Tuổi thêm, thêm được tóc râu phờ Nay đã năm mươi có lẻ ba. Hai câu thơ của cụ Tam-Nguyên Yên-Đổ, không hiểu sao tự nhiên nẩy ra trong đầu lão, cái đầu đã ngây ngất, choáng váng vì chiếc xe com-măng-ca, suốt sáu tiếng đồng hồ, cứ hất lên, dằn xuống, trên đoạn đường hơn hai trăm cây số đầy ổ gà, từ trại Z 8 tới Hà-Nội. Lão có bao giờ để ý tới ngày sinh nhật đâu. Từ lâu rồi, lão coi cái ngày đó là ngày đáng nguyền rủa. Phải, hôm nay mùng mười, tháng tám, đúng là ngày cách đây năm mươi ba năm, lão chào đời... Khi sinh ra, miệng đã khóc thé Đời có vui, sao chẳng cười khì? Hai câu thơ khác của Uy-Viễn Tướng-Công Nguyễn-Công-Trứ lại tới với lão. Đúng thật, cuộc đời chẳng có gì vui. Năm ba mươi mốt tuổi, lão bị đi tập trung cải tạo. Nằm tù được bốn năm, thì vợ bỏ. Năm bốn mươi bảy tuổi, được thả. Lão lê tấm thân tàn về ở nhà cô em gái. Bấy giờ lão mới biết tin thằng con trai độc nhất của lão đi bộ đội, đã chết mất xác trong rừng Trường-Sơn, và vợ lão đã lấy một gã cán bộ quản lý thị trường. Cô em gái lão khóc, bảo lão đừng trách vợ lão: “Chị ấy thương anh lắm! Sau ngày anh bị bắt, chị phải chạy chợ kiếm sống. Nếu không nhờ anh quản lý thị trường che trở, rồi lấy chị, chị không nuôi nổi con đâu! Lấy chị, anh ấy bị kiểm điểm, rồi sa thải, phải đi kéo ba-gác. May mà có sức khỏe, xốc vác nổi. Anh ấy là người tốt, quý cháu nó lắm. Nuôi nó ăn học tử tế, cho tới khi nó bị nhập ngũ đi B... (đi Nam). Cùng với nhịp rung xóc của xe, câu nói đó cũng rung xóc trong óc lão, nhắc nhở lão không được quên ơn anh cán bộ quản lý thị trường. Anh ta đã nuôi vợ, nuôi con lão đấy! Kẻ cướp vợ lão lại trở thành ân nhân của lão! Mỉa mai thật. Nhưng lão phải thừa nhận đó là một thực tế. Bao bạn bè lão đi tù, vợ bỏ, con thất học, lêu lổng, hóa lưu manh. Bố một trại, con một trại. Có khi bố con cùng một trại. Có kẻ vợ phải đi bán thân, kiếm tiền nuôi con, nuôi thân, tiếp tế nuôi chồng. Sống vất vưởng ở ngoài được gần hai năm, lão lại bị bắt. Khi tiếng súng bắt đầu vang trên bầu trời biên giới, công an đã gọi lão lên Sở, bắt viết kiểm điểm tư tưởng, ngày này sang ngày khác. Bạn bè lão cũng vậy. Ai cũng lo thắt ruột, thắt gan! Không khí Sở Công-An bận rộn, tất bật. Phó thủ tướng Phạm-Hùng đã ký lệnh tập trung tất cả các thành phần nguy hại. Đọc lệnh này trên báo Nhân-Dân. Nhiều bà vợ khóc lóc. Có bà ngất xỉu. Em gái lão cũng ngồi đứng không yên. Thế rồi, một sáng tháng năm, trời vừa hừng sáng, lão vừa thức dậy, chưa kịp đánh răng, rửa mặt, thì công an tới, đọc “lệnh bắt người, khám nhà”, khóa tay lão lại, dẫn lão đi... Lão thấy nhẹ hẳn người. Bao lo lắng, phấp phỏng biến hết. Số phận đã được định đoạt. Thế là an tâm! Vào Hỏa-Lò, lão ngủ li bì. Bù lại bao đêm trằn trọc, thấp thỏm, nghe tiếng giầy bước mạnh ngoài cửa, cũng nhỏm dậy. Ở Hỏa-Lò được vài hôm, không cung kẹo gì, lão bị chuyển thẳng đi trại Z8. Trong đợt tù lần trước, lão đã di chuyển nhiều lần. Lăn hết trại này đến trại khác. Nhưng cuộc chuyển trại lần này mới thật là khó quên. Chân mấy tù nhân chính trị đều bị cùm. Lưu manh chỉ bị khóa tay từng cặp. Xe rung xóc khủng khiếp. Trong một khúc quặt, tất cả tù trên xe ngã dạt về một phía. Bác già ngồi cạnh lão rú lên. Cổ chân bác đã bị gẫy. Xe vẫn chạy ầm ầm. Mặc những tiếng kêu rên đau đớn, hai tên công an võ trang ngồi trên xe, nhất định không chịu mở khóa cùm, còn chửi mắng mấy người năn nỉ, đề nghị tháo cùm cho bác già. Lão tới trại vào lúc trại đương bị dịch kiết lỵ tàn phá. Trại nằm giữa lòng thung, gần biên giới Việt-Lào. Rào nứa ken dầy, bọc kín. Đoàn tù cùng đi với lão được dồn vào khu bên phải sân trại, khu của tù nhân chưa bị bệnh, hoặc mới bị nhẹ. Dẫy phòng bên trái sân dành cho những bệnh nhân nguy kịch. Lúc đó vào giờ ăn chiều. Mặt trời vàng khè tỏa sáng lấp lóa trên những ngọn đồi trọc đỏ quạch, nhấp nhô, nối tiếp nhau, bất tận. Gió Lào hầm hập từng đợt, phà hơi nóng xuống lòng thung khô cằn, không một bóng cây. Những lớp bụi hồng nhạt bay, rơi, tơi tả... Lão nghĩ có lẽ đây là Thung-Lũng Tử-Thần, và ngồi phệt xuống, bưng bát cơm gạo đỏ, gắp ít lá sắn luộc đưa lên miệng. Lá sắn chát sè. Lão mới vào tù, tuy đói, nhưng không nuốt nổi. Cuộc hành trình làm lão kiệt sức, mồm đắng ngắt. Lão chệu chạo nhai vài thìa cơm, rồi cho người bên cạnh. Một tên tù chửi đổng: - Tiên sư nó, kiểu cách rởm! Mấy tháng trời, các bố nó đây toàn nhá sắn khô. Mới có cơm mấy bữa nay đó! Lão không nói gì, đứng dậy quay nhìn về phía bên kia sân. Lão kinh hoàng trố mắt. Cách lão chừng ba mươi thước thôi, một cảnh tượng suốt đời không thể phai mờ đối với lão! Trong nắng chiều vàng ủng như nghệ, hàng trăm tên tù trần truồng, xám xịt, lủng củng xương da, đứa nằm, đứa ngồi, đương bốc cơm ăn. Có những tên không còn cầm nổi cái bát, cơm rơi đổ cả xuống đất, lẩy bẩy bò xuống, vốc nhặt đưa lên miệng. Tất cả diễn ra, im lìm, như một màn kịch câm. Như những bóng ma. Hai bóng ma, đầu trọc lốc, mắt sâu hoắm, đờ đẫn, ngồi đối diện nhau. Bốn bàn tay bám vào cái bát men đựng cơm, giơ lên, run run, từ từ đưa đi, đưa lại. Phải nhìn một lúc, lão mới hiểu là hai đứa đương giành nhau bát cơm của một tên nằm gục bên cạnh, không ăn nổi. Chúng không còn sức để nói, để chửi, để giằng mạnh. Một chiếc xe bò lọc cọc đi vào. Hai tên tù tự giác vào phòng, lần lượt khiêng năm xác chết trần truồng, đặt lên xe, kéo đi. Những tên tù ăn xong đứng lên, mủ máu từ hậu môn rỏ xuống... - Chúng tôi vào uống nước. Anh ngồi trong xe. Tuyệt đối không được trò chuyện với bất cứ ai! Tiếng tên công an áp tải lôi lão khỏi cơn ác mộng. Chiếc còm-măng-ca dừng lại bên lề đường. Hắn cùng gã tài xế xuống xe, vào một quán nước ngay đó. Lão nhìn quanh và nhận ra thị xã Văn-Điển. Những căn nhà thấp lè tè dọc hai bên phố. Quanh quất, vài quán giải khát, quán phở, quán thịt chó. Khách thưa thớt. Trời buổi trưa nắng gay gắt, chói chang. Mùi nhựa đường, mùi xăng dầu, mùi phở, thoang thoảng. Chiếc xe lăn đường ầm ầm, lăn đi, lăn lại. Mấy công nhân hì hục đào, cuốc. Mấy chiếc xe thồ uể oải, nặng nhọc. Những chiếc xe đạp cũ kỹ, thô kệch, vội vã lướt qua. Mấy anh xích lô, xe để dưới bóng cây, ngồi trà thuốc, tán gẫu trong quán. Dăm đứa bé nhem nhuốc, nhếch nhác, nheo mắt nhìn chiếc xe com-măng-ca, nhìn lão, tò mò. Chúng chỉ trỏ vào chiếc khóa số 8 trên cổ tay lão, lè lưỡi: - Ê, ê, tù, tù.
Lão nhìn các em, buồn rầu nghĩ ngợi. Chỉ có tuổi này là sung sướng, chưa biết gì, ngây thơ, vô tư lự, phiền não cuộc đời chưa vướng mắc. Đúng là tuổi ngọc. Đột nhiên, bên kia đường, từ một căn nhà, the thé tiếng kêu la. Rồi cửa bật mở. Một người đàn bà chạy ra, đầu tóc rũ rượi. Một người đàn ông cầm một thanh củi đuổi theo, hầm hầm: - Ông đập chết mẹ mày. Con ác phụ! Mấy anh xích lô ùa tới, giữ gã lại. Người đàn bà chạy sang quán nước, chu chéo: - Thằng khốn nạn, mày bỏ vợ con, đi theo con đĩ đó. Bà không nhịn được nữa. Bà sẽ tố cáo cho mày mất chức hiệu trưởng, cho mày bị khai trừ khỏi Đảng! Chị ta lấy tay vỗ bành bạch, hét lên: - Thằng chó dái, cái này là cái gì! Nó không phải là “cái mả bố mày” sao, mà mày phải vục đầu vào cái của con nhà thổ? Mọi người cười ầm lên. Bà lão chủ quán đứng dậy, đi tới kéo tay chị ta, can: - Thôi, chị bớt nóng. Chị là cô giáo, không nên làm thế. Phố xá người ta cười cho. Vợ chồng có điều gì, đóng cửa bảo nhau. Tên công an và gã tài xế uống xong, thanh toán tiền cho cô con gái bà chủ quán đương cười ngặt nghẽo, rồi lên xe. Chiếc com-măng-ca bon đi. Gã tài xế lắc đầu: - Đúng là giáo đâm, giáo chém! Lão thầm nghĩ đúng là xã hội đã thay đổi khác hẳn. Ngày xưa làm gì có loại thầy giáo, cô giáo như vậy. Dân còn gọi họ là những nhà mô phạm cơ mà. Ngày nay, kể cả bọn lưu manh, tính chất cũng khác hẳn. Hồi năm 1961, lão mới vào tù, đứa nào cũng giấu tội, xấu hổ, không dám nhận mình là ăn cắp, ăn trộm. Xã hội cũng nhìn bọn chúng bằng con mắt khinh bỉ, dè bỉu. Bây giờ, lũ chúng ngang nhiên khoe khoang chiến công trộm cướp. Càng táo tợn, độc ác, càng tự hào. Xã hội nhìn chúng bằng con mắt bình thường. Câu “Thời đại ra cửa là gặp anh hùng” của Hồ-Chủ-Tịch phải đổi thành “Thời đại ra cửa là gặp kẻ cướp” mới phù hợp với thực tế. Xe băng qua đường Hai-Bà-Trưng, rồi dừng lại ở cửa Hỏa-Lò. Lão được bàn giao cho tên công an thường trực. Tên này dẫn lão qua khu xà lim 2, tới xà lim 1. Sau khi một tên tự giác khám xét chăn màn, quần áo, sờ nắn toàn thân xong, tên quản giáo già đeo hàm thượng úy trỏ vào mặt lão: - Tôi phụ trách xà lim này. Tôi ở trong Ban Giám-Thị. Nếu vi phạm nội quy, tôi có đủ thẩm quyền ký lệnh cùm ngay, cắt tiếp tế ngay! Cấm trò chuyện, liên lạc với các buồng khác. Cấm đứng lên nhìn ra ngoài hành lang. Cấm mất trật tự. Cấm cầu nguyện. Vào! Tên quản giáo mở buồng 14. Lão bước vào. Cửa đóng sầm, khóa lại. Một người tù cởi trần, mặc quần đùi, mày râu nhẵn nhụi, tóc chải gọn gàng, ngồi trên sàn, phe phẩy chiếc quạt giấy. Lão quẳng túi nội vụ xuống sàn của lão, nằm gối đầu lên, thở phào, rồi quay sang hỏi: - Anh bị bắt lâu chưa? - À, mới được hai tháng. Còn ông bạn, ở trại nào chuyển về đấy? - Tôi ở Z8, Nghệ-An. Anh bị bắt là vào ngay xà lim này à? - Ờ, ờ, tôi bị tống vào buồng này ngay. Ông bạn chắc mệt lắm. Tôi pha cho ông bạn một ca nước chanh nhớ. Lão ngồi nhỏm dậy: - Anh cho tôi ít nước lã thôi. Gã cười, hai hàm răng trắng, đều: - Anh em bạn tù cả. Đừng khách sáo. Tôi mới được vợ tiếp tế hôm qua. Nói xong, gã nhấc bị tiếp tế ở chân cùm lên, cởi dây, lấy ra một gói đường, một quả chanh. Lão ngăn lại: - Cảm ơn lòng tốt của anh. Tôi đã ở tù nhiều, tôi hiểu. Miếng ăn trong tù quý lắm. Tiếp tế là xương máu của gia đình. Anh giữ lấy mà dùng. Tôi họa hoằn cô em gái mới gửi cho đôi chút. Coi như là không. Tôi đã sống quen với tiêu chuẩn trại. Anh cứ để cho tôi tự nhiên. Anh em mình ở với nhau, có bạn là vui rồi. - Ông bạn đi đường xa mệt. Tôi mời ông bạn lần này thôi. Đừng từ chối nữa. Nể lời, lão đành bằng lòng. Gã moi ở khe cùm ra một mảnh nhôm con, dùng nó như dao, bổ đôi quả chanh một cách khá vất vả. Gã vắt chanh vào ca men có sẵn nước, lấy chiếc thìa nhựa con, múc bốn thìa đường đổ vào, ngoáy một lúc, rồi đưa cho lão. - Cảm ơn anh. Đã hơn bốn năm rồi. Hôm nay tôi mới được uống chanh đường. Ca nước từ mồm lão chảy từ từ xuống họng. Chảy tới đâu, lão thấy thấm thía, thơm ngọt, tươi mát, khoan khoái tới đó. Lão đặt cái ca xuống sàn. Người tỉnh táo, khỏe hẳn ra. - Anh có hút thuốc lào không? Mắt gã bạn tù sáng lên: - Ông bạn có à! Tôi thèm nhỏ rãi ra đây! Lão cười: - Có chứ. Chúng ta có thể làm một hơi bây giờ. Gã giơ ngón tay trỏ lên môi: - Nói khẽ chứ! Không được, phải đợi đến chiều tối. Lão Ngưu-Ma-Vương vẫn ngồi ngoài ấy đấy. Lão này hách xì xằng lắm. Động một tí là cùm, là cắt tiếp tế. Anh em đặt cho lão cái tên Ngưu-Ma-Vương là vì thế. Ông bạn có mệt, cứ nằm nghỉ đi. Lão nằm xuống, nhắm mắt, cố chợp đi. Nhưng đầu óc cứ miên man nghĩ ngợi lẩm cẩm. Lần này là lần thứ ba lão vào nằm Hỏa-Lò. Nhớ lại hồi còn học Chu-văn-An, lão cùng bạn bè thường đạp xe qua nơi này. Hồi đó, lớp thanh niên tuổi mười tám, mười chín như lão, khờ khạo lắm. Khi đi qua Hỏa-Lò, kẻ thì dự đoán kháng chiến thắng lợi, nhà tù này sẽ bị phá đi. Một trường đại học sẽ được dựng lên. Kẻ thì ao ước một câu lạc bộ văn hóa sẽ thay thế, cho nam nữ thanh niên tới đó vui chơi, đàn ca, nhảy nhót. Riêng lão thì muốn sẽ là một vườn hoa, nhiều cây cao, nhiều thảm cỏ xanh rờn, cho Thủ-Đô thêm tươi mát. Ôi, cái ngây thơ, ấu trĩ đó, chính là nguyên nhân cơ bản dẫn tới sự hủy diệt đời lão, đời các bạn lão! Thế rồi, lão đậu tú tài, lão bị động viên đi trường sĩ quan Thủ-Đức, lão ra trận. Lão chiến đấu can đảm, mưu lược, nên mới hai mươi ba tuổi, lão đã đeo hàm Đại úy. Lão chẳng có ý thức gì về chính trị. Lão xông pha trận mạc dữ dội, vì lão có máu “người hùng”. Mẫu người lão ngưỡng mộ là Kinh-Kha vượt sông sang Tần, “một lưỡi dao bay, ngàn thủa đẹp”, là Triệu-Tử-Long “một thân toàn là mật”, đơn thương, độc mã giữa muôn vạn binh Tào, chiến bào đỏ máu. Khi còn đi học cũng vậy, mỗi khi đánh nhau với lính Tây, dù Tây đen hay Tây trắng, lão thường lăn sả vào đánh, và cho chúng đo ván. Lão cao 1m75, nặng 72 kí-lô, toàn gân và bắp, biết quyền Anh, biết Judo. Sức sống đầy ứ, rừng rực. Thực ra, lão cũng tình cờ đọc được ở đâu đó vài cuốn sách nói về hệ thống tù đày, về cuộc sống khốn cực của Nga-Xô, như “Tôi Chọn Tự Do”, “Con Quỷ Ở Thiên Đường”, “Từ Nga-Xô Trở Về”. Nhưng đọc trong khói thuốc Lucky, trong hương cà phê, trong hơi bia, hơi rượu, trong điệu nhạc Valse, nhạc Tango, trong vị đậm đà thơm ngậy của miếng bí-tết vàng rộp. Thành ra đọc, mà không đọc. Khi vào tù lần đầu, lão giận sự ngu xuẩn của lão lắm. Nhưng lão giận bố lão nhiều hơn. Ông cụ là người có cả Hán học lẫn Tây học, thông hiểu lịch sử kim cổ đông tây, sao lại đi chứa chấp cộng sản? Để rồi bị chúng đưa ra đấu tố, lăng nhục, hành quyết thê thảm! Lão không theo quân đội vào Nam, một phần cũng vì bố lão, khuyên lão, giữ lão ở lại. Sau này, lão nhận ra không phải chỉ riêng gia đình lão ngu ngơ, mà hầu như cả dân tộc ngu ngơ. Bị mắc lừa tất. Nếu ai cũng hiểu rõ cộng sản, thì lũ chúng làm thế nào có thể ngóc đầu lên được? Nói gì đến chuyện thống trị cả nước! Có nhiều bạn sĩ quan của lão, biết ở lại là dại rồi, bỏ trốn vượt biên đi Nam, và bị bắt đi tù. Không phải đợi Nghị-Quyết Tập-Trung Cải-Tạo của Trường-Chinh, mới bị đi như lão. Một số, cố uốn mình, mong thoát nạn, tích cực tham gia mọi hoạt động khu phố. Có người được tới 16 bằng khen các loại! Cuối cùng, tất cả vẫn gặp nhau trong tù. Dạo đó, lão thắc mắc, mà không tìm được câu trả lời. Tại sao, những người tự nguyện ở lại miền Bắc, ít nhiều đều có lòng tin ở cách mạng, coi cách mạng là chính nghĩa, hoan hô cách mạng, mà chính quyền lại gọi họ là ngụy quân, ngụy quyền? Họ ở lại là theo lời kêu gọi của cách mạng, không đi Nam. Đất nước đã hòa bình rồi, đâu bằng quê hương. Họ tin vào chính sách lưu dung, giữ “nguyên lương, nguyên chức” cho những người ở lại mà Hồ-Chủ-Tịch đã công bố. Tại sao họ đã quy phục, sợ hãi, không dám có hành động, hoặc lời nói nào đả kích chế độ, thậm chí nhiều người còn phải nịnh bợ, tâng bốc, mà Đảng vẫn bắt bớ một cách triệt để đến thế? Tại sao lại phải tống giam cả đến anh lính trơn, anh dân vệ, anh cảnh sát giao thông, anh hộ phố, bác Lý, bác Phó ở thôn xóm? Một cuộc bỏ tù vĩ đại chưa từng có trong lịch sử! Sau hiệp định Paris, Chánh giám thị trại Phong-Quang, Thiếu tá Trịnh-văn-Thích tổ chức một buổi nói chuyện, nhân dịp Cục-Trưởng Cục Lao-Cải Lê-hữu-Qua tới thăm. Khi ca ngợi chính sách khoan hồng của Đảng, vị Cục-Trưởng cao lớn, phương phi, đeo kính trắng, gọng vàng, có nói: “Đảng ta rất khoan hồng, không bắt tất cả. Đảng chỉ cho đi tập trung cải tạo có 13 vạn ngụy quân, ngụy quyền”. Lăn lóc qua hàng chục trại tù, lão gặp cơ man là giáo dân, tu sĩ, linh mục, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà sư, phạm binh, phạm cán, đảng viên. Không ai cho lão một câu trả lời thỏa đáng về việc bắt bớ, vô cớ, tràn lan này. Mãi tới năm 1976, ở trại Phố-Lu, lão gặp một lão già phản cách mạng chính hiệu, nghĩa là hoạt động chống lại chế độ thật sự, chứ không phải loại tù chính trị lôm bôm Đảng vơ bèo, gạt tép, tống vào các trại giam. Lão đưa ra thắc mắc của lão. Lão già phản cách mạng vuốt râu, cười:
- Rất dễ hiểu, rất dễ hiểu. Thứ nhất, về mặt kinh tế, tù nhân là một lực lượng khai hoang sản xuất có lời nhất. Anh bạn tính thử. Nuôi một người tù, tốn 5 hào một ngày, kể cả ăn, mặc, thuốc men. Toán đan là toán già, ốm, lao động kém nhất, mỗi tù nhân cũng làm ra bình quân 2 đồng một ngày, gấp 4 lần nhà nước chi ra nuôi hắn. Các toán mộc, xẻ, rèn, lâm sản, bình quân 10 đồng một ngày, gấp 20 lần. Do đó, tù càng nhiều, càng tốt. Thứ hai, về mặt chính trị. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần phải xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Dù đóng kịch giỏi tới đâu, Đảng cũng thừa hiểu các anh không ưa chế độ. Nhưng Đảng không sợ các anh lật đổ. Pháp, Mỹ, Đảng còn không sợ kia mà! Đảng rất biết các anh không dám chống lại chế độ bằng hành động. Đảng kiểm soát rất chặt, các anh không làm nổi. Hơn nữa, với chính sách quản lý dạ dày, các anh lo hai bữa nuôi thân, nuôi gia đình còn mửa mật. Làm được cái gì? Riêng có cái mồm các anh xì xầm, to nhỏ, rỉ tai, Đảng không theo rõi xuể. Hàng triệu cái mồm đó là trở lực đáng ngại cho việc tuyên truyền điêu trá, lừa bịp, nhồi sọ lớp trẻ, nhằm biến chúng thành Người Mới, nghĩa là Người Máy. Lớp trẻ sinh ra, lớn lên dưới chế độ, không biết gì về quá khứ. Với chúng, Đảng tha hồ xuyên tạc lịch sử, huênh hoang lấp biển, vá trời, kể công, kể đức, dễ dàng nhào nặn chúng theo ý muốn. Đảng kỳ vọng vào lớp này nhất. Anh để ý, mỗi đợt kiểm kê dân số, thấy tỷ số người nhiều tuổi giảm, tỷ số lớp dưới 25 tuổi tăng, Đảng rất mừng, khoe là xã hội càng ngày càng trẻ hóa. “Đâu cần, thanh niên có. Đâu khó, có thanh niên” mà. Tôi biết có một bác đã bảy mươi tuổi, khi bị bắt, bác van xin tên chấp pháp rằng bác đã già yếu rồi, cho bác sống yên với con cháu tới ngày nhắm mắt. Tên chấp pháp cười nhạt, bảo : “Anh già yếu, nhưng cái mồm của anh, nó chưa già yếu!” Bác đi tù, và bỏ xác trong tù. Các thứ văn thơ lãng mạn, các bản nhạc Trương-Chi, Thiên-Thai, Suối-Mơ, có dính dáng tí nào với chính trị đâu, Đảng cũng cấm. Những thanh niên hát những bài hát đó, như Toán xồm, Lộc vàng, người thì 15 năm tù, người thì 10 năm tù. Có lần Trần-Hoàn, giám đốc sở văn hóa Hải-Phòng, nghe thấy một đàn em của y huýt sáo bài Sơn-Nữ-Ca y sáng tác hồi đầu kháng chiến chống Pháp, y vội chạy lại xua tay: “Xin cậu, xin cậu, hãy chọn bài khác”. Đảng nghiêm cấm các thứ văn nghệ đó, vì nó không phù hợp với việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, nó làm loãng mất cái món ăn tinh thần đặc sệt chất Bôn-Sơ-Vích Đảng độc quyền nhồi nhét cho nhân dân. Thế thôi. Còn lý do thứ ba nữa, là khi xảy ra chiến tranh, những phần tử không ưa chế độ coi như lau sậy, kẻ địch coi như cọp. Cần phải phạt lau sậy đi, cho cọp không có chổ ẩn nấp. Do đó, phải tập trung những phần tử này. Dù họ đã được thả ra, cũng phải bắt lại. Đó gọi là chính sách “phạt lau, diệt cọp”. Còn chuyện đi tù vì lý lịch là tất nhiên. Đấu tranh giai cấp là phải vậy. Nhưng thực tế, số tù tư sản, địa chủ, thấm tháp gì so với số tù thuộc các thành phần khác. Anh đã ở nhiều trại anh biết. Tù chính trị đã nhiều, nhưng tù lưu manh bao giờ cũng nhiều hơn. Đó là hậu quả tự nhiên của thiếu khổ, của nền giáo dục coi khinh luân lý, đạo đức cổ truyền. Đám lưu manh này đều là thanh niên. Đảng coi chúng là rác rưởi của xã hội, không thể giáo dục cải tạo nổi. Biện pháp tối ưu là hốt chúng vào các trại tập trung, bắt chúng lao động khổ sai. Anh phải nhớ, bốn chữ “giáo dục cải tạo” chỉ là những từ vô nghĩa, ngớ ngẩn. Đảng đâu ngu tới mức tin vào mấy chữ đó! Thử hỏi có kẻ nào, ở ngoài xã hội, đã chán ghét chế độ, sau mười, mười lăm năm tù, chịu mọi hạ nhục, đầy đọa, lại tiến bộ, thành yêu chế độ! Cho nên, đừng bao giờ đóng kịch, nói với các cán bộ cộng sản là tôi đã cải tạo tốt, đã tiến bộ, đã nhận thức rõ sai lầm. Chúng sẽ khinh bỉ, cười vào mũi anh! Được nghe lão già phản cách mạng chính hiệu giảng giải, lão cao hứng quá, bắt chước Lưu-Bị chắp tay vái Khổng-Minh: - Được nghe những lời vàng ngọc của tiên sinh dạy bảo, bỉ nhân đây như kẻ mù được thấy lại ánh sáng. Bao mây mờ tan hết, được nhìn thấy trời xanh. Đa tạ, đa tạ. - Phó Nhòm, hôm nay đếm được mấy xe rau muống? Nghe tiếng gã đầu gấu từ buồng 7 vọng sang, gã bạn cùng buồng lão từ nẫy vẫn đứng nhìn ra sân trại, qua khe mấy tấm ván bịt, vội quay lại phía cửa buồng, nói to: - 42 xe tất cả. Ngày mai, mỗi suất phải được một bát đầy. Gã đầu gấu cười ha hả: - Thế là mai “bành”(no). An tâm cải tạo rồi. Phó Nhòm ngồi xuống, cười, nói với lão: - Ở đây, chúng nó gọi tôi là Phó Nhòm, vì tôi có trách nhiệm nhòm đếm xem có bao nhiêu xe cút-kít rau muống được trở vào nhà bếp. Điểm thứ hai, nói thực với ông bạn, tôi có máu rất thích phụ nữ. Trong giờ vệ sinh, tôi thường đứng lên cùm, nhìn ra hành lang, ngó các em đi qua, đi lại. Danh hiệu “Phó Nhòm” quả là không oan uổng gì. Ngưu-Ma-Vương vừa đi rồi. Lão uể oải ngồi dậy: - Chúng ta có thể kéo một hơi bây giờ, cho giãn xương cốt một tí không? - Thong thả, sắp tới giờ ăn chiều rồi. Nó sẽ trở lại, mở buồng cho ra lấy cơm. Hút bây giờ, mùi xộc lên. Nó vào, ngửi thấy thì nguy lắm. Phải đợi ăn xong, để bát, thìa ra ngoài cửa trả. Nhà bếp vào lấy đi. Hết giờ hành chính, nó về hẳn, mới có thể hút được. Mấy bữa nay có cá khô vụn kho muối, mủn ra. Những người có tiếp tế, không ăn, cho các buồng khác. Ông bạn nếu ăn được, tôi sẽ lấy phần của tôi vào. - Tôi là loại tù vô gia cư, anh không ăn được, cứ mang vào, tôi dùng tuốt. Tiếng gã đầu gấu vọng tới: - Ông chú mới vào, từ trại nào về đấy? Lão đứng dậy, trả lời: - Z8, Nghệ-An. - Trại Thung-Lũng Tử-Thần đấy. Ngay bọn quản giáo cũng có đứa phải trốn trại. Mấy thằng bạn cháu chết cả ở đó đấy. Ông chú sống nổi. Giỏi thật. Ông chú tù lâu chưa? - Tất cả hai mươi năm. Chú mày tù lâu chưa? Bao nhiêu tuổi? - Cháu hai mươi lăm. Trộm cắp từ bé. Đi tù từ năm mười bốn. Mới ra tù được hơn một năm, lại vào. Lần này, có thể dựa cột, hoặc chung thân. - Tội gì mà nặng vậy? - Cháu đâm một tên thuế vụ bị thương. Cháu buôn thuốc lá đường Lạng-Sơn Hà-Nội, bị nó chặn lại. Cháu cho một nhát, nhẩy tầu thoát. Về Hà-Nội được hai tuần thì bị bắt. Cháu vẫn đút lót cho tên này. Mới mấy lần chưa có tiền đút, nó trở mặt. Ức quá, cháu mới cho nó nhận một mũi lê. - Chú mày hung quá. Tuổi còn trẻ. Phí đời một cách vô ích. Đáng lẽ phải tính toán kỹ một chút... - Ngưu-Ma-Vương xuống núi! Gã Phó Nhòm báo động. Lão ngồi xuống, lắc đầu: “Tuổi trẻ bây giờ là miếng mồi ngon cho nhà tù nó nghiền nát. Nhiều đứa vì thiếu đói, chỉ ăn cắp con gà, bó lúa, cái xe đạp, cũng bảy, tám năm tập trung. Bỏ mạng trong tù vô số. Càng tù lâu, càng hư hỏng. Hiếm có đứa ra tù mà không tái tù. Thằng này nó nói đúng. Ít nhất cũng hai mươi năm, hoặc chung thân. Thế là tiêu đời.” Tên Ngưu-Ma-Vương đi vào, mở cửa từng buồng ra cho tù lấy cơm. Hắn đứng ngay trong hành lang, mặt càu cạu, mắt gườm gườm. Bọn tù, cả nam lẫn nữ, lần lượt ra bê cơm vào, vội vã, len lét. Phó Nhòm đưa cho lão bát cá vụn. Lão múc một thìa ăn thử: - Chà, mặn hơn muối. Tôi ăn phần tôi cũng không hết. Nuốt của này vào, khát nước bằng chết. Phó Nhòm mở túi thịt, múc bốn miếng con vào bát mình, rồi mời lão: - Ông bạn ăn với tôi mấy miếng. Thịt vợ tôi kho đấy. Gọi là hưởng tí “hương vị xã hội”. Lão nhất định từ chối. Phó Nhòm cứ múc vào bát lão. Không làm thế nào được, lão giao hẹn: - Tôi chỉ ăn một lần này thôi. Bận sau anh đừng có ép tôi như vậy. Cứ tự nhiên dùng. Như thế, tôi thoải mái hơn. Trời nóng thật. Nắng tháng tám, rám trái bưởi. Ngồi không mà mồ hôi cứ đầm đìa.
Phó Nhòm vừa ăn, vừa quạt, nói: - Ở Hỏa-Lò này có bốn khu xà lim tất cả. Xà lim 4 là dễ chịu nhất, ở mãi bên ngoài giàn nho. Chỉ dành cho cán bộ cao cấp bị tù nằm. Xà lim 3 nằm cạnh nhà bếp, mùi than xông lên rất khó chịu. Còn xà lim 2, có một buồng kỷ niệm ông Trường-Chinh, thì tối tăm, bí lắm. Gầm sàn bịt kín. Bô, chậu, sô, phải để ra giữa lối đi, rất vướng víu. Xà lim 1 này là thoáng đấy. Giá cửa trên phía sau không bị bịt ván, thì không nóng, không tối thế này đâu. Nhưng xà lim 3 có một ưu điểm lớn, là gần phòng nữ. Tối tối, nghe các em hát hỏng, chí chóe chửi nhau, đánh nhau, cũng vui. Ban ngày, khi các em đi cung, tha hồ ngắm, cải thiện mắt! Tù lâu, kinh nghiệm, lão biết xà lim thường được bọn chấp pháp gài ăng-ten vào. Trong hoàn cảnh cô đơn, kẻ non nớt, cả tin, thường dễ tâm sự, dễ tiết lộ những điều mình muốn giấu. Ăng-ten phần nhiều lại rất ngon ngọt, tử tế, tận tình giúp đỡ, dễ cảm động lòng người trong cảnh ngộ mới bị bắt, thiếu khổ trăm bề. Khi mới bước vào buồng, nhờ cửa mở có ánh sáng rõ, lão thấy nước da Phó Nhòm xanh mái. Hai tháng xà lim chưa đủ thời gian để có nước da quý phái đó, nước da mà các phu nhân quý tộc hồi thế kỷ 19 bên Châu-Âu rất ái mộ. Khi lão hỏi Phó Nhòm nằm xà lim bao lâu, lão đã nghi ngờ rồi. Nhìn nội vụ của gã đầy đủ tất cả, nào quạt, nào ca, nào sô nhựa, thìa nhựa. Lại thêm một bọc to chăn áo mùa đông treo trên tường. Lão khẳng định ngay Phó Nhòm là một ăng-ten. Nếu không, tại sao lại phải nói dối? Đồ dùng của người tù, nó phải có thời gian lịch sử của nó. Phải nhiều lần viết thư về gia đình, hoặc gặp người nhà, mới có được đầy đủ. Không thể mới bị bắt mấy tháng, đang trong thời kỳ hỏi cung, chưa được viết thư, chưa được gặp người nhà, mà đã “làm nên lịch sử”. Phó Nhòm quả là một tay ăng-ten tồi. Gã kể vanh vách từng chi tiết về 4 khu xà lim Hỏa-Lò, chứng tỏ gã đã nằm qua tất cả. Một ăng-ten nham hiểm không phạm những sai lầm tầm thường như vậy. Rất có thể Phó Nhòm chỉ là một ăng-ten bất đắc dĩ. Đèn điện bật sáng. Ngưu-Ma-Vương đi vào. Từng buồng được mở, để tù đặt bát ra ngoài cửa. Một tên nhà bếp đi thu. Chắc có việc vội, y quát giục nhặng sị, làm tên nhà bếp cuống cả lên. Xong việc, y khóa cửa xà lim lại, bỏ đi. Giờ tự do của xà lim bắt đầu. Tiếng nam, nữ, đùa nhau, í ới, nhộn nhạo: - Buồng 8 tháng này chều tiếp tế. Chắc ông xã cho rơi rồi. Thương quá là thương: “Chơi xuân có biết xuân chăng tá. Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không.” - Coi khinh! Đây đã có hàng trung đội xếp hàng nộp đơn xin đặt cọc. - Em buồng 10 ơi, bị tiếp tế to thế. Càng no cái bụng, càng đói cái kia, phải không? Có muốn anh cho “nuôi bò” không? Bò của anh đang ứ sữa đây này. Những tiếng cười hô hố, khoái trá, rộ lên. Gã đầu gấu buồng 7 nói như ra lệnh: - Trật tự, trật tự. Giặc lái buồng 4 đâu, kể nốt câu chuyện tối qua đi. - Chuyện dân lái xe bọn tớ thì kể muôn đời không hết. Không phải vô cớ mà nhân dân gọi bọn tài xế xe tải là giặc lái. Thời chiến, bọn tớ chỉ cần đi một chuyến vào Quảng-Bình đất lửa, là được thưởng 300 đồng, bằng sáu tháng lương cán bộ. Chẳng thằng nào muốn vào chỗ chết đâu. Nhưng không đi, cũng không được. Đoàn xe tải chúng tớ đậu ở đâu, là dân sợ như sợ dịch hạch. Họ thường xuyên bị chết oan, khi máy bay Mỹ tới bắn phá. Sợ thì sợ đấy, nhưng đêm đến, suốt tuyến đường từ Ninh-Bình tới Quảng-Bình, chị em nông dân vẫn kéo tới chỗ đoàn xe chúng tớ đậu. Bọn giặc lái chúng tớ chỉ cần chi ra ba, bốn cái tem gạo bộ đội 250 gam, là đưa các nàng vào gầm xe. Đủ kích, cỡ. Từ thiếu nữ dậy thì mười bốn, mười lăm, tới bà xồn xồn gần năm choạc. “Nhớn bùi, bé mềm”, bọn tớ sơi tái. Đúng là cái thời kỳ “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Có điều cơ thể các nàng đói, còm quá, giảm mất hứng. Gặp em nào khéo chiều, tớ “nhân đạo” cho thêm gói kẹo, gói mì ăn liền. Em cảm động rưng rức. Bọn tớ cấu kết với nhau chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng. Mỗi lần bị oanh tạc, những thằng sống sót thu được vô số chiến lợi phẩm. Cứ khai là hàng trên xe bị hủy hết. Về Hà-Nội ăn chơi thả phanh. Thời chinh chiến, mấy người đi trở lại. Cần gì. Hưởng lúc nào, cho đã lúc đó. Nếu kể về tội, bọn tớ đáng bị nhiều cái án tử hình. Thế mà lại toàn được tuyên dương xuất sắc, được bằng khen. Bây giờ thời bình, tớ chỉ ăn cắp có bốn xe thóc, tổng cộng 28 tấn, chưa bằng cái móng tay thời chiến, đã bị nhận án chết. Chống án, vẫn y án. Chỉ còn trông cậy vào lệnh ân xá của ông Trường-Chinh. Tớ 42 tuổi. Tớ chưa muốn chết tí nào cả. Đ... mẹ cái số phận! Tớ tưởng tối đa chỉ bị bồi thường, cộng 7 năm tù là cùng. - Giặc lái nói đúng đó. Bình thường chỉ thế. Nhưng giặc lái có cái khốn nạn là được chọn làm điển hình cho phong trào bài trừ tham nhũng. Rơi vào những vụ điển hình, đều bỏ mẹ cả. Đành trông vào Trời thôi. Thấy lão chăm chú lắng nghe, Phó Nhòm nhắc: - Kệ chúng nó chuyện trò, tán láo. Bây giờ chúng ta có thể say được rồi. Mấy tuần nay, xà lim cạn hết thuốc. Vật vã quá. Lão giở cái chăn bông bẩn thỉu, hôi hám của lão, moi từ trong ruột chăn ra một nắm thuốc lào. Phó Nhòm thán phục: - Quả tù lâu, kinh nghiệm. Yểm thế này, bố chúng nó cũng không khám nổi. Tôi chỉ có mảnh giấy báo. Nhưng máy đã hết đá. Làm thế nào? - Yên trí, yên trí. Đâu vào đó hết. Lão cười, giở cái áo bông dầy cộm, tháo một cái khuy nhựa to ra, giơ lên: - Máy đây. Anh rút một sợi dây dứa ở cái túi của anh kia. Tôi lồng nó vào cái khuy này, là có thể đánh lửa hút. Lão cúi xuống, cầm một chiếc dép lốp của lão lên, moi từ đế ra một mảnh thủy tinh nhỏ. Lão xé bông, xé giấy, cuộn một điếu đủ hai người hút. - Anh lâu không hút. Say đấy. Thuốc nặng lắm. Hút trước đi. Tôi hút sau. Phó Nhòm kéo mạnh một hơi, lao đao, dựa lưng vào tường, say rơi cả thuốc. Lão nhặt điếu thuốc, hút đến hết. Khói lan tỏa. Gã đầu gấu buồng 7 gầm lên: - Cha chả, tên nào tra tấn lão gia đấy? Thơm lừng bốn cõi! Mấy buồng khác nhao nhao: - Ở đâu mà thơm thế? Phòng nào vậy? Đừng giấu anh em. - Chắc của ông chú mới vào. Mấy tuần nay, ai có đâu. - Đừng quên các đàn em, im ỉm sướng một mình, ông chú ơi! Gã đầu gấu cười cầu tài: - Ông chú chia sẻ hạnh phúc với chúng cháu đi. Ai lại chiến đấu âm thầm, đơn độc vậy. Xà lim là một nhà mà. Ông chú mới vào, không biết đấy. Phó Nhòm đã hết say, hỏi: - Ông bạn giải quyết ra sao? - Chia sẻ với họ mỗi người một ít. Xà lim có bao nhiêu người hút? - Hút tất. Chỉ có mấy bà, mấy em là không. Một nắm thuốc, mà cho bảy đứa, còn gì mà hút? - Yên tâm, tôi còn. Lão lôi trong chăn ra một nắm nữa: - Bây giờ chuyển cho họ bằng cách nào? Phó Nhòm hớn hở: - Trong chăn, còn nhiều lắm hả? Được, tôi bảo chúng nó lái xe sang. Gã đứng lên cùm, nói to: - Buồng 7 đưa xe sang nhận hàng. - Tuân lệnh!