watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
18:04:2128/04/2025
Kho tàng truyện
Chỉ mục bài viết
Tây Ninh, Chút Còn Lại Trong Lòng Một Người Lính
Trang 2
Tất cả các trang
Trang 1 trong tổng số 2

Tây Ninh, Chút Còn Lại Trong Lòng Một Người Lính

Tác giả: Nguyễn Mạnh An Dân

Tôi không sinh ra ở Tây Ninh, nhưng tôi đã có thể chết ở Tây Ninh, chết vì Tây Ninh, nhiều lần. Chữ chết hiểu theo nghĩa đen, chính xác, bởi vì tôi đến Tây Ninh với tư cách một người lính tác chiến trong những năm sống mái mất còn cuối cùng của cuộc chiến, mà tính chất ác liệt, kể cả về quân số tham chiến cũng như kỷ thuật chiến tranh đã lên đến mức cao nhất ở khắp các mặt trận. Với tôi, Tây Ninh như một quê hương thứ hai, một nơi chốn tràn ngập kỷ niệm, thấp thoáng niềm vui và giọng cười của tuổi thanh xuân và đầy ắp những ngậm ngùi của chia lìa, mất mát.
Tôi đến Tây Ninh lần đầu vào buổi sáng tinh mơ của một ngày đầu năm 1972. Đoàn convoy từ Phú Hòa Đông, Hậu Nghĩa đã di chuyển trong đêm để giữ tính cách bất ngờ, bí mật của cuộc hành quân. Tuyến xuất phát là rừng cao su Trà Võ. Tôi là một người lính mới được thuyên chuyển từ miền Trung vào. Người Thiếu Úy phụ tá đã chỉ vào phóng đố hành quân, có đánh dấu mục tiêu vừa cười vừa nói: "Ông coi chừng, lộ trình ngắn thế này nhưng không dễ nuốt đâu. Vùng mình sẽ qua là Rừng Sáu Mẫu, có khu Đám Lá Tối Trời ghê gớm lắm, máu của anh em mình đã đổ không biết bao nhiêu ở đây”.
Lời cảnh cáo của bạn tôi không sai, Tây Ninh đã đón tôi không mấy dịu dàng. Mưa pháo đủ loại đã dập nhiều đợt lên đầu chúng tôi ngay ngày đầu tiên; rồi đột kích đêm, rồi xung phong tràn ngập trong những ngày sau đó, đoạn đường ba cây số đơn vị tôi phải gỡ trong bốn ngày mới ló đầu ra được con lộ nhỏ giữa rừng cao su Cầu Khởi, và người lính chưa kịp thở, và tôi chưa kịp nhìn Tây Ninh, convoy lại xúc lên và thả về một mặt trận khác ở Phú Thứ, Bình Dương.
Tôi bước xuống Tây Ninh ở bìa rừng cao su Trà Võ với những âu lo và trách nhiệm; tôi rời Tây Ninh giữa bạt ngàn rừng cao su Cầu Khởi với một cõi lòng u uẩn, ngậm ngùi vì biết rằng hơn ba chục anh em tôi đang lăn lộn, đau đớn ở đâu đó trong các quân y viện lớn nhỏ và một số tương tự như thế đang ngủ yên trong những tấm poncho, cô đơn và lạnh lẽo trong các nhà vĩnh biệt.
Tôi không biết gì nhiều về Tây Ninh trong lần gặp gỡ đầu tiên này. Hôm đổ quân ở Trà Võ, hình như thấp thoáng phía xa bên trái quốc lộ là giòng sông Vàm Cỏ đang uể oải thức dậy; hình như phố nhỏ đang rục rịch trở mình cho một ngày mới; hình như khu chợ chồm hổm đã bắt đầu xôn xao tiếng nói cười; hình như có những chiếc xe bò lọc cọc chở hàng bông từ các vườn ra lộ; hình như quán café đã mở cửa với những người khách ngồi gác chân lên ghế, đổ ly café xây chừng ra đĩa vừa thổi vừa húp; hình như có những đôi mắt nai buồn buồn của các nữ sinh Gò Dầu đang đứng sau các cánh cửa mở hé nhìn theo bóng những người lính đang lao về phía trước... Tôi không nhớ được điều gì chắc chắn. Giờ đổ quân, đủ thứ liên lạc truyền tin léo nhéo trong máy. Tôi nhận lệnh:”Hướng ba giờ, bung rộng con cái, tàng hình”. Tôi hò hét lại những điều tương tự và chính tôi cũng phải tàng hình. Tôi không có nhiều thì giờ. Xin lỗi Tây Ninh, tôi không kịp nhìn bạn nhưng xin chào bạn, bạn đã đón tôi bằng những kinh hoàng và tiễn tôi với nhiều tang tóc nhưng tôi không trách bạn. Bạn không muốn vậy đâu, phải không? Tôi hiểu bạn mà, chín mươi phần trăm người Tây Ninh ăn chay trường, một con kiến còn không dám giết nói gì đến sinh mạng con người; nội cái cách bạn đặc tên cho các địa danh thôi, tôi cũng đủ hiểu bạn hiền lành chơn chất như thế nào, khiêm tốn tình nghĩa như thế nào. Thiện Ngôn: một lời ác còn không dám nói huống gì việc ác; Hiếu Thiện: ngỗ nghịch, dữ dằn hãy đi chỗ khác chơi, tên đất đã nhắc nhở với mọi người như vậy mà. Khiêm Hạnh... Tôi chịu bạn lắm Tây Ninh, ai mà khéo chọn cho bạn những cái tên hay hết chỗ chê; điều quan trọng hơn là các bạn không chỉ đặt tên cho vui mà các bạn đã sống và hành xử theo những mẫu mực như thế, tôi tin chắn điều đó và thật lòng ngưỡng phục bạn. Xin được làm một người bạn của Tây Ninh, của Thiện Ngôn, Hiếu Thiện, Khiêm Hạnh...
Hãy lấy quốc lộ 15 là xương sườn, lấy Gò Dầu Hạ và Thị xã Tây Ninh là điểm chuẩn để mường tượng ra toàn cảnh Tây Ninh. Khi chiến tranh chưa bùng lớn, nhu cầu chiến thật chưa đòi hỏi phải thành lập thêm tỉnh Hậu Nghĩa, Tây Ninh bắt đầu từ Trảng Bàng với những hàng cây thốt nốt cao vút và những tô bánh canh lòng heo nổi tiếng. Rồi Tây Ninh phải đứt ruột cắt Trãng Bàng cho Hậu Nghĩa, để chỉ còn lại các quận Hiếu Thiện, Khiêm Hạnh, Bến Cầu, Phú Khương và Châu Thành.
Từ Gò Dầu Hạ, rẽ vào con đường đất đỏ bên phải, qua Suối Cao, căn cứ Đinh Bộ Lĩnh đến Khiêm Hạnh; tiếp tục đi nữa sẽ tới Truông Mít, Ngã Ba Đất Sét. Từ đó, nếu rẽ phải qua Suối Ông Hùng, Bến Củi, Cổng Đen đến Dầu Tiếng; nếu đi thẳng sẽ băng ngang một rừng cao su hun hút vắng tanh đến Cầu Khởi, đồn Bắc Tiến ra Chà Là. Tại đây, nếu quẹo phải sẽ qua Suối Đá, Núi Bà Đen; nếu đi thẳng sẽ về Long Hoa, Toà Thánh.
Cũng từ Gó Dầu Hạ, nếu quẹo trái theo quốc lộ một sẽ lên Trà Cao, Gò Dầu Thượng tiếp tục qua biên giới. Suốt một dọc dài mút mù bên trái giòng sông Vàm Cỏ là những bưng biền xa tắp dẫn đến các mật khu Ba Thu, Mỏ Vẹt. Các căn cứ Trà Cú, Bến Kéo như một hành lang thép bảo vệ thủy lộ dẫn về Tây Ninh.
Từ châu thành Tây Ninh, qua chiềc cầu nhỏ phân chia khu hành chánh và khu thương mãi, nếu quẹo phải sẽ qua Cầy Xiên, Trãng Sụp, Trại Bí; nếu đi thẳng băng ngang con phố chính, đường sẽ nhỏ lại và dẫn đến Trãng Lớn, Cao Xá, qua bến phà Phước Tân và đi lên nữa. Tất cả các ngã đường này đều dẫn đến vùng núi rừng biên giới với một dọc các căn cứ biên phòng heo hút và bất an: Thiện Ngôn, Bạch Đằng, Lạc Long, Hưng Đạo .
Tây Ninh chỉ có vậy, mỗi địa danh tôi nhắc đến đều đã có lần, hay nhiều lần, là bãi chiến trường. Chốn địa đầu giới tuyến này phải thường xuyên đối phó với một lực lượng lớn đối phương lúc nào cũng rình rập ở các an toàn khu bên kia biên giới. Tây Ninh có nhiều mật khu với một lực lượng xâm lược hùng hậu cùng một hệ thống tiếp tế, tiếp liệu được tổ chức qui mô và hoàn chỉnh. Tây Ninh như một cái gai chiến lược cần phải xóa đi và đã nhiều lần phải hứng chịu những trận đòn thù trí mạng trong sách lược xâm lăng của đối phương nên nó phải trải mình ra chống đỡ, phải đổ máu ra để sống còn, để bao vệ cho từng người dân, từng tất đất của tổ quốc, của quê hương. Tây Ninh khốn khó nhưng hào hùng; Tây Ninh khổ đau mà kiêu hãnh. Tôi cũng kiêu hãnh vì Tây Ninh, kiêu hãnh được góp máu với Tây Ninh. Thời gian lặn lội trên các chiến trường đủ để tôi quen với Tây Ninh, quen lắm. Tôi có thể cầm địa bàn lên chỉ đến chỗ nào có thể lấy nước giữa rừng cao su Cầu Khởi; tôi có thể nhìn bản đồ vẽ một lộ trình khô ráo giữa đồng bưng lầy lội Trà Cú, Phước Chỉ; tôi có thể đứng bất cứ chỗ nào ở Tây Ninh gọi pháo binh bắn hiệu quả mà không cần trái khói điều chỉnh. Người Tây Ninh tin là qua cơn khói lửa sẽ đến ngày mở Hội Long Hoa trong hòa bình, an lạc. Tôi muốn góp phần cho cái ngày vui đó.
Quốc lộ 15, trước khi đến Mít Một để vào thị xã Tây Ninh, đường sẽ chạy ngang một khu gia cư hoang tàn đổ nát của căn cứ Bến Kéo. Nơi đây, có thời là một Trung Tâm Huấn Luyện và một Khu Gia Binh đông đúc, nhưng khi chiến tranh lan dần đến gần thành phố, pháo kích ngày đêm nhắm vào Bến Kéo, Trung Tâm Huấn Luyện được chuyển đi một nơi khác và Bến Kéo chỉ còn những ngôi nhà tróc nóc, sụp đổ trong không khí ảm đạm, nặng nề.
Cách Bến Kéo không xa lắm là ngã ba rẽ vào con đường đất đỏ rộng rãi dẫn về Tòa Thánh qua các xóm đạo Trường Lưu, Trường Xuân. Đường có một cái tên rất đẹp, rất lạ mang hơi hướng tôn giáo: Thiên Thọ Lộ. Xóm đạo Tây Ninh có lẽ là những xóm làng đẹp nhất nước, kể cả về khung cảnh ngoại dáng cũng như cách thức tổ chức đời sống xã hội. Làng quê nhưng đường sá được phân chia vuông vức với những ngả ba, ngả tư thẳng tắp như ở các thành phố mới, được qui hoạch cẩn thận. Nhà cữa được phân lô đều đặn, nhà nào cũng có rào ngăn gọn gàng và vườn tược phủ xanh một rừng vú sữa tươi tốt. Đời sống ở đây bình dị nhưng kỷ cương nề nếp, có một hệ thống chức sắc Cao Đài song song với hệ thống chính quyền chăm lo đời sống đạo đức và kiểm soát trật tự xã hội. Sinh hoạt tập thể được tổ chức thành hệ thống Thập Nhị Liên Gia; mười hai gia đình hợp thành một khối gắn bó, giúp đỡ nhau, chia xẻ cùng nhau mọi vui buồn cũng như công việc sản xuất, tiêu thụ.
Đạo Cao Đài thờ một con mắt, ý nghĩa của nó rất rộng nhưng tôi chỉ biết đại khái đó là Thiên Nhãn. “Thiên nhãn thấu lòng trần”, người ta tin là mọi việc tốt xấu trên đời, cho du øcó qua được mắt phàm vẫn được ghi nhận, thấu rõ bỡi cái nhìn thiêng liêng. Mọi người đều tự sửa mình, tự hoàn thiện với hy vọng được lành tránh giữ và vì thế, xóm đạo đã trở thành một nơi “đời thái bình cữa thường mở ngỏ”.
Muốn vào Thánh Địa qua ngõ Thiên Thọ Lộ phải vườt qua hai chiếc cầu nhỏ: Đoạn Trần Kiều và Giải Khổ Kiều. Phải quên hết những hệ lụy của trần gian, gột hết những ưu phiền của thế tục để dọn mình vào Hội Long Hoa.
Tòa Thánh là một công trình kiến trúc đồ sộ và độc đáo, nghe nói việc xây dựng hoàn toàn dựa theo lời giáng chỉ của cơ bút mà không theo đồ án của bất cứ một chuyên viên kỷ thuật nào. Thánh đường sừng sững uy nghi giữa một khu đất rộng như một công viên lớn với đủ thứ kỳ hoa dị thảo, bốn mùa tươi tốt, ngát hương. Nội vi Toà Thánh trông như một thành phố nhỏ với đường sá ngang dọc thẳng tắp, nhà cữa khang trang, cao rộng với các khu thờ phượng, hành chánh và sản xuất riêng biệt.
Bên trong nội đường, khung cảnh vừa hùng tráng uy nghiêm, vừa diễm ảo thoát tục. Đại điện chia làm chín cấp tượng trưng cho cửu trùng. Thăm thẳm vút trên trần cao là bầu vũ trụ với hằng hà sa số những tinh tú lấp lánh, được chống đỡ bỡi hai hàng cột sơn son thiếp vàng, chạm trổ công phụ Toàn cảnh tạo nên một không khí vừa trầm mặc thiêng liêng vừa thanh cao xuất thế.
Tuy nhiên, điều đáng nói về Toà Thánh không chỉ vì khung cảnh xinh đẹp, kiến trúc hùng vĩ mà còn vì hệ thống tổ chức qui mô và phương thức điều hành khoa học, mang tính nhập thế của nó. Toà Thánh, cơ quan trung ương của giáo hội, được điều hành bỡi một cơ cấu tổ chức phức tạp, mang nhữntg tên gọi có vẻ thần bí, cao xa nhưng tựu trung giống như hệ thống tổ chức của một chính quyền, với đầy đủ cơ cấu lập pháp, hành pháp, tư pháp riêng biệt. Mỗi cơ cấu trung tâm có một hệ thống nội thuộc hàng dọc chuyên trách về đủ mọi lãnh vực: Tổ chức phát triển, giáo lý giáo luật, thông tin, giáo dục, y tế, kinh tế, xã hội...
Khách đến thăm Tòa Thánh được đón tiếp chu đáo và được hướng dẫn tận tình. Ngoài vườn, rải rác ở các giao lộ, lúc nào cũng có các hướng dẫn viên mẫn cán sẵn sàng giúp đỡ mọi việc, đồng thời can thiệp, nhắc nhở để không khí của Tòa Thánh luôn được trong sạch, thanh khiết, không có những lời nói thô lỗ, những cử chỉ sỗ sàng.
Nghe nói cổng tam quan của Tòa Thánh vẫn còn đóng lín, nó sẽ chỉ được mở ra ngày hạ giới thanh bình hoan lạc, mở Hội Long Hoa. Người Tây Ninh tin là ngày ấy không xa.
Với người lính, có lẽ cả hai bên, đạo Cao Đài gần gũi qua hình ảnh những đạo tì chuyên giúp việc thu dọn chiến trường. Có những trận đánh ác liệt, kéo dài, lực lượng hai bên tranh nhau từng tất đất, thương binh, tử sĩ bị kẹt giữa hai lằn đạn. Khi ấy những đạo hữu Cao Đài sẽ có mặt: áo quần trắng để dễ nhận dạng, cờ trắng cầm tay, họ đi vào vùng lửa đạn, săn sóc, di tản thương binh; tẩm liệm, bàn giao hay chôn cất tử sĩ bất kể là bên nào. Những lúc như thế, như một hiệp ước bất thành văn, mọi vị trí pháo binh đều ngưng tác xạ, mọi vủ khí cá nhân đều hạ thấp nòng. Hình ảnh nhưng tu sĩ đầy lòng quả cảm và vị tha đã làm cho chiến trường trầm lắng lại và khiến lòng người xao xuyến, suy tự Đạo là hiện thân của tình thương và sự tha thứ; tuy nhiên, đạo cũng đồng thời không khoan nhượng với điều ác, sự xấu. Lịch sử của giáo hội đã gắn liền với một chuỗi dài nhưng tranh đấu cam go cho độc lập tự do của tổ quốc và dân tộc. Liệt sĩ Hồ Thới Bạch, người con yêu của Tây Ninh, biểu tượng của nghĩa khí và lý tưởng “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ” đã cùng liệt sĩ Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân và biết bao anh hùng liệt nữ khác vĩnh viễn đi vào vinh sử của dân tộc.
Có một xóm đạo Thiên Chúa Giáo giữa Thánh Đại Cao Đài, có một xóm Bắc kỳ giữa tỉnh địa đầu miền đông Nam bộ: Cao Xá, Phong Cốc. Đây là hai làng di cư nằm cách thị xã Tây Ninh bảy cây số về hướng Phước Tân, qui tụ những người cùng họ đạo với nhau ở quê hương cũ, khi ra đi đã mang theo cả tên làng dặt cho vùng đất mới. Thoạt đầu, thật ra cũng có nhiều ngộ nhận, hiểu lầm nhau do những khác biệt về ngôn ngữ, tập quán phong tục và lề lối sinh hoạt. Làm sao để những cụ già quần cộc mình trần, thoải mái ngồi trên những chiếc chiếu cói trải trước sân nhà, nhắm miếng xoài xanh, xé con khô nướng, khà ly rượu đế, tự nhiên nói cười ha hả... có thể gần gũi với những người đồng trang lứùa, tỉ mỉ pha bình trà thơm, nhẩn nha viên từng bi thuốc lào, khách sáo phân chia thứ bậc, kiểu cách mời mọc nhau năm lần bảy lượt. Làm sao để những thanh niên bộc trực chơn chất, ruột để ngoài da kiểu Nam kỳ có thể hiểu được cái rườm rà trong ngôn ngữ, cái khéo léo trong hành động của các bạn đàng ngoài. Làm sao để những cụ bà chân đất, mộc mạc trong chiếc áo trắng vải thô, ngày ngày làm công quả ở Thánh thất nhiều hơn ở nhà, có việc gì cũng gọi “Trời đất ơi” có thể thân thiện được với “quí phu nhân”, áo quần lúc nào cũng tươm tất, đầu vấn khăn nhung, tay lần tràng hạt tay cầm quạt giất đi nhà thờ, mở miệng ra là “Lạy Chúa tôi”.
Những dị biệt tưởng không thể lấp bằng, những mâu thuẫn tưởng không thể hóa giải nhưng rồi những khó khăn chung, những trách nhiệm chung đã làm mọi người gần lại với nhau. Cao Xá bị pháo kích, Long Hoa đau lòng. Súng nổ ở hướng Long Hoa, Phong Cốc không ngủ được. Cao Xá, Phong Cốc đã hòa đồng, đã bổ sung giúp Tây Ninh có bản sắc phong phú đa dạng hơn. Chỗ nào trên đất nước cũng là quê hương, người nào trên đất nước cũng là đồng bào. Tây Ninh mở vòng tay thân ái với tất cả.
Tôi đã lỡ đại ngôn nói là rất quen Tây Ninh, biết rõ Tây Ninh như rõ lòng bàn tay mình. Xin lỗi cho tôi được sửa lại: Có lẽ phải nói tôi biết chiến trường Tây Ninh, biết đất nghèo Tây Ninh, biết dân khổ Tây Ninh, còn thành phố Tây Ninh thì nói thật, hình như của những người khác. Trước sau, trong suốt nhiều năm dài lăng lộn với Tây Ninh, tôi chỉ “về thành” có năm bảy lần mà lần nào cũng vội vội vàng vàng, tranh thủ đôi ba tiếng đồng hồ, đợi lúc đơn vị lãnh việc lục soát mở đường, nhắm yên yên, tôi kéo năm ba em út, máy móc rè rè, súng ống đạn dược từ đầu đến chân, giữ nguyên râu tóc hành quân để hù quân cảnh, cùng chất năm chất bảy chật cúng trên xe lội chạy vù về Tây Ninh. Quanh đi quẩn lại tôi chỉ được biết một số nơi rất giới hạn.
Chỗ tôi đến đầu tiên là cái tiệm sách không có tên của cô gì xinh xinh, có cái răng khểnh hay hay ở ngay dốc cầu, ngó chéo qua Tòa Hành Chánh. Thật ra phải gọi đây là tiệm tạp hóa có bán sách vì từ trong ra ngoài đầy nhóc đủ thứ hàng hóa, từ xà phòng bột giặt đến phân bón thuốc trừ sâu và đủ các thứ trên trời dưới đất khác, chỉ có một góc nhỏ là chứa sách. Dẫu vậy, cô chủ ở đây có những đặt điểm rất khó quên. Trước hết cô là người rất mê Nhã Ca, lần nào đến, nếu không thấy cô đang đọc Đêm Nghe Tiếng Đại Bác thì cũng Giải Khăn Sô Cho Huế, cuốn nào cũng thuộc loại hàng dành riêng không bán, đóng bìa cứng mạ chữ vàng rất đẹp; thứ đến cô trân trọng đặc biệt với hai nhà xuất bản Lá Bối và An Tiêm. Tiệm nhỏ xíu, tất cả sách của mọi nhà xuất bản khác đều nhốt chung trong hai dãy kệ dài, riêng sách của Lá Bối và An Tiêm có một chỗ riêng, có tấm bìa cứng màu xanh ghi tên nhà xuất bản bằng lối chữ rất bay bướm và trang trọng; cuối cùng cô rất am tường sinh hoạt văn học nghệ thuật ở Sài Gòn. Mán rừng như tôi biết được chút ít sinh hoạt chữ nghĩa của Nguyễn Đình Toàn, Dương Nghiễm Mậu, Túy Hồng, Trùng Dương và nhiều tác giả khác là nhờ “tờ báo nghệ thuật truyền thanh” này. Một chỗ đáng yêu như thế lính mê là đúng rồi, ngó chữ nghĩa một chút cho bớt rừng rú đi, nên lắm.
Từ giả cô hàng sách, thầy trò tôi sẽ đi ngược về phía Ty Cảnh Sát, quẹo phải vào một con đường nhỏ, nhỏ đến mức không có tên để tấp vào quán café Thằng Cuội. Nghe nói chủ quán là mộ nghệ sĩ, có viết sách, vẽ tranh. Quán là sự kết hợp của một chút Hầm Gió vì có một từng hầm ngồi âm xuống đất và một chút La Pagode vì có cữa kiếng nhìn ra hai mặt đường. Điều khác là nếu ở La Pagode bạn có thể “rửa mắt”, nhìn nam thanh nữ tú dập diều thì ở đây nhìn ra chỉ thấy lính và lính. Đủ thứ quân binh chủng, đủ thứ trang phục và trang bị, hấp tấp tới lui; ở đây bạn cũng có thể thấy những chiếc xe lội, kéo theo cái thùng sơn phết hoa hòe chất đầy bầu bí rau cải hay những chiếc xe bò cồng kềnh rơm rạ, cuốc xẻng, gỗ củi buồn bã qua lại. Đôi khi, gặp lúc đẹp trời may mắn, bạn cũng có thể gặp lúc nữ sinh tan trường nhưng chớ vội mừng, các cô ở đây e thẹn khép kín lắm, đi ngang Thằng Cuội, biết có người nhìn, cô nào cô nấy nón che nghiêng, phụ thêm chiếc cặp “bảo vệ”, bạn sẽ chỉ được nhìn thấy chút tóc bay bay, tà áo bay bay, vậy là cũng đủ “ấm lòng chiến sĩ” rồi! Tây Ninh ăn chay trường, Tây Ninh cấm sát sinh, Tây Ninh kỷ cương nề nếp lắm. Đừng lạng quạng với Tây Ninh.
Ngồi Thằng Cuội, thật ra, với những người lính phải tranh thủ với giờ giấc như chúng tôi chỉ cốt đỡ ghiền chứ không hưởng được hết cái nhàn tản thú vị của dân uống café. Chúng tôi không có nhiều thì giờ. Thôi, đi chỗ khác chơi, làm vài ly coi bộ bốc hơn. Tới Phú Lai đi.
Phú Lai là quán nhậu “tới” nhất, là “người bạn” quen nhất của lính Tây Ninh. Quán ở bên trái đường, nằm giữa con phố chính, nổi tiếng vì có bia đặc và thịt rừng độc đáo. Thịt ngon hết chỗ chê, bia ngon hết chỗ chệ Những chai bia đặc sền sệt, thọc chiếc đũa vào khuấy khuấy cho đều lớp đá mịn như bông tuyết, đưa cả chai lên tu một hơi, bỏ miếng thịt thơm lừng vào “đưa cay” một phát, bia vào đến đâu mát đến đó, thịt vào đến đâu thơm đến đó, thú vị đã đời hết biết.
Nói mắc cỡ, tôi tả cho vui vậy thôi chứ hồi đó lính uống rượu hư lắm, không phong lưu lịch sự như vậy đâu. Vào quán, mỗi tên lấy chuẩn một két hai mươi bốn chai, hết đợt này đến đợt khác, uống vũ trụ quay cuồn, uống càn khôn đảo lộn, uống quên đời, uống chết bỏ. Buồn quá mà, uất quá mà, chuyện cũ rồi, sợ gì mà không nói thật với nhau một lần: Lính là người, không phải thần thánh cũng không phải gỗ đá. Đạn bom, chết chóc, sợ chứ! Nhưng đó không phải là lý do khiến người lính não lòng, chùn bước. Nói thật, chúng ta đã có một tiền tuyến oai hùng nhuưng lại dung dưỡng một hậu phương bạc bẽo và bất xứng. Sức mạnh của dân tộc đã không được sử dụng hết; nỗi đau của dân tộc đã không được chia đều và trái tim của người lính một nửa chết ngoài mặt trận, một nửa héo khô ngay trên đường phố của mình. Với người lính, ly rượu nào cũng có thể là ly cuối cùng; lần gặp gỡ nào cũng có thể là lần sau hết và sự hy sinh của người lính, dường như có một chút gì phí phạm, có một chút gì bất công. Vậy đó, những giọt rượu đắng cay như nước mắt nhưng phải quên đi, quên để tiếp tục đi tới bằng đôi chân rất thẳng, rất cứng của mình, người lính.
Nhiều bà nhiều cô ở Sài Gòn, ở các tỉnh lân cận chắc biết Núi Bà Đen; nhiều người khác chắc có nghe nhắc đến tên Núi Bà Đen nhưng Núi Bà của quí vị được hiểu đơn giản là cái điện thờ Phật Mẫu quanh năm nghi ngút khói hương, với những huyền thoại về các ứng nghiệm linh diệu của những lời khấn vái cầu xin. Với người lính, Núi Bà được coi là một vị trí chiến lược quan trong, đó là một đài tiếp vậân truyền tin giữ nhịp cầu liên lạc cho cả vùng ba chiến thuật; đó cũng còn là một hiểm địa với những hốc đá kiên cố, những hang động sâu thẳm, dài hút và một cao độ có thể quan sát và chế ngự cả một vùng rộng lớn mà trong suốt cuộc chiến, quân ta đã đổ không biết bao nhiêu máu xương để giữ không cho địch quân chiếm cứ làm bàn đạp tiến về Tây Ninh. Tuy nhiên, giữa năm 1974, đơn vị phòng thủ trên đỉnh Núi Bà bị tràn ngập. Kế hoạch tái chiếm cấp quân đoàn được soạn thảo, trực thăng ở Biên Hoà, ở Bình Thủy được điều động, nhiều đơn vị chủ lực được chuyển tới, hỏa công được áp dụng. Phải lấy lại Núi Bà bằng mọi gía, nhưng mặt trận bùng lớn ở khắp nơi, nhiều đơn vị bạn đang cần trực thăng, nhiều lãnh thổ đang cần tiềp viện, Núi Bà tạm thời để đó. Dãy đèn trên đỉnh núi không còn sáng nữa, người dân Tây Ninh buồn một chút; vai người lính trách nhiệm phòng thủ Tây Ninh oằn thêm một chút và hậu quả đầu tiên của việc mất Núi Bà là máu xương đã đổ ra để dành lại Suối Đá.
Trận Suối Đá lớn lắm, lớn về mức độ ác liệt, lớn cả ở nhân cách và dũng khí con người. Cái làng nhỏ đìu hiu bên chân núi Bà Đen, chốn đia. đầu heo hút bất hạnh đó đã chia xẻ những giờ phút địa ngục bi hùng, đã chứng kiến những cách sống và cách chết vượt quá tầm thường, lớn hơn trí tưởng. Có nhà văn viết loạt bài “Những chuyện cầu được kể lại”. Tôi xin phép được mượn dòng tựa này cho những gì tôi sắp nói.
Chuyện bắt đầu từ một đêm tối trăng, đạn bắn rực trời ở Suối Đá, tiếng reo dậy đất ở Suối Đá. Tại Trung Tâm Hành Quân Tiểu Khu máy truyền tin mở hết tần số làm việc. Đồn Suối Đá một báo cáo bị tấn công; đồn Suối Đá hai báo cáo bị tấn công; lực lượng hành quân dã ngoại ở gần Suối Đá báo cáo bị tấn công. Lệnh báo động khẩn cấp được ban bố. Mọi nổ lực lớn nhất đã được huy động nhưng không có kết quả. Trong một đêm, toàn bộ khu vực Suối Đá bị khoanh đỏ trên bản đồ hành quân- dấu hiệu không còn quân bạn- Chuyện lớn, chiến trường đã vượt quá khả năng điều động và giải quyết của Tiểu khu.
Sư Đoàn 25 tham chiến, Tiểu đoàn X/49 vào trận, không xong, Tiểu đoàn trưởng vĩnh viễn ở lại Suối Đá. Ngày thứ hai của trận chiến, 2/46 vào trận; ngày thứ ba 1/46 và 2/10 thiết kỵ vào trận. Khúc xương thật khó nuốc nhưng không có cách nào khác. Hồi trước, khó khăn một chút là có người chia xẻ, ới một cái là có mũ đỏ Nhảy Dù, mũ xanh Thủy Quân Lục Chiến. Bây giờ lực lượng tổng trừ bị đang ghiềm súng ở đâu đó tuốt ngoài Trung, Bộ binh thành chủ lực chiến trường, anh em Địa phương quân, Nghĩ quân họ đã ới thì phải tới, cho dẫu thế nào.
Nhiệm vụ thật chết người, đánh đấm cái gì mà có cái bìa làng có bờ đất cao, có hầm hào sâu địch đã chiếm, có ngọn Bà Đen hiểm trở bên trái địch đã chiếm; còn chút rừng cao su bên phải có thể ẩn nấp, di chuyền được địch cũng đã chiếm. Nó chọn lựa địa thế, chỉ định mục tiêu, lãnh hết mọi phần thuận lợi và chừa cho người lính 25 hai cây số đồng trống để đưa những cái đầu mềm có trái tim cứng cáp một chút ra hứng pháo.
Bọn ác ôn khôn như cáo, mỗi lần pháo kích nó đốt khói đầy Núi Bà Đen, phe ta có đưa ống nhòm nhìn nổ con mắt cũng không biết pháo depart từ chỗ nào mà phản pháo; còn cái cách nó xung phong nữa, đúng là hù người ta mà, lớp lang bài bản và tàn khốc kinh hồn lắm. Đầu tiên nó sẽ chơi hỏa tiễn SA7, AT3 từ Núi Bà Đen xuống, rồi thổi sơn pháo 85 từ rừng cao su qua, cọng thêm cối 82, cối 61 giã như mưa từ Suối Đá. Nó chơi từng đứa để quần cho phe ta đừ; chơi đồng loạt để phe ta ngóc đầu không lên, rồi nó thổi còi như giặc tới, nó la ó như cháy nhà, ào ra một cái đông như kiến, toàn là thứ áo quần kaki Nam Định, dân chơi thứ thiệt “sinh Bắc tử Nam”.

HOMECHAT
1 | 1 | 146
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com