Chỉ mục bài viết |
---|
Ôi! Ái Tình |
Trang 2 |
Tất cả các trang |
Tác giả:Công Bình
Ông thầy thuốc Lương Vân ngồi với tôi trong nhà, anh em chuyện trò về thế sự nhơn tình, ông ta bổng nói lên rằng:
- Ông Công Bình ơi! Thế sự còn gì lạ hơn chuyện này nữa... Tôi muốn thuật lại để ông nghe, nhưng mà chưa có thể thuật được; ngày nào người ta còn sống là ngày ấy tôi còn phải giữ việc ấy cho bí mật. Công Bình bạn ơi! Còn gì khổ bằng giữ trong lòng một việc mà mình lấy làm kỳ đời, mình muốn cho ai cũng biết. Đó, ông xem, người ta đã tin tôi là một người chín chắn, kín đáo, người ta đã ân cần dặn tôi đừng thổ lộ cùng ai, thế mà giờ tôi đã muốn nói rồi; vậy, ở đời ta còn dám tin vào ai? Ngay như người ấy, đã không muốn cho ai biết chuyện mình, mà lại nói với tôi, thời người ấy có chín chắn, kín đáo gì đâu!
Tôi nghe còn mang nhiên (1) chưa đáp được gì, thời nghe có tiếng gỏ ngoài cữa, tôi bèn nói lên rằng: "Entrez!" (Cứ vô!).
1. Mù mờ, không hiểu gì.
Người nhà thơ trao cho tôi một xấp nhựt trình rồi cúi chào mà đi đi. Ông Lương Vân nắm lấy tờ Công Luận báo, lật qua lật lại, bổng đọc to rằng:
"Chết một cách thảm thiết
"Sài Gòn - Sáng hôm nay, có một người đến sở Cảnh sát báo rằng ở căn nhà số 8 đường B, có người chết, hơi đã mạnh lắm. Bổn báo hiện mới được biết rằng người chết đó là thầy V.D. làm giáo sư trường B. Thầy mang bệnh điên hai tuần lễ rồi, nay chắt cũng vì bệnh đó mà chết, không ai hay, ai biết là hồi nào, bà con không rỏ là đâu..."
Ông Lương Vân bỏ tờ báo xuống, nói lên rằng:
- Tôi đã bảo mà! Người ấy làm sao sống lâu hơn được nữa. Rồi lặng thinh một hồi như có ý ngậm nguồi mà nói:
- Tội nghiệp cho con người ấy! Mà cũng đáng thay cho con người ấy!
Tôi lấy làm lạ quá, xưa nay tôi chưa từng thấy ông Lương Vân cử chĩ (1) như thế bao giờ. Tôi mới nói lên rằng:
- Lương Vân bạn ơi, sao ông cử chĩ quái lạ như thế, làm cho tôi không biết nghĩ ra làm sao? Tự hồi, sớm đến giờ đã hai lần ông tỏ ra là một người điền rồ đó! Có lẻ ông đọc báo mà nhiểm lấy bịnh của thầy V.D. mạng bạc kia rồi! à, phải! Hôm nào tôi có nghe nói, ông có đến coi cho y...
1. Xử sự.
Ông Lương Vân sè tay đưa lên rồi đập xuống bàn như chặn lời tôi lại, bộ mặt nghiêm nghị mà nói:
- Công Bình bạn ơi, ông nói chi nhiều thế! Tôi chẳng qua là cám cãm xúc, mà cử chĩ thế thôi! Giờ tôi xin nói ra, thời người tôi sẽ được thơ thới...
Ông ta ngả đầu ra sau ghế một lúc, rồi ngồi ngay lại, lấy thuốc hút phì phà, nét mặt bỗng tươi cười, nói lên rằng:
- Chuyện tôi sẻ kể cho ông nghe, ông có thể viết nên một bộ tiểu thuyết, để cho người đời xem đó mà suy nghĩ về hai chữ ái tình ngày nay. Thầy V.D. này lúc nhỏ ở Mỹ Tho, cha mẹ, anh em cùng gốc gác thầy không ai rỏ được. Mà nghe như thầy vốn nhà bần cùng lắm, sau nhờ có công phu học tập mới thi đỗ giáo sư. Lúc thầy dạy ở Mỹ Tho, thầy mới hai mươi tuổi. Đẹp trai, dáng tốt, thế mà thầy một mình một căn nhà, trọn năm không nghe những chuyện tình là những chuyện, tôi nay đã ngoài năm mươi, không thấy người thiếu niên nào là không có.
Thầy không mướn người ở, vì thầy có tánh kỹ lưởng và siêng năng. ở trường học thầy hết lòng lo bổn phận dạy dổ học trò, về nhà thời thầy hết sức sắp đặt việc nhà. Thầy ăn cơm tháng ở nhà ông Cã H., nhà ấy trước cũng có mấy thằng ăn, sau lại vì con gái của ông Cã đã trộng tuổi rồi, mà mấy thầy là bận việc không thể nấu cơm cho mấy thầy nữa; duy có thầy V.D. là người hiền lành tữ tế, ông Cã mới chịu đễ cho thầy ăn nơi đó.
Thầy V.D. ở ăn cơm đó bốn, năm tháng trời mà không hề biết mặt con gái ông Cã bao giờ; nhà ông ấy cũng nghiêm trang lắm, đến giờ thầy về ăn cơm, thời con cái đều ở nhà sau, không còn có tiếng tăm gì nữa.
Một hôm thầy đến chơi nhà Hương Cã đễ nói trước sáng mai là ngày 12 Juillet 19..., mình đi Sài Gòn chơi lễ Chánh Chung; ông Cã đi vắng chỉ có bà ỡ nhà, bà trạc độ sáu mươi; người xem thuần hậu mà vui vẻ nói:
- Lảo, chúc cho thầy đi bình yên, về cho chóng, kẻo lảo chờ... Mai này lảo cùng con gái lảo cũng đi lên Sài Gòn, song không định đi chuyến xe nào...
Thầy V.D. nghe có tiếng giầy sau lưng mình, day lại thấy con gái bà Hương đang sắp sữa đồ trong hoa ly mà lấy làm mê mẩn. Người dáng điệu đẹp làm sao, xinh làm sao... Rốn ngồi xem không tiện, mới đứng dậy từ giã ra về, nhơn đưa mắt ngó tiểu thư một thễ...
Xe vùn vụt chạy trong ba giờ hơn bảy mươi ký lô mét, tới Sài Gòn...
Một người thiếu niên Âu phục xách hoa ly lại nhà ngủ Lục tĩnh khách lầu mướn phòng số 33, hạng nhứt, đó chánh là thầy V.D., thầy thuở nay chưa xem lễ Chánh Chung lần nào, chuyến này đi cho biết, lại vì sợ cận ngày quá thời khó kiếm phòng ngủ mà phải đi sớm.
Còn thừa ngày giờ, thầy đi lại nhà chụp ãnh đường Kinh lấy chụp hình, hẹn mai lại lấy kiểu. Cái đó không rỏ duyên trời rung rũi hay sao mà ngày mai thầy lại, người nhà chụp ãnh đưa lầm một cái hình mỷ nhon mà hình ấy chánh là của cô Lê Thị con ông Hương Cã H. dưới Mỹ Tho. Thầy xem hồi lâu, giao lại cho người ký lục, nói là lầm, và hỏi thăm cô Lê Thị chụp hồi nào, mới hay là hôm qua, sau mình có một giờ.
Thầy ra đường băng khoăng quá! Chao ơi! Cái băng khoăng đó là vì đâu. Chắt rằng một người hai mươi tuổi đời nay ít có cái băng khoăng của thầy. Thầy thiệt thà quá, xưa này dể đã gần một người đàn bà nào, nay xem một người con gái xinh lịch phúc chút ngực đánh mạnh, mà mình bắt rụng, chơn không muốn bước, trí lại vẩn vơ. Cái đó là gì? ái tình? ái tình gì lại thế? Chưa từng chuyện trò nhau, biết được nhau mà sao có ái tình?
Thầy bồi hồi, bổi hỏi, đi đã xa mà còn day lại nhìn nhà chụp ãnh, như đễ tìm người mỷ nữ... Cắt cớ thay cho thợ trời! thầy day lại thời nhận được hai người đàn bà bước vô nhà chụp ãnh. Thầy dừng chơn lại, thầm nghĩ rằng: "Để xem hai mẹ con tiểu thơ ngụ chổ nào cho biết".
Hai người đàn bà ấy vốn thiệt là hai mẹ con Lê Thị, cũng cùng với V.D. lên một chuyến xe, mà không thấy được nhau hồi nào. Hai mẹ con vào xem ãnh mới lấy. Rồi ra ngồi xe kéo lại chổ ngụ, cũng chánh là một chỗ của thầy V.D. mới kỳ. Cho biết, bao nhiêu việc rắt rối ở đời, ông trời xanh đã khiến vậy.
Thầy V.D ngồi trong phòng đương bàng hoàng suy nghĩ về sự tình cờ gỡ thời có người đến nói rằng đằng phòng số hai mươi hai, có người mời mình lại nói chuyện. Thầy không cần hỏi, cứ việc đi tìm.
Ông thầy thuốc Lương Vân nói tới đây thời ngừng lại, hút phì phà điếu rồi nói rằng:
- Công Bình bạn ơi, ông đừng trách tôi nói chuyện tỉ mỉ dông dài, tôi muốn kể cho ông nghe cái buổi đầu của một cuộc ái tình. Ông còn trẻ lắm tưởng cũng không phải là vô ích...
Tôi gật đầu, thời ông ta nói tiếp rằng: Cô Lê Thị lúc ở ngoài đường vô nhà chụp ảnh, lúc trong nhà chụp ảnh đi ra đều thấy thầy V.D mà lạ sao nàng không nói cho mẹ biết. Nhơn tên bồi phòng đem sổ biên tên, nàng ngó thấy tên V.D ở Mỹ Tho, thời bèn cho mời lại nói là bà con; lúc đó bà bận đi ra ngoài để hỏi thăm kiếm nhà người bà con, mà mười mấy năm trời, không từng gặp gở. Thầy V.D gặp được cô Lê Thị thì lòng mừng rở, còn biết nói sao cho rỏ. Thầy ngồi đó, muốn nói một, hai câu tình tự, mà dụt dặt (1) nói chưa ra thời cô Lê Thị đã mở lời. Cho biết đàn bà về việc tình tự, họ giỏi hơn đàn ông.
1. Giục giặc: chần chờ, do dự.
- Thưa thầy, tôi mời thầy như thế cũng là không phải song vì có đôi lời muốn tỏ cho nên mới không ái ngại gì. Phận tôi là gái, việc thất gia thể nào, nhờ ở cha mẹ định đạt chớ biết sao? Bà thân tôi nói có hứa... với thày làm sao tôi không rỏ, mà mới đây ông thân tôi lại nhận lời thầy Bang biện trong làng... Vã con của thầy ấy xưa nay có tiếng là "Công tử bột" tôi cũng từng thấy được mặt mày... Tôi nghĩ áo mặc sao qua khỏi đầu, mà việc là việc quan hệ cho một đời tôi, thời tôi buồn rầu quá; cho đến đổi phải mời thầy đến mà phân trần; xin thầy nghĩ giùm cái tình cãnh khó khăn của tôi mà chớ ngở tôi là người con gái không chín chắn.
Thầy V.D. nghe ra mới nghiệm được bà Cã có lòng thương mình, định gã con cho mình đã lâu, đây thế bã nói sao cô Lê Thị hiểu lầm đây. Mừng mừng, ngại ngại, lo lo, thầy mới tỏ:
- Xin cô mựa (1) đừng buồn rầu, cô đã tưởng tôi mà cho tôi biết thời tôi cũng sẻ dốc lòng cầu khẩn với ông...
1. Mựa đừng: nên đừng, nên chớ.
Cô Lê Thị day mặt ngó ngoài cữa sổ mà nói:
- Thầy phải biết rằng ông thân tôi đã hứa với thầy Bang biện, và nghe đâu bữa nào sẽ có đám hỏi...
Bây giờ thầy V.D. bước lại nắm tay cô Lê Thị dọng rất cãm động:
- Xin cô tin tôi, cô tưởng tôi, tôi rất yêu cô, tôi quyết không khi nào để cho cô phải khổ lòng...
Hai người lặng lẻ nhìn nhau, cái âm thầm đó còn chĩ được sự ái tình hơn là lời êm ái nào.
Thầy V.D. buôn tay cô nọ, ngồi gần bên, toan những đều vô lể, thời Lê Thị bổng đứng lên nghiêm nét mặt nói:
- Thầy sao cũng giống như người vô học sao? Tôi đâu có ngờ! Thôi, tôi xin thầy hảy ra... Tôi khốn nạn dường nào!
Rồi sụt sịt khóc.
Thầy V.D. sụp quỳ xuống, hết lời năn nỉ, cô nọ ngồi lại, ngó ra cữa sổ, day lại chỉ cho V.D. thấy là bà Hương đã về tới, thầy bịnh rịnh ra đi.
Ông Lương Vân ngừn lại một lúc, nói:
- Công Bình bạn ơi! ái tình hai người sanh ra từ đó. Giá hai người không gặp gở nhau lần đó thời đâu có chuyện này, thời cô kia gã cho Công tử bột con thầy Bang biện là người giàu có đã nhiều, thời làm sao có một tình sử này. Bởi vậy tôi mới phân tỏ tưởng để ông biết.
Từ đó về sau hai đàng từng gặp nhau, đầu mày cuối mắt, xiết bao là tình!
Chơi xong cuộc lễ, thầy V.D. về tức thì đến cậy ông X... vốn là thầy dạy luân lý trong trường, người có tuỗi, đến nói cô Lê Thị, ông Hương từ nan vì đã có hứa với thầy Bang biện.
Thôi thế là hết trông! Thầy V.D. mổi lần nhớ đến cãnh trong nhà ngủ; cái lúc mà đầu tiên mình mới gần được một người con gái, mà người con gái thông minh, có giáo dục thời chi xiết nổi bàng hoàng. Thầy tã (1) ra một bức thơ tỏ những sự tình, nhơn lúc nhà ông Cã vắng, trao cho Lê Thị.
1. Viết.
Ôi! Người thiếu niên chưa duyệt lịch sự đời, thật dễ cảm động. Cô đọc được bao lời của người yêu, cãm quá mà nên đau...
Bà Hương một bữa thấy bức thư dưới gối Lê Thị, mới đem cho ông Hương xem, ông giận dữ toan quở mắng con, nhưng nghĩ thôi vì con đau, mà lại có lòng lo. Ông nói:
- Ta quyết không khi nào gã con cho thằng V.D. là đứa côi cúc nghèo nàn!
Trong lúc đó, Lê Thị núp ở nhà trong nghe tỏ rỏ, về vật mình than khóc nảo nề...
Ông Hương nghĩ thầy nọ ở ăn cơm nhà bất tiện mới thối thác là mình bận việc, biễu thầy ấy đi nơi khác. Thầy đi, một ngày gánh tương tư càng nặng mà tin tức cô nọ lâu quá không được nghe.
Một đêm nằm ngủ, mơ màng thấy cùng Lê Thị được đẹp duyên, lấy làm phĩ nguyền thời nghe tiếng nàng kêu gọi bên tai; chớp mắt dậy vẫn còn nghe. Đứng dậy, thắp đèn mở cữa ngoài trời quã thấy nàng .
Nàng kể cho chàng nghe vì lẻ gì mà nàng phải đến từ tạ chàng được yên bề nhắm mắt. Hai ngày tới đây là có đám cưới nàng; nàng hết sức phân trần với cha là không bao giờ chịu lấy tên B. M. là con Bang biện làm chồng, thà ở vậy trọn đời; mà cha chưởi rủa hung quá, thế lấy làm bức định đi deo mình xuống sông. Cùng nhau trước kia đã phân lời tri kỷ, nên phải đến chia tay. Thế là chàng với thiếp kíp này không nên duyên cang lệ (1).
Đèn mờ mờ, V.D. trông nét mặt Lê Thị cùng thảm thương. Người xem gầy mòn, xanh xao, như người bệnh nặng. Thương yêu thái quá ôm Lê Thị vào lòng, nức nở khóc than...
Hai người nghĩ mải không biết tính làm sao, thầy V.D. mới khuyên cô nọ vậy thôi thời ẩn nấp nhà mình. Nhưng mà sao tiện? Cô kia không khứng, đường âm cung là nẻo trốn tránh mà thôi! Sau thầy mới năng nỉ cô lê Thị nói rằng còn hai ngày nữa mới cưới, vậy thôi mai này cô sữa soạn lại ga, đi cùng thầy lên Sài Gòn, thầy để cô ở trên ít lâu, ông bà bề nào nghi cho thầy, đến tìm hỏi thầy, thầy sẻ liệu kế mà cứu giải giùm cô. Ôi! Phận bồ liễu biết nghĩ làm sao! Cô cũng hứa vưng lời vậy.
Tính vậy làm vậy. Song lên Sài Gòn không có phố, thầy mướn phòng ngủ cho chô tàn tịch (2) hai ngày, thầy mới ân cần dặn cô gìn vàng giữ ngọc, trở về kẻo bỏ việc lâu quá không xong.
Dưới nầy ông Hương bà Hương vở lở việc con gái trốn đi, song còn dấu diếm, thối thác với nhà sui rằng con mình bệnh nặng phải hưỡn lại việc ấy. Con trốn đi, thầy V.D. kia vắng mặt, thế thôi còn ngờ gì nữa!
Thầy kia về tới nhà chưa kịp thay đồ, thời bà Hương đã lại. Trước thầy còn lừa đảo (3), sau thấy bà nọ có bụng thương mình đành tỏ thiệt.
1. Vợ chồng.
2. Tàn tịch: kể luôn đêm.
3. Tránh né.
Ông Hương nghe vợ nói lại, trước định thưa kiện thầy, sau cũng diệu lại, con mình đã như thế ép uổng nó sao được. Ông một mặt truyền cho thầy nọ đem con mình về, một mặt nói với nhà sui rằng con bệnh nặng, mà có người coi tuổi nói đôi lứa không ở ăn nhau được. Thầy Bang biện cũng tới lui rầy rà việc ấy luôn mấy tuần, sau vì ông Cã chịu bồi thường nhiều mới êm chuyện.
Một năm sau, thầy V.D. mới cưới cô Lê Thị, vì năm ấy thầy hai mươi tuổi người ta nói là hung niên. Ôi! Thầy cưới được cô nọ cũng là vất vả lắm, ông Hương khinh thầy có một sự không tiền, mà làm khó dể cho thầy nhiều chuyện. Ông ít khi nói chuyện với thầy, mà hể có nói, thì ông tỏ ra cho thầy biết là bất đắt dỉ, ông phải gả con cho thầy. Bỡi vậy, trước khi chưa cưới, Thầy phải thường đến nhà làm rể, mỗi lần vô nhà là mỗi lần cực trí, cực lòng. Nhưng vậy, thầy được vợ mới mười tám tuổi, mà thông minh, có học thầy cũng hả lòng mà không nhớ chi đến sự cha vợ nhục mình. Cảnh nhà thầy nay hết nổi lặng lẻ buồn rầu. Đôi lúc thiếu niên âu yếm nhau, tình ý hiệp nhau biết bao là hạnh phúc.
Ông Cã còn hai người con trai đều đã có vợ rồi, một người hai mươi tuổi tên là Lê Cang, một người hai mốt tuổi tên là Lê Trí, cả hai đều là tay cờ bạc. Hai người ỷ nhà giàu, thường khinh khi em rể. Thầy V.D. ở đó thiệt là nhức xương với hai người anh vợ. Ngày nào Lê Cang với Lê Trí cũng qua; ăn nói theo điếm đàng. Thầy V.D. thiệt không ưa. Họ mà cờ bạc thua thời diệu ngọt với V.D. mượn tiền, mà hể họ ăn thời nói phách lối khó chịu.
Thầy V.D. không có của cải nhưng mà lương tháng bốn, năm chục đồng cũng không đến nổi làm sao, mà để cho bên vợ mình khinh dể, vã lại mình cũng không nhờ cậy họ chuyện gì... Vợ thầy thời hiền lành dể thương lắm, thường an uổi chồng, chớ cũng không dám nói với anh chị sự gì hết. Còn ông già vợ, thầy thời cũng hay lổi phải khó chịu; thảng (1) vắng lên bữa nào thời đã phiền trách, mà hễ lên, ông kiếm chuyện rầy rà. Nào "mày ở với anh mầy không phải, nó nói mầy khi tụi nó" vân vân...
1. Thảng: nếu.
Có bữa lễ nhỉ, thầy nằm cả ngày, buồn rầu quá. Vợ thầy hết cách khuyên giải, thầy cũng không sao vui lòng được. Thành ra trong cái cảnh vui, nhà thầy có lộn cái vẻ buồn. Sau thầy mới bàn với vợ, xin dạy ở Sài Gòn, vợ cũng vui theo. Đơn gởi đi không bao lâu, một bữa sớm mai thầy về vui cười nói với vợ rằng: "Mình ôi! Thôi thế là mình hết nỗi ưu sầu, về chốn kinh thành được xiết bao là vui vẻ!".
Thầy lên Sài Gòn ở một căn phố đường B... Cách xử thế của thầy cũng không dời đổi gì, ngày đi dạy học tối ở nhà đọc sách, không có giao thiệp gì lắm.
Năm sau, vợ thầy sanh được một đứa con trai xem thông minh lắm, thầy cũng vui dạ, cảnh gia đình của thầy thật ít có. Chồng thuận vợ hoà, con chơi, một năm không có một tiếng rầy.
Hai vợ chồng thầy thật là yêu thương nhau hết sức, vắn nhau một lúc cũng đã lấy làm buồn. Thầy hết giờ dạy, là bươn bả (1) về, cho thấy mặt vợ con, còn vợ thầy thời trong sự thờ chồng cũng là hết đạo: việc nhà cửa sắp đặt thứ lớp, chồng có khó ở thời lo sợ thuốc than. Tối đến, thời có khi vợ đọc báo cho chồng nghe, có khi chồng giải nghĩa sách cho vợ hiễu. Lâu lâu thời cặp thiếu niên này lại dắc tay nhau đi chơi các đường ở Sài Gòn, như ở các đường Chợ cũ, Chợ mỡi, Catinat. Lúc mới gặp nhau, tình yêu nhau thể nào, bây giờ cũng vẩn thế, lại có lẻ hơn. Hai người xem nhau không những là vợ chồng mà còn là tri kỷ, kẻ chung tình nữa.