Gã đầu gấu xuýt xoa: - Tiếc quá, dẫy buồng bên này không được xem ông chú biểu diễn võ thuật. Thằng cháu đúng là có mắt như mù. Thấy ông chú gầy gò, cứ muốn bảo vệ ông chú. Từ nay, xin ông chú bảo vệ thằng cháu nhé. Cô người yêu gã giễu cợt: - Cái mã anh mà đòi bảo vệ ông chú. Ông chú ơi, ông chú trông gầy, mà khỏe quá nhỉ. Lão đứng lên cùm nói: - Chú không khỏe đâu. Người ta gọi võ Nhật là nhu đạo, nghĩa là lấy mềm thắng cứng, lấy yếu thắng mạnh. Chú chỉ mượn sức của chính chúng nó, mà quật chúng nó thôi. Càng to mạnh, thì càng ngã đau. Phụ nữ giỏi judo cũng quật ngã được vài ba thanh niên. Bà Sài-Gòn đùa: - Vậy ra ngoài, anh Hai phải dạy judo cho em đấy. Mụ mới vào khoe, để lấy le: - Nhà tôi là thượng tá làm việc bên Sở. Hồi trẻ, ông ấy dạy võ cho công an. Không biết võ, thì làm sao đối phó được với bọn phản động, bọn trộm cướp, lưu manh. Cả xà lim im lặng. Gã đầu gấu lên tiếng: - Cháu là tên trộm cướp, nên vào tù. Còn bà cô can tội gì mà cũng vào đây? Buôn lậu, ăn cắp của công, hay mại dâm? Cô diễn viên kịch nói, cười khúc khích. Người yêu gã can: - Anh đừng ăn nói lung tung nữa. Gã sửng cồ: - Anh mà ăn nói lung tung? Em muốn cắt đứt thì cắt đứt! Anh là thằng có sao nói vậy. Anh là thằng trộm cướp thì nói là trộm cướp. Đã vào tù rồi, còn nói giọng cách mạng, đéo ngửi được. Tất cả nghe đây. Xà lim đang vui, sống như một nhà. Bất kể thằng nào, con nào, dù già, dù trẻ, dù mới, dù cũ, mà lén lút cáo cò, làm mất vui, tao sẽ rạch nát mặt. Hãy nhìn mặt thằng thượng úy bộ đội ở buồng 1 mà làm gương. Nó là thằng thứ năm tao cho ăn dao cạo đó. Đứa nào muốn xếp hàng thứ sáu thì cứ bẩm báo. Tao nói là làm. Không dọa ai đâu. Phó Nhòm khen: - Chú mày nói chí phải. Tao đảng viên từ năm 53, ở ngoài cũng là trưởng phòng tổ chức. Nhưng tao ăn cắp của công, tao nói thẳng, nói thật. Chẳng sợ ai ở đây cười chê tao cả. Gã trưởng phòng công ty hóa chất phụ họa: - Tao cũng thế. Tham ô, thụt két, nên vào đây. Trong sạch đã không tù. Tiếng Ngưu-Ma-Vương quát: - Im mồm hết! Xà lim không phải cái chợ. Mải tranh luận, Phó Nhòm lại quên nhòm, nên hắn vào mà không ai biết. Xà lim lần lượt ra lấy cơm. Buổi tối gã đầu gấu oang oang: - Ngày kia là mùng 2 tháng 9 rồi. Không biết có tị “mều chun” (thịt lợn) nào không? Trên trại, quốc khánh bao giờ cũng có “mều ngạnh” (thịt trâu). Gã giặc lái chửi: - Bàn đến quốc khánh làm cái con c... gì. Giỏi lắm là ba miếng thịt bằng ba đầu ngón tay. Dính răng đã hết mẹ nó rồi. Đ... mẹ cái chế độ đểu. - Giặc lái hôm nay có đau không? - Gót chân nện như thế mà lại không đau. May có ông chú cứu cho. Không thì gẫy xương sườn với chúng. - Giặc lái hiền quá đấy. Những tay tử hình khác, các quản giáo đều kiềng. Cho ăn kẹo cũng không dám hỗng như thế. Thằng em đây mà bị án chết, thì Ngưu-Ma-Vương “buồn” (nguy) ngay. Nói thực với giặc lái. Hãy chấp nhận số phận đi. Đừng hy vọng hão được ân xá nữa. - Tớ không hy vọng nữa, nên sáng nay tớ mới đòi thuốc lá bằng được. Tiếc rằng tớ chưa xoay được vũ khí nên mới đến nông nỗi ấy. Tớ đã xác định chết rồi. Thằng Ngưu-Ma-Vương này sẽ bỏ mẹ với tớ. Chỉ cần một cái đinh mười phân là đủ. - Xác định thế là đúng. Ông Trường-Chinh có ân xá cho ai bao giờ đâu. Thôi ca nhạc đi. Tối nay, chúng ta hát giải sầu cho giặc lái, cho cô em mới vào đang khóc xụt xịt. Em diễn viên kịch nói đâu, khai mạc chương trình đi. - Em đang bận, để em hát sau. - Bận gì? - Việc của phụ nữ, đừng hỏi vớ vẩn. - Tên thượng úy hãy mở đầu đi. Lão đứng lên nói: - Nó đương ăn. Tí nữa sẽ hát. Giặc lái tình nguyện: - Tớ xin mở đầu. Tớ hát dở lắm. Giọng như vịt đực. Tớ kể một truyện tiếu lâm cho xà lim nghe. Truyện này, tớ đã nghe nhiều người kể. Ở đây, chắc có người nghe rồi. Phó Nhòm động viên: - Nghe rồi thì nghe lại. Truyện tiếu lâm mà hay, thì nghe mãi cũng không chán. Vẫn phải cười như thường. Đề nghị trật tự. - Được, xin kể. Các bạn đều biết chủ tịch Tôn-Đức-Thắng là một nhà cách mạng lão thành. Tính tình thật thà. Sinh hoạt bình dân. Nói năng bỗ bã. Ở chủ tịch phủ, mùa hè, bác thường đi đất. Các đồng chí bộ trưởng hỏi sao bác không đi dép. Bác cười hì hì: “Tui đi thế, cho mát cẳng”. Một lần, bác nói chuyện với các phụ lão, bác đeo kính, cầm tờ giấy thư ký đánh máy sẵn, long trọng đọc: “Các cháu thiếu nhi thân mến”. Cả hội trường ngơ ngác. Bác chửi: “Đù mẹ, tui nhầm. Đây là bài nói chuyện với các cháu”. Các phụ lão cười vui vẻ, thông cảm với tuổi già lẫn cẫn. Bác đã chín mươi rồi, còn gì. Như mọi người, bác Tôn rồi cũng ngỏm. Lúc bác hấp hối, tổng bí thư Lê-Duẩn, các ủy viên bộ chính trị, hỏa tốc tới phủ chủ tịch. Bác đã hôn mê. Bộ chính trị ngồi ở phòng ngoài bàn bạc. Dặn thư ký riêng của bác phải túc trực. Nếu bác tỉnh lại, có giăng giối điều gì, thì ghi chép cẩn thận. Đồng chí Trường-Chinh phát biểu ý kiến:
- Bác Tôn là bậc cao niên nhất trong Đảng. Khi cuộc cách mạng tháng mười bùng nổ, bác là người đầu tiên treo lá cờ đỏ trên Biển Đen, chào mừng cuộc cách mạng long trời lở đất, khai sáng kỷ nguyên mới trong lịch sử thế giới. Để tưởng thưởng thành tích vẻ vang đó, Đảng và nhà nước Liên-Xô đã lấy tên bác đặt cho một đường phố ở thủ đô Mạc-Tư-Khoa, trái tim của giai cấp vô sản, nơi toàn thể loài người tiến bộ hướng về, tin tưởng. Đảng và nhân dân ta rất tự hào. Tôi đề nghị bộ chính trị quyết định ướp thi thể bác, và xây lăng tưởng niệm. Để con cháu muôn đời tới chiêm ngưỡng. Thủ đô đã có lăng Hồ-Chủ-Tịch, chúng ta nên cho xây lăng bác Tôn tại thành phố Hồ-Chí-Minh, các đồng chí nghĩ sao? Toàn thể bộ chính trị nhất trí. Phòng trong, bác Tôn hé mắt tỉnh lại, phều phào: - Họp bàn cái gì ở phòng ngoài vậy? Anh thư ký vội trình bày: - Thưa bác, Bộ Chính Trị đương bàn ướp thi hài bác, như bác Hồ. Bác nghĩ sao? Bác Tôn thều thào: - Ướp cái con c... ấy! Rồi thở hắt ra, qua đời. Anh thư ký vội chạy ra báo tin bác đã mất. Lê-Duẩn hỏi: - Bác có giăng giối điều gì không? - Thưa đồng chí Tổng Bí Thư, tôi có hỏi về việc ướp thi thể bác. Bác dặn là ướp cái con c... bác, rồi mất, không nói gì thêm. Các ủy viên Bộ Chính Trị bối rối. Không hiểu sao bác lại dặn ướp “cái ấy”. Trường-Chinh là người uyên bác nhất, giải thích: - Bác dặn vậy là có ngụ ý sâu sắc. “Cái ấy” tượng trưng cho sức sinh sản của nòi giống, được nhiều dân tộc trên thế giới đúc tượng, thờ phụng. Ý nguyện cuối cùng của bác là thiêng liêng. Chúng ta phải theo đúng. Khó là ở điểm chẳng lẽ xây cả một cái lăng lớn như lăng bác Hồ, mà chỉ đặt có một “cái ấy” bên trong. Lại còn quân đội canh gác, bảo vệ. Thủ tướng Phạm-văn-Đồng phát biểu: - Chúng ta có thể cho chế tạo một cái hộp bằng pha lê có hình cờ búa liềm và cờ đỏ sao vàng, rồi đặt “cái ấy” của bác vào. Tôi sẽ chỉ thị cho mấy nhà sử học viết bài giải thích ý nghĩa lớn lao của việc ướp và trưng bày “cái ấy”. Bộ trưởng công an Phạm-Hùng tán thành: - Ý kiến của đồng chí thủ tướng rất hay. Những phần tử xấu xuyên tạc, tôi sẽ cho tập trung cải tạo hết. Tổng bí thư Lê-Duẩn đúc kết: - Như vậy là chúng ta đã giải quyết xong khâu chính. Vấn đề còn lại là đặt “cái đó” ở địa điểm nào trong thành phố Hồ-Chí-Minh? Phạm-văn-Đồng đề nghị: - Đồng chí bộ trưởng Bộ Nội Thương thường báo cáo với tôi là cửa hàng Bách Hóa Tổng Hợp thành phố Hồ-Chí-Minh rất khang trang, đồ sộ, mà nhân dân vào mua hay kêu ca là chẳng có con c... gì. Nay để thỏa mãn nhu cầu của quần chúng, chúng ta trưng bày “cái ấy” ở cửa hàng này. Nhân dân sẽ hài lòng, không kêu ca gì được nữa. Các đồng chí có nhất trí không? Toàn thể bộ chính trị vỗ tay ào ào tán thưởng. Cả xà lim cười sặc sụa. Cười dàn dụa cả nước mắt. Mụ mới vào cũng ngặt nghẽo cười. Tiếp tới chương trình ca nhạc. Cô diễn viên kịch nói, Phó Nhòm, hát mỗi người dăm bài. Đến lượt gã thượng úy bộ đội song ca với cô da đen bài “Tiếng Chày Trên Sóc Bom-Bo”, rồi tới bài “Nổi Lửa Lên Em”. Đương sôi nổi hào hứng, thì giặc lái đề nghị im hết. Hình như ngoài đường có tiếng gọi. Một phút sau, có tiếng con gái gào từ đường Hàng-Bông Thợ-Nhuộm vọng vào: “Bố ơi, sáng sớm mai, con gặp bố”. Tiếng gào vọng vào ba lần, xa xôi, nhưng rõ mồn một. Gã giặc lái khóc nấc lên: - Con gái tôi, nó gọi báo tin đấy. Chắc sớm mai tôi bị đem bắn. Cả xà lim im lặng. Lão nói với gã thượng úy bộ đội: - Các vụ hành quyết điển hình đều có dán cáo thị, nên gia đình nó mới biết. Khổ thân nó đêm nay. Báo trước cho nó làm gì! Đêm đó, xà lim như để tang. Không ai nói với ai một lời. Cũng chẳng ai biết an ủi gã như thế nào. Gã cũng chẳng nói gì với ai. Khuya lắm, thỉnh thoảng lão vẫn nghe tiếng gã nức nở. Lão định đứng lên nói vài lời với gã. Nhưng cảm thấy vô ích, lại thôi. Gần sáng, gã khóc to hơn. Lão đứng lên cùm nói, giọng guồn rầu: - Vĩnh biệt anh bạn. Anh bạn đi trước. Chúng tôi đi sau. Kẻ trước, người sau, ai rồi cũng qua cửa tử cả. Đừng sầu muộn nữa. Mọi buồng lần lượt nói lời từ biệt với gã. Thì ra, cả xà lim, không ai ngủ. Gã nghẹn ngào: - Vĩnh biệt anh chị em. Tôi bất hạnh quá. Vợ ơi! Con ơi! Rồi lịm đi. Một buổi sáng, trong giờ vệ sinh, tên quản giáo thường trực đưa một nhà sư mặc áo vàng, đi chân đất vào bàn giao cho Ngưu-Ma-Vương. Nhà sư gầy nhom không có đồ đạc gì, ngoài cái khăn mặt cũ. Ngưu-Ma-Vương nạt nộ: - Ngồi xuống góc kia! Nhà sư đứng yên, giọng miền Nam, bình thản: - Ông ngồi trên ghế, ông bảo tôi ngồi xuống đất, tôi không ngồi. - Can tội gì? Phản động đội lốt nhà sư, phải không? Cho tù mọt xương. - A di đà Phật, tôi không đội lốt ai. Tôi tu hành từ nhỏ. Lấy trời làm màn, lấy đất làm chiếu. Ở tù hay ở đâu, cũng vậy thôi. Ông thất lễ lắm, tôi không nói chuyện với ông. - Được, vào buồng. Thử xem ngoan cố tới đâu. Hắn mở cửa buồng giặc lái cho nhà sư vào, rồi khóa lại. Mụ vợ thượng tá công an thì thầm với cô gái cùng buồng: - Bọn phản động, đứa nào cũng cứng cổ cả, không nghiêm trị, chúng không biết sợ đâu! Đến buồng gã đầu gấu ra vệ sinh. Thừa lúc Ngưu-Ma-Vương đương nói chuyện với tên quản giáo thường trực, gã mở cửa gió buồng giặc lái, nhìn vào. Gã kinh hoàng, không tin ở mắt mình. Nhà sư ngồi xếp chân bằng tròn, lơ lửng trên không, cách mặt sàn chừng nửa thước, hai tay chắp trước ngực, mắt lim dim. Nhà sư từ từ hạ thân xuống sàn, nhìn gã, nở một nụ cười từ bi: - Con đóng cửa lại. Đừng nói với ai nhớ. Gã như một cái máy làm theo lời vị cao tăng. Bữa cơm chiều, Ngưu-Ma-Vương mở buồng ra cho tù lấy cơm. Nhà sư ngồi bất động trên sàn, nói: - Tôi chỉ ăn mỗi ngày một lần. Ông có thể cho người khác. Rồi nhắm mắt lại. Ngưu-Ma-Vương mở cửa buồng gã đầu gấu: - Bê suất cơm này vào. Nó muốn chết đói. Cho nó chết.
Buổi tối, gã đầu gấu mở cửa gió buồng gã ra, hỏi vọng sang: - Thưa thiền sư, con không hiểu tại sao một người đạo hạnh như ngài cũng bị bắt vào đây. Ngài can tội gì? - Bần tăng là kẻ tu hành, chỉ làm việc thiện. Bần tăng được thần linh lệnh sang Tây-Tạng. Bần tăng rời An-Giang lên đường. Tới Hà-Nội, thì họ đưa vào đây. Cũng là một cái duyên với các bạn. Sáng mai, bần tăng sẽ rời khỏi đây. Không sức mạnh nào giữ lại được. Có phải buồng này vừa có người bị hành quyết không? Cả xà lim bàng hoàng. Lão ngó ra cửa kính cẩn: - Thưa thiền sư, đúng vậy. Thiền sư quả là một bậc cao tăng siêu phàm. - Người này chưa cam lòng chết. Trưa nay, oan hồn hiện về, kêu khóc với ta là chỉ vì hai tám tấn thóc mà bị chết. Ta đã giảng giải và cầu nguyện cho linh hồn đó siêu thoát rồi. Đừng hỏi gì ta nữa. Để ta thiền định. Ta có lời chào tất cả. Sáng mai, ta rời khỏi nơi này. Tối đó, xà lim không ca hát. Những người ở cùng buồng chỉ xầm xì bàn tán với nhau. Họ không hiểu tại sao nhà sư mới vào, chưa ai nói gì về chuyện gã giặc lái, mà lại biết tường tận như vậy. Đúng là oan hồn gã đã hiện về kể lể hết mọi chuyện. Gã thượng úy bộ đội nghi ngờ: - Ngày mai mà vẫn nằm đây, thì bẽ mặt. Con chinh chiến bao năm, chưa thấy hồn ma bao giờ cả. Chết là hết. Lão mắng: - Mày biết gì, mà bàn tới những điều huyền bí đó. Để tao luyện thở. Sáng hôm sau, xà lim làm vệ sinh đã gần xong, mà nhà sư vẫn ngồi trong buồng lâm râm niệm Phật. Mọi người bắt đầu hoài nghi. Mụ vợ thượng tá công an nói với cô gái, giọng dè bỉu: - Lão thầy chùa phản động này chỉ được cái lừa bịp. Hôm qua, ông quản giáo đã bảo nó tù mục xương! Mụ vừa nói dứt, thì tên quản giáo thường trực vào, đưa cho Ngưu-Ma-Vương một tờ giấy. Hắn đọc qua, rồi mở cửa buồng thiền sư: - Đảng khoan hồng, tạm tha cho anh. Liệu cái thần hồn. Ra tới bàn Ngưu-Ma-Vương, nhà sư nhìn vào mặt gã, nói: - Gia đình sắp có tai họa. Phải tu nhân tích đức đi. Rồi ung dung theo tên quản giáo thường trực, rời khỏi xà lim. Buổi trưa, xà lim bàn luận sôi nổi. Buổi tối vẫn tiếp tục. Gã đầu gấu kể lại việc gã nhìn thấy nhà sư ngồi xếp bằng tròn trên không khí. Hầu như chẳng ai tin. Gã bực quá, thề độc: - Thằng này mà phịa chuyện thì sẽ bị bắn như giặc lái! Gã trưởng phòng công ty hóa chất cười: - Điều mày nói, phản mọi nguyên tắc vật lý. Không thể xảy ra được. Bất cứ vật gì nặng hơn không khí đều không lơ lửng được. Phó Nhòm nói: - Kể cũng khó tin thật. Nhưng sao nhà sư này lại biết rõ giặc lái chết vì hai tám tấn thóc? Điều này chứng tỏ là con người có linh hồn. Lại biết trước, chắc như đinh đóng cột, là sáng nay sẽ được thả. Nhìn rõ cả tương lai. Cứ đem khoa học ra mà giải thích, thì giải thích ra sao? Lão nói với gã đầu gấu: - Riêng tao, thì tao tin lời mày. Trên trại Cổng-Trời, mùa đông rét như thế, mà vị sư già nằm cạnh tao, chỉ mặc có độc bộ quần áo vải mong manh, chỉ ăn có một bữa, vẫn sống bình thường, tươi tắn trong nhiều năm. Chính vị sư già đó đã dạy tao phép dưỡng sinh và quyền thuật. Tiếc rằng tao chỉ học được đôi phần, thì chuyển trại. Thế giới có những điều huyền nhiệm, không lấy bộ óc bình thường của con người để lý giải được. Nói chung, con người hiện đại hiểu biết đôi chút khoa học là con người hoài nghi. Riêng chuyện nhà sư ở đây, hiển nhiên như vậy, chúng ta buộc phải tin. Nhưng nếu chúng ta nói với người khác, không dễ gì họ tin cả. Tôi nghe thấy nhà sư bảo Ngưu-Ma-Vương là gia đình hắn sắp có tai họa. Chúng ta hãy chờ xem điều tiên đoán này có xảy ra không. Trong xà lim, tuy mỗi người đều mang trong lòng một nỗi lo âu phấp phỏng, một sự chờ đợi khắc khoải, nhưng nhờ đối xử với nhau tình cảm, an ủi, động viên lẫn nhau, nên ngày tháng cũng đỡ phần nặng nề. Những buổi ca hát, dù lập đi, lập lại vẫn giải sầu phần nào, mang lại ít nhiều sinh khí cho cuộc sống ngưng đọng, héo hắt. Mụ vợ thượng tá công an, dẫu ghét cay, ghét đắng gã đầu gấu, vẫn phải tươi cười với gã. Mụ rất ít trò chuyện, và không cho quà ai. Riêng một lần, mụ định cho gã ít đường, ít bánh. Gã từ chối thẳng thừng. Thỉnh thoảng gã lại đe rạch mặt, rạch mép bọn sớ bẩm, nên mụ cũng sợ, không dám nho nhoe. Nhờ vậy, xà lim vẫn lái xe cho quà nhau, vẫn hút thuốc lào, mà Ngưu-Ma-Vương không hề biết gì. Một sáng trong giờ vệ sinh, gã thượng úy bộ đội không tắm, ra sân trước. Khi lão trong nhà vệ sinh ra, gã đương ngồi thụp dưới chân Ngưu-Ma-Vương, nói nhỏ chuyện gì. Lão không nghe rõ. Khi hai người vào buồng, Ngưu-Ma-Vương không khóa cửa lại như thường lệ, mà vào lục soát buồng. Hắn chui cả đầu xuống gầm sàn nhìn ngó, sờ mó. Cuối cùng hắn moi được ở khe cùm ra miếng nhôm lão mượn của Phó Nhòm tối qua để cắt móng chân. Hắn giơ miếng nhôm dài bằng ngón tay lên, nói: - Mang kim khí vào xà lim là phạm nội quy. Anh lấy ở đâu miếng nhôm này? Lão điềm đạm: - Tôi không biết. Không phải của tôi. Có thể ai đó giấu nó vào khe cùm từ trước. Tôi có rà soát buồng bao giờ đâu. Hắn không nói gì, khóa cửa, đi ra. Gã thượng úy bộ đội vội vã nói: - Không phải con báo cáo đâu. Con lúc nẫy nằn nì, kể khổ với hắn, xin hắn cho con viết thư về cho bà cô con. Nhưng hắn nói là chưa khóa cung, chưa được phép viết thư. Lão lắc đầu: - Không cần thanh minh. Tao biết là không phải mày. Gã mừng rỡ: - Con tình ngay, lý gian. Con vừa ngồi nói với hắn, thì hắn vào lục soát. Ai chả nghi ngờ. Sao bố biết không phải con? Lão giải thích: - Mày biết tao giấu miếng nhôm ở khe cùm. Nếu mày báo cáo, nó sẽ moi ngay ở khe cùm ra. Việc gì nó phải lục lọi tứ tung, chui đầu cả vào gầm sàn. Ở các xà lim, thỉnh thoảng vẫn có những chuyện kiểm tra đột ngột như vậy. Hơn nữa, từ lâu rồi, mày có cáo cầy gì đâu. Thông thường, khám thấy kim khí trong người, hoặc trong buồng là hết cãi, là cùm. Nhưng Ngưu-Ma-Vương bị lão nắm được tẩy hay ăn hối lộ của mấy bà, lại thấy lão được cả thiếu tướng cục trưởng trên Bộ cho trà, thuốc, đường, sữa, nên hắn nể ngại, lờ đi. Gã đầu gấu xác quyết là gã thượng úy bộ đội xì xọt, đe rạch họng. Lão phải giải thích, bảo đảm là không ai cáo cò, gã mới nguôi giận, cho qua. Liền mấy hôm cuối tuần, Ngưu-Ma-Vương mặt mày ũ rũ, phờ phạc, mất hẳn vẻ càu cạu, gườm gườm hàng ngày. Thấy cửa gió các buồng mở, hắn cũng chẳng buồn khép lại. Cả ngày, hắn hút thuốc lào liên tục, không nói năng gì. Phó Nhòm khoái chí, phỏng đoán: - Chắc nhà sư nói đúng. Hắn phải có chuyện gì, mới thay đổi hẳn thái độ như vậy. Cô diễn viên kịch nói, đùa: - Có thể vợ cho mọc sừng. Con gái thì chửa hoang. Gã đầu gấu hứa: - Đây sẽ bảo bọn đàn em nhà bếp điều tra xem sao. Yên chí, chỉ vài hôm là sáng tỏ vấn đề. Ngày chủ nhật, Găng-đi coi thay. Lão pha trà mời, rồi nói bâng quơ: - Ông quản giáo phụ trách xà lim này, không hiểu sao mấy hôm nay có vẻ ưu phiền dữ lắm. Găng-đi thở dài: - Ông ta có một quý tử độc nhất. Nó vừa can tội cướp của, giết người, bị bắt. Lớp trẻ bây giờ hư đốn quá. Tôi không hiểu sao, ngay cả con cái các ông to, nhiều đứa cũng trộm cướp. Bọn chúng có thiếu thốn gì đâu cho cam. Lão mỉa mai: - Các vị ấy quá chuyên tâm vào việc giáo dục nhân dân, nên không có thời giờ giáo dục con cái mình. Lo việc nước, quên việc nhà. Tinh thần hy sinh cách mạng thực cao cả. Găng-đi cười khẩy: - Tinh thần cách mạng. Làm thơ thì hô hào con cái người khác “Xẻ dọc Trường-Sơn đi đánh Mỹ”. Con cái mình thì gửi đi du học ở Nga, ở Đức. Lại còn “Người cách mạng khổ trước dân, sướng sau dân” nữa.