Hoa huệ đất ngái ngủ, hoa phong lữ với những cánh màu hồng hồng hai bên lối đi sũng hơi sương, hoa đối thủy mơ màng tỏa hương. Và nàng là đóa hoa tươi tắn, sống động nhất của buổi ban mai. Thành phố Hồ Chí Minh năm 2060
Ông Tuân ngả lưng trên chiếc ghế làm việc êm ái. Khi ông duỗi người ra, chiếc ghế từ từ hạ xuống ở độ nghiêng thật thích hợp. Một tay ông kéo trễ chiếc cà vạt, một tay ông xoa xoa hai bên thái dương. Độ rày ông cảm thấy mình không còn được khỏe khoắn như trước dù ông luôn tuân thủ chế độ ăn uống thích hợp và thường xuyên tập dưỡng sinh.
Ông hay mất ngủ về đêm. Những đêm như thế, ông ngồi lì trước màn hình vi tính để làm cho xong những công việc đáng lẽ phải làm của ngày hôm sau. Trong cái tĩnh mịch của đêm, trong tiếng thở nhè nhẹ của bà Tuân ở phòng bên cạnh, ông mê mải với những con số, những chi tiết cấu tạo thiết bị điện tử, bản vẽ, mô hình… Ông còn ấp ủ rất nhiều công trình chế tạo nên những chiếc máy hoàn hảo phục vụ đời sống con người …
Mùa xuân vừa qua, hàng loạt con rô bốt với tên gọi Người phục vụ đáng yêu do hãng điện tử Đất Việt của ông chế tạo đã đạt giải nhất toàn quốc trong cuộc thi "Sáng tạo vì cuộc sống". Báo chí không ngớt lời khen ngợi sáng chế độc đáo này của hãng ông. Họ nói rằng nhờ những con rô bốt thông minh "giống người thật như đúc" mang nhiều tính năng: lau rửa bát đĩa, quét dọn nhà cửa và thậm chí hát ru, trồng hoa hồng và tưới cây kiêm vệ sĩ đắc lực, phát hiện trước mọi hiểm họa trong nhà như cháy, trộm cướp… mà những người già bớt cảm thấy cô đơn hơn khi không có người thân bên cạnh và những cặp vợ chồng trẻ thì an tâm hơn khi để con cái họ ở nhà một mình. Người ta gọi đó là "Những sản phẩm kết hợp tuyệt vời giữa một đầu óc khoa học hoàn hảo, một sức tưởng tượng tuyệt vời". Tuy nhiên, vài ba bài báo đã phản ánh hiện tượng người già ngày càng bị con cháu bỏ rơi từ khi những con robốt thông minh ấy đi vào đời sống. Cách đây một tháng, một tờ báo đã đăng câu chuyện dở khóc dở cười sau: Một cụ già 80 tuổi trước khi qua đời đã kịp sửa lại bản di chúc, thay vì trao cho đứa con trai yêu quý toàn bộ số gia tài kếch xù, cụ quyết định giao một nửa tài sản cho "con rô bốt đáng yêu" mà anh con trai mua để chăm sóc bố, ông cụ viết trong lá thư cuối đời của mình rằng: "Tôi nghĩ con rô bốt này cũng đáng hưởng phân nửa số gia tài đó bởi vì nó đã chăm sóc tôi quá tận tụy hơn mức mà tôi mong đợi ở đứa con của mình". Thật ra, nhiều người cho rằng ông cụ vì quá cô đơn trong tuổi già và bệnh tật nên hành động lú lẫn như thế. Tất nhiên anh con trai vô cùng cáu tiết và tìm mọi cách để kiện đòi lại cho được số gia tài từ tay… con rôbốt! Có một chi tiết mà tờ báo nọ đã lấy hết nước mắt của độc giả: Khi người ta phát hiện ông cụ chết là lúc cụ nằm đang ngủ, con rô bốt được cài tính năng quạt và hát tự động. Ông cụ tắt thở nhưng môi còn vương nụ cười mãn nguyện, con rô bốt ngồi trên chiếc ghế cạnh giường, tay phe phẩy nhẹ nhàng cây quạt và nó đang hát thủ thỉ một bài dân ca. Có lẽ ông cụ đã ra đi trong sự mãn nguyện vì phút lâm chung cụ có cảm giác cậu con trai yêu quý ở bên cạnh. Một vài luồng dư luận đã lên tiếng chống đối việc sản xuất hàng loạt những con rô bốt siêu thông minh như thế. Hàng trăm diễn đàn nổ tung trên internet với những câu như đại loại như: “Đời sống chúng ta sẽ đi về đâu?”, “Cấu trúc gia đình đang vị phá vỡ”… Nhưng dù tranh cãi gì đi nữa, không ai có thể ngăn cản được bước tiến của hãng điện tử Đất Việt, một hãng điện tử được xem là số một ở thành phố lớn này. Tất cả là nhờ tài học và bộ não làm việc không ngừng của ông Tuân. Dù hiện tại ông đã giao hãng cho các con ông quản lý nhưng ông vẫn giữ vai trò cố vấn quan trọng, liên tục đưa ra những mẫu sáng tạo, phát minh độc quyền cho hãng. Năm nay ông được nhận một lượt hai giải thưởng cao quý "Giải thành tựu trọn đời", giải "Người công dân tiêu biểu" do chính phủ và hiệp hội các nhà khoa học uy tín nhất nước trao tặng. "Thầy phù thủy của cuộc sống" là cái tên mà báo giới và mọi người đã thân ái đặt cho ông. Đối với mọi người, ở tuổi 80, ông Tuân đã đi trọn cuộc đời thành công mỹ mãn. Nhưng thật ra chỉ có ông mới hiểu cuộc sống của mình chưa thật sự trọn vẹn. Không hiểu có phải càng về già người ta lại càng bị ám ảnh bởi ký ức. Những chuyện, những câu nói tưởng như đời nảo đời nao bị bụi thời gian lấp kín bỗng một lúc nào đó chợt bừng dậy thật rõ ràng và sắc nét. Có một lần cách đây vài tuần, vào một buổi sáng sớm, khi ông đang tập nốt những động tác cuối cùng của bài tập dưỡng sinh trên sân thượng toà biệt thự của mình ở ngoại ô thành phố, khi ông uốn thân mình và quay mặt về phía hừng đông, nơi mặt trời ban mai chỉ mới là nửa quả cầu được bọc trong lớp lụa hồng mềm mại của ánh nắng, bỗng trong đầu ông vang lên tiếng nói trong trẻo: "Nhìn kìa! Bầu trời mới hồng hào làm sao! Giống khuôn mặt rạng ngời của một đứa bé vậy!". Rõ ràng là tiếng của nàng; dù có hàng chục năm hay hàng trăm năm trôi qua thì ông không bao giờ quên được cái âm sắc nũng nịu và dễ thương ấy. Nàng luôn reo lên như thế vào mỗi buổi sáng của ngày xưa khi ông đến đón nàng đến trường. Ông thấy mình trên chiếc xe đạp cũ đòn ngang đang loạng choạng đạp vượt qua một cái sân nhỏ trước ngõ nhà nàng. Mảnh sân được lát bởi những mảnh gạch tàu vụn và sỏi làm bánh xe kêu lách cách. Hoa huệ đất còn ngái ngủ, hoa phong lữ với những cánh hoa màu hồng hồng hai bên lối đi còn sũng hơi sương, hoa đối thủy còn mơ màng tỏa hương và nàng là đóa hoa tươi tắn nhất, sống động nhất của buổi ban mai… Nàng sẽ ngồi trên chiếc đòn ngang của xe ông, tóc nàng sẽ mơn man trên mặt ông và nàng sẽ reo lên trước hừng đông: "Bầu trời như khuôn mặt đứa bé vậy!". Trong cái buổi sáng ở tuổi 80 ấy, ông Tuân bỗng úp hai tay vào mặt, không có giọt nước mắt nào cả nhưng vai ông run bần bật. Ông bỗng khao khát lúc này mình có thể là một hạt cát, một ngọn gió, một cọng cỏ… để đừng bao giờ nhận thấy sự nghiệt ngã của thời gian và sự tàn nhẫn của những kỷ niệm buồn… Tuần rồi, đã hai lần ông Tuân đến phòng tư vấn của bạn ông vốn là một chuyên gia tư vấn tâm lý. Trong giấc ngủ trưa chập chờn hay giấc ngủ tối ngắn ngủi ông hay mơ thấy những mảng màu đỏ rực rỡ, có khi những mảng màu đó nở to ra và vùi xuống ông cũng có khi chúng lại nâng ông lên bay bổng. "Tại sao lại là màu đỏ mà không phải là màu nào khác?" - Những giấc mơ cứ lặp đi lặp lại khiến ông đã đem điều ấy ra hỏi người bạn của mình. Sau một loạt trắc nghiệm tâm lý, người bạn ông khẳng định chắc nịch: "Đó là những ám ảnh về sự thành công trong cuộc sống, khi người ta còn những ước mơ chưa đạt được, một hoài bão nào đó đang ấp ủ... Những giấc mơ đó chỉ là những ẩn ức về sự thành công tuyệt đối... Danh vọng là cái gì đó mãi mãi ám ảnh chúng ta và khi chúng ta đạt được đến một thành công nào đó chúng ta lại nghĩ đến thành công khác…". Ông Tuân không muốn cãi lại bạn dù ông tin chắc rằng những lời "giải mộng" vẫn chưa đúng lắm với những cảm nhận của ông: "Danh vọng ư? Mình đã có quá đủ. Nhưng giờ đây, điều đó dường như chẳng có ý nghĩa gì cả!..." Khi đám mây màu đỏ hồng sắp nâng ông lên cao, lên cao thì một âm thanh bắt đầu trỗi dậy, ban đầu nghe có vẻ mơ hồ nhưng dần dần rõ hơn với cường độ lớn dần… Chuỗi âm thanh đó len vào giấc mơ của ông và làm cho đám mây từ từ hạ xuống. Ông Tuân choàng dậy. Tiếng chuông điện thoại đang đổ dồn. Ông thờ ơ cầm chiếc điện thoại, ông chưa tỉnh hẳn và giấc mơ quen thuộc làm ông bận suy nghĩ. "Alô, tôi là giáo sư Tuân đây!"
Ông nhận thấy đầu dây bên kia im lặng một lúc và sau đó là giọng nói vừa có vẻ gấp gáp lại có vẻ thận trọng của một thanh niên: "Tôi không biết bắt đầu như thế nào với ông nhưng bà của tôi muốn gặp ông trong ngày hôm nay…". Giọng anh ta không kềm được xúc động, hình như anh ta phải dừng lại một chút để thở: "Bà tôi nhắn với ông là sáu mươi năm rồi bà không gặp ông và bây giờ bà muốn gặp ông khi còn kịp lúc… bà tôi đang hấp hối. Không biết giáo sư có thời gian để gíúp bà tôi hoàn thành ý nguyện cuối cùng?" ông Tuân hoàn toàn chết lặng, chưa bao giờ trong cuộc đời mình ông có cảm giác chết lặng như thế, ông cảm thấy rõ ràng trái tim mình đang co thắt. Ông tưởng như mình đang gào vào điện thoại nhưng không, ông nghe giọng mình run và lạc đi: "Xin anh cho biết địa chỉ!Tôi sẽ đi ngay lập tức!". "Bà tôi hiện đang nằm ở quê, vẫn ở An Giang như ngày xưa, bà bảo nói thế là ông biết ngay. Bây giờ là 2h chiều! Nếu ông đi ngay thì tôi nghĩ còn kịp. Tôi sẽ có mặt tại sân bay X để đón ông. Tôi xin ông!…”. Ông Tuân nắm chặt cái điện thoại: "Anh yên tâm. Tôi đi ngay. Anh hãy nói bà anh đợi tôi, xin bà hãy đợi tôi…!". Mười phút sau, ông Tuân đã trên đường đến sân bay. Suốt đường đi, ông nhìn mãi ra cửa xe. Người đi bộ trên những đại lộ thật đông và tấp nập. Những tòa cao ốc ngả bóng dài che mất cả ánh mặt trời. Hàng cây xanh bên đường rợp mát. Trông chúng thật bé nhỏ dưới hàng hàng lớp lớp tòa nhà cao sáng lấp loáng. Màn hình điện tử lớn ở mỗi góc đường đang chiếu đi chiếu lại cảnh quảng cáo, một loại nước giải khát mới đang cố gắng chinh phục thị trường, chàng trai trong đoạn quảng cáo đang nốc cạn một chai nước ngọt để lấy sức mạnh bay lên phi thuyền không gian cứu cô gái trẻ đẹp bị người ngoài hành tinh bắt giữ… Đường phố trôi qua, những tòa nhà trôi qua, nụ cười rạng rỡ của đôi trai gái đã chinh phục vũ trụ cũng trôi qua… Cái thành phố phát triển nhất nước với cảnh quang thật trật tự, thật quy củ và hiện đại sang trọng mà ông và hàng bao người đã và đang xây dựng nên cũng trôi qua… Hình như cuộc sống và cảnh vật ngày càng trật tự, nền nếp hơn, chỉ có lòng người là ngày càng bề bộn, rối rắm: "Tuổi trẻ của ta và nàng cũng đã vụt bay qua, như một cái chớp mắt!". Bất chợt ông thở dài và mỉm cười chua chát : "Nhưng nàng vẫn còn nhớ đến ta, nàng đã tha thứ…". "Thưa giáo sư ! Đến phi trường rồi ạ!" Tiếng nói nhỏ nhẹ của cô thư ký kéo ông về hiện tại. Những buổi chiều của tuổi trẻ, của những bản tình ca, của gió và hương của cây lá, những lời thì thầm, nụ hôn thần thánh... … Chuyến bay không đông người, vẫn còn nhiều chỗ trống…Cô tiếp viên xinh xắn ân cần nhắc ông thắt lại dây an toàn. Ông nhận thấy ở các cô tiếp viên một sự kính trọng và âu yếm dành cho ông “ Không phải chỉ vì ta nổi tiếng mà vì ta còn là một người già”. Bất chợt, nỗi sợ hãi xâm chiếm ông, toàn thân ông lạnh toát: "Lỡ ta về không kịp? Lỡ nàng ra đi trước khi ta đến thì sao! Không, không thể…". Trong một khoảnh khắc ông cảm thấy máu đổ dồn về tim mình. Ông khó thở: "Nếu họ biết tình trạng sức khỏe của ta thì rầy rà lắm!". Ông cố ngồi thẳng người, khép lại vạt áo vét. Máy bay đang cất cánh “Chỉ là một chuyến bay ngắn thôi mà…". Đường bay từ thành phố Hồ Chí Minh về thành phố X đã mở gần mười năm nay nhưng chưa một lần ông bay về X. Ông đã chọn TP HCM là quê hương thứ hai của mình, ông đã thật sự lìa xa X vào ngày của năm lớp 10 khi ông là một trong số ít học sinh giỏi của tỉnh lỵ nhỏ bé được nhận học bổng toàn phần sang Mỹ du học. "Ta cũng dần xa nàng từ đó!". Ông Tuân nhìn ra cửa sổ máy bay, ông đang ở trên bầu trời màu xanh ngọc tuyệt đẹp và đang hướng về quê hương với khoảng thời gian chỉ bằng một phần tám khoảng thời gian mà trước đây người ta chỉ có thể đi trên những chuyến xe chật ních người. Ông Tuân nhắm mắt lại để hình dung những đoạn đường bộ bên dưới, những đoạn đường chỉ còn là ký ức mờ nhạt trong ông: Tân An, ngã ba Trung Lương, cầu Mỹ Thuận, Đồng Tháp, rồi huyện Chợ Mới, từ huyện Chợ Mới sẽ có một con phà đưa ông về X… Tất cả những địa danh đó chẳng khác nào một chuỗi những câu chuyện cổ tích cũ kỹ trong ký ức; nhưng bây giờ ông thèm được ngồi lại những chuyến xe đó, được nhìn những cánh đồng nối tiếp những cánh đồng, những bụi chuối, hàng dừa nối tiếp nhau như không bao giờ dứt. *** Hồi ấy ở cái tuổi 16 háo hức ra đi, trong tâm trạng choáng ngợp trước thành công lớn lao đầu đời ông đã ngán ngẩm những chuyến xe từ quê lên thành phố "cảnh vật thật là nhàm chán, chỉ rặt một màu xanh của lá, màu nâu của đất… đường thì xa xôi! Một ngày nào đó trở về mình sẽ đi bằng máy bay". Và bây giờ ông đang bay về quê hương của mình nơi có một người mà ông đã nghĩ mình có thể dễ dàng quên. Nhưng không! Giống như đối với đứa trẻ thơ, viên kẹo đầu tiên luôn là viên kẹo ngọt ngào nhất, nàng là một kỷ niệm không thể nào quên. Trong suốt quãng thời gian dài, hơn chục năm trời học ở Mỹ, mỗi lần ông nhớ quê ông không làm sao tách hình ảnh nàng khỏi cái tỉnh lỵ nhỏ bé ấy. Nàng đã gắn liền với ngôi trường nhỏ, rợp mát tán bàng xanh, cái công viên gần trường, ở đó mỗi lần tan buổi học chiều ông và nàng hay ngồi ngắm hoàng hôn trên một cái băng đá cũ. Nếu là mùa hè, cây hoa hoàng hậu gần chỗ họ ngồi sẽ mặc sức đung đưa trong gíó những chùm hoa, ánh lên một sắc vàng rực rỡ kỳ diệu trong ráng chiều. Những năm tháng thanh niên học tập và sống ở xứ người, ông luôn thành công trên mọi phương diện, luôn là một trong những người giỏi nhất, dễ dàng chinh phục phái nữ vì biệt tài vẽ chân dung và đánh đàn guitar. Ông dễ dàng hòa nhập vào môi trường mới, ông luôn có bạn bè vây quanh, những khuôn mặt mới con người mới, lối sống mới cứ mỗi ngày lại ào đến, cuốn ông đi và ông cũng không tìm cách cưỡng lại, hay nói đúng hơn không thể nào cưỡng lại được. Những lần về quê thăm nhà ngắn ngủi ông bỗng nhận ra cái bản chất cô đơn cố hữu của nàng, ông bỗng nhận ra nàng khác với mọi cô gái khác. Nàng quá mong manh, hồn nhiên, hình như ngoài một hai người bạn gái thân, nàng chỉ gắn bó ông, luôn luôn tìm đến ông, ông là tất cả đối với nàng. Sau những câu chuyện ông kể cho nàng nghe ánh mắt nàng lúc nào cũng ánh lên sự ngưỡng mộ và tin yêu vô bờ. Ông đã từng hãnh diện vô cùng khi chinh phục được trái tim nàng vào năm lớp 7. Khi các bạn đang chơi đùa trong sân trường giờ ra chơi thì nàng loay hoay một mình tìm cách đập vỡ một quả bàng. Ông đã tìm giúp nàng một hòn đá để cùng đập và cả hai đã cùng ăn cái chất ngòn ngọt thanh thanh ít ỏi tìm được với tất cả niềm vui sướng của những kẻ chiến thắng. Tình bạn của ông và nàng đã bắt đầu từ những năm tháng ấy và tình yêu cũng tự nó tìm đến. Ông đã sống trong men say của tình yêu, cả thời thiếu niên và thanh niên. Mái tóc ấy, bờ vai ấy, đôi mắt tròn và trong đến nao lòng, những ngón tay thon búp măng thiếu nữ… Những buổi chiều cuối tuần ông chở nàng về quê ở một huyện nhỏ, họ sẽ trèo lên quả đồi để ngắm mặt trời dưới tán một cây đa lớn. Nàng sẽ đọc cho ông nghe một vài đoạn trong quyển sách nào đấy, ông sẽ đàn một vài bản romance mà ông tự mài mò trên chiếc guitar cũ của cha. Ôi những buổi chiều trên quả đồi ngày xưa! Paris diễm lệ, Ai Cập huyền bí hay những buổi chiều vàng ở bờ biển Hawaii mơ màng… cũng không thể nào xóa nhòa hình ảnh của nó trong ông. Hàng chục năm qua ông đã cố không nghĩ đến nó nhưng ông luôn nhớ đến nó. Những buổi chiều của tuổi trẻ, của những bản tình ca, của gió và hương của cây lá, những lời thì thầm, nụ hôn thần thánh… Phương trình toán học, công thức vật lý đã trở nên dễ dàng như những bài thơ, như câu chuyện kể. Nàng là chất xúc tác kỳ diệu đối với ông, lấp đầy trong ông sự ham muốn chinh phục của một gã trai mới lớn, khi các người bạn của ông vẫn chỉ loay hoay với những buổi uống nước và những buổi đi dạo vu vơ thì ông đã được sống trong men của thứ tình cảm có nhau và cần đến nhau. Nàng đã làm cho ông cảm thấy quá hạnh phúc, quá đầy đủ. Ông đã lao vào học, lao vào yêu với cả nhiệt huyết của con tim mình cho đến ngày ông rời quê hương đi xa…