Chỉ mục bài viết |
---|
Chiếc Cầu Thời Thơ Ấu |
Trang 2 |
Tất cả các trang |
Khi tôi lên lớp đệ tứ, đám con trai tự cho là mình đã trưởng thành, đứa nào cũng chững chạc bước vào đời với điếu thuốc ngất ngưỡng trên môi. Năm này thì xóm tôi xãy ra một biến cố vô cùng trọng đại, đó là sự xuất hiện của Phan với gia đình từ Tu Bông dọn vào nhập cự Phan có mái tóc quăn cắt ngắn úp vào khuôn mặt thanh tú với nút ruồi bên gò má bên phải trông thật bắt mắt. Nhất là thân hình đang chớm nẫy nỡ ở tuổi 16 với hai cái vú tròm ủm chưa biết mặc xú chiêng. Phan dọn đến không tuyên bố chiến tranh cũng không kêu gọi hòa bình nhưng phe ta tự nhiên hoàn toàn tan rã. Đứa nào cũng bận rộn viết đơn nộp cho Phan để xin tình yêu không còn nghĩ đến chuyện đánh nhau. Con đường vào tình yêu là con đường ăn không no, mặc không ấm, nhưng không hiểu sao đứa nào cũng thích.
Tụi nó không còn nghĩ đến chuyện đánh nhau với phe Tàu nhưng lại âm thầm tiến hành cuộc chiến tranh lạnh với phe mình để mong lọt vào đôi mắt của Phan. Cuối cùng trong cuộc tuyển chọn đầy căng thẳng, lá đơn xin tình yêu của tôi được Phan chấp thuận. Thế là dù muốn dù không mối tình đầu của tôi đã bắt đầu xãy ra. Tôi vốn học không giỏi lại không siêng,yêu Phan tôi lại càng thêm phần lười biếng. Ba má tôi suốt ngày ngoài chợ đâu có rỗi rãnh mà kềm kẹp đám con. Tôi như được tháo cũi xổ lồng. Những mãng rêu xanh dưới dòng sông Dinh bình thường trông dơ dáy như thế, nhưng có tình yêu vào rồi ban đêm nhìn xuống dưới ánh trăng trông lấp lánh như màu ngọc bích. Tôi và Phan trốn cha, trốn mẹ, trốn cả bạn bè hẹn nhau mỗi đêm ở sân đánh tenis Trường Tàu, ngồi ngay dưới gốc cây Phượng mà mới hôm nào suốt ngày tôi giống như con khỉ đu tòng teng trên đó.
Cái sân tráng xi măng vô cùng sạch sẽ lý tưởng, bốn phía đều có thành bao bọc kín đáo, ở đây mặc sức tôi và Phan thề non hẹn biển. Mãi đến sau này trong những ngày lầm than của đất nước, mỗi lần đứng xếp hàng ở bến xe Ninh Hoà đợi mua được cái vé đi Nha Trang , phản ứng của tâm ức vẫn còn xui khiến hai con mắt tôi bâng khuâng nhìn về hướng đó, nơi của tôi và Phan với mối tình đầu. Sân Tenis thành bao quanh bốn phía chỉ thấy được những cành khẳng khiu chĩa ngang chĩa dọc của cây phượng già in dưới màu trời đen thẩm. Thỉnh thoảng đôi khi hai đứa tôi đổi chổ, đạp xe đèo nhau chun rào vô sân trường Trần Bình Trọng, ngồi ở những mé thềm trước những lớp học nào khuất ánh sáng. Phan thua tôi hai lớp, học cùng trường nên tất cả ngóc ngách chung quanh hai đứa tôi rành như đường chỉ tay trong lòng bàn taỵ
Chúng tôi mê mẫn dọ dẫm bằng một tình yêu ở ngưỡng cửa dậy thì không so tính xem như bổn phận của hai đứa khi trời xui đất khiến gặp nhau là phải yêu nhau vậy. Có thể nói tôi hãy còn quá nhỏ để có thể hội đủ trình độ lắng nghe để còn phân tách cái cảm giác lãng mạn mà tôi vẫn thường gặp trong tự lực văn đoàn. Chỉ biết khi kề cận bên nhau , được hôn phớt lên gò má trắng ngần ẩn hiện nhiều sợi lông tơ của Phan là trong lòng tôi vô cùng rộn rã.Tôi chưa bao giờ nghĩ đến lúc bị Phan đá đít hoặc là tôi phụ bỏ Phan làm như là Phan vĩnh viễn thuộc về tôi. Trời có sập xuống, biển có thể trồi lên nhưng Phan không thể là của người khác. Dưới nhiều cặp mắt của người lớn tôi đúng là thằng con nít ranh, là con chim chưa dập bụng cứt , không lo học hành bày đặt mọc lông làm người lớn. Dưới những cặp mắt bạn bè đồng trang lứa thì tôi là thằng chó ngáp phải ruồi, Phan đui nên mới chấm trúng tôi. Tôi không thích ai xem tôi còn con nít, nhưng lại không dám tự cho mình đã là người lớn. Tôi lươn ươn ở trạng thái dùng dằng làm con nít không xong mà làm người lớn không được.
Hình như ngay cả chính má tôi cũng không khẳng định được lằn ranh đó , bởi vì mỗi khi sai tôi làm hư một chuyện gì thì thế nào cũng bị mắng " lớn đầu có thể lấy vợ đẻ con được rồi mà cái chuyện bé tí tẹo đó làm không được " Còn hễ mỗi khi bắt gặp tôi lén la lén lút chải tóc sắp sửa trốn đi mèo thì câu mắng quẹo liền một góc 180 độ " còn con nít con nôi không lo học hành chỉ lo trai gái đàn đúm.. " Tôi yêu Phan ở lứa tuổi học trò nào nghĩ đến một ngày nào đó phải cưới Phan làm vợ, yêu nhau để gọi là yêu giản dị vậy thôi.Yêu nhau giống như hai con ngựa bị bịt mắt đi giữa đám rừng thì thế nào cũng có ngày đầu tột vô góc cây. Chuyện lao vào nhau không cần tính toán tương lai đó đến một hôm thì bị Ông già của Phan phát giác. Một trong những lá thư tình Phan giắt cạp quần bị sơ ý rớt xuống đất, ông già lượm được thế là ông nổi trận lôi đình, tên tôi được liệt kê đầu sổ phong thần. Tôi teo quá trốn biệt, đi học không dám hiên ngang đạp xe cái vù ngang qua trước cửa nhà Phan như trước nữa mà phải vòng qua đường luồn nước mía của chú sáu Dẹo.
Cái kiểu vưa cầm cự mê gái vừa cầm cự với bài vở ở trường không cần diễn tả ai cũng biết sức học của tôi tệ lậu đến chừng nào vậy mà không bị đội sổ hoặc ở lại lớp, đúng là phước đức ông bà ba đời ỉa trên đầu trên cổ.
Năm đó tôi vừa leo lên lớp đệ nhị vì sợ rớt tú tài bị nắm đầu đi trung sỉ, tôi hối hả lao vào ôn bài vở. Thư từ qua lại của hai đứa tôi vì thế mà thưa hơn trước vã lại cộng thêm sự kiểm soát chặt chẻ của ba Phan đám bạn bè chim xanh không đứa nào dám hó hé.Cuối năm đó hú hồn tôi thi đậu tú tài chưa kịp leo lên võng về làng báo tin mừng thì Phan sau mấy tháng xa mặt cách lòng hát bản tình xa.Tôi chưa kịp vui thì cõi lòng đã nặng trĩu nỗi buồn.
Mỗi một người, mỗi một ngày đều đứng trước nhiều sự lựa chọn khác nhau. Nếu không biết bỏ đi những thứ yếu để nhanh tay lẹ chân chụp giựt riêng mình những thứ cần thiết thì sẽ vĩnh viễn thất bại. May mắn không đến với đời người hai lần nhất là may mắn của tình yêu, mà tình yêu thì khó mà chơi màn chụp giựt cho nên tôi đành thất bại. Tôi đã thất bại vì hồn quá còn non nớt không dự trù sẽ ra sao nếu có một ngày bỗng nhiên Phan biến mất khỏi đời mình.Nghe nói có một viên thiếu úy nào đó trong chi khu Ninh Hòa theo đuổi Phan và được ông bà già chấp thuận. Ông già Phan đúng là ông già hắc ám, ra lệnh truy nã tôi và cấm cửa Phan lấy lý do Phan còn nhỏ không được yêu đương. Ông còn thề độc cho dù mai mốt Phan lớn lên thì cũng không gã cho tôi, nếu ông trái lời thì ông đội quần thiên hạ. Có lẽ kiếp trước tôi và ông có ân oán giang hồ chưa thanh toán, nên kiếp này làm khó tôi chơi.
Lấy lý do Phan còn nhỏ cấm tôi, nhưng nhưng tại sao không cấm luôn thằng cha thiếu úy may mắn kia? Tôi yêu Phan chứ không phải yêu ông già cho nên bản án tử ông treo trên cổ tôi tôi không quan trọng, chỉ quan trọng chính là ở nhân vật trong cuộc. Tôi tìm Phan để hỏi xem như để giải tỏa một ấm ức, nhưng Phan trốn biệt. Đến nước này thì đã rõ ràng, tôi là thằng bị đá đít. Khi những thứ còn trong tầm tay thì mình không biết quí, đến khi nó mất đi thì mới thấy cần thiết, cái chân lý cũ mèm bất cứ ai học i tờ trong bài vỡ lòng của tình yêu cũng đều biết được vậy mà tôi lại vấp té thiệt đúng là vô duyên. Trong nỗi buồn sâu thẳm tôi ngữi được mùi tóc mùi hương con gái phãng phất đâu đây. Tôi ôm khoảng không khí trống rỗng trước mặt vẫn có cảm giác đang ôm Phan với hơi ấm da thịt ngọt ngào còn sót lại.
Mất Phan tôi mới biết là tôi yêu nàng tha thiết. Tôi vừa kịp trưởng thành để có thể chính chắn nói chuyện tương lai thì tôi không còn gì nữa hết.Tôi đau khổ tựa chừng bị ai đâm cho nhiều nhát dao trí mạng. Đường đời có trăm vạn hướng đi, tôi không biết phải đi theo đường nào, cuối cùng tôi chọn con đường vào lính. Không có sự đau buồn khi phải chia tay thì làm sao hiểu được niềm vui khi sum họp. Đời người có duyên thì không cần phải lo sẽ có ngày đụng nhau bôm bốp , nhưng tôi thì không còn hy vọng có một ngày được gặp lại Phan.
Tôi ra đi bỏ lại Ninh Hoà với bờ sông Dinh đỏ thấm giọt máu đầu đời để vào quân đội với lòng ấm ức là Phan chia tay không một lời giải thích, thậm chí không nói một câu giã từ.
Dòng đời đẩy tôi trôi về phía trước. Dòng sông Dinh đẩy ngược tôi về phía sau. Tôi loay hoay bì bõm giữa hai dòng cuộc sống sém chết đuối mấy lần. Tôi chưa bao giờ được chết cho nên không có kinh nghiệm nói về điều đó, nhưng tôi đã từng được sống và trên thế gian này nếu sống chỉ là một sinh hoạt theo nhu cầu ngày hai buổi và cứ thế tiếp diễn đến ngày nằm xuống gọi là cái chết thì sống và chết có gì khác nhau? Vì thế cái chết chưa chắc hẳn đã là điều phải sợ. Riêng tôi giả dụ như nếu trong tâm lý có sự hiện diện của trạng thái sợ chết chẳng qua tôi còn thèm sống để còn nuôi một hy vọng nhỏ nhoi như hạt bụi là đất nước tôi được chuyễn mình.
Cuối cùng từ một người lính tôi trở thành một người tù, tôi không còn bì bõm bơi trên dòng sông Dinh nữa mà bơi qua biển Thái Bình Dương, tôi trở thành người biệt xứ. Những giây phút an bình hạnh phúc hay những lúc gian nan khốn nhục cây cầu hiền lành kia vẫn lừng lững xuất hiện trong giấc mơ, bắt nhịp từ bờ dĩ vãng bước qua bờ tương lai. Tôi khập khễnh bước lên. Thầy giáo tôi dạy té ngã từ chổ nào thì nên đứng dậy từ chổ đó, nhưng từ nơi tôi đứng dậy hành trang đầy nặng trĩu hình bóng của quê nhà và những người thân. Tôi còn đang mệt mỏi khom mình thì một cái vèo như chớp mắt, người lính năm nào nay đã là một gã trung niên...
Hết