Chương Bảy
Ông Ômya đặt chén rượu xuống, hỏi:
- Nằm suy nghĩ như vậy, có lúc nào ông đã thử đặt lại vị trí ngôi nhà ông mới dọn đến ở so sánh với Chợ Quán ngày trước không? Theo ông, nhà ông có nằm ở trong vùng Chùa Miên và xóm người Thổ không?
- Có. Nằm thao thức không ngủ được, tôi bật đèn ngồi dậy lục các sách cũ nói về cổ tích Sài Gòn, có cuốn mới viết năm 1968, có cuốn viết từ 1885, xem lại các bản đồ thì mang máng nhận ra rằng cái hẻm tôi ở đứng về phía Bắc ngôi nhà lầu của cố học giả Trương Vĩnh Ký chừng ba trăm thước và ở bìa xóm Thổ ngày trước, một đầu đi ra chùa Kim Chương, còn đầu kia đi mãi ra được đến Cầu Kho, trước đây nổi tiếng vì xóm ăn mày, tên chữ là “Tân Lộc Phương” mà người ta cho rằng nguyên thủy là ruộng lúa của người Khơ-me trồng trọt.
Thấy chỗ nào cũng nói đến dấu tích người Miên, đền chùa tượng Phật, nhang đèn… thú thực có một lúc tôi ngờ rằng cái nhà tôi đang ở có bao nhiêu người đến mướn mà không ở được có lẽ cũng vì những chuyện ân oán, choán đất chùa và ruộng lúa ngày trước chăng?
“Hừ, dị đoan…hoàn toàn là dị đoan”. Tôi tự nhủ thầm như vậy, nhưng thật tình tôi vẫn bán tín bán nghi. Tuy vậy, tôi tuyệt nhiên không sợ hãi, lo âu gì hết. “Một tiếng nói huyền bí bảo mình đến đây… rồi có gì thúc đẩy mình hỏi mướn căn nhà này. Chẳng lẽ nào bao nhiêu sự việc đó lại để đi đến một cái kết cục vô nghĩa vô lý, không đầu, không đuôi?”.
Từ thuở tôi còn nhỏ, cả họ cho tôi là một thằng lì lợm, chướng ách: ai làm gì thì tôi nhất định không làm như thế; ai khuyên tôi thế này thì tôi làm thế kia; ai chê tôi thì tôi hứng lấy và tôi lấy làm thích thú mỗi khi hành động trái ngược lại những người chung quanh. Hỏi làm như thế thì có lợi gì không? Tôi biết là có khi không có lợi, mà còn hại là khác nữa, nhưng cái thích của tôi như thế thì tôi cứ thế mà theo và cũng chính vì thế mà gần hết cả một đời người bị lao đao thất bại. Nhiều người đến lúc trời chiều bóng xế thường “nghĩ lại” và thay tâm đổi tính đi, nhưng tôi không thế.
Cái việc ở lì căn nhà Mệ Hoát, mặc dù bạn bè sa sả về đất chùa, tượng Phật của người Miên, không hề làm cho tôi lay chuyển. “Tái ông thất mã. Biết đâu ở trong cái dở lại chẳng có cái hay nẩy nở ra?” Tôi nghĩ thầm như vậy.
Thêm nữa, tôi yên chí mình là một người không căn bản mà đạo đức chẳng bằng ai, nhưng kiểm điểm lại tất cả các hành động từ khi còn nhỏ cho đến cho đến lúc gần kề miệng lổ, không làm cho ai thất cơ lỡ vận, không giết chóc, tác hại ai, không phản trên lừa dưới làm cho âm hồn dương oán, hà cớ gì lại có người hại được tôi, dù người đó còn sống hay đã chết?
Ngoài thì giờ viết lách và đọc lảm nhảm hết sách nọ đến sách kia, tôi vẫn cứ triết lý vụn với mình như thế (cố nhiên là trong khi triết lý như vậy, bao nhiêu cái gì tốt đẹp cũng để về phía tôi).
Bao nhiêu ngày đã trôi qua? Có lẻ một tuần rồi, mà có lẽ được nửa tháng rồi cũng nên. Chẳng có gì lạ hết!
Không. Nói như thế không đúng hẳn. Trong những ngày đầu đến ở, tôi thấy có một sự khác lạ rất tầm thường, nhưng tôi không thể không lưu ý: công việc làm ăn suôn sẻ, kiếm tiền như vỗ tay, đánh bạc được hoài, lại có những món tiền từ đời kiếp nghiệp lai nào, cả trăm phần chắc mất, thì ở đâu lù lù dẫn lại….
Sống trong tình trạng ấy tôi mới thấy rõ là tiền không làm cho người ta sung sướng (tôi thề không giả đạo đức lên lớp khuyên người ta coi thường tiền) nhưng quả đúng như thế thật: lúc chưa có tiền thì khổ quá chừng là khổ, nhưng nắm một mớ thật bộn ở trong tay, lập tức mình thấy không thiết tha, thú vị gì nữa; hơn thế lại chán nản hơn cả khi nào hết vì không còn thèm gì cả, không muốn gì cả mà đời sở dĩ còn hấp dẫn được người ta một phần lớn là tại người ta muốn thế này, ước thế kia. Những người thật sướng ở đời này, theo tôi, là những người rất khổ, rất túng, tự nhiên một hôm được thỏa mãn một cách nhỏ nhoi giai đoạn rồi lại khổ, rồi lại túng, rồi lại ước mong hy vọng….
Tôi vẫn nói tôi là một người không có khoa học, hay tin bậy bạ. Thấy tiền bạc cứ thong thả đi vào nhà mình như vậy, tôi thú thực là có lúc tôi giật mình lo ngại. Là rằng tôi yên trí rằng đời là một cuộc biến chuyển thường xuyên: hết sáng thì tối, nắng lắm thì mưa, một người hay một nước mà đến tột độ giàu sang, sung sướng (theo trắc lượng của người ấy, nước ấy) thì phải xuống, cũng như trèo lên đỉnh ngọn cây rồi phải tụt xuống chớ không thể trèo lên cao hơn nữa.
Biết làm sao bây giờ? Tôi suy tính trăm nghìn cách, chưa biết sử sự thế nào thì một ý tưởng nảy ra trong đầu.
Một ý tưởng rất hủ lậu, có lẽ; một ý tưởng cố nhiều chất dị đoan, nhưng tôi cứ tự cho mình là phải: sở dĩ tự độ đến ở đây được may mắn, chẳng qua là nhờ đất cát hết, chứ không phải là tháo vát, tài ba gì cả. Nhớ lại lúc còn đông đủ gia đình ở Bắc, bà nội tôi, bố mẹ tôi, tối tối ngồi trò chuyện với nhau, thường kể rằng có nhiều cái nhà tiền chủ rất dữ mà đến ở lại không việc gì, lại ăn nên làm ra thì khác vì nó “hợp” với mình, cần nhất là mình năng cúng vái để cho người ta phù hộ.
“Ờ phải. Mình quên mất hẳn điều đó. Hôm nào mình phải lập bàn thờ cúng ông thổ địa ở đây, ngày rằm mùng một lễ bà tiền chủ, khai quang tẩy uế mới được”.
Tôi xem lịch kiếm một ngày thật tốt để nhân dịp ăn tân gia, thiết lập hai cái bàn thờ đó thì Mệ Hoát một đêm lững thững hiện ra, mờ mờ sương khói, như cái bóng.