Hồi 36a
Tân Xuân gặp gỡ - Thượng sơn tầm thù
Hãy nói về Long Uyên, gia đình của chàng đã dán yết thị khắp nơi tuyên bố ngày cưới của chàng. Trong ba ngày cưới tại nhà nhọ Long người ra vào chật ních. Ít khi có một đám cưới nào lại linh đình như thế này, bất cứ người thuộc giới nào của thành Chức Mạc cũng đều có thiện cảm với nhà họ Long, nên trong ba ngày Tết cũng là ngày cưới của Long Uyên, người đến chúc Tết và chúc mừng đám cưới vô cùng tấp nập. Lầu hai của nhà chàng không đủ chỗ ở, nên bây giờ đã phải sửa chữa, Long Uyên với cha mẹ phải xuống ở tạm phòng của bác bảy.
Long Uyên tránh mặt không chịu tiếp khách, chỉ cùng Lỗ Trí giấu mình trong một gian phòng nhỏ để bàn tính kế hoạch, công việc tiếp khách đều để cho các thúc bá phụ trách. Trong chín vị phu nhân, ngoài Trí Chi phu nhân với mẹ của Long Uyên ra thì bảy vị kia có vẻ không vui, vì nhận thấy hai đứa con dâu mới cưới này không thuộc của họ, cho nên các vị phu nhân ấy ngoài mặt vui vẻ tiếp khách, nhưng trong lòng không vui là mấy.
Lỗ Trí ở nhà Long Uyên cũng không được nhàn rỗi gì cả, ngoài việc bàn kế hoạch với Long Uyên lại phải phụ trách canh gác hộ chàng, việc canh gác trước kia do Diệp Hoàng Hà Thanh phụ trách, nhưng bây giờ y là dâu gia trong mấy ngày cưới, y phải trông nom và sắm sửa cho con gái.
Cũng may tám đại tiêu cục ở Kim Lăng hiệp cùng mấy vị cục chủ vận lương thực cũng tới kịp dự đám cưới này. Lục Qui với Hoa Hoa cũng tự động tham gia vào việc ấy.
Võ Di bà bà, Phong Lan với một cô nương nữa là Tú Mai đã dọn ra ngoài Long phủ, và ở tạm Xương Lăng khách sạn ở trong thành.
Nhà họ Long đã bao hết toàn bộ khách sạn, và phái mười thị tỳ mà mười nô bộc hầu hạ, nên cha con Tú Mai với bà cháu Võ Di bà bà được chăm sóc một cách chu đáo khôn tả, nhất là Phong Lan với Tú Mai, lúc trước tại Long trạch vì khuôn phép mà không được cùng nhau gần gũi chuyện trò, nhưng từ khi dọn về khách sạn này, hai người suốt ngày gần gũi nhau, nên không đầy nửa ngày đã thân nhau như tỷ muội.
Chỉ có Long Uyên mấy ngày hôm nay tuy nhàn nhã nhưng cũng khổ tâm nhất, vì lúc này chàng đã trở thành một người có danh vọng cực kì lớn, đi tới đâu cũng gặp người cúi chào chúc mừng mình, ai ai trông thấy chàng cũng tỏ vẻ ngưỡng mộ, nên chàng cảm thấy vô cùng phiền phức dù rằng trong lòng có chút cảm giác khoái chí. Ngoài ra, hình bóng Vân Tuệ lúc nào cũng hiện lên trong tâm trí làm cho chàng bứt dứt khôn tả.
Chàng còn nhớ đêm nọ, uống rượu say về tới phòng thấy Phong Lan lại tưởng là Tú Mai, lại có chút hơi rượu nên đã chiếm chút tiện nghi với nàng, đêm ấy chàng và nàng chưa chính thức làm lễ mà chàng đã chiếm mất trinh tiết của Phong Lan rồi.
Thời gian trôi nhanh, chỉ nháy mắt đã đến ngày mùng ba. Từ trước cửa khách sạn ở trong thành ra tới cửa nhà Long Uyên ở ngoài thành người tụ tập đông như kiến cỏ, phải chen vai thích cánh mới có thể lọt qua. Đám cưới đón dâu cũng linh đình hết sức và cũng vì quá động như thế mà đã làm cho mấy người Lỗ Trí khổ vô cùng, mọi người phải dụng biết bao sức lực mới dẹp được một lối đi để cho đám cưới đi qua.
Dẫn đầu đoàn rước là một con rồng dài hơn năm trượng, do hơn hai chục người múa, sau đến đội bát âm, rôid đến những người mang của hồi môn, cuối cùng mới là kiệu rước dâu, hai chiếc kiệu hồng đều do tám người khiêng! Sau hai chiếc kiệu lại còn có những kiệu dành cho người đưa dâu ngồi, hai bên kiệu đều có đèn lồng kết hoa. Thực là linh đình náo nhiệt không kém gì vua chúa vi hành. Khi kiệu cô dâu tới cưa, theo lệ Trung Hoa, Long Uyên phải đá vào cửa kiệu thì bà mai mới cõng cô dâu vào trong nhà. Hai cô dâu đều đội mão phượng mặc phượng y, dùng một cái khăn nhiễu phủ mặt; nếu không được các tiêu sư giúp sức gạt những người xem sang hai bên thì kiệu không cách chi chen vào đến tận cửa Long trạch được.
Khi cô dâu chú rể vào tới đại sảnh, Long Uyên đứng giữa hai cô dâu đứng hai bên đi tới trước bàn thờ tổ, một người chuyên làm lễ đã đứng chờ tại đó lập tức hô lớn:
-Nhất bái thiên địa…
-Nhị bái cao đường…
-Phu thê giao bái…
-Đưa cô dâu chú rể vào động phòng, tấu nhạc… lễ tất…
Long Uyên với hai cô dâu nghe theo người xướng ngôn mà quì ba lần, vái chín vái, bái xong trời đất rồi quì lạy chín vị môn chưởng thúc bá, rồi ba vợ chồng lại vái lạy lấn nhau rồi do tỳ nữ đưa hai trái cầu kết bằng điều cho Long Uyên, càm cầm hai trái ấy vào tay, còn đuôi của mỗi trái cầu là một mành lụa, thì đưa mỗi cô dâu cầm một đuôi. Sau Long Uyên đi trước theo bố tiểu đồng cầm đèn lồng đỏ dẫn đường, đi một bước lại dừng lại một bước để dẫn hai cô dâu lên lầu, ban nhạc ở góc sảnh cũng bắt đầu tấu nhạc rộn ràng, ngoài cửa pháo nổ đì đùng và tiếng ồn ào che nấp cả tiếng nói chuyện rôm rả của mọi người trong sảnh.
CÁc tân khách thấy cô dâu chú rể làm lễ tơ hồng xong liền ra ngoài sân xem tuồng và vào bàn ăn uống.
Chín đôi vợ chồng già mừng rỡ vô cùng, lúc nào cũng cười tít mắt lại vì đứa con duy nhất của dòng họ đã lập gia thất rồi.
Hãy nói Long Uyên và hai cô dâu, vào đến trong phòng lúc này Long Uyên mới thở phào nhẹ nhõm, chàng liền vén lụa điều che mặt hai cô dâu lên, thoạt tiên chàng cũng không biết người đó là ai? Nhưng sau khi vén lên mới biết đó là Phong Lan.
Phong Lan từ khi lên kiệu đến giờ cứ bị cái khăn điều che phủ, mọi hành động đều được bà mai hướng dẫn nhờ vậy lại đỡ hổ thẹn như Long Uyên.
Lúc này Long Uyên bỏ cái khăn điều hộ nàng ra nàng mới được nhìn thấy bộ mặt anh tuấn của chàng, và cũng thấy chàng khoác một miếng nhiễu điều qua, nàng xuýt nữa thì cười thành tiếng.
Vì chung quanh có bố tỳ nữ nên nàng hổ thẹn cúi đầu xuống không dám nhìn Long Uyên một cách đường hoàng nữa.
Long Uyên thấy nàng hổ thẹn như vậy lại càng quyến rũ hơn, nên ngẩn người ra ngắm nhìn, đột nhiên nghe tiếng các tỳ nữ cười khanh khách mới giật mình nhớ ra nhiệm vụ của mình mới hoàn thành có một nửa thôi, chàng vội tiến lên mấy bước kéo nốt chiếc khăn điều phủ trên mặt cô dâu thứ hai. Tiếp theo đó bà mai chỉ huy bọn nữ tỳ khiêng một cái bàn tròn đến trước giường, nhanh tay bày một bữa tiệc hợp cẩn để ba người ăn.
Long Uyên với hai cô dâu cùng nâng chén lên uống, uống xong ly rượu hợp cẩn ấy ba mai biết việc của mình đã hoàn tất liền cúi chào ba tân lang và giai nhân, rồi lui ra ngoài phòng luôn. Tỳ nữ cũng lần lượt lui ra, để cho cô dâu chú rể được tự nhiên, ở lại chỉ làm vướng víu ngượng ngùng mà thôi. Khi lui ra chúng cũng tiện tay khép cửa phòng lại.
Thế là trong phòng chỉ còn lại ba người, thoạt đầu ba người đều hổ thẹn không ai dám mở lời, sau chú rể thấy trong phòng không còn người nào nữa liền ho han một tiếng rồi nói:
-Hai vị…
Phong Lan quen biết chàng đã lâu, lúc này nghe thấy chàng ho khan đã buồn cười, lại nghe chàng gọi “hai vị” thì không sao nhịn được liền cười khúc khích. Còn Tú Mai cứ cúi gằm mặt xuống, nhưng mọi cử chỉ của hai người đều trông thấy hết. Lúc này nàng liền đứng dậy và rót một chén nước cho Long Uyên.
Long Uyên uống xong chén nước liền nói cảm ơn, rồi hỏi Phong Lan:
-Lan muội cười gì thế?
Phong Lan đưa mắt nhìn Tú Mai, vừa cười vừa nói:
-Em ư? Em thấy chúng ta người nào cũng như người gỗ, bị người ta kéo đi kéo lại thực là tức cười.
Tú Mai đối với cuộc hôn lễ này vốn rất thành kính, nhưng bây giờ nghe Phong Lan nói vậy cũng bụm miệng cười khúc khích. Long Uyên nhìn hai người, cả hai đều rạng rỡ thêm sau những nụ cười, bao nhiêu sự bất mãn lúc này tiêu tan hết, môi khẽ cười nói:
-Biết làm sao được, chúng ta ở trong đại gia đình phải biết giữ lễ, nhưng sau này nếu…
Chàng bỗng dừng lời, chàng vốn định nói sau này lấy vợ nữa thì không chịu lấy những lễ nghi như vậy, lại nhớ ra chàng đang ở trong phòng với hai cô dâu mà lại nói đến vấn đề này thực là không nên không phải, cho nên mới không dám nói tiếp.
Phong Lan thắc mắc vô cùng, vội hỏi:
-Nhưng cái gì, sao chàng không nói nữa?
Long Uyên lắc đầu đáp:
-Không có cái gì hết, chắc hai vị đói rồi, thức ăn hãy còn nóng, mau ăn cho ngon, kẻo lát nữa mọi người tới lúc ấy muốn ăn cũng không ăn được.
Tú Mai thuận lòng chàng liền cầm đũa lên, còn Phong Lan thì cau mày đáp:
-Hừ! Đại ca không nói tiểu muội cũng biết, có phải đại ca muốn nói sau này kết hôn với chị Tuệ lễ nghi sẽ giản tiện hơn có phải không? Nói thực cho đại ca biết, không thể được đâu, khi nào các vị bá phụ bá mẫu với cha mẹ chịu nghe theo đại ca mà làm như thế.
Tú Mai nghe Phong Lan nói chuyện đã biết đại khái chuyện của Vân Tuệ rồi, nàng không lấy gì làm kinh ngạc cả, Phong Lan thấy Long Uyên có vẻ ngạc nhiên lại nói tiếp:
-Tôi với em Mai đã chịu khổ sở như vậy, chẳng lẽ chị Tuệ lại được thoát nạn hay sao, cho nên tôi mới bảo chị Tuệ cũng phải bị một lần như chúng tôi, như thế mới công bằng!
Long Uyên liền nói:
-Thì ngu huynh cũng phải chịu một lần rồi.
-Chịu một lần thì sao chứ, đại ca muốn lấy nhiều vợ thì phải chịu khổ là đương nhiên, như vậy mới hợp lý chứ, có phải không Mai muội?
Tú Mai với Long Uyên không quen thuộc lắm, hơn nữa nàng đối với Long Uyên có vẻ tôn kính cho nên nàng không dám ngã về phe Phong Lan mà chỉ mỉm cười không nói.
Phong Lan thấy vậy thì có vẻ buồn bực vô cùng nói tiếp:
-Mai muội không được cười như thế, phải lên tiếng nói chứ.
Long Uyên vội đỡ lời:
-Lan muội đừng có bắt ép Mai muội. Mai muội không nói nghĩa là đồng ý với Lan muội rồi.
Phong Lan chẩu môi lên nói tiếp:
-Ồi chà! Chưa chi đại ca đã thiên vị rồi.
Long Uyên với Tú Mai liền đỏ bừng mặt, Tú Mai vội đáp:
-Chị Lan, em tán thành ý kiến của chị, muốn hưởng thụ được nhiều diễm phúc thì tất nhiên phải khổ mới được chứ…
Lúc ấy Phong Lan mới nguôi giận cười khì. Tiếp đó ba người chuyện trò vui vẻ hết sức. Một lát sau Long Uyên nghe có tiếng chân người vọng lên, trong lòng lo âu vô cùng, biết là khách mời mình xuống tiếp rượu chứ không sai. Nên chàng vội bảo hai nàng chờ rồi lẳng lặng theo cầu thang khác xuống dưới trước.
Ở dưới khách sảnh mọi người đang vui vẻ bỗng thấy chàng xuất hiện. Trí Chi liền đứng dậy nắm tay chàng giới thiệu với tất cả tân khách.
Giới thiệu xong Trí Chi liền bảo Trí Lễ các người dẫn chàng đi tiếp rượu từng bàn một. Chàng biết hôm này không thể nào rời khỏi sảnh đường nếu không say một mẻ nên trong lòng có chút hãi sợ, Trí Chi cũng biết điều đó nên rỉ tai truyền thụ cho chàng một mưu kế.
Chàng mừng rỡ khôn tả rồi tiếp tục đi các bàn mời rượu, khi mới tới mâm của hoa Hoa chàng đã lảo đảo như sắp té ngã, Hoa Hoa thấy chàng như vậy giật mình kinh hãi vội nói với mọi người:
-Công tử đã say rồi, còn mấy bàn nữa xin quí vị miễn cho.
Thế rồi, y vực chàng đưa lên phòng cô dâu. Bên dưới đã có các vị bá phụ với cha mình tiếp khách, vào tới phòng Long Uyên giả bộ nằm lăn ra giường, các nữ khách thấy chú rể vào vội vàng rút lui đi hết.
Khi mọi người đi khỏi phòng, Phong Lan liền quay lại chọc lét chàng và nói:
-Đừng có giả bộ nữa, khách đã đi hết rồi, còn không mau ngồi dậy, đại ca giả bộ khéo thực nhưng tiếc thay tiểu muội không tin.
Tú Mai thấy cử chỉ của Phong Lan như vậy không hiểu gì. Ngờ đâu tới lúc đó chú rể đã ngồi dậy, nàng cũng không sao nhịn được cười và à lên đã hiểu ra chuyện gì.
***
Lưu Gia điếm ở cách Thiếu Lâm Tự chừng hơn trăm dặm, Vân Tuệ, Vương Mai với Phả Cái tới đây đã bắt gặp một vài hòa thượng tuổi trẻ. Những hòa thượng này quần áo rách rưới trông mặt thực phong trần, tay cầm bát đồng, vẻ mặt từ bi, khác hẳn những hòa thượng mà Vân Tuệ đã thấy, vì xưa này nàng vẫn tưởng những hòa thượng của Thiếu Lâm chỉ hay trợn mắt giận dữ, và ỷ thế hiếp người, hơi tý là ra tay đánh người. nên giờ đây nàng ngạc nhiên vô cùng, bụng bảo dạ:
“Chẳng lẽ phái Thiếu Lâm đã tiềm tích rồi chăng?”
Tuy nghi ngờ như vậy nhưng ba người vẫn tiếp tục đi đến chùa Thiếu Lâm. Khi tới Khoáng Thành, muốn thận trọng hơn nên ba người đổi kế hoạch hành trình, ban ngày nghỉ ngơi, ban đêm lên đường. Hơn nữa, đi lại trong lúc đêm khuya, ba người có thể giở khinh công tuyệt mức ra đi được nên không lâu ba người đã đến được núi Thiếu Thất.
Thiếu Thất sơn ở về phía bắc huyện Đằng Phong tỉnh Hà Nam, về mặt phía Tây của núi Thiếu Thất cao chừng mười sáu dặm, rộng chừng ba mươi dặm. Nơi chính giữa cơ ba mươi sáu ngọn núi, nguồn gốc của con sông Dịch Thủy ở nơi đây chảy xuống, Chùa Thiếu Lâm xây ở phía Bắc trên đỉnh núi, Phả Cái đã từng tới đây mấy lần nên rất quen thuộc.
Vì vậy đi tới chân núi, ông ta không nên núi một cách vội vàng mà men theo chân núi, tiến thẳng về phía Bắc.
Lúc ấy mặt trời mới bắt đầu ló dạng, ba người đi cả đêm trường, tuy rằng Vân Tuệ với Phả Cái không hề mệt nhọc chi cả, nhưng Vương Mai đã mệt nhoài, nhưng tính nàng hiếu thắng, dù mệt nhưng không kêu khổ hay kêu dừng chân gì cả, cố gắng chịu đựng, nhưng biểu hiện của nàng không khi nào qua mắt được hai người. Rõ ràng mồ hôi rầm rề ướt hết cả quần áo mà không chịu mở lời xin nghỉ. Phả Cái ngầm quan sát, thấy nữ đồ đệ cương nghị như vậy cũng mừng thầm. Vân Tuệ sau một hồi bỗng quay lại nói:
-Bá bá, đằng trước có một thị trấn, chúng ta hãy đến đó nghỉ rồi lên núi nhé?
Phả Cái vẫn không ngừng chân, tung mình nhảy tới bảy tám trượng, vừa đi vừa đáp:
-Cũng được! Chúng ta đến đó ăn no một bữa đã rồi tính sau…
Ông ta vừa nói xong, ba người quanh qua mỏm đá liền thấy một thị trấn nhỏ thực. Ông sợ bại lộ hành tung liền ra hiệu cho hai người đi chậm lại rồi thủng thẳng tiến vào thị trấn.
Tiểu trấn này rất bé nhỏ, chỉ có độ hơn trăm nóc nhà nhưng phố xá lại rất chỉnh tề, và đa số là tiệm buôn. Nhưng lúc ấy trời hãy còn sớm và lại sắt đến Tết nên hương khách lên chùa lễ phật cũng vắng bóng, cho nên tiệm nào tiệm nấy đều đóng cửa nghỉ ngơi để đón Tết, chờ khi mùng một Tết đến khi đó có đông khách hành hương lên chùa lễ Phật mới mở cửa buôn bán.
Vì vậy chí có một số ít tiệm bán tạp hóa là mở cửa mà thôi. Vương Mai thấy vậy không nói năng gì, miệng nàng dẩu lên. Lúc ấy Vân Tuệ đã trông thấy một quán rượu ở cách đó không xa, liền lên tiếng nói:
-Bá bá, chúng ta đi tới đầu phố đằng kia đi! Nói đó có một tiệm mở cửa rồi đấy!
Vương Mai đang đói bụng, trong lòng có chút bực tức vì các tiệm đều đóng cửa cả, bây giờ bỗng nghe thấy Vân Tuệ nói như thế nàng mừng rỡ khôn tả, liền nhảy mấy cái tới trước cửa tiệm và quay đầu lại lớn tiếng gọi:
-Sư phụ, tỷ tỷ mau lại đây! Trong quán này đang làm dầu chả quẩy với bánh tiêu đấy.
Phả Cái nghe nói liền cau mày không trả lời, nhưng vẫn rảo bước tới trước mặt Vương Mai, trầm giọng mắng:
-Làm gì mà om sòm thế? Sư phụ chẳng dặn rồi là gì? Nơi đây không như chỗ khác. Hà…hà… cũng không thể trách con được, từ chiều hôm trước đã không ăn gì…
Vương Mai đã chẩu môi lên, nghe sư phụ mắng như vậy liền lè lưỡi làm mặt xấu rồi chạy ngay vào trong tiệm tức thì.
Tửu bảo thấy một cậu bé chạy vào đã kinh ngạc, sau lại thấy Phả Cái với Vân Tuệ, một người ăn mày già với một thiếu phụ xinh đẹp đều không phải là người bổn xứ thì đã hiểu hết mấy thành rồi.
Thị trấn này tuy nhỏ bé, nhưng vì cáo nhiều khách thập phương qua lại để lên núi lễ phật, và ngoài ra cũng có rất nhiều võ lâm hào khách lui tới. Cho nên chủ điếm và tửu bảo không chậm trễ, vội lấy mấy đĩa bánh tiêu và “dầu chả quẩy” ra và múc ba bát cháo cho ba người ăn trước.
Ăn xong bát cháo với mấy cái bánh tiêu, Vân Tuệ mới nhớ tới mấy hòa thượng gặp trên đường đều là những hòa thượng khổ hạnh, liền lên tiếng hỏi chủ điếm:
-Ông chủ, ở đây đi lên chùa Thiếu Lâm còn bao xa.
Người chủ quán vội đáp:
-Chừng… tám chín dặm.
Vân Tuệ thấy chủ quán trả lời có vẻ hồi hộp liền mỉm cười tỏ vẻ khích lệ, và hỏi tiếp:
-Chúng tôi nghe nói chùa Thiếu Lâm là chùa lớn nhất thiên hạ, chắc các vị hòa thượng ở trên chùa nhiều lắm phải không?
Người chủ quán thấy nụ cười của nàng, giọng nàng lại rất êm dịu dễ nghe nên cứ ngẩn người ra ngắm nhìn nàng mà quên cả nàng đang hỏi mình.
Vương Mai với Phả Cái ngồi cạnh thấy vậy đều phì cười, Vương Mai vỗ bàn một cái quát lớn:
-Ông chủ này thực… thiếu…
Vân Tuệ thấy người ấy giật mình kinh hãi, trong mắt có vẻ hoảng sợ pha kèm sự hổ thẹn, thì không nhẫn tâm vội chen lời:
-Ông chủ đừng sợ! Xin hãy trả lời câu hỏi của tôi?
Chủ điếm liền cúi đầu đáp:
-Thưa cô nương, chùa Thiếu Lâm to lớn vô cùng, hòa thượng có đến hơn nghìn người, xưa nay Phật pháp cao thâm, võ công rất lợi hại. Những người đã thông qua tam quan đều được phép hạ sơn đi hóa duyên khắp nơi, hoặc điều đi làm chủ trì các phân chùa để tu tích thiện công cho nên tren chùa chỉ còn lại vài trăm vị thôi. Nhưng mười mấy năm nay không hiểu sao những hòa thượng ở khắp nơi đề được gọi về hết.
Phả Cái, Vân Tuệ và Vương Mai ba người nghe thấy chủ điếm nói vậy thì thắc mắc vô cùng, đồng thời cũng nhận thấy việc của mình bỗng trở nên khó khăn vô cùng. Vì chùa Thiếu Lâm người nhiều, thế mạnh, và trong đó lại có rất nhiều người tài ba, như vậy đã khó lòng địch nổi rồi?
Bây giờ lại nghe thấy các cao thủ đều được gọi về chùa hết, như vậy muốn tự do ra vào để tìm kiếm hung thủ chính đã giết hại Độc Cô Khách đã khó nay càng khó hơn.
Vân Tuệ cau mày ngẫm nghĩ giây lát rồi hỏi tiếp:
-Phải đấy, có lẽ những hòa thượng mà chúng ta gặp ở dọc đường đều là những người của chùa Thiếu Lâm.
Người chủ tiệm ngửng đầu lên, thấy nàng có vẻ hồ nghi, liền lên tiếng đáp:
-Những hòa thượng đó đều là người của chùa Thiếu Lâm, nhưng đều là đệ tử đời chót, xưa kia các đệ tử đời chót không được phép xuống núi, nhưng mấy năm gần đây luật lệ thay đổi hẳn. Những đệ tử đời chót trước khi được truyền thụ Phật pháp thượng thừa phải xuống núi tích thiện ba năm.
Phả Cái nghe ngạc nhiên vô cùng, vì theo chỗ ông ta biết môn hạ của Thiếu Lâm ngay từ khi nhập môn đã được dạy võ công, và chỉ khi nào có thể vượt qua được tam quan mới có tư cách xuất sư, bằng không, dù báy tám mươi tuổi cũng đừng có hòng ra khỏi chùa một bước.
Nhưng không ngờ luật lệ ấy tương truyền đã lâu mà bấy giờ nhất thời thay đổi như vậy, không hiểu là vì nguyên do gì?
Tuy Vân Tuệ chưa biết luật lệ trước kia của chùa Thiếu Lâm như thế nào, nhưng nhận thấy chùa Thiếu Lâm thay đổi luật lệ như thế ắt có nguyên do gì đấy! Nhưng nhất thời nàng không đoán ra được đó là nguyên do gì. Nàng móc túi lấy nén bạc chừng năm lạng đặt lên bàn khẽ nói:
-Cám ơn ông chủ! Đây, ông chủ cầm lấy, cháo và bánh hết bao nhiêu tôi không cần biết, chỗ còn dư ông chủ cứ giữ lấy.
Người chủ thấy nén bạc kếch sù như vậy mừng rỡ khôn tả, vội cung kính đáp tạ rồi lui xuống.
Vân Tuệ cau mày lại, nhìn chung quanh thấy không có người liền nói với Phả Cái:
-Bá bá, chùa Thiếu Lâm chắc chắn có chuyện xảy ra! Bây giờ nếu chúng ta lên trên đó, cháu e không tiện…
Phả Cái cũng cau mày lại, với giọng khàn khàn đáp:
-Nhưng… già này tuy đã ẩn dật mười năm mà bây giờ hễ lộ mặt ra cũng thấy phiền phức lắm.