy! Đúng đấy! Anh Tô-mát ơi! Còn đợi gì nữa? Hãy mau hạ khí giới xuống mà qui hàng ngay đi! Nếu không thì ngay giờ phút này các anh sẽ được đi theo ông vải không kịp trối trăng nữa! Xmít hỏi lại:
-Chúng tôi phải qui thuận ai? Họ ở đâu? Rốp-xơn trả lời, chắc chắn:
-Họ ở đây chứ ở đâu? ông thuyền trưởng với năm chục binh sĩ đã đi sục tìm các anh trong hai giờ đồng hồ rồi. Tên hạ sĩ hèn mạt đã bỏ mạng. U-uán Phờ-rây bị thương nặng, còn tôi thì là tù binh. Nếu các anh không chịu hàng thì khó mà toàn mạng. Xmít hỏi lại, có vẻ hoang mang:
-Nếu chúng tôi hạ khí giới xin hàng thì có được khoan hồng không? Rốp-xơn trả lời, có vẻ ngần ngừ:
-Để tôi phải hỏi ý kiến của thuyền trưởng đă! Viên thuyền trưởng bèn đích thân lên tiếng nói với Xmít:
-Các anh nghe rõ tiếng tôi nói đấy chứ? Nếu các anh qui hàng thì đều được tha tội chết, trừ át-kinh.
Vừa nghe thấy thế, tên át-kinh kêu rống lên:
-Trời ơi! ông thuyền trưởng ơi! Xin ông tha thứ cho tôi với! Nào tôi có làm gì tệ hơn những kẻ khác đâu! Họ cũng phạm tội như tôi cả đấy chứ! Thằng át-kinh nói dối! Chính nó, chính cái thằng át-kinh ấy, đã không tiếc tay làm nhục viên thuyền trưởng. Nó đã trói ông lại và chửi mắng ông thậm tệ.
Viên thuyền trưởng bảo nó rằng ông không hứa hẹn gì với nó cả, ông chưa thể có ý kiến gì khác về việc này, ông còn phải trông đợi ở lòng nhân đạo của vị chúa đảo. Chính ông ta dùng cái danh vị oai vệ ấy để tâng bốc tôi lên đấy; nhưng sau đấy, không ngờ cái hư vị ấy lại được việc vô cùng. Thế là tất cả bọn chúng đều hạ khí giới đầu hàng và xin tha chết. Tôi ra lệnh cho Rốp-xơn và hai người nữa tiến lên trói chúng lại. Sau đó, "đại quân" của chúng tôi, lúc năy nói phao lên là năm mươi người kỳ thực chỉ có vẻn vẹn tám người, tiến ra tước khí giới và bắt sống chúng cùng với chiếc xuồng đã mắc cạn. Riêng về phần tôi, vị chúa đảo, tôi phải đứng tách ra một nơi với một người tùy tòng, không ra mặt vì lý do cơ mật nhà nước. Bây giờ viên thuyền trưởng được toàn quyền nói chuyện với tất cả bọn tù binh. ông nghiêm khắc trách mắng chúng về tội bội phản. ông bảo cho chúng biết là tội ác của chúng có thể đưa đến cho chúng nhiều thảm họa và kết cục là cái giá treo cổ. Chúng lại càng tỏ vẻ hối hận vô cùng và một lần nữa chúng khúm núm xin được tha tội chết. Viên thuyền trưởng trả lời cho chúng biết chúng không phải là tù binh của ông mà là của vị chúa đảo. ông bảo chúng:
-Các anh tưởng đã thả chúng tôi lên một hòn đảo hoang vắng nhưng không ngờ hòn đảo này lại có người ở, hơn nữa lại có một vị chúa đảo người nước Anh. Vị chúa đảo có toàn quyền đem treo cổ tất cả các anh.
Nhưng để tỏ lượng khoan hồng, ngài sẽ cho giải các anh về nước Anh giao cho tòa án xét xử. Riêng với át-kinh thì tôi được lệnh bảo hắn hãy sẵn sàng chờ chết; sáng sớm mai hắn sẽ bị treo cổ. Câu chuyện bịa đặt như thế đã có kết quả không ngờ, át-kinh quỳ gục xuống cầu khẩn viên thuyền trưởng xin hộ với vị chúa đảo tha chết cho hắn và muốn bắt hắn làm gì hắn cũng xin tuân theo. Bọn kia thì cứ thề sống thề chết với ông ta là sẽ cố gắng hết sức chuộc tội để khỏi bị giải về nước Anh... Giờ thoát thân ra khỏi hòn đảo đã đến; tôi thấy phải nhân cơ hội mà nắm lấy tốp thủy thủ này làm lực lượng giúp chúng tôi chiếm lại chiếc tàu. Để đưa chúng vào tròng, tôi bèn đi ra xa, tránh không cho chúng biết vị chúa đảo là người thế nào, rồi ra lệnh triệu viên thuyền trưởng. Thế là có ngay một người đứng cách tôi dăm bước lên tiếng gọi:
-Ông thuyền trưởng! Chúa đảo cho triệu ông! Viên thuyền trưởng vội vã trả lời:
-Vâng, nhờ ông bẩm hộ với ngài rằng tôi sẽ xin lại hầu ngay lập tức. Màn kịch đóng khéo quá! Quả nhiên bọn chúng mắc mưu và mười phần tin rằng vị chúa đảo đương ngự gần đây với năm chục binh sĩ hộ vệ. Gặp viên thuyền trưởng, tôi nói sơ lược cho ông biết ý định của tôi muốn chiếm lại chiếc tàu. ông phấn khởi tán thành và bàn tính ngày hôm sau sẽ khởi sự. Muốn tiến hành công việc cho chắc chắn hơn, tôi bèn phân tán bọn tù. át-kinh cùng hai tên nặng tội nhất trong bọn thì bị giam vào trong động đá, còn những tên khác được đem về trại, xung quang đã có bức lũy đá vây kín. Lũ này đã bị trói chặt và cũng thật lòng trông chờ ở lượng khoan hồng nên chắc chẳng bao giờ chúng dám nghĩ đến chuyện bỏ trốn. Hôm sau, viên thuyền trưởng đến tìm gặp mấy tên này để xem có thể dùng được chúng vào kế hoạch chiếm lại chiếc tàu không? ông ta khiển trách không tiếc lời những hành động bỉ ổi của chúng và nhắc tới số phận hẩm hiu đương chờ chúng. ông nhắc lại thêm để chúng biết rằng tuy được vị chúa đảo khoan hồng nhưng nếu bị giải về nước Anh thì cũng khó thoát được cái giá treo cổ. Sau đó, ông ta nói thêm:
-Tuy nhiên, nếu các anh hứa sẽ hết lòng hết dạ giúp tôi trong một việc rất chính đáng là chiếm lại chiếc tàu thì vị chúa đảo sẽ bảo đảm cho các anh thoát tội chết. Điều kiện đó quả đã có ảnh hưởng lớn đến bọn tù tội kia. Chúng đồng thanh hết lời hứa hẹn sẽ vì ông mà đổ đến giọt máu cuối cùng, sẽ theo ông đi suốt chân trời góc biển, sẽ không bao giờ dám phản bội ông, sẽ coi ông như bậc cha mẹ để tạ ơn cứu sống. ông ta bèn bảo chúng:
-Vậy thì được! Tôi sẽ vì các anh mà lên trình bày với vị chúa đảo những lời hứa hẹn của các anh. Tôi cũng sẽ cố hết sức kêu nài vị chúa đảo rủ lòng thương mà khoan thứ cho các anh. ông ta quay trở lại nói cho tôi biết kết quả câu chuyện và tỏ ý cũng có thể tin được ở lòng thành khẩn của chúng. Tuy nhiên, để đề phòng mọi sự bất trắc có thể xảy ra, tôi bàn với ông hãy nói cho chúng biết rằng ông sẽ chọn năm tên đi theo giúp ông chiếm lại chiếc tàu lập công chuộc tội. Vị chúa đảo sẽ giữ lại hai tên kia cùng với ba tên tù đương giam ở lâu đài để làm con tin, bọn này sẽ tức khắc bị treo cổ nếu đồng lõa của chúng có ý phản bội.
Mệnh lệnh đó quả là nghiêm khắc, chứng tỏ vị chúa đảo không thích nói suông. Năm tên được chọn đi đều vui mừng nhận điều kiện đó; mấy tên bị tạm thời giữ lại cũng không tỏ ý phàn nàn. Viên thuyền trưởng lại khuyến khích chúng tìm con đường ngay thẳng mà đi nên chúng lại càng vững dạ. Lực lượng chúng tôi lúc đó như sau:
1. ông thuyền trưởng, viên thuyền phó và người hành khách cùng đi.
2. Hai tên bị bắt trong cuộc xô xát đầu tiên. Được ông thuyền trưởng bảo lĩnh, tôi đã cho chúng được tự do và giao súng.
3. Hai tên khác cũng bị bắt và bị trói giam trong trại của tôi nhưng theo yêu cầu của ông thuyền trưởng tôi cũng vừa mới thả cho tự do.
4. Năm tên tù vừa được thả sau cùng. Tính rõ như vậy thì có mười hai người tất cả, không kể năm tên làm con tin.
Đó là tất cả lực lượng mà viên thuyền trưởng có thể dùng để tìm cách chiếm lại chiếc tàu. Về phần tôi và Thứ sáu thì chúng tôi không thể rời đảo, hiện nay còn giữ lại bảy tên tù binh. Chúng tôi phải giam giữ chúng cách xa nhau và phải cho chúng ăn uống. Năm tên con tin trong động đá thì tôi thấy tốt nhất là cứ trói gô chúng lại đó; ngày hai bữa, Thứ sáu đem cơm nước cho chúng ăn uống. Còn hai tên kia, tôi sai chúng bưng thức ăn uống tới một nơi nào đó giao cho Thứ sáu.
Tôi cùng đi với viên thuyền trưởng đến gặp bọn này. ông ta giới thiệu cho chúng biết tôi là người được vị chúa đảo cử đến để xem xét thái độ chúng.
Nhất thiết chúng không được đi đâu nếu không được tôi cho phép; trái lệnh sẽ bị bắt giam và bị cùm. Tôi đã đóng vai trò nay rất khéo và làm tăng uy tín của chúa đảo lên nhiều lắm. Phân công xong xuôi, viên thuyền trưởng cho hạ thủy hai chiếc xuồng và chuẩn bị mọi thứ cần thiết. ông giao cho người bạn của ông điều khiển một chiếc xuồng với một toán bốn người. ông ta cùng viên thuyền phó thân hành chỉ huy chiếc xuồng kia cùng bốn người còn lại. Đạo quân của ông sẽ là lực lượng chính đánh vào phía trước, còn toán quân kia sẽ vòng qua phía kia đánh bất ngờ, hai bên sẽ phối hợp thật chặt chẽ. Vào khoảng nửa đêm, tư lệnh thuyền trưởng cho xuất quân. Tới gần chiếc tàu, viên thuyền trưởng bảo Rốp-xơn gọi những tên trên tàu và nói cho chúng biết là đã đưa được chiếc xuồng thứ nhất cùng anh em trên đó trở về, sở dĩ chậm trễ là vì phải tìm họ lâu quá. Rốp-xơn kể con cà con kê cốt để lôi cuốn bọn trên tàu vào câu chuyện đó cho tới khi chiếc xuồng tới sát cạnh tàu. Viên thuyền trưởng cùng viên thuyền phó trèo lên tàu trước nhất và dùng báng súng quật ngã ngay hai tên địch, đúng là hai tên khá lợi hại trong bọn chủ mưu. Quân địch không kịp trở tay nên chỉ một loáng, toán quân của viên thuyền trưởng đã chiếm được tất cả sàn tàu. Họ đóng hết những cửa sàn lại để chặn không cho bọn ở dưới khoang trèo lên ứng cứu. Vừa lúc đó, toán quân ở xuồng thứ nhì cũng lên được phía mũi tàu, quét sạch sàn trước, kiểm soát cửa tàu thông với buồng gã đầu bếp và cầm tù luôn trong đó ba tên địch.
Sau khi làm chủ toàn bộ tầng trên, viên thuyền trưởng giao cho viên thuyền phó đem theo ba người xuống phá cửa buồng tên tổng chỉ huy bọn khởi loạn. Thấy biến, tên này vùng dậy, chộp luôn lấy súng, cùng với ba tên thủy thủ khác sửa soạn kháng cự. Viên thuyền phó lấy một thanh sắt phá được cửa buồng của chúng rồi cả mấy người cùng ập vào. Bọn địch bắn vào họ làm viên thuyền phó bị gãy cánh tay và hai người khác bị thương nhẹ. Mặc dầu bị thương, viên thuyền phó vẫn kịp thời dùng súng ngắn bắn vỡ sọ tên chỉ huy địch; viên đạn xuyên vào miệng hắn rồi xuyên ra sau tai. Thấy chỉ huy của chúng đã nằm chết thẳng cẳng, bọn kia đành phải xin hàng. Cuộc chiến đấu chấm dứt và viên thuyền trưởng giành lại được chiếc tàu không bị thiệt hại gì thêm nữa. ông ta cho bắn bảy phát đại bác để báo tin thắng trận về đảo; đó là dấu hiệu chúng tôi đã dặn nhau từ trước. Tôi đứng trên bờ chờ đợi từ khi hai chiếc xuồng ra đi cho đến lúc bấy giờ là hai giờ sáng. Các bạn cũng đoán được là nghe mấy tiếng súng ấy, tôi hả hê biết chừng nào! Tôi trở về nằm vật ra giường đánh một giấc thật ngon lành sau một ngày và gần một đêm tinh thần và thể chất mệt nhọc hết sức. Một tiếng đại bác thức tôi tỉnh dậy. Vừa mở mắt, tôi đã nghe tiếng gọi tên tôi với danh vị "chúa đảo". Tôi nhận ra ngay tiếng viên thuyền trưởng đương đứng chờ tôi trên đỉnh núi sau nhà. Tôi vừa trèo lên thì ông ta đã âu yếm ôm lấy tôi và chỉ tay ra phía chiếc tàu, ông nói:
-Bạn thân mến và ân nhân của tôi ơi! Chiếc tàu của ông đã về đấy! Nó thuộc quyền ông cũng như tất cả anh em chúng tôi và đồng thời tất cả tài sản của chúng tôi đều do ông định đoạt.
Tôi quay nhìn ra biển khơi và thấy rõ ràng chiếc tàu bỏ neo cách bờ chừng một phần tư dặm đường. Sau khi chiếm lại được tàu, viên thuyền trưởng đã cho kéo buồm lên và nhân được gió ông đưa chiếc tàu vào tận cửa vịnh gần chỗ tôi ở. Vừa dịp nước thủy triều lên, ông đi xuống và ghé ngay trước ngõ nhà tôi. Nhất định phen này tôi thoát khỏi hòn đảo. Cuộc sống ở đây dù càng ngày càng được nâng cao lên bao nhiêu nữa cũng không thể làm giảm mơ ước được trở về Tổ quốc thân yêu, gặp mặt gia đình sau gần ba mươi năm xa cách. Điều kiện thuận lợi lắm rồi! Một chiếc tàu rất tốt sẵn sàng chở tôi đến bất cứ nơi nào tôi muốn.
Hạnh phúc đến thật bất ngờ; tôi vui mừng quá đỗi, đứng lặng đi một lúc không nói ra lời. Nếu không có viên thuyền trưởng đương ôm lấy tôi thì có lẽ tôi đã ngã ngất đi được. Thấy vậy, viên thuyền trưởng đưa cho tôi một cốc nước ngọt mà ông đã đem theo sẵn. Uống nước ngọt xong, tôi ngồi phịch xuống đất và tỉnh lại dần. Nhưng cũng phải một lúc lâu sau tôi mới nói chuyện với ông ta được. Viên thuyền trưởng cũng sung sướng không kém gì tôi, nhưng ông ta vẫn giữ được bình tĩnh. ông thân mật nói hết chuyện này đến chuyện khác, luôn luôn tỏ lòng biết ơn tôi, dần dần làm cho tôi tỉnh được cơn mê hoảng vì sung sướng.
Tôi khóc nức nở một lúc rồi mới nói lên thành tiếng. Bây giờ lại đến lượt tôi ôm lấy ông, coi ông là người đến giải thoát cho mình. Tôi nói với ông là số mệnh cả hai chúng tôi hình như đã gắn bó với nhau từ bao giờ và như thế quả là may mắn cho tôi hết sức. Tôi đã chịu đựng biết bao nhiêu gian lao khổ ải trên hòn đảo hoang vắng này. Với một lòng tin tưởng không bờ bến vào ngày được giải thoát, tôi đã vượt qua tất cả những gian lao khổ ải ấy, và ngày nay quả nhiên tôi sắp được thoát khỏi nơi giam cầm để trở về Tổ quốc thân yêu. Thấy tôi đã trở lại bình thường, viên thuyền trưởng cho đưa quà lên biếu tôi. Quà biếu gồm rất nhiều thứ quí giá và rất hợp với ý tôi: nào rượu các loại, thịt, đường, rồi nào bột, thuốc lá...; nhưng đúng lúc nhất và tôi thích nhất là mấy bộ áo quần rất tốt và đầy đủ cả giày, mũ, bao tay, bít tất, xứng đáng với một vị chúa đảo. Bây giờ chúng tôi phải lo giải quyết cho bọn tù. Tất nhiên chúng tôi không thể cho chúng cùng xuống tàu được, nhưng cũng phải thu xếp cho chúng một đời sống chắc chắn. Tôi bảo Thứ sáu đem hai tên con tin vừa mới được trả lại tự do và năm tên bị trói giam ở hang đá về trại, giữ chúng lại đó để chờ tôi đến. Tôi cùng đi với viên thuyền trưởng đến gặp chúng. Lần này, thì đích danh chúa đảo là tôi. Một tên thay mặt cả bọn trình bày với chúng tôi rằng bọn chúng chẳng dám kêu nài gì cả, nhưng viên thuyền trưởng đã hứa sẽ tha chết cho chúng nên bây giờ chúng xin được khoan thứ. Tôi bảo cho chúng biết bây giờ tôi chẳng biết lấy gì mà ra ơn cho chúng bởi vì tôi đã nhận lệnh từ giã đảo này cùng với thuộc hạ lên tàu trở về nước Anh. Về phía viên thuyền trưởng thì ông ta chỉ biết trói chúng lại giải về nước Anh giao cho tòa án xét xử và tất nhiên chúng không sao thoát khỏi giá treo cổ. Như vậy theo ý tôi thì không có cách nào hơn là chúng phải ở lại đảo này mà sinh sống. Sau này, nếu chúng tỏ ra biết thực lòng hối cải và tự gây dựng lấy một cuộc sống cần cù và lương thiện ở đây thì sẽ có há vọng được tha thứ. Chúng cảm ơn tôi rối rít và nhận ngay điều kiện tôi vừa đưa ra. Chúng tỏ ý thà rằng được ở lại đây còn hơn là chạy theo số phận đương chờ chúng ở nước Anh. Nhưng viên thuyền trưởng giả vờ không đồng ý và cứ khăng khăng một mực không dám tán thành cách giải quyết đó. Tôi bèn làm bộ không bằng lòng và nói thẳng với ông ta rằng chúng là tù của tôi chứ không phải của ông ta. Tôi đã hứa sẽ tha chết cho chúng thì tôi có bổn phận phải giữ lời hứa với chúng; mọi việc xảy ra sau này với tòa án bên nước Anh thì tôi sẽ chịu trách nhiệm. Nếu ông vẫn còn muốn kỳ kèo lôi thôi thì tôi sẽ thả chúng ra như trước, rồi mời ông cứ việc đuổi theo mà bắt chúng lại nếu ông muốn.
Nói thế và tôi làm ngay. Tôi ra lệnh cởi trói cho chúng rồi bảo chúng đi ngay vào rừng. Tôi hứa sẽ để lại cho chúng súng ống, thuốc đạn và những lời chỉ dẫn cần thiết để giúp chúng có thể sống được tương đối đầy đủ ngay từ lúc đầu nếu chúng làm theo những lời chỉ dẫn đó. Tôi không lo ngại cho đời sống của chúng, vì như các bạn đã biết, trên đảo này chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo một cuộc sống lâu dài và có tổ chức. Tuy vậy, tôi cũng sẽ cố gắng để lại thêm cho chúng thật đầy đủ lương thực và đồ dùng. Tôi ngỏ ý với viên thuyền trưởng là tôi còn muốn ở lại trên đảo tối hôm đó nữa để chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho cuộc hành trình. Tôi yêu cầu ông ta cứ trở về tàu sắp xếp mọi việc đâu vào đó, sáng hôm sau sẽ cho một chiếc xuồng nhỏ vào bờ đón tôi và Thứ sáu. Sau khi từ giã viên thuyền trưởng, tôi cho gọi bọn tù lại nhà tôi ở và nghiêm trang nói chuyện với chúng về tình cảnh của chúng. Tôi khen chúng đã khôn ngoan biết chọn con đường sống và hứa sẽ đối xử rất tốt với chúng trước khi ra đi. Biết chắc chắn là chúng sẽ nhất quyết ở lại
-Mà thực ra không còn con đường nào khác
-Tôi bèn bày bảo cho chúng hiểu rõ tất cả chi tiết về đảo này, cách trồng thóc lúa, cách phơi nho, cách làm bánh...
Nói tóm lại, tôi hướng dẫn cho chúng tất cả những điều có thể giúp chúng sống khá thoải mái và đầy đủ. Tôi giao lại cho chúng tất cả khí giới của tôi gồm một số súng hỏa mai, ba khẩu súng săn và ba thanh gươm. Tôi vốn tiết kiệm nên vẫn còn dành được hơn một thùng thuốc súng, bây giờ cũng để lại cả cho chúng. Tôi bày cho chúng cách chăn nuôi đàn dê, cách vỗ cho dê béo, cách vắt sữa và làm bơ với pho-mát. Sau hết, tôi còn hứa với chúng sẽ điều đình với viên thuyền trưởng để lại thêm cho chúng một số thuốc súng kha khá và một ít hạt giống các thứ rau để trồng; trong hoàn cảnh như chúng mà được những hạt giống rau như thế thì phải biết là quí. Tôi lại cho chúng luôn cả một bì đầy hạt đậu mà viên thuyền trưởng vừa mới biếu tôi, nếu chúng biết chăm nom trồng trịa cẩn thận thì sẽ hái được nhiều hạt vô kể. Cuối cùng, tôi còn hẹn với chúng nếu có điều kiện thì sẽ kiếm một chiếc tàu sang đây tìm chúng. ( Việc này về sau tôi cũng thực hiện được. Nhưng vì đã gây dựng cơ nghiệp ở đây nên chẳng ai xin về nước). Tôi cũng không quên nói cho chúng biết câu chuyện những người bạn Tây-ban-nha, ít lâu nữa họ cũng sẽ đến đây sinh sống. Tôi giao cho chúng một bức thư gửi cho họ và dặn đi dặn lại chúng phải ăn ở rất tốt với những người này. Tôi giới thiệu với chúng là ông bạn Tây-ban-nha của tôi, trước kia đã ở đây, sẽ thay tôi cai quản đảo này. Khí giới, đồ dùng, lương thực sẽ giao lại cho ông ấy đầy đủ và sẽ do ông phân phối sau, theo như tôi đã dặn trong thư. Đặc biệt, thái độ của chúng đối với ông sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc xét tha thứ cho chúng sau này. Chúng nhất nhất vâng lời ông. Thực ra, đối với tôi, để các bạn Tây-ban-nha ở lại đây là một việc bất đắc dĩ. Tôi đã bàn đi bàn lại nhiều với ông thuyền trưởng nhưng hiện tình trên tàu sau cuộc khởi loạn không thể cho phép ông lưu lại đây lâu nữa. ông ta hứa với tôi trong những chuyến đi sau này, nếu thuận đường sẽ tìm cách ghé vào đây liên lạc với họ. đoạn kết Ngày hôm sau, tôi từ giã bọn tù ở lại và lên xuồng ra tàu. Nhưng suốt hai hôm liền bị trái gió, chúng tôi chưa kéo buồm lên được. Trước khi nhổ neo, trên tàu cho một chiếc xuồng vào bờ đem theo lương thực đã hứa để lại cho những kẻ "bị đày". Thêm vào đó, theo yêu cầu của tôi, còn có cả những hòm quần áo và đồ dùng riêng của chúng nữa. Chúng rất cảm ơn khi nhận được những thứ đó. Chiếc xuồng quay trở lại. Tàu nhổ neo, kéo buồm lên đường.
Từ giã đảo, tôi đem theo làm kỷ niệm một chiếc mũ lớn bằng da dê, chiếc dù và con vẹt của tôi. Tôi cũng không quên những số tiền trước kia đã lấy được trên tàu đắm. Cái đống tiền ấy đã bị bỏ quên và vùi lấp đi bao lâu nay, bây giờ han gỉ cả, phải đánh sạch sẽ lại mới tiêu dùng được. Tôi rời bỏ hòn đảo, lên đường về Tổ quốc cùng Thứ sáu trung thành của tôi vào ngày 18 tháng 12 năm 1686, theo lịch trên tàu, sau hai mươi tám năm hai tháng và mười chín ngày lưu lạc trên đảo vắng. Ngày giải thoát khỏi cuộc đời cô đơn cũng lại đúng là hôm kỷ niệm ngày tôi thoát khỏi Xa-lê trên chiếc thuyền cướp được của tên cướp biển Thổ-nhĩ-kỳ. Cuộc hành trình lần này thật là thuận buồm xuôi gió. Tôi đặt chân lên nước Anh, Tổ quốc thân yêu của tôi vào ngày 11 tháng 6 năm 1687, sau khi xa đất nước ba mươi lăm năm trời.
Hết.