Tôi tháp tùng theo đoàn nhà văn, nhà báo đến thăm trại cải tạo để tìm đề tài sáng tác. May mắn lại được gặp anh Năm Ngôn là bạn kháng chiến ngày xưa, nay phụ trách giám thị ở đây nên được tiếp xúc chung và riêng đối với phạm nhân rất dễ dàng. Anh Năm đưa chúng tôi đến từng trại, đầu tiên là một trại nữ phạm - đa số là chị em bán phấn buôn hương khi còn ở ngoài đời. Theo nề nếp, khi được báo trước có khách đến thăm chị em đứng dậy chào, nghiêm chỉnh như một lớp học. Đột nhiên, tất cả kêu thét lên, người cúi mặt xuống, người ngoảnh đi che tay, còn bao nhiêu dồn vào một góc, túm tụm vào lưng nhau khi một anh phóng viên nâng máy ảnh quay phim chỉa ống kính vào họ. Duy chỉ có một cô - tuổi trên dưới ba mươi, suối tóc mềm, ánh mắt lung linh, nếu ở ngoài đời có chút lụa là son phấn khối kẻ phải điêu đứng - bình thản nhìn vào ống kính mỉm cười pha chút mỉa mai. Không vội vàng đánh giá cô là hạng lõi đời nhưng tôi có cảm giác cô này sống nội tâm đây. Sau nửa tiếng giao lưu, mọi người bước ra, tôi chậm lại. Khi đi qua gần một cô trẻ tuổi xinh đẹp, tôi ghé tai nói khẽ: - Sao cháu không đi thi hoa hậu? - Cái bác này! Cháu xấu như ma ấy! Nói xong cô đi vào một góc ngồi xuống có vẻ thẫn thờ. Tôi lại ái ngại tự trách đã để lời khen không phải lúc. Khi các chị em ra ngoài phân phối cuốc xẻng, quang gánh để đi làm, tôi lân la đến gần cô gái không che mặt khi nãy: - Có thể làm quen được không (mỉm cười đáp lại), tên của cô? - Dạ cháu tên Tươi, Nguyễn Thị Tươi! Đó là tên cúng cơm. Trong "giới" quen gọi là Mimô. -Sao lại thiếu một âm (xa)? - Lỡ chừng xuân mà bác! - Tôi tò mò một câu được không: lúc quay phim tôi thấy cô rất thản nhiên? - Nghĩa là tại sao không che mặt như chị em phải không? Vì mỗi con người trong họ ít ra cũng còn chút nhân phẩm... Tôi nói trống không: "Vậy là tôi tìm đúng địa chỉ rồi...". - Cuộc đời cô ít ra cũng bằng một quyển tiểu thuyết. - Vậy ra bác là nhà văn. - Sao cô biết? -Vì con mắt bác đa tình lắm... Xin lỗi bác đừng hiểu theo nghĩa vớ vẩn - năm ngón tay cô bơi trong không khí - mà theo nghĩa có nhiều tình cảm như thương hết mọi người, chẳng hạn! - Cô học đến lớp mấy? - Dạ đại học năm thứ hai dở dang... Chữ nghĩa trả thầy hết rồi bác ạ! Chiều hôm ấy đội bóng của trại thi đấu với đội bóng lâm nghiệp, đá chân đất nhưng mặc áo mayô màu có in số cầu thủ, đến đêm lại tổ chức liên hoan văn nghệ cây nhà lá vườn. Hội trường trang hoàng rực rỡ, điện máy nổ phát sáng trưng, sân khấu của hội trường trên thành phố chưa hẳn là hơn. Tôi chọn chỗ ngồi lẫn giữa chị em phạm nhân, tất nhiên là bên cạnh Mimô. Nhạc trỗi lên, một cô áo dài đứng cao bên trong lĩnh xướng, một đoàn diễn viên cầm quạt múa theo và liên tiếp thay phiên nhau các đội hình khác biểu tượng cho các giới trí thức, lao động ngoài đời, nam có, nữ có. Bao nhiêu y trang đẹp nhất xếp kỹ trong gói để chờ ngày được tự do đều đem ra diện, phấn son và cả nước hoa nữa. Anh phóng viên tha hồ bấm máy. Cũng chiếc máy quay phim ấy lúc ban sáng, cũng người cầm máy ấy, đối tượng ghi hình vẫn là những chị em ấy nhưng ai cũng nhoẻn miệng cười làm duyên trước ống kính, muốn phóng viên đến gần mình hơn, muốn ánh sáng rọi chiếu hình ảnh thật rõ dáng hình. Mimô hỏi tôi: - Bác biết rồi đó! Vì sao hồi sáng chị em che mặt giấu mình, bây giờ cũng người ấy, máy ấy chị em lại phô diễn rất vui vẻ hồn nhiên. - Vì sao? - Vì ông nhà báo và cái ống kính hồi sáng là tò mò, soi mói. Còn ống kính ấy, nhà báo ấy bây giờ lại tình cảm và ca ngợi... Tôi thầm nghĩ: "Cảm ơn cô gái! Cô cho tôi thêm một bài học nghề nghiệp quá ư sáng giá...". - Ngày mai cô có vui lòng tiếp chuyện với tôi được không, tất nhiên tôi sẽ xin phép giám thị, nhưng quan trọng nhất vẫn là khách mời có tin cậy và coi nhau bình đẳng, không ngăn cách bằng bức rào mặc cảm tự ti. - Vậy hả bác? Lâu nay cháu chưa được gặp đối tượng nào để rửa óc cho hả nên ngứa miệng lắm. Cháu đồng ý nhưng buổi sáng thôi. Buổi chiều cháu phải dạy văn hóa cho anh chị em phạm. Bác Năm Ngôn bảo ở tù một năm mà không học thêm một lớp văn hóa coi như uổng công cải tạo...
Sáng sớm, tôi ra vườn rau nơi hiện trường lao động cải tạo, bảo vệ cho phép cô đến tiếp chuyện tôi dưới bóng cây râm mát. - Cô có hút thuốc không? - Còn gì bằng. Tôi moi túi xách lấy bao thuốc lá "ba số". - Bác hút "Sài Gòn", sao lại mời "ba số"? - Gu của tôi là "Sài Gòn", cái này dành cho khách. - Ông già điệu đàng quá! Tôi tỏ ra quan tâm: - Dịp lễ này cô chắc có trong diện được ân xá? - Sao bác đoán chắc thế? - Tôi luôn luôn ước ao chuyện tốt lành. - Xét về chấp hành nội quy, biểu hiện tốt, lao động tốt, không nói năng bừa bãi, không bè phái mất đoàn kết thì xứng đáng đặc xá... Nhưng thấy bác vui tính cháu chẳng giấu, về mặt tự giác thì có lẽ cần xét lại... Mà cháu thật lòng hỏi bác, đối với một người có lịch sử như cháu, trước mắt là một phạm nhân, ngoài đời là một gái bán thân, cảm nhận hay nói đúng hơn là sự đánh giá của bác thế nào? - Nếu cháu bảo bác tự đánh giá mình có lẽ bác có nhận xét đúng về mình, còn đánh giá người khác có lẽ người lớn tuổi chủ quan hơn cả. Người già mà là nhà văn càng dễ dại dột hơn bất cứ ai, vì họ để cái đầu sai khiến nhưng lại nhầm lẫn đó là trái tim. Trăm năm của một đời người đúng hay sai, tòa án là một điểm dừng chân để nhận sự phán xét, còn bước tiếp của cả cuộc đời tự thân mỗi con người chọn lấy hướng mà đi, đâu có ai dắt tay mình mãi được. - Nếu bác đã nghĩ vậy, cháu ngại gì mà không kể cho bác nghe. * * * Nhà cháu có ba chị em. Cháu là lớn, khi trưởng thành làm lý lịch để đi học mới hay cha cháu họ Phạm mà chúng cháu lại mang họ Nguyễn. Thắc mắc hỏi mẹ. Cha cháu mất sớm. Mẹ cháu một nách ba con như cây mất gốc. Mẹ cháu đành đi bước nữa với ông giáo làng. Ông nội cự tuyệt thẳng thừng, cho rằng thuyền theo lái gái theo chồng, chồng chết theo con, đi bước nữa là trái đạo. Mẹ cháu không vâng lời nên bị truất quyền thừa kế nhà chồng, ruộng chia lấy lại, nhà cửa dỡ đi. Mẹ cháu nách con về quê cũ. Ông ngoại cháu cả giận nên đoạn giao, ngày khai hộ tịch ông xóa họ nội, ghi thành họ ngoại nên tên cháu trong chứng minh là Nguyễn Thị Tươi. Nghe đâu trước khi nhắm mắt, ông nội cháu có nghĩ lại muốn giải oan để được thanh thản về bên kia thế giới, có trối lại dặn dò hằng năm người con út, là chú ruột của cháu, đã thừa kế phần ruộng đất của cha cháu, ngày tết phải có mâm quả làm quà cho ba mẹ con cháu đến hết đời. Từ lúc cháu bắt đầu hiểu, cứ sắp tất niên năm nào như năm nào, một chiếc xuồng cập bến, cháu thấy chú út bê lên một thúng nếp, trên xếp đầy cam sành. Mãi sau này mẹ cháu mất rồi, cháu lưu lạc lên thành phố có nhà cửa rồi, giáp tết chú út vẫn khệ nệ bê lên một thúng nếp đầy cam và hai con vịt. Người cha kế của cháu, nhà giáo nghèo nhưng chuộng chữ nghĩa học vấn. Nhờ ông mà ba chị em cháu đều học tới đại học. Tiếc rằng ông mất sớm nên mẹ cháu như mất một cánh tay. Nếu không có cái tang ấy, có thể cháu không rẽ vào bước ngoặt định mệnh đưa đẩy cuộc đời đến sự thể như ngày nay. Bảo là đổi họ nhưng làm sao thay được giống dòng. Kiến họ với nhau sao dứt được sợi dây ràng buộc. Nên họ hàng bên nội, bên ngoại, người lớn kèn cựa với nhau ra sao đi nữa, cháu con hậu duệ đâu thể coi nhau là người dưng. Ông nội cháu khó tính nên hai người cô của cháu đều quá lứa lỡ thì. Cô Năm cháu, gái già cô độc, lại giống tính ông cháu đạo đức quá độ nên rất thích dây vào chuyện của người khác. Đã thế còn suy phận mình nên nhìn đứa cháu gái nào bà vừa lo bom nổ chậm, vừa sợ chúng ế chồng, phải kiếm chỗ gả tống đi để nhà khác khỏi xí mất phần. Cháu học hết năm thứ hai đại học, về quê nghỉ hè là phải nghỉ luôn. Không còn ba kế cháu nâng đỡ tinh thần lại vì kinh tế thúc bách, bà cô lại làm áp lực theo quan niệm thiển cận của bà, tự dắt mối đến. Đám dạm hỏi như trên trời rơi xuống. Họ nhà trai đi một xe lam đầy, ba bà cô bắt cháu phải chải gỡ tươm tất, bưng nước ra để người ta xem mặt. Nhận thấy vẻ hợm mình hớn hở, đầu chải sáp thơm láng coóng của hắn cháu đã thấy không ưa. Tình yêu là ưng phải không bác? Vừa bụng thấy là ưng liền đâu có đợi xét nét này nọ. Không hiểu sao lúc ấy tự dưng cháu khôn thế! Cháu giở cái trò xét tiêu chuẩn ra để phá đám. Nào tại sao anh chọn tôi, nào điều kiện nào để có hạnh phúc...? Anh ta khoe học vấn, khoe chức danh, khoe tiền của, khoe đối xử bình đẳng... Cháu bất ngờ xỉa cho một câu hỏi: "Anh có tật xấu gì không? Nhược điểm của anh là gì?". Tất nhiên anh chàng cà lăm không đáp được. Bọn con trai có bao giờ xét tật xấu của mình phải không bác! Cháu phăng teo ngay cho một câu: "Anh chưa hiểu được mình làm sao hiểu được vợ, tôi khó tính lắm anh khiển không nổi đâu. Đi tìm đám khác đi!". Các cô giũa cho cháu một trận nên thân, bảo già kén là chết giá. Nhưng các bà không chịu thua, lại đưa đến một đám nữa. Lần này có kinh nghiệm, cháu hỏi ngay một câu: "Anh đã từng yêu ai chưa?...". Tất nhiên hắn ta nói dối rằng "còn trinh", cháu bồi cho anh ta cụt hứng ngay: "Sao anh hèn vậy? Hai mươi tám tuổi chưa hề yêu cô nào. Tôi con gái chưa quá hai mươi tuổi đã qua mấy đời bồ rồi!". Mấy bà cô tức điên lên được, còn cháu dư biết rằng khó sống nổi với nếp nghĩ của các bà, ngày hôm sau cháu xách gói vù luôn cho đến bây giờ.