Hồi 1-1: Tửu Quỷ
Trời vào thu lâu rồi, lá vàng nhuộm ửng đầu cây và trải dần trên mặt đất.
Ngay ở đầu đường có một tòa trang viện khá lớn, nhưng vẻ đồ sộ của nó lại giống như cây cỏ mùa thu, nghĩa là trông vào dáng sắc thì tòa trang viện này cũng đến thời kì tàn tạ.
Hai cánh cửa lớn màu đỏ đã xậm màu, y như đã trải qua một quãng thời gian không người mó tới, hai vòng khoen cũng bắt đầu rỉ sét.
Bên trong vòng tường cao mút dấu vôi lỗ chỗ nhiều nơi, không nghe một tiếng động nào để chứng tỏ rằng đang có người trong đó, thỉnh thoảng tiếng chim rời rạc chiều thu càng làm cho không khí thêm phần xác xơ hoang vắng.
Nhưng, nghe đâu tòa trang viện này cũng đã có một thời huy hoàng, nơi đã sinh ra bảy vị thám hoa, ba vị tiến sĩ, một trong bảy vị Thám hoa đó lại là một con người hào phóng vang danh hiệp sĩ.
Mười năm trước dây, tòa trang viện đã có một lần thay đổi chủ nhân và hai năm trước đây, nơi trang viện này đã xảy ra nhiều chuyện kinh động võ lâm, đã có rất nhiều cao thủ thành danh tánh thân trong tòa trang viện ấy, khi người chủ cũ sau bao nhiêu năm bỏ ra vùng quan ngoại trở về.
Cũng tròn hai năm trước đây, sau giai đoạn huy hoàng và kinh động ấy, tòa trang viện bỗng như trầm lặng, người chủ nhân mới sau này luôn cả người chủ cũ trước kia, không biết tuyệt tích về đâu.
Từ đó, thiên hạ vụt lên truyền thuyết, một truyền thuyết đáng sợ, người ta xì xầm to nhỏ, bảo đó là tòa nhà hung hiểm mang đầy chết chóc.
Bất cứ một người nào, hoặc cao tăng, hoặc kỳ sĩ hay mỹ nhân nghiêng nước nghiêng thành, cứ đã đặt chân vào toà trang viện ấy thì kể như chung cuộc của kiếp người, nếu không mang thảm họa thì cũng sẽ mãi mãi gian truân.
Bây giờ, nơi tòa trang viện đó, ngày cũng như đêm không còn tiếng huyên náo ồn ào, ánh sáng cũng theo đó mà tắt ngấm, chỉ có phía lầu nhỏ ở phía sau đâm về còn le lói một ngọn đèn.
Nhìn vào ngọn đèn le lói suốt đêm ấy, người ta bảo đó là ngọn đèn chờ đợi, nhưng không biết người trên lầu nhỏ ấy là ai và chờ đợi người nào ?
Sau tòa trang viện đồ sộ mà vắng tênh ấy có một con đường dài đất hẹp, mùa nắng thì bụi bốc mù mịt theo gió, mùa mưa thì lầy lội miên man, vòng tường của toà trang viện quá cao làm cho con đường dài đất hẹp ấy như không giờ thấy được ánh mặt trời.
Nhưng, bất cứ một nơi ti tiện nào, một nơi ẩm thấp đến mức nào cũng vẫn có người chui rúc.
Cũng có thể họ không còn nơi nào khác, mà cũng có thể họ đã chán ngấy cảnh phồn hoa, nên tìm cách để sống một cách âm thầm lặng lẽ.
Ngay trong con đường hẹp ấy có một gian tửu điếm, đáng lý phải gọi là " quán ốc " thì đúng hơn, nhưng vì ngoài những thức ăn đạm bạc rẻ tiền còn có mấy gian phòng tồi tàn ở phía sau dành cho khách lỡ đường tạm nghỉ, nên buộc lòng phải gọi nó là Tửu Điếm.
Chủ nhân của gian " Tửu Điếm " này là một lão già lưng gù xơ xác như chiếc quán, không biết ông ta tên gì, chỉ nghe người ta lấy họ lão riết thành tên và luôn luôn khi gọi, người ta lấy cái lưng gù của lão kèm theo, người ta gọi lão là " Lão Tôn Gù ".
Cũng có người " văn hoa " hơn, những người ấy thì gọi lão là " Tôn Đà Tử ".
Nhưng cái tên " Lão Tôn Gù " thì lại có vẻ quen thuộc hơn cả.
Lão có vẻ bằng lòng với cuộc sống tồi tàn theo " Tửu Điếm " của lão. Lão không màng đến cái lối gọi " ông chủ ", lão xem cái tiếng gọi có tính cách " chưởi cha " ấy như lối xưng hô thân mật.
Tự nhiên là cuộc sống của lão Tôn Gù rất lặng lẽ cô đơn.
Có lúc lão đứng tựa cửa nhìn ngọn đèn leo lét trên ngôi lầu nhỏ mà thì thào trong miệng :
- Con người trên tửu lầu ấy cho dầu có gấm vóc lụa là, hải vị sơn trân, nhưng so với mình gấp bội phần cô liêu tịch mịch .
Hơn một năm về trước, có một người khách lạ đến viếng ngôi " Tửu Điếm " của lão Tôn Gù.
Người khách ấy ăn mặc không có gì quan trọng, tướng mạo tuy xem cũng khá khôi ngô nhưng lại rất tiều tụy và thường hay ôm bụng ho từng cơn sặc sụa, nói chung, hắn cũng như những người khách tầm thường khác đến tại cái quán này.
Song, với con mắt của lão Tôn Gù, con người đó có nhiều điểm bất bình thường.
Đối với cái lưng gù, đối với chiếc thân gầy như tàn phế của lão gìa họ Tôn, hắn không có cái nhìn, cái cười chế nhạo như những người khách khác, hắn không tỏ vẻ gì chú ý, mà cũng không làm ra vẻ đặc biệt thương hại như những kẻ " nhân nghĩa ngoài da ".
Bởi vì cái " tỏ vẻ thương hại " ấy, có lúc làm cho người ta cảm thấy còn ô nhục hơn là châm biếm.
Đối với thức ăn và rượu trong quán lão Tôn Gù, người khách lạ ấy không chê mà cũng không khen.
Hắn là một con người ít nói.
Cái điều lạ lùng hơn hết là từ lúc hắn đặt chân tới tửu điếm này, thì hắn chưa bao giờ bước ra nửa bước.
Vừa đặt chân vào quán này, hắn chọn một cái bàn sâu trong góc, gọi một đĩa đậu rang và một đĩa thịt bò.
Nhìn đĩa đậu rang và đĩa thịt bò rồi, hắn gọi thêm hai cái bánh bao lớn và bảy bầu rượu.
Bảy bầu rượu đó cạn xong, hắn gọi lão Tôn Gù hâm thêm cũng bảy bầu đầy, rồi hắn mang vào cái phòng tuốt đằng sau ngồi nhấp nháp.
Và cho đến khi hắn ra, bước ra ngoài một lần nữa, nghĩa là chiều kế đó, thì bảy bầu rượu kế tiếp cũng cạn khô.
Bây giờ thì đã qua hơn một năm rồi, thế mà mỗi chiều tối hắn vẫn ngồi nơi bàn trong góc sân ấy, vẫn gọi một đĩa đậu rang, một đĩa thịt bò, hai cái bánh bao lớn và bảy bầu rượu đúng y.
Hắn vừa ho vừa uống rượu, cho đến khi bảy bầu rượu đều cạn hết, hắn gọi châm thêm bảy bầu nữa, rồi lại mang thẳng về phòng.
Cho đến chiều tối hôm sau, hắn lại mới lò dò ra ngồi vào cái bàn sâu trong góc.
Cứ theo điệp khúc ấy, không hơn không kém, cũng mỗi buổi chiều tối, cũng một đĩa đậu rang, một đĩa thịt bò, hai cái bánh bao và bảy bầu rượu châm tiếp hai lần, hắn sống hơn suốt một năm nay. Lão Tôn Gù cũng là một đệ tử Lưu Linh, nhưng đối với tửu lượng của con người ấy, khiến lão phục sát đất.
Có thể uống một hơi mười bốn bầu rượu mà không say, con người như thế, trong đời lão mới thấy có một lần.
Có lúc không dằn được, lão muốn hỏi qua cho biết tên họ và lai lịch của hắn, nhưng cuối cùng lão dằn được, bởi vì lão biết rằng cho dầu có hỏi, cũng chưa chắc có lời đáp lại.
Lão gù họ Tôn lại không phải con người tò mò ưa chuyện.
Chỉ cần khách hàng đừng để thiếu chịu lâu quá, là lão ta không bao giờ hé miệng nói một tiếng.
Không khí của cái tửu điếm của lão Tôn Gù cứ như thế lây lất trồi qua, nhưng mấy tháng gần đây, trời bỗng đổ nhiều cơn mưa dữ dội, có bữa mưa như " cầm tỉn mà đổi " suốt ngày đêm.
Chiều tối hôm đó, lão Tôn Gù đi ra phòng sau, thấy cánh cửa phòng của người khách lạ mở hoác, hắn gập mình trên nền gạch ho dài từng chập, da mặt hắn mét xanh không còn chút máu.
Đang đêm, lão Tôn Gù đi tìm thầy hốt thuốc xắc thuốc, săn sóc cho hắn suốt ba ngày, hắn mới ngồi dậy nổi và khi ngồi dậy rồi là hắn lại bắt đầu gọi rượu.
Bây giờ lão Tôn Gù chợt nghĩ ra rằng người khách lạ này tìm tới đây để chết và bây giờ lão chịu mở lời :
- Cứ uống như thế này, thì bất cứ ai cũng không thể sống dai.
Người khách lạ mỉm cười điềm đạm hỏi lại :
- Ông cho rằng, nếu tôi không uống rượu thì có thể sống dai?
Lão Tôn Gù nín lặng.
Nhưng từ hôm đó trở đi, người khách lạ thường ra kiếm lão Tôn Gù để uống rượu, để nói chuyện và lão Tôn Gù chợt nhận ra con người ấy biết khá nhiều.
Hắn nói đủ thứ chuyện, từ chuyện tầm thường trong chốn dân gian đến chuyện cao sâu trong sử sách, chỉ có một chuyện mà hắn không bao giờ chịu hé môi, đó là lai lịch và tên họ của hắn.
Và cuối cùng, lão chủ quán Tôn Gù không dằn được nữa, lão hỏi ngay :
- Chúng ta là bằng hữu với nhau, đáng lý tôi phải biết danh hiệu của các hạ để xưng hô cho tiện?
Nhịp nhịp mấy đầu ngón tay trên mặt bàn một lúc, người khách lạ mỉm cười :
- Tôi là một con ma rượu, xưng danh là một con ma rượu, thế tại sao lão huynh gọ ngay tôi ... Tửu Quỷ có phải thân mật hơn không? Cũng như tôi gọi lão huynh là " Lão huynh gù " ấy mà.
Lão Tôn Gù nhận biết ngay người khách lạ này nhất định có một dĩ vãng thương tâm lắm, vì chỉ có thế hắn mới không chịu nhắc đến họ tên, tình nguyện trọn đời gục đầu trong bầu rượu.
Nhưng không, ngoài việc uống rượu ra, Tửu Quỷ còn có một cái nhìn nữa : điêu khắc.
Gần như luôn luôn lúc nào cũng có một con dao nhỏ và một khúc cây, như vậy hắn có hai chứ không phải một việc : uống rượu và khẵc hình, không biết hắn khắc vật gì, lão Tôn Gù chưa thấy hắn hoàn thành.
Hắn là một người khách đáng gọi là quái khách, " quái " đến mức dễ sợ luôn.
Lạ một điều, có lúc lão chủ quán Tôn Gù lại bỗng ước mong cho hắn đừng đi nơi khác, muốn hắn ở hoài ở đây với lão .
Sáng ngày hôm ấy, khi lão Tôn Gù thức dậy, lão cảm thấy trời hôm nay lạnh quá, lạnh đến mức lão phải vào trong lấy thêm một cái áo bông dày cộm mặc vào mình rồi mới ra ngoài trước.
Buổi sáng ngày nào cũng thế, việc mua bán ở cửa hiệu của lão Tôn Gù vẫn cũng khiêm tốn đến mức lưa thưa, vài ba bầu rượu, một hai ấm trà với năm bảy người trên khoảng đường vắng ngắt.
Kéo chiếc ghế thấp ngồi nơi cửa trước, lão Tôn Gù vừa với tay lấy sàn đậu nành chà vỏ để làm đậu hũ thì chợt thấy hai ngựa từ ngoài xa phi tới, trên yên hai người cùng vận áo màu vàng, người đi trước có cặp chân mày thật rậm, người đi sau có mũi quắp xuống như mỏ chim ưng.
Cả hai người đều có râu ngắn lưa thưa, họ cũng trạc trên ba mươi tuổi.
Tướng mạo hai người đó không có gì đặc biệt, chỉ có chiếc áo màu vàng rực rỡ của họ hơi lạ mắt mà thôi.
Hai người không chú ý gì đến lão Tôn Gù, tia mắt họ đang bận dòm vế phía vòng tường mà lão Tôn Gù cũng nhìn họ vài lần, vì bộ áo vàng lộng lẫy chứ không lưu tâm cho lắm, lão biết họ không phải là hạng khách hàng của lão.
Chiếc lưng gù của lão lại cuối xuống thấp hơn, mắt lão chăm chăm theo hai tay chà trên sàn đậu.
Quả nhiên, họ không phải là hạng khách hàng của lão Tôn Gù. Cả hai người đi qua sân quán rẽ vào một ngõ chẹt, sau đó một lúc, họ lại từ một ngõ chẹt khác trở ra.
Lần này, họ xuống ngựa ngay trước quán.
Lão Tôn Gù ngừng tay ngẩng mặt :
- Hai vị muốn dùng chi?
Gã áo vàng mày rậm hỏi :
- Không cần gì cả, chúng ta chỉ hỏi ông một chuyện thôi.
Lão Tôn Gù bắt đầu chà đậu, hình như lão mất hứng.
Gã áo vàng quặp mũi cười :
- Bây giò bọn ta mua của ông mấy câu hỏi, mỗi câu một đồng bạc có được không nào?
Y như có " hứng " ngang, lão Tôn Gù gật đầu :
- Được chứ, được chứ.
Nói xong, lão đưa một ngón tay ra tính.
Gã mày râu bật cười :
- Vậy cũng đã tính một câu à? Đúng là tay buôn bán chuyên môn.
Lão Tôn Gù :
- Câu này cũng thế.
Nói xong lão làm ngay, lão đưa lên một ngón nữa.
Gã mũi quặp hỏi :
- Ông ở đây bao lâu rồi?
Lão Tôn Gù đáp :
- Hai ba mươi năm.
Gã mũi quặp hỏi :
- Trang viện bên đó là của ai? Ông có biết không?
Lão Tôn Gù đáp ;
- Nhà họ Lý.
Gã mũi quặp hỏi :
- Còn người chủ sau này?
Lão Tôn Gù đáp :
- Họ Long, tên Vân.
Gã mũi quặp hỏi :
- Ông có thấy không?
Lão Tôn Gù đáp :
- Không.
Gã mũi quặp hỏi :
- Bây giờ hắn ở đâu?
Lão Tôn Gù đáp :
- Hắn đi rồi.
Gã mũi quặp hỏi :
- Đi bao giờ?
Lão Tôn Gù đáp :
- Hơn một năm về trước.
Gã mũi quặp hỏi :
- Từ đó đến nay, có lúc nào hắn trở về không?
Lão Tôn Gù đáp ;
- Không.
Trầm ngâm một lúc gã mũi quặp hỏi :
- Trong vài ngày gần đây, có người nào đến hỏi ông về chuyện này không?
Lão Tôn Gù đáp ;
- Không ... không có, giá mà đều đều như thế thì tôi đã đại phát tài rồi.
Thật đúng là một nhà " thương mãi ", lão Tôn Gù vừa trả lời vừa nhắc khéo cho khách hàng về cái khoản bán câu nói nãy giờ.
Gã áo vàng mày rậm bật cười :
- Thì ngày nay bọn ta cho ông cái tiểu phát tài cũng được rồi.
Hắn móc một nén bạc trả cho lão Tôn Gù không thèm nói thêm một câu nào, cả hai phóng mình lên ngựa ra roi đi thẳng.
Suốt trên dọc đường ra đầu ngõ, hai tên áo vàng cứ thỉnh thoảng dòm ra phía vòng tường trang viện kia.
Tay mân mê nén bạc, lão Tôn Gù lẩm nhẩm :
- Thì ra ở trên đời này có lúc kiếm tiền cũng không khó mấy.
Lão quay đầu lại và hơi giật mình, vì không biết Tửu Quỷ đã đứng bao giờ sau lưng lão và tia mắt hắn đang chăm chú nhìn theo dõi về phía con đường mà hai tên áo vàng vừa mới đi ra.
Sắc mặt của hắn lạnh lùng không bộc lộ mọt ý nghĩ để có thể đoán được tâm trạng của hắn.
Lão Tôn Gù cười hì hì :
- Dậy sớm thế à ?