Chương Năm
Câu chuyện đầu đuôi như thế này, có sao nói vậy, không thêm, không bớt.
Tháng 7 năm 1954, tôi di cư vào Sài Gòn, trong túi có bảy trăm bạc và một cái va li trong có hai sơ mi, hai cái quần. Trên đầu, có một nón nỉ và dưới chân có một đôi giầy. Thực tình tôi ý niệm đó là một cuộc đi chơi, một vài bữa lại về. Trước đó, tôi đã đi mấy chục lần như thế; mang cái sự vụ lệnh ra lấy một cái vé máy bay đi Sài Gòn nói là đi “công tác” nhưng chính là đi chơi bời bậy bạ và đánh bạc hết ở Ðại Thế Giới lại đến Kim Chung, thua hết lại về rồi xoay được ít tiền lại đi.
Lần đó tôi cũng yên trí sẽ về rồi lại đi như thế thì xảy ra vụ quốc gia đánh Bình Xuyên. Ở một khách sạn đường Năng-xy, thấy ngọn lửa bốc lên ở chung quanh, tôi coi là trò đùa, không thu xếp đồ đạc chạy như người khác. Tôi khoanh tay đứng xem lửa cháy, và nghe súng nổ. Đến lúc cần phải lấy va li để ẩn vào một nơi tương đối yên ổn thì đã muộn.
Nhưng có một mình và còn nguyên vẹn cái đầu và hai bàn tay, có sợ gì? Tôi ở đâu chẳng được? Tôi ăn ở đâu chẳng được?
Hàng phố lên đèn đã thấy tôi đón một tắc xi vào Chợ Lớn ăn qua quít cái gì rồi tất tưởi vào sòng. Tôi vốn “không có cái số đánh bạc” mười lần thì cả chín bận thua cháy túi, về nằm lăn “như thằng chết rồi” ở trên giường. Vậy mà không biết thần đổ rác phù hộ ra sao, kể từ hôm bị cháy hết cả va li quần áo thì đánh bạc lại được hoài: tài sỉu được, ru lét được, đến đêm về, rẽ xuống Ngã Bảy đánh xóc đĩa cũng được luôn. Mà được thế không phải một vài ngày, nhưng luôn trong hai tuần liền; tiền nhiều quá đến nổi không buồn đếm, cứ cuốn lại nhét từng mớ vào khe tủ, ngăn rút hay những chồng quần áo.
Ðúng sự thật, tôi không thấy thú vị gì; trái lại, lại buồn vì đến lúc nhớ lại thân mình thì lịnh cấm không cho Nam Bắc đi lại thông thường như trước nữa.
Ngậm cái buồn thê thiết ở trong lòng, tôi đi lang thang các phố để đợi tối về thì vào ngồi ở một cái bàn nhất định của một nhà hàng nhất định uống rượu một mình để cho say khướt vì có say khướt mới ngủ được, bằng không thì thao thức cả đêm, mãi tảng sáng mới nhắm mắt chợp đi một chút.
Không phải đến lúc đó tôi mới tập uống rượu đâu: tôi chè rượu từ lúc mười lăm, mười sáu tuổi, có thời kỳ uống rượu đế một đêm một lít kèm thêm Mạcten và “A Mi Ô quả phụ sâm binh” mà không sao hết. Nhưng đến lần này thì khác hẳn.
Thôi thì các bác sĩ muốn bảo là thần kinh suy sụp, là ảo giác, là hôn mê thế nào cũng được đi, tôi chẳng cần biết làm gì cả; chỉ biết chắc một điều là những đêm không ngủ, nằm thao thức một mình trong căn phòng không có đàn bà, tôi nghe thấy rõ ràng là có tiếng nói ở bên tai!
Nhất định tôi nói đúng đắn chứ không cà rỡn một li: có khi giữa ban ngày ban mặt, tiếng nói đó cũng kề vào tai tôi nói… Mà đố ông bạn biết nói gì? Nói đi nói lại với tôi một số nhà!
Ðồng thời, tôi nghe thấy văng vẳng ở xa hơn một chút: “Chợ Quán, ở hẻm 158 trên 367, nhà Mệ Hoát hai tầng ngoài có cây y lăng… hai tầng lầu”. Nói cái gì mà nhanh thế! Nhanh quá, như thể là hối thúc, như thể là giục giã, nghe bực quá, không có cách gì chịu nổi.
Ông Ômya ngắt lời, hỏi:
Có tiếng nói ở bên tai, nhưng mắt ông có trông thấy người nói không?
- Không. Nhưng tôi nghe rõ lắm, rõ là tiếng đàn bà xứ Huế, nói rất khoan thai nhưng nặng và hơi gắt.
- Chung quanh đi quẩn lại, chỉ có mấy tiếng đó thôi ư?
- Chỉ có thế thôi. Vậy mới là lạ chứ. Thú thực với ông tôi không sợ hãi, nhưng tôi tức bực vì tôi không hiểu ra sao cả. Tiếng nói đó là tiếng nói của thần linh hay ma quái? Có phải trước đây, lúc còn đi học có tiếng nói đó phải không?
- Ông học sử ký Pháp hơi nhiều rồi lấy hiện tượng làm sự thật thành ra tiềm thức bị ảnh hưởng mà không biết.
- Vậy ư? để tôi còn duyệt lại xem lời ông có đúng không.
- Mà có khi đó chỉ là trường hợp của máu huyết lưu thông ở trong người: vì uống rượu hơi nhiều; máu dồn lên trên đầu làm cho tai ù, ông tưởng tượng nghe thấy như thế rồi lần lần bị ám ảnh vì mấy câu nói đó.
Nghe thấy thế, tôi hơi bực mình. Giả thử cũng là ý kiến đó mà một người khác diễn tả vụng về một chút, tôi rất có thể giận lẫy và lờ đi không nói tiếp, nhưng ông Ômya vừa tỏ ra lễ độ vừa nói năng tế nhị nhẹ nhàng, nên tôi không để ý và chỉ đáp một câu nhạt nhẽo:
- Vâng. Ông muốn nghĩ thế nào cũng được, nhưng tôi quả quyết tiếng nói đó có chứa cái gì khó hiểu bên trong và tôi nhất định đi hỏi cho được căn nhà hai tầng lầu của Mệ Hoát ở Chợ Quán, có trồng cây Y Lăng ở cửa, xem ra thế nào.
Một buổi sáng thấp trời, vào đầu tháng chạp năm 1955, giãi ra tê lạnh ở đường Trần Hưng Ðạo vào chợ Lớn. Những nhà cửa bị bom đạn phá phách hồi xảy ra vụ Bình Xuyên được tái thiết lâu rồi, nhưng từ ngã tư Quốc Tế đến Chợ Quán vẫn có một cái gì lạnh lẽo ứ đọng trong không khí, một cái gì mà người ta chỉ cảm thấy mà thôi chớ khó mà diễn tả bằng lời được.
Thỉnh thoảng lại có một núi rác nằm chềnh ềnh trên bãi cỏ mà không có người đến dọn đi. Ở ngã tư phía ngôi chùa thờ Quan Thánh của người Tàu có một cái chợ lèo tèo.
Tất cả nhà ở hai bên đường cái đều ọp ẹp và xây cất theo kiểu cũ, còn ở trong các ngõ hẽm họa hoằn lắm mới có một hai cái nhà bằng gạch, còn tất cả thì bằng cây sơn các màu xanh đỏ như những cái đồ chơi bằng nhựa, thứ rẻ tiền, của trẻ con chơi bây giờ.
Tôi đi mấy tiếng đồng hồ rồi? Ðã đi hết cả các hẻm vùng Chợ Quán, tôi vẫn không tìm thấy hẻm 158 trên 367.
Hỏi thăm ba bốn người đi đường cũng không biết nốt. “Thôi đích thị là mình bị ảo giác lừa rồi. Có muốn tìm suốt ngày đi nữa cũng không ra nhà Mệ Hoát ở hẻm 158 trên 367 vùng Chợ Quán”.
Tôi đút hai tay vào túi nghĩ thầm như vậy và đang tính có nên trở về hay không thì gặp một đứa trẻ đang lôi sềnh sệch một con chó lường.
- Này em, ở đây có hẻm nào kêu là hẻm 158 trên 367 không?
Thằng nhỏ đứng lại, giơ một ngón tay lên trán xem xét tôi một lúc rồi trả lời:
- Hình như có. Tôi cũng ở đâu gần đấy. Nhưng bây giờ phải đem con chó này ra chợ, tôi không thể đưa ông đi được.
- Em chỉ dùm, cảm ơn.
- Ðây nè. Ông cứ thẳng con đường này mà đi. Ðến cái xe mì, ở dưới cây trứng cá ngã ba thứ nhất, ông quẹo sang trái đến cái chạp phô thì quẹo sang phải, thế là đến nơi.
Nghe thằng nhỏ nói, lòng tôi nhẹ hẳn. Cứ đúng theo lời thằng nhỏ mà đi, vừa đi vừa nhận xét, tôi thấy một tiệm chạp phô thực. Ngay trước tiệm chạp phô đó có một con đường đá lởm chởm loằng ngoằng dây thép gai và một vài cái xe ba gát đã nát không còn dùng được. Tôi quẹo sang tay mặt. Một con đường nhỏ tương đối rộng hơn cái hẻm vừa hồi trườn ra trước mặt.
Nhìn thoáng, tôi thấy chừng mười căn phố trệt, nhưng trong mười căn đó có ba cái liền nhau sửa lại và cất lên hai tầng lầu. Tôi gõ cửa căn nhà thứ nhất lúc thoạt vào trong hẻm. Một người làm có vẻ ghiền ma túy, bước ra. Tôi hỏi:
- Ðây có phải là nhà Mệ Hoát phải không ông?
- Mệ Hoát nào? Ở đây không có ai là Mệ Hoát.
- Thế chủ nhà này là ai?
- Bán rồi.
- Mà bán cho ai?
- Bán cho người các chú ở ngoài đường lộ. Tôi là người nhà ông ấy. Muốn mua cũng bán, mà muốn mướn cũng được. Cứ ra mà nói chuyện với ông chủ là xong.
- Không có lý. Tôi biết nhà này của Mệ Hoát mà!
- Không đâu. Nhà này của ông Hồng Xương Phát. Nhưng à…tôi nhớ rồi…Tôi nhớ…nhưng mà không biết đích…người chủ nhà trước là một bà người Huế tên là Mệ Huyết chớ không phải là Mệ Hoát…à…cái người Trung họ vẫn thường có cái tục lệ cử tên như vậy: Thay vì Thành, họ kêu là Thiềng, Ðỉnh kêu là Ðiểng, Cảnh kêu là Kiểng, Mệ Hoát, ở Chợ Quán đây đã ba bốn chục năm rồi, các ông già bà cả trước đây vẫn kêu là Mệ Huyết. Lúc đó tôi còn ít tuổi cũng kêu như thế, cho nên đến lúc ông hỏi Mệ Hoát tôi không biết là ngườii nào hết. À, Mệ Hoát…….phải rồi Mệ Hoát.
- Theo lời ông nói nhà này đã bán cho chủ mới. Tôi có thể biết Mệ Hoát bây giờ ở đâu không?
- Chết lâu rồi còn gì. Mua đi bán lại mấy lần, căn nhà này đến gần đây mới về tay ông Hồng Xương Phát.
- Tính ra ông Hồng Xương Phát mua được mấy năm rồi?
- Có cả năm sáu năm nhưng ít có người đến ở, nhiều khi bỏ không cả năm bảy tháng, một năm.
- Không có ai mướn hay sao? Vì ở đây vắng vẻ?
- Nào ai có biết. Thực ra từ khi tôi đến trông coi, có một gia đình một ông làm việc ở Tân Sơn Nhất đến mướn, chồng tiền ba tháng. Nhưng không hiểu vì có việc gì xảy đến, ông ta không dọn lại.
- Thế người mướn cuối cùng là ai?
- Một ông chủ thầu mướn cho vợ nhỏ ở với đứa con trai ba tuổi.
- Thế cũng không đến ở hay sao ?
- Ðến ở chứ! Nhưng được một tuần thì có tin mẹ của bà vợ chết ở Nha Trang. Hai vợ chồng và đứa con về đưa đám rồi không thấy quay lại nữa.
- Trước ông chủ thầu đó là ai?
- Một ông làm đồ nhôm để làm xưởng chế nồi, soong, chảo…Có hai người nữa công ty với ông ta; giấy tờ xong suôi cả rồi, chỉ còn đem ra bỏ ngân hàng thì lại lôi thôi thể thức làm ăn sao đó. Công ty tan vỡ, rút cuộc tiền mướn chưa trả hết mà đồ đạc để lại chỉ có dăm ba cái bàn cái ghế đem bán chưa chắc được vài trăm đồng bạc.
“Nhà gì kỳ lạ. Hay là tại đất dữ nên không ở được chăng?”. Tôi ngỏ lời muốn người gác cho tôi vào coi thử trong nhà ra sao.
Ba căn nhà hai tầng này trông bề ngoài cùng xây một kiểu, nhưng không có cái nào ăn thông với cái nào. Ai muốn ở rộng rãi có thể đục tường ra cho ba nhà thông nhau, nhưng gia đình nào ít người, muốn mướn một căn để ở vẫn cứ được, mà không lẽ gì bị mất tự do. Tôi vào xem căn thứ nhất. Theo lời người gác già, cả ba căn nhà này kiến trúc giống nhau, cứ ngã giá với nhau đi rồi căn nhà nào cũng được. Xem một căn là đủ.
Mỗi căn rộng chừng bảy tám chục thước vuông cửa ngỏ chắc chắn, gạch hoa, nhưng tường vách cũng như sàn gạch đầy những bụi bậm.
Ðồ đạc có sẵn cho người mướn: ở dưới nhà có sa-lông, tủ rượu, một cái đi văng trải đệm, còn trên gác thì có một tủ áo, hai cái “giường một”, và một bàn lớn để viết lách cũng được luôn. Tường ở trên gác cũng như dưới nhà, không được sạch, có một vài chỗ lở cả vôi. Ðây đó gián một cái hình màu cắt ở báo Tây ra, vẽ những con chim con rùa. Sàn gác bằng gỗ thông, trải cao su, nhưng đi ở trên vẫn có chỗ kêu cót két một cách khả nghi. Trên trần, theo một ngọn đèn ống có hộp ni long xanh bao phủ, còn ở góc trái thì có một bàn thờ, dưới là một cái xích đông bộn bề báo cũ sách cũ và tranh ảnh. Tổng quát thì căn nhà này có một vẻ kỳ lạ, không có sinh khí mấy mà lại cũ kỹ, không thích hợp thời trang chút nào, nhưng không hiểu tại sao tôi lại thấy ưa.
Tôi mở cửa sổ chỗ kê hai cái gường một ra thì thấy mái nhà ở chung quanh, tương đối thấp hơn, nằm hớ hên cái nọ tiếp cái kia như xấu hổ tự thấy mình không kín đáo. Nhưng không sao: một khoảng vườn con ngay cửa sổ trông xuống dưới nhà làm cho căn nhà đỡ trần truồng nhưng làm cho đẹp lòng tôi nhất, đọt cái cây lớn ở giữa lá tốt xum xê đưa cả cành vào tới cửa sổ.
Ðó là mộ cây Y Lăng, một giống cây thuộc loại Ngọc Lan, lá to và dài, sờ vào hơi ráp, mà cành thì thay vì chổng lên trời lại cụp cả xuống phía mặt đất, như thể bị người ta bẻ vậy.
Từ lâu lắm rối tôi vẫn thích loại cây này bởi vì nó nhắc cho tôi nhiều kỷ niệm. Mồ mả người vợ tấm mẳn của tôi lúc hai đứa là tình nhân đêm chúng tôi vẫn gặp nhau trò chuyện trên một con đường trồng toàn Y Lăng. Vào bất kỳ mùa nào, nhưng nhất là mùa thu, hoa tiết vào trong gió một mùi hương ngát nhẹ không biết chừng nào, thơm không biết chừng nào. Có thể nói là cây ở cuối xóm mà hương tỏa ra không nhưng đầu xóm ngạt ngào mà cả những xóm chung quanh đều “nghe” thấy và cảm thấy lâng lâng sảng khoái.
Cây Y Lăng ở trong khoảng vườn nhỏ của căn nhà tôi đương coi bắt đầu trổ bông. Thấp thoáng trong chùm lá xanh màu ngọc bích, tôi thấy những cánh hoa màu vàng cũ, hình thù bé bỏng hé ra những cánh hoa trông từa tựa như hoa mống giồng ở Bắc, nhưng dài hơn, mềm mại hơn, uốn éo tình tứ hơn.
Tôi quay lại bảo người gác rằng tôi quyết định mướn căn nhà đó.