Chỉ mục bài viết |
---|
Cái Đèn Lồng |
Trang 2 |
Trang 3 |
Tất cả các trang |
Cái Đèn Lồng
Tác giả: Vũ Bằng
MỘT ÐÊM ÐÔNG Ở KHÂM THIÊN
Mười bảy ngày trước Tết Nguyên Ðán năm 1950, một phái đoàn nghị sĩ Việt Nam ở Sài Gòn ra Bắc để cứu xét mấy vấn đề chính trị và kinh tế. Bây giờ tôi không nhớ rõ phái đoàn có bao nhiêu người, chỉ biết trong đó có bốn người mà tôi quen biết. Bốn người quen biết đó gồm một kỹ sư, hai chủ báo và một người trước đây làm việc cho một công ty bảo hiểm.
Vì đi dự mấy phiên họp đầu, tôi gặp bốn người bạn đó rủ đi ăn. Ðể đáp lễ, hôm phái đoàn sắp ra về, tôi mời họ đi hát Khâm Thiên. Cả bọn đều nhiều lần nói với tôi rằng ăn mãi cũng chán, muốn thưởng thức một cái gì rất lạ và rất Bắc Kỳ; mà nếu có vể thơ mộng nữa thì càng hay.
Tôi nghĩ không có gì hơn là mời họ đi nghe hát cô đầu. Tối hôm đó khi lên xe tôi thấy một người thứ năm. Một trong hai ông nhà báo giới thiệu:
- Ông bạn già đây không phải là nghị sĩ. Ông ấy là người Nhật giúp việc cho một tờ báo Nhật và được cử sang Việt Nam cùng với phái đoàn Nhật để quan sát và gửi tin tức về cho tòa soạn.
- Hân hạnh. Cuộc tao phùng hôm nay chắc chắn sẽ nhờ đó mà vui vẻ đậm đà hơn.
Tôi cúi đầu chào ông nhà báo Nhật. Ông đưa cho tôi một tấm cạc đề tên ông: Foumiko Tayabashi.
Thưa ông, ông là quý khách. Tôi rất hân hạnh được mời ông đi thưởng thức một nghệ thuật có nhiều dân tộc tính của nước tôi.
Ông Foumiko Tayabashi là một người đã có tuổi, nhưng không khỏe mạnh như những người Nhật khác mà tôi thường gặp. Ông bao nhiêu tuổi? Tôi đoán có lẽ đến năm mươi, nhưng trông da mặt và cặp môi nhăn nhúm cùng với vẻ buồn rầu ở đuôi hai con mắt của ông có người cho ông khoảng sáu mươi hay sáu mươi mốt.
Khi trống và bàn đèn chiếu rượu dọn ra rồi, tôi hỏi thăm mới biết ông là ký giả kiêm văn sĩ. Trước khi Nhật, Ðức, Ý kết liên thành Trục đánh Ðồng minh, ông đã xuất bản hai quyển sách ngụ ngôn nói bóng nói gió nhiều đến cái nạn quân phiệt Nhật, một cuốn thơ và mấy cuốn tiểu thuyết xã hội nói về “số kiếp con người”.
Ông Tayabashi có ý mến tôi hết sức. Không hiểu ông mến tôi như thế là vì câu chuyện của tôi nói với ông hay chỉ là tại ông thấy tôi là bạn văn chương thanh khí đồng ý với ông rằng nền văn minh, văn hóa Ðông Phương chưa chắc đã dở như một số người ở các nước khác vẫn tưởng. Bây giờ ngồi thuật lại chi tiết câu chuyện, có lẽ không phải dễ... Tôi chỉ nhớ là khoảng mười một, mười hai giờ gì đó; chúng tôi gặp nhau không bao lâu mà đã trở thành đôi bạn tuy nhất kiến vi kiến nhưng thương yêu nhau thật tình y như thể đã quen biết nhau từ lâu lắm. Tôi nói:
- Trước đây, tôi có một lần đi qua Nhật ở một ngày. Quý quốc đẹp lắm, nhưng bây giờ, sau Thế Chiến Thứ Nhì, chắc chắn là thay đổi nhiều lắm. Qua những bài phóng sự đăng trên các báo ở Âu Mỹ mà tôi được đọc, con người ở quý quốc cũng có ít nhiều đổi thay, nhưng chẳng biết về phong tục thì có thay đổi gì không? Riêng ở nước chúng tôi đây, chiến tranh cũng làm đảo lộn hết cả trật tự từ ngày xưa để lại. Trái gái đĩ bợm nhiều hơn. Ðó là chuyện trong thời chiến...
Khoảng một giờ đêm thì ba người về. Còn lại một ông chủ báo ở lại trò chuyện với ông Tayabashi.
Ðêm đông ở Bắc buồn như một đám tang đi trong rừng. Chúng tôi nói hết với nhau về thảm cảnh chiến tranh và mỗi người có ít nhất vài ba chuyện để kể cho nhau nghe những oan khổ lưu ly do chiến tranh đã tạo ra cho xứ sở.
Ông bạn chủ báo của tôi đang nằm vội ngồi nhỏm dậy hỏi:
Tôi hỏi thật hai ông: những người gây ra chết chóc, những người tàn sát không gớm tay, có bị một đấng vô hình nào trừng phạt không?
Ông Tayabashi và tôi, trước câu hỏi đột ngột đó, lặng yên không đáp. Ông chủ báo nói tiếp:
- Phần tôi, mặc kệ ai chê là hư bại và chậm tiến, tôi lúc nào cũng tin có quả báo và hối hận. Ðây là một chuyện tôi cam đoan chính tôi nghe thấy và trông thấy: một viên trung úy người Thượng, nhảy dù trong trận đánh Thái Nguyên, có tiếng là đa sát và hãm hiếp đàn bà con gái xong thì giết chết nhưng đánh trận nào cũng thoát chết. Ðến trận cuối cùng, không hiểu vì hơi bom hay đạn bắn xuyên qua hàm lên óc nên ông ta bị mù hai con mắt. Ông ta được giải ngũ và đưa sang Phi Luật Tân để chữa bệnh. Nhưng chữa không khỏi. Ông ta điên điên khùng khùng... muốn chết không chết được... điên vì theo đúng lời ông ta thuật lại cho bạn hữu nghe khi tỉnh cơn điên rằng cứ mỗi đêm khuya ông thấy từ trong hai con mắt mù lòa của ông có những người bé tí nhảy ra, đi đi lại lại và bàn bạc với nhau những chuyện gì nghe không rõ sau đó rồi trèo lên mũi lên trán ông gõ chân theo nhịp và hát cho đến sáng lại chui vào hai lỗ mắt...
Nhưng thế là sự hối hận? Là ảo ảnh? Hay là ma quỷ hiện ra để chọc ghẹo ông?
..........
Mưa phùn mùa đông ở miền Bắc có cái đặc biệt là hình như biết bay và thấm qua tường và cửa sổ để làm ẩm ướt, giá lạnh cả những căn phòng đóng kín. Khêu to cái bấc lụi của ngọn đèn dầu lạc, chúng tôi thấy tê buốt đến chỗ sâu thẳm nhất của lòng. Ở trên trời khuya, gần sáng có tiếng sếu kêu buồn đứt ruột.
Ông Tayabashi nhìn tôi hỏi:
- Ý ông ra thế nào?
- Thú thật với ông, tôi theo Tây học từ thuở nhỏ, người ta dạy tôi không có ma không có quỷ, chết đi là hết, nhưng tôi không cho thế là đúng. Trái lại, những chuyện như chuyện ông bạn vừa kể đây, tôi tin rất có thể là thực, nhưng tại sao lại thế thì tôi không giải thích được vì tôi chưa học về thần linh học, ma quỷ học. Nhưng tôi không vì lẽ chưa học, chưa tìm tòi, chưa thí nghiệm mà đã khẳng định là không có ma, không có tiền kiếp, không có luân hồi, không có báo ân báo oán.
Ông Tayabashi hút điếu thuốc thứ ba xong, rồi nói:
- Tôi cũng như ông vậy. Tôi cho rằng ở đời không có cái gì “hết”, hóa rồi lại sinh, sinh rồi lại hóa. Người Tây không tin có luân hồi vì tại họ chưa học, chưa thấu, chưa hiểu. Mà họ không tin có ma có quỷ, không tin có quả báo, trừng phạt, không tin có tiền oan nghiệp chướng, không tin có âm phù dương trợ, đó là quyền của họ. Nhưng tôi không thể viện cớ nói họ không tin mà tôi vẫn nhắm mắt cúi đầu tin theo họ.
Các ông đã đọc truyện “Liêu Trai” nhiều rồi phải không? Tôi cũng đã đọc, không phải đọc bản dịch ra tiếng Nhật mà đọc nguyên văn chữ Hán.
Ðọc rồi, có nhiều người cho rằng “Liêu Trai” là chuyện bịa đặt tưởng tượng ra để răn đời. Ðó cũng lại là cái quyền của những người đọc sách. Nhưng riêng tôi thì tôi tin một cách thành thật là tác giả truyện “Liêu Trai” đã kể lại nhiều chuyện có thực vào thời đó.
Tại sao tôi lại tin như thế? Là vì chính tôi đã thấy ma, thấy trước Thế Chiến Thứ Hai, thấy sau khi nước tôi thua trận và chính vào thời kỳ đó những chuyện có thực mà có vẻ liêu trai đã diễn ra khá nhiều mà chính mắt tôi đã được chứng kiến.
Tôi rất tiếc không đem theo một cuốn tiểu thuyết mà tôi viết trước đây đã in thành sách và dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp, để biếu hai ông.
- Ông bạn viết gì trong đó?
- Tôi viết một truyện có thực, nhưng vốn biết rằng nếu truyện thực ấy mà nói là có thực thì nhiều người không tin nên tôi phải ghi là tiểu thuyết. Tiểu thuyết ấy có nhan đề “Cái Ðèn Lồng”. Nếu các ông không ngại mất ngủ, tôi xin thuật lại câu chuyện ấy để các ông nghe.
- Vậy thì còn gì hơn nữa. Những đêm như thế này, có muốn ngủ cũng không tài nào ngủ nổi. Ðược một nhà văn kiêm nhà báo danh tiếng như ông kể chuyện cho nghe, chúng tôi rất lấy làm hân hạnh.
Câu chuyện “Cái Ðèn Lồng” của ông Foumiko Tayabashi như thế này:
NGƯỜI ÐẸP VÀ Ả NỮ TỲ XÁCH ÐÈN LỒNG
Sau mười năm đèn sách cần cù, Ðại Thông Thái Lang đã chiếm được bảng vàng để có thể làm cho chàng sau này có một địa vị khá cao trong nước.
Chàng vội vàng từ giã cái tỉnh lị nhỏ bé mà chàng ở bấy lâu để đến Yên Ðô, cái kinh thành có trăm nghìn phù hoa sa vọng mà người ta có thể hy vọng lập được sự nghiệp lẫy lừng. Những ước mơ của Ðại Thông Thái Lang thực không bờ bến: trẻ tuổi, đẹp trai, mà lại tài hoa, còn có gì ở đời này có thể cản trở được chàng?
Những người đàn bà nhan sắc nõn nà say mê cái vẻ mặt khôi ngô tuấn tú của chàng lúc nào như cũng vơ vẩn một mối buồn não ruột: cái miệng chàng mới dễ thương làm sao, nó đã làm cho biết bao nhiêu trái tim rung động và mắt chàng lúc nào cũng chói lọi sự hiên ngang, khí phách.
Chàng đến Yên Ðô để tìm bước tiến thân, nhưng ở đó, chàng đã gặp một mối tình: Ngọc Hân Nương, một cô gái ngây thơ, trong trắng như một đóa hoa đào chớm nở. Ðại Thông Thái Lang không nghĩ đến chuyện làm ăn sinh sống nữa.
Ngọc Hân là con một của một vị phú thương, được cha mẹ yêu thương cưng chiều, mà vị phú thương ấy lại coi người tình của con gái như là con trai ruột.
Sau ngày cưới, cặp uyên ương đưa nhau đi giấu hạnh phúc ở một làng hẻo lánh rất nên thơ đó là làng Hối Tử, ở ven hồ Bình Hoa thơ mộng. Trong một năm tròn, cặp vợ chồng trẻ yêu nhau quên cả tháng ngày. Nhưng, sang đến mùa xuân năm sau thì Ngọc Hân bị cảm mạo và võ vàng đi, nhan sắc nàng tàn tạ. Rồi một đêm kia, nàng bỏ chàng ở lại, để sang bên kia thế giới.
Mọi người đều tưởng Ðại Thông Thái Lang phen này bị thất tình có lẽ đến điên. Suốt ngày chàng kêu khóc và gục đầu xuống một cái áo dài hãy còn thoang thoảng hương yêu của người đàn bà bạc mệnh. Sự khổ não của chàng làm cho người ta tưởng rằng chàng yêu vợ lúc chết gấp trăm lần lúc sống. Chàng gợi những chuyện sầu thảm, não nùng đến với lòng như thể xem sự sầu thảm và não nùng nó bao la đến bực nào. Ngày ngày chàng ra ấp mộ vợ để kêu thương khóc lóc. Ngọn cỏ ở trên mồ vẫn còn chưa xanh.
Bước một, cúi đầu, cõi lòng tan nát, chàng đi ra cái hồ đựng nước phép và lấy một cái gầu múc nước, kính cẩn tưới lên trên mộ để cho người nằm bên dưới được mát mẻ linh hồn. Ðoạn, chàng khóc nức nở, cổ họng chàng như bị nghẹn; nước mắt chàng trào ra và như đốt cháy con ngươi vậy... vì những tháng ngày hạnh phúc bên Ngọc Hân lại hiện về trong tâm trí...
Một ngày đẹp trời, chàng cùng Ngọc Hân dắt tay nhau đến đền Mỹ Ðế cạnh hồ Bình hoa để viếng thăm mộ của các bậc trung thần và cả những ngôi mộ của gian thần.
Ðại Thông Thái Lang nhớ lắm.
Ngọc Hân Nương, cũng như trăm ngàn người mộ đạo đã đến cái quán ở gần đó mua nước phép để rảy lên mộ. Nhìn cái dáng yêu kiều của nàng yêu kiều diễm lệ làm sao. Tóc nàng xức dầu thơm bóng lẫy như lông quạ, nàng cài những cái trâm nạm ngọc và cái lược đồi mồi vén tóc nàng lên để lộ một cái gáy thanh tân, trắng muốt. Như thấy tôi nhìn âu yếm, nàng quay lại mỉm cười. Tôi nói với nàng rằng:
- Em ơi, rảy nhiều nước lên mộ bực tôi trung nghĩa kia đi, còn anh thì anh sẽ làm vấy bẩn những nấm mộ của kẻ gian thần bạc ác. Và điều đó đã trở thành tục lệ: nước tốt thì dùng để cho linh hồn của những bực anh tài khí dũng, mà cái gì xấu thì lại cho những con người đê tiện.”
Nàng quỳ xuống một cách rất nhẹ nhàng. Hai mắt đen lay láy của nàng như chan chứa một niềm kính cẩn và thương xót. Nàng khẽ trách tôi:
- Không anh ạ. Những người ác cũng như những người hiền, một khi đã nhắm mắt, không còn khác nhau gì hết. Linh hồn của những người tội lỗi, em nghĩ rằng chúng ta phải an ủi nhiều hơn linh hồn của những bực sĩ hiền. Nếu đứng vào địa vị của anh, em sẽ rảy một ít nước lên mộ này, anh ạ. Ta chớ nên đùa ở trước linh hồn của những kẻ đã khuất.
Ngọc Hân ơi, em đã sống, em đã được cha mẹ chiều chuộng, em không hề bao giờ biết sự đau khổ và lòng thù hằn như thế nào. Em chính là một viên ngọc quý giá vô cùng, em mềm mại thơ ngây như một con chim vô tội, em đem một tấm lòng trong trắng để yêu thương cả một đời mà chúng ta đã sinh sống với nhau. Ở trong khung tóc đen lay láy của em, hai lúm đồng tiền lúc nào cũng làm tăng vẻ đẹp của đôi má hây hây đỏ như hoa anh đào, nhan sắc của em tươi thắm như buổi sáng mùa xuân. Chao ơi, người con gái của mùa xuân ơi, em tựa như hoa mới nở chưa gì đã tàn mất rồi. Em chết. Không, không, hình dáng em, kỷ niệm của em sẽ mãi mãi như một cánh hoa, một nụ thắm ở trong tay anh, em ạ...
Cõi lòng tràn tiếc nhớ thảm thương, Ðại Thông đứng dậy, không nghĩ nữa. Chàng đi lang thang ở quanh hồ Bình Hoa và nói lảm nhảm một mình:
- Hồ hỡi hồ, bao nhiêu thi sĩ đã ca tụng vẻ thần tiên của hồ, nào là những buổi chiều xuân, tiếng chuông đền Mỹ Ðế làm rung động làn không khí đầy hương ngát hoa và tiếng chim họa mi ca hát ở trong những rặng anh đào nở tưng bừng như một buổi bình minh; nào là những đêm hè nóng bức mà cây thông cô độc ở trên đồi Kha La Sĩ lại còn ưa nhìn hơn những đóa hoa trăm sắc, và người khách bộ hành đi dưới chân dãy Hoang San đưa tay ra vứt quạt đi để tận hưởng sự vuốt ve của gió mát lùa qua những cành cây bên hồ.
Hồ ơi, sau những bài thơ như bướm đẹp của thi sĩ Bảo Sơn Ðiền, còn ai lại dám nghĩ đến sự đề vịnh những buổi chiều thu ở bên hồ Diễm Tứ, những đàn ngỗng trời bay ở trên đỉnh núi Cao Kha bay ở trên đỉnh Huyền kéo dài những tháng ngày mùa đông giá lạnh ngắn ngủi trong khi thuyền bè trôi mất hút trên mặt nước mịt mù của Hải Vi Giang.
Ðại Thông yêu mến những cảnh hữu tình đó, những cảnh từng chứng kiến biết bao nhiêu kỷ niệm của chàng. Ngày nào cũng vậy, vào lúc mặt trời bóng xế, chàng cũng chắp tay sau lưng đi từng bước bên hồ, mặt mày sầu đau, làm cho người nào trông thấy cũng mủi lòng ngoảnh mặt, không dám nhìn lâu.
Thế rồi chàng bỏ căn nhà mà chàng đã hưởng một năm trời hạnh phúc với Ngọc Hân trong căn nhà nhỏ mà mỗi đồ vật đều nhắc nhở chàng nhớ đến người vợ đã chết yêu quý của chàng. Nào là cái bàn trang sức mà mọi khi nàng đã trau giồi nhan sắc để làm vừa lòng người yêu; nào là những cái gương nào đã soi; nào là những cây trâm kẹp tóc nho nhỏ xinh xinh, nào là... nào là... tất cả những vật dụng mà tay nàng đã cầm hay làm mắt nàng đã trông; cả khí trời nữa cũng là khí trời nàng đã thở.
Cho dù Ðại Thông ở ẩn dật trong một gian nhà sơ sài, ngay trên đười cái đi từ Hối Tử đến Bình Hoa. Tuy vậy ký ức của chàng vẫn không để cho tim óc chàng quên lãng được những chuyện đã qua.
Một mùa xuân nữa lại qua đi. Con chim cá mà trong văn thơ Nhật, các thi nhân vẫn bảo là tiếng kêu thương của mặt trăng; Ðại Thông kêu khóc người vợ bạc mệnh của chàng và dần dần thất thanh đi. Cái cười cái vui vẻ của chàng không còn đến với chàng nữa. Cho tới rạng đông ngày hội lễ Quần Tính...
Ngày mai đây, nếu trời đẹp thì Chức Nữ sẽ đi qua dãy Ngân Hà để gặp Ngưu Lang. Ðại Thông ngồi cạnh bên mộ vợ than khóc:
- Ngọc Hân em ơi, ngày mai đây là ngày hội của Ngưu Lang, Chức Nữ. Năm ngoái, em nhớ không? Em lo sợ vì trời giăng mây âm u quá làm em cầu Phật Trời đừng mưa để cho đôi lứa ấy gặp nhau. Em đã viết bao nhiêu bài thơ thần trên giấy ngũ sắc và cắt những hình người hình thú để treo lên ngọn tre trước nhà để chúc cho hạnh phúc đôi ta bền lâu và cầu mong trời kéo mây đi để nắng lên cho Ngưu Lang Chức Nữ được gặp nhau.
Thế mà... Thế mà năm nay em không còn, số phận anh không bằng Ngưu Lang bởi vì Ngưu Lang, Chức Nữ một năm còn gặp mặt một lần, chứ như anh đây thì mãi mãi, mãi mãi...
Sầu biết bao nhiêu, khổ biết ngần nào! Ðại Thông đi thơ thẩn không thiết gì đến thời gian. Sau cùng, chàng định quay về thì bóng tối lúc ấy đã rải rác ở dưới những tàng cây trên đồng ruộng. Con đường đất nằm dài trước mặt chàng như một dải lưng quấn lấy người chàng. Chàng thấy những cây sồi ngã những bóng đen nặng nề ở vòm trời, như một bức tranh thủy mạc. Buổi hoàng hôn làm cho cảnh vật nhuốm một vẻ mơ hồ, huyền ảo. Ánh sáng còn rớt lại của ban ngày biến đổi thôn quê thành một thế giới hãi hùng, rùng rợn. Những con dơi bay là là mặt đất và chạm cánh vào vai khách bộ hành đi chơi về hơi khuya...
Hôm nay, chàng về trễ hơn ngày thường. Mọi khi ở đây, chàng thường gặp con sen ngồi rửa chén đĩa ở bờ suối, bên gốc thùy dương, cạnh một căn nhà trắng bệch một cách phi thường. Hôm nay, nó cũng đã về từ lúc nào, và chàng lấy thế làm sợ nên ôm đầu chạy, chạy thật nhanh.
Không bao giờ đường về đối với chàng lại xa thẳm như thế này. Chàng chạy mãi, sau tới một cái miễu u uất mà chàng chưa thấy bao giờ cả. Hay là chàng lầm mất đường rồi? Tuy vật, chàng cứ tiến, và sau cùng, đi tới một cái cổng tiêu điều, cột kèo xiêu vẹo, trông có vẻ thê lương làm sao. Những cái tường bằng đá xám, có rong rêu bám từng chỗ nứt ra một cách mệt nhọc; những cánh cửa đã tróc sơn từng mảnh. Chàng lờ mờ nhìn thấy ba chữ đại tự này ở phía trên “Tào Sơn Ðiền”, ba chữ sơn son thiếp vàng, nhưng vì đã lâu ngày nên chỉ còn trơ những vết son then, mọt đục.
Ðại Thông nhìn vào trong, qua những cái liếp ngang thì thấy cỏ dại mọc khắp nơi, bìm sậy leo lên cả mái nhà, trong đền thì vắng ngắt không một tiếng động, không có một bóng người lui tới.
Vừa sợ, vừa lo, chàng cảm thấy một cái gì ghê gớm ở trong cái điêu tàn, cô quạnh này. Chàng bèn chạy, chạy ở trong bóng tối yêu ma, nó đuổi theo chàng ... Chàng nghe thấy những tiếng động khẽ ở đằng sau; chàng quay vụt lại để nhìn xem cái gì đang đuổi mình trong cảnh hoang vắng đang say sưa trong giấc ngủ.
Một người đàn bà đẹp tuyệt trần ở trong bóng tối từ từ bước tới gần chàng.
Người đàn ấy đẹp vô cùng mặc một cái áo dài rất chẽn thêu toàn những hoa lá mùa thu, vừa hồng nhạt vừa xanh xám. Dáng điệu của nàng rất nhẹ nhàng yểu điệu mà sắc đẹp của nàng thì không có một tí gì có vẻ là người dương thế; nàng đẹp như tiên nữ: mặt hoa, da phấn, lông mày vòng nguyệt xinh xinh quyến rũ lòng người kỳ lạ. Ðôi mắt nàng như chan hòa ngấn lệ và mái tóc xõa dài bay theo gió và xòa cả xuống vừng trán trắng mịn của nàng.
Ðại Thông như ngây dại, đứng nhìn nữ lang không chớp mắt. Chàng cảm thấy lo sợ; lo sợ vì người đàn bà kiều diễm có nhan sắc này vừa làm cho chàng kinh hãi, vừa làm cho chàng say mê. Sau cùng, chàng nghĩ thầm nếu cứ trân trân nhìn người ta như thế thì bất nhã nên chàng quyết định phải hỏi một câu:
- Thưa tiểu thư, kẻ này có lời xin lỗi tiểu thư. Chắc tiểu thư cũng ra tỉnh như tôi. Tôi đi chơi thơ thẩn ở bên hồ Bình Hoa và lúc về tôi quá bước nên lạc lối.
- Thưa ngài vâng, thiếp ra tỉnh với con hầu vì ngày mai đây là ngày hội Quần Tinh, mẹ già thiếp sai thiếp đi mua vài thứ cần để ngày mai nhà cúng.
Nói đoạn, nữ lang quay lại bảo con hầu:
- Ðêm khuya mà đường vắng, cô cháu mình lại được tiên sinh đây cùng đi, thực là may mắn.
Rồi nàng lại hỏi Ðại Thông:
- Xin hỏi tiên sinh, như thế có tiện không? Tiên sinh bằng lòng để cho chúng tôi cùng đi một thể cho vui chứ?
Ðại Thông thấy lòng mình như mở hội. Không khách sáo gì hết, chàng cùng nói với nữ lang đi song song ở trên con đường vắng vẻ, theo sau là đứa nữ tỳ mặc thanh y, trông y hệt một con đúm (đúm là một thứ búp bê của Việt Nam ngày xưa kết bằng vải mụn), có một cái mặt không hồn, còn mắt, mũi và miệng thì trông như dệt ở trên tơ lụa.