Chỉ mục bài viết |
---|
Một CHiều Xa Thành Phố |
Trang 2 |
Tất cả các trang |
Một CHiều Xa Thành Phố
Tác giả: Lê Minh Khuê
Anh chàng lái xe bất lực giơ hai tay lên trời, kêu bằng cái giọng tuồng nửa đùa nửa thật quen thuộc của anh ta:
- Thưa các ngài. Xe không thể xuất phát chiều nay. Tôi sẽ đi tìm phụ
tùng thay thế ở ngay giữa nơi khỉ ho cò gáy này. Chừng nào được tôi sẽ phục hồi gấp. Vậy sáng mai đúng chín giờ các ngài tập trung tại đây. Giờ thì xin tuỳ nghi di tản!
Tân là phụ nữ duy nhất trong số ba người cùng cơ quan nên chị có vẻ nao núng khi nghe anh lái xe nói vậy. Mọi người bàn qua tán lại vì người quen ở đây hầu như không có. Chỉ có điều duy nhất là nên vào uỷ ban xã gần đây, xin ngủ nhờ. Còn ăn uống thì lo gì? Sức trai đang độ cả. Lo là lo cho Tân kia kìa. Các cậu có thấy mặt cô ta xị ra không? Tân cười xoà. Các bạn có còn tiếp tục trêu chọc một hồi trong khi Tân vừa có một kế hoạch thoáng qua trong đầu. Cách đây đã hơn một năm. Viện có viết thư. Viện cho biết là đang ở khu vực uỷ ban huyện này, trong khu nhà dành cho nhân viên bệnh viện. Thế từ đây đến huyện lỵ bao xa? Anh lái xe nhìn Tân cười cười: những hơn ba cây số nàng ơi. Với đôi guốc cao kia thì cô chớ tính đến chuyện vượt qua cái cánh đồng kia nhé... Nhưng cứ thử xem sao - Tân nói và bỏ đôi guốc vào thùng xe, lấy đôi dép nhựa mang dự trữ đi vào chân. Anh lái xe nhìn đôi dép gật gật đầu, nháy nháy mắt.
Bây giờ là mùa thu nên buổi chiều có vẻ nhẹ nhõm. Trời trong. Có những đám mây thật lớn, nhiều dáng vẻ trải rộng trên cánh đồng. Những đám mây thêm to khi không bị những mái nhà thành phố che lấp. Những đám mây không biên giới... Một cánh rừng nào đó mà bộ đội đông thật là đông, chỗ nào cũng nghe tiếng rì rầm, tiếng cười nói. Xe máy đổ ào ạt ra phía trước. Các cỡ xe, các cỡ máy. Tuổi mười chín vui tươi quá, da mát mẻ, tóc trơn mướt dưới bàn tay vuốt lên nó. Ði đến đâu cũng có người nhìn theo. Ngày và đêm, tầm mặt bị cây rừng che lấp, không giành giới hạn trong khoảng chật hẹp có khi chỉ vài bước chân. Cả hai đứa thường nói tới quê hương của Viện ở
trung du. Có bao nhiêu là mây trắng trải trên đồi chè. Những đám mây
không biên giới... Tân bước nhanh hơn ki nghĩ tới cái câu mà mình và Viện nói cười với nhau ngày ấy. Sao ngày ấy cái gì cũng dễ dàng, ngay cả những điều ước cũng nhẹ nhõm! Ngày ấy hai đứa đều xinh. Tuổi trẻ làm cho xinh một phần. Bộ đội hay xì xào nói về hai đứa và hai đứa càng cố gắng chăm sóc bím tóc, móng tay, đôi khi thêu một cành hoa nhỏ vào cái khăn trắng buộc lên tóc làm duyên. Mỗi khi bộ đội dừng lại nhìn hai cô mang máy bộ đàm, cả hai cùng đưa bàn tay che miệng, cùng ngoảnh sang bên cạnh làm hai bím tóc cùng rớt về một bên rất giống nhau. Khi bộ đội tiếp tục đi, cả hai cùng ghé tai nhau nói cái gì đó ríu ra ríu rít, cùng cất tiếng cười, đôi khi những anh bộ đội vừa trêu họ phải quay lại nhìn. Cả hai chả bao giờ muốn xa nhau. Ðứa này đi công tác, đứa kia trằn trọc thao thức. Ðêm, gió ào ào ngoài thung lũng. Một cái gì bao la trong tiếng gió kia... Trạm thông tin giữa rừng đung đưa trong tiếng bom giặc. Một hăng-gô cháo xì xụp ăn với nhau bên bờ suối. ở gần đó bom đã rít lên và cả hai đã nghĩ tới việc đi nối dây. Ðứa này được phân công đi, đứa kia ở lại trực máy là đã nghĩ đến việc dặn dò nhau cái gì đó. Cái sống cái chết trong gang tấc. Biết đâu? Và khi nào có chuyện chia tay là ôm choàng lấy nhau, làm cho bọn con trai khịt mũi giễu cợt... Thế thì tại sao Tân dường như đã quên hẳn Viện? ngay cả khi nhận thư Viện than phiền về cuộc sống quá khổ trong chuyện chồng con, Tân xem qua trước khi đi dự một bữa tiệc sinh nhật của một người bạn rất danh giá. Sau đó không có thì giờ đọc lại thư nữa. May mà còn cái địa chỉ ấy và khi về vùng này, do tác động của quang cảnh buồn buồn của đồng quê, đã tìm thấy cái vùng ghi trên địa chỉ của bạn. Và bây giờ thì vừa đi, Tân vừa tự hỏi cái điều mà đáng lẽ Tân phải hỏi khi nhận được bức thư bồn chồn day dứt của bạn. Cái gì thế? Sao Viện lại than phiền nhiều thế và cái mà trước kia cô ta tha thiết?
Cả hai đứa xinh xắn đều theo bộ đội vào giải phóng thành phố. Cả hai đã mở to mắt và thì thào với nhau về bao nhiêu chuyện? Con gái của họ làm thế nào mà da lại bóng nhẫy thế nhỉ? Họ ngồi trong cái quán toàn một thứ đèn mầu nhức đầu thế mà chịu được. Tại sao cái đôi trai gái kia lại quàng tay nhau đi trên phố thế? Họ không sợ các cụ chửi cho à? Trời ơi, cái giường nệm mút này nôn quá mày ơi. Mắc võng nằm thôi. Nhưng cửa sổ của họ không có chấn song, làm sao mà mắc võng... Này, nhà ở trong này kín cổng cao tường quá. Xung quanh tường nhà nào cũng có dây thép gai... Hôm qua có một ông thật là già chắp hai tay đứng trước tao, nói cung kính: "Dạ thưa chị bộ đội", làm tao xấu hổ quá. Còn cái nước sinh tố ấy mà, chẳng qua chỉ là quả họ ép lấy nước thôi. ở trong này cái gì họ cũng nói cho lạ đi nhỉ... Cái xe lam chở khách đen nhẻm đen nhèm thế kia mà cũng đề một hàng chữ Tây. Cái tay bụng lép, môi dày dày hay đi qua cổng ấy mà, mày biết tên là gì không : Rô-be Minh! Buồn cười quá, trông nó chả có tí ti Rô-be nào cả.
Những anh bộ đội gọi hai đứa là hai con ngố. Cái gì cũng ngạc nhiên được. Ngày thứ mười sau giải phóng, hai con ngố được giấy phép về thăm nhà và sau đó vào trường để chuẩn bị học đại học luôn. Ði thôi. Ðã mấy năm không thấy lại miền Bắc rồi.
Sân trường đại học đầy những áo trắng, áo hoa. Hai mươi ba tuổi mới đi làm sinh viên. Thế mà trông đưa nào cũng còn trẻ trung và cũng khiến nhiều người ngoái lại nhìn khi đi qua sân trường. Năm thứ nhất trôi qua. Những kiến thức vào dễ dàng vì cả hai đâu có thiếu thông minh! Năm thứ hai, có một chàng dáng mảnh khảnh kính trắng, tóc quăn tự nhiên, xuất hiện ở phòng tập thể. Tất cả các cô quen anh ta. Anh ta học năm thứ 6 trường Y. Sắp thành bác sĩ vào, có lẽ nhiều cô phải chạy cuống lên mất thôi. Các cô sinh viên nói như thế và cười ầm ĩ. Trong khi đó, cô bé Viện vểnh hai cái đuôi sam lên nghe, mắt trố ra, mặt mũi hốt hoảng. Sao mày không cười hả Viện? Tại nói xấu bác sĩ tương lai của nó đấy! Của nó đâu mà của nó, chúng mày chỉ được cái nói bậy! Chả bậy tí nào đâu, xứng đôi quá còn gì... Anh chàng sinh viên đỏ mặt. Còn Viện thì từ giường trên nhảy xuống đất nghe uỵch, tưởng sái chân ai ngờ nó đứng bật lên được chạy vụt ra ngoài. Các cô càng cười khoẻ. Anh chàng sinh viên thoáng lo lắng khi nhìn theo Viện. Tân vất cuốn vở vàu nhàu các bạn và chạy đi tìm Viện.
Viện đứng dưới gốc cây, nơi hai đứa hay ra nói những chuyện tầm phào và bàn đến tình yêu. Trời ơi, có lẽ số mình thế nào cũng gặp một mối tình dang dở. Sao nhiều chuyện dang dở thế? Và hai đứa thường như bà cụ non, tựa cầm lên vai nhau thờ dài thườn thượt. Dưới gốc cây, nơi khuất ánh trăng, cô Viện xinh xắn vừa trốn thoát các bạn, đang đứng quay mặt di và hai vai rung nhẹ vì xúc động. Thôi di, sao mà hơi tí đã khóc? Cô Viện trả lời bạn trong tiếng nức nở và đưa mấy ngón tay nhỏ nhắn xiết chặt tay bạn. Những ngón tay lạnh toát. Khuôn mặt bầu bầu đầm đìa nước mắt. Không , để im cho tớ khóc. Một tí thôi. Mày chả biết được đâu. Tớ ngượng với anh ấy quá. Tớ như thế này, anh ấy thèm để mắt tới đâu mà chúng nó trêu?
Một cái gì nóng rực trào lên ngực Tân. Linh cảm về hạnh phúc? Hay về những trắc trở của bạn? Ngày ấy đâu có thể biết được? Cho đến bây giờ cũng không thể biết được Những tối thứ bảy, những ngày chủ nhật, Tân lấy cơm cho hai đứa mà phải ngồi ăn một mình. Ði đâu mà chả thầy về. Học hành cũng chả đâu vào đâu nữa. Mắt lơ đãng nhìn thầy và ú ớ khi thầy hỏi. Cái Viện tươi vui xinh xắn giờ đây xanh xao quá, mắt bừng bừng như bị sốt. Và cái chuyện đó sao bất ngờ đến thế? Anh sinh viên được phân về một bệnh viện huyện xa tít, nghe tên đã thấy mỏi chân rồi. Nếu đồng ý cưới trước khi cái chuyện kia vỡ lở thì đành phải bỏ học theo anh ta. Dưới gốc cây trên sân trường đại học, hai "bà lão" ngồi trầm ngâm. Thôi, có lẽ số tao không xa được anh ấy. Nó hiện lên bàn tay này này, đây mày xem nhé... mà anh ấy lúc này lại nắm phần thắng trong tay. Khi muốn thì anh ta đắm say hứa hẹn đủ điều. Khi mang hoạ cho mình thì anh ta nhẹ lâng lâng. Tại sao lai yêu anh ta? Cả hai "bà lão" thở dài thườn thượt, bó gối nhìn ra sân trường mênh mông. Và lại như tất cả dần bà con gái thở than và chuyện ấy, cả hai hầu như cùng nói:
- Bọn đàn ông là thế!
- Ðàn ông ấy mà!
Cái giường phía trên đã có người khác vào thay. Em gái một cô sinh viên ra học thi ở nhờ trong phòng đã sướng rơn khi không phải nằm trung với chị. Ðêm, Tân nằm nghe cô gái giường trên nghiến răng kèn kẹt, đạp giường ầm ầm, thấy nhớ Viện quá. Có hai buổi một mình Tân ra ngồi ở gốc cây quen thuộc. Nhưng vì có một mình hay sao mà muỗi nó đốt ngứa quá. Thế là bỏ hẳn gốc cây kỷ niệm. Bây giờ tối tối có bọn sinh viên mới ra ngồi đánh cờ. - Thật khổ thân cái Viện, học hành thế là dở dang...
- Trông tướng nó đã thấy khổ rồi. Con gái mà người mảnh quá, mặt trắng quá, lông mày mỏng quá...
- Cái số nó thế biết làm sao...
- Có lẽ rồi khi có con, nó cũng yên ổn.
- Hôm cưới ấy mà, sao cái tay kia mặt cứ vênh vênh, tao ghét thế.
- Vênh thì cũng đúng thôi. Con gái đã dại là chịu.
Mỗi người một câu, ai cũng lo lắng. Có lẽ lo lắng cho thân phận chung của người đàn bà nữa. Tân thì không lo chuyện đó. Sao lại lo cơ chứ. Mình đâu phải sinh ra đời để chịu lép?
Hết năm đó, không thấy Viện thư từ gì. Mùa hè đến. Tân đã có bao nhiêu bạn mới, người thành phố. Sao lại không nhỉ? Gian khổ nhiều rồi, giờ thử sống cho ra hồn xem sao. Cái con bé béo béo kia cậu thấy không , con ông bộ trưởng mời đề bạt đấy. Về nhà đi ngủ cũng có người mắc màn. Con gái ông Bộ trưởng đến phòng tập thể sinh viên vào một buổi chiều, mời Tân đi xem phim chiêu đãi. Sau đó hai cô dập dìu nhau lên giảng đường, ra quán giải khát, vào thư viện trường. Rồi đến con gái ông hiệu trường đại học. Con gái một ông đại tá phí công. Con gái một nhà khoa học vật lý. Ðến năm học thứ ba, Tân luôn luôn đi lẫn vào trong nhóm con ông này con ông nọ kia. Bọn sinh viên trong trường nể nang nhóm này lắm và thường gọi họ là "nhóm quý tộc", người thì mỉa mai, người thì ganh tị. Và cả nhóm càng có vẻ vênh vang, và bọn con trai, không hiểu sao lại tìm cách xa lánh họ. Các cậu có biết không, bọn nó cậy cha chú rất đáng ghét, tránh đi là hơn. Trước kia Tân vẫn thường được các chàng sinh viên tán tỉnh, khi ở nhà ăn, trong thư viện hay chỗ sân chơi thể thao. Bây giờ họ lướt qua trước mặt cô như qua một cái cây. Nhưng chơi với những người sang trọng cũng hay chứ.
Viện là ai? Làm sao mà nhớ được trong một mớ bòng bong những mối quan hệ phức tạp, phải tính toán để được những mối quan hệ ấy. Nhờ quen biết rộng rãi mà Tân quen được người đàn ông luống tuổi. Rồi lấy chồng. Nhà anh ta rộng rãi quá, ở trong một đường phố tràn ngập cây xanh, cách xa hẳn đến tàu xe, để có tư thế làm anh, cái mốt mà các cô gái xinh đẹp, lãng mạn vẫn ưa thích. Anh là bác sĩ ở một bệnh viện lớn. Anh có khuôn mặt xấu xí, tay chân lóng ngóng vụng về khi làm công việc trong nhà. Nhưng anh tuyệt nhiên không có vẻ sung sướng gì khi mình xấu xí mà lấy được cô vợ đẹp. Mỗi sáng, nhìn thấy Tân đứng trước gương để bôi, để xoa trên mặt, để thử áo này, vất áo kia, để so vai, ngoẹo cổ, anh không hề có một lời tán dương. Ngược lại, cái nhìn của anh làm cho đứa con gái ngu ngốc nhất cũng phải đỏ mặt. Một thời gian sau, Tân không dám trang điểm lâu khi có mặt chồng. Nhưng chuyện đó cũng không có gì quan trọng. Ðàn bà như hạt mưa sa: Sa vào nơi êm ấm là hạnh phúc rồi. Thôi thì phải châm chước nhiều cho nhau lắm. Hai người cũng không có cùng sở thích. Nhưng đáng là một cô sinh viên ở giường tần nhà tập thể, bây giờ nghiễm nhiên ghi vào địa chỉ hẹn ai đây: nhà 23 phố N. Trời ơi, cái phố này sang lắm đấy! Ai cũng xuýt xao như vậy. Bây giờ đi học bằng cái xe máy nhẹ. Trên đường về cho xe chạy chầm chậm với "nhóm quí tộc", tóc thả bay phía sau, quần "gin" bó chật, dép gọt nhọn. Về nhà thay bộ quần áo mỏng, đi đôi dép sa-tanh thêu mấy bông sen, mở tủ lạnh nhấm nháp cái gì đó rồi vùi đầu vào cái gối to tướng, đọc sách, hoặc nghe nhạc. Trên tường là cái ảnh cưới phóng to. Khăn vành dây, áo đỏ kiểu Nam Phương hoàng hậu, một bó hồng cầm tay... Ôi, trông cô dâu kìa, xinh quá là xinh, còn chú rể thì xí ơi là xí... Lời bàn tán của trẻ con lẫn trong tiếng pháo. Bây giờ đi học về, nằm gối đầu lên tay, nhìn cái ảnh, vãn còn thầy tim đập mạnh. Thật chả có ai tưởng tượng nổi trước kia mình đã từng mặc quân phục, từng bị ghẻ đầy người vì ở rừng gian khổ quá, từng bị sốt rét vật lên vật xuống...
... Buổi chiều xuống thật nhanh. Nắng đã chênh chếch khi Tân vào đến thị trấn. Nhận thấy thị trấn từ đằng xa vì có hai hiệu chữa đồng hồ, cửa hàng bán tạp hoá đấy những rổ nhựa, chậu nhựa xanh xanh đỏ đỏ. Tập thể bệnh viện à? Ngay bên kia đường thoi, cô có nhìn thấy cái dây phơi tã kia không? Tân nhìn thấy cái dây phơi đầy tã vàng ố. Một người đàn bà tóc búi cao đang hí húi ở sân. Cái áo của chị ta mặc chỉ cài có hai khuy trên cổ. Tà áo phanh ra phơi cả một mảng bụng trắng. Quần xẻ từ gấu lên đến gối. Ðôi guốc thì thật kỳ cục, một chiếc rất cao quai xanh. Chiếc kia mòn vẹt gót, quai vàng. Chị ta đi lại trên sàn, dáng cà nhắc, cà nhắc vì đôi guốc. Tân đứng ở bên kia đường nhìn sang. không lẽ đây lại là cô Viện ngày xưa da trắng tóc dài. Ngay trong chiến trường ác liệt cũng chăm chút móng tay mái tóc, ngày nào không xuông suối tắm một lần cũng bứt rứt khó chịu. Không lẽ đó là cô Viện?
Một đứa bé con từ trong nhà đi ra, vạch áo gãi bụng sồn sột, tóc rối như tổ quạ. Nó nhìn mẹ nó chằm chằm rồi cất giọng thật chanh chua:
- Hôm qua mẹ vay con hai đồng, hôm nay phải trả hai rưỡi nhá.
- Sao lại rưỡi?
- Tiền mỗi ngày mỗi giá, mẹ phải biết.
- Thế hôm qua mày ăn miếng giò là của ai?
- Giò là tiền ông bô gửi về, của mẹ thì đừng hòng con ăn nhé.
- Ðược rồi, chiều nay tao mua giò nữa, mày mà bén mảng đến, tao tát vào mặt.
- Thèm vào!
Người đàn bà cười hể hả:
- Con với cái! Tí tuổi đầu mà khôn như con ranh. Lại đây cho mẹ "xơm" một tí nào!
Ðứa bé con rúc cái đầu tổ quạ vào bụng mẹ nó. Hai mẹ con âu yếm nhau và người mẹ luôn miệng kêu: con ranh con sau này đừng bỏ mẹ mà đi như thằng bố tóc quăn của mày nhé.
Ðứa bé ngẩng phắt đầu lên, chỉ tay về phía Tân và hét to:
- Mụ nào rình mờ ở kia...
- Chết, sao lại nói thế hả, tao tát mặt bây giờ - Mẹ nó nhìn ra và chị kêu lên - Ai như Tân"
- Viện hả? Tân đây!
- Trời ơi là Tân kìa, bác Tân, à mà cô Tân đấy. Con chào bác đi. Ði vào đây nhanh lên ai lại đứng ở ngoài ấy thế. Vào đây đưa cái túi đây xem nào, gớm dạo này trông lại trẻ hơn cả ngày xưa đấy, tao mong mày đến mỏi cả con mắt tưởng là mày quên cả bạn bè rồi kia...
Như súng liên thanh bắn một hồi, Tân không biết nói xen vào câu nào được đành chỉ cười. Cái phòng của mấy mẹ con trong một dãy nhà tập thể kéo dài. Một cây bàng trơ trụi trước sân và một dãy chuồng gà bên giếng nước làm cho khu tạp thể có vẻ tấp nập và ấm áp. Viện kéo bạn ngồi xuống giường. Mùi nước đái trẻ con và một mùi gì nữa thật lạ lùng làm cho căn phòng đồ đạc bừa bộn như chật hẳn. Tân cảm thấy muốn buồn nôn nhưng cố nén lại. Một thằng bé nhem nhuốc từ xó tủ bò ra, mũi dãi đầy ngực. Nó giơ hai bàn tay đen thui về phía mẹ nó và Viện lao tới, bế xốc thằng con, ôm riết nó vào ngực, mắt rơm rớm:
- Im để mẹ nói chuyện với cô Tân nào, đúng rồi cô Tân nhé vì chưa có con là chịu làm em mẹ cháu thôi. Ðây cô xem này cháu kháu lắm kìa, vừa rồi bị ỉa chảy thành ra mặt mũi mới xanh đi đấy cô ạ. Chứ cháu ngoan lắm, giống bố cháu như đúc ý, chỉ mỗi tội là tham ăn lắm. Im xem nào, con bú rồi còn gì. ừ thì để mẹ cho bú nữa nào...
Ngày trước Viện không bao giờ nói nhanh như thế và lúc này Tân chì nhìn bạn cười cười. Viện nằm dài ra giường, vạch vú, thằng bé rúc đầu vào vú mẹ bú chồm chộp và Viện tiếp tục như súng liên thanh, nói không kịp thở những lời nựng con, hơn tất cả những người đàn bà có con mà Tân được biết. Thằng bé bú xong, Viện đang cài khuy áo thì thằng bé bò về phía đầu mẹ đái tồ tồ ra chiếu. Viện ngồi bật dậy, mái tóc dài do nằm xổ tung ra, đẫm nước đái. Có lẽ đây là chuyện thường nên cô ta cầm tóc vắt hết nước, rũ ra quay tóc như kiểu gội đầu rồi búi lên, chùi tay vào vạt áo và cười sung sướng.
- Con cái vào nhếch nhác thế đầy Tân ạ. Nhưng mà lớn lên chúng nó thương mẹ lắm nhé. Ðưa nào cũng "Mẹ ơi! Mẹ ơi" suốt ngày. Bố chúng nó thì chúng nó xem hơn cọp. Dạo này lão đi công tác luôn ấy, việc nuôi con có mấy khi lão ngó đến đâu, thấy con ỉa là nhổ phì phì... Nào, con Mai đi gọi anh về dọn nhà lại con. Hôm nay phải hàn huyên một hôm đấy Tân nhé. Lâu lắm rồi, tớ quên hết mọi thứ nhưng tớ vẫn biết cậu lấy chồng nhà giàu này đẹp trai này. Cậu tốt nghiệp đại học xong là ở luôn Hà nội vào làm luôn ở Viện thiết kế này. Ðịnh hôm nào mang cả ba đứa lên thăm cậu đấy. Cô có đủ gạo nuôi mấy mẹ con không nào...
Tân cảm thấy thót cả tim. Cả một mớ mẹ con nhếch nhác bẩn thỉu này thật khác xa với căn phòng ngủ che rèm trắng, tường quét vôi xanh nhạt của cô. Trời ơi, nếu cả mấy mẹ con này mà kéo lên ...
- Thôi mình xuống thăm cậu thế này là đủ rồi, đừng mang các cháu đi tàu xe làm gì, vất vả lắm!
- Nói thế chứ có mà đi ra sân vào nhà. Cứ định làm cái này cái kia nhưng có khi nào làm được đâu. Như "ngày xưa" định về đây rồi tiếp tục xin học hàm thụ đại học mà cũng chả làm được. Con cái vào là hết, ôi chao ôi thằng chó con của mẹ lại bĩnh cả ra đây rồi, êu êu con mực lại đi đâu rồi êu êu, hôm nay lại đi tướt nữa rồi, khốn khổ thân con, có lẽ tại hôm qua mẹ ăn tôm vào làm khổ con đây, "ôi xôi" mẹ xin lỗi con nhé, để mẹ chùi cho không cô Tân cười cho đấy, cứ đi tướt mãi thế này mẹ xót lắm con ạ... Con mực vào đây êu êu.
Con chó mực vào liếm láp. Bất ngờ Viện hét lên, ôm xốc cả thằng bé chạy ra hè:
- Ðứa nào hả, đứa nào trêu em đấy á à, con Khanh! Tao thì tao tát vào mặt cho mà xẹ đồ mất dạy đang yên lành sao mày trêu nó? Về đây con, để rồi mẹ xem có đứa nào dám đến đây mà túm tóc con không? Nó đánh con ở đâu, khổ thân con quá... Mày liệu hồn nhé! Tao thì tao sang tận nhà mày tao tát vào mặt đấy...! Nghe chưa...!
Viện ôm thằng bé lồng lộn ở hè, dữ dằn một cách khủng khiếp và hầu như quên hẳn bạn. Cô ta đưa tay kia ôm choàng lấy con bé mới chạy về, rờ đầu, rờ lưng suýt xoa luôn mồm. Con bé dở ra một cái bút chì:
- Con cướp của nó, thế là nó túm tóc con!
- Con vất mẹ nó vào bếp kia cho nó chừa cái thói bắt nạt đi, hôm nào mẹ sẽ cho nó một cái tát!... Ðồ con nhà mất dạy! Con có đau không? Nó làm gì mà trán con xước cả ra đây này. Trời ơi vào lấy lọ cồn mẹ bội cho nhanh lên không thì nhiễm trùng uốn ván bây giờ...
- Chỗ này xước lúc sáng mẹ bôi cồn rồi!
- Có đúng không, nhớ lại cho kỹ đi!
- Ðúng đấy...
- Thằng anh về rồi kìa Tâm ơi. Ðây này, cái đứa mà dạo ở trường ấy, Tân xem nó lớn không, chào cô đi con.
Thằng bé lí nhí trong mồm, lủi vào nhà nhanh như cắt rồi quay ra ngay. Tân ngắm thằng bé thấy nó khác hắn vẻ ươn hèn của chàng bác sĩ tóc quoăn ngày xưa. Nó mở nắp nồi, nó đã vào con chó rất đau và cạu cọ cái gì trong mồm. Viện chạy theo nó dỗ dành:
- Cơm em con nó chót ăn hết rồi chả là hôm nay mẹ không thổi thêm. Cầm lấy năm đồng tối đi ăn kẹo lạc, còn bây giờ hai anh em chuẩn bị thổi cơm mời cô Tân ăn nhé...
"Thằng bé giật phắt năm đồng đút ngay vào túi quần, con bé nhõng nhẽo ganh tị, đòi mẹ cho tiền. Mẹ nó vội dúi vào ngay hai đồng vào tay nó rồi quay sang Tân cười sung sướng, cái cười ngây dại làm Tân giật mình. Viện vội ôm thằng bé ngồi vào ghế vạch vú cho nó bú trong khi hai đứa lớn cạu cọ. Thằng anh nhóm bếp, nó quạt trầu và mạt cưa bay mù mịt vào nhà. Viên thở than:
- Hắn bỏ nhà đi suốt ngày Tân ạ, chả mấy khi ở nhà. Lúc thì đi học, lúc thì đi họp. Dạo này đi miền Nam phải cuối năm mới ra... Chả hiểu hắn chán cái gì, con cũng chả buồn bế...
Giọng của Viện đã có vẻ hơi dịu đi một chút nhưng vẫn nhanh. Thằng bé từ ngoài nói chõ vào:
- Thì con đã bảo mẹ mà, bố bảo ở nhà bẩn lắm mà mẹ thì hôi như cú ấy, bố không chịu được...
- Câm mồm, con cái nhà! Ai bảo mày nói leo hả. Ðồ mất dạy...! Tân ạ, đàn bà đến khổ, cũng có lúc mình chán quá, như cái dạo viết thư cho Tân ấy, hắn cứ hết cô này đến cô kia, mình chán quá. Nhưng cuối cùng lại nghĩ đến con. Có chúng nó cứ quấn quít, thế là lại quên hết. Ai đời hắn ác lắm Tân ạ. Mình đẻ con xong, thương con cắt ruột, săn sóc, chăm bẵm con, ai đụng đến lông chân của con là mình cũng như bị cứa vào ruột thế mà hắn nhìn mình cười khẩy, bảo là đàn bà các mụ cứ có con là y như chó cái, cũng dữ như chó cái lúc đẻ ấy. Mình giận quá mình bảo thẳng: anh đi đâu thì cứ đi. Gửi tiền về tôi nuôi con là được, anh không gửi tiền về thì đừng có trách tôi, mấy mẹ con dắt nhau đâm vào tàu hoả liền cho mà xem... Thế mà hắn sợ đấy!