Hồi 22-1
Nói về Châu-Ỷ, lạc lối trong đám loạn quân, tìm mãi mà không gặp được người nào đồng bọn. Nhìn chung quanh, quân Thanh đã bít kín tất cả các cửa ngõ. Vung đao chém chết mấy chục tên quân, Châu-Ỷ vẫn không mở đường ra khỏi trùng vi (#1). Quân Thanh càng lúc càng đông thêm. Vòng vây mỗi lúc một thắt chặt.
Châu-Ỷ phi ngựa chạy đến đâu cũng đụng phải quân Thanh. Nàng không dám ham đánh, chỉ cố mà tìm đường tẩu thoát. Phần thì đói, phần thì mệt, phần thì sợ hãi nên ngồi trên yên ngựa mà không thấy vững. Và đến lúc không còn chịu đựng nổi nữa, Châu-Ỷ xây xẩm mặt mày, ngã xuống đất, va vào một tảng đá nằm hôn mê bất tỉnh. Nhưng cũng may là nhờ trời tối nên quân Thanh không để ý mà phát giác ra được. Khi tỉnh lại, Châu-Ỷ cảm thấy đầu óc nặng nề. Rồi trời bắt đầu đổ mưa.
Châu-Ỷ vùng đứng dậy, thấy bên mình cũng có một người hình như cũng đang ngồi gần đó cùng đứng dậy một lượt với mình. Nàng thất kinh hét lên một tiếng, định cầm đao chém tới thì chợt há hốc..., nhận ra người kia không phải ai xa lạ mà chính là Từ-Thiện-Hoằng.
Châu-Ỷ ngơ ngác thu đao về. Từ-Thiện-Hoằng hỏi:
-Châu cô nương! Vì sao cô lại ở đây?
Bình nhật, Châu-Ỷ rất ghét Từ-Thiện-Hoằng, luôn dùng lời đả kích, hết sức cứng cỏi với chàng. Thế nhưng lúc này nàng bỗng tuôn ra hai hàng lệ hỏi:
-Cha tôi đâu? Anh có gặp không?
Bỗng nhiên Từ-Thiện-Hoằng kéo Châu-Ỷ ngồi xuống khẽ nói:
-Đừng nói lớn! Có quân Thanh đang đi đến.
Hai người mọp sát xuống đất, hai tay níu nhau bò đến một gò đất cao. Trời đã sáng, đại quân đã kéo đi cả, chỉ còn lại độ vài chục tên quân đang loay hoay thu dọn các tử thi của đám binh sĩ tử trận trong đêm để đem đi chôn cất.
Một tên, hình như là viên chỉ huy của đám quân cất tiếng hỏi:
-Mấy người hãy kiểm soát lại một lần cho kỹ càng xem còn sót lại cái thây ma nào không!
Có tiếng người đáp lại:
-Thưa thượng cấp, còn hai mạng nữa!
Châu-Ỷ nghe nói giật mình, toan nhảy tới thì Từ-Thiện-Hoằng cản lại bảo nhỏ:
-Cô đừng vội, đợi cho chúng lại gần mình mà ra tay có hơn không!
Đoạn Từ-Thiện-Hoằng và Châu-Ỷ nằm yên giả chết, chờ cho hai tên kia đến lục soát ‘kiếm ăn’ mới vùng dậy cho mỗi tên một đao chết tốt. Thấy sẵn đó có một con ngựa đang gặm cỏ, Từ-Thiện-Hoằng la lớn:
-Châu cô nương, mau lên ngựa mà chạy.
Châu-Ỷ không chút chậm trễ, phóng ngay lên yên. Từ-Thiện-Hoằng tỵ hiềm nam nữ nên dùng khinh công mà bám sát đuôi ngựa mà chạy theo. Bọn lính Thanh thấy hai người tẩu thoát thì xách đao kiếm rượt theo.
Từ-Thiện-Hoằng chạy được một khúc thì cảm thấy bả vai đau nhức khô tả vì mũi Phù-Dung châm của Trương-Siêu-Trọng nên quỵ xuống hôn mê. Châu-Ỷ quay lại thấy vậy thì xuống ngựa bế xốc Từ-Thiện-Hoằng bỏ lên yên rồi giục ngựa chạy hết tốc lực.
Chạy được một đoạn khá xa, thấy không có ai đuổi theo, Châu-Ỷ mới yên tâm ghìm cương cho ngựa chạy chậm trở lại. Thấy Từ-Thiện-Hoằng mặt nhợt nhạt, mắt nhắm kín, hơi thở thoi thóp, Châu-Ỷ lo ngại vô cùng. Nhìn trước mặt là một cụm rừng âm u, Châu-Ỷ không cần đắn đo, phi ngay vào trong, tìm một thảm cỏ, gò cương lại nghỉ mệt.
Từ-Thiện-Hoằng vẫn chưa tỉnh lại. Châu-Ỷ bèn bế chàng đặt xuống thảm cỏ nằm. Châu-Ỷ nhìn Từ-Thiện-Hoằng tự nhiên khóc như mưa, lệ nhỏ xuống ướt cả mặt chàng. Giữa lúc ấy thì Từ-Thiện-Hoằng đột nhiên tỉnh lại. Nhìn cặp mắt Châu-Ỷ đỏ hoe và lệ rớt xuống mặt mình, Từ-Thiện-Hoằng hết sức hoang mang chưa biết nói gì thì Châu-Ỷ đã đưa khăn lau vội nước mắt, mắc cở nói:
-Tại anh đụng đầu vào ngay mắt tôi đó! Sao không tránh đi?
Từ-Thiện-Hoằng cố chống tay gượng mình đứng dậy. Châu-Ỷ nói:
-Anh thử nghĩ xem có kế nào không? Chẳng lẽ ở mãi trong rừng này?
Từ-Thiện-Hoằng ‘nũng nịu’ nói:
-Bả vai tôi đau nhức thế này thì còn tính toán gì được! Cô làm ơn xem giùm vết thương thế nào!
Châu-Ỷ trề môi nói:
-Đâu có được! Tôi không thích xem, mà cũng chẳng thích làm ơn!
Nói thì nói vậy, song Châu-Ỷ vẫ cúi sát xuống bả vai xem xét một hồi rồi nói:
-Không thấy vết tích chi cả! Mà cũng không thấy máu nữa!
Từ-Thiện-Hoằn thều thào nói:
-Bên trong lớp thịt có ba mũi kim châm ghim thấu vào xuơng, cần phải rút ra mới hết đau nhức.
-Ở đây vô phương rồi! Phải ráng nhịn đau ra ngoài thị trấn tìm danh y mới tiện!
-Không được! Đêm rồi mình đánh nhau với quan binh. Nếu ra đó mà trị thương thì có khác nào đem thân nạp cho chúng! Bây giờ cô lóc thịt bả vai giùm tôi. Cô có đem theo đá lửa không?
-Có! Để làm chi vậy?
-Cô nhặt củi và lá cô đốt cháy thành tro. Chờ khi tôi lấy được kim châm ra rồi thì dùng tro ấy mà đắp lên vết thương. Bây giờ cô làm phúc mổ giùm tôi đi!
Châu-Ỷ tay mặt cầm dao, tay trái chặn sát bả vai Từ-Thiện-Hoằng rạch chỗ thịt nơi có ba lỗ nhỏ li ti. Hai người cùng nhìn sát vào. Hai gò má kề cận nhau, hai người cùng thở một nhịp ra cùng lúc với nhau.
Từ-Thiện-Hoằng thấy Châu-Ỷ vừa đụng mũi kim bỗng nhiên lại dừng tay lại bèn hỏi:
-Sao vậy? Cô sợ à?
-Sợ cái gì? Anh kề sát đầu vào mặt người ta còn thấy làm sao được, bảo sao không dừng tay lại!
Từ-Thiện-Hoằng cười, khẽ ngẩng đầu lên cao một chút cho khỏi vướng víu nàng. Châu-Ỷ rút được ba mũi kim châm ra liền lấy tro đắp lên vết thương. Thấy Từ-Thiện-Hoằng bị thương mà vẫ tươi cười không kêu đau, nàng bất giác đem lòng mến phục.
Châu-Ỷ nói:
-Anh ngồi đây. Để tôi đi kiếm nước về cho uống. Nàng lấy trong gói hành trang một cái áo đem đi nhúng nước trở về vắt ra cho Từ-Thiện-Hoằng uống.
Từ-Thiện-Hoằng hết sức cảm kích nói:
-Đa tạ cô nương!
Châu-Ỷ nói dửng dưng:
-Tôi không cần ai cám ơn cả!
Nghỉ một chập, hai người lại lên đường. Đi được một lúc thấy từ xa có hơi khói xông lên, hai người cả mừng, biết rằng mình sắp tới một thôn làng. Mệt và đói, hai người tìm một căn nhà bước vào trong ngõ.
Từ-Thiện-Hoằng đến trước cửa gọi:
-Có ai ở trong nhà không? Làm ơn cho tôi hỏi thăm!
Tiếng chó sủa vang lên, một bà lão bước ra. Từ-Thiện-Hoằng thật tình cho biết hai người muốn xin một bữa ăn thì lỡ đường, lại không tìm được quán xá.
Thấy hai người ăn mặc khác thường, bà lão sửng sốt nói:
-Chắc các vị đây là quan lớn! Kẻ bần dân đâu dám vô phép. Xin hỏi quý tánh đại danh hai vị?
Từ-Thiện-Hoằng vộ đáp:
-Anh em chúng tôi đây họ Châu.
Châu-Ỷ nghe nói liền nheo mắt nhìn chàng. Bà lão mời hai người vào nhà, bưng ra một mâm khoai. Đang đói bụng, Châu-Ỷ và Từ-Thiện-Hoằng ăn thật ngon lành.
Hai bên sau đó chuyện trò qua loa. Bà lão tả tình cảnh đau khổ của mình. Bà ta họ Đường, goá chồng, có một đứa con trai lớn. Mấy năm liên tiếp thất mùa không đủ lúa đóng cho điền-chủ nên bị hắn cho người đến hành hung, đánh cho một trận, phát bệnh nặng mà chết. Con dâu bà đau khổ, nửa đêm tự vận nên chỉ còn lại một thân một mình không biết nhờ cậy vào ai. Châu-Ỷ nghe xong thì giận dữ, hỏi xem tên điền-chủ kia tên họ là gì, ở đâu.
Bà lão nói:
-Ông ta cũng họ Đường. Dân chúng gọi là Đường lục lang hay là Đường Tú Tài. Nhưng sau lưng họ lại lén gọi là ‘Đường mắc mưa’. Tôi chỉ nghe vậy chứ không biết rõ tên ông ta là gì. Ông ta có nhà cao cửa rộng ở ngoài Văn-Quang thị trấn.
Châu-Ỷ hỏi:
-Văn-Quang trấn ở nơi đâu?
Bà lão đáp:
-Cách đây chừng 25 dặm về hướng Bắc. Từ đây tới đó phải qua một gò đất cao dẫn tới đại lộ. Đi về hướng Đông chừng 20 dặm thì thấy.
Châu-Ỷ xách đao đứng dậy nói với Từ-Thiện-Hoằng:
-Anh... anh... tôi đi một lát đây. Anh ở đây nằm nghỉ nhé...
Xem cử chỉ, Từ-Thiện-Hoằng biết ngay Châu-Ỷ muốn đi tìm giết người điền-chủ họ Đường kia. Chàng mỉm cười nói:
-Tôi có hứng dùng bữa hơn! Nếu cô muốn ‘ăn Đường’ (#2) cũng thủng thẳng mà từ từ thôi!
Châu-Ỷ ngạc nhiên không hiểu sao chàng biết rõ ý định của mình nên ngẫm nghĩ một chút rồi gật đầu ngồi xuống.
Từ-Thiện-Hoằng nói:
-Lão bà! Tôi bị thương, đi xa không được. Bà có thể cho tá túc lại đây một đêm không?
Bà lão đáp:
-Quan gia muốn ở tạm mấy ngày cũng được. Chỉ hiềm miền rừng núi này quê mùa, lại chẳng có gì ăn cả!
-Lão bà chỉ cần cho anh em chúng tôi ở tạm là quý lắm rồi, chúng tôi vô cùng cảm kích. Giờ đây em gái tôi quần áo lại ướt hết. Lão bà có bộ nào cho nó mượn thay đỡ không?
-Con dâu tôi qua đời có để lại mấy bộ quần áo. Nếu cô nương không ngại thì cứ lấy đó mà dùng tạm.
Châu-Ỷ thay đồ xong, trở lại thấy Từ-Thiện-Hoằng mình nóng ran, vết thương ở bả vai sưng vù lên. Châu-Ỷ ruột rối như tơ vò, câm đao múa một hồi rồi gục đầu lên bàn khóc. Bà lão thấy thương hại nhưng không dám dùng lời khuyên giải. Khóc một hồi, Châu-Ỷ ngước mặt lên thấy bà lão đang nhìn mình trân trân bèn hỏi:
-Ở ngoài thị trấn có lương y không lão bà?
Bà lão đáp:
-Có... có Tào-Ty-Bằng là lương y danh tiếng nhất vùng này. Nhưng thật không dễ gì mà rước được ông ta đi đâu! Xưa nay ông ta chỉ chuẩn mạch hốt thuốc cho những nhà giàu, có quyền thế mà thôi.
Châu-Ỷ đứng lên nói:
-Không sao! Tôi sẽ đi rước Tào-Ty-Bằng về. Nhờ lão bà trông chừng hộ anh tôi nhé...
Khi Châu-Ỷ đến thị trấn Văn-Quang thì trời đã nhá nhem tối. Nàng đi qua một quán cơm ngửi thấy mùi thức ăn thì thèm nhỏ rãi. Nhưng sực nhớ ra không còn chút ngân lượng nào nên lại lắc đầu bỏ đi. Trên đường gặp một đứa trẻ nít, Châu-Ỷ bèn hỏi thăm nhà ở của người lương y tên Tào-Ty-Bằng kia...
Đến trước một cửa nhà có treo chiếc lồng đèn, Châu-Ỷ bèn bước lại gõ cửa. Một người gia nhâ tránh đinh mặt mày cao có bước ra nói lớn, giọng cáu kỉnh:
-Đêm hôm tăm tối mà làm gì đập cửa mạnh thế?
Châu-Ỷ giận lắm, nhưng nghĩ lại mình đang đi cầu người nên cố nhịn mà nhỏ nhẹ:
-Tôi có người bệnh nặng nên đến đây cầu khẩn, xin Tào lương y mở lượng từ bi cứu nhân độ thế mà đến chữa trị giùm cho.
Người gia nhân tráng đinh khịt giọng mũi một cái rồi nói như nạt nộ:
-Không có thầy ở nhà. Về đi!
Chưa nói dứt câu, y đã quay lưng đi vào. Châu-Ỷ lẹ tay nắm tay y kéo lại, rút đao ra lớn tiếng hỏi:
-Có Tào-Ty-Bằng ở nhà không?
-Đã nói thầy tôi không có nhà! Hiện ở ngoài chợ... Ối!...
Châu-Ỷ hỏi tiếp:
-Làm gì ngoài chợ? Tại nhà ai? Nói mau!
Lúc đó tên gia nhân tráng đinh kia mới biết sợ, run lẩy bẩy thưa:
-Tại Bạch-Mai-Khôi kỹ-viện.
-Mi nói láo!
-Thưa đại vương... quên, cô nương... Tôi không dám dối...
Châu Ỷ lại hỏi:
-Thầy mi là bậc lương y cao quý, đến nơi ấy mà làm chi?
-Bạch-Mai-Khôi có tình cảm mật thiết với lão gia!
-Mi mau dắt ta đến ngay nhà ấy.
Gã tráng đinh sau đó dắt Châu-Ỷ đến một đường phố nhỏ. Chỉ vào bên trong Bạch-Mai-Khôi kỹ-viện hắn nói:
-Lão nhân gia ở trong đó!
-Mi mau vào trong mời chủ mi ra ngoài này cho ta nói chuyện!
Không dám cãi lời, tên tránh đinh bước tới trước cửa gõ ba tiếng, hình như đó là ám hiệu đặc biệt của Tào-Ty-Bằng với người nhà khi có việc gấp rút cần gọi đến mình.
Một mụ tào kê (#3) sồn sồn mở hé cửa ló đầu ra nhìn. Người tránh đin hỏi:
-Thím làm ơn nói với chủ tôi rằng có người đến rước đi coi mạch.
Mụ Tào-Kê nhún vai, chu mỏ ‘xì’ một tiếng xô cửa đóng sầm lại rồi đi vào. Châu-Ỷ bèn tung mình một cái theo thế ‘phi yến xuyên liêm’, nhảy qua tường vào tận bên trong.
Bên trong có hai đại-hán (#4) đang ngồi đối diện với nhau nói chuyện. Một người thì to lớn mập mạp, còn người kia thì vừa cao lại vừa gầy. Trên đùi đại hán cao gầy là một thiếu nữ với gương mặt đẹp đẽ, ra chiều nũng nịu làm duyên:
-Cúi mong đại nhân tha cho em để lưu phúc đức lại cho con cháu đời sau. Bổn phận em...
Chưa nói hết câu nàng đã lấm lét bước ra khỏi phòng đi thẳng xuống nhà sau. Đại-hán người to lớn mập mạp bỗng móc ra 400 lượng bạc bỏ trên bàn nói với đại-hán gầy rằng:
-Tào lão ca, 200 lượng bạc cho nàng, còn 200 lượng trả công lão huynh làm mai mối đấy!
Đại-hán cao gầy tạ ơn, nói mấy lời nịnh bợ:
-Đường lục gia! Nhân lúc đại quân qua nơi này thâu góp quân lương, thật là một cơ hội tốt để đại gia phát tài đó!
Nghe đến đây, Châu-Ỷ ‘à’ một tiếng nghĩ thầm:
-Thì ra tên vừa cao vừa gầy đó chính là lão lương y Tào-Ty-Bằng và tên to lớn mập mạp kia là gã ‘Đường’... mắc mưa... hay mắc dịch chi đó!
Căn cứ vào cuộc đối thoại của chúng, nàng tin chắc là ‘đại quân’ kia là của nguyên-soái Triệu-Huệ kéo đến và tên ‘Đường mắc mưa’ này lãnh nhận phần thâu góp quân lương cho y.
Châu-Ỷ sau đó nghe gã họ Đường nói:
-Bộ ông tưởng dễ ăn lắm sao? Suốt mấy ngày mấy đem phải chạy Đông chạy Tây tìm đủ thủ đoạn để hăm dọa mới thâu góp được đủ dố quân lương. Muốn kiếm chút lợi lộc tất nhiên phải đổ mồ hôi rồi! Có ai lại bao chịu khổ nhọc mà đi làm không bao giờ? Dân chúng có sợ chết mới chịu móc hầu bao!
Tào-Ty-Bằng cười nói:
-Hai gói thuốc đó, Đường lục gia mang về đi. Đó là thứ thuốc gia truyền công hiệu nhất đời! Cái gói hồng thì để cho phu nhân uống. Chừng nào hết gói thì đại gia muốn gì phu nhân cũng cho toại nguyện.
Hai người nhìn nhau đắc ý cười. Tào-Ty-Bằng lại nói:
-Quên dặn lục gia mốt điều này nữa! Cái gói giấy đen thì cho chàng thanh niên ấy uống, nhớ đừng nhầm lẫn nhé! Đường gia cứ nói đó là thứ thuốc trị thương công hiệu như thần. Mà sự thật, quả là như vậy! Chỉ cần uống vào, trong giây lát máu ở vết thương sẽ chảy ra rồi... chết không kịp ngáp! Cho dù người nào khám nghiệm tử thi cũng không nhận ra. Giết người mà không sợ bị tội, thế mới là tài tình.
Gã họ Đường gật đầu nói:
-Tài tình lắm! Xong việc sẽ có trọng thưởng.
Tào-Ty-Bằng cười nói:
-Đường lục gia thử xét lại công tôi chứ 200 lượng bạc hẹp lắm, không đủ tiền bồi dưỡng nữa!
-Tôi đã nói với Tào lão ca 400 lượng đó là tiền gì rồi mà! Tiền thuốc và công lao của lão ca tôi đã nói đến đâu!
Tào-Ty-Bằng cười nói:
-Tôi chỉ sợ lục gia quên, nhập hai việc chung lại thôi. Miễn lục gia nhớ cho là được rồi, còn thù lao thì lúc nào nhận cũng được.
-Xong việc là trao ngay! Ngoài 1000 lượng trả tiền công và tiền thuốc, tôi sẽ tặng thêm 200 lượng nữa gọi là thưởng tài.
Tào-Ty-Bằng đi sát gã họ Đường nói:
-Còn một điều nữa tôi quên nói. Còn chàng thanh niên đẹp trai như Tống-Ngọc, Phan-An đi chung với gã thanh niên có cây sáo quý giá kia thì tôi quả quyết là gái giả trai. Nếu sau này phát giác ra đúng như vậy, lục gia để cho tôi, đừng dành phần luôn mà thiệt thòi cho Tào-Ty-Bằng này lắm nhé!
-Hẳn vậy rồi! Hà tất cứ phải nhắc đi nhắc lại mãi! Nếu là gái thì ta cho Tào lão đem về làm nàng hầu. Nếu ta sai lời, lão ca cứ gọi 36 đời thằng họ Đường này ra mà chửi. Thôi, để ta về thi hành kế hoạc cho sớm không thì để mất hết cơ hội quý báu, nghìn năm một thuở!
Tào-Ty-Bằng vẫn chưa chịu dứt, còn ráng nói thêm:
-Này Đường lục gia! Ông đoán thử xem cái ống sáo vàng của người thanh niên đẹp trai kia được bao nhiêu lượng?
-Theo mắt tôi nhận xét thì không dưới 50 lượng!
Dứt lời, gã họ Đường móc túi lấy ra một chiếc nhẫn vàng cười nói:
-Đây là món quà mừng tân hôn trước cho Tào lão ca. Ngày mai, lão ca tự đeo vào tay cho dì tư nó nhé!
Châu-Ỷ nghe hết đầu đuôi câu chuyện thì dằn lòng không được, đạp tung cánh cửa ra. Gã họ Đường hốt hoản kêu lên:
-Ơ kìa!
Dứt lời, y nhanh nhẹn tung một cước vào khuỷu tay Châu-Ỷ. Nhưng ngọn cước chưa tới nơi thì Châu-Ỷ đã lẹ tay giơ đao lên chém vào cổ y một nhát. Gã họ Đường thất kinh, vội nhảy sang bên trái mà tránh thì mũi đao của nàng đã xoay ngược lại đâm ngược vào bụng chết không kịp ngáp. Tào-Ty-Bằng định chạy trốn nhưng bị Châu-Ỷ chặn đứng lại nên đành phải đứng im.
Thấy Tào-Ty-Bằng run lên phát rét, miệng thì ngậm câm, mắt láo liên, Châu-Ỷ chỉa đao vào ngay bụng hắn hỏi:
-Mi là Tào-Ty-Bằng phải không?
Tào-Ty-Bằng hai gối sụm xuống, vừa quỳ lạy, vừa van xin:
-Xin cô... cô nương... tha cho tánh... tánh mạng...
Châu-Ỷ thuận tay chụp lấy 400 lượng bạc cùng hai gói thuốc nói:
-Muốn sống thì đi theo ta!
Tào-Ty-Bằng làm sao dám cãi lời, đành tiu ngỉu mà đi theo. Đem ngựa đến, Châu-Ỷ ra lệnh cho Tào-Ty-Bằng lên ngồi phía trước rồi phi ra khỏi trấn. Nắm chặt lấy người Tào-Ty-Bằng, Châu-Ỷ nói:
-Liệu hồn! Mi mà kêu lên một tiếng thì đầu rụng ngay xuống đất!
Tào-Ty-Bằng sợ quá, năn nỉ luôn miệng:
-Xin đừng giết tôi... Tôi không dám cãi lệnh cô nương...
Chỉ một lát sau, cả hai đã đến trước cửa nhà tại thôn làng nọ. Bà lão bước ra mở cửa, thấy Châu-Ỷ đem được Tào-Ty-Bằng về thì hết sức lạ lùng.
Châu-Ỷ chạy vào bên trong, thấy Từ-Thiện-Hoằng vẫn còn mê man, cả mình nóng như lửa đốt, mắt nhắm nghiền.
Gọi Tào-Ty-Bằng vào xem mạch, nói với hắn:
-Người này là anh... anh ruột của ta. Nhờ thầy chuẩn mạch và hốt thuốc cho.
Nghe Châu-Ỷ bảo mình xem mạch và hốt thuốc, Tào-Ty-Bằng mới hoàn hồn, liền tới bắt mạch xem cho Từ-Thiện-Hoằng ngay. Chuẩn mạch xong, Tào-Ty-Bằng khẽ gật đầu mấy cái.
Mở miếng vải băng ở vai Từ-Thiện-Hoằng ra xem xét tỉ mỉ, Tào-Ty-Bằng lắc đầu nói:
-Hiện tại khí huyết bất thông... lưu hỏa nhập...