Ai đưa con sáo sang sông Để cho con sáo sổ lồng bay xa. (ca dao) Luân đi dọc theo hành lang ngôi trường đại học, xuống mấy bực cấp ra ngồi nơi bệ thành xi măng xây chung quanh hồ nước. Giữa hồ, một cái vòi phun liên tục những giòng nước lấp lánh dưới nắng chiều vàng sẫm. Luân ngồi nhìn lơ đãng ra khoảng sân cỏ trước mặt. Đám chim sẻ từ một ngọn cây gần đó túa ra, lượn một vòng rồi đáp xuống mặt thảm cỏ xanh mướt. Chúng ríu rít, chạy nhảy tung tăng như một bầy con nít đang đùa rỡn. Luân yêu lũ chim nhỏ bé mà hiếu động đó. Chúng nhắc chàng nhớ đến quê nhà, nhớ ngôi trường thời thơ ấu trống huếch hoác có lũ chim rượt đuổi nhau chí chóe trên mái ngói; nhớ những ngày ngồi trong lớp học mà hồn thả lang thang theo gió, theo những cụm mây chậm chạp trôi trong bầu trời xanh lơ bên ngoài cửa sổ. Rồi chàng tẩn mẩn so sánh với trường lớp ở đây và thấy khác quá. Trường nào cũng như cái hộp, tường vách kín bưng. Một cặp trai gái dìu nhau đi ngang qua chỗ Luân ngồi, nói cười thật tự nhiên, vui vẻ. Cô gái, một tay ôm chồng sách, tay kia vòng qua ôm ngang hông cậu trai. Họ đến ngồi trên một băng đá kê dưới một gốc cây. Cô gái quăng tập sách xuống đất, vòng tay níu đầu chàng trai xuống hôn đắm đuối. Luân ngồi nhìn cảnh yêu đương đó, nghĩ đến một điều rồi bật cười. Ở đây cái gì cũng khác, cũng ngược lại với quê nhà. Học trò trai gái vừa ra khỏi cửa lớp là ôm nhau khít rịt, hôn hít mê mẩn cứ y như xa nhau hàng thế kỷ vừa gặp lại chẳng kể trời đất gì đã là một chuyện lạ. Lạ hơn nữa, các cậu cứ thong dong, chẳng phải đón đưa, dìu dắt gì cả. Các cô làm hết, ôm hết. Rồi Luân bật cười tự diễu mình lẫm cẫm. Đã dám hôn nhau giữa ba quân thiên hạ thì còn sợ gì nữa mà không ôm. Thế mà người ta cứ bảo đàn ông con trai ở xứ này khổ lắm, kém thế lắm. Luân chợt nghĩ đến Thục, đến lá thư nhận được tuần trước. Chàng cho tay vào túi áo. Lá thư vẫn nằm đó, suốt cả tuần nay, và chàng đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần. Chàng chậm rãi lôi tờ thư ra khỏi túi áo. Mùi nước hoa thoang thoảng. Luân mỉm cười tự nhủ: Các cô bao giờ cũng điệu. Anh Luân, Em đang ngồi trong lớp học viết thư cho anh đây. Gớm, anh làm gì mà trách móc, giận hờn dữ quá vậy? Không phải em lười mà cũng không phải không muốn viết thư cho anh. Nhưng vì nhà đầy người, như anh đã thấy trong lần lên chơi trước. Suốt ngày, từ sáng đến tối lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt. Mỗi chiều đi học về em phải phụ chị Ba nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa và săn sóc mấy cháu nhỏ. Em phải giúp chị ấy một tay chứ ngồi không coi sao được. Chị ấy đi làm cả ngày, mệt phờ người; về nhà thì cơm nước, con cái; lại còn phải lo cho anh Ba... nhậu nữa. Gớm cái ông ấy! Làm cũng dữ mà nhậu cũng dữ. Em không hiểu sao các ông ấy nhậu đến khuya mà sáng sớm có thể mò dậy đi làm được thì khiếp thật. Mà đâu phải lâu lâu một lần. Hầu như ngày nào cũng vậy. Cho nên xong việc nhà là em mệt ngất ngư, chỉ muốn đi ngủ. Thành ra em chỉ có thể viết cho anh trong giờ học. Mà trong giờ học thì còn phải... học nữa chứ, cứ viết thư... tình hoài thì còn học hành gì được. Em phải rán học một nghề để mai mốt còn phụ với anh. Anh thấy đó, ở đây ai cũng phải đi làm, cả hai vợ chồng đều phải đi làm mới sống nổi. Em không muốn mai mốt về làm vơ... kiểng của anh đâu. Anh Luân, Nói chơi vậy thôi, đừng giận. Thực ra em cũng muốn viết cho anh ghê lắm. Nhưng biết làm sao? Nhiều lúc nghĩ lại em thấy tiếc khoảng thời gian mình sống ở Việt nam, ở đảo. Thuở đó tuy có cực nhưng chúng ta lúc nào cũng được gần gũi nhau. Em nhớ những ngày ở đảo, chiều chiều chúng ta thường hay đi dọc theo bờ biển, nghịch phá, rượt đuổi những con còng gió. Cái loại còng đó trông ốm yếu, lêu khêu vậy mà chạy nhanh khiếp, anh nhỉ. Chẳng mấy khi chúng ta bắt được chúng. Hay những đêm chúng ta nằm bên nhau trên cát ướt, nhìn lên trời đêm lấp lánh ánh sao mà vẽ vời, mơ tưởng về một tương lai êm ấm, hạnh phúc ở một chân trời xa lạ. Những ngày đó thật êm đềm, thú vị. Vậy mà bây giờ chúng ta phải xa nhau. Thời gian qua nhanh quá Luân nhỉ? Mới chớp mắt chúng ta xa nhau đã gần hai năm. Nhưng Luân đừng buồn. Rán vài năm nữa rồi chúng ta sẽ mãi mãi bên nhau. Mãi mãi. Em hứa với anh thế. Hôn anh, Thục. Tb: Chắc bây giờ Luân nói tiếng Mỹ hết... mỏi tay rồi phải không? Hôm qua, trong bữa ăn, anh Ba nhắc lại chuyện anh đi thi bằng lái xe làm cả nhà cười nghiêng ngã. Em cũng hơi quê quê. Luân gấp tờ thư bỏ vào túi áo. Chàng ngã người nằm dài trên bờ hồ. Nền xi măng nóng hâm hấp làm Luân phải nhỏm người ngồi dậy. Chàng thò tay xuống khuấy vào mặt nước. Những đồng tiền lấp lánh dưới đáy hồ. Những đồng tiền nguyện ước có lẽ của đám sinh viên ở trường ném xuống. Luân cũng móc túi ném xuống đó một đồng xu với nguyện ước tình yêu của chàng và Thục mãi mãi bền vững, thủy chung. Đồng xu chạm vào mặt nước vang lên một tiếng kêu nhỏ. Nó chao nhẹ rồi nằm im lìm cạnh những đồng xu khác. Luân mơ hồ một cảm giác an tâm tin tưởng. Chàng ngước mắt nhìn ra phía trước, bắt gặp cặp trai gái lúc nãy đang chụm đầu vào chăm chú đọc gì đó trong một trang sách. Có lẽ họ đang học bài chung. Chàng lại hướng tầm mắt về một phía khác. Mấy cô sinh viên đang đứng nói chuyện với đám con trai chỗ mấy bực cấp. Không biết họ nói gì với nhau, rồi mấy cô phá ra cười. Tiếng cười giòn tan, thoải mái, hả hê như muốn tuôn ra hết những vui thú, khoái trá trong người bay vang đến chỗ Luân ngồi làm chàng cũng thấy vui lây.
Chàng lại nghĩ đến lá thư và nhớ đến anh Ba - Ông anh rể của Thục. Thục có bà chị và ông anh cả qua Mỹ từ trước. Bà chị là đàn bà... trẻ người non dạ thì không kể; ông anh cả của Thục tuy ăn to nói lớn nhưng cũng không đáng ngại; Luân ngại nhất là ông anh rể của Thục mới kỳ. Ông ấy tuy không trực tiếp có ý kiến gì về chuyện của chàng và Thục nhưng Luân biết bao nhiêu việc lớn nhỏ trong nhà đều do ông ấy quyết định hết. Luân nhớ hồi mới qua Mỹ, ở tạm nhà của anh chị Thục, Luân đã ngỏ ý xin được cưới Thục. Anh chị của Thục lúc đầu tuy hơi ngần ngại nhưng sau đã có vẻ xiêu lòng. Nhưng rồi ông anh rể của Thục can thiệp vào và kết quả là một hôm ông anh cả của Thục kêu Luân ra giảng - Anh biết Luân và Thục thương nhau từ lâu; vả lại Luân còn có công đưa Thục qua đây nên anh cũng muốn hai đứa cưới nhau; nhưng thực ra không nên vội vàng quá. Luân mới qua Mỹ, đời sống chưa ổn định, cần phải đi học lấy một nghề cho vững chắc đã. Thục nó cũng cần đi học một nghề. Chuyện "một túp lều tranh, hai quả tim vàng" là chuyện người ta ca hát cho vui thôi, thực tế không cặp vợ chồng nào có thể uống nước lã, ngồi nhìn nhau mà sống hạnh phúc được. Anh không quan niệm vật chất là mục đích của hôn nhân, nhưng vật chất sẽ bảo đảm cho một đời sống gia đình bền vững lâu dài. Luân tin anh đi. Nếu hai đứa thực sự thương nhau thì không có gì phải sợ. Vài ba năm thì có lâu gì. Thế là chuyện hôn nhân phải gác lại. Luân về Washington ở với bà dì lo việc dùi mài kinh sử chờ một ngày... xe anh chạy trước, xe nàng theo sau. Hôm chia tay, Luân đã ngậm ngùi nói với anh chị của Thục: - Em nghe lời anh chị. Chỉ xin anh chị một điều: "giữ" Thục hộ em. Hôm ấy Thục khóc dữ quá làm Luân nôn nao cả ruột gan... Vậy mà đã gần hai năm rồi. Thục vẫn còn đó, vẫn thư từ cho Luân đều đặn. Luân thấy an tâm phần nào. Chừng hai năm nữa Luân sẽ ra trường, rồi sẽ làm đám cưới với Thục và sẽ sống hạnh phúc. "Em cũng hơi quê quê". Luân mỉm cười nhớ đến câu cuối cùng trong lá thư của Thục. Chàng tưởng tượng ra ánh mắt long lanh, tinh nghịch, nụ cười chế giễu của Thục khi viết mấy chữ "hơi quê quê". Rồi chàng nhớ lại câu chuyện đã làm Thục hơi quê quê đó. Hai năm trước lúc vừa đến Mỹ được một tuần, chàng có nhờ anh Ba chở đi thi bằng lái xe. Hôm đó anh Ba để Luân vào một mình nên khi cô thư ký Mỹ hỏi Luân điều gì đó, chàng không hiểu rõ mà chẳng biết làm sao đành đáp bừa "yes". Cô thư ký trố mắt ra nhìn. Luân vội vàng chữa lại "no". Lần này thì cô thư ký trợn mắt lên, xẳng giọng: "What?". Luân thấy không xong bèn bỏ ra ngoài tìm ông anh rể của Thục đang đứng chỗ cửa ra vào hút thuốc lá ngắm ông đi qua bà đi lại. Thấy Luân, ông hỏi: - Sao rồi? Luân ngượng ngập: - Nó nói cái gì đó em không hiểu rõ. Trả lời "no" nó trợn mắt lên mà "yes" cũng không được. Yes, no gì cũng không xong nên chạy ra cầu cứu anh đây. Chuyện này về sau thành một đề tài cho cả nhà chọc quê Luân. Thỉnh thoảng Thục vẫn nhắc lại trong thự Quê thật! Mà cái chuyện bất đồng ngôn ngữ đó cũng đã gây ra lắm cảnh dở khóc dở cười cho nhiều người Việt. Luân nhớ đến vợ chồng ông hàng xóm của bà dì - anh chị Phúc. Hai vợ chồng có đứa con trai thật kháu khỉnh, dễ thương. Cả hai cưng như cưng trứng. Những lúc rỗi rảnh, Luân vẫn thường sang nhà anh chị Phúc đấu láo, mang theo cho thằng bé lúc thì gói kẹo, lúc thì một món đồ chơi. Cả hai vợ chồng đều còn trẻ, hiền lành và vui tánh, lại rất quý Luân. Một hôm, nhân lúc ngồi đùa với thằng bé, Luân buột miệng: - Sao anh chị không kiếm thêm một đứa nữa cho vui nhà vui cửa? Chị Phúc đang nói cười vui vẻ, bỗng sầm nét mặt, nguýt ông chồng: - Hồi tôi sanh thằng này, bác sĩ hỏi ổng cái gì đó, ổng dét dét, nô nô làm sao mà họ cắt mất... của tôi, bây giờ đâu còn đẻ chửa gì được nữa. Hôm đó nhìn nét mặt bẽn lẽn, ngượng ngùng của anh Phúc, Luân thấy thật tức cười. Rồi nghĩ đến mình, Luân không kềm được nữa cười toáng lên. Luân kể cho vợ chồng anh chị Phúc nghe chuyện hôm chàng đi thi bằng lái xe. Mọi người được một trận cười nghiêng ngã... Luân co tay nhìn đồng hồ. Đã đến giờ vào lớp. Chàng với tay cầm tập sách đứng dậy, đảo mắt nhìn quanh một vòng. Tầm mắt dừng lại nơi cặp trai gái vẫn còn ngồi dưới gốc cây. Họ không còn chụm đầu vào học nữa mà đang hôn nhau. Cuốn sách rơi xuống đất, mở toang, tênh hênh ngay dưới chân họ. Gió lùa những trang sách bay phất phơ, sột soạt.
Súng nổ. Tiếng quát sắc lạnh vang lên giữa đêm khuya: - Đứng lại. Tất cả đứng lại. Luân kéo Thục, hét nhỏ: Chạy. Luân lôi Thục chạy bừa trong đêm tối. Toán người vượt biển cũng bỏ chạy tán loạn. Mấy đứa con nít khóc ré lên. Súng lại nổ. Tiếng đạn xé gió kêu chéo chéo trong không khí. Kệ, Luân cứ kéo Thục cắm đầu chạy. Chàng vấp phải một vật gì đó chúi mũi suýt té. Dừng lại một chút. Luân nghe hơi thở hổn hển của Thục phía sau: Em mệt quá. Luân thì thầm: Chưa được. Rán chút nữa. Luân lại nắm tay Thục kéo chạy tiếp. Một lát Luân vấp phải một gốc cây té nhào. Thục cũng té chồng lên người Luân. Hai người nằm im nghe ngóng. Một số người bị bắt, phần lớn là những gia đình có con nhỏ. Ánh đèn pin lóe lên, kéo những vệt sáng ngang dọc trong đêm tối. Luân và Thục cứ nằm im như thế cho đến khi công an lùa số người bị bắt đi khá xạ Thục cựa mình toan ngồi dậy nhưng Luân đưa tay kéo Thục xuống, ôm ghì lấy nàng. Đôi nhũ hoa Thục săn cứng ép sát vào ngực Luân êm ái. Luân thấy rạo rực những thèm muốn xác thịt. Hơi thở Thục dồn dập, gấp rút phà lên mặt Luân. Họ tìm môi nhau và hôn nhau say đắm... Tiếng sấm sét bên ngoài làm Luân giật mình thức giấc. Cái hôn bị cắt đứt nửa chừng. Luân ném chiếc gối chàng đang ôm cứng trong lòng sang một bên. Trời đang mưa. Những tia chớp lóe lên, vạch từng đường sáng ngoằn ngoèo trong bầu trời đen đặc bên ngoài cửa sổ. Chàng nhớ đến Thục. Không biết Thục đang làm gì giờ này bên ấy? Đang ngủ? Đang mở Đang mơ một giấc mơ có môi hôn thắm thiết như chàng vừa mơ thấy? Luân nghe mơ hồ âm vang một lời ca quen thuộc trong đầu:... Ngày rời Cali, anh đã để quên con tim... Luân gọi thầm: Thục ơi, anh thật đã để quên con tim bên ấy. Mưa vẫn rơi đều đặn bên ngoài, rầm rập trên mái nhà. Luân loay hoay cố dỗ giấc ngủ, nhưng trăn trở mãi mà không làm sao ngủ lại được. Chàng nghĩ đến giấc mơ lúc nãy rồi liên tưởng đến những ngày chạy đôn chạy đáo tìm mối vượt biển lúc còn ở Việt nam. Tuy chàng chưa bị công an rượt bắt lần nào nhưng cũng đã hụt mấy chuyến vì tổ chức trục trặc. Cuối cùng chàng cũng đi được. Mấy ngày trên tàu, Thục say sóng ói mữa tùm lum, nằm bẹp dí, không còn biết trời đất gì; Luân đã săn sóc, chăm lo cho Thục từng li từng tí như một người chồng lo cho vợ. May mắn tàu đến đảo bình yên, không cướp bóc, không hải tặc. Rồi những ngày ở đảo thật êm đềm, nhàn nhã. Thuở đó người tỵ nạn còn được đối xử tử tế, không bị bạc đãi, cấm cố như Luân đã nghe kể gần đây. Đời sống vật chất lại tương đối thoải mái vì cả chàng và Thục đều có thân nhân ở Mỹ gởi tiền cho. Luân nhớ đến những đêm trăng sáng, hai đứa thường đi dọc theo bờ biển. Gió biển lùa vào tóc Thục, thổi tung lên phủ lòa xòa trên mắt mũi chàng. Luân vừa ngây ngất hít thở mùi thơm dìu dịu lẫn mùi biển mặn trên tóc Thục vừa mơ màng nhìn ánh đèn tàu lấp lánh ngoài khơi mà mơ tưởng về một vùng đất xa lạ Thục và chàng sẽ đặt chân đến, rồi vẽ ra một tương lai thật huy hoàng, xán lạn, có đám cưới linh đình, có rượu nồng, có pháo đỏ, một mái nhà xinh và những đứa con kháu khỉnh, ngoan hiền. Luân lại nhớ đến hôm đi dạo với Thục trên một ngọn đồi. Hôm ấy chàng đến rủ Thục ra biển tắm. Cả hai chuẩn bị mọi thứ rồi kéo nhau ra biển. Nửa đường, không hiểu sao Thục đổi ý đòi đi dạo núi. Luân chìu Thục và hai người đổi hướng đi về ngọn đồi gần đó. Con đường dẫn lên đồi dầy hoa cúc dại mọc ở ven lề. Nắng buổi sớm rực rỡ và bướm bay lượn chập chờn quanh những đóa hoa nhỏ xinh xắn, nở vàng rực dưới nắng mai. Luân tinh nghịch ngắt một đóa hoa cài lên tóc Thục. Chàng đứng lùi lại ngắm Thục rồi khen: - Cả hoa và người đều đẹp nhưng anh thích người hơn vì hoa không biết yêu. Và nhất là không biết hôn... Thục đỏ mặt chạy đến véo vào hông chàng. Luân làm bộ đau, la lên rồi bỏ chạy. Thục rượt theo. Luân chạy nhẫn nha, ngoái cổ lại nhìn. Tóc Thục bay phất phơ trong gió trông thật đẹp. Lúc Thục gần bắt kịp, Luân bất thần đứng hẳn lại. Thục không kịp chuẩn bị, đâm sầm vào người Luân. Chàng giang tay ôm lấy Thục, siết chặt rồi cuối xuống đặt lên môi Thục một nụ hôn. Thục hơi bất ngờ nhưng rồi tiếp nhận cái hôn của Luân thật nồng nhiệt. Một lát họ rời nhau ra. Luân lại trêu: - Thấy chưa? Người vẫn hơn hoa vì biết hôn mà hôn rất... điệu. Thục nhớ lại, ngượng quá, đấm vào lưng Luân thùm thụp, hét lên : - Anh nói xấu Thục đó phải không? Cứ thế họ vừa đi vừa đùa dỡn, chẳng mấy chốc đã đến chân đồi. Đó là một ngọn đồi khá cao, đầy những cây cổ thụ xòe vô số cành lá to lớn đan lấy nhau che kín một vùng trời. Nắng không lọt vào đây được và chim chóc bay nhảy, kêu gọi nhau trên các ngọn cây. Luân và Thục theo con đường mòn leo dần lên đỉnh đồi. Mấy con sóc đang gậm nhấm gì chỗ một gốc cây, thấy bóng họ, chúng giật mình phóng chạy làm đàn chim đang hót líu lo trên các cành lá hoảng hốt bay vù đi. Càng lên gần đỉnh đồi cây cối càng thưa. Ra khỏi lùm cây cuối cùng và đến đỉnh đồi, một vùng biển bao la, mênh mông hiện ra trước mắt hai người. Thục reo lên mừng rỡ: - Đẹp quá Luân nhỉ.