Cho nó biết mùi đại pháo thuyền buồm. Mặt bên cuộn sóng, bọt nước bốc lên tung tóe. Súng rền như sấm động biển đông. Phượng Kiều tỉnh dậy thấy mình nằm trong phòng cũ, bên tai còn nghe tiếng súng rền vang. Chớp mắt, ngó quanh không thấy ai, ra giật cửa, cửa khoá trái, lần đến lối ngầm, lối cũng khóa nốt, còn đang bực bội, đã thấy cửa ra vào hé mở, Vũ Sinh bước vào, thấy Phượng Kiều đã tỉnh, liền nghiêng mình tạ lỗi luôn: - Buộc phải dùng thuốc mê để cô nương đi nghỉ, mong cô nương miễn trách. Phượng Kiều cau mày giận dữ: - Tôi đã hứa vẫn giữ lời không làm rộn. Giờ lại chính các ông sai lời. Chuyện đánh nhau có chi quan hệ, sao các ông phải lừa đưa tôi vào cho khuất mắt? Vũ Sinh lắc đầu, làm mặt thản nhiên: - Chẳng có điều chi cả. Nhưng sư phụ không muốn cô nương... ở nơi đó. Phượng Kiều vốn thông minh, thoáng ngay vẻ lạnh lùng hoài nghi, nhưng suy nghĩ mãi vẫn không ra. Bên ngoài xa, tiếng súng vẫn đưa vào, có tiếng nổ ngay gần sát mạn hải thuyền. Phượng Kiều hơi cau mày, hỏi Vũ Sinh: - Hình như đôi bên vẫn giao chiến? Vũ Sinh mỉm cười, lắc đầu: - Xong rồi! Giờ chúng bắn theo đó! - Chiếc tàu ô ban nãy? - Tàu chiến quan binh! Phượng Kiều ngạc nhiên: - Thế còn bọn tàu ô? Mà hải thuyền các ông giao chiến với tàu binh? Vũ Sinh thản nhiên: - Sư phụ tôi đánh tàu binh để cho tàu ô chạy thoát! Phượng Kiều không giấu được vẻ lạ lùng, nàng liền lại bên cửa sổ trông ra thấy mặt biển chói chang ánh nắng, tít xa xa chỉ thấy lờ mờ bóng cột buồm tàu ô đang chìm dần trong biển nắng. Bất thình lình, một phát đại pháo từ phía nào bắn tới, nổ rầm, tung tóe nước bắn cả lên cửa sổ. Phượng Kiều vội lui vào, lau mấy giọt nước trên rán, hỏi Vũ Sinh: - Hải thuyền chưa rút khỏi tầm súng? Chàng trai gật đầu: - Vâng, chúng vừa đuổi vừa bắn riết. Còn khá lâu nữa ta mới ra ngoài tầm, vì chính sư phụ tôi muốn thế. Không để nàng ngạc nhiên thêm, chàng ta vui vẻ kể sơ lại chuyện vừa qua, nhưng giấu hẳn chuyện gặp Voòng Lầu, chỉ nói thác đó là tàu của một tay giang hồ đang đuổi tàu giặc buôn đàn bà con gái. Lượng sức tàu đó khó chạy thoái được tàu binh nên sư phụ tôi muốn nhử cho tàu binh quay lại rượt hải thuyền để tàu ô kia thoát đó. Giờ cô cứ ngồi chờ nghe tiếng súng cho đỡ buồn, hay muốn lên lên boong xem tàu binh đuổi bắn, tôi xin đưa lên. - Tôi muốn lên boong! Chàng trai họ Vũ lập tức đưa Phượng Kiều lên, trao cả ống viễn kính cho nàng. Phượng Kiều đứng quan sát thấy đạn tàu binh bắn theo tung tóe quanh hai thuyền. Thoạt đầu, nàng không khỏi ngạc nhiên, sau mới thấy vững dạ vì thấy chiếc hải thuyền bọc gió chạy vèo vèo theo hình chữ chi tránh đạn như bỡn. Một lát sau, nhìn phía tả thấy cột buồm tàu ô đã biến dạng hẳn, Vũ Sinh liền quay bảo Phượng Kiều: - Giờ đã đến lúc rút ra khỏi tầm súng tàu binh rồi! Dứt lời, chàng tuổi trẻ tiến về phía cuối tàu. Chỉ lát sau đã thấy chiếc hải thuyền gia tăng tốc lực, rẽ nước chạy mau hẳn lên. Tiếng đại pháo đã lui hẳn về phía sau rồi im bặt. Hình dáng chiếc tàu binh cũng hút chìm hẳn giữa mặt biển nắng chói. Bên tai Phượng Kiều, chỉ còn tiếng gió đại lương thổi vù vù, cô gái họ Trần bất giác ngó về miền đất quê hương khuất xa sau vùng biển gió mông mênh, lòng mỗi lúc càng thêm thất vọng vì đã nhận rõ bản lãnh gớm ghê của thầy trò lão hành khất dị kỳ. Hung cát khó lường, nàng đành tự nhủ lòng, phó thác cho hoàn cảnh xô đẩy, tới đâu sẽ liệu đấy. Về phòng nghỉ đêm, nhìn qua khung cửa cổ xem sao biển, Phượng Kiều hết sức ngạc nhiên vì chiếc hải thuyền đang chạy về hướng cực Nam. Lúc vừa ra khỏi vịnh Bắc Bộ, thấy thuyền trực chỉ hướng Đông Bắc, nàng vẫn đinh ninh lão hành khất đưa mình về mạn Bắc Hải, Phúc Kiến gì đó, không ngờ tới chuyện về phương Nam. Xem biển chán, lại vào phòng nằm, như thế suốt mấy đêm ngày, chiếc hải thuyền vẫn bọc gió về phương Nam. Tính sức buồm hải thuyền đã vượt hỏi Nam Kỳ rồi nhưng lạ thay vẫn đi vùn vụt giữa vùng biển khơi, bốn bên tuyệt không thấy dạng đất nền và cũng chẳng thấy hải thuyền ghé tạm bến nào cả. Rồi lại mấy ngày đêm nữa qua, hải thuyền vẫn chạy giữa đại dương lộng gió. Trông sao, Phượng Kiều càng ngạc nhiên vì thuyền đã bỏ hướng Nam, chạy về nẻo Đông Nam. Va cảnh biển khơi như cũng bắt đầu đổi khác, từng đàn hải âu bay lượn quanh hải thuyền, mặt nước cũng như xanh thêm, phẳng như tấm gương phản chiếu mây trời đẹp như hoa gấm. Sực nhớ tới những cuốn sách về hải dương học đã đọc qua, Phượng Kiều đi tìm gặp Vũ Sinh, nhưng vẫn không thấy bóng. Một đêm về phòng riêng, vừa lên giường định nằm nghỉ, chợt nghe tiếng gõ cửa, rồi có tiếng Vũ Sinh gọi. Phượng Kiều không lưỡng lự, ra mở cửa luôn. Chàng trai họ Vũ bước vào, nàng hỏi ngay: - Hơn tuần nay muốn gặp ông, không gặp. Phải chăng hải thuyền dang tới miền Tân Thế Giới? - Chắc cô ngạc nhiên lắm nhỉ? Cô nương muốn nói miền Tân Đảo hay miền quần đảo phía Nam? Và không đợi nàng lên tiếng, chàng ta tiếp luôn: - Hải thuyền sẽ đi qua vùng đó! Phượng Kiều mở to mắt không giấu được nét ngạc nhiên: - Qua miền Tân Thế Giới? Các ông định đưa tôi xuống miên quần đảo Salomon? Chàng trai trẻ nhìn cô gái giây lâu, có vẻ lưỡng lự, đoạn ôn tồn: - Chính ra thì cô không nên biết là hơn, vì cô có thể lại nóng ruột hơn nữa. Chiếc hải thuyền này còn chạy ngoài biển... nửa tuần trăng không chừng! - Nửa tuần trăng? - Vâng, vì nhiều khi phải đi theo đường riêng, không dùng hải đạo của tàu buôn, tàu chiến, tránh những cuộc chạm súng vô ích, nhất là khi gần những hải phận quần đảo lạ. Phượng Kiều nhăn mặt: - Nửa tuần trăng? Lâu quá. Nhưng các ông đi tới mãi xứ nào? Vũ Sinh mỉm cười: - Rồi cô sẽ biết. Giờ cô nương chỉ rõ là thuyền đang vào miền Úc Châu. Phượng Kiều còn muốn hỏi nữa, nhưng Vũ Sinh đã nghiêng mình chào, lui ra. Tới cửa, chợt chàng dừng lại, đăm đăm nhìn Phượng Kiều và ôn tồn: - Hành trình cũng còn khá lâu, nếu cô nương muốn có bạn thỉnh thoảng trò chuyện cho khuây khỏa, để tôi bảo sư muội tôi tới? Phượng Kiều cả mừng, gật đầu vui vẻ: - Hay lắm! Chính tôi đã nghĩ tới điều đó, nếu được vậy, còn gì bằng nữa! Quả nhiên, sớm sau đang đứng trên boong ngắm cảnh bình minh, Phượng Kiều thấy một thiếu nữ xinh xắn bước đến bên, nhoẻn miệng cười tươi: - Em là Yến Phi, nhiều lúc muốn tới thăm chị, nhưng bận chút việc riêng, chưa tới được. Chị thứ lỗi cho. Thấy cô gái ân cần lễ độ, Phượng Kiều có cảm tình ngay, cũng cúi chào vui vẻ, làm thân. Hai người vừa ngắm phong cảnh vừa trò truyện, Phượng Kiều thấy cô gái nói tiếng Việt lơ lớ hỏi ra mới rõ nàng ta chính người Việt nhưng xa quê hương từ buổi còn để chỏm, trông qua đã đoán được là người có bản lãnh không thường. Từ đó, Phượng Kiều cũng đỡ buồn, nhờ Yến Phi năng đến chơi trò chuyện. Một buổi, nàng đang ngồi trong phòng, thì cô gái tới. Yến Phi nói với Phượng Kiều: - Rồi chị sẽ được thấy những miền lạ lùng khó tả! Chưa biết chừng rồi chị sẽ không muốn trở lại đất liền nữa! Phượng Kiều nghe nói tới đất liền, chạnh tưởng tới Đại Sơn Vương, tự nhiên thở dài. Yến Phi khẽ hỏi: - Chị buồn sao? Cảnh đẹp thế nàỵ.. Phượng Kiều ngắt lời: - Vui sao được! Nếu em biết được tâm sự chị.... Cô gái cười ròn tan: - Chà! Chị nói chẳng khác một thiếu nữ suốt đời chưa bước chân ra khỏi phòng the! Đại Sơn Vương nghe chị nói chắc phải buồn cười! - Em cũng biết Đại Sơn Vương? Cô gái long lanh mắt, cười khó hiểu: - Anh chàng tướng lạc thảo miền Vân Nam, ai mà chả biết! Hải thuyền qua vùng san hô, chạy mãi về hướng Nam chếch. Có lúc Phượng Kiều chỉ thấy mênh mông một nước một trời, nhưng có khi cũng thấy bóng đất liền mờ nổi phía xa, thỉnh thoảng cũng thấy bóng những thuyền buồm, hoặc tàu chiến sừng sững dưới trời mây, có khi chỉ cách chừng vài hải lý. Nhưng tuyệt không có cuộc chạm súng nào cả. Lạ nữa là càng xuống Nam thỉnh thoảng hải thuyền lại áp vào bờ, lão hành khất lại cùng một số thuộc hạ chèo xuồng lên đảo, có khi đến nửa buổi mới về. Lại có lắm khi chợt thấy từng toán xuồng thổ dân chèo ra, reo hò ầm ĩ như chào mừng thượng khách. Càng ngày, màn bí mật càng bao trùm chiếc hải thuyền cùng thầy trò lão hành khất quái dị. Phượng Kiều không thể nào đoán nổi lão là hải tặc hay một thủ lãnh đảng phái bí mật, nhất là không thể nào đoán nổi vì lẽ gì lão đàn ông luống tuổi từ đâu thình lình “hiện” về bắt mình chở tới một nơi xa xôi, cách lục địa Việt Nam hàng bao ngàn hải lý, vượt qua cả miền Đại Dương Châu và như còn đi mãi tới chân trời xa lạ nào nữa. Một đêm Phượng Kiều lần lên boong, ngạc nhiên thấy mặt biển đêm sáng hẳn lên, những hình thù cao ngất như núi chập chờn phía xa, định thần trông kỹ mới hay chính là những tảng băng bềnh bồng trên mặt nước. Phượng Kiều sửng sốt: - Nam cực! Trời! Nàng rùng mình, cái lạnh đại dương ngấm vào cơ thể. - Vâng, thưa cô, hải thuyền đang vào sâu miền Nam Băng Dương, tới tiên cảnh củạ.. Chúng ta! Từ lúc nào chàng tuổi trẻ họ Vũ đã đứng bên nàng, lặng lẽ như một cái bóng, cặp mắt long lanh nhìn nàng. Chàng cầm một chiếc áo lông thú trắng như tuyết khoác luôn lên vai nàng. - Cô đứng ngoài này không lạnh sao? Định nói lời cảm ơn xã giao, chợt bắt gặp ánh mắt người đàn ông dưới trăng mờ, Phượng Kiều thoáng chột dạ, lấy vẻ điềm nhiên hỏi: - Ông ra từ lúc nào? Tôi mải ngắm tảng băng nổi phía xa, không biết. Hải thuyền đã tới miền Nam Băng Dương sao? Vũ Sinh gật đầu: - Ngày mai nó sẽ tới miền tiên cảnh của chúng ta! Tiếng “Chúng ta”, chàng nói trầm hẳn xuống, thiết tha. Phượng Kiều cười thản nhiên: - Của riêng các ông chứ! Nhưng đất đẹp đến thế nào mà ông gọi là tiên cảnh? - Tiên cảnh vì xa cách hẳn giống người trần tục bon chen, vì nhưng rừng đào hoa nở thơm quanh năm, trái ăn thơm ngọt có thể thay thịt cá, tinh thần thêm minh mẫn. Chính sư phụ tôi mấy năm nay chỉ dùng đào thay cơm thịt và chúng tôi nhờ đào quí, đang tập trường chay. Nhưng nếu cô chưa quen ở đó vẫn có đủ mọi thức ăn theo sở thích cô nương. Và miền tiên cảnh đó là của chúng ta, vì cô nương sẽ sống ở đó cùng chúng tôi! Phượng Kiều nghe Vũ Sinhh tả miền đất liền sắp đến chẳng khác nơi tiên cảnh, liền đưa mắt nhìn chàng ta xem nói đùa hay thực, thấy vẻ mặt chàng ta vẫn nghiêm chỉnh, bất giác nàng mỉm cười tinh nghịch: - Chà! Nghe ông tả, tôi đã tưởng tượng các ông sắp đưa vào đất tu tiên, đủ cả chẳng thiếu chi. Vũ Sinh chòng chọc nhìn Phượng Kiều, giọng nói như trong mộng: - Không... nơi tiên cảnh đó chưa đủ, còn thiếu một thứ nữa, thiếu ái tình! Phượng Kiều choáng váng cả mặt mày vì “nhát búa” của chàng trai hạ xuống bất ngờ. Nhưng cô gái thông minh đã trấn tĩnh ngay được tinh thần, cất tiếng cười: - Chắc ông lầm đấy! Chỉ thiếu cà phê và Đại Sơn Vương Thần Xạ về kiếm mới được! Dứt lời, nàng chào Vũ Sinh, xuống thẳng boong, tâm thần còn kinh sợ. Cô gái cảm thấy điều lo lắng đã dần thành sự thực. Suốt đêm không ngủ, hôm sau nàng vùi đầu trong phòng, lúc thức dậy nhìn qua khung cửa, vô cùng kinh ngạc vì những tảng băng nối đuôi nhau chạy vùn vụt bên ngoài, qua sát mạn hải thuyền như sắp lao vào ép tan tành trong chớp mắt. Gió vẫn thổi vù, từng dãy núi băng bồng bềnh vụt qua khung cửa sổ khiến nàng muốn chóng mặt. Lại thêm ánh nắng chiều hôm loang loáng trên mặt băng, chập chờn ma quái, cảnh kỳ dị hiện trước nhãn quan, khiến nàng giụi mắt luôn mấy cái, tưởng mình mê ngủ. Tuy hồi sang du học bên Âu, nàng chưa có dịp tới miền Bắc Băng Dương, nhưng đã xem sách và nghe nhiều kẻ đi miền Bắc kể rõ cảnh nguy hiểm của những tảng băng trôi. Phượng Kiều khoác vội áo, lần lên boong xem cho rõ cảnh lạ lùng hiếm có. Vừa lên hết cầu thang, nàng đã có cảm giác như vừa rơi vào một thế giới dị kỳ không còn dính líu gì tới cảnh sống ngũ châu hiện tại nữa. Vì những cơn gió biển đã lui về dĩ vãng rất mau, trên ba thân cột buồm cao chót vót, ba cánh buồm rộng được hạ xuống từ lúc nào rồi, mất dạng, nhưng chiếc hải thuyền cổ quái vẫn trôi đi băng băng như chịu một sức đẩy vô hình kỳ dị nào. Cố lắng tai nghe, không thấy một tiếng động nhỏ của đông cơ. Hết sức ngạc nhiên nàng liền lên hẳn boong, ra mạn thuyền đưa mắt ngó quanh. Băng tảng vẫn trôi quanh thuyền trùng trùng điệp điệp. Và lúc đó nàng mới kịp nhận ra cái lạnh băng giá đã biến dần, trong người vụt thấy ấm dần như đang đi vào giữa gió xuân. Có tiếng kêu lạ tại đâu đây, thứ tiếng chưa bao giờ nàng từng nghe. Đưa mắt tìm quanh thấy trên mấy tảng băng cao, phía tả, từng đàn chim “panh guanh” đứng xoè cánh giương mắt nhìn hải thuyền trông chẳng khác thứ chim làm bằng bông bán trong các tiệm đồ chơi trẻ em. Kế phía dưới băng thấp, một bầy hải cẩu đang đùa giỡn, kêu lên những tiếng lạ lùng. Phượng Kiều nghe tiếng động quay sang, thấy Vũ Sinh từ phía cuối tàu tới, cặp mắt vẫn chứa cả một trời âu yếm. - Cô nương chắc đang lấy làm lạ cảnh thuyền không buồm, máy chạy giữa biển băng? - Ông đọc được cả ý nghĩ trong óc tôi sao? - Vâng. Vì đó là sự ngạc nhiên chung của tất cả những người nào lần đầu thấy cảnh đó trên Nam Băng Dương. Cô thử nhìn xuống biển, ngay bên mạn thuyền sẽ rõ. Phượng Kiều lẳng lặng cúi xuống, chú ý quan sát mới nhận ra phía dưới có một nguồn nước trôi xiết giữa biển băng và như có một cái gì vô hình ngăn không cho băng tràn vào. Phượng Kiều ngẩng nhìn Vũ Sinh. Chàng trẻ tuổi mỉm cười: - Đó là dòng hải lưu kỳ dị nhất Băng Dương. Tàu thuyền nào gặp hải lưu cứ việc trôi theo chiều nước lạ. Phượng Kiều đưa mắt ngó khắp cảnh biển băng lớp lớp bồng bềnh trắng xoá như tuyết: - Nhưng các nhà hàng hải Đông Tây đi thám hiểm Nam Băng Dương chưa thấy ai nói đã gặp luồng nước kỳ dị này! Vũ Sinh mỉm cườt lắc đầu: - Nếu ai cũng gặp dòng hải lưu này, miền đất phía cuối hải lưu còn chi là tiên cảnh nữa? Chính sư phụ tôi nhờ duyên trời đưa tới, đắm tàu, người ôm mảnh ván trôi bạt phong, tình cờ vào được nguồn lưu thủy lạ lùng này mới tới được đảo thần tiên, chốn Bồng Lai của những kẻ đã chán miền trần tục! - Và của người không may thất thế... bị lưu đầy! Thôi, đứng ngoài này lâu quá, xin phép ông, tôi muốn vào phòng nằm nghỉ một chút, lúc nào tới đảo Thần Tiên xin ông nhớ cho gọi ngay nhé! Dứt lời, nàng nghiêng mình chào, quay vào ngay, vì thấy cặp mắt chàng trai họ Vũ đã chứa chan vẻ khác thường. Vào phòng, nàng đóng chặt cửa, nhất định không ra ngoài nữa. Nàng tỉnh dậy giữa lúc cồng khua, tù và rúc, người người hò vang dội từ phía trước tràn vào. Hé cửa sổ trông ra, vẫn thấy băng nổi bồng bềnh, nhưng hải thuyền hình như đã ngừng trôi hẳn. Còn đang ngạc nhiên, đã nghe những phát đại pháo nổ vàng đến nhức óc, rồi tiếng người hô, cồng thúc lại nổi lên inh ỏi. Không nén được tò mò, nàng liền mở cửa, ra ngoài, lần lên boong. Trời đã hoàng hôn. Dưới ánh nắng màu vàng diệp, một hòn đảo đã hiện ra lung linh giữa biển băng như một hình ảnh trong cõi mộng. Mấy ngọn núi tuyết trắng xóa nhô lên xa xa, óng ánh như dát vàng. Cô gái lên hẳn boong, đưa mắt nhìn quanh, mới hay hải thuyền đã neo vào một dãy núi, và dòng thủy lưu đã cuốn thẳng vào chân núi, chạy theo hình cánh cung ôm lấy đảo. Từ nội địa, thổ dân đang hớn hở chạy ra. Ngay chỗ thuyền đậu đã có đông dân tụ tập, hò reo, có mấy toán quân nam, nữ dàn hàng rất uy nghi, lạ mắt. Vì đám thổ dân lạ, ăn mặc sặc sỡ muôn màu, không giống bất cứ thổ dân nào. Trông qua, thấy đủ mọi màu da. Cả tiếng reo hò, Phượng Kiều nghe cũng không hiểu họ nói thứ tiếng nước nào nữa. Trên hải thuyền, đám thủy thủ của ông già quái dị cũng đã dàn ngang, như chờ đợi một cái gì nghiêm trọng. Phượng Kiều bước tới sau đám đông thủy thủ, đưa mắt ngó quanh, không thấy ông già quái dị đâu. Chợt Yến Phi từ phía bên kia mạn thuyền bước tới, tươi cười: - Chị thấy quang cảnh thể nào? Chắc chị lấy làm lạ sao lại có một hòn đảo nổi giữa biển băng lạnh lẽo nhỉ? Phượng Kiều chăm chú ngó cô gái, thấy nàng ta chiều nay đã trút bỏ bộ quần áo lục địa, giờ xiêm y cũng sặc sỡ như đám thổ dân tạp chủng dưới kia. - Đã tới đảo Thần Tiên đây sao? Cảnh trông lạ mắt thật. Mà lạ nhất sao ở đây có lắm giống người thế? Yến Phi ngó về phía thổ dân, và quay bảo Phượng Kiều: - Vâng, đây đã tới miền đất của lão sư rồi, nhưng chưa phải là Thần Tiên Đảo! Hải thuyền còn phải xuôi giòng lưu thủy nữa! Phượng Kiều ngạc nhiên chưa kịp cất lời hỏi, Yến Phi đã nhanh giọng: - Sư phụ đã ra kìa! Thôi chào chị, em phải đi hầu người đây! Vừa nói, cô gái vừa chạy ra chỗ đám đông. Phượng Kiều tò mò cũng vội tiến lên theo, đã thấy một toán thanh niên, thiếu nữ y phục sặc sỡ từ tầng dưới lên phò ông già quái dị giữa hàng gươm súng, xuống khỏi hải thuyền. Phượng Kiều chỉ thấy được phía sau, nhưng cũng nhận được dáng Vũ Sinh đi sát một bên sư phụ. Và nàng không khỏi lấy làm lạ vì ông già quái dị không còn hình dáng lão hành khất trên lục địa nữa, mà là một người có dáng dấp uy nghi trong bộ quần áo đỏ tía bằng vóc đại hồng y hệt phẩm phục bực đại quan thời cổ. Lão có còn giống lão hành khất chăng, là trên tay lão vẫn cầm chiếc gậy trúc kỳ khôi Nàng định băng mình theo thì một gã cao lớn vạm vỡ đã lù lù tiến lại, cúi đầu, giơ tay cản lại, một tay trỏ về phía cuối hải thuyền. Nàng cau mày toan buông lời cự, nhưng nghĩ mình là tù nhân, có nói cũng bằng thừa, liền lẳng lặng lộn về phòng. Cơm chiều xong, Phượng Kiều định lần lên boong chơi, lạ thay, thấy mi mắt cứ nặng trĩu xuống, buồn ngủ vô cùng. Nàng cố chống cự, nhưng chỉ được mấy phút, thân thể rã rời quá, đành lên giường, kéo chăn đắp và ngủ một giấc ngon lành, không còn biết trời đất gì nữa. Tỉnh dậy, trông ra, ánh nắng chan hòa phòng vắng. Không rõ mình đã ngủ bao lâu, nàng bước tớí bên cửa sổ, mới rõ chiếc hải thuyền lại đang trôi giữa dòng lưu thủy giữa biển băng trắng xóa. Cảnh trời nước, đảo khơi êm đềm giữa gió xuân khiến nàng có cảm giác chập chờn như đang lướt dần vào miền non Bồng nước Nhược mộng mơ. Trên boong, không một bóng người. Phượng Kiều đi quanh mãi, không gặp ai, lại về phòng nằm. Lúc cô gái hầu nhỏ bưng cơm vào, nàng mới biết đã sáu, bảy giờ tố. Bụng đói cồn cào, ăn xong, nhìn ra cửa sổ vẫn thấy ánh sáng chan hòa, lấy làm lạ. nàng lại lần lên boong, trông về phương Tây, lúc đó mới giật mình vỡ lẽ, trước cảnh lạ trước mắt. Nàng đã tới miền mặt trời không lặn nữa. Hay nói rõ hơn, chỉ sáu tháng mặt trời lặn có một lần, để sáu tháng qua, mới có một buổi rạng đông. Lần đầu tiên đến nơi “ánh sáng vô tận” cô gái miền lục địa không khỏi sững sờ, tuy nàng đã được đọc thấy trong sách đã nhiều. - Trời ? Chúng đã đưa ta tới mãi chỏm địa cầu. Vũ Sinh từ đâu tiến lại, cười cười nói nói, khoát tay chỉ khắp vùng biển lạ bao la: - Kia! Đảo Thần Tiên của chúng ta đã hiện ra rồi! Phượng Kiều lặng lẽ chăm chú trông theo ngón tay Vũ Sinh trỏ, quả nhiên thấy dáng đất liền nổi lên phía trước, cuối ngọn hải lưu, chỉ cách vài hải lý. Hải thuyền vẫn êm đềm lướt đi như tên. Gió xuân hây hây thổi mấy sợi tóc mây của nàng lòa xoà xuống trán. Hòn đảo kỳ dị hiện rõ dần, một hải đảo chưa hề được vẽ trên bản đồ hàng hải.