Trương Vô Kỵ nói:
- Việc dụng binh quả không phải là sở trường của tại hạ, xin các vị suy cử người hiền năng khác thì hơn.
Chàng còn đang khiêm tốn nhường người khác, bỗng từ chân núi tiếng người kêu la, hai nhà sư Thiếu Lâm chạy vào đại điện báo cáo:
- Khải bẩm phương trượng, quân Mông Cổ đang đánh lên.
Trương Vô Kỵ nói:
- Nhuệ Kim, Hồng Thủy hai kỳ ra trước chặn địch. Chu Điên tiên sinh, Thiết Quan đạo trưởng mỗi vị giúp cho một kỳ.
Chu Điên và Thiết Quan đạo nhân đều đáp lời đứng ra hành sự. Lúc này cục thế khẩn cấp, Trương Vô Kỵ không còn thì giờ suy từ chỉ còn nước ra lệnh tiếp:
- Thuyết Bất Đắc sư phụ, nhờ ông đem thánh hỏa lệnh của ta đi điều động quân của bản giáo lên núi cứu viện.
Thuyết Bất Đắc nhận lệnh ra đi. Các anh hùng trong đại điện nghe tin quân Nguyên đang đánh lên, ai nấy rút binh khí hùng hổ ùa ra. Dương Tiêu hạ giọng nói:
- Giáo chủ, nếu giáo chủ không ra lệnh mọi người sẽ loạn cả lên, thể nào cũng bị bại trận.
Trương Vô Kỵ gật đầu, đi ra khỏi điện, đến sơn đình ở lưng chừng núi quan sát thấy hơn một nghìn quân tiên phong của Mông Cổ đang tiến lên bị người của Nhuệ Kim Kỳ dùng nỏ cứng thương dài đánh bật trở lại. Chàng đưa mắt nhìn về phía xa xa, từng đội từng đội quân Nguyên đang bò lần lên, thật là đông đảo. Khi đó cái thời Thành Cát Tư Hãn và Bạt Đô uy chấn thiên hạ đã xa rồi nhưng quân thiết kỵ Mông Cổ vẫn tập luyện đúng phép, là tinh binh có một không hai trên thế giới.
Bỗng nghe ở phía bên trái tiếng kêu la rầm rĩ, một số đông ni cô và đàn ông đàn bà chạy ngược lên núi, chính là người của phái Nga Mi, có lẽ khi đi xuống gặp phải quân Mông Cổ đánh đuổi nên phải quay lại. Có khoảng mươi người đàn ông khiêng cái gì trông như cái cáng, bị quân Mông Cổ bao vây vào giữa, Chu Chỉ Nhược tất lãnh bọn Tĩnh Huyền, Tĩnh Chiếu đánh xông vào, tuy giết được vài chục tên quân Mông Cổ nhưng vẫn không sao cứu được đồng môn đang nguy ngập.
Trương Vô Kỵ nghĩ thầm:?Hỏng rồi! Người nằm trên cáng hẳn là Tống sư ca?. Chàng liền kêu lên:
- Hồng Thủy, Liệt Hỏa hai kỳ bảo vệ cho ta! Dương Phạm nhị sứ, Vi huynh theo ta cứu người.
Rồi tung mình phóng lên trước. Hai tên quân Mông Cổ cầm mâu xông vào đâm, Trương Vô Kỵ giơ tay chụp một thanh mâu, vận kình hất một cái, hai tên lính lăn xuống sườn núi. Chàng quay đầu mâu, hai chiếc giáo chẳng khác gì rồng ra biển, múa lên vù vù tiến vào trong đám người. Dương Tiêu, Phạm Dao, Vi Nhất Tiếu, Bành Oánh Ngọc chạy theo sau, lính Mông Cổ liền chạy tứ tán bỏ bọn Chu Chỉ Nhược lại phía sau. Phạm Dao đấm ra một quyền, đánh nát mặt một tên thập phu trưởng, cướp lấy người bị thương nằm trên cáng, quay đầu chạy lên.
Trương Vô Kỵ thấy Chu Chỉ Nhược người đầy máu me, lại xông vào đoàn quân Nguyên, kêu lên:
- Chỉ Nhược, Chỉ Nhược, Tống đại ca đã cứu được rồi.
Chu Chỉ Nhược làm như không nghe, vẫn múa trường tiên đánh về phía trước, tuy nhiên sơn đạo nhỏ hẹp đứng chật những người thành thử chưa thể vượt qua được. Trương Vô Kỵ thấy hai đệ tử Nga Mi khiêng một cái cáng khác vẫn còn bị bao vây đang vung đao đánh thí mạng với quân Nguyên, nghĩ thầm:?Xem ra trên cái cáng đó mới thực là Tống sư ca?. Chàng nhún mình nhảy tới, hai thanh trường mâu chống lên trên vách núi lấy tay làm chân, như đi cà khêu tiến tới. Còn cách chừng khoảng hơn một trượng, bỗng thấy hai đệ tử Nga Mi kẻ trúng đao người trúng tên, lăn long lóc xuống sườn núi.
Trương Vô Kỵ phi thân nhảy tới, tay trái giơ trường mâu ra đỡ cho cái cáng khỏi lăn theo, thấy người trên cáng quấn đầy vải trắng, chỉ lộ khuôn mặt, chính là Tống Thanh Thư. Trương Vô Kỵ vứt trường mâu xuống, ôm y trên tay, thấy thân thể y nặng lạ thường, trong vải cứng ngắc xem ra còn vật gì khác, không kịp xem kỹ sợ làm động đến những xương gãy, vội lách phải né trái, tránh đao thương quân Nguyên tấn công, chân vẫn bình ổn chạy lên.
Ngay khi đó, Đường Văn Lượng và Tông Duy Hiệp của phái Không Động cũng song song xông tới, cầm kiếm hộ vệ hai bên, hai thanh kiếm thu vào đâm ra, quân Nguyên liên tiếp trúng kiếm, Trương Vô Kỵ bình an bế Tống Thanh Thư chạy lên núi. Có vài trăm quân Nguyên dàn thành đội hình tấn công lên, Bành Oánh Ngọc liền kêu:
- Liệt Hỏa Kỳ ra tay.
Các giáo chúng trong Liệt Hỏa Kỳ liền phun dầu thô trong ống thụt ra rồi bắn hỏa tiễn tới, lửa liền bốc lên bừng bừng, hơn hai trăm quân Mông Cổ đi trước bị cháy thành những trái cầu lửa lăn xuống núi. Ở bên kia Hồng Thủy Kỳ cũng phun nước độc ra, có mấy trăm quân bị trúng, chết thật thảm khốc. Tên vạn phu trưởng quân Nguyên liền ra lệnh đánh chiêng thu binh, quân Nguyên tiền đội biến thành hậu đội giơ cung bắn chặn từ từ xuống núi. Bành Oánh Ngọc than:
- Quân Thát tử tuy thua mà không loạn, quả là tinh binh trong thiên hạ.
Chỉ thấy quân Nguyên lui đến chân núi rồi, tỏa ra như hình nan quạt, xem ra chưa có ý tấn công trở lên ngay. Trương Vô Kỵ hạ lệnh:
- Nhuệ Kim, Hồng Thủy, Liệt Hỏa ba kỳ trấn giữ các nơi hiểm yếu. Cự Mộc, Hậu Thổ hai kỳ mau chặt gỗ xúc đất xây hàng rào cản đề phòng quân địch đánh lên.
Các chưởng kỳ sứ của Ngũ Hành Kỳ liền tuân lệnh, chia ra chỉ huy hạ thuộc bố phòng. Quần hùng trước đây vẫn nghĩ rằng nếu không giết hết được quân Nguyên thì mình cũng tự lo cho mình được không đến nỗi nào. Thế nhưng sau một trận giao phong mới thấy uy lực của quân Nguyên, biết rằng bày binh bố trận khác hẳn đơn đả độc đấu, tỉ thí võ nghệ. Hàng nghìn hàng vạn người ùa lên tấn công, thế như nước vỡ bờ dẫu võ công cao cường như Chu Chỉ Nhược, trong đám đông người cũng không thể nào thi triển tài nghệ. Bốn bề tám hướng nơi nào cũng đầy đao thương kiếm kích, đâm chém loạn xạ, bình thời dù học bao nhiêu phép đón đỡ, sách giải chiêu số, nội kình ngoại công đều không thể nào dùng được. Nếu không phải Ngũ Hành Kỳ của Minh Giáo lấy trận pháp ngăn chặn trận pháp, lúc này núi Thiếu Thất chắc thê thảm không biết đến đâu, chùa Thiếu Lâm chắc cũng đã bị mồi lửa biến thành một đống gạch vụn rồi.
Mặc dầu tăng chúng chùa Thiếu Lâm có kỷ luật, từng đội sư sãi thanh niên cầm giới đao thiền trượng, dưới quyền chỉ huy của các tăng nhân có tuổi trấn giữ các nơi hiểm yếu nhưng ít không chống lại được số đông, khó mà có thể chống đỡ với hai vạn tinh binh Mông Cổ tấn công vào. Đến khi quân Nguyên thoái lui rồi, quần hùng mới xôn xao bàn tán hiểu được tại sao tiền triều không biết bao nhiêu anh hùng hào kiệt, võ công cao cường nhưng vẫn để giang sơn gấm vóc này rơi vào tay Thát tử.
Trương Vô Kỵ nhẹ nhàng để Tống Thanh Thư xuống đất, thăm mũi thấy vẫn còn thở nhè nhẹ, quay lại định gọi Chu Chỉ Nhược nhưng không thấy, bèn hỏi:
- Tống phu nhân đâu rồi?
Mọi người mới rồi lo chống trả quân Nguyên không ai để ý xem Chu Chỉ Nhược ở nơi đâu. Phái Nga Mi lúc này đối với Minh Giáo cũng bớt được mấy phần căm ghét, đều nói không thấy chưởng môn. Trương Vô Kỵ sợ Tống Thanh Thư trong cơn hỗn loạn có thể bị thương nên cởi các băng vải trên người y ra xem thế nào.
Trên người y quấn ba lớp vải trắng, đến khi lớp thứ ba cởi ra, nghe thấy loảng xoảng loảng xoảng, rơi ra bốn mảnh binh khí gãy. Trương Vô Kỵ giật mình, kêu lên:
- Đồ Long đao! Ỷ Thiên kiếm!
Mọi người lập tức ùa tới, thấy hai món binh khí sắc bén kia đều đã gãy đôi. Trương Vô Kỵ cầm một nửa thanh đao Đồ Long lên xem, thấy nặng nề, trong lòng hiện ra trăm mối cảm hoài, cha mẹ mình cũng vì thanh đao này mà bỏ mạng, trong hơn hai mươi năm qua trên chốn giang hồ sóng gió liên miên đều cũng vì nó cả. Quần hùng hôm nay tụ tập nơi chùa Thiếu Lâm, chủ yếu cũng vì hai chữ Đồ Long. Đến bây giờ bảo đao xuất hiện thì đã gãy rồi, không còn dùng được nữa, có điều nơi chỗ gãy có một lỗ hổng xem ra có thể dấu được vật gì, thanh kiếm Ỷ Thiên cũng như thế. Cả đao lẫn kiếm đều rỗng ruột, nếu quả có gì trong đó thì cũng đã bị người ta lấy đi mất rồi.
Dương Tiêu thở dài:
- Võ công kinh người của Chu cô nương thì ra từ ở trong đao kiếm này mà có.
Trương Vô Kỵ thấy đao kiếm gãy như thế lập tức hiểu ngay: trên hòn đảo nhỏ đêm hôm đó đao kiếm mất cả chính là do Chu Chỉ Nhược lấy cắp. Không biết nàng dùng thủ đoạn gì mà đuổi được Triệu Mẫn đi, giết hại Ân Ly rồi dùng đao kiếm chặt vào nhau khiến cho hai món binh khí sắc bén nhất thiên hạ này đều bị hủy để lấy được võ công bí cập dấu trong đao kiếm bí mật tu tập.
Chàng càng nghĩ càng hiểu rõ:?Đúng rồi, khi đó trên tiểu đảo ta dùng Cửu Dương thần công giúp nàng trừ chất độc, trong cơ thể nàng quả có một luồng nội lực quái dị ngầm chống lại với ta, càng về sau càng mạnh hiển nhiên nàng tu tập có tiến bộ. Ôi! Nàng muốn luyện gấp cho mau xong nên không chịu theo đuổi nội công căn cơ mà chỉ toàn là những môn võ công âm độc tốc thành nên không thể nào đạt được mức thượng thừa tuyệt đỉnh. Tuy nàng đánh bại được Du nhị bá và Ân lục thúc thật nhưng cũng chỉ nhờ vào võ công chiêu số quái dị mà ra nên xuất kỳ bất ý thắng thế, chẳng khác gì ta bị Phong Vâm tam sứ giả của tổng giáo đánh bại hôm nào. Võ công chân chính của Chỉ Nhược so ra với Du Ân hai vị thật còn kém xa, sau này nếu có giao đấu thể nào cũng chết dưới tay Võ Đương nhị hiệp ...?.
Chàng còn đang trầm ngâm, Chưởng Kỳ Sứ của Nhuệ Kim Kỳ là Ngô Kình Thảo tiến lên nói:
- Khải bẩm giáo chủ, thuộc hạ vốn xuất thân thợ rèn, đã từng học qua phép đánh đao đánh kiếm, để thuộc hạ làm thử, biết đâu không nối lại được bảo đao, bảo kiếm như cũ.
Dương Tiêu vui mừng đáp lời:
- Thuật rèn kiếm của Ngô kỳ sứ thiên hạ vô song, xin giáo chủ để y thử xem sao.
Trương Vô Kỵ gật đầu:
- Hai loại lợi khí này bị gãy quả thực đáng tiếc. Ngô kỳ sứ nếu nối lại được thì còn gì bằng.
Ngô Kình Thảo quay sang nói với Liệt Hỏa Kỳ Sứ Tân Nhiên:
- Rèn đao rèn kiếm, cốt nhất là ở sức lửa, nhờ Tân huynh giúp cho một tay. Xem tình cảnh này, quân Thát Đát nhất thời chưa đánh lên núi, hai anh em ta làm ngay được chăng?
Tân Nhiên cười đáp:
- Cái gì chứ nhóm củi, đốt lửa thì vốn là nghề của huynh đệ.
Lập tức hai người chỉ huy thuộc hạ, đắp ngay một cái lò lớn, miệng lò rộng không đầy một thước. Ngô Kình Thảo lấy mảnh mũi đao Đồ Long xếp vào, chỗ gẫy ngay tại miệng lò. Nhiên liệu của Liệt Hỏa Kỳ đã sẵn sàng, chẳng mấy chốc lửa đã bừng bừng bốc lên. Ngô Kình Thảo tay phải đã đứt, chỉ còn lại một cánh tay trái. Bên cạnh y để hơn một chục loại binh khí khác nhau, mắt chăm chăm, mỗi khi thấy lửa biến màu, lại đem một món binh khí ném vào để xem sức nóng. Đợi đến khi lửa từ xanh biến thành trắng, tay trái mới cầm kìm, kẹp mảnh thanh đao Đồ Long còn lại chắp vào đầu bên kia để nung. Nửa thân trên y để trần, đốm lửa bắn tung tóe lên người nhưng dường như không cảm giác, vẫn hết tâm để vào việc. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm:?Rèn đao kiếm tuy là việc nhỏ, nhưng cũng phải học tập nhiều, bản lãnh lắm mới làm được. Nếu như loại thợ rèn tầm thường, chỉ chịu nóng không cũng không nổi?.
Bỗng nhiên lịch kịnh mấy tiếng, hai tên giáo chúng kéo bễ ngã lăn xuống đất, bất tỉnh nhân sự. Tân Nhiên và Liệt Hỏa Kỳ Chưởng Kỳ Phó Sứ lập tức xông lên, gạt hai tên đó sang một bên, tự tay kéo bễ thổi lửa. Hai người nội lực không phải là yếu nên vừa sử kình quạt lò, lửa đã bốc lên, ngọn cao cả trượng, cảnh tượng thật là đẹp mắt.
Độ tàn nửa nén hương, Ngô Kình Thảo bỗng kêu lên:?Ối chà?, tung mình nhảy vọt về phía sau, mặt đầy vẻ thất vọng. Mọi người ai nấy kinh hãi, nhìn lại trong tay y, thấy cái kềm đã bị nóng chảy, méo mó không còn hình thù gì, còn thanh đao Đồ Long vẫn không suy suyển. Ngô Kình Thảo lắc đầu:
- Thuộc hạ vô năng, thanh đao Đồ Long này quả thực danh bất hư truyền!
Tân Nhiên và Chưởng Kỳ Phó Sứ tạm ngưng thổi bễ, đứng lui sang một bên. Hai người áo quần ướt đẫm mồ hôi, tưởng như vừa ở dưới nước trèo lên. Triệu Mẫn bỗng nói:
- Vô kỵ ca ca, có phải Thánh Hỏa Lệnh đao Đồ Long chặt không đứt phải không?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Ừ, đúng vậy!
Trong sáu thanh Thánh Hỏa Lệnh, một thanh đã giao cho Thuyết Bất Đắc cầm xuống núi để điều binh, nay chỉ còn năm. Chàng lấy trong bọc ra, giao cho Ngô Kình Thảo:
- Đao kiếm không hàn lại được, cũng chẳng quan hệ gì. Thánh Hỏa Lệnh là vật chí bảo của bản giáo, không thể để cho hư hỏng.
Ngô Kình Thảo cúi mình tiếp lấy, đáp:?Xin vâng lệnh!?. Y thấy năm thanh Thánh Hỏa Lệnh không phải sắt, cũng chẳng phải vàng, cứng rắn vô cùng, nặng trình trịch, nên cúi đầu suy nghĩ.
Trương Vô Kỵ nói:
- Nếu thấy không ổn thì cũng đừng mạo hiểm làm gì.
Ngô Kình Thảo không trả lời, một hồi sau mới tỉnh giấc trầm tư, đáp:
- Thuộc hạ quả là không phải, xin giáo chủ thứ tội. Thánh Hỏa Lệnh này vốn là bạch kim trộn với huyền thiết và cát kim cương đúc thành, lửa nóng không làm chảy nổi. Thuộc hạ quả thật hồ nghi, không biết khi xưa làm sao đúc được, cho nên suy nghĩ nhất thời như mất cả hồn vía.
Triệu Mẫn liếc Trương vô Kỵ một cái, nhoẻn miệng cười:
- Sau này giáo chủ sẽ có dịp sang Ba Tư để gặp một nhân vật thật là quan trọng, lúc đó Ngô huynh có thể đi theo, hỏi các thợ đúc cao thủ của họ xem làm cách nào.
Trương vô Kỵ ngượng nghịu nói:
- Ta sang Ba Tư để làm gì?
Triệu Mẫn mỉm cười:
- Chuyện đó không nói ra được.
Lại quay sang Ngô Kình Thảo:
- Ngươi xem, trên Thánh Hỏa Lệnh còn có khắc hoa văn và chữ. Dù có sắc bén như đao Đồ Long hay kiếm Ỷ Thiên cũng không làm suy suyển được, thì những đường nét, văn tự ấy làm sao đục thành?
Ngô Kình Thảo đáp:
- Muốn khắc hoa văn, văn tự không có gì khó. Chỉ cần dùng sáp trắng phủ lên trên Thánh Hỏa Lệnh, trên sáp khắc hình vẽ chữ, sau đó đem ngâm trong cường toan, chỉ vài tháng sau sẽ ăn mòn. Sau đó đem ra cạo hết sáp đi, các hình và chữ sẽ hiện ra. Điều tiểu nhân không hiểu là làm sao nung cho chảy được.
Tân Nhiên kêu lên:
- Thế thì có định làm không đây?
Ngô Kình Thảo hướng về phía Trương Vô Kỵ:
- Giáo chủ đừng ngại. Liệt hỏa của Tân huynh đệ tuy ghê gớm thật, nhưng không tổn hại được Thánh Hỏa Lệnh đâu.
Tân Nhiên trong lòng hơi sợ, vội nói:
- Tôi chỉ hết sức thổi lửa, nếu như làm hỏng Thánh vật của bản giáo, thì không chịu tội đâu nhé.
Ngô Kình Thảo mỉm cười:
- Chỉ sợ ngươi không đủ nhẫn nại, có gì ta chịu hết.
Nói rồi lấy hai miếng Thánh Hỏa Lệnh kẹp một nửa thanh đao, sau đó dùng một chiếc kìm mới kẹp lấy Thánh Hỏa Lệnh đưa bảo đao vào trong lò nung lần nữa. Lửa mỗi lúc một bốc lên cao, nung đến hơn nửa giờ, chỉ thấy Ngô Kình Thảo, Tân Nhiên, Liệt Hỏa Kỳ phó sứ ba người thấp thoáng trong ánh lửa, mỗi lúc một thêm uể oải, xem chừng không còn chịu nổi.
Thiết Quan đạo nhân Trương Trung liếc mắt ra hiệu cho Chu Điên, phất tay một cái, hai người cùng xông lên nhảy vào thay cho Tân Nhiên và Liệt Hỏa Kỳ phó sứ, ra sức kéo bễ. Trương Chu hai người nội lực so với những người kia cao hơn nhiều, lửa trong lò bốc vút lên thẳng một làn trắng xóa.
Ngô Kình Thảo bỗng dưng quát lớn:
- Cố huynh đệ, ra tay đi.
Chưởng kỳ phó sứ Nhuệ Kim Kỳ tay cầm dao nhọn, chạy tới bên lò, chỉ thấy lấp lánh, đã giơ dao đâm thẳng vào ngực Ngô Kình Thảo. Quần hùng đứng chung quanh không khỏi thất sắc, đều lớn tiếng kêu la. Máu từ trên bộ ngực trần của Ngô Kình Thảo phun ra tung tóe trên thanh đao Đồ Long, gặp nóng lập tức bốc lên một làn khói xanh khét lẹt. Ngô Kình Thảo la lớn:
- Thành rồi.
Y lui lại mấy bước, ngồi phịch xuống đất, tay cầm một thanh đao đen sì. Quả thực hai mảnh của đao Đồ Long đã liền lại thành một. Mọi người bấy giờ mới biết, mỗi khi những người thợ đúc đao rèn kiếm không thành, phải nhỏ máu vào. Thời xưa, vợ chồng Can Tương, Mạc Tà thậm chí phải nhảy vào lò, mới đúc thành vô thượng lợi kiếm. Việc Ngô Kình Thảo làm chính là theo phong cách của những người xưa truyền lại.
Trương Vô Kỵ vội đỡ Ngô Kình Thảo lên, xem xét vết thương, thấy dao đâm không sâu, chẳng có gì đáng lo ngại. Chàng lấy kim sang rắc vào, dùng vải buộc lại, nói:
- Ngô huynh việc gì phải làm như thế. Đao này nối lại được hay không, không phải là quan trọng, đâu đáng để Ngô huynh phải chịu khổ đến vậy.
Ngô Kình Thảo đáp:
- Vết thương nhỏ ngoài da thịt, có đáng gì để giáo chủ phải lo lắng.
Y đứng dậy, cầm thanh đao Đồ Long lên xem, thấy liền lạc không dấu vết, chỉ lờ mờ một lằn máu nhỏ, không khỏi mười phần đắc ý. Trương Vô Kỵ xem lại hai thanh Thánh Hỏa Lệnh mới nung trong lò thấy không suy tổn mảy may, yên chí tiếp lấy thanh đao Đồ Long, chém xuống hai lưỡi mâu chàng vừa cướp được của lính Mông Cổ[5], chỉ nghe một tiếng soẹt nhỏ, hai món võ khí đứt ra làm đôi, đúng là chặt sắt như bùn.
Mọi người ai nấy reo lên:
- Đao tốt quá! Đao tốt quá!
Ngô Kình Thảo cầm hai mảnh kiếm Ỷ Thiên lên, nghĩ đến chưởng kỳ sứ Nhuệ Kim Kỳ Trang Tranh cùng mấy chục anh em chết vì kiếm này, nhịn không nổi nước mắt chảy ròng ròng nói:
- Thưa giáo chủ, thanh kiếm này đã giết chết Trang đại ca, giết thêm bao nhiêu là anh em bằng hữu của bản giáo, Ngô Kình Thảo này hận nó tận xương tủy, không muốn nối lại làm gì, xin giáo chủ trách phạt cho!
Nói xong rồi khóc òa lên. Trương Vô Kỵ nói:
- Đó chẳng qua là nghĩa khí của Ngô đại ca, đâu có tội vạ gì?
Chàng cầm lấy hai mảnh thanh kiếm gãy, đến trước mặt Tĩnh Huyền của phái Nga Mi nói:
- Kiếm này nguyên là của quí phái, xin sư thái giữ giùm, chuyển lại cho Chu ... cho Tống phu nhân.
Tĩnh Huyền không nói một lời, cầm lấy hai mảnh kiếm gãy. Trương Vô Kỵ cầm thanh đao Đồ Long, suy nghĩ rồi quay sang nói với Không Văn:
- Phương trượng, thanh đao này do nghĩa phụ tôi mà có, hiện nay ông ta đã qui y tam bảo, thuộc về phái Thiếu Lâm, thanh đao này vậy do phái Thiếu Lâm chấp chưởng.
Không Văn xua tay rối rít nói:
- Thanh đao này đổi chủ mấy lần, sau cùng chính Trương giáo chủ cướp được trong đám thiên quân vạn mã, ai ai cũng chính mắt trông thấy, lại do Ngô đại ca của quí giáo nối lại. Huống chi hôm nay anh hùng thiên hạ đều suy cử Trương giáo chủ lên làm võ lâm chí tôn, luận tài luận đức, luận cả nguồn gốc, danh vị, đao này phải do Trương giáo chủ chưởng quản mới phải, có thế mới đúng là danh chính ngôn thuận.
Quần hùng cùng lên tiếng phụ họa, nói:
- Mọi người đều mong mỏi như vậy, Trương giáo chủ xin đừng thoái thác nữa.
Trương Vô Kỵ đành cầm lấy, nghĩ thầm:?Nếu như nhờ có thanh bảo đao này mà hiệu lệnh được anh hùng hào kiệt thiên hạ, cùng chung sức đuổi quân Hồ Lỗ thì đúng là việc mình phải làm?. Lại nghe mọi người lao xao nói:
- Võ lâm chí tôn, bảo đao Đồ Long, hiệu lệnh thiên hạ, mạc cảm bất tòng.
Hai câu tiếp?Ỷ Thiên bất xuất, thùy dữ tranh phong?? không ai đề cập đến vì thấy thanh kiếm nay đã gãy liệu rằng không nối lại được nữa. Người trong Nhuệ Kim Kỳ của Minh Giáo hận thanh kiếm Ỷ Thiên này biết bao nhiêu, nay thấy thanh đao Đồ Long trở lại nguyên vẹn như cũ, còn Ỷ Thiên kiêm chỉ là hai mảnh kiếm gãy, ai nấy đều hả dạ.
Mọi người bận rộn cả nửa ngày nay ai cũng thấy đói. Ngũ Hành Kỳ của Minh Giáo cùng một nửa tăng lữ trong chùa Thiếu Lâm chia nhau ra trấn giữ những nơi hiểm yếu, số còn lại quay vào chùa ăn cơm chay. Đến khi trời đã sắp tối, Trương Vô Kỵ nhảy lên trên một cây cao, nhìn xuống chân núi, thấy quân Nguyên đông một tụm, tây một nhóm, khói lửa bốc lên, cũng đang bắc chảo nấu cơm. Chàng nhảy xuống đất, nói với Vi Nhất Tiếu:
- Vi huynh, đợi đến khi trời tối, nhờ Vi huynh đi dò thám tình hình quân địch, xem thử chúng có tính đêm nay đột kích hay không.
Vi Nhất Tiếu tiếp lệnh vâng lời ra đi. Dương Tiêu nói:
- Giáo chủ, tôi xem chừng quân Thát tử ở mặt trước đã bị thua một trận, hôm nay chắc chưa tấn công lần nữa đâu, có phòng bị là phòng mặt sau chúng đánh lén.
Trương Vô Kỵ nói:
- Đúng thế, nhờ Dương tả sứ và Phạm hữu sứ ở đây trấn thủ, tôi sang ngọn núi bên kia coi thế nào.
Triệu Mẫn nói:
- Để thiếp đi với.
Hai người lên đến ngọn núi nơi từng nhốt Tạ Tốn trông ra phía sau núi không thấy động tĩnh gì. Trương Vô Kỵ vỗ vỗ ba cây tùng gãy, nhìn xuống địa lao đen ngòm, nhớ lại trận đấu kịch liệt sáng nay, thật là hung hiểm đột nhiên nghĩ ra một chuyện:?Nghĩa phụ bảo ta coi các bức vách dưới địa lao, suýt nữa thì quên? bèn nói:
- Mẫn muội, em ở trên này canh chừng, anh xuống xem ra thế nào.
Chàng nhảy xuống dưới thạch thất, lấy đồ đánh lửa đốt lên, bấy giờ nước tích trong hầm đã rút nhưng mặt đất vẫn còn ướt đẫm. Cả bốn bên vách đều có khắc một tấm hình, dùng đá nhọn vạch thành, nét bút thật giản dị nhưng thần thái cũng khá sinh động. Bên phía đông bức vẽ đầu tiên vẽ ba thiếu nữ, một cô nằm dưới đất, một người quì đang săn sóc, còn cô thứ ba thò tay vào trong bọc của người đang quì, bên cạnh đề hai chữ?Lấy thuốc?.
Bức tường phía nam vẽ một chiếc thuyền, một cô gái cầm một cô khác ném lên, viết hai chữ "Đuổi đi". Trương Vô Kỵ mồ hôi trán nhỏ ròng ròng, nghĩ thầm:?Hóa ra đúng là thế thật. Chỉ Nhược nhân lúc Mẫn muội đang chăm sóc cho biểu muội, ăn cắp Thập Hương Nhuyễn Cân Tán trong bọc của nàng, bỏ vào đồ ăn thức uống, sau đó ném Mẫn muội lên hải thuyền Ba Tư, ép họ phải ra đi. Sao nàng lại không giết Mẫn muội nhỉ? Ồ, nếu như để lại cái xác của Mẫn muội không hủy được hình tích thì ta sẽ không bao giờ chịu lấy nàng. Nếu đúng như thế biểu muội cũng chính nàng ta hạ thủ?.
Ở bên góc phía dưới bức hình còn có vẽ thêm hai người đàn ông, một người đang ngủ say, còn một người tóc dài, nghiêng tai nghe ngóng. Trương Vô Kỵ lòng hơi hoảng sợ:?Hóa ra Chỉ Nhược làm những chuyện thương thiên hại lý đó nghĩa phụ đều nghe biết cả. Lão nhân gia quả thật công phu hàm dưỡng cao siêu, trên đảo không lộ ra một tí gì. Đúng rồi, khi đó ta và nghĩa phụ uống phải Thập Hương Nhuyễn Cân Tán công lực đều mất hết, tính mạng nằm trong tay Chỉ Nhược. Thảo nào khi đó nghĩa phụ nhất nhất đổ riệt cho Mẫn muội, thật là phẫn nộ. Ông biết ta ngờ nghệch thực thà, nếu nói cho ta hay, trong ngôn ngữ cử chỉ thể nào cũng làm lộ chuyện?. Trên bức hình máu me vương vãi, chính là ban ngày Tạ Tốn và Thành Côn hai bên giao đấu huyết tích văng vào, càng làm cho tình cảnh thêm ghê rợn.
Đến khi xem đến đồ họa thứ ba nơi bức tường phía tây thì cây đuốc trên tay đã hết, tắt ngúm đi. Chàng kêu lên:
- Mẫn muội xuống đây, đem cho anh một cây đuốc.
Triệu Mẫn châm một ngọn đuốc, nhảy xuống địa lao, vừa nhìn thấy mấy hình vẽ lập tức hiểu ngay. Bức họa thứ tư vẽ mấy hán tử bắt Tạ Tốn dẫn đi, đằng xa có một thiếu nữ nấp sau một gốc cây dò thám. Cả bốn bức hình đó bút pháp thật tuyệt nhưng ngoài Tạ Tốn ra những người khác mặt mũi đều thẩy mơ hồ, thành thử không biết được người nào với người nào. Trương Vô Kỵ hơi trầm ngâm hiểu ngay:?Khi nghĩa phụ bị hỏng mắt đến như ta cũng chưa ra đời, ông nhận được ra Mẫn muội, Chỉ Nhược, biểu muội toàn bằng tiếng nói nhưng có biết diện mạo ra sao đâu nên không thể vẽ được?. Chàng chỉ vào thiếu nữ đó hỏi:
- Có phải em đây không? Hay là Chu cô nương?
Triệu Mẫn đáp:
- Là em. Khi Thành Côn đến tổng đàn Cái Bang cướp Tạ đại hiệp ra, sai người đưa về nhốt tại chùa Thiếu Lâm, chính y vẽ các ký hiệu của Minh Giáo trên đường dẫn chàng chạy một vòng, em mấy lần tính ra tay đoạt lại Tạ đại hiệp nhưng không thành công, để đến nỗi anh hụt làm chú rể, thật hết sức ăn năn.
Trương Vô Kỵ trong lòng cũng thật áy náy, xót xa nhìn Triệu Mẫn thấy nàng dung nhan tiều tụy, hai má hóp vào đủ biết mấy tháng qua phải chịu biết bao nhiêu đọa đày, quả thật đáng thương nên vòng tay ôm vào lòng, bồi hồi nói:
- Mẫn muội! Anh ... anh ... thật có lỗi với em.
Ngọn đuốc không có người cầm rơi xuống tắt ngúm, trong hầm tối đen như mực. Chàng lại tiếp:
- Nếu chẳng vì em thông minh linh lợi, cái gã Trương Vô Kỵ hồ đồ ngờ nghệch này đã giết em rồi, nếu thế thật không biết sẽ ra sao?
Triệu Mẫn cười nói:
- Liệu chàng có nỡ giết em chăng? Khi đó chàng nghĩ em là hung thủ, sao gặp em chàng lại không ra tay?
Trương Vô Kỵ ngẩn người, thở dài:
- Mẫn muội, anh thật trong lòng chỉ yêu một mình em thôi, hơn cả thân mình. Nếu quả thực biểu muội bị em giết hại, anh thật cũng không biết làm sao nữa. Đến bây giờ mọi việc đã sáng tỏ, tuy anh có oán hận Chỉ Nhược thật nhưng phải nói trong bụng cũng mừng thầm.
Triệu Mẫn nghe người tình thành khẩn như thế, gục đầu vào lòng chàng. Một hồi thật lâu hai người không ai nói câu nào, ngẩng đầu nhìn lên, một vầng trăng non treo lơ lửng ở phương đông, bốn bề thật là tĩnh mịch.
Triệu Mẫn nói nhỏ:
- Vô Kỵ ca ca, lần đầu tiên em gặp chàng ở Lục Liễu Trang, về sau hai đứa rơi vào trong hầm tối, hôm đó với hôm nay cũng chẳng khác gì bao nhiêu, phải không?
Trương Vô Kỵ bật cười, giơ tay nắm lấy bàn chân trái của nàng, lột chiếc giày ra. Triệu Mẫn cười khúc khích:
- Thân con trai mà sao lại ăn hiếp con gái chân yếu tay mềm?