So với những khu dân cư cao tầng, sáng sủa xung quanh, làng Vũ Môn trông nhôm nhoam, cũ kỹ, chả xứng với vẻ hoa lệ của một thành phố văn minh. Làng vừa dài vừa vẹo vọ tựa cây tre còi, quán xá thò thụt dọc hai bên đường. Đó là con đường chính, vừa hẹp vừa ngoắt ngoéo, đầy ổ gà. Đôi đoạn còn dễ đi nhờ giữ được những vỉa gạch chỉ xây nghiêng từ ngày trước. Dân trong làng (nay là phường) phần đông sống bằng nghề trồng lúa, trồng rau muống; một vài tổ hợp tác ươm hoa và làm nghề thủ công; ít người đi làm công chức. Vài năm nay, số lớn thanh niên theo một nghề mới, khai thác phế liệu và phế thải ngày càng nhiều ở thành phố và buôn bán phân tươi. Cái chợ bán phân và phế liệu họp trên một bãi đất trống ngay đầu con đường dẫn vào làng. Xế đấy có một ngôi nhà xây kiểu cổ, lợp ngói mũ hài. Mặt tiền ngôi nhà mới nới thêm, mở một ki-ốt bán văn hóa phẩm và cho thuê sách truyện. Người người đi qua vào buổi chợ không khỏi buồn cười cái cảnh có vẻ khoái trá ấy. Nhà đó tôi biết. Chủ quán là ông Văn Nghĩa Vương, một công chức lưu dung về hưu và một đống con. Từ khi nghề buôn bán phế liệu, phân rác dễ kiếm tiền, chợ mở thêm phiên chiều. Vậy là từ một hai giờ sáng đến nhập nhoạng tối, những tốp xe ngông ngênh quang sọt cứ rầm rập trên đường làng. Chả hiểu sao mỗi khi qua hàng sách ông Vương, chúng hay hát một câu thật lếu láo: Văn hay chữ tốt làm gì. Một trăm bồ chữ chẳng bì bồ gio?; Ông Vương có tới sáu người con. Bà Mẫu vợ ông đã mất từ chín năm nay. Ông thuộc lớp người võ vẽ ít chữ nho cuối cùng ở làng Vũ Môn. Ông giữ lối sống cổ, trọng chữ nghĩa nhưng càng về già càng nhu nhược, cẩn thận lẩn mẩn. Tất cả các con trừ Văn Nghĩa Tự và Văn Nghĩa Tế, còn mọi người đều học hành đến nơi đến chốn. Không ai theo nghề nông. Tự là con cả, bỏ dở lớp mười vì chiến tranh. Tự đi bộ đội, bị thương vào đầu; càng nhiều tuổi càng có triệu chứng ngớ ngẩn, đã trên bốn mươi, chưa lấy ai. Sau Tự là Ngư, Ngư đã học qua lớp đại học văn hóa ngạch hàm thụ đang là cán bộ tuyên huấn ở một đoàn thể. Trong gia đình, Ngư gần như giữ vai trò chính sau ông bố. Dưới Ngư còn có bốn em. Tế cũng học hết lớp mười phổ thông nhưng phá ngang theo bọn đào vàng ngược Vĩnh Phú, Thái Nguyên kiếm ăn. Hai năm trước bị đá đè hỏng chân mới xin vào làm nhân viên tổ thu nhặt phế liệu, phế thải quận. Vào lúc hết việc, Tế lại cùng đám thanh niên làng cưỡi xe đạp với đôi bồ đằng sau đi khai thác phân, kiếm khá tiền. Con trai thứ tư là Tiên, kỹ sư xây dựng, mới bỏ bằng xin đi xuất khẩu lao động. Văn Băng Thanh, con gái duy nhất của ông bà Vương, học xong cao đẳng ngân hàng, đang làm việc trong nghành thương nghiệp. Cậu út là Liêm, so với các anh chị, Liêm học hành suôn sẻ nhất. Vừa hết đại học, Liêm theo luôn khóa đào tạo phó tiến sĩ trong nước, còn một năm nữa thì bảo vệ luận án. Từ khi bà Mẫu chết, kinh tế trong nhà sa sút dần. Ngày trước, bà Mẫu mở cửa hàng khô ngay mặt đường, đủ sức nuôi cả nhà. Với lại có đôi tay người đàn bà, việc tính toán dẫu nhiều khi keo kiệt nhưng vẫn có kế hoạch hơn. Trong sáu anh em, Tế và Thanh kiếm ra tiền. Nhưng Thanh sớm biết lo xa. Hàng tháng cô chỉ nộp cho ông Vương số lương chính, khoảng ba bốn ngàn gì đó, cũng giống như Tự, Liêm, Ngư. Nghĩa là gần như phó mặc cho ông bố. Thành thử phần lớn gánh nặng chi tiêu của cả nhà dồn lên đôi sọt của Tế (như anh ta vẫn thường nói). Tế là người chịu khó, tốt bụng, không so kè nhưng anh thuộc loại khá ngang ngạnh, hay móc máy. Tế nói câu nào chết người câu ấy. Sau tết, khoảng tháng ba âm lịch, nhà ông Vương có việc đại sự. Ngư lấy vợ, vợ Ngư là cô Tầm, giáo viên cấp một. Vì bệnh tình của Tự, cô Tầm được coi như dâu trưởng. Tầm hai mươi sáu tuổi, bị cận thị nặng từ hồi học phổ thông, đeo kính ba đi-ốp. Cuới hôm trước, hôm sau Tầm chở về nhà hai xe xích lô sách báo, giáo án và đồ dùng dạy học. Tụi trẻ con thấy lạ xúm vào xem. Đám con gái hàng xóm lén đưa mắt ước lượng của hồi môn của cô dâu mới. Hôm ấy tiện thể ông Vương làm cỗ mời lại mặt luôn. Tế và Thanh nấu cơm dưới bếp. Tế bảo: - Nhà mình thêm một bà kính cận nữa, chết tao! - Sao lại chết anh? Tế vục muôi vào nồi chè kho đang sủi bọt vàng khè, thủng thẳng nói: - Lại không à? Cái lương giáo viên nuôi nổi bà Tầm à? Tao phải cố mỗi ngày thêm vài xô là cái chắc. - Anh nói phát khiếp ?; Thanh lè lưỡi kêu rồi quay sang bảo Tế ?; mẹ chị ấy bán hàng khô trên chợ, khối tiền. Chị ấy vừa dạy thêm cho học trò, vừa chạy hàng cho bà cụ, cần gì nhờ anh. Nghe đâu cưới xong chị ấy mua nhà riêng. Cứ nhìn trang sức của "bà" ấy mà thèm. Mà eo ơi! Chị Tầm mang về bao nhiêu truyện hay nhé! - Truyện gì? - Toàn truyện hết xảy:" Tình yêu trên xác bướm"," Cô gái đi hoang"," Góa phụ đêm tân hôn"?; - Nghe mùi nhỉ? Có "chưởng" không? - Văn chương bây giờ thối bỏ mẹ. Tao chỉ mê chưởng? - Nghề của anh cần gì biết "chưởng". - Mày tưởng lấy phân dễ à? Lúc hiếm tranh nhau, có khi đánh nhau trí tử. - Phân mà cũng hiếm? - Hiếm chứ. Cũng phải mặt dạn mày dày mới kiếm ra. Thanh bĩu môi: - Anh làm như vàng! - Vàng chứ còn gì. Cả thành phố này không có đạo quân cảm tử của chúng tao xem?; Nghĩ cũng tức, ra đường ai người ta cũng tránh, lại còn cấm đoán. Nhưng mà thôi, nghĩ đến số tiền bán nó cũng bõ công?; Lễ lại mặt ăn năm mâm. Họ nhà gái đến mười người. Phần lớn thanh niên. Ngư xuống bếp nói với Thanh: - Nhà gái toàn đại biểu trẻ, cô Thanh lên tiếp hộ nhé. Thanh lên gác diện bộ "bò mốc" trị giá gần nửa chỉ vàng, cô mới mặc hôm tết một lần. Bộ bò tôn dáng khỏe mạnh. Cô ngồi vào bàn, mở hộp đồ trang sức, lấy ra cặp lông giả gắn lên mi mắt. Lại tô cho mắt thêm xanh như người kém ngủ. Mâm dầu được bê lên, ông Vương mời ông Đặng ớm chú họ cô dâu, trưởng đoàn ăn lại mặt họ nhà gái, bà Bảo hiệu trưởng trường PTCS, anh Lái thủ trưởng cơ quan Ngư và ông Cựu chủ tịch phường Vũ Môn. Ông Vương ngồi xếp bằng, vuốt phẳng phiu cổ áo, hai ống tay, rồi trịnh trọng có lời: - Hôm nay được phép của chính quyền địa phương, hai cơ quan của cháu Ngư và Tầm, được sự thuận tình, nhất trí của hai họ Văn và Đặng, e hèm?; Cộng quá trình tìm hiểu kĩ lưỡng?; e hèm ?; Đám thanh niên bụm miệng cười. Tầm đỏ mặt liếc xéo khuôn mặt xúc động, nghiêm trang như tuyên thệ của Ngư. Tầm tắt kinh đã gần hai tháng nay. Tế ghé tai Thanh:" Ông khốt mất cảnh giác bỏ mẹ! Đúng phép tắc? ?; Mấy lần tao bắt gặp ông Ngư và bà Tầm?;". Thanh cười ùng ục, rung mái tóc sưởi điện, khẽ cấu móng tay màu nước lựu vào sườn Tế ?; Gia đình chúng tôi chính thức kết thân với nhau và nhận hai cháu Ngư, Tầm giờ phút này là dâu rể hai họ Văn và Đặng. Tôi xin giới thiệu họ nhà gái có ông Đặng Văn ớn?; - ớm chứ bố! Ngư ngượng nghịu nhắc,.
Ông ớm rồi đến ông Cựu, bà Bảo, anh Lãi đều trịnh trọng trình diện một lượt sau lời giới thiệu của ông Vương. Tiếng vỗ tay lẹt đẹt. Tự đứng ngay ở cửa ra vào ngoác miệng cười. Dạo này Tự càng dở chứng hơn. Sáng nay Tự lôi hết cả mấy cái huân chương ra đeo như sắp đi dự đại lễ. Thanh trông thấy mỉa mai:" Trông anh Tự như chú rể". Tự cười ngẩn ngơ. Tế cáu bảo:" Ông dẹp cái trò ấy đi". Ông Vương lặng người, không nói gì, măt nhìn con chớp chớp. Tưởng Tự đã cất, bây giờ lại thấy anh ta quần ống thấp ống cao, ngực lấp lánh huân huy chương đứng đấy. Tế ngượng, lặng lẽ đứng dậy đi xuống bếp. Liêm vẫn ngồi đó. Ban nãy xếp mâm anh bớt mỗi đĩa một vài miếng. Trong lúc mọi người nghe phát biểu, Liêm cắm đầu ăn ngấu nghiến. Đang bực Tự lại trông thấy Liêm ăn vụng. Tế đá bay chiếc ghế vào trong góc bếp, thở hắt ra: - Nhà này sắp điên cả một lượt. Nhiều chữ nhất mày mà hành vi như quạvào chuồng lợn. Tao thật không hiểu nổi. Liêm liếm quanh miệng đĩa thủng thẳng nói: -Vâng! Chỉ có ông và bà Thanh là lành mạnh thôi. Nói rồi anh ta lia cái đĩa và nồi nước rửa bát, vươn vai đứng lên ư hử hát : Đồng tiền là Phật là Tiên Có mi chúng tớ mới nên thằng người Văn hay chữ tốt bời bời Mà viêm màng túi là đời bỏ đi. Các mâm đã bắt đầu ăn. Liêm lau miệng sạch sẽ, sà vào chỗ hai cô xinh nhất bên họ nhà gái, đều là dân bán hàng chợ Đồng Xuân, áo quần lùng nhùng trông tựa cái túi. Mốt thụng mới nhất, mầu sặc sỡ sáng cả một góc phòng, Tầm bảo: - Giờ mới thấy mặt chú Liêm Liêm bẽn lẽn đưa mắt về phía hai cô gái: - Em phải tranh thủ học bài. Một cô hỏi: - Anh Liêm đang học gì ạ? - Chú ấy đang làm căng - đi - đát. Các cô tỏ vẻ ngơ ngác. Tế móc sang: - Anh Ngư tôi nói tiếng Tây các cô ạ. Có nghĩa là chú Liêm sắp thành phó tiến sĩ, nhẵn hiệu quốc nội. Còn cái nghề của tôi tiếng Tây nói thế nào anh Ngư? Ngư tím mặt. Nhưng anh ta biết không nên đối đáp với Tế. Hai cô trẻ phục lắm. Liêm vẫn tỉnh bơ, một lúc mới nói: - Báu gì cái nghề của tôi. Chị Tầm dạy học chắc biết chuyện một cô giáo nhà giàu hỏi học sinh:" Bố mẹ em làm nghề gì? Đứa thứ nhất bảo "bố em đi Tây, mẹ em ở nghành thương nghiệp". Cô giáo khen: Tốt lắm! Đứa thứ hai: "Mẹ em bán hàng ở chợ Đồng Xuân. Tuyệt vời! Một đứa khác trả lời:" Mẹ em làm báo, còn bố là phó tiến sĩ". Cả lớp cười nhìn đứa vừa nói. Cô giáo đập thước xuống bàn bảo:" Các em trật tự! Chúng ta phải tỏ ra thông cảm với người nghèo chứ!". Theo thế, các cô là giống người cao quý! Rút kinh nghiệm như anh Ngư tôi đây, khi nào cưới vợ, tôi phải cải tạo giống thôi. Hai cô gái tủm tỉm mặt đỏ dần. Thanh nói: - Vậy cậu ném quách cái bằng đại học đó đi được không? - Ôi, bà chị tôi rõ thật! ?; Liêm quay sang phía Thanh ?; Mỗi người phải có một cái vốn riêng để sống chứ. Nhà mình, chị xem, bố có cái cửa hàng sách. Ông Tự có huân chương và quá khứ anh dũng. Ông Ngư có tài ăn nói, suốt đời đi dạy người. Ông tế vừa thính vừa khéo tay. Ông Tiên, khỏi bàn?; chị thì nhanh tay nhanh mắt, lại biết lo xa. Chỉ có tôi là hèn, đành đi học. ở nước ta nghiệm ra đi học là dễ nhất. Cứ lọt vào trong trường là khắc đỗ. Chả thấy có ai trượt vì học dốt bao giờ. - Anh Liêm chửi khéo chúng em ?; Cô gái có hàng mi giả như búp bê nói thỏ thẻ ?; Nhìn các anh các chị sinh viên đi đại học cứ thấy cao vời vợi. Nhiều bận đi qua câu lạc bộ học sinh ?; sinh viên ở hồ Thiền Quang nghĩ mình ít học, muốn vào mà không dám. Cho dù phần nhiều chỉ thấy bọn trẻ con với những người thuê guồng đạp nước chơi rong trên hồ. Cô thứ hai tiếp theo vẻ tai quái: - Anh Liêm biết không? Dạo học xong phổ thông em cũng xin thi đại học chứ. Biết thế nào cũng trượt, tụi em rủ nhau ghi nguyện vọng vào khoa văn Tổng Hợp với khoa toán Bách Khoa, bị đánh trượt ở hai trtường đó vẫn thấy vinh dự hơn đỗ ở khối trường khác! Liêm cười ha hả: - Ôi cái bệnh sĩ đi với chúng ta như bóng với hình. Anh hèn mang cái sĩ của anh hèn. Kẻ sang mang cái tự thị của kẻ sang. Cái ông Đề Các nào đó thật đáng mặt bậc thầy của nhân loại:" Tôi tư duy ấy là tôi tồn tại". Hay thật! Tôi có một ông thầy đêm đêm cải dạng đi thuê xích lô trở khách kiếm thêm tiền. Một ông phó tiến sĩ toán học bán công thức hướng dẫn dấm chuối, làm dấm thanh?; Vô khối ông khác còng lưng học ngoại ngữ, chạy đua bằng được chuyến xuất ngoại?; Vậy mà ai động đến học vị bằng cấp của họ xem. Thế mà chị Thanh xui tôi ném bỏ bằng đi. Mà bằng đại học hẳn hoi?;ha?;ha..