Trần-Gia-Cách nghe nói giật mình như người vừa tỉnh mộng mới thức dậy. Chàng ngẩn người ra một lúc rồi mới lên tiếng được:
-Điều này thật khó nghĩ! Anh ruột của tôi còn sống ở Hải-Ninh kia mà!
Văn-Thái-Lai nói:
-Tổng-Đà-Chủ chưa rõ! Việc này bên trong còn rất nhiều khúc chiết!
Vừa lúc ấy, trên đường đi vào địa lao chợt có tiếng người nhộn nhịp. Trần-Gia-Cách vội vàng lách mình núp sau góc giường. Tên lính tâm phúc của Lý-Khả-Tú không trông thấy Trần-Gia-Cách thì ngạc nhiên vô cùng, hỏi:
-Trần tổng đà-chủ đâu rồi?
Trần-Gia-Cách nghe hỏi mới yên tâm, phóng mình ra hỏi:
-Có việc gì?
Tên lính nói:
-Trương-Siêu-Trọng cứ một hai đòi về. Lý tướng-quân cầm lại cỡ nào cũng không nghe. Trần tổng đà-chủ mau rời khỏi nơi đây kẻo để y bắt được thì khó lòng cho cả Nguyên-Soái lẫn Tổng-Đà-Chủ.
Trần-Gia-Cách thối lui ra sau một bước, tay trái đưa ra điểm huyệt ngay vào huyệt ‘kỳ môn’ của tên lính một cái khiến hắn ngã ngửa xuống đất, không kịp kêu lên một tiếng.
Văn-Thái-Lai thấy vậy kêu lên:
-Thủ pháp của Tổng-Đà-Chủ thật là có một không hai ở trên đời.
Trần-Gia-Cách mỉm cười, bế tên lính bỏ dưới gầm giường. Văn-Thái-Lai nói:
-Câu chuyện còn dài lắm, nếu kể hết chi tiết chắc không đủ thì giờ. Trương-Siêu-Trọng về bất tử thì mọi việc sẽ dở dang hết. Hãy để tôi tóm tắt đại cương lại cho Tổng-Đà-Chủ biết rõ bí mật mà thôi.
Trần-Gia-Cách gật đầu nói:
-Anh cứ kể.
Văn-Thái-Lai kể tiếp:
-Sau khi Vu cố tổng đà-chủ biết chắc chắn Hoàng-Đế Mãn-Thanh là người Hán liền khuyên y nên ‘phản Thanh phục Minh’ theo đường của Hồng Hoa Hội vạch ra. Trách nhiệm của Càn-Long là phải đuổi giặc Mãn-Thanh ra khỏi biên giới để khôi phục lại nền độc lập cho Hán-tộc. Khi công việc thành công thì Càn-Long vẫn được ủng hộ ngồi ngai vàng như thường. Xem ra Càn-Long cũng có chút động tâm nhưng không dám hứa chắc. Y vịn cớ là chưa biết câu chuyện đó là thật hay giả nên nhất thời không quyết định được. Càn-Long sau đó lại yêu cầu Vu cố tổng đà-chủ đem hai chứng vật cho y xem thì bấy giờ y sẽ bằng lòng tính mưu kế với Hồng Hoa Hội.
Nhưng bất ngờ, Vu cố tổng đà-chủ lâm trọng bệnh. Biết không qua khỏi, Vu cố tổng đà chủ di ngôn lại cho tất cả anh em Hồng Hoa Hội phải tôn Tổng-Đà-Chủ, lúc bấy giờ còn là Thiếu-Đà-Chủ, lên thế chức để tiếp tục sự nghiệp của người. Vu cố tổng đà-Chủ thân mật nắm tay tôi nói bằng một giọng run run đầy cảm xúc:
-Cơ hội ấy chỉ có một! Hán tộc có hưng thịnh lại hay không là nhờ đó, chớ bỏ qua. Hoàng-Đế là anh ruột của Tổng-Đà-Chủ. Nếu y không chịu ‘phản Thanh phục Minh’ thì Hồng Hoa Hội huy động toàn dân khởi nghĩa đưa Tổng-Đà-Chủ lên ngai vàng thay thế Càn-Long.
Trần-Gia-Cách càng nghe kể càng sửng sốt, lặnh thinh không nói được một tiếng. Chàng nhớ lại lần nào gặp vua Càn-Long cũng thấy dường như nhà vua đối với mình rất khắng khít như có một tình cảm thiêng liêng nào đó. Lại nhớ đến lần trước ở Hải-Ninh Càn-Long quỳ lạy khóc lóc trước một cha mẹ mình. Trần-Gia-Cách tin rằng sự liên-hệ của Càn-Long đối với gia đình mình không phải bình thường đơn giản.
Văn-Thái-Lai lại nói:
-Vả lại, tại sao người Hán lại làm Hoàng-Đế Mãn-Thanh được? Lẽ dĩ nhiên phải có một lý do hết sức đặc biệt. Tôi chỉ tóm tắt những chi tiết quan trọng mà thôi. Sau này Tổng-Đà-Chủ sẽ hiểu tất cả. Được biết phong thư kể rõ mọi sự tình của thân mẫu Tổng-Đà-Chủ cùng với hai chứng vật hết sức quan trọng kia, Vu cố tổng đà-chủ nhờ một người hết sức tín cẩn gìn giữ. Người ấy chẳng phải ai xa lạ gì, chính là Thiên-Trì Quái-Hiệp Viên-Sĩ-Tiêu, là sư phụ của Tổng-Đà-Chủ! Tổng-Đà-Chủ xem những vật ấy sẽ hiểu rõ được tất cả sự tình.
Trần-Gia-Cách nói:
-Phải! Tôi nhớ lại rồi! Mới hồi Hè năm nay Tây-Xuyên Song-Hiệp có đến bái kiến sư phụ tôi. Phải chăng là hai người phục mệnh nghĩa phụ tôi đem thư và chứng vật đến đó phải không?
Văn-Thái-Lai đáp:
-Đúng vậy! Viên lão tiền bối hứa nhận lãnh trách nhiệm giữa phong thư và tín vật ấy nhưng cũng không biết rõ được sự việc bên trong. Vu cố tổng đà-chủ dặn tôi rằng chỉ khi nào Tổng-Đà-Chủ chịu chính thức nhậm chức thì mới nói việc này cho biết, và Tổng-Đà-Chủ mới được mở phong thư và tín vật kia ra xem. Tôi chưa về kịp để nói rõ mọi chuyện cho Tổng-Đà-Chủ thì bị bọn ‘ưng khuyển’ bắt. Sở dĩ tôi còn cố gắng giữ tánh mạng lại là mong gặp được Tổng-Đà-Chủ để nói hết những điều bí mật kia. Nay đã đạt được ý nguyện rồi thì không còn gì phải bận tâm hối tiếc nữa. Vậy mong Tổng-Đà-Chủ hãy tìm gặp Viên lão tiền bối để lấy hai tín vật kia xem rồi cùng với anh em Hồng Hoa Hội tiếp tục mưu đồ đại sự chứ đừng phí công phí sức để cứu tôi làm gì nữa. Xin đem việc quốc gia dân tộc làm trọng chứ đừng bận lòng đến một cá nhân nào nữa. Nếu đêm nay tôi không thoát được, xin Tổng-Đà-Chủ cứ xem tôi như là người đã chết rồi, vì cho dù Càn-Long không giết tôi đi chăng nữa, tôi cũng sẽ tự sát để khỏi làm vướng chân anh em Hồng Hoa Hội, có thể hỏng đến việc lớn!
Văn-Thái-Lai nói đến đây như có vẻ như đã mãn nguyện vô cùng, chẳng khác gì người trăn trối gặp được thân nhân một lần cuối trong phút lâm chung. Nét mặt của chàng tươi hẳn lên, với vẻ cương quyết lạ thường. Chàng còn đang định nói thêm điều gì thì chợt nghe trên đường hầm vào địa lao có tiếng chân người đang rảo bước.
Trần-Gia-Cách liền khép mình vào một góc giường. Thình lình, Văn-Thái-Lai trườn nửa thân mình ra ngoài thành giườn ngã xuống đất không cựa quậy.
Một ánh đèn đi trước, Trương-Siêu-Trọng theo sau. Trong ánh sáng lờ mờ, y thấy Văn-Thái-Lai nửa thân lọt ra khỏi thành giường trông chẳng khác nào như một xác chết. Cho rằng khâm phạm tự sát, Trương-Siêu-Trọng hoảng vía, đỡ Văn-Thái-Lai dậy tìm cách cứu tỉnh lại.
Trương-Siêu-Trọng đưa tay lên mũi Văn-Thái-Lai sờ thử thì bỗng nghe Văn-Thái-Lai quát lên một tiếng, toàn thân chàng vùng dậy đè lên mình Trương-Siêu-Trọng. Nhanh như cắt, Văn-Thái-Lai quất một đường xích sắt trên tay vào ngay mặt Hỏa-Thủ Phán-Quan khiến cho y choáng váng cả mặt mày.
Bị tấn công bất ngờ, Trương-Siêu-Trọng vẫn cố giữ bình tĩnh lách mình lăn ra khỏi thân hình Văn-Thái-Lai thì bỗng chợt cảm thấy ngũ tạng trong người nhói lên. Trương-Siêu-Trọng biết ngay có người ở dưới gầm giường xuất kỳ bất ý ra tay điểm huyệt mình. Y rống lên một tiếng, nhảy ra xa hai bước, nín hơi như đang tìm cách tự khai giải huyệt đạo.
Trần-Gia-Cách thấy Trương-Siêu-Trọng bị điểm trúng yếu huyệt mà không ngã xuống còn lui được ra sau hai bước thì kinh hãi vô cùng, phóng ra khỏi gầm giường sử dụng ‘Thiếu-Lâm Quyền’ tấn công.
Trương-Siêu-Trọng chỉ còn biết cố gắng mà né tránh chứ không tài nào dám chống đỡ, bị trúng ngay mặt lien tiếp mấy quyền lảo đảo ra sau. Không bỏ lỡ cơ hội, Trần-Gia-Cách xông tới tung một cước vào ngay hông y.
Trương-Siêu-Trọng vừa nghiêng mình qua bên trái để tránh né bỗng nghe huyệt ‘thần đinh’ của mình tê buốt lại. Hỏa-Thủ Phán-Quan không gượng được, toàn thân như mềm nhũ ra, ngã qụy xuống đất.
Trần-Gia-Cách lục soát trong người Trương-Siêu-Trọng một hồi mà vẫn không tìm được thanh Ngân-Bích Kiếm ở đâu thì thất vọng vô cùng. Thấy trong người Trương-Siêu-Trọng có một tờ giấy, Trần-Gia-Cách liền lấy ra đọc thử. Đại khái ý trong thư là của Lý-Khả-Tú viết, bảo Trương-Siêu-Trọng đem thanh Ngân-Bích-Kiếm đến cho một vị Thân-Vương xem thử.
Trần-Gia-Cách cho rằng Lý-Khả-Tú đa mưu túc trí, sợ chàng vào địa huyệt, lừa thế đoạt thanh Ngân-Bích-Kiếm để giải thoát cho Văn-Thái-Lai nên gạt Trương-Siêu-Trọng đem kiếm ra ngoài để phòng biến cố. Vì vậy cho nên Trương-Siêu-Trọng trở về địa lao mà Ngân-Bích-Kiếm còn nằm trong tay Lý-Khả-Tú.
Thình lình, Trần-Gia-Cách nhảy đến chỗ Văn-Thái-Lai với nét mặt tươi vui, hớn hở. Văn-Thái-Lai ngạc nhiên hỏi:
-Chuyện gì vậy Tổng-Đà-Chủ?
Trần-Gia-Cách không đáp, lấy chùm chìa khóa đưa tay mở xiềng. Lạ lùng thay, cái khóa bật ra, và hai tay Văn-Thái-Lai hoàn toàn được tự do. Kế đến, Trần-Gia-Cách cởi áo choàng của mình ra mặc vào cho Văn-Thái-Lai, lấy mao đội cho Bôn-Lôi-Thủ, chỉ để chừa đôi mắt hé ra một chút.
Văn-Thái-Lai hỏi:
-Như thế này nghĩa là sao, thưa Tổng-Đà-Chủ?
Trần-Gia-Cách không đáp, chỉ thúc giục:
-Tứ ca mau rời khỏi nơi này ngay lập tức!
Văn-Thái-Lai hiểu rõ dụng ý của Trần-Gia-Cách. Bôn-Lôi-Thủ hết sức cảm kích trong lòng nhưng lại khảng khái nói:
-Hảo ý của Tổng-Đà-Chủ, Văn-Thái-Lai xin nhớ mãi trong lòng nhưng không thể nào tuân mệnh được.
Trần-Gia-Cách nói:
-Tứ ca cũng biết rõ Càn-Long là anh ruột của tôi rồi. Chắc chắn y sẽ không hại tôi đâu.
Văn-Thái-Lai nói:
-Xin Tổng-Đà-Chủ đừng nên chủ quan như vậy. Không có gì mà Càn-Long không dám làm đâu. Hơn nữa, Tổng-Đà-Chủ đừng quên người là linh hồn của Hồng Hoa Hội...
Trần-Gia-Cách nghe nói chợt ngắt lời:
-Tôi là Tổng-Đà-Chủ, tất nhiên tất cả anh em trong Hồng Hoa Hội đều phải nghe theo mệnh lệnh của tôi có phải không?
Văn-Thái-Lai đáp:
-Lẽ tất nhiên.
Trần-Gia-Cách nghiêm nghị nói:
-Thế thì tốt lắm! Lấy tư cách Tổng-Đà-Chủ, tôi ra lệnh cho Văn tứ ca phải lập tức rời khỏi địa lao. Bên ngoài đã có sẵn anh em chờ đợi.
Văn-Thái-Lai cúi đầu thưa:
-Lần này bất đắc dĩ tôi đành vi lệnh Tổng-Đà-Chủ. Nếu may mắn sống sót, tôi bằng lòng lãnh nhận bất cứ hình phạt nào của hội.
Biết Văn-Thái-Lai là người nghĩa khí, Trần-Gia-Cách liền đổi chiến thuật:
-Văn tứ tẩu ngày đêm tưởng nhớ đến anh. Các anh em cũng một lòng trông ngóng. Nếu anh phụ lòng tất cả thì quả là người bội tình bội nghĩa.
Văn-Thái-Lai vẫn không chịu nghe lời. Suy nghĩ vài giây, Trần-Gia-Cách nói:
-Thôi, thì cà hai người cùng nhau trốn thoát ra ngoài. Thế nào?
Văn-Thái-Lai tươi ngay nét mặt nói:
-Sao Tổng-Đà-Chủ không nói sớm?
Văn-Thái-Lai không chịu mặc đồ của Trần-Gia-Cách cho nên chàng phải cởi đồ của Trương-Siêu-Trọng cho Bôn-Lôi-Thủ mặc vào. Sau đó, Trần-Gia-Cách xiềng chân xiềng tay Trương-Siêu-Trọng lại thế vào chỗ của Văn-Thái-Lai khi nãy.
Trần-Gia-Cách và Văn-Thái-Lai vừa ra khỏi địa lao thì đèn đuốc trước mặt bỗng dưng sáng chưng lên. Một toán quân cầm xà mâu đang đứng chực sẵn giữ chặt miệng hang. Đàng sau toán quân kia là một đội xạ thủ đang giương sẵn cung nỏ chờ lệnh.
Trần-Gia-Cách lùi lại sau một bước hỏi nhỏ Văn-Thái-Lai:
-Thương thế của anh đã bình phục chưa? Liệu sức xông xáo được không?
Văn-Thái-Lai đáp:
-Khó lắm! Gót chân của tôi còn đau, đi còn không muốn vững, thử hỏi làm sao chạy nổi! Thôi, Tổng-Đà-Chủ cứ yên tâm mà thoát ra đi, đừng lo cho tôi làm gì!
Trần-Gia-Cách nói:
-Anh thử đóng vai Trương-Siêu-Trọng xem sao!
Văn-Thái-Lai khẽ để sụp mão xuống khỏi mặt chút đỉnh, tay choàng lấy vai Trần-Gia-Cách ôm cứng rồi bình thản bước ra khỏi miệng hang.
Từ xa, Lý-Khả-Tú nhìn thấy cảnh đó thì lại nghĩ là Trương-Siêu-Trọng đã bắt sống được Trần-Gia-Cách để nạp cho vua Càn-Long. Lý-Khả-Tú xoay qua nói nhỏ với Lý-Mộng-Ngọc:
-Con đem thanh Ngân-Bích-Kiếm trả lại cho Trương-Siêu-Trọng đồng thời nói khéo vài câu mua chuộc tình cảm để y thả Tổng-Đà-Chủ Hồng Hoa Hội ra đi.
Lý-Mộng-Ngọc vâng lời, cầm thanh Ngân-Bích-Kiếm chạy đến. Chặn hai người lại trước mặt, Lý-Mộng-Ngọc đưa thanh Ngân-Bích-Kiếm cho Văn-Thái-Lai nói:
-Trương sư thúc! Đây là thanh Ngân-Bích-Kiếm của sư thúc!
Cùng lúc ấy, Lý-Mộng-Ngọc khẽ thúc nhẹ khuỷu tay vào người Trần-Gia-Cách. Văn-Thái-Lai đưa tay đón lấy thanh Ngân-Bích-Kiếm và khẽ ‘ừ’ một tiếng. Trong ánh sáng của đèn đuốc, Lý-Mộng-Ngọc chợt nhìn thấy rõ được mặt của người mình vừa trao kiếm thì kinh hãi la lên:
-Văn-Thái-Lai! Bộ ngươi tưởng là trốn thoát được nơi này sao?
Dứt lời, Lý-Mộng-Ngọc rút kiếm nhắm ngay bụng Văn-Thái-Lai đâm một nhát. Văn-Thái-Lai nhanh tay lách qua một bên rồi đưa tay nắm chặt lấy cổ tay của Lý-Mộng-Ngọc.
Lý-Mộng-Ngọc thấy cổ tay đau nhức vô cùng thì biết mình đã gặp phải đối thủ liền buông kiếm ra, rút lẹ tay trở về. Lúc đó Lý-Khả-Tú đã chỉ huy quân lính vây kín Văn-Thái-Lai.
Trần-Gia-Cách quay trở lại định nhảy đến cứu Văn-Thái-Lai thì thấy thanh Ngân-Bích-Kiếm lóe lên, bao nhiêu binh khí bị chặt gẫy rơi loảng xoảng dưới đất.
Lý-Khả-Tú gọi lớn:
-Nếu ngươi không chịu ngừng tay thì ta lập tức ra lệnh buông tên!
Văn-Thái-Lai cầm thanh Ngân-Bích-Kiếm vứt xuống đất nói:
-Tổng-Đà-Chủ hãy mau thoát đi!
Vừa dứt lời, Văn-Thái-Lai đã gục xuống. Trần-Gia-Cách thấy thế vội vàng lớn tiếng gọi:
-Khoan! Lý tướng-quân! Ông mau tìm lương y điều trị cho Văn tứ ca. Ta đi đây!
Trần-Gia-Cách dứt lời lặng lẽ một mình buồn bã đi ra ngoài. Quân lính tuy đông nhưng không một ai dám cản trở. Lý-Khả-Tú cũng không lên tiếng ra lệnh bắt lại. Chàng đi ra ngoài, thấy vô số binh lính và xạ thủ đang chờ sẵn tứ phía chĩa binh khí và cung nỏ về phía mình đợi lệnh. Trần-Gia-Cách vừa đi vừa kinh hãi trong lòng, nghĩ thầm:
-“Lý-Khả-Tú phòng bị kỹ càng như thế này thì có huy động toàn lực anh em vào đây cứu Văn tứ ca thì chỉ uổng mạng tất cả mà thôi chứ chẳng lợi ích gì!”
Ra khỏi dinh thự Lý-Khả-Tú, Lạc-Băng và Vệ-Xuân-Hoa đến đón tiếp. Trần-Gia-Cách cười miễn cưỡng, khẽ lắc đầu không nói một lời. Đám hào kiệt Hồng Hoa Hội hiểu ngay, ai nấy đều buồn rầu đưa nhau lên ngọn đồi phía sau.
Mọi người mệt mỏi cả tinh thần lẫn thể xác, một hồi lâu không ai nói chuyện với ai một lời nào cả. Trần-Gia-Cách nói với Vệ-Xuân-Hoa:
-Cửu ca! Anh hãy đem ngọc bình và tiểu thiếp của Lý-Khả-Tú trả lại cho hắn. Chúng ta không nên thất tín!
Vệ-Xuân-Hoa vân lệnh ra đi. Bỗng Mã-Đại-Đình hớt ha hớt hãi chạy vào nói:
-Tổng-Đà-Chủ! Trương-Siêu-Trọng có thư gửi Tổng-Đà-Chủ!
Trần-Gia-Cách mở thư ra đọc, thấy toàn là những lời giận dữ căm phẫn của Trương-Siêu-Trọng, trách chàng dùng quỷ kế lén điểm huyệt, lại xiềng xích nhốt y vào nhà lao. Vì thế, để quyết rửa mối nhục này, Trương-Siêu-Trọng hẹn tỉ thí một phen để phân tài cao hạ, địa điểm ngày giờ hoàn toàn do Trần-Gia-Cách lựa chọn.
Trần-Gia-Cách liền thảo ngay một bức thư hồi âm hẹn sẽ gặp nhau vào giờ Ngọ ngày hôm sau tại ngọn núi phía Bắc thành Hàng-Châu. Vừa định sai người đem thư giao đến cho Trương-Siêu-Trọng thì Từ-Thiện-Hoằng cản lại nói:
-Xin Tổng-Đà-Chủ đừng nóng giận! Chúng ta chỉ có hai ngày để cứu Văn tứ ca. Chuyện tỉ võ có thể từ từ cũng được, không sao.
Trần-Gia-Cách nghe nói gật đầu nói:
-Thất ca nói phải! Hôm nay là ngày 20, để tôi sửa lại là ngày 22 cũng được.
Sửa lại ngày giờ trong thư xong, Trần-Gia-Cách mới sai kẻ tâm phúc đem thư đến dinh thự của Lý-Khả-Tú nhờ người trao lại cho Trương-Siêu-Trọng.
Triệu-Bán-Sơn nói:
-Trương-Siêu-Trọng có thanh Ngân-Bích-Kiếm quá ư lợi hại, tốt hơn hết Tổng-Đà-Chủ không nên tỉ thí bằng binh khí với hắn. Nhưng quyền cước của Tổng-Đà-Chủ thật là có một không hai trên đời, sẽ có nhiều hy vọng thủ thắng hơn!
Vô-Trần Đạo-Nhân bỗng hậm hực nói:
-Há lại sợ so kiếm với hắn sao!
Vì nhớ tới lúc Trương-Siêu-Trọng lợi dụng binh khí sắc bén chặt gẫy kiếm của mình trong trận quyết đấu gần sông Hoàng-Hà hôm nọ cho nên Vô-Trần Đạo-Nhân giận dữ chẳng cùng.
Châu-Trọng-Anh nói:
-Tôi có việc muốn được tỏ bày cùng Tổng-Đà-Chủ.
Trần-Gia-Cách lễ phép thưa:
-Châu lão tiền bối có điều gì xin cứ dạy bảo.
Châu-Trọng-Anh nói:
-Võ nghệ của Tổng-Đà-Chủ dưới vòm trời này chắc chắn không tìm được người thứ hai, lão phu tin tưởng sẽ lấn át được Trương-Siêu-Trọng. Tuy nhiên, phải ít năm nữa nội lực của Tổng-Đà-Chủ mới đạt được mức tối cao cho nên hiện tại phải nhượng bộ Trương-Siêu-Trọng về mặt đó. Võ công Tổng-Đà-Chủ hơn hắn, nhưng lại kém về hổ hầu thì trận đấu này cùng lắm chỉ là hòa thôi. Như vậy thì phỏng có lợi gì? Xin Tổng-Đà-Chủ đừng quên trách nhiệm to lớn với bang hội mà liều thân khinh xuất đấu với hắn làm gì. Thắng chưa chắc đã có lợi, mà nếu chẳng may lỡ tay sểnh miếng thì có phải làm phụ lòng bao nhiêu người đạt niềm tin vào Tổng-Đà-Chủ hay không?
Trần-Gia-Cách gật đầu đáp:
-Những lời dạy bảo của Châu lão tiền bối thật quả là vàng ngọc. Nhưng chẳng qua nếu không nhận lời thì Trương-Siêu-Trọng sẽ chê cười cho là chúng ta khiếp nhược, có hại đến uy tín của Hồng Hoa Hội. Vì vậy, vãn bối cảm thấy cần phải cùng hắn sống mái một phen mới được.
Thường-Bá-Chí nói:
-Để tôi tìm cách lấy trộm thanh Ngân-Bích-Kiếm của hắn để buộc hắn phải dùng quyền cước thì mới có lợi cho Tổng-Đà-Chủ.
Chương-Tấn nói:
-Hà tất phải thế! Chúng ta cứ theo phương pháp ‘xa luân chiến’ (#1) làm tiêu hao nội lực của hắn thì đến lúc Tổng-Đà-Chủ ra tay lo gì mà chẳng thắng!
Nghe Chương-Tấn nói ai nấy đều cả cười. Trong khi mọi người đang bàn luận thì người nhà của Mã-Thiện-Quân đến báo tin:
-Thưa lão gia! Lão già Vương-Duy-Dương vẫn chẳng chịu ăn uống gì cả, còn buông lời mắng chửi nữa.
Mã-Thiện-Quân buồn cười hỏi:
-Lão ta chửi những gì?
Tên gia nhân đáp:
-Lão ta chửi Ngự-lâm quân làm việc cẩu thả, nói rằng lão một đời tung hoành ngang dọc được võ lâm đồng đạo kính trọng mà không ngờ lãnh trách nhiệm vụ bảo tiêu bảo vật cho nhà vua lại bị triều đình làm nhục.
Vô-Trần Đạo-Nhân cười sặc sụa nói:
-Lão là Uy-Chấn Hà-Sóc, tên tuổi vang dậy trong giang hồ, ngờ đâu đến Giang-Nam bị chôn vùi cả một cuộc đời oanh liệt, bảo sao không làm lão điên đầu!
Từ-Thiện-Hoằng bỗng vỗ đùi, nảy ra một ý nghĩ nói:
-Tôi vừa nghĩ ra một kế gọi là ‘Biện trạng kích hổ’, không hiểu ý kiến các vị huynh đệ như thế nào?
Mọi người hỏi ý kiến chàng ra sao, Từ-Thiện-Hoằng hóm hỉnh đem mưu kế của mình ra nói. Mọi người nghe xong đều phá lên cười. Triệu-Bán-Sơn khen chẳng hết lời:
-Thật là tuyệt diệu!
Trần-Gia-Cách cũng phải bật cười nói:
-Kế này thật sự cũng chẳng phải là quang minh chính đại gì cho lắm! Tuy nhiên, ở trong xóm tiểu nhân thì nhiều lúc cũng không nên dùng cái đạo của người quân tử ra mà đối. Mạnh đại ca! Anh làm ơn lo hộ chuyện này nhé!
Chú thích:
1 Xa luân chiến: khi gặp một người quá lợi hại không thể đấu lại được thì áp dụng chiến thuật này, dùng từng người một luân phiên nhau đánh một người, mục đích làm tiêu hao sức lực của người kia để “hạ từ từ”.
Còn Tiếp