Mã-Tư nói một cách hung tợn hình như anh rất sung sướng thấy bạn sắp phải chịu hình phạt. Tôi lấy làm lạ sao lại có một luồng ác khí thoảng qua gương mặt rất hiền lành kia. Chính mãi về sau tôi mới hiểu ở với kẻ ác người ta sẽ trở nên ác.
Đã đến giờ các học trò của Phú-Lợi về. Sau đứa trẻ cầm củi, đến một đứa khác, rồi lục tục về mười đứa khác nữa. Mỗi đứa về đến nhà liền treo nhạc khí vào cái đinh ở chỗ giường mình, đứa này cái vĩ- cầm, đứa kia cái sáo, đứa khác cái thụ cầm hay cái đàn quay. Đứa nào không đi diễn trò thì đem nhốt như con vật vào chuồng.
Có tiếng giầy thình thịch lên thang, chắc là Phú-Lợi về. Tôi nhìn thấy một người nhỏ nhắn, mắt đỏ bừng, bước lảo đảo, không mặc kiểu Ý mà vận một cái bành-tô xám.
Phú-Lợi đưa mắt nhìn tôi trước nhất. Luồng mắt làm tôi lạnh cả người. Ông ta hỏi:
- Đứa này là đứa nào?
Mã-Tư vội trình bày việc ông Vỹ-Tiên đã dặn lại.
Phú-Lợi nói:
- A! Vỹ-Tiên về Ba-Lê. Ông ấy muốn gì ta?
Mã-Tư đáp:
- Con không được biết.
- Tao không hỏi mày, tao hỏi thằng bé kia.
Tôi không dám nói thực và đáp:
- Thầy tôi sắp trở lại. Thầy tôi muốn gì sẽ xin thưa chuyện cùng ông.
- A! Đây là một đứa trẻ biết thận trọng lời nói. Mày không phải người Ý.
- Tôi là người Pháp.
Lúc đó có hai đứa trẻ đến cạnh Phú-Lợi có ý đợi Phú-Lợi nói xong. Tôi không hiểu chúng đứng đấy để làm gì. Tôi được trả lời ngay về câu hỏi đó.
Một đứa nhấc mũ ông ta đem đặt nhẹ nhàng lên giường. Đứa kia nhắc ghế đến bên cạnh. Coi bộ quan trọng và lễ phép của chúng dành cho những việc rất tầm thường trên đời, người ta tưởng tượng như hai cậu bé giúp lễ bên cạnh Đức Cha tại một Nhà Thờ nào. Coi đó, người ta biết đám trẻ sợ hãi ông đến mực nào; chắc chắn không phải vì tình chủ thương chúng mà chúng có những cử chỉ ấy.
Khi Phú-Lợi đã an tọa, một đứa trẻ khác đem cái tẩu nhồi thuốc sẵn đến và đứa thứ tư đưa một que diêm đang cháy.
Ông ta cầm diêm ghé qua miệng tẩu rồi vứt luôn vào lò. Xong ông ta mắng:
- Đồ chó! Cái diêm còn sặc mùi thuốc!
Tội nhân vội vã đánh cái diêm khác và đợi cho cháy hết đầu thuốc rồi đưa lại cho chủ.
Nhưng ông chủ không nhận, đẩy nó ra và bảo:
- Không nhờ mày, đồ ngu!
Rồi ông ta quay lại vừa cười vừa bảo đứa khác, cái cười đó chắc là một sự ban thưởng rất quý báu:
- Cát-Độ, cho thầy chiếc diêm, con!
Cát-Độ vội vâng lời.
Khi điếu của ông ta đã bắt đầu cháy, ông vừa hút vừa bảo:
- Bây giờ các “công tử” ra tính toán cho tôi xem. Mã-Tư cầm sổ ra đây.
Phú-Lợi nói chưa dứt lời thì Mã-Tư đã cầm sổ ra đặt trước mặt chủ, một quyển sổ đầy ghét bẩn. Phú-Lợi ra hiệu, đứa trẻ đánh diêm vụng lúc nãy lại gần. Phú-Lợi hỏi:
- Hôm qua mày còn chịu 1 xu, mày khất đến hôm nay, vậy đã có đủ chưa?
Đứa trẻ ngập ngừng và tái mặt trước khi trả lời:
- Con thiếu 1 xu.
- Thiếu 1 xu là thế nào?
- Không phải một xu hôm qua mà là 1 xu hôm nay.
- Thế là 2 xu cả thảy. Không thấy đứa nào chầy như mày!
- Không phải lỗi tại con.
- Đừng nói lôi thôi. Mày đã biết luật. Cởi áo ra, hai roi nợ hôm qua, hai roi hôm nay và truất phần khoai của mày đi. Cát-Độ đâu, mày là đứa trẻ tốt, ta cho phép mày đánh, cầm roi ra đây.
Cát-Độ tháo ở tường ra một cái roi, cán ngắn, đầu có hai dây da dài kết thành những nút lớn. Trong lúc đó, đứa trẻ thiếu một xu cởi áo ngoài; tụt sơ-mi để trần đến ngang lưng.
Phú-Lợi cười gằn, bảo Cát-Độ:
- Thong thả đã. Nó không phải lẻ loi. Nó sẽ sung sướng có nhiều bạn. Mà mày cũng khỏi bận tay nhiều lần.
Những đứa trẻ im lặng đứng trước mặt chủ, nghe thấy câu khôi hài thâm độc đó, đều phải gượng cười.
Phú-Lợi nói:
- Đứa nào cười to nhất chắc là đứa thiếu nhiều nhất. Vậy đứa nào cười to nhất nào?
Mọi đứa chỉ về thằng bé về đầu tiên với thanh củi.
Phú-Lợi hỏi:
- Vậy mày còn thiếu bao nhiêu?
- Không phải lỗi tại con.
- Từ nay hễ đứa nào nói “không phải lỗi tại con” thì phải phạt thêm một roi nữa đấy. Mày còn thiếu bao nhiêu?
- Con đã mang về một thanh gỗ, thanh gỗ rất đẹp! Xin thầy coi.
- Cái này không đến nỗi vứt đi. Nhưng mày đem thanh củi này đến hàng bánh liệu họ có đổi cho mày tấm bánh không? Mày còn thiếu mấy xu, nói đi!
- Con kiếm được 36 xu.
- Còn thiếu 4 xu, đồ khốn nạn! Thiếu 4 xu thế mà mày còn dám vác mặt về. Cát-Độ, mày được dịp sướng tay nhá! Thằng này bỏ áo ra!
- Nhưng còn thanh củi của con.
- Mày được ăn bữa trưa.
Câu khôi hài vô duyên trên làm cho những đứa trẻ không bị phạt nhe răng cười.
Trong cuộc kiểm điểm của Phú-Lợi, mười đứa lần lượt đến nộp thuế. Trong số này có 3 đứa nữa không đủ tiền.
Phú-Lợi gầm lên:
- Trời ơi! Năm thằng giặc này, chúng mày cướp tao, chúng mày bóc lột tao! Chỉ vì tao nhân nhượng quá. Nếu chúng mày không chịu làm việc thì tao lấy tiền đâu mua thịt, mua khoai cho chúng mày ăn? Chúng mày thích chơi, Chúng mày thích cười. Chúng mày thử nghĩ xem “chìa tay giả cách khóc” hơn hay “chìa lưng khóc thực” hơn? Cởi áo chúng nó ra!
Cát-Độ cầm roi đợi. Năm tội nhân xếp hàng đứng trước mặt nó.
Phú-Lợi bảo Cát-Độ:
- Mày biết rằng tao không muốn nhìn sự hành phạt, nó làm tao đau đớn, nhưng tao nghe được những tiếng roi mạnh hay yếu của mày. Mày phải tận tâm làm bổn phận. Mày làm việc vì bánh mì của mày đó. Nghe không?
Rồi ông ta quay vào lò, như là không dám nhìn cảnh máu rơi thịt nát. Còn tôi, tôi ngồi trong một xó, tôi run người vì phẫn uất và khiếp sợ. Con người ấy sắp thành chủ tôi đó. Nếu mỗi ngày tôi không kiếm nổi 30 hay 40 xu, tôi cũng phải giơ lưng cho Cát-Độ. A! Bây giờ tôi mới hiểu tại sao Mã-Tư lại mong chết. Tiếng roi quất lần thứ nhất làm cho tôi rơi nước mắt. Ngồi trong xó, tôi tưởng mọi người quên tôi nên tôi không nén xúc động, nhưng tôi đã nhầm. Phú-Lợi nhìn trộm tôi và tôi có chứng cớ ngay.
Ông ta lấy tay trỏ tôi và bảo với các học trò:
- Chúng mày hãy trông, kia là một đứa trẻ có lòng tốt. Nó không như chúng mày là đồ giặc cười cợt trước cái đau đớn của bạn và trước cái buồn của thầy. Nếu nó vào đây là bạn chúng mày, nó sẽ làm gương cho chúng mày.
Cái tiếng “bạn” làm cho tôi run từ đầu đến chân.
Roi thứ hai, nạn nhân kêu la thảm thiết. Roi thứ ba, nạn nhân rú lên những tiếng đau xót.
Chợt Phú-Lợi giơ tay lên. Cát-Độ ngừng roi.
Tôi tưởng ông ta ra lệnh tha. Nhưng không phải vấn đề ân xá.
Ông ta nói ôn tồn với nạn nhân rằng:
- Mày nên biết những tiếng kêu của mày làm tao khó chịu vì nếu cái roi nó xé da mày thì cái tiếng kêu của mày nó cũng xé lòng tao. Tao bảo cho chúng mày biết trước, mỗi một tiếng kêu sẽ chịu thêm một roi vì là lỗi tự mày. Mày đừng làm cho tao ốm vì buồn. Nếu mày thương tao, biết ơn tao thì mày im mồm đi! Cát-Độ! Mày đánh nốt đi.
Cát-Độ vung tay, ngọn roi quất vãi vào lưng đứa bé khốn nạn.
Nó rên rỉ:
- Mẹ ơi! Mẹ ơi!
May sao tôi không phải chứng kiến thêm nữa. Cửa cầu thang mở ra, ông Vỹ-Tiên bước vào. Đưa mắt một cái, ông hiểu ngay nguyên do những tiếng kêu khóc mà ông vừa nghe thấy khi lên thang. Ông chạy lại chỗ Cát-Độ giật lấy roi vứt đi. Rồi tiến lại đứng trước mặt Phú-Lợi, khoanh hai tay lại, nhìn thẳng vào mặt Phú-Lợi.
Bị bắt chợt, Phú-Lợi hơi luống cuống, nhưng trấn tĩnh ngay và tươi cười nói:
- Đấy ông xem! Có phải thằng bé ác quá không?
- Một điều đáng xấu hổ!
- Ấy chính tôi cũng nói thế.
Thầy tôi gắt:
- Ông đừng đóng kịch nữa. Ông nên hiểu rằng tôi nói ông chứ không phải nói thằng bé kia. Phải đó, chính là một điều đáng xấu hổ, một sự hèn hạ là đánh đập những đứa trẻ con, chúng nó không thể tự vệ được.
Phú-Lợi đổi giọng nói luôn:
- Việc gì đến ông mà ông dính vào! Rõ điên chửa!
- Việc gì à? Việc trình Cảnh sát, ông có biết không?
Phú-Lợi đứng dậy nói to:
- Cảnh sát à? Ông đem Cảnh sát ra dọa tôi có phải không?
Thầy tôi không sợ vẻ sừng sộ của Phú-Lợi, đáp:
- Phải đó.
Phú-Lợi lại bình tĩnh ngay và nói giọng chế nhạo:
- Ông Vỹ-Tiên ơi! Xin ông, ông đừng làm dữ mà tố cáo tôi vì tôi, tôi cũng có thể tố cáo ông được. Như vậy chẳng có lợi gì cho ai cả. Riêng tôi, tôi không nói gì với Cảnh sát đâu, vì việc của ông tôi không cần biết và nếu tôi kể lại những điều tôi biết hay chỉ nói ra một tên, một tên thôi, lúc đó hỏi ai phải dấu mặt vì xấu hổ?
Thầy tôi đứng một lúc không nói gì. Sự xấu hổ? Tôi sững người ra. Chợt ông cầm tay tôi dắt ra và nói:
- Con theo ta.
Rồi thầy tôi đưa tôi ra cửa.
Phú-Lợi cười sằng sặc và nói theo:
- Thôi nhá! Ông bạn già ơi! Hết giận chứ? Ông có việc gì, ở lại nói chuyện.
- Tôi không có việc gì cả.
Và không nói thêm một câu nào, không quay đầu lại, thầy tôi lẳng lặng dắt tay tôi xuống thang. Tôi khoan khoái quá. Tôi đã thoát khỏi hang hùm. Nếu tôi dám, tôi đã nhảy lên hôn thầy tôi.