Người Mãn Châu hiểu rằng sức mạnh của họ là do đao thương cung kiếm. Tám đạo quân trấn đóng tại các điểm chiến lược khắp nước. Tại các thành phố lớn, người Mãn Châu xây dựng những khu gia cư riêng biệt. Triều đình Mãn Thanh cũng tuyển mộ người Hán vào quân đội, nhưng không bao giờ cho người Hán được gia nhập tám đạo quân của họ. Quân đội Mãn Thanh lúc nào cũng chăm chỉ thao dượt đao thương và cung tên. Nhưng cho tới đầu thế kỷ thứ hai mươi thì tám đạo quân này đã lỗi thời, và chỉ dùng trong những nhiệm vụ nghi lễ. Như vậy người Mãn Châu tách biệt hẳn người Hán về ba phương diện: hôn nhân, ngôn ngữ và binh nghiệp. Tuy tự khoe đã trở thành người Trung Hoa hơn người Trung Hoa, nhưng người Mãn Châu vẫn tự nhận là những người đi chinh phục. Thực ra Ngô Tam Quế không phải là nguyên nhân duy nhất giúp nhà Mãn Thanh thôn tính Trung Hoa. Một nguyên nhân khác nữa là sự tham nhũng của giới hoạn quan bên trong Cấm Thành. Một tài liệu lịch sử của người Mãn châu đã viết: “Nhà Minh đã mất ngai vàng chỉ vì rượu và đàn bà.” Chính vì kinh nghiệm của nhà Minh nên khi đã chiếm được Cấm Thành rồi, nhà Mãn Thanh đã bãi bỏ chế độ thái giám. Khi nhà Mãn Thanh chiếm Cấm Thành thì trong Cấm Thành có tới một trăm ngàn thái giám. Nhưng sự cải cách của nhà Mãn Thanh không kéo dài được bao lâu, vì thái giám là giới khéo cung phụng những thú vui cho các hoàng đế. Đời sống bên trong Cấm Thành thực là đầy cám dỗ, và chế độ thái giám được nhà Thanh tái lập cho nhu cầu của nhà vua. Đến cuối thế kỷ thứ mười chín thì giới thái giám trong Cấm Thành đã lại bành trướng và nắm được quyền hành lớn lao như dưới thời nhà Minh thuở trước. Mặc dầu hệ thống thái giám bị nhiều hạn chế về cuối triều Mãn Thanh, nhưng đến đầu thế kỷ thứ hai mươi, con số thái giám tại Cấm Thành cũng lên tới ba ngàn người. Thái giám đảm nhiệm rất nhiều bổn phận, ngoài việc chầu chực hoàng đế ngày đêm. Thái giám còn được dùng để truyền các đạo dụ của nhà vua, sắp xếp việc triều kiến cho các quan. Thái giám giữ văn khố hoàng gia, nhận tiền và lúa gạo từ các ngân khố tỉnh gởi đến. Thái giám cũng tổ chức việc phòng hoả bên trong Cấm Thành, điều hành thư viện của nhà vua, canh giữ bảo tàng viện, phòng vệ hoàng thành, coi giữ những nghệ phẩm, giữ hồ sơ văn từ, thắp hương trước bàn thờ của các tiên đế và thần thánh, canh giữ ngọc tỷ của vua, ghi chép lịch sử của triều đình, chăm sóc vườn ngự uyển, hớt tóc cho nhà vua, làm công việc vặt trong nhà, sắc thuốc, thi hành việc trừng phạt các thái giám phạm lỗi, hoặc hầu hạ các hoàng hậu và cung phi. Đôi khi họ còn phải tập hát tuồng và ca hát, mặc dầu họ có cái giọng the thé của người đàn ông đã bị thiến. Một công việc quan trọng nữa của thái giám là nuôi nấng và dạy dỗ một ấu chúa. Mặc dầu đã bị thiến nhưng một số thái giám lâu dần lấy lại được khả năng tình dục. Một số thái giám khác thì thay đổi tính tình và căm phẫn cái thân phận không phải đàn ông không phải đàn bà của mình, nên ưa thích việc tra tấn hành hạ người khác. Một số thủ lãnh thái giám được phép ở bên ngoài Cấm Thành, trong những dinh thự đồ sộ như một sứ quân và có rất nhiều vợ và nhiều đầy tớ gái. Đôi khi chỉ để giải trí, các thái giám quyền thế này ra lệnh đánh vợ hoặc đầy tớ gái đến chết. Hành động tàn ác của họ không bị tội, vì họ không bị chi phối bởi luật lệ cho thường dân. Các thái giám trong Cấm Thành được phân chia làm hai đẳng cấp. Đẳng cấp thứ nhất được trực tiếp hầu hạ thái hậu, hoàng đế, hoàng hậu và các thứ phi. Loại thứ hai làm các việc lặt vặt và ít quyền thế hơn. Thái giám của nhà Thanh được phân chia làm chín thứ bậc và mỗi người đeo một chiếc thẻ để ghi thứ bậc. Thái giám bậc cao nhất đeo thẻ mầu đỏ hình bầu dục. Lương chính thức của thái giám rất thấp, mỗi tháng khoảng tám quan bạc, tám hộc lúa và một chuỗi ba trăm đồng tiền đồng. Tuy nhiên thái giám có nhiều cách kiếm thêm tiền, và các thái giám cao cấp thì bổng lộc rất cao. Họ đã tổ chức một hệ thống thu tiền. Các quan lại muốn vào chầu hoàng đế thường phải hối lộ cho thái giám. Nhưng các thái giám cấp nhỏ thì rất thiếu thốn cực khổ. Họ không được ăn uống no đủ và thường bị đánh đập luôn. Lúc về già họ sống còn tệ hơn nữa, và một khi bị trục xuất khỏi Cấm Thành khi bị trừng phạt, thì tương lai của họ chỉ là trở thành ăn mày hoặc sẽ chết đói. Một công chúa Mãn Thanh có chồng người Mỹ, sống trong Cấm Thành hai năm, từ 1903 đến 1905, đã tả lại một cảnh trừng phạt thái giám như sau:
“Một thái giám mà phạm một lỗi nhỏ cũng bị đưa ra trước hoàng đế. Có thể tên thái giám đó chỉ làm một người thị nữ hoảng sợ bằng cách hăm doạ khiến người thị nữ la hoảng lên làm thái hậu giật mình thức giấc. Hình phạt một thái giám có lỗi thường là bị đánh một trăm roi. Nạn nhân thường bị lột quần áo để lộ hai đùi, và một thái giám khác đánh nạn nhân bằng một chiếc roi tre có thể làm rách da rách thịt. Từ từ tên thái giám thi hành lệnh trừng phạt vung chiếc roi tre và đánh vào cùng một chỗ, đủ một trăm lần, cho đến khi thịt rách ra và đau đớn không thể chịu đựng được. Một số thái giám sau khi bị đánh đau quá đã trở thành điên khùng, nguyền rủa cả hoàng đế và có thể bị chém đầu.” Phổ Nghi là một vị hoàng đế cai trị một phần tư nhân loại sống trong khung cảnh tàn nhẫn và đầy quyền lực ấy. Cũng giống nhà Minh, triều đại Mãn Thanh cuối cùng cũng sụp đổ. Nhưng thời kỳ đầu của nhà Mãn Thanh là một thời kỳ hưng thịnh, dân chúng an cư lạc nghiệp, trộm cướp không còn nhũng nhiễu nữa. Sự thành công của người Mãn thực là đáng kể vì họ chỉ có một dúm người mà cai trị cả một nước khổng lồ Trung Hoa trong gần ba thế kỷ. Văn học nghệ thuật Trung Hoa cũng phát triển mạnh mẽ dưới triều Mãn Thanh. Kịch nghệ được thịnh hành và bộ danh tác Hồng Lâu Mộng của Trung Hoa cũng được sáng tác dưới triều đại Mãn Thanh. Về chính trị, nhà Mãn Thanh đã mở rộng đất nước Trung Hoa. Lần đầu tiên Trung Hoa đã chiếm được Đài Loan, và một phần của Tân Gia Ba, Mã Lai Á và Phi Luật Tân. Nhà Thanh cũng đặt ảnh hưởng tới tận Nepal, Sikim, Bhutan. Về mặt tây và bắc, nhà Thanh thu phục cả Ngoại Mông, Tây Tạng và Tân Cương. Thời kỳ nhà Thanh bành trướng đất đai cũng là lúc Âu Châu cũng đang đi tìm thuộc địa. Người Nga cũng đang tìm đường tiến về Thái Bình Dương từ Tây Bá Lợi Á. Người Nga cũng tiến tới tận sông Hắc Long Giang. Đây là giai đoạn xung đột đầu tiên giữa Nga và Trung Hoa tại vùng đất mênh mông bên ngoài Vạn Lý Trường Thành. Cuộc xung đột Nga Hoa còn kéo dài cho tới ngày nay và cũng đem lại cho Phổ Nghi đôi chút tiện lợi. Tuy nhiên cuộc nam tiến của người Nga bị nhà Mãn Thanh chặn lại. Năm 1689, nước Nga phải ký hoà ước và rút lui. Cảm thấy vùng đất tổ là Mãn Châu có thể bị Nga hăm doạ, các hoàng đế Mãn Thanh mời người Nga họp hội nghị để phân chia biên giới giữa hai nước. Hoàng đế Nga phái hai tiểu đoàn và một ngàn lính kỵ mã tới nơi hội nghị, với ý định dùng sức mạnh áp lực vua nhà Thanh. Nhưng triều đình Mãn Thanh phái một lộ quân 17 ngàn người tới hội nghị. Người Nga vội rút lui khỏi bờ sông Hắc Long Giang. Người Nga căm hận vì bị sỉ nhục, nhưng họ không bao giờ bỏ giấc mơ chiếm đồng bằng Mãn Châu và những thung lũng mầu mỡ, những đồi núi nhiều cây cối, những mỏ khoáng sản và những cửa biển nước ấm. Mãn Châu thực là một vùng đất giầu tài nguyên mà lại ít người ở. Một lý do Mãn Châu không được khai thác dưới thời nhà Thanh là vì thổ dân ở đây thù nghịch tất cả các người khác giống. Mặc dù đã được củng cố quyền lực tại Trung Hoa và đạt được chiến thắng khắp nơi, người Mãn Châu vẫn không bỏ được tâm trạng bất ổn khi họ chỉ là một số rất nhỏ trong biển người Trung Hoa. Chính vì thế nhà Mãn Thanh vẫn giữ Mãn Châu là khu vực trừ bị, hoàn toàn cho người Mãn Châu. Người Hán không được di dân tới Mãn Châu. Chỉ một số ít người Trung Hoa làm nghề buôn nhân sâm, lông thú mới thỉnh thoảng được phép vượt ra ngoài Vạn Lý Trường Thành vào đất Mãn Châu buôn bán. Mãn Châu trở thành cấm quốc đối với người Hán vì người Mãn Châu vẫn nhớ lời dặn của tổ phụ, khi nào bị người Trung Hoa chống đối thì ở đâu hãy trở về đó. Giống như những hoàng đế cai trị Trung Hoa trước họ, các hoàng đế Mãn Thanh vẫn thường quay nhìn về đất Mãn Châu, vì họ biết rằng không một triều đại nào có được thiên mệnh cai trị Trung Hoa mãi mãi.