Chỉ mục bài viết |
---|
Người Có Chân Tu |
Trang 2 |
Trang 3 |
Trang 4 |
Tất cả các trang |
Tác giả: Nguyễn Công Liệt
Phần I
I
Vào mùa thu năm 1944, khi kế hoạch đảo chính Pháp thành công. Ở tỉnh Vĩnh Long quân đội Nhật đến khoảng một đại đội, tuy chưa làm gì nhưng người dân rất sợ. Takeru Yamato được điều động tiếp cận các vùng đồng bằng sông Cửu Long. Takeru Yamato có một vẻ mặt hiền lành, anh thích săn chim, nên anh thường lang thang vào những vùng hẻo lánh để thoả mãn sở thích. Hôm đó quá say sưa mà trời lại tối, nên anh với người thông dịch tìm một nhà nào đó để ngũ qua đêm. Đó là nhà ông Hai Ngọc nổi tiếng nhiều ruộng vườn mà chỉ có một cô con gái đang tuổi xuân thì tên là Hoàng Lan. Ông Hai Ngọc không phải là địa chủ, gia tài có được nhờ ông bà mấy đời để lại. Họ là những người đi khai hoang suốt cả đời chứ chẳng bóc lột ai. Pháp đô hộ, ông đóng thuế đầy đủ nên chẳng có gì rầy rà. Khi Nhật đánh đổ Pháp, ông cũng đóng thuế cho Nhật, chứ chẵng dám có thành kiến nào. Khi người thông dịch đến hỏi trọ, ông nhìn Takeru thấy hiền lành và không có vẻ gì là người hay thích dùng quyền uy. Takeru còn khoe chùm chim, làm ông thấy gã sĩ quan Nhật có vẻ “dễ thương” hơn là con nhà binh thích dụng võ. Ông thuận tình cho Takeru trọ qua đêm, một mặt tò mò và hiếu khách nữa.
Takeru đưa xâu chim cho người nhà ông Hai Ngọc. Ông bảo họ nấu cháo và hẳn nhiên con gái ông là người dọn ra. Cô Hoàng Lan còn ngây thơ trong trắng, là một cô gái hiền lành.Cô dọn bàn cho mọi người dùng bữa, nhẹ nhàng như một miếng vải lụa lướt qua.Takeru để ý ngay đến vẻ đẹp tao nhã của Hoàng Lan, anh không cho phép mình nhìn cô lâu. Anh giữ vẻ nghiêm nghị và chào cô theo kiểu Nhật.
Ông Hai Ngọc đãi một chút rượu, chuyện trò thân tình. Ông giới thiệu về tình cảnh gia đình:
- Cụ sống một mình, vợ cụ mất lâu rồi. Cụ chỉ có một đứa con gái duy nhất đó. Năm nay được mười tám nhưng chưa ớm gã cho ai. Cụ nghĩ rằng nó chỉ thích cạnh kề bên cụ hơn là phải đi xa…
Không muốn mình là người thiếu đứng đắn, mặc dù tự cấm mình không được nghĩ tới cô hai nhưng thâm tâm của Takeru đã bị lôi kéo bởi hình ảnh của cô hai Hoàng Lan rồi. Thỉnh thoảng cô hai Lan được cha gọi ra để đem thêm rượu, hoặc thêm thức ăn. Takeru nhìn nhẹ về phía cô, lòng như yêu thương ngay từ đầu.
Sau khi no say, Takeru thắt chiếc đai quàng trước bụng to, như đứa trẻ ngủ ngáy như sấm, đẩy một giấc cho tới sáng. Takeru thức dậy sớm, anh rửa mặt xong rồi múa võ. Những tiếng vùn vụt của lưỡi kiếm ,làm cho người nhà thức theo và họ ra xem anh múa bài quyền kiếm pháp. Cô Hoàng Lan thích thú vỗ tay khen ngợi không ngơi.
Ông Hai Ngọc mời Takeru vào uống nước trà, những gì ông đối đãi với anh đều làm anh cảm nhận với một thiện cảm đặc biệt. Anh khen:
- Ngon…- Takeru nói tiếng Việt
- Hoàng Lan à! Con mang một ít bánh ra để ăn. Cha muốn anh chàng sĩ quan này biết tài nấu nướng của con.
- Dạ!
Hoàng Lan nấn ná bên trong bếp một lúc, rồi mang ra một đĩa lớn bánh bò. Cô Hai để bánh xuống bàn, không hiểu sao mình run rẩy một cách lạ lùng. Takeru cũng nhận thấy, anh nhìn thẳng vào cô gái Việt để cảm tạ nhưng cái nhìn sâu đậm nhiều ý nghĩa: Đó là cái nhìn cám ơn cho những gì cô đã làm cho anh từ hôm trước; Song vẫn có một cái nhìn chiêm ngưỡng mà tự đáy lòng anh đang thổn thức và mong ngóng. Thế cho nên, Takeru bắt gặp vẻ bối rối và luyến tiếc của cô. Cô có một chút lưỡng lự như muốn nói điều gì với anh, mà trong ánh mắt rung động cũng muốn thổ lộ điều gì. Takeru hiểu hết những gì chứa trong ánh mắt đó, vì anh cũng đã quá ngột ngạt như thiêu như đốt trong lòng mình. Cả hai đều chứa chan yêu đương, họ có nụ cười thầm kín trong lòng, ngọt ngào mà ít ai bắt gặp được.
Trước khi rời đi, Takeru đứng ngay thẳng trước mặt ông Hai, cúi chào tỏ lòng cảm tạ ông thật nhiều.
Takeru trở về tỉnh lỵ được mấy ngày, càng thấy nhớ nhung người con gái Việt Nam tao nhã ấy. Anh lần mò trở lại nơi ấy vài lần nữa, cho đến khi Hoàng Lan có thai thì tình hình thay đổi không còn có lợi cho Takeru nữa.
Tháng 8 năm 1945, nước Nhật bị Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Nagasaki và Hiroshima. Quân đội Nhật đầu hàng đồng minh.
Ở Việt Nam tình hình cũng rất biến động. Bên ngoài quân đội Pháp tìm kiếm lính Nhật để “giải giáp” vũ khí, nhưng sự thật thì muốn tìm lại số vàng mà lính Nhật thu gom của người Pháp trước đây. Còn ở vài vùng bên trong thì có tổ chức Việt Minh đang lớn mạnh. Họ đều xem Nhật là kẻ thù chẳng thua gì Pháp, cũng sôi nổi muốn đánh đuổi hai đế quốc đang xâu xé Việt Nam và muốn tìm lấy số vàng mà nghe đâu của người Việt Nam bị tước đoạt. Lính Nhật đi lang thang một mình rất nguy hiểm, nhưng Takeru mấy ngày không đến thăm Hoàng Lan tựa như không thể sống thêm nữa được vậy. Vả lại, cái thai mỗi ngày mỗi lớn chắc nàng khó mà yên thân với người cha.
Vì lo như vậy, Takeru không tuân theo cảnh báo của cấp chỉ huy. Một ngày nọ, đợi cho hoàng hôn đến. Takeru tìm về ông Hai mong ngóng gặp nàng lần cuối. Nhưng lúc này khác trước, bóng dáng người Nhật ở đâu là bị báo cáo ngay ở đó. Những người lính Việt trong quân đội Pháp biết được Takeru là người Nhật (bởi vì anh có đeo một cây kiếm), báo cho cấp chỉ huy cho cấp trên để lập công, hy vọng bắt được anh để khai thác tin tức về số vàng lính Nhật chôn giấu ở đâu đó. Có cả tiểu đội để vây bắt Takeru, tổ chức Việt Minh cũng đang theo dõi lính Pháp hành động nhưng họ không dám manh động. Takeru vừa đi đến nhà ông Hai thì bị bọn chúng trói gô lại rồi, không cần biết luật lệ nào.
Một thằng lính Pháp người cũng chẳng cao lớn gì lắm, thông qua một thằng Việt gian đang hỏi cung Takeru :
- Mày có biết số vàng mà lính Nhật lấy của chúng tao, đem chôn giấu ở đâu không?
Takeru cứ lắc đầu không biết, chúng đánh anh té nhào. Ông Hai cản ngăn những tên lính Việt, nhưng một thằng gầm gừ:
- Ông thương thằng Nhật này lắm phải không?
Ông Hai nói nhỏ nhẹ, tựa như không có xảy ra chuyện gì:
- Lính Nhật cũng có người tàn ác, người không. Tôi chưa thấy anh ta hại ai bao giờ. Nó đến đây chơi nhiều lần, hiền lành như người nhà quê.
- Ông có chắc nó hiền lành không? Tụi tui biết mà ông không biết đó…Con gái ông đang có chửa với thằng Nhật đó.
Ông Hai trợn trừng mắt nhìn thằng Việt gian, nhưng rồi ông cũng ngờ ngợ:
- Chẳng khi nào con gái tôi dám làm việc đó.
- Thì ông cứ hỏi đi.
Ông Hai nghiệm lại cái dáng con mình, cũng thỉnh thoảng ông đi công chuyện làng nước và có nghe người nhà nói lại là Takeru có tới chơi. Đâu nghe ai học lại chuyện Hoàng Lan ăn nằm với anh ta, vả lại con gái ông nhu mì làm sao mà dám làm cái chuyện tày đình đó. Ông cho gọi Hoàng Lan ra ngoài:
- Nhìn dáng con sao lúc này to mập vậy?
- Dạ!- Hoàng Lan ngập ngừng, liếc nhìn Takeru lòng xót xa. Nàng chạy lại chỗ anh đang quỳ mà đở anh dậy.
- Đó thấy chưa!- Tên Việt gian buộc miệng- Ông thấy sao rồi! Có lúc đến đây có mấy thằng Nhật lận, còn đứng gác bên ngoài để thằng kia vào ngủ con gái ông… Này, ông ơi…-Tên lính Việt khe khẽ- Thời này trở lại Tây rồi…Thay vì thằng Nhật đã ăn nằm với con ông rồi, thì ông cho nó ngũ với thằng Tây này đi. Con gái ông đẹp chắc chắn là ông sẽ được lòng, được nhà cửa đẹp. Tôi cũng được thăng chức đó.
Ông Hai Ngọc vừa giận trong lòng lắm, nhưng thấy con ông ra chiều yêu thương Takeru, mà ông cũng không ghét bỏ gì anh nữa. Tìm mưu kế để cứu hai người:
- Con dẫn anh ta ra sau lau rửa mặt đi, để cha ở đây nói chuyện với anh binh nhì- Ông nháy mắt với Hoàng Lan.
Cả hai tên lính cứ nghĩ là ông Hai thuận lòng, nhắm mắt mà cười.
Tổ chức Việt Minh cũng cho hai người theo bén gót đám lính Tây. Hai người lẻn vào tìm cách giải cứu Takeru. Takeru được cắt dây trói, lấy lại thanh kiếm rồi cùng cô hai trốn bằng ngõ sau. Một lúc sau, đám lính mới hay biết. Thằng Việt gian xô ngã ông Hai, cho bọn lính đốt đuốc đi tìm.
Hai người Việt Minh đánh lạc hướng, bọn Tây rượt theo đám cây xào xạc. Hoàng Lan dẫn Takeru chạy băng qua cánh đồng, gần đến bờ sông nơi chùa Liên Hoa đang trầm mặc, yên tịch. Cô đến bên cổng, gọi sư thầy:
- Cứu chúng con…xin cứu giúp chúng con.
Một nhà sư bước ra. Ông chính là sư Thích Quang Thanh, nhìn thấy Takeru trong bộ đồ sĩ quan Nhật và những ánh đuốc đang soi rọi ngoài cánh đồng. Nhà sư hiểu ngay mọi việc, ông mở cửa rồi giấu hai người dưới căn hầm kín đáo trong chùa.
Sư Thích Quang Thanh bình tĩnh. Khi bọn lính tới, họ tràn vào chùa và hỏi nhà sư:
- Có thấy hai người chạy vào đây không?
- Nam mô A Di Đà Phật, kẻ tu hành này không thấy.
Mọi người nhìn quanh thấy chùa trống trải, nên họ tin lời Sư.
Sau khi bọn chúng đi rồi, Sư cẩn thận đóng cửa lại. Sư mở nắp hầm cho Takeru đi lên. Anh liền lạy ông và trao cho ông cây kiếm làm tin và được đặt trên giá đỡ của căn hầm. Anh viết mấy chữ lên tấm thiếp gắn vào chuôi kiếm.
Còn Hoàng Lan đã có con với Takeru. Cô đem đứa con gởi cho sư Thích Quang Thanh nuôi nấng. Khi ông Hai Ngọc mất, cô lấy chồng và cũng sinh ra một người con trai thì chồng trốn theo Việt Minh để hoạt động, bị lính Tây bắt và bị bắn ngay sau đó vài ngày, nên cô để đứa bé mang họ mẹ. Tên nó là Hoàng Ánh.
Năm năm sau, tình hình chiến tranh ở Việt Nam mỗi khốc liệt, trong khi đó ở Nhật thì lại ổn định dần. Takeru nhờ người thân quen tìm đứa con của mình mang về Nhật và đặt tên cho nó là Akio Yamato.
II
Đường vào chùa được tráng xi măng sạch sẽ, dưới những tán cây rộng mát mẻ, hai bên đường có mấy hàng dâm bụt. Chiều chiều, mấy em nhỏ đi về phía đó ra bờ sông để tắm, để nghe tiếng chuông uy nghi vọng lên âm vang. Rồi như đợi tiếng chuông chạy xa tít cùng với những cơn sóng nhỏ lăn tăn về đâu? Chúng tiếp tục leo trèo lên cây xoài như cố tình ngã nhào ra sông cho chúng leo lên, đứa bịt mũi đứa cứ để vậy mà nhảy. Tưởng như ngôi chùa cùng với làng quê yên bình như vậy còn gì bằng?
Thế mà gần đây, chùa không còn nghe tiếng kinh kệ của các sư thầy, tiếng chuông cũng không còn âm vang, văng vẳng xa xa đi đâu đó nữa. Mỗi ngày mỗi một xơ xác.
Mọi người cảm thấy nao lòng, không gian trầm lắng bỏ mặc cho miền quê nghèo nhiều điều ấm ức. Từ khi sư Thích Quang Thanh về cõi Niết Bàn, em của Sư là thầy Tư Để được cư ngụ nhưng không phải là người tu hành; Gọi là thầy vì ông lẩn quẩn trong chùa, và vì cả nể sư Thích Quang Thanh nữa. Thầy tư Để hiển nhiên trở thành người trông coi chùa. Ông là người hay rượu chè, cứ hay lấy tiền cúng Phật của bá tánh nhậu la cà quán này quán nọ. Ông còn ghi nợ ở đó, để đợi những ngày rằm, người đi chùa cúng kiến nhiều thì sẽ thanh toán sau.
Cúng chùa là để cho chùa hưng thịnh, vô tình chỉ để cho ông ăn nhậu nhiều hơn. Cho nên, những Phật tử bắt đầu chán ngán, không thèm đến đó nữa nên chùa quạnh quẽ vô cùng.
Thầy tư Để cũng có cách để có tiền. Ông ta bán mất một quả chuông đồng, mấy cái lư hương, rồi tượng đồng. Cứ coi như là của ông anh gầy dựng thì mình được thừa hưởng. Thời gian tiếp theo cứ nghĩ không còn gì để bán, thì ông tìm được mấy tay mua gỗ vào xẻ những tán cây có đến mấy trăm năm.
Lúc này, nhân dân trong vùng không ai còn chịu nổi nữa. Người biết chuyện không biết xử lý ra sao nhưng phần lớn đều cảm thấy đau lòng. Ngôi chùa tuy nhỏ nhưng có từ thời vua Minh Mạng, đang sắp điêu tàn dưới tay của thầy tư Để. Mọi người cảm thấy cần phải làm một điều gì đó để giữ gìn ngôi chùa lại, còn là giữ lòng thành kính với sư Thích Quang Thanh. Nhân dân ở trong vùng nhờ chính quyền can thiệp.
Dưới sự chủ toạ và giám sát của công an địa phương, mọi người bàn bạc kỹ lưỡng với nhau, rằng sư Thích
Quang Thanh còn một người cháu cô con cậu ruột tên là bảy Hạnh, rằng anh này mới có đủ phẩm chất giữ gìn ngôi chùa này. Tuy anh không quy y nhà Phật, nhưng từ nhỏ đã có tâm thành kính chùa chiền, và cũng thường xuyên đến chùa giúp sư Thích Quang Thanh sửa chữa lại mái ngói, tráng nền nhà và cúng kiếng trong những ngày rằm lớn. Biết anh là người tốt, mọi người bầu anh lên chức…trụ trì.
Hôm đó anh không có trong cuộc họp. Sau khi mọi người đã thống nhất ý kiến với nhau, mới cho người đến nhà anh tìm. Anh đang ngủ trưa, thì lật đật vội tới chùa xem chuyện gì. Bấy giờ, một người trong ban công an xã đứng lên trịnh trọng tuyên bố:
- Kính thưa bà con và anh bảy Hạnh! Vì chuyện chùa Liên Hoa mỗi ngày mỗi xuống cấp, do thầy tư Để không thành thực tu hành. Ông không quen cảnh khổ cực mà sống phè phỡn như người ở ngoài đời, dẫn tới nhiều chuyện lộn xộn phức tạp. Nay nhân dân làm đơn thưa gởi nhờ chính quyền can thiệp. Chúng tôi tổ chức cuộc họp ngay tại đây và đã thống nhất ý kiến với nhau rằng: Thầy tư Để không còn đủ uy tín để cai quản chùa Liên Hoa nữa. Chúng tôi và bà con cô bác ở đây, sau khi đã cân nhắc với nhau kỹ càng. Mọi người quyết định chọn người kế vị trụ trì Liên Hoa Tự, không ai có đủ sức đảm đương công việc đó ngoài anh Bảy Hạnh. Như vậy, anh bảy Hạnh đã biết lý do của cuộc họp này rồi, xin anh cho biết ý kiến của mình.
Bảy Hạnh ngồi lơ là trong cuộc họp. Những tưởng bà con xúm xít nhau lại để khuyên can cậu tư như bao lần trước. Nào dè, họ lại bầu mình lên chức trụ trì cho chùa Liên Hoa. Anh như gặp phải một chuyện bất ngờ, đứng vụt dậy bối rối:
-Tôi…tôi…tôi có vợ con. Tôi ăn mặn từ đời nào…đâu thuộc kinh kệ đâu mà tu. Cô bác ơi! Tôi làm sao được, không lẽ tôi bỏ vợ con tôi à…Không được đâu.
-Thấy chưa!- Giọng ông Hoàng Ánh chen vào- Tôi biết ảnh không chịu đâu. Tôi nghĩ thế này, hay là để thằng con tôi là Chính Tâm nó đứng ra làm trụ trì…Coi như là tôi hiến cho chùa.
Nhiều tiếng chặc lưỡi, rồi trách móc ông Hoàng Ánh đôi điều, nãy giờ cả buổi ngồi họp. Vậy mà ông chưa hiểu vấn đề, cứ có thằng con mà rộ chuyện.
- Tôi biết ông cũng là phật tử tốt, nhưng anh Chính Tâm con anh có biết tí gì chùa chiền đâu. Người ta họp nãy giờ, đã thống nhất với nhau là người nào thân thích ruột rà với sư Thích Quang Thanh cơ.
Mọi người quay lại nói chuyện với Bảy Hạnh:
- Mấy chuyện đó, cô bác sẽ thông cảm cho anh. Anh đừng lo gì nhiều! Vấn đề là làm sao giữ cho chùa còn tốt đẹp mãi. Bà con sẽ giúp đở anh mà.
- Chuyện đó thì tôi không nói! Tôi nghĩ là làm sao tôi tu được khi còn vợ con bên cạnh.
- Thì từ từ anh sẽ quen dần thôi. Anh có xuống tóc qui y hay thỉnh thoảng về thăm vợ con, chúng tôi chẳng nói gì đâu. Chúng tôi thông cảm cho anh hết cả.
- Nhưng mà…
- Thôi được rồi!- Anh công an quyết định- Bà con ở đây đã tín nhiệm anh, nên cái chính là giữ gìn cho chùa Liên Hoa Tự. Còn việc anh có qui y nhà Phật hay không là do ở tấm lòng của anh, chúng tôi không thể nào ép buộc được. Bây giờ, chúng ta bàn bạc tới đây xem như đã hoàn tất: vì tinh thần trọng đạo của mọi người, xin anh giữ vị trí trụ trì cho. Đó là lòng thành kính của anh với sư Thích Quang Thanh vậy.
Bảy Hạnh không sao từ chối được, anh nhận chức vị đó với nỗi lo canh cánh. Anh về với vợ con, mà lòng cảm thấy rầu rĩ. Anh kể hết cho chị vợ nghe, vì đồng quê heo hút có chức vị gì đó thì chị vợ lại ủng hộ ngay:
-Vợ chồng mình đã có ba mặt con rồi! Anh vào đó vừa đẹp lòng bà con vừa hạn chế việc sinh đẻ…Anh còn ngại ngần gì. Vả lại, ngày xưa Phật cũng có vợ con rồi đi tu đó sao! Tôi ủng hộ hết mình đó.
- Nhưng… đã quen ăn ngủ với nhau rồi…liệu có cầm lòng được không…nhỡ…
- Thôi đi anh…nhỡ sao được mà nhỡ…
Ngay cả vợ cũng muốn mình phải đi tu, âu cũng là số kiếp. Bảy Hạnh cho là mình có duyên với trời Phật, không muốn cũng không được. Mặc dù bà con cô bác thông cảm cho một người ngoài đời đã có vợ con không đòi hỏi phải ăn chay niệm Phật. Nhưng lương tâm của anh ray rứt và không muốn để cho chùa Liên Hoa mất tai tiếng. Anh tình nguyện ăn chay và mặc chiếc áo cà sa để khổ luyện. Danh xưng thầy thay thế cho chữ “anh chú”. Anh tự hứa xuống tóc quy y vào ngày vợ con được ổn thoả và quen dần với sự thiếu vắng của mình, đó sẽ là thầy tu mãi mãi.
Mọi người bàn giao lại một số của cải trong chùa. Thực ra, nó chẳng còn gì ngoài những tượng Phật đầy bụi, những cuốn kinh cũ mèm. Anh quản lý tất cả những đồ đạc chẳng đáng giá đó, song về mặt tinh thần lại là tín ngưỡng của cả một vùng.Bảy Hạnh được lòng bà con rất nhanh, được mọi người xưng tụng là “thầy”. Sau khoảng thời gian ngắn ngủi, chùa Liên Hoa được trở lại những ngày tháng ấm cúng, số người đến chùa tụng kinh mỗi ngày mỗi nhiều.
Có một sư già, dắt một ni cô còn nhỏ tuổi quãng độ hai mươi hai mốt, tên là Ngọc. Bà sư xin thầy Hạnh cưu mang:
- Nó không còn cha mẹ từ hồi mười một tuổi, về sống với ngoại được vài năm bà dắt vào chùa Xá Lợi tá túc, cũng có học chút đỉnh tiếng Anh tiếng Hoa, nhưng học ở Quan âm học viện thì không được. Bà ngoại nó mất, người thân duy nhất của nó không còn nữa. Nó theo tôi được mấy tháng, tìm chùa nào để gởi thân. Mong thầy cứu giúp cho nó một chỗ tu hành.
Thầy Hạnh không khó khăn trong việc lưu trú tại chùa. Vấn đề là ni cô Ngọc còn trẻ đẹp sợ bị dị nghị.
- Chùa nhỏ chỉ có một phòng nghỉ ngơi, lại thêm cô là con gái e rằng khó lòng người đời. Tôi không nỡ để cô ấy đi, tôi sẽ cho cô ấy lưu trú tại chùa này nhưng sư bà cùng ở chung thì tôi mới đồng tình. Tôi sẽ sang phòng sách mà nghỉ vậy.
- Thầy tốt bụng như vậy thì tôi đa tạ vô cùng- Sư bà bắt ni cô Ngọc cúi lạy tạ thầy Hạnh, chấp nhận cùng nhau ở lại để tu hành.
- Tôi không khó, nhưng cô còn con gái. Cô tu luyện ở đây thì bắt buộc phải theo nội qui của chùa. Thứ nhất cô đi đâu cũng phải trình, thứ hai cô phải tu luyện thật lòng.
- Dạ, đương nhiên là như vậy rồi!- Bà sư già lên tiếng để đỡ lời cho ni cô Ngọc- Nó cũng đã tá túc ở nhiều nơi nó hiểu nội qui của chùa lắm.
Một anh nông dân bắt được một con rùa lớn cũng đem đến tặng chùa:
- Tôi mới bắt được con rùa này đấy!- Anh ta mở chiếc giỏ đệm ở trong có đựng một con quy to khoảng chiếc nắp vung nồi số mười, trên lưng có khắc năm 1930- Này nhé!- Anh ta khoe và thả con Quy ra khỏi giỏ- Con quy này chắc bẩm là sống đến gần một trăm tuổi rồi đấy, hồi đó ai bắt được nó, rồi khắc năm vào đây. Bây giờ tôi bắt được nó cho nó vào chùa cho nó tu luyện đây.
Nói đến đó, anh ta áp tai nói nhỏ cho bảy Hạnh nghe:
- Trước tôi nghe thầy tư Để nhậu quá chưa dám đem tới, nghe thầy được bà con tín nhiệm tôi mới mang vào đó nghen.
- Anh làm như vậy là đúng- Bảy Hạnh đáp lại, rồi nhìn con Quy- Chắc có lẽ nó tu ở đâu đó, nên mới có đại phước gặp anh. Nếu gặp mấy tay nhậu nhẹt nào thì con Quy này chắc bẫm đi đời.
Con Quy được đánh dấu năm một lần nữa, rồi thả ra dưới vuông sân nằm chính giữa chùa. Nó có vẻ dạn dĩ với con người, ngước nhìn xung quanh tìm nước.
Sáng ngày hôm sau, bảy Hạnh định thả nó xuống ao sen, nhưng không thấy đâu. Hết sức ngạc nhiên, vì bậc tam cấp cao như thế không thể trèo lên được. Vậy thì ai bắt? Bảy Hạnh lần theo dấu vết, thấy nó lết trên nền nhà vào phòng đọc sách, đến cái chân cột thì thấy nó chúi mũi vào đấy. Nó thấy anh nên cứ bườn người vào trong phiến đá. Cứ tưởng phiến đá dưới chân cột rất chắc chắn, nhưng con Quy ủi phiến đá ấy dịch chuyển được. Thấy lạ, bảy Hạnh nhích phiến đá ra khỏi chân cột, thì thấy có một căn hầm.
Thả con Quy xuống ao sen xong, bảy Hạnh trở vào tìm cách chui xuống căn hầm. Bên trong tối om, một lúc mới quen mắt được. Căn Hầm có vô số kinh kệ. Những hình ảnh được vẽ lên tường, cho biết đó là những nghiên cứu về thiền và yoga của sư tổ. Một cây kiếm kiểu Samurai mà các sĩ quan Nhật thường đeo, được đặt trên giá đỡ. Bảy Hạnh rút cây kiếm ra một đoạn: Ánh thép trắng sáng loáng, chứng tỏ cây kiếm này rất quí giá.
Bảy Hạnh biết căn hầm chứa đựng nhiều thứ bí mật, quyết không nói bất cứ ai biết để cần khi hữu sự, còn tránh phiền toái cho chùa.
III
Một người đàn ông có tầm vóc mảnh khảnh. Dáng người không gầy, cao ráo lịch sự, đeo kính trắng…Có vẻ không là người Việt Nam. Người đàn ông cao ráo lịch sự ấy có vẻ thích nơi vào Liên Hoa Tự lắm. Ông vừa đi vừa ngắm dọc suốt con đường và nó như tự thân quen với ông tự thuở nhỏ mà ông đã biết đến.
Hai hàng dâm bụt tạo cho con đường nhỏ bé thoáng mát và những chiếc bông hoa đỏ nhuỵ vàng dài, làm cho con đường có vẻ đẹp nhẹ nhàng. Ông đứng lại trước khoảng sân mà tụi nhỏ đang chơi đùa. Bọn chúng mải mê chẳng để ý gì đến ông, vì chùa cũng bắt đầu có những vị khách còn lịch sự hơn ông nhiều đã đến viếng. Như gợi lại ký ức thuở nhỏ, nên ông đứng lặng yên quan sát. Ông mạnh dạn hỏi đám nhỏ, nhưng giọng của ông là giọng của người nước ngoài, chỉ như đứa trẻ bập bẹ từng chữ:
- Chơi cái gì gì?- Ông hỏi với giọng khó nghe.
Mấy đứa nhỏ dừng lại, thấy người lớn chắn ngang chổ chơi của chúng nên chúng chẳng tán đồng. Một thằng lì lợm nhất trong bọn mở miệng.
-Chơi táng u…
Người đàn ông đó buộc miệng:
- Trán…u…u…à…tui …cũng nhớ rồi. Tui…coi…tụi…bây …chơi…được không?
Mấy đứa nhỏ nhìn nhau làm hề, vẻ gần gũi với người đàn ông đó. Chúng cũng thích ông vì nói chuyện nghe rất tức cười, giọng xưng hô mày tao như những đứa trẻ hồi năm tuổi:
- Hồi đó …Tao…không…chơi…như…tụi…bây…! Tao…thích…chơi…u…kìa…
Mấy đứa nhỏ nhìn nhau bụm miệng cười, nhưng chúng không dám quá đáng vì ông cũng không biểu hiện gì là tâm thần, mà còn đứng đắn nghiêm nghị nữa là khác. Bọn chúng không còn lo lắng gì trước một người lớn có tính trẻ con như vậy. Bắt đầu chúng chơi một cách nhiệt tình và hào hứng, để chứng tỏ mình chơi trội hơn. Đến nỗi, một thằng thảy khúc cây cho thằng kia táng, nó bay thẳng vào mắt kính người đàn ông đó, rớt ra. Mắt kính bị nứt như một cái ngôi sao. Người đàn ông không giận, nhưng lại nói:
Tao…không…coi…mấy…đứa…bây…chơi…nữa!Mấy…đứa…bây…chỉ…dùm…đường …vào… chùa…Liên…Hoa…Tự…đi.
- Đi thẳng…là gặp- Mấy đứa nhỏ đồng thanh la.
- Tao…đi…thẳng…hả?
- Ừ…!- Tụi nhỏ lại rối rít.
- Dạ…chứ…không…ừ, tao…nhớ…hồi…nhỏ… “ừ”…là má… đánh… đòn…Là không…là không…
Người đàn ông khó nói ra một từ nào đó, ông liền chỉ vào mấy cái bông. Mấy đứa nhỏ nhắc:
- Không… đẹp!
- Không…đẹp…- Ông ta nhắc lại, rồi chào mấy đứa nhỏ- Thôi…tao…đi…nghe…Tao…coi…chơi…nữa…không…được.
Người đàn ông đó tiếp bước, đi sâu mãi vào phía trong. Đến lúc thấy chùa Liên Hoa Tự, ông thấy nó không thay đổi gì lắm (vì hồi năm tuổi, ông đã ở đây). Ông đọc được hàng chữ Hán ở hai bên cổng, đẩy cửa bước vào trong.
Khoảng sân rộng thênh thang, một cái hồ trồng đầy sen. Sự thanh tịnh không khác gì hồi xưa: nhẹ nhàng, không buồn, không lo toan điều gì cả. Ông đứng lặng im, tìm bóng dáng mình ngày trước, gợi nhớ lại được chút ít.
Vào trong, ông nhẹ nhàng nhưng lời lẽ vẫn còn ngọng nghịu:
- Ai…ở…chùa…không?- Ông gõ tay lên cửa.
Một lát sau, một chú tiểu nhỏ chạy ra đầu cạo chừa chỏm tóc phía trước rất dài vắt qua mép tai. Chú khoanh tay rất lễ phép, ngước mắt tròn xoe:
- Thưa ông! Ông cần gặp thầy trụ trì hả?
- Ừ! Mày kêu dùm…dùm…thầy…
Chú tiểu rất ngạc nhiên nghe giọng người đàn ông lơ lớ, không dám hỏi gì thêm. Chú liền chạy vào trong, gọi Bảy Hạnh. Chú tiểu khoanh tay lại thưa:
- Thưa ba! Có người cần gặp ba…
Bảy Hạnh bước ra, chào theo cách của người nhà chùa, bằng hai tay xá:
- Ông cần gặp tôi, có việc không?
- Mày là ai?- Người đàn ông đó hỏi.
Nghĩ mình nhỏ tuổi hơn, nên Bảy Hạnh không tỏ vẻ gì bối rối, liền thưa:
- Thưa ông! Tôi là Trụ trì ở chùa này…được gọi là thầy Hạnh.
- Mày là vị trụ trì à…Trụ trì là gì?
- Thưa ông! Trụ trì là coi chăm sóc chùa, giữ gìn của cải của chùa cho chúng sanh đến để tu tâm dưỡng tánh, cúng Phật.
- Mà tao hỏi mày biết…Sư…Thích… Quang...Thanh....không?
- Dạ thưa ông! Sư Thích Quang Thanh...đã về cõi Niết Bàn vài năm nay rồi. Ông là người thế nào với Sư mà biết sư…
- Tao biết chùa này từ lâu rồi! Mẹ tao gởi tao ở đây, tới năm tuổi tao theo ba tao…Ba tao là người Nhật Bổn. Mày biết tao đến đây để làm gì không?
- Thế ông về đây để thăm sư à?
-Tao đến để cho vàng xây cất chùa. Tao sẽ làm cho chùa lớn nhất Việt Nam.
Thầy Hạnh mừng rỡ, cảm thấy quí người đàn ông nọ vô kể. Ông ta ngập ngừng một lúc, rồi hỏi thăm:
- Ở đây có một căm hầm, tao không biết nó nằm ở đâu? Mày biết không?
Vì người đàn ông xa lạ, nên thầy Hạnh nghĩ mình không nên nói ra:
- Tôi không biết…
- Thôi, bây giờ tao phải đi tìm một người thân quen, con của mẹ tao…Mình xin chào, vài bữa mình tìm lại thầy đó.
-Xin chào ngài.
Ông ta rời khỏi chùa Liên Hoa Tự.
IV
Trước kia, hai cha con cũng từng đôi co. Chính Tâm bao lần muốn cha mình bán đất kiếm một số vốn để làm ăn, nhưng anh chỉ nhận lại những lời khuyên: rằng đất ông bà hãy giữ kỹ, rằng cần chi phải làm ăn giá đất mỗi lúc càng cao ắt có sẽ có lãi; hoặc cha anh cũng dụ dỗ bằng những lời lẻ đường mật: rằng ở trong đất nhà ta có vàng, tựa như ý nghĩa câu chuyện cổ tích rằng ta cứ cày bừa nó lên và gieo hạt, thì đấy là vàng đấy con ạ. Hồi trước anh còn nhỏ còn tin, còn cho là câu chuyện ấy mang nhiều triết lý, nhưng bây giờ anh lớn rồi. Anh cảm thấy mình lẩn quẩn trong khu vườn này chỉ nghèo với nghèo, rằng không thể chấp nhận hoàn cảnh thất nghiệp như thế này mãi, rằng anh phải bắt tay vào việc nào đó. Anh quyết định rời khỏi quê nhà hẻo lánh này lên thành phố mà tìm lấy công ăn việc làm…việc gì cũng được, ngay cả việc làm hồ.
Hai cha con đang ngồi cưa cây để bán củi, Chính Tâm không chần chừ nữa:
- Ba à con phải đi thôi…Con nghĩ cuộc sống trước sau gì cũng phải tự lập, còn phải làm giàu không thể sống thế này mãi được.
-Anh làm cái gì đi nữa, rồi tôi biết anh cũng sẽ về đây, chứ chẳng có gì khác hơn. Tôi nghĩ anh nên ở lại.
-Nhưng con đã quyết định rồi cha ạ!
-Quyết định rồi? Như vậy để tôi lại với ai? Vườn này chỉ còn có mộ của ông bà nội và mẹ của con thôi…Tôi sống bên họ một mình à?- ông Hoàng Ánh liếc nhìn Chính Tâm, nhưng biết nó đã quyết định rồi. Ông đứng lên rồi đi lại mộ vợ ấm ức khóc- Bà ơi! Bà như vậy xem chừng đã khoẻ. Tôi sống mà không có đứa nào lại bên mình.
Nói xong, ông đem cất cưa và đi ngủ cho đến chiều. Chính Tâm lặng lẽ ra đi và bắt đầu tự đảm trách bản thân mình. Những ngày đầu lo chỗ ăn chỗ ở, anh vào làm cho một công trình xây dựng, cố gắng học thợ làm hồ và có tiến bộ rất nhanh.
Ngày qua ngày, Chính Tâm chẳng biết mỏi mệt là gì nữa. Hoà nhập vào đám thợ như chẳng thiết nghĩ đến cuộc sống sung túc bên ngoài. Công việc nặng nhọc, đám thợ chỉ biết ngủ để lấy lại sức mà thôi. Anh muốn hành xác để cha mình nao lòng.
Không hiểu sao, những căn nhà mà anh xây dựng. Thầu nhận toàn là những công trình gần chùa chiền. Có khi ngủ trưa, đám thợ tìm qua mấy nền gạch sạch sẽ của chùa mà nằm. Ai không ngủ thì chuyện trò với sư sãi. Chính Tâm hiểu biết đôi điều về các hoạt động mà các nhà sư đang học tập. Anh thấy các thầy cũng bình thường, cũng xem thời sự, cũng xem phim như đám thợ hồ. Cứ tưởng khắc khổ vô cùng, nhưng tu luyện không đến độ khó thực hiện được. Chính Tâm được các sư thầy xem mặt, nhiều người buột miệng anh có duyên tu.
Vào thời gian đó, ông Hoàng Ánh thường đến chùa Liên Hoa và cùng nói chuyện với Bảy Hạnh nhiều hơn. Song, lúc đầu ông không phải có ý nghĩ tu hành, mà vì tuổi già của ông quá cô quạnh.
Những tưởng con người có lúc được nghỉ ngơi cho thảnh thơi, nhưng hình như lúc nào cũng tất bật cả. Ông Hoàng Ánh có con cái đông, thế mà họ để cha già sống một mình. Người ta trách cứ gia đình ông đều có những đứa con ăn học, nhưng chẳng có ai cạnh kề bên ông lúc về chiều. Lớp thì có gia đình ở xa, lớp thì đến thành phố Hồ Chí Minh tìm việc làm trên ấy.
Khi đã cảm thấy mình bị đào thải, phản xạ bẩm sinh của con người là muốn mình hội nhập vào cuộc sống. Ông Hoàng Ánh biết thời gian tồn tại trên trái đất này không bao lâu nữa, bị ruồng rẫy và cô độc nên muốn hướng tới tập thể con người hơn. Ở đây không có hội dưỡng lão nào, đi chùa có người này người nọ nói chuyện tu hành cũng đở buồn.Vả lại, biết đâu cõi Niết bàn là có thật. Sẵn dịp ông chưa chết, biết đâu đến chùa thường cũng có một suất trên cõi Niết Bàn.
Ngoài ra, ông Hoàng Ánh đến với đạo Phật, chỉ vì đạo Phật lên tiếng nhắc nhở con người phải trọng chữ đạo hiếu. Biết đâu lòng tin đạo sẽ đánh động vào đám con trẻ.
Hôm tới chùa, ông tình cờ nghe nhà sư được rước ở thành phố về thuyết pháp. Sư thầy giảng đúng bài hiếu đạo của con người. Ông thu vào băng Cát-sét, tối nào nằm ngủ cũng mở ra nghe, thiếu điều như muốn thuộc lòng:
- Ông Văn Công bên Tàu, có đứa con gái đi lấy chồng. Cô ta không về thăm ông. Nên ông buồn mới đi lang thang mà rao: “ Ai mua cha không! Ai mua cha không!”. Có hai vợ chồng mồ côi cha mẹ từ nhỏ nhận nuôi ông. Vợ chồng nuôi ông đến hết tiền, thì liền bán bộ bàn ghế; Hết bộ bàn ghế đến giường ngủ; rồi đến hết đồ trong nhà. Người thanh niên nọ liền bán vợ đợ con, nhưng rồi vẫn không đủ tiền nuôi cha. Đến khi không còn tiền nữa, thì ông quyết định ra đi và căn dặn: “ Cha đi đến nơi nào, mà sau này nếu như con có tìm cha, thì đến nơi nào có cái cổng để hai chữ Văn Công, đó chính là nhà của cha”. Sau này, người thanh niên đi tìm cha và đúng cái cổng người cha căn dặn. Lúc ông Văn Công nhận ra người thanh niên đó, nhớ lại đứa con hiếu thảo. Ông cho hết ruộng đất nhà cửa cho anh”. Đó là tích xưa, nên con gái sau này phải trùm khăn kín mặt, vì e thẹn không báo đáp được hiếu nghĩa. Vì vậy mà phu tử có câu: “ Nam đại bất thủ như mã vô cương, mà nữ đại bất giá như Tư diêm phạm thủ”. Ý nói về con trai mà không cưới vợ mà như ngựa vô cương, mà con gái không lấy chồng thì như con Tư diêm. Con Tư diêm đi theo mẹ suốt từ nhỏ đến lớn, không rời nữa bước nhưng đến khi có ai đó rờ đầu thì đi theo luôn.
Ông Hoàng Ánh rất thích nghe chuyện đó. Câu chuyện cũng có chỗ mâu thuẫn nhưng ý nghĩa về đạo hiếu của con cái, tức sẽ được đền bù. Như gợi lên tính cao thượng của ông, ông cảm thấy số phận của mình có trong đó. Ông nghĩ các con ông bỏ bê ông là bỏ mất đi nguồn lợi nào đó.
Cứ mỗi lần nghe là ông cảm thấy tinh thần mạnh mẽ ra. Ông tiếp tục chăm sóc vườn nhãn kỹ lưỡng hơn. Trồng Long nhãn cực lúc đặt gốc chiết thôi, chứ khi tàng nó xum xê có cực chỉ mấy ngày rộ…Có những nơi người ta trồng được vài mùa, ông không có tài ba trong việc đó (hoặc không ai giúp kỹ thuật cho ông, cũng như nhân công). Khoảng chừng ba tháng, khi kết trái ông bao lại lần và coi đó như công vui làm vui tay vui chân. Chẳng sợ nắng noi gì mấy, chiều chiều ra làm cũng được.
Đợi đến mùa, ông neo lại vài ngày chờ giá lên. Mấy công nhãn cũng đẻ ra bạc triệu, ai nói ở đây ông không làm giàu…cần gì phải bỏ làng quê ra đi, ông thầm trách thằng con Chính Tâm như vậy.
Đến khi vườn nhãn bắt đầu thơm rực, mùi thơm len lỏi khắp ngọn cỏ. Ông già khoan khoái không khí này lắm, ông hít một hơi thật dài đầy phổi, lâu lắm rồi ông mới hít thở một hơi dài đến đã như vậy. Ông tựa như một vị tiên già giữa bầu trời ngạt ngào lồng lộng hương thương, những ngọn cỏ mềm mại cũng ngốc đầu lên ngửi mùi trái cây chín mồng mộng. Giá cả đang lên, mùi thơm ngào ngạt nghĩa là cũng có nghe mùi tiền đâu đây.
Tất cả những cảm xúc hiện tại, chỉ vì ý nguyện là ông muốn đi tu. Bổn phận nuôi con ông đã làm tròn, thì tại sao ông không có quyền đi tu. Tuổi già hiu quạnh ai hiểu cho ông, ở chùa có một nhóm người hướng tới điều thiện và người ta chăm sóc nhau bằng triết lý nhà Phật. Đành rằng sắp lìa đời, nhưng sống phải đông vui chứ…Những ý nghĩ đó làm ông trẻ lại, ông năng hoạt động ra.
Ở chùa Liên Hoa đang mở lớp học đạo, năm nào cũng chỉ một lần. Người ta gọi là ba tháng An cư kiết hạ. Sáng ba giờ tụng kinh Lăng nghiêm, đến tám giờ học (và có khi cúng Ngọ lúc 11 giờ); Rồi đến chiều lại tụng kinh Pháp Hoa 0. Theo chế độ nghiêm ngặt như vậy suốt ba tháng, rồi sẽ tổ chức làm lễ dâng y.
Tội nghiệp ông Hoàng Ánh già cả, làm lụng ở ngoài xem ra dễ hơn. Những khi ông quì đến đau nhức đầu gối, mà không dám hó hé với ai một lời; Mắt kém đọc không chạy chữ, cứ đọc sau người khác hoài; Trí nhớ thì yếu kém, không làm sao thuộc kinh kệ và cuối cùng đến lễ dâng y thì ông bị rớt. Kết quả như vậy làm ông nản chí. Số tiền ông thu được qua mùa Nhãn cúng hết cho chùa, mà ông cũng chỉ là phật tử bình thường nên cảm thấy hơi buồn. Trong đạo, sự ganh đua không phải là không có và tranh giành để tu tốt hơn được cho là tốt, nên ông cũng tranh giành cho có chức vị với người ta? Cuối cùng, ông còn tìm thấy một mục đích cho việc tu hành của ông nữa, đó là tích phước đức cho Chính Tâm..
Ông nghĩ vậy, vì Chính Tâm là đứa con làm ông nửa thương nửa giận. Việc anh đi tìm việc làm rồi làm ăn ra sao? Không hề có một đồng vốn, chắc gì lo nổi cuộc sống bản thân mình, nói gì đến việc làm giàu. Ông hiểu con ông không có tài kinh doanh, thế mà nó nói, chừng nào nó giàu có nó mới về. Ông rất giận Chính Tâm một điều, dù có làm ăn được hay không được thì cũng thơ từ hoặc điện thoại cho ông biết tin tức…Gần một năm qua, anh đi đâu biền biệt. Tết cũng không chịu về.
Ý nghĩ tu để tích phước đức cho thằng con, nên ông Hoàng Ánh vẫn bền bỉ đến chùa tụng kinh mỗi tối. Ông cầu an cầu phước cho thằng con, và nỗi phiền luỵ nhớ thương con mỗi lúc mỗi tăng. Mỗi lần quỳ lạy Phật, có khi ông khóc thút thít. Rồi nán lại chùa thêm chút ít để chuyện trò với ni cô Ngọc ( đang cùng khoá học). Vì thấy ông buồn và có những nỗi lo chánh đáng, nên cô vẫn thường nghe ông tâm sự.
Không biết tự bao giờ, Ni cô Ngọc quan tâm đến Chính Tâm như cô vậy. Cô không biết Chính Tâm là ai, nhưng qua lời của ông Hoàng Ánh kể, thì cô mường tượng anh là một người thanh niên hiền hậu và nhiệt tình.
Còn ông Hoàng Ánh, ngoài việc nhớ thương con. Ông kể chuyện cho ni cô Ngọc nghe, nhưng ý nghĩ của ông cũng có ý chọn vợ cho con.
Từ lâu, ông đã ngầm lựa chọn và cân nhắc kỹ lưỡng. Người mà ông cảm thấy vừa ý nhất, đó là ni cô Ngọc này thôi. Lúc học An cư kiết hạ, ông nhìn ni cô Ngọc thấy cô tận tuỵ tu hành, có học thức nên thuộc kinh kệ nhanh hơn ai hết. Cô nói năng lễ độ, có trước có sau và luôn luôn lễ phép với tất cả mọi người. Ngoài việc đến chùa để tụng kinh, cô còn tiếp tay với các ni cô lớn tuổi khác may vá và lo bếp núc. Tất cả những việc cô làm, ông Hoàng Ánh đều ưng bụng. Ông mong sao cô đừng đậu vào lễ Dâng y, chỉ là phật tử bình thường. Nhưng ngược lại, ông thì rớt cô đậu. Ý nghĩ đến việc cưới xin một ni cô , phá việc tu hành chắc là có tội với trời đất. Nên mình gặp phải tai ương, song ông bướng bỉnh nghĩ là: nếu như ni cô Ngọc lấy Chính Tâm và vẫn tu hành có sao đâu? Như thầy Hạnh đó, xem như về Niết bàn không trọn vẹn thì về đó một nửa thôi.
Mấy lần ông có ý muốn nói ra cho ni cô Ngọc biết như vậy, nhưng ông lưỡng lự bao lần chưa nói được và rất sợ không những cô từ chối, mà còn nói ông là đồ gàn dở. Tu hành như ông chỉ có nước phá chùa chiền, phá đạo, chứ nói chi đến thành đạt. Cuối cùng ông vẫn để lòng, cốt ý để cho ni cô Ngọc quan tâm đến thằng con của ông cũng như ông vậy. Nếu trời có xui hai đứa thương yêu nhau, thì trời tội chứ ông thì ngoài cuộc.
Ông già nghĩ vậy, nên vẫn đến chùa. Mặc dù mục đích của ông bị thay đổi nhiều.
Mấy ngày sau, không biết trên trời có Phật hay không? Sự mong ngóng của ông Hoàng Ánh linh nghiệm, Chính Tâm trở về và duyên nợ như đã được định sẵn như vậy.
- Tất cả là nhờ phước đức của Phật trời- Ông nhìn Chính Tâm từ đầu tới chân và nói như vậy.
Ông thấy anh đen đúa và râu mép mọc nhiều, hơi lạ đối với ông. Nhưng đó là đứa con của ông, vẫn mạnh khoẻ và gan lì. Ông mếu máo trách cứ ngay:
- Con đi đâu cũng vậy, phải báo tin cho cha biết chứ! Con có biết để cho cha mẹ buồn phiền là bất hiếu không? Là có tội với trời phật không?
Chính Tâm chỉ gục đầu nghe. Anh hối hận không hiểu vì sao trước đây mình không hề viết một lá thư nào về cho cha.
- Bản ngã chứ gì! Ỷ là mình sẽ làm nhiều tiền được mới ra mặt chứ gì. Anh đem được đồng nào cho tôi nào?
Chính Tâm đi thành phố không xin được việc làm, nên chỉ đi làm hồ. Ở xứ lạ quê người không mang được đồng nào về cho cha, cũng quê quê:
- Con xin lỗi cha về việc đó! Nếu như lần sau con có đi đâu con sẽ nhắn tin tức lại.
- Cái gì… Cái gì, có lần sau nữa à? Anh lại muốn tôi buồn phiền và chết nữa hay sao?
Chính Tâm biết mình đã lỡ lời, anh chỉ muốn nói cho khí thế một chút vậy thôi. Ông Hoàng Ánh được nước làm tới:
- Đó… Con thấy không? Cải lời cha mẹ là trăm đường con hư. Lúc con rời nhà ra đi, cha đã cản mà con vẫn cứ cải lời. Ở nhà trông coi vườn tược, cũng kiếm ra tiền chứ tưởng không có sao?
Ông Hoàng Ánh luôn miệng trách cứ Chính Tâm, chỉ vì ông nhớ thương anh quá nhiều. Nhưng Chính Tâm dẫn xác được về đến nhà là ông Hoàng Ánh vui rồi, ông không cần bất cứ một cái gì và chỉ cần anh bình an như thế này là đủ. Chính Tâm cũng biết vậy nên không hề phật ý, khéo léo gợi chuyện:
- Thế ở nhà, mùa nhãn này ba thu hoạch được bao nhiêu? Cho con làm vốn…
- Hả? Vậy là anh về đây… là vì mùa nhãn…chặc…thật là…con cái.- Ông Hoàng Ánh thở dài, rồi đẩy luôn- Ta cúng chùa hết rồi! Làm vậy, để anh được phước đức đó…chỉ vài ngày là anh vác mặt về liền đó.
- Đó thấy chưa!- Chính Tâm rên lên- Sao con của ba thì ba biểu phải cày bừa, phải khổ luyện. Thời nay không có vốn liếng sao mà ngóc đầu lên được, làm sao mà giàu có với người ta. Bởi thế con không bỏ nhà ra đi nữa không được rồi…
- Giàu có làm gì con ạ! Chết có đem theo được đâu- Ông Hoàng Ánh nói đến đó, cảm thấy vô đề thuyết nhà Phật. Bấy lâu nay ông học được những gì, bắt đầu vận dụng.Ông nói- Con ơi! Cuộc đời này có sung sướng gì đâu, cuộc đời là bể khổ. Cuộc đời chỉ là vay mượn, rồi phải trả lại những gì mình đã vay.
Ông Hoàng Ánh bắt Chính Tâm hít vào rồi thở ra. Ông nói rằng không khí là ở bên ngoài chứ không phải của con người, nghĩa là con người chỉ mượn tạm rồi trả ra, rồi lại mượn rồi trả ra.
- Có khi nào con mượn rồi con không trả không? Có khi nào con trả mà không mượn lại không? Chỉ khi con nhắm mắt mới thôi không mượn không trả.
Ông Hoàng Ánh cố chứng minh rằng cuộc đời con người chỉ tạm bợ trên thế gian này, như thế đã khổ rồi còn tham sân si chi nữa thêm khổ.
- Vậy chứ ba coi! – Chính Tâm thấy ông nói đến thuyết nhà Phật và không muốn anh quỵ luỵ đồng tiền. Anh cảm thấy không xong nên nói lại - Nếu như mình không làm lụng kiếm tiền, nghèo mà còn đen đúa như thế này có ma mới ưng…
- Không ưng thì thôi! Mình đến chùa tu. Không vợ con, tu mau lên chức…
- Đang tuổi sung sức làm ra đồng tiền, lại đi tu mới là kỳ khôi. Con không thể nào làm như vậy được.
- Con ơi cuộc đời chỉ là tạm bợ mà thôi. Ta tu đi để còn về nơi vĩnh hằng.
Chính Tâm cũng tưng tức, không hiểu sao tuổi trẻ như anh tràn trề nhựa sống. Ba không giúp vốn cho mình thì thôi còn bảo đi tu. Anh cố nhạy lại:
- Con đồng ý thế gian này là tạm bợ. Sự sống trên trái đất có sinh thì có tử, cuộc sống chẳng vĩnh hằng. Song, mục đích sự sống là được duy trì nòi giống, ghi nhận trong gien con người ta. Bộ con muốn lấy vợ lắm sao? Tự dưng tới tuổi thanh niên nó đốc thúc con như vậy. Gien đó là tổ tiên truyền cho ba, rồi ba truyền cho con.
Rồi ba bảo con thôi tu đi, ai mà làm được. Việc duy trì nòi giống là một bản năng tự nhiên. Mà muốn duy trì nòi giống tốt thì phải làm ra tiền, để được con gái đẹp đẽ. Muốn làm ra tiền thì phải có vốn mạnh, còn phải sắm nhà lầu xe hơi. …Những việc đó cũng là bản năng của con người, làm sao mà con làm ngược lại được.
- Chặc…- Ông Hoàng Ánh lại chặc lưỡi, rồi lại nhỏ nhẹ thuyết giảng (cái cách này ông học được ở các nhà sư thuyết pháp)- Có nhà, có xe hơi, chết có mang theo được đâu.
- Có nhà, có xe hơi để con cái được điều kiện tốt thì được giống tốt…
Một con muỗi đậu trên tay ông Hoàng Ánh nãy giờ. Nó âm thầm hút máu, nhưng ông Hoàng Ánh không muốn sát sanh. Ý nghĩa của việc tu hành là phải cảm thông với mọi con vật, nó cũng quí sự sống như con người nên ông cứ để yên cho nó hút máu. Chính Tâm nhìn thấy, liền nói khẽ:
- Con muỗi trên tay ba kìa…
- Biết rồi- Ông Hoàng Ánh từ bi- Đừng sát sanh con ạ.
- Muỗi hút máu là muỗi cái. Cha mà không giết nó, là đẻ cả triệu trứng mang mầm bệnh giết người. Ở đó mà ba từ bi…
Ông Hoàng Ánh ấm ức con muỗi cắn ngứa lắm rồi, nghe Chính Tâm nói thế. Ông đập cho nó một cái nát bét, một chút máu văng tè lè.
Nếu ép Chính Tâm đi tu, thì chắc anh lại bỏ nhà ra đi. Thằng con của ông nói cũng có lý đúng, ông nói nhè nhẹ:
- Dù sao thì chùa cũng gần nhà, con đến nghe giáo lý đạo Phật một vài ngày có sao đâu. Hơn hai ngàn năm qua, người ta tin tưởng Thích ca mâu ni. Con sao hơn mọi người được.
Tiếng điện thoại di động reo vang. Chính Tâm đi làm hồ, nhưng cũng sắm cho mình một cái. Vừa coi số điện thoại xem ai gọi, vừa nhại lại một cách hết sức vô thức:
- Phật lúc ấy có biết sử dụng điện thoại di động không? Chưa chắc…Thế mà ai cũng nói ngài quyền năng vô biên.
- Nhưng ngài biết thời thế có cũng như không, rồi cái gì cũng trở về hư vô…
- Có hơn mấy ngàn mấy trăm năm trước tự dưng bắt mình theo, sống cho người ta lựa chọn với chứ!
Chính Tâm bước ra ngoài rồi. Anh ốp điện thoại lên tai và trả lời với anh bạn nào đó, là mình đã về quê không theo công trình nào nữa.
Càng nói, Chính Tâm giọng lưỡi ngang tàng của của kẻ làm hồ. ông Hoàng Ánh lắc đầu. Một mặt cưng con sợ nó bỏ đi nữa, mặt khác ông thấy mình cũng có lỗi trong việc cúng hết số tiền bán nhãn cho chùa chiền. Không ngờ nó về, những ngày tới chật vật từng bữa rồi đây. Cái lý của con đơn điệu nhưng hình như là vậy: Con người và con vật đúng là chết là hết, chỉ một mục đích duy trì nòi giống là chính. Nay phải bắt nó dừng lại, để đi tu cũng khó cho nó. Chẳng những ông Hoàng Ánh chẳng ghét bỏ gì anh, mà ông còn nhen nhúm lại việc anh phải có vợ con. Ông lẩm bẩm: “Phật ới con còn nợ thằng con, nợ trần gian còn sao thể đi tu được.
V
Ông ta tìm đến khu vườn già cỗi của ông Hoàng Ánh và đứng ở bên ngoài và cố gắng nhớ đến nó.
- Nhiều thứ thay đổi…Còn mẹ thì chết rồi!
Tiếng chó sủa làm ông Hoàng Ánh giựt mình. Ông đi chậm rãi từ vườn ra, đoán nhìn để đoán xem ai ngoài đó. Ông thấy có người sao trạc giống mình quá, nhìn có nét quen thuộc nhưng không biết đó là ai. Ông la mấy con chó, rồi mở cửa rào:
- Ông đến tìm ai vậy?- Ông Hoàng Ánh hỏi người đàn ông nọ.
- Tao đến tìm mẹ…ở đây…Tao còn nhớ là ở đây! Hồi còn năm tuổi tao ưa đến chỗ cây Me kia kìa…Mẹ tao là Hoàng Lan, còn mầy cũng là con của mẹ tao à?
- Đúng như vậy! Nhưng tại sao mẹ của tôi lại là mẹ của ông nữa. Tôi không nghe nói…
- Tao …không biết kể…Tao không còn nhớ tiếng Việt Nam. Hồi tao đi sang Nhật, Tao chỉ có năm tuổi, mày chỉ mới sinh ra à…mà mày không phải là con của ba tao.
Một lúc sau, ông Hoàng Ánh dẫn người đàn ông xa lạ nọ ra khu vườn. Nơi ông bà và mẹ của họ yên nghỉ. Ông ta đốt nhang trước nấm mộ của bà Hoàng Lan. Ông Hoàng Ánh cũng đốt một nén nhang. Ông vái:
- Lạy mẹ. Chắc là mẹ linh thiêng khiến cho anh em chúng con gặp nhau. Nhưng sao lúc còn sống, mẹ không nói gì cả, để đến nay con mới biết được điều này và đầu đuôi ra sao vậy? Con mau mong hiểu được cặn kẽ…
Hai người đồng lạy, rồi họ đứng lên nhìn nhau. Ông ta nói với ông Hoàng Ánh:
- Chúng ta là anh em…Người đi trước tạo ra như vậy…Ta còn ở lại Việt Nam làm ăn, rồi sẽ giúp gia đình mày…Ở đây thật nghèo…
Cả hai im lặng nhìn nhau một lúc, ký ức họ như trở về những năm trước. Cuối cùng, tình máu mủ ruột rà như ẩn chứa bao điều sâu xa, họ như trao niềm tin cho nhau và đồng thời ôm lấy nhau để nhận ra cùng một mẹ. Ông ta thỏ thẻ bên tai ông Hoàng Ánh một điều bí mật trong khu vườn, rằng trong vườn nhà ta có chôn cất một kho vàng. Ông Hoàng Ánh thốt lên:
- Sao? Vàng à…Sao mình không lấy lên để sài chơi…
- Chưa được…Vàng đó để xây chùa. Ba tao căn dặn như vậy, nhưng chôn ở đâu trong vườn? Tao không biết…mày biết không?
- Không biết!- Ông Hoàng Ánh tỉnh lại, cho là ông ta chơi cắc cớ. Mấy việc này thường nghe nói. Chắc như chuyện cổ tích ông anh muốn mình cuốc bẫm cày sâu và bảo thành quả lao động đó lá vàng đấy. Ông Hoàng Ánh rành mấy vụ việc này quá, bởi vì ông thường dạy Chính tâm như vậy không lẽ mình bị phỉnh lại.
Ông ta bình tĩnh cố gắng nhớ lại từng tiếng:
- Trước khi qua đây, tao có học lại tiếng mẹ…Nhưng có gì mày nhắc nhỡ tao. Tao nghe ba tao nói, vàng giấu trong vườn này… mà phải có bản đồ chôn giấu kìa.
- Bản đồ để đâu…- Ông Hoàng Ánh hỏi lửng.
- Ở trong cây kiếm.
- Cây kiếm nào?
- Cây kiếm của ba tao.
- Vậy ba của anh để cây kiếm ở đâu?
- Trong căn hầm dưới chùa Liên Hoa. Nhưng tao nghe nói thôi, vì ai là trụ trì mới tìm ra được căn hầm đó.
- Kỳ quá! Thực sự tôi không hiểu gì hết.
Ông già đang nói chuyện với ông Hoàng Ánh chính là Akio Yamato, vậy là ông Hoàng Ánh chính là em cùng mẹ khác cha của ông. Bây giờ mới có điều kiện sang Việt Nam thực hiện những lời cha căn dặn, tìm lấy số vàng mà người Nhật chôn cất. Đem số vàng đó để xây cất chùa nhưng có những điều ông chưa biết rành rẽ: căn hầm cũng như số vàng mà cha đã chôn tại vườn nhà bà Hoàng Lan. Hai ông già đến gần mộ bà Hoàng Lan, van vái để mong tìm kiếm số vàng trên mảnh đất của họ. Hai ông già bớt chút xúc động. Lần này thì ông Hoàng Ánh tin rằng khu vườn ông có vàng, nhưng nơi nào thì ông không biết. Trước đây, ông đã đào hai ao nuôi tôm nhỏ. Ông lo lắng không biết có khi nào bọn đào đất khi ấy lấy mất không? nhưng hy vọng tìm thấy có vàng hình như đời người ai cũng mơ ước, nhất là việc ông thường bịa cho thằng con nghe để nó đừng đòi bán đất không ngờ lại có thật. Ông nhìn khu vườn rộng thênh thang, nhưng biết nó chôn ở đâu đây? Cuốc được vài cuốc, ông cũng liệng cây cuốc rồi vào đưa võng tòn ten, cùng ông Akio ngắm nghía khu vườn để đoán mò nơi chôn cất.
Chính Tâm lang thang từ chợ về, bước vào nhà thấy ngay người khách lạ nằm cạnh ông Hoàng Ánh. Ông Hoàng Ánh vụt dậy, đang lúc ông Akio còn ngủ ông khoe ngay với thằng con, để nó không còn đi làm ăn chi đâu cho xa nữa.
- Đó là người bác Nhật của con đấy! Ba cũng mới biết…(Bà nội con có một người con riêng với người Nhật). Ổng mới sang đây và nói rằng cha ổng có chôn cất vàng trong khu vườn nhà mình…Chuyện đó tuyệt đối phải giữ kín, không được để cho ai biết.
Ông Akio chợt mở mắt ra, nhìn thấy Chính Tâm chợt gật gù. Ông ngồi hẳn dậy, có vẻ như ông chấp nhận chia sẻ cùng bí mật với Chính Tâm. Hai ông cháu chào nhau, rồi cũng nhìn khu vườn rộng thênh thang như tự hỏi: “ Vàng ơi vàng! Mày nằm đâu thế?”.
Chính Tâm hăng hái săn tay áo lên, tinh thần mới đó mới đây đã đổi khác. Hai ông già đứng nhìn anh cuốc, tâm trạng cũng vui lây. Tuy vậy, Chính Tâm càng cuốc càng nhớ lại chuyện cổ tích mà cha mình thường kể, được một giờ đồng hồ thì anh nghĩ là hai ông già này chơi cắc cớ:
- Bác ấy không biết chôn ở đâu sao?
- Biết thì tao đem bán xài lâu rồi, cần đợi tới con hỏi. Bác ấy nói là có bản đồ…
- Vậy bản đồ ấy đâu…
- Bản đồ nằm trong chuôi kiếm, mà cây kiếm ấy thì nằm trong căn hầm ở chùa Liên Hoa Tự.
- Sao giống chơi vi tính quá! Vậy thì mình đến chùa tìm căn hầm, chứ cuốc cả khu vườn thế này chừng nào mới tìm ra được.
- Bác cũng đến chùa rồi…Nhưng nghĩ lại, mình cần giữ kín việc, nếu không sẽ có những sự việc đáng tiếc.
Kế hoạch của họ là trở lại ngôi chùa, để danh ngôn chánh thuận thì họ nói như lời ông bác người Nhật của Chính Tâm là xây xựng chùa Liên Hoa Tự lớn nhất Việt Nam. Dưới con mắt của Chính Tâm, nếu tiến hành xây dựng mới chùa, trong quá trình thi công sẽ lật tung tất cả ắt sẽ gặp căn hầm. Cho nên khi gặp thầy Hạnh họ đề bạt ngay phương án xây dựng chùa trong nay mai. Thầy Hạnh cũng cảm thấy thích thú nếu như ở đây được xây dựng một ngôi chùa hoành tráng, xem như mình đã thành công trong việc làm trụ trì cho Liên Hoa Tự này. Quê hương được tôn vinh ai mà không thích, nên thầy cũng rất hồ hởi với kế hoạch đang được bàn. Nhưng còn nhiều vấn đề rối rắm còn ở phía trước chưa được tiên liệu hết, về mặt pháp lý cũng như việc cam kết bỏ vốn như thế nào? Thầy Hạnh chưa được tỏ tường:
- Người ta làm việc gì cũng mất vài năm thiết kế, rồi giải trình công trình đó có thực thi được không…Rồi còn nguồn tài chính nữa.
- Gì cơ…-Ông Hoàng Ánh nói- Mãi đến vài năm thiết kế sao? Còn nguồn tài chính ư…Có ông anh của tôi đây này.
- Nhưng làm gì làm, mình cũng phải có bản vẽ thiết kế, rồi mới tính tới nguồn tài chính. Một kiến trúc sư giỏi, cũng phải mất ít nhất một năm rưỡi. Có bản thiết kế ta mới tiếp tục đề xuất các việc khác.
Nếu như vậy thì chừng nào mới tìm ra căn hầm, Chính Tâm gặp một ít trắc trở ban đầu đã chán nản.Chính Tâm nóng nảy đề xuất:
- Với vốn đất hơn năm hécta, trước sau gì cũng phải xây tường rào. Hay chúng ta làm trước phần đó… Ngoài ra, thiết kế nào cũng phải có các phòng nghĩ ngơi của tăng ni Phật tử xung quanh chánh điện, trước mắt thì cứ xây dựng… phòng cho công nhân nghỉ, cũng như cần kho chứa vật tư.
- Ờ! Cái này được nha!- Ông Hoàng Ánh hùa theo Chính Tâm. Hai cha con giờ như người thắng thế, có phần lấn lướt thầy Hạnh.
- Thầy thấy việc đó đúng chứ! Chính Tâm làm ngay nhé…
Thầy Hạnh cũng không khó lòng trong việc cho xây bốn bức tường bao bọc, và các phòng cho mấy ni cô, cũng như Phật tử ở phương xa đến tụng niệm có nơi nghỉ ngơi. Trong khi đó tiền bạc do ông Akio đỡ đầu thì tại sao không đồng tình, cho nên đang lúc đợi quyết định của chính quyền cũng như của giáo hội Phật giáo, việc chấp nhận tiến hành công việc ấy trước không có gì khó khăn. Ông Akio cũng đồng ý như vậy nên chi trước một khoản tiền, việc bàn bạc mấy hôm trước rất cụ thể, xem ra nói là làm ngay.
VI
Công việc nhỏ nhoi đó thì Chính Tâm làm thầu được. Ông Akio tin tưởng Chính Tâm, giao phó hết cho anh mọi trách nhiệm. Ông về thành phố vài tháng để lo việc đặt văn phòng công ty mình tại việt Nam, ông đang chờ giấy phép đầu tư.
Ngày đầu đến chùa, Ông Hoàng Ánh không rời Chính Tâm nữa bước. Hai cha con được những người trong chùa tỏ ra ân cần, chỉ vừa ngồi yên vị là có nước trà tiếp đãi.
Ni cô Ngọc trong chiếc áo nâu sậm, đầu cũng đội chiếc khăn nâu như vậy. Cô vừa chăm nước vừa thăm hỏi ông Hoàng Ánh.
- Nghe nói con trai bác đã về, con mừng cho bác lắm đó. Anh ấy đây phải không ạ!- Ni cô Ngọc vui tươi quay sang Chính Tâm và gật đầu, rồi lại niềm nở- Nghe bác nhắc đến anh hoài…tội nghiệp bác lắm đó. Giờ anh về, chắc bác vui vô cùng.
Chỉ một lời của ni cô Ngọc thăm hỏi, Chính Tâm tự dưng nghe trong lòng xốn xang vô cùng. Anh gật đầu chào lại, lòng thầm khen ni cô có một sắc đẹp vẹn toàn: nước da trắng mịn và đôi môi đỏ mọng, nổi bật trên nền nâu của chiếc áo tu. Anh cảm thấy tiếc nuối cho một người đẹp phải nương náu nơi khổ hạnh này.
Ông Hoàng Ánh tự dưng đứng dậy, rồi:
- Thằng con tôi đến đây xây dựng, muốn nó làm công quả thôi chứ không có tiền công gì hết.
Từ trước đến giờ, Chính tâm đến chùa cho có lệ, chứ không tin tưởng gì hết. Sự thực, anh chỉ tôn trọng tín ngưỡng của mọi người thôi và nói ra những lời lẽ phải phép nhất định nào đó. Lúc còn trai trẻ như thế này, tư tưởng anh không chống đối lại nhưng anh cảm thấy hơi mâu thuẫn với cuộc sống bên ngoài. Đối với anh, chuyện tình cảm yêu đương không có là không thể được…thà chết còn sướng hơn.
Chính Tâm vừa làm thầu làm cai, hoà đồng với đám thợ ngày ngày đến chùa. Công việc chưa đến đâu, nhưng tình cảm con người khó lòng mà lường hết được.
Trong lúc làm việc ở chùa Liên Hoa Tự, mặc dù không có tiền lương mà chỉ làm “ công quả” cho chùa, nhưng động lực làm việc của Chính Tâm là ni cô Ngọc. Từ lúc Chính Tâm tiến hành việc xây dựng, anh như nhân vật trung tâm của chùa Liên Hoa Tự. anh khéo léo gây được cảm tình của rất nhiều người, tất cả các vị sư cũng như các ni cô đều khen ngợi và người khen ngợi anh nhiều nhất cũng chính là ni cô Ngọc.
Ai cũng biết trước đây ông Hoàng Ánh thường trò chuyện về người con trai của mình cho ni cô Ngọc, nên cô hiểu nhiều về Chính Tâm là việc đương nhiên. Chẳng những không thắc mắc, mọi người còn muốn cô biết rõ về Chính Tâm hơn nữa.
- Thảo nào, cha anh ấy yêu thương anh ấy đến như vậy! Anh ấy giỏi giang, xứng đáng là người con trai ông Hoàng Ánh- Ni cô Ngọc nói vậy và còn thêm- Lần trước, anh ấy đi làm ăn xa. Cha ảnh nhớ ảnh lắm, con cứ nghe ông Hoàng ánh nhắc mà đâu biết tính tình ảnh ra sao. Giờ thì con biết rồi…Ảnh giỏi như vậy, không giàu có là vì ảnh chưa gặp thời đó.
Một sư bà rất già cũng quan tâm đến Chính Tâm, hỏi han ni cô Ngọc và được nghe như vậy. Bà tiếc nuối:
- Các con của tôi đã có chồng hết rồi, nếu mà gặp anh Chính Tâm này sớm. Ai lấy được anh ấy chắc hạnh phúc lắm đó.
- Con cũng nghĩ vậy đó cô…Cho nên, con cũng muốn làm mai cho anh ấy một người.
- Mình tu hành thì thôi, đừng để tâm đến việc đời làm gì…
Bà sư già và ni cô Ngọc là hai người lo nấu ăn chính cho những người thợ hồ. Sáng ra, Hai người đã thức dậy sớm lo kinh kệ xong, là xuống bếp nhanh chóng nấu cơm và nấu nước để chuẩn bị bữa sáng cho những người tới làm việc. Chính Tâm còn được một ly sữa lớn, nên cám ơn rối rít về sự ưu đãi đó và anh vẫn giữ khoảng cách bình thường như chẳng xãy ra điều gì trong lòng anh. Nhưng ni cô Ngọc mỗi lần đem ly sữa đến cho anh, cũng muốn nấn ná lại bắt chuyện với anh, ít nhất là một câu vui cho khuây khoả.
- Anh giúp ích cho chùa sẽ gặp đại phước đó nhe! Sau này anh sẽ có con trai đầu lòng cho xem…
- Con trai à? Tôi không là người đại phước như ni cô Ngọc nghĩ vậy đâu. Tôi là người bất hiếu như cô không thấy đó sao…Vì vậy, muốn có con trai đầu lòng, thì phải lấy một cô vợ cũng biết tu hành đó cô.
Mọi người cũng có nghe những lời lẽ đó, song họ nghĩ bình thường thôi. Đến chiều rửa tay, ni cô Ngọc hình như chờ Chính Tâm đến vòi nước là cô đem xà-bông ra cho anh. Chính Tâm nghĩ là mình nên tìm cách dò xét tâm ý của cô thế nào, nên gợi ý:
- Ngày mai này chúa nhật, ở đây nghỉ việc…Chắc là cô Ngọc không bận bịu gì nhiều hả?
- Vâng…Anh hỏi vậy chắc định nhờ vả gì phải không?
- Phải! Nếu như cô Ngọc không thấy phiền! Ngày mai đến giúp bữa cơm chay cho gia đình tôi được không…?
- Đâu có gì phải phiền anh!- Ni cô Ngọc vừa đáp lại vừa trao cái khăn cho Chính Tâm lau tay, nhưng anh từ chối- Không sao, anh cứ lau…Khăn này cũng muốn dơ rồi.
Chính Tâm lau tay, rồi nói lời cảm ơn trước:
- Cám ơn đã nhận lời, phiền cô vô cùng…
Chính Tâm biết mình nhờ vả như vậy, chắc chắn ni cô Ngọc không từ chối được. Khi anh về nhà, anh nói lại những người trong gia đình:
- Đám giỗ bà nội, ngày mai tổ chức nấu cơm chay! Lâu nay gia đình đoàn tụ, rồi chỉ nhậu nhẹt bê tha…Lần này mình tu bớt.
- Tu gì….Chỉ có phá chùa thì có…- Bảy Tài anh Chính Tâm không đồng tình. Anh ta bao giờ cũng thích có một bữa nhậu nhẹt linh đình- Một cái cớ để phá rối con đường tu hành của người ta. Tình yêu xảy ra với người đời không đủ sao? Còn phải vào chùa tìm. Có bác người Nhật, muốn xin gì thì nói luôn thể. Ổng mới đặt văn phòng cho công ty mình ở thành phố, muốn xin làm một chân giám đốc xem ra hay…Có công ăn chuyện làm thì muốn cưới vợ ai không bằng lòng. Xây chùa to đẹp nhất Việt Nam ư? điều hão huyền ấy chẳng bao giờ có đâu…Nên cái chùa cứ mà nằm trên giấy.
- Đúng đó!- Mọi người cũng đồng thanh nói với Chính tâm như vậy.
Ít ai biết được Chính Tâm đau khổ đến dường nào. Những lời ngắn gọn của bảy Tài đâm trúng nỗi lo lắng, bực dọc của mình nhiều nhất: Anh cũng không hiểu vì sao mình lại yêu ni cô Ngọc, rồi tình cảm đó có tiến triển được tới đâu đâu, lại còn mang tiếng phá con đường tu hạnh của người ta. Niềm hy vọng từ số vàng sẽ tìm thấy cũng tiêu tan, vì như vậy công trình kiến trúc mà anh tâm đắc nhất gần như không thể thực hiện được. Chính vì anh quá ưu tư vào công trình ấy, để đánh đổi lại tình yêu mà anh mới vừa nhen nhúm (Anh nghĩ nó cũng quí như số vàng), chắc chắn không thể nào thành công nữa rồi.
Chán chường vô cùng, Chính Tâm không tham vọng tiền bạc, cũng như số vàng mà ai cũng ấp ủ muốn tìm thấy…Anh chỉ cần người thương yêu, cần người “giống tốt” mà anh cho là qui luật tự nhiên bắt buộc con người phải làm như vậy.
Chính Tâm cho là mọi thứ đều bị bế tắc, anh xuống sau nhà một lúc lâu không thấy bước lên. Bảy Tài đi theo thì hốt hoảng la lên:
- Ơi…Trời ơi! Ba ơi…Chính Tâm nó uống thuốc sâu tự tử…
- Hai anh em tụi bây thật là….- Ông Hoàng Ánh trách móc, nhưng cũng không biết trách móc ai….Trời ơi! Chuyện có vậy mà cũng đi uống thuốc để chết nữa sao? Nó uống bao nhiêu rồi?
- Một phần tư chai rồi….
- Đi lên bệnh viện ngay!
Bốn năm người vừa níu kéo Chính Tâm vừa ngon ngọt đẩy anh ra xe. Đến bệnh viện, mặc dù Chính Tâm đã ói ra được phần nào nhưng thuốc vẫn ngấm vào cơ thể. Sau khi rửa bao tử, bệnh viện giữ anh lại để theo dõi bệnh tình. Tối đêm đó Chính Tâm vẫn còn tỉnh táo, nhưng đến sáng ngày hôm sau, trong người nóng nảy khó chịu đến tột độ, lại thêm bị trói tay chân vào giường để không được bỏ trốn, hay mê sảng quậy phá.
Ngày hôm sau, ni cô Ngọc theo lời hứa với Chính Tâm. Ông Hoàng Ánh mới biết chuyện:
- Đầu đuôi là thế này!- ông Hoàng Ánh không dám nhìn ni cô Ngọc nhưng ông vẫn từ từ kể lại- Bác có bảo nó nên có vợ con đi, thì làm ăn sẽ suôn sẻ thôi. Bác có chọn con đây và gợi ý, cho nó biết sự lựa chọn của bác. Sẵn dịp xây dựng chùa Liên Hoa Tự mà tranh thủ, chỉ vì nó nghĩ là không có tiền xây dựng chùa. Nó buồn lòng nên mới uống thuốc trừ sâu…giờ đã nằm viện rồi.