Trương Tam Phong nghe nói kinh hãi thầm nhưng vẫn an ủi thằng nhỏ:
- Vết thương của cháu đã khỏi rồi, các sư bá, sư thúc cháu không phải ẳm cháu suốt ngày như trước nữa. Bây giờ cháu hãy lên trên giường của thái sư phụ ngủ chốc lát đi!
Vô Kỵ vâng lời, nhưng trước khi lên giường ngủ, y liền quỳ xuống lạy Trương Tam Phong và mấy bác, chú và nói:
- Thưa Thái sư phụ và các sư bá sư thúc, Nhờ quý vị cứu nên tính mạng của Vô Kỵ mới được bảo tồn, sau này xin quý vở dạy võ công cho Vô Kỵ để Vô Kỵ trả thù cho cha mẹ!
Thấy Vô Kỵ còn nhỏ mà đã biết lễ phép như vậy ai cũng mủi lòng và an ủi thằng nhỏ vài lời.
Trương Tam Phong và các đồ đệ ra ngoài khách sảnh. Lão anh hùng thở dài một tiếng và nói:
- Bây giờ hơi hàn độc đã xâm nhập đỉnh môn, giữa tim và đơn điền của thằng nhỏ rồi, Với ngoại lực của chúng ta, không thể nào giải được! Mấy thầy trò ta đã tốn công trong bốn mươi ngày thật là vô ích. Sư phụ đã suy ngẫm nửa ngày rồi mà vẫn không sao nghĩ ra được vì sao mà không xua đuổi được chất hàn độc đó!
Mọi người đang suy nghĩ nhưng không ai hiểu được nguyên nhân. Nếu bảo dùng Thuần Dương Vô Cực công để cứu chữa không thể nào loại trừ được hơi hàn độc đó thì tại sao lúc đầu lại công hiệu, mãi tới ngày thứ ba mươi bảy mới mất hiệu dụng như thế? Tại sao tứ chi, cổ và khắp mình đều ấm áp, riêng có đỉnh môn, giữa tim và đơn điền là giá lạnh vô cùng. Ngẫm nghĩ một hồi Dư Liên Châu lên tiếng nói:
- Thưa sư phụ, hay là say khi Vô Kỵ bị Huyền Minh Thần Quyền đánh trúng, nó tự vận nội lực để chống đỡ, nhưng không biết cách nên hơi hàn độc đó mới uất kết lại ở ba nơi trông huyệt mà không sao hút ra nổi?
Trương Tam Phong lắc đầu nói:
- Nó còn bé dù Thúy Sơn có dạy cho nó một chút vận khí nhưng làm sao nó có nội lực lớn như vậy?
Liên Châu lại tiếp:
- Thưa sư phụ, nội lực của thằng nhỏ này mạnh lắm!
Ðoạn chàng kẻ lại chuyện Vô Kỵ đã dùng Thần Long Bãi Vĩ đánh một tên đệ tử của Mao Sơn bang bị thương nặng như thế nào.
Trương Tam Phong vỗ dùi một cái liền nói:
- Phải rồi! Thì ra nó toàn học những võ công kỳ môn của Tạ Tốn. Nếu nội công của nó do Thúy Sơn dạy cùng nguồn gốc với võ học của chúng ta mà chúng ta dùng Thuần Dương Vô Cực công cứu chữa cho tất nhiên rất chóng khỏi. Nhưng võ công của nó lại do Tạ Tốn dạy, không hiểu những võ công đó thuộc môn phái nào?
Nói xong, lão anh hùng quay trở lại thư phòng hỏi Vô Kỵ:
- Thái sư phụ muốn thử xem võ công của cháu ra sao, vậy cháu hãy thử đánh Thái sư phụ ba chưởng xem sao!
Vô Kỵ đáp:
- Cháu không dám đánh Thái sư phụ.
Trương Tam Phong cười đáp:
- Nếu cháu không dùng toàn sức lực đánh thì thái sư phụ làm sao biết được võ công của cháu như thế nào để dạy bảo thêm cho cháu?
Vô Kỵ đáp:
- Vâng cháu xin đánh ngay, nhưng Thái sư phụ đừng dùng sức đánh lại cháu nhé!
Trương Tam Phong vừa cười vừa nói đáp:
- Cháu chớ sợ!
Vô Kỵ liền múa chưởng, sử thế Kiếm Long Tạ Ðiền trong Giáng Long Thập Bát Chưởng từ phía bên phải Trương Tam Phong mà đánh tréo xuống phía bên trái.
Trương Tam Phong vừa giơ tả chưởng lên chống đỡ chưởng lực của Vô Kỵ đã bị tiêu tan một cách vô hình ngay.
Trương Tam Phong gật đầu và nói:
- Khá lắm!
Vô Kỵ thấy thế đánh của mình vô hiệu liền quay người lại hất tay về phía sau, dùng thế Thần Long Bái Vĩ.
Trương Tam Phong lại dùng hữu chưởng ra tiếp đỡ.
Thế đánh của Vô Kỵ tựa như bị đánh hụt và y không cảm thấy sức lực của Trương Tam Phong đánh bật lại.
Nhưng Trương Tam Phong đã khen:
- Giỏi lắm! Cháu bé như thế này mà luyện được võ công đến như thế cũng là đặc sắc lắm rồi!
Vô Kỵ mặt đỏ bừng đáp:
- Thưa Thái sư phụ, cháu không đánh nữa, vì đánh mãi mà không trúng cái nào cả thì đánh làm chi nữa!
Trương Tam Phong lại nói:
- Cháu hãy đánh thêm một chưởng nữa cho thái sư phụ xem!
Vô Kỵ liền múa chưởng dùng thế Kháng Long Hữu Hối.
Trương Tam Phong hơi kinh ngạc và hỏi:
- Cháu biết cả những chưởng pháp này nữa ư?
Lão anh hùng vừa nói vừa giơ tay lên đỡ, thấy thế chưởng này của Vô Kỵ tuy rất cương mãnh nhưng sức lực và độ tinh xảo kém hơn hai thế trước nhiều liền lắc đầu nói:
- Thế võ này của cháu kém hơn hai thế trước, chắc cháu chưa được học hết phải không?
Vô Kỵ vội đáp:
- Không phải thế đâu, thưa Thái sư phụ. Ðó là tại nghĩa phụ cháu chưa học hết. Nghĩa phụ nói rằng Giáng Long Thập Bát Chưởng là một môn võ công lợi hại nhất trong thiên hạ, nhưng tiếc thay nghĩa phụ cháu chỉ học được có mấy miếng đó thôi. Miếng Kháng Long Bữu Hối chính nghĩa phụ cháu cũng không hiểu hết tinh vi của nó nhưng bảo cháu cứ học trước đi rồi sau này sẽ hiểu được.
Trương Tam Phong gật đầu đáp:
- Nếu vậy ta đoán mới không sai. Từ giờ trở đi cháu đừng giở thế võ này ra đối địch với người, bằng không cháu sẽ bị thất bại.
- Vậy thì Thái sư phụ dạy lại thế võ ấy cho Vô Kỵ đi!
- Thái sư phụ không biết môn võ công này. Từ khi đại hiệp Quách Tỉnh tuẫn quốc ở thành Tương Dương tới giờ, môn Giáng Long Thập Bát Chưởng này đã thất truyền rồi.
Sau đó Trương Tam Phong hỏi Vô Kỵ một cách cặn kẽ, xem y đã học qua những môn võ công nào rồi.
Vô Kỵ kể rõ hết cho Trương Tam Phong nghe.
Trương Tam Phong càng nghe càng lấy làm lạ nghĩ thầm:
- Không ngờ Kim Mao Sư Vương lại bác học đến thế. Võ công môn nào y cũng biết. Không ngờ Vô Kỵ tuổi còn nhỏ mà những quyển kinh, khẩu quyết lại thuộc đến thế, quả thật có nhiều môn võ nó vừa đọc ra, ta chưa hề nghe tới bao giờ.
Thì ra năm xưa Tạ Tốn vì muốn khiêu khích cho Thành Khôn ra mặt nên giết hại rất nhiều cao thủ của các phái và sau khi giết người xong thuận tay lấy luôn những kinh kiếm phổ của người ta đem về nghiên cứu, phòng sau này gặp phải các đồng môn của họ đến tầm thù thì biết trước mà đối phó. Lúc Tạ Tốn truyền võ công cho Vô Kỵ chỉ dạy y học thuộc lòng những khẩu quyết của những thế võ đó thôi còn biến hóa ra sao thì chàng không kịp truyền lại cho thằng nhỏ.
Trương Tam Phong cứ gật đầu lia lịa khen:
- Hay lắm! Hay lắm!
Trương Chân Nhân cũng phải khen phục Tạ Tốn đã khổ tâm vì Vô Kỵ. Y không muốn mất thời gian nên trong mấy năm trời đã bắt thằng nhỏ học cả những gì y học cả đời người. Chắc sau này Vô Kỵ lớn lên với tư chất thông minh như thế này thế nào cũng biết xử dụng hết những thế võ đó. Sau khi tiếp đỡ ba chưởng của Vô Kỵ.
Trương Tam Phong đã biết nội công của Vô Kỵ rất phức tạp tinh xảo. Lão anh hùng cũng biết sở dĩ hơi hàn độc uất kết nơi trông huyệt của thằng nhỏ là tại nó vận dụng nội công định xua đuổi ra ngoài. Ngờ đâu lại làm uất kết vào nơi yếu huyệt như thế nên không sao hút được hơi hàn độc đó ra ngoài. Trừ phi Vô Kỵ phải ngừng hết hơi thở mới hút hết được hơi độc từ ba chỗ đó ra khỏi thân thể. Nhưng người ta ngừng hơi thở thì chết ngay, dù có hút được hơi độc ra cũng vô ích.
Trương Tam Phong ngẫm nghĩ giây lát rồi tự nhủ:
- Muốn giải được hơi hàn độc trong người Vô Kỵ thì thằng nhỏ phải tự luyện tập lấy Cửu Dương Chân Kinh mới có thể dùng nội công chí dương của mình mà hóa tan những âm độc trong người. Nhưng lúc Giác Viễn đại sư đọc cuốn kinh văn đó ta lại không nhớ được bao nhiêu. Tuy từ trước tới nay ta đã bế quan mấy lần để nhớ lại mà chỉ có thể nhớ được ba bốn thành thôi. Bây giờ vô kế khả thi thì ta đành dạy nó học đỡ ba bốn thành kinh văn đó, may ra sống được ngày nào hay ngày ấy!
Ðoạn Trương Chân Nhân bèn đem Cửu Dương Chân Kinh khẩu quyết truyền lại cho Vô Kỵ.
Vô Kỵ theo phương pháp của Trương Tam Phong dạy, tu luyện hơn hai năm tuy nơi đơn điền đã bớt lạnh nhưng da mặt càng ngày càng xanh thêm.
Mỗi lúc hơi hàn độc đó phát lên thằng nhỏ khổ sở vô cùng.
Trong hai năm ấy Trương Tam Phong cố công luyện nội công cho Vô Kỵ càng ngày càng tiến bộ, còn anh em Viễn Kiều thì đi khắp nơi tìm linh đơn dược liệu để chữa trị cho Vô Kỵ nhưng vẫn không thấy công hiệu gì cả.
Càng ngày Vô Kỵ càng ốm yếu, ai cũng lo ngại cho dòng dõi của Trương Thúy Sơn sẽ bị tuyệt mất.
Trong lúc mọi người trong phái Võ Ðang bận chữa trở cho Vô Kỵ không ai để ý tới việc tìm kẻ thù đã đả thương Dư Ðại Nham và Vô Kỵ.
Trong hai năm đó Giáo Chủ của Bạch Mi Giáo đã mấy lần phái người đến chăm nom cháu ngoại và tặng nó khá nhiều lễ vật quý giá.
Nhưng anh em phái Võ Ðang còn tức hận Bạch Mi Giáo vì Dư Ðại Nham và Trương Thúy Sơn bị hại đều do giáo phái đó gián tiếp gây nên.
Vì vậy lần nào sứ giả của Bạch Mi Giáo lên núi Võ Ðang là anh em Viễn Kiều xua đuổi, trả lại hết lễ vật.
Có một lần Mạc Thanh Cốc còn ra tay đánh sứ giả một trận nên từ đó trở đi Hân Thiên Chính không phái người lên núi Võ Ðang nữa.