watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
14:58:2129/04/2025
Kho tàng truyện > Truyện Dài > NƯỚC NGOÀI > Sử Ký Tư Mã Thiên - Trang 28
Chỉ mục bài viết
Sử Ký Tư Mã Thiên
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Trang 11
Trang 12
Trang 13
Trang 14
Trang 15
Trang 16
Trang 17
Trang 18
Trang 19
Trang 20
Trang 21
Trang 22
Trang 23
Trang 24
Trang 25
Trang 26
Trang 27
Trang 28
Trang 29
Trang 30
Trang 31
Trang 32
Trang 33
Trang 34
Trang 35
Trang 36
Trang 37
Trang 38
Trang 39
Trang 40
Trang 41
Tất cả các trang
Trang 28 trong tổng số 41

Điền Đan Liệt Truyện

Điền Đan là họ hàng xa họ Điền tôn thất nước Tề. Thời Tề Dẫn Vương, Điền Đan làm người coi chợ ở Lâm Tri, không được ai biết đến.
Nước Yên sai Nhạc Nghị (l) đánh phá nước Tề (năm 285 trước Công nguyên). Vua Tề Dẫn Vương trốn chạy, rút về giữ thành Cử. Quân Yên thừa thế ruổi dài đuổi đánh, bình định nước Tề. Điền Đan bỏ chạy vào thành An Bình, sai họ hàng cưa tất cả hai dầu trục xe, lấy sắt lắp vào để làm trục. Quân Yên tấn công An Bình. Thành vỡ, người Tề bỏ chạy, tranh nhau đường, đầu trục xe gãy, xe đổ nên bị quân Yên bắt làm tù binh. Chỉ có họ hàng Điền Đan nhờ có đầu trục xe bịt sắt cho nên trốn thoát, đi về hướng Đông giữ đất Tức Mặc. Quân Yên chiêu hàng tất cả các thành của nước Tề, chỉ còn Cử và Tức Mặc là chưa bị hạ.
Quân Yên nghe tin vua Tề ở thành Cử nên dồn tất cả binh lực đánh thành Cử. Sau khi đã giết Dẫn Vương ở thành Cử, Trác Xỉ cố giữ thành chống lại quân Yên. Quân Yên đánh một năm không lấy được, bèn đem quân về hướng Đông vây Tức Mặc. Quan đại phu ở Tức Mặc ra giao chiến bị thua và chết. Người trong thành cùng nhau tiến cử Điền Đan làm quan giữ thành. Họ nói:
- Trong lúc đánh nhau ở An Bình, họ hàng Điền Đan nhờ có trục xe bằng sắt nên được sống cả. Ông ta thông thạo binh pháp.
Cho nên họ lập Điền Đan làm tướng quân, coi thành Tức Mặc để chống lại quân Yên.

2. Ít lâu sau, Yên Chiêu Vương chết (năm 279 trước Công nguyên), Huệ Vương lên ngôi, có hiềm khích với Nhạc Nghị. Điền Đan nghe tin ấy bèn tung phản gián vào nước Yên, phao lên: “ Vua Tề đã chết, nước Tề chỉ còn hai thành nữa không lấy được mà thôi. Nhạc Nghị sợ bị giết nên không dám về, ông ta mượn tiếng đánh Tề, nhưng thực ra là muốn kết hợp binh lực, ngoảnh mặt về hướng Nam làm vua đất Tề. Người Tề chưa theo, vì vậy, ông ta đánh Tức Mặc không ráo riết để cho họ theo mình. Người Tề chỉ sợ viên tướng khác đến thì thành Tức Mặc sẽ bị tiêu diệt mất ”.
Vua Yên cho là phải, sai Kỵ Nhiếp thay Nhạc Nghị.
Nhạc Nghị vì vậy trở về Triệu (2). Sĩ tốt nước Yên phẫn uất. Điền Đan bèn sai người ở trong thành, khi ăn thì phải cúng tổ tiên ở ngoài sân. Chim chóc ở ngoài đều bay vào thành lượn xuống ăn. Nước Yên cho là quái lạ. Nhân đó, Điền Đan phao tin rằng: “ Có thần đến dạy bảo ta ”. Bèn nói với người dân trong thành:
- Sẽ có thần nhân làm thầy cho ta.
Có một tên lính nói:
- Tôi làm thầy có được không?
Nói xong, liền bỏ chạy, Điền Đan đứng dậy kéo anh ta lại, đặt ngồi hướng về Đông, thờ làm thầy. Người lính nói:
- Tôi nói dối ông đấy, tôi thật không có tài cán gì !
Điền Đan nói:
- Ông chớ nói thế.
Bèn thờ ông ta làm thầy, mỗi khi ra hiệu lệnh đều gọi là “ thần sư ”. Nhân đó, Điền Đan phao lên:
- Ta chỉ sợ quân Yên xẻo mũi lính Tề, đặt họ ra hàng đầu để cùng ta giao chiến, nếu họ làm thế thì Tức Mặc sẽ bị thua.

Quân Yên nghe vậy làm đúng lời Điền Đan nói. Người trong thành thấy tất cả những người Tề đầu hàng đều bị xẻo mũi nên nổi giận kiên quyết giữ thành, chỉ sợ bị quân Yên tóm được. Điền Đan lại tung bọn phản gián nói:
- Ta sợ người Yên đào mồ mả tổ tiên của ta ở ngoài thành làm nhục tổ tiên ta, nếu họ làm thế thì thật đáng sợ.
Quân Yên đào tất cả mồ mả của người Tề lên, thiêu xác chết. Người Tức Mặc ở trên thành nhìn ra thấy thế đều khóc, muốn ra đánh, giận gấp mười lần trước.
Điền Đan biết quân sĩ đã dùng được, bèn thân hành mang bai, thuổng, cùng sĩ tốt phân công, biên tên vợ và nàng hầu vào quân đội, phân tán tất cả thức ăn thức uống để nuôi quân sĩ. Điền Đan sai tất cả quân sĩ mang áo giáp nấp một nơi, còn người già yếu, đàn bà con gái đều lên thành cho sứ thần giao ước sẽ đầu hàng Yên, quân Yên đều hô “ vạn tuế ” ! Điền Đan lại sai thu vàng của dân được một ngàn dật, bảo những người giàu có ở Tức Mặc đưa cho tướng sĩ Yên mà nói:
- Thành Tức Mặc sắp đầu hàng, xin các ông chớ bắt bớ, cướp bóc vợ con của gia đình họ hàng chúng tôi để cho họ được sống yên ổn như trước.
Tướng Yên cả mừng, bằng lòng. Quân Yên vì thế lại càng trễ nải.

3. Điền Đan bèn thu trong thành được hơn một nghìn con trâu, lấy vải quyến mặc cho nó, vẽ vằn rồng ngũ sắc, buộc mũi nhọn ở đầu sừng, buộc lau vào đuôi đổ mỡ vào đấy rồi đốt những bó lau. Lại sai đục mấy mươi hang ở thành, ban đêm tung trâu ra, năm ngàn tráng sĩ tiếp theo sau. Đuôi trâu nóng, trâu nổi giận, xông vào quân Yên, quân Yên đang đêm cả sợ. Đuôi trâu bốc lửa, ánh sáng chói lòa. Quân Yên nhìn vào thì thấy toàn là vằn rồng, trâu húc vào ai thì người ấy đều bị thương và chết. Năm ngàn người theo đó ngậm tăm xông vào đánh, trong thành lại đánh trống reo hò trợ lực, người già cả, yếu đuối đều đánh đồ đồng, tiếng vang động trời đất. Quân Yên hoảng sợ thua chạy. Người Tề đuổi theo giết tướng Yên là Kỵ Khiếp, quân Yên chạy toán loạn, người Tề đuổi theo quân Yên. Quân Tề đi qua thành ấp nào thì thành ấy đều phản lại nước Yên mà trở về với Tề.
Quân của Điền Đan mỗi ngày một nhiều, thừa thắng đuổi theo. Quân Yên ngày càng thua trận, bỏ chạy. Cuối cùng, quân Yên rút về trên sông Hoàng Hà, hơn bảy mươi thành của Tề đều trở về nước Tề như cũ. Điền Đan bèn đón Tương Vương ở thành Cử vào thành Lâm Tri để cai trị. Tương Vương phong Điền Đan làm An Bình Quân.

4. Thái sử công nói:
- Theo phép dùng binh thì cốt lấy chính binh (3) để đánh địch, lấy kỳ binh để thắng địch, người khéo dùng binh thì có nhiều cách dùng kỳ binh, nói không thể hết được. Kỳ binh và chính binh sinh ra nhau như cái vòng, không có đâu là đầu mối. Lúc mới dùng binh, phải tỏ vẻ sợ sệt như cô gái trinh khiến kẻ địch khinh thường mở cửa không đề phòng, sau đó thì phải hăng hái như con thỏ thoát lưới làm cho quân địch không kịp chống cự (4). Điền Đan có thể nói là người như thế.
Lúc đầu Trác Xỉ giết Dẫn Vương, người thành Cử đi tìm người con của Dẫn Vương là Pháp Chương, bắt gặp ông ta đang làm người tưới vườn ở tại nhà thái sử tên là Hiệu. Con gái của Hiệu thương hại nên đối đãi với ông ta một cách tử tế Về sau Pháp Chương nói thật tình cảnh của mình với người con gái. Người con gái bèn đi lại với ông ta. Đến khi người thành Cử cùng nhau lập Pháp Chương làm vua Tề, lấy thành Cử để chống lại nước Yên thì người con gái của thái sử được làm vương hậu, người ta gọi là “ quân vương hậu ”.
Lúc mới vào đất Tề, quân Yên nghe nói Vương Xúc người ở đất Hoạch là người hiền bèn ra lệnh trong quân: “ Xung quanh đất Hoạch ba mươi dặm không ai được vào ”. Làm thế là vì có Vương Xúc. Sau đó họ sai người nói với Xúc:
- Người Tề phần lớn quý trọng phẩm hạnh của ông, ta cho ông làm tướng, phong cho ấp vạn nhà.
Xúc cố từ. Người Yên nói:
- Ông không nghe, ta xẽ đem quân giết sạch cả ấp Hoạch.
Vương Xúc nói:
- “ Trung thần không thờ hai vua, gái trinh không lấy hai chồng ”. Vua Tề không nghe lời can ngăn của ta, cho nên ta rút lui mà cày ở nơi đồng nội. Nay nước đã mất, ta không thể còn. Các người lại lấy binh lực ép ta làm tướng, thế là giúp Kiệt làm việc bạo ngược. Sống mà không có nghĩa, không bằng chết bị nấu.
Bèn buộc cổ vào cầy, ra sức kéo cổ mà chết.
Các quan đại phu nước Tề nghe tin ấy, nói:
- Vương Xúc là kẻ áo vải mà còn theo nghĩa không quay mặt về hướng Bắc thờ Yên, huống những người làm quan ăn lộc sao !
Bèn họp lại đến thành Cử tìm người con của vua lập làm Tương Vương.
.......................................................
(1). Xem Nhạc Nghị liệt truyện.
(2). Nhạc Nghị bị đoạt binh quyền không dám trở về Yên, nên đầu hàng nước Triệu. Nhạc Nghị là người Triệu nên tác giả nói “ về ”.
(3). Chính binh: cánh quân chính thức giao chiến.
(4). Tác giả lấy lời của binh pháp Tôn Vũ Tử (thiên Cửu Địa) để đánh giá tài năng của Điền Đan.

Khuất Nguyên liệt truyện

K huất Nguyên tên là Bình cùng họ với vua nước Sở. Bình làm chức tả đô đời Sở Hoài Vương, học rộng, nhớ lâu, thấy rõ lẽ trị loạn, thạo việc giấy tờ. Vào cung thì cùng vua bàn tính việc nước, ban bố các mệnh lệnh, ra thì tiếp đãi khách khứa, ứng đối với chư hầu. Nhà vua rất tin dùng. Đại phu Thượng Quan (l) cùng ông ngang hàng, tranh được vua yêu trong bụng ghen ghét tài năng.
Hoài Vương sai Khuất Nguyên làm pháp lệnh, Khuất Nguyên nháp bản thảo chưa xong, đại phu Thượng Quan trông thấy muốn cướp lấy, Khuất Nguyên không cho, ông ta bèn gièm với vua:
- Bệ hạ sai Khuất Bình làm pháp lệnh, không ai là không biết. Mỗi khi lệnh ban ra, Bình lại khoe công của mình, nói: “ Ngoài ta ra, chẳng ai làm nổi ”.
Nhà vua giận, bỏ rơi Khuất Bình.

2. Khuất Bình giận về nỗi nhà vua nghe không phân biệt phải trái, để lời gièm pha che mất óc sáng suốt, để kẻ gian ác làm hại người trung thành, khiến cho người ngay không có chỗ dung thân, cho nên lo buồn nghĩ ngợi mà làm ra “ Ly Tao ”.
“ Ly Tao ” cũng như là buồn trong chia ly. Trời là khởi thủy của loài người. Cha, mẹ là gốc của con người. Người ta gặp lúc khốn cùng thì quay về gốc. Cho nên hễ khó khóc mỏi mệt, ốm đau, không ai không kêu trời ! Khi đau xót, thương cảm, không ai không kêu cha mẹ. Khuất Bình theo đạo ngay đi đường thẳng, dốc hết lòng trung, đưa hết trí khôn ra thờ vua,nhưng lại bị kẻ gièm pha ly gián, có thể gọi là ở vào cảnh khốn cùng vậy ! Mình tín mà bị ngờ vực, mình trung mà bị chỉ trích, làm sao khỏi oán thán ! Khuất Bình viết Ly Tao là do oán thán mà ra vậy ! Thơ Quốc Phong mê sắc mà không dâm, thơ Tiểu Nhã oán trách mà không loạn. Như Ly Tao thực là gồm được cả hai. Trên kể từ Đế Cốc, dưới nói đến Tề Hoàn, giữa thuật truyện vua Thang và Vũ, chỉ trích việc đời. Nó nêu rõ tầm quan trọng của đạo đức, nguyên nhân làm nước nhà trị hay loạn, không có chuyện gì là không nói đến. Văn ông ngắn gọn, kín đáo, chí ông trong sạch, nết ông thanh cao; tuy nói những điều vụn vặt, nhưng ý nghĩa rất rộng; việc nhắc đến tuy gần, nhưng nghĩa thì xa. Chí ông trong sạch nên hay nói đến cái hoa thơm. Nết ông cao cho nên dù chết cũng không được dung nạp. ông thoát khỏi cái thế giới bùn lầy như con ve bỏ lốt ở nơi dơ đục, để cất mình ra khỏi đám bụi trần chẳng để cho đời làm dơ bẩn. Thật là ở bùn mà trong trắng chẳng lây đen. Suy cái chí ấy thì ông có thể thi sáng với mặt trăng, mặt trời vậy! (3).

3. Sau khi Khuất Nguyên bị truất, nước Tần muốn đánh Tề, nhưng Tề hợp tung với Sở. Tần Huệ Vương lo ngại bèn sai Trương Nghi giả vờ bỏ Tần, mang nhiều tiền của tình nguyện thờ nước Sở. Trương Nghi nói:
- Tần ghét Tề, nhưng Tề lại hợp tung, thân với Sở. Nếu Sở tuyệt giao với Tề thì Tần sẽ xin dâng sáu trăm dặm đất ở Thượng Ư.
Sở Hoài Vương tham đất, lại tin lời Trương Nghi, bèn tuyệt giao với Tề, sai sứ sang Tần nhận đất. Trương Nghi nói dối sứ giả:
- Nghi hẹn cho nhà vua sáu dặm, chứ có phải làm sáu trăm dặm đâu.
Sứ thần Sở giận, ra về, nói lại với Hoài Vương. Hoài Vương giận, đem đại quân đánh Tần. Tần đem quân đánh lại phá tan quân Sở ở sông Đan, sông Tỉnh, cém tám vạn đầu bắt tướng Sở là Khuất Cái, lấy đất Hán Trung của Sở. Hoài Vương bèn đem tất cả quân trong nước Sở đánh sâu vào nước Tần. Hai bên đánh nhau ở Lam Điền. Nước Ngụy nghe tin, đánh úp Sở, đem quân đến đất Đặng. Quân Sở lo sợ từ nước Tần trở về, còn quân Tề thì giận không cứu Sở. Sở khốn to.
Năm sau. Tần cắt đất Hán Trung để giảng hoà với Sở. Vua Sở nói:
- Không cần được đất ! Xin được Trương Nghi là hả dạ.
Trương Nghi nghe vậy liền nói:
- Lấy một mình Nghi mà đổi được đất Hán Trung vậy thần xin đi sang Sở.
Khi sang Sở, Nghi lại dùng nhiều của đút lót cho viên quan cầm quyền là Cận Thượng bày cách nói với người vợ yêu của Hoài Vương là Trịnh Tụ. Kết quả, Hoài Vương nghe lời Trịnh Tụ lại tha cho Trương Nghi về.
Khi ấy Bình đã bị nhà vua bỏ rơi không còn ở lại địa vị cũ. Bình đi sứ ở Tề, quay về can Hoài Vương:
- Sao không giết Trương Nghi đi?
Hoài Vương hối hận cho người đuổi theo Trương Nghi, nhưng không kịp nữa.
Về sau, chư hầu cùng nhau đánh Sở, phá tan quân Sở, giết tướng Sở là Đường Muội. Bấy giờ Chiêu Vương nước Tần thông gia với Sở, muốn họp mặt với Hoài Vương. Hoài Vương toan đi, Khuất Bình can:
- Tần là nước hùm sói, không thể tin ? Đừng đi là hơn.
Con nhỏ của Hoài Vương là Tử Lan, khuyên nhà vua nên đi:
- Sao lại để mất lòng vua Tần ?
Hoài Vương bèn ra đi. Khi vào đất Vũ Quan, Tần sai phục binh cắt đứt đường về, nhân giữ Hoài Vương lại để đòi cắt đất. Hoài Vương giận, không chịu, bỏ trốn sang Triệu, Triệu không chứa, Hoài Vương lại về Tẩn, rốt cục chết ở Tần, rồi đưa về chôn ở Sở.
Con cả của Hoài Vương lên ngôi tức là Khoảnh Tương Vương. Khoảnh Tương Vương cho em là Tử Lan làm lệnh doãn. Người nước Sở vẫn cho việc khuyên Hoài Vương sang Tần không về là tha tội của Tử Lan (4).

4. Khuất Bình cũng ghét chuyện ấy. Tuy bị ruồng bỏ, xua đuổi, ông vẫn lo toan nước Sở, lòng vẫn nghĩ đến Hoài Vương, cứ mong trở về, mong có một ngày nào nhà vua tỉnh ngộ, tập tục sẽ thay đổi. Lòng ông chỉ mong sao cho nhà vua được còn, nước được mạnh, trong một bài, ông nhắc đi nhắc lại điều ấy đến ba lần. Nhưng rốt cục vẫn không làm sao được ! Điều đó, chứng tỏ Hoài Vương suốt đời không tỉnh ngộ.
Người làm vua, không kể dại hay khôn, hiền hay dở đều muốn tìm kẻ trung thần để trị nước, cất nhắc kẻ giỏi để giúp mình. Vậy mà chuyện nước mất nhà tan thì cứ kế tiếp nhau diễn ra, trái lại cái cảnh vua thánh nước trị thì mấy đời cũng không thấy có. Đó là vì cái bọn gọi là trung kia không phải là trung, và cái bọn giỏi kia không phải là giỏi vậy. Hoài Vương vì không biết phân biệt kẻ trung thần cho nên ở trong thì bị Trịnh Tụ làm mê hoặc, ở ngoài bị Trương Nghi lừa dối, rốt cục ruồng bỏ Khuất Bình mà tin đại phu Thượng Quan, lệnh doãn Tử Lan. Rốt cục quân thua, đất bị cắt, mất đứt sáu quận, chết bỏ xác ở đất Tần, làm trò cười cho thiên hạ. Đó đều do không biết người mà mắc vạ, Kinh Dịch nói: “ Giếng sạch chẳng ăn, lòng ta băn khoăn ! Đạo ta có thể đem ra dùng, vua sáng dùng đạo ta, mọi người đều nhờ phúc ”. Vua không sáng thì thực là vô phúc vậy !
Lệnh doãn Tử Lan biết chuyện cả giận, kết quả sai đại phu Thượng Quan gièm Khuất Nguyên với Khoảnh Tương Vương. Khoảnh Tương Vương giận đày ông (5).

5. Khuất Nguyên đến bờ sông, xõa tóc đi, ngâm nga trên bờ đầm, sắc mặt tiều tụy, hình dung khô héo. Một ông cụ đánh cá, thấy hỏi ông ta:
- Ông là quan tam lư đại phu (6) đấy phải không ? Vì sao ông đến nỗi này.
Khuất Nguyên nói:
- Tất cả đời đều nhơ đục, chỉ một mình ta trong, tất cả mọi người đều say, riêng một mình ta tỉnh, cho nên bị đuổi.
Cụ đánh cá nói:
- Người thánh nhân không khư khư ở một vật, mà biết thay đổi theo đời. Tất cả đều nhơ đục sao ông không xuôi theo dòng làm cho sóng lên cao ? Tất cả mọi người đều say, sao ông không nhai bã rượu và húp rượu ? Vì cớ gì lại ôm ngọc cẩn, giữ ngọc du trong người để đến nỗi bị đuổi !
Khuất Nguyên nói:
- Tôi nghe nói, khi vua gội đầu xong thì người ta phủi mũ, khi vua tắm xong thì người ta giũ áo, lẽ nào để cái thân trong trắng bị vật làm nhơ bẩn đi. Ta thà gieo mình xuống sông Tương, chôn mình trong bụng cá, lẽ nào để cái bản chất trắng ngần của ta chịu bụi bậm của đời ?
Bèn làm bài phú Hoài sa, đoạn ôm đá gieo mình xuống sông Mịch La mà chết (7).

6. Sau khi Khuất Nguyên đã chết, nước Sở có bọn Tống Ngọc, Đường Lạc, Cảnh sai đều thích văn chương và nổi tiếng về lối phú. Song họ chỉ biết bắt chước Khuất Nguyên về chỗ lời lẽ dịu dàng chứ không ai dám nói thẳng. Nước Sở ngày càng hao mòn, sau mấy chục năm cuối cùng bị nước Tần tiêu diệt.
Sau khi Khuất Nguyên chết đuối ở Mịch La hơn trăm năm, đến đời Hán, có Giả Nghị (8) làm thái thú của Trường Sa Vương, qua sông Tương ném thư xuống sông để điếu Khuất Nguyên (9).

7. Thái sử công nói:
- Tôi đọc Ly Tao, Thiên Vấn, Chiêu Hồn, Ai Sinh thương chí ông. Tôi sang Trường Sa xem quãng sông Khuất Nguyên trẫm mình, không lần nào không khóc. Khi thấy Giả Sinh viếng ông, tôi lấy làm lạ về chỗ tài giỏi như Khuất Nguyên nếu đi sang chư hầu thì nước nào mà chẳng dùng, tại sao lại làm khổ mình như thế ? Đến khi đọc bài phú “ Phục Điểu ” thấy nói đến việc coi sống chết như nhau, coi thường việc đi hay ở, bấy giờ lòng luống bâng khuâng tự biết là lầm !
................................................................
(l). Có sách chú Thượng Quan là họ, có sách chú Thượng Quan đại phu là chức quan.
(2). Đoạn l: Khuất Nguyên bị nhà vua bỏ rơi.
(3) Đoạn 2: Giá trị của Ly Tao. Bài này có một ý nghĩa rất lớn. ở âu châu, trong lịch sử, người ta không nói đến các nhà văn. Mãi đến thế kỷ XVIII, Vônte trong “ Lịch sử thế kỷ Lu-i XIV ” mới có một chương dành cho văn học. Tư Mã Thiên dành cả một chương cho Khuất Nguyên với những lời lẽ đanh thép, quyết định. Ngoài Khuất Nguyên, Tư Mã Thiên còn nói đến những nhà làm phú như Giả Nghị, Tư Mã Tương Như v.v..., cùng với tất cả các nhà tư tưởng gia. Trước ông không ai nhắc đến Khuất Nguyên, sau ông không ai đánh giá Khuất Nguyên đúng bằng. Ở Trung Quốc cổ chưa có phê bình văn học, chỉ có sự phê bình qua ý nghĩa chính trị chứ không nói đến sự thống nhất giữa nội dung và hình thức. Đoạn này là một thứ ngoại lệ.
(4). Tình hình nước Sở sau khi Khuất Nguyên bị đuổi.
(5). Tâm sự u uất của Khuất Nguyên.
(6). Chức quan coi ba họ tôn thất của Sở.
(7). Đoạn 5: Trích bài Ngư Phủ Từ của Khuất Nguyên. Bài này tác giả dùng lối vấn đáp để bày tỏ lòng mình. Nhân vật ông lão đánh cá là một nhân vật tượng trưng.
(8). Giả Nghị, một nhà chính trì, nhà văn có tiếng đời Hán Văn Đế chết năm 33 tuổi được Tư Mã Thiên chép chung vào một thiên với Khuất Nguyên. Ở đây không dịch phần nói về Giả Nghị. Giả Nghị có tài nhưng không được nhà vua dùng cho đi làm thái phó của Trường Sa Vương, đến Trường Sa cảm thông cảnh ngộ của Khuất Nguyên làm bài Điếu Khuất Nguyên trong đó có câu “ Nhìn chín châu mà tìm vua chừ ! Có gì mà phải nhớ mong kinh đô ấy ? ”. Ý hỏi tại sao Khuất Nguyên không sang nước khác. Nhưng ở bài Phục Điểu Phú (bài phú con cú) thì Giả Nghị nói “ Sống kia như trôi chừ, chết kia như nghỉ ”. Ý nói mình lầm chưa hiểu nổi Khuất Nguyên. Khuất nguyên không phải là hạng Tô Tần lo mưu lợi cho mình mà là người yêu nước cho nên coi thường sống chết.
(9). Đoạn 6: Nước Lỗ sau khi Khuất Nguyên chết.

Truyện Lã Bất Vi

Lã Bất Vi là một nhà buôn lớn ở Dương Địch, đi lại mua rẻ, bán đắt, trong nhà có hàng nghìn cân vàng. Năm thứ bốn mươi đời Chiêu Vương nước Tần, thái tử mất. Năm thứ bốn mươi hai, nhà vua cho con thứ là An Quốc Quân làm thái tử.
An Quốc Quân có hơn hai mươi người con; lại có người yêu nhất được lập làm chính phu nhân, gọi là Hoa Dương phu nhân. Phu nhân không có con. Tử Sở là con giữa của An Quốc Quân. Mẹ Tử Sở là Hạ Cơ không được vua yêu nên Tử Sở phải làm con tin của Tần ở nước Triệu. Tần mấy lần đánh Triệu, nên Triệu bạc đãi Tử Sở. Tử Sở là cháu của vua Tần, làm con tin ở chư hầu, xe ngựa, vật tiêu dùng chẳng được sẵn, ở cảnh cùng khốn có vẻ bực bội. Lã Bất Vi ở Hàm Đan trông thấy Tử Sở thương hại, nói:
- Món hàng này lạ, có thể buôn được đây ? (1)
Bất Vi bèn đến nói với Tử Sở:
- Tôi có thể làm cửa nhà ngài lớn lên.
Tử Sở cười:
- Ông hãy tự làm cho cửa nhà ông lớn lên đã rồi hãy làm đến cửa nhà tôi.
Lã Bất Vi nói:
- Thế thì ngài không biết: cửa nhà tôi phải đợi cửa nhà ngài mới lớn được.
Tử Sở hiểu ý, bèn ngồi nói chuyện. Lã Bất Vi nói:
- Vua Tần già rồi mà An Quốc Quân lại là thái tử. Tôi trộm nghe An Quốc Quân rất yêu Hoa Dương phu nhân. Phu nhân không có con, nhưng chỉ có phu nhân mới lập nổi con thừa tự mà thôi ! Nay anh em ngài hơn hai mươi người, ngài lại ở hàng giữa không được yêu lắm, cứ làm con tin mãi ở nước ngoài thì dù nhà vua mất đi, An Quốc Quân lên ngôi ngài cũng đừng hòng làm thái tử.
Tủ Sở nói:
- Phải ! Nhưng làm thế nào được?
Bất Vi nói:
- Ngài nghèo, làm người khách ở đây chẳng có gì mà dâng biếu cha mẹ cùng giao kết với bạn bè ! Bất Vi tuy nghèo xin bỏ nghìn vàng sang Tây nói với An Quốc Quân cùng Hoa Dương phu nhân, lập ngài làm con thừa tự.
Tử Sở dập đầu lạy mà nói:
- Nếu được như mưu của ông thì xin cùng ông hưởng nước Tần ?

Bất Vi liền cho Tử Sở năm trăm cân vàng tiêu dùng và đãi tân khách; lại lấy năm trăm cân vàng mua của báu vật lạ, thân hành đem sang Tần, xin ra mắt người chị Hoa Dương phu nhân để dâng những vật ấy cho Hoa Dương Phu nhân. Nhân đó, Bất Vi kể Tử Sở tài giỏi, khôn ngoan, chơi bời với người các nước, bạn hữu khắp thiên hạ. Bất Vi nói:
- Tử Sở cho phu nhân là trời. Ngày đêm khóc nhớ thái tử và phu nhân.
Phu nhân mừng lắm.
Bất Vi xui người chị phu nhân nói với phu nhân:
- Tôi nghe: “ Nếu lấy nhan sắc thờ người thì khi nhan sắc suy là tình yêu phai nhạt ”. Nay phu nhân thờ thái tử rất được yêu nhưng chưa có con. Sao chẳng nhân lúc này lựa một người hiền và có hiếu ở trong các con cho làm thừa tự và nhận làm con. Như thế chồng còn, mình được tôn quý, đến khi chồng trăm tuổi, con mình làm vua, mình vẫn không thất thế. Thật là nói một câu lợi đến muôn đời. Nay lúc đang thịnh mà không chăm đến gốc, thì khi nhan sắc suy, yêu thương nhạt, dù muốn mở miệng nói một lời cũng khó lòng nói được. Tử Sở là người hiền lại tự biết mình là con hàng giữa, kể thứ tự không sao làm được con thừa tự. Mẹ ông ta lại không được thái tử yêu nên đem mình nương nhờ phu nhân. Nếu lúc này phu nhân cho anh ta làm con thừa tự, thì suốt đời phu nhân sẽ có quyền thế ở Tần.
Hoa Dương phu nhân cho là phải. Nhân dịp thong thả, phu nhân nói với thái tử:
- Tử Sở hiện làm con tin ở nước Triệu là người rất giỏi, kẻ qua lại đều khen...
Đoạn sụt sùi khóc, mà nói:
- Thiếp đội ơn được sung vào hậu cung nhưng không may không có con. Vậy xin cho nhận Tử Sở làm con, lập thừa tự để gửi thân thiếp.
An Quốc Quân hứa cho, bèn cùng phu nhân khắc con dấu bằng ngọc hẹn sẽ lập Tử Sở làm con thừa tự. An Quốc Quân cùng phu nhân bèn cho Tử Sở nhiều của và xin Bất Vi giúp đỡ cho.

2. Danh tiếng Tử Sở từ đó càng nổi với chư hầu. Lã Bất Vi kén trong số vợ mình ở Hàm Đan một người tuyệt đẹp và múa khéo, lại biết người này đã có mang. Tử Sở sang nhà Bất Vi, trông thấy, đem lòng mê, nhân đứng dậy chúc thọ mà xin. Bất Vi nghĩ giận mình đã vì Tử Sở phá hết nhà cửa, muốn dùng món lạ để câu, bèn dâng vợ. Người vợ giấu chuyện mình đã có mang, đến đủ tháng sinh con là Chính. Tử Sở bèn lập nàng làm phu nhân. Năm thứ năm mươi, đời vua Chiêu Vương nước Tần, Tần sai Vương Ý vây Hàm Đan rất gấp. Nước Triệu muốn giết Tử Sở. Tử Sở cùng Lã Bất Vi mưu đưa sáu trăm cân vàng cho kẻ coi giữ nên trốn thoát về với quân Tần... Triệu muốn giết vợ con Tử Sở, nhưng vợ của Tử Sở là con nhà tai mắt ở Triệu, lẩn trốn được vì thế mẹ con đều sống.
Năm thứ năm mươi sáu, Tần Chiêu Vương mất, thái tử An Quốc Quân lên làm vua, lập Hoa Dương phu nhân làm hoàng hậu. Tử Sở làm thái tử. Vua Triệu cũng cho đưa vợ của Tử Sở cùng con là Chính về Tần. Vua Tần lên ngôi được một năm thì mất, hiệu bụt là Hiếu Văn Vương. Thái tử Tử Sở lên thay, tức là Trang Tương Vương, tôn mẹ nuôi là Hoa Dương hậu làm Hoa Dương thái hậu, mẹ là Hạ Cơ là Hạ thái hậu.

3. Năm đầu, Trang Tương Vương cho Bất Vi làm thừa tướng, phong là Văn Tín Hầu, được ăn thuế mười vạn hộ ở Hà Nam, Lạc Dương. Trang Tương Vương làm vua được ba năm thì mất, thái tử tên là Chính lên ngôi tôn Lã Bất Vi làm tướng quốc, gọi là trọng phụ. Vua Tần tuổi nhỏ, thái hậu thường lén lút tư thông với Lã Bất Vi. Trong nhà Lã Bất Vi có đến vạn người. Bấy giờ ở Ngụy có Tín Lăng Quân, ở Sở có Xuân Thân Quân, ở Triệu có Bình Nguyên Quân, ở Tề có Mạnh Thường Quân, đều đua nhau quý kẻ sĩ, chiều tân khách. Bất Vi thấy Tần mạnh mà mình không bằng họ nên xấu hổ cũng đón mời các kẻ sĩ đãi rất hậu, khách ăn trong nhà có đến ba nghìn. Khi ấy chư hầu có nhiều biện sĩ, như bọn Tuân Khanh làm sách truyền bá ra thiên hạ. Bất Vi bèn sai các khách soạn ra những điều mình biết, họp lại làm tám Lãm, sáu Luận, mười Kỷ gồm hơn hai mươi vạn chữ, cho là đủ hết những việc trời, đất, muôn vật, xưa nay; đặt tên sách là Lã Thị Xuân Thu bày ở cửa chợ Hàm Dương, đặt nghìn lạng vàng lên trên, mời các du sĩ của chư hầu ai có thể thêm bớt một chữ thì xin biếu một nghìn lạng vàng (2).
Khi ấy Thủy Hoàng Đế đã lớn mà thái hậu cứ dâm loạn mãi. Bất Vi sợ lộ, mang vạ, bèn ngầm tìm kẻ dương vật lớn là Giao Ái, dùng làm người nhà. Thường làm trò vui, sai Ái lấy vật của mình tra vào bánh xe gỗ đồng mà đi, khiến thái hậu nghe biết chuyện để nhử thái hậu. Quả nhiên thái hậu nghe chuyện rồi, muốn được riêng Giao Ái. Lã Bất Vi bèn dâng Giao ái. Bất Vi vờ sai người tố cáo y phạm tội đáng thiến. Bất Vi lại báo với thái hậu: Nên có kẻ giả bị thiến này làm chức Cấp Sự Trung. Thái hậu bèn ngầm cho kẻ coi việc thiến nhiều tiền. Viên quan coi án lại luận tội vờ, nhổ râu mày làm cho hoạn quan Giao Ái nhờ vậy được vào hầu thái hậu. Thái hậu cùng y gian dâm, rất yêu rồi chửa, sợ người ta biết chuyện, bèn vờ xem bói nói nên tránh mùa dời cung sang đất Ung. Giao Ái thường đi theo được thưởng rất hậu, việc gì cũng do Giao ái quyết định. Nhà Giao Ái tôi tớ vài nghìn người, các khách cầu làm quan, làm môn hạ cho y đến hơn nghìn người.
Năm thứ bảy đời Thủy Hoàng, mẹ Trang Tương Vương là Hạ thái hậu mất. Vợ Hiếu Văn là Hoa Dương thái hậu được chôn một nơi với Hiếu Văn ở Thọ Đăng. Con Hạ thái hậu là Trang Tương Vương chôn ở Chi Dương. Cho nên Hạ thái hậu bảo chôn riêng mình ở Đỗ Đông, nói rằng: ở đó ngoảnh sang Đông nhìn được con ta, ngoảnh sang Tây nhìn được chồng ta, trăm năm sau chắc ở đấy có ấp vạn nhà.
Năm thứ chín đời Thủy Hoàng, có kẻ phát giác Giao Ái thực không phải là hoạn quan, thường tư thông với thái hậu, sinh hai con đều dấu đi, hắn mưu với thái hậu: hễ vua chết thì dùng con hắn làm vua. Vua Tần liền giao cho pháp đình xét, biết rõ sự tình. Việc liên quan đến tướng quốc là Lã Bất Vi. Tháng chín giết ba họ nhà Giao Ái, lại giết hai con do thái hậu đẻ ra và đày thái hậu sang đất Ung. Nhà cửa các môn hạ của Giao Ái đều bị tịch thu và họ bị đày sang đất Thục. Nhà vua muốn giết cả tướng quốc, nhưng vì Bất Vi thờ vua trước có công. lớn, lại được các tân khách, biện sĩ nói giúp khá đông nên không nỡ làm tội.
Tháng mười năm thứ mười, cách chức tướng quốc của Lã Bất Vi. Đến khi người Tề là Mao Tiều thuyết vua Tần, vua Tần mới sang Ung đón thái hậu về Hàm Dương như cũ và phong ấp cho Văn Tín Hầu ở Hà Nam. Được hơn một năm, các tân khách cùng sứ giả của chư hầu đến thăm Văn Tín Hầu lũ lượt ở trên đường. Vua Tần sợ Văn Tín Hầu làm loạn, bèn viết thư nói:
“ Ông có công gì với Tần, mà Tần phong ông ở Hà Nam, ăn thuế của mười vạn hộ. Ông thân thích gì với Tần mà hiệu là Trọng Phụ ? ”
Rồi bắt đem cả nhà dời sang Thục. Lã Bất Vi tự liệu sẽ bị giết bèn uống thuốc độc tự tử. Những người vua Tần giận là Lã Bất Vi và Giao Ái đều đã chết. Nhà vua bèn cho những người nhà của Giao Ái bị đày vào Thục được trở về. Năm thứ mười chín đời Thủy Hoàng, thái hậu mất, tên thụy là Đế thái hậu; chôn một chỗ với Trang Tương Vương ở Chỉ Dương.

4. Thái sử công nói:
Lã Bất Vi và Giao Ái đều thành những người sang, được phong làm Văn Tín Hầu, Trường Tín Hầu. Có kẻ tố giác Giao ái. Giao Ái nghe tin vua Tần sai tìm chứng cứ. Trong khi các quan hầu chưa tìm ra chứng cứ thì nhà vua ra ngoài thành Ung. Giao Ái sợ mang vạ bèn cùng đồ đảng bày mưu lấy ấn của thái hậu, đem quân làm phản ở cung Kỳ Niên. Nhà vua sai quân đánh Giao Ái. Giao Ái bỏ chạy. Binh sĩ đuổi theo chém y ở Hảo Chi, sau đó giết cả họ Ái. Lã Bất Vi vì thế mà bị truất. Họ Lã phải chăng là người “ có tiếng ” như Khổng Tử nói (3)?
...............................................................
(1). Miêu tả tâm lý thương nhân rất sinh động.
(2). Một cách quảng cáo đặc biệt của thương nhân.
(3). Luận ngữ thiên “ Nhan Uyên ”. Khổng Tử nói “ ... Con người (mà người ta gọi là) có tiếng bên ngoài có vẻ theo nhân, nhưng việc làm thì trái...”. Ý nói là kẻ nịnh hót.

HOMECHAT
1 | 1 | 328
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com