Chỉ mục bài viết |
---|
Chim Gõ Kiến |
Trang 2 |
Trang 3 |
Trang 4 |
Tất cả các trang |
Cơ quan được cử một người đi "nghiên cứu sinh" ở nước ngoài. Giám đốc chọn anh ta. Nhưng anh ta thi sơ tuyển thiếu quá nhiều điểm. Anh ta lại được đi học lớp cao học trong nước. Học được nửa tháng, anh ta lại phải bỏ dỡ vì chứng nhức đầu, theo lời anh ta.
- Không cho mình đi Tây học một chuyến, quả là sai lầm. - Anh ta nói với tôi, dở nghiêm chỉnh, dở đùa đùa, không rõ định bảo ai sai lầm. ở tuổi chúng mình có lẽ phấn đấu theo con đường khoa học kĩ thuật không thích hợp nữa. - Anh ta nhấn mạnh "chúng mình", anh ta ba mươi hai, còn tôi thì đã hơn bốn mươi.
Một lần họp đại hội chi bộ, anh ta và tôi đều được đưa vào danh sách ứng cử ban chấp hành. Tôi trúng cử, anh ta trượt. Buổi tối, anh ta đến nhà tôi, lúc tôi đang chuẩn bị đi ngủ.
- Thằng em tôi đã được vào chi ủy năm ngoái… - Anh ta có vẻ ngùi ngùi - Nó vào Đảng trước tôi có ba tháng hai ngày. Ông chú thứ trưởng của tôi cứ bảo tôi phấn đấu… - Những lúc vui chuyện, cũng như lúc có điều bất như ý, anh ta hay nhắc đến "ông chú thứ trưởng" một ông chú họ xa làm thủ phó một cơ quan gần ngang bộ, sau này bị mất chức vì một vụ bê bối và không được anh ta nói đến một lần nào nữa.
Bỗng nhiên anh ta vạch tội thủ trưởng kiêm bí thư đảng một cách dè bỉu không ngờ. Anh ta đoán tôi chẳng đời nào dám đưa những lời ấy đến tai thủ trưởng. Song le…
- Anh có hứa hẹn gì với thằng ấy không mà sau cuộc bầu chi ủy nó có vẻ oán anh đấy. - Lựa lúc thuận tiện, tôi nói vậy với thủ trưởng, và cũng chỉ nói đến vậy.
Bây giờ nhớ lại, ngồi đối lương tâm mình, tôi thấy mình làm thế quả chẳng phải do ý tốt. Song, tác dụng lại quá bất ngờ đối với tôi. Lúc bấy giờ, tôi chưa biết mỗi lần về quê ra anh ta đều có quà biếu thủ trưởng, một chuyện không hề "dĩ nhiên" như sau này. Đến kì đại hội chi bộ tiếp đó, bí thư đề nghị bầu năm ủy viên chấp hành (trái với thông lệ các khóa trước, và cả các khóa sau đó, chỉ bầu có ba). Và anh ta đã trúng cử thứ năm. Hầu như chỉ chờ có thế cuối năm anh ta xin chuyển công tác về quê. Đúng ra, anh ta chỉ dứt khoát xin chuyển sau khi thủ trưởng có ý kiến đề bạt anh ta nhưng không được trên chấp thuận.
Với cái vốn liếng chính trị vừa thu lượm được, anh ta hi vọng đạt được một chức cán bộ quản lí mà anh ta hằng ao ước tại nơi công tác mới. Buồn thay! Đến cái chức tổ trưởng rẻ rúng cũng đang có người tại vị rồi. Mà tổ trưởng đâu phải là cán bộ quản lý!
Bẵng đi gần hai năm, anh ta mới gửi thư thăm hỏi tôi. Anh ta báo tin vừa được làm thư kí công đoàn cơ sở. Tôi biết đó là một bộ phận nhỏ phụ vào một lâm trường có tầm cỡ, nơi vợ anh ta đang làm việc. Anh em trong cơ quan tôi đùa rằng đó là "thiếp báo hỉ" còm. Với cái láu lỉnh của một anh trí thức nửa vời lại lai ghép vào một đầu óc nông dân hành tiến, hắn đang khai phá lối đi - tôi đoán.
Chừng sáu, bảy tháng sau, anh ta bỗng lù lù hiện ra trước cửa nhà tôi. Anh ta cười rất tươi, nhưng cố nói giọng điềm đạm:
- Tôi ra ngoài này họp hội nghị thư ký công đoàn các lâm trường trực thuộc bộ, ghé thăm các anh.
Vậy là anh ta phải đi vòng khá xa vì trái nẻo. Tôi lây cái tật xấu thích đọc ý đồ người khác để chiêm nghiệm về con người. Tôi nghĩ ngay: Âu cũng là một cú "vinh qui" về địa bàn công tác cũ. Anh ta rủ tôi đến thăm giám đốc. Tôi báo tin ông ta đã về hưu. Đang hào hứng anh ta xìu đi thấy rõ. Vì cớ gì nhỉ? Chẳng nhẽ đây chỉ tại cái nhìn thiên kiến khỉ khô của mình. Tôi thầm tự rủa. Từ ngày nghỉ việc, thảng hoặc được ai cấp dưới cũ đến thăm, vị cựu giám đốc tiếp nồng hậu hẳn lên. Khỏi nói lần này… Anh bạn nguyên tổ trưởng đĩnh đạc bắt tay chủ nhà, vắt vẻo ngồi trong ghế bành đối diện thủ trưởng cũ, ung dung nhấm nháp chén trà thơm, hồ hởi hỏi chuyện và kể chuyện với phong thái của người bằng vai. Thấy rõ anh ta mãn nguyện, song dường như còn thiếu cái gì đó để được mười phân vẹn mười.
Trên đường về, tôi cười vui bảo: - Đáng tiếc, cậu nhỉ! Giá ông ta còn tại chức thì hẳn cuộc gặp này khoái hơn, phải không?
Đang đi, anh ta chững lại. Dưới ánh đèn cao áp, tôi đâm ân hận khi thấy mặt anh ta như méo đi. Anh ta vội vã chia tay tôi, hẹn sáng hôm sau sẽ đến mượn tài liệu lâm sinh cho vợ. Nhưng rồi anh ta đã lẳng lặng giã từ thành phố và những người quen cũ.
* * *
Tộc, tộc, tộc,… Tiếng chim gõ kiến hôm nay nghe như tiếng mõ. Và trong lồng ngực chị, tim đập sao mà dội thế! Chị cảm thấy khó thở. Rừng im gió và vắng tiếng chim hót. Thiếu gió và thiếu tiếng chim thì dù có tia nắng lọt xuống rừng vẫn mang vẻ gì bí hiểm. Chị ngước tìm bầu trời qua kẽ tàn cây. Thấp thoáng vài vệt xanh cẩm thạch trên nền mây xám. Những vệt ấy hầu như không xê dịch. Không gian lắng đọng mà lòng chị nôn nao. Cuộc họp cán bộ cốt cán mở rộng do giám đốc triệu tập vừa mới đây còn hằn trong tâm hồn chị.
Chị đâu còn giữ mãi niềm tin trẻ thơ của một cô gái mang nhiều hoài bão nhìn cuộc đời: Một lâm trường cơ giới hoá và điện khí hoá, máy bay phun thuốc trừ sâu và giàn mưa nhân tạo, nhà máy chế biến lâm sản và thành phố miền rừng. Chị đã cố quen với lề thói: nghĩ thì giản đơn và tuỳ tiện mà làm thì rối rắm và trì trệ của những người điều hành. Nhưng chị không sao hiểu nổi cái chủ trương phá hẳn một khoảnh rừng để giao cho công nhân viên lâm trường và dân vùng ven trồng trọt. Không chỉ vì cây vàng tâm. Tin cậy ở không khí "dân chủ cơ sở", chị đã mạnh dạn đứng lên bày tỏ ý kiến. Người ta giải thích cho chị nào là lâm nghiệp và nông nghiệp phải dựa vào nhau, nào là tháo gỡ khó khăn,.v.v…
Cái số đông đã thay nhau, chen nhau bảo ban, thuyết phục chị bằng đủ các thứ giọng. Chị tìm ánh mắt chồng. Chồng chị đã trang trọng đứng lên. Anh nói về cải thiện đời sống, về sự đa dạng của kế hoạch, về tính nhạy bén và tính chủ động sáng tạo, vân vân và vân vân. Không có lời nào trực tiếp phản bác chị. ở nhà, anh cũng chưa lần nào thẳng thừng bác bỏ những gì chị đưa ra trái ý anh. Lần nào thì cuối cùng chị vẫn làm theo anh, kể cả khi chị đã bắt đầu cảm thấy trong con người chồng mình lộ diện một con người khác.
Hôm trước đó, chồng chị ra đi từ chập tối về muộn. Không đi ngủ ngay như mọi lần, anh tới ngồi sát bên chị đang khâu vá, vẻ tươi tỉnh và cởi mở, người thoảng hơi rượu. Anh hỏi công việc và tình hình ở rừng của chị. Đã lâu, anh mới lại hỏi han chị như thế khiến chị bối rối. Anh bỗng chuyển sang nói vui về những ước mơ bay bổng hồi trước của hai người, giọng như cười cợt cái ngây ngô của chính mình. Từ chuyện nọ xọ sang chuyện kia, như chẳng có dụng ý, anh nói tới chuyện ba tháng nữa thư ký liên hiệp công đoàn thành phố phải về hưu hơi sớm. Anh cười nhạt:
- Nếu những bê bối trong các vụ tuyển lao động xuất khẩu không toé loe thì đời nào lão chịu về. Cũng đã ních đầy túi rồi.
Anh trầm ngâm đi đi lại lại trong phòng, có cái gì đó vừa háo hức vừa băn khoăn. Chị chờ anh nói thêm, nhưng anh chưa vội lộ những điều mình đang nghĩ. Thì đó, phó bí thư thành uỷ bây giờ nguyên là thư kí liên hiệp công đoàn; còn bí thư thành đoàn thanh niên cách đây hai khoá nay đã lên chủ tịch thành phố.
Lên giường nằm cạnh vợ, anh nghịch chị khiến chị phải oằn người nép vào anh, một phản ứng rất con gái mà từ lâu đã phôi pha đi. Anh xiết vòng tay hỏi nhẹ:
- Cây vàng tâm tốt gỗ đấy chứ em?
Chị chưa kịp hiểu thì anh đã thủ thỉ:
- Thư kí riêng của đồng chí bí thư thành uỷ tiết lộ là đồng chí ấy đang cần một cỗ ván vàng tâm. Chắc là cho bà mẹ.
Chị xoay người né khỏi cánh tay chồng, nhìn thẳng vào anh hỏi lại:
- Chuyện ấy thì can gì đến mình?
Cô này thật vô tâm vô tính. - Anh phiền muộn và bực bội nghĩ - Nhiều kẻ rửng của dễ dàng dâng hiến, cống nạp những vàng, những đô-la, nhưng đố tầm nổi một cỗ áo quan gỗ vàng tâm hảo hạng đúng lúc.
Trong ánh sáng mờ của cây đèn ngủ, chị chợt nhìn thấy cái nhếch mép rất lạ của chồng. Chị nói như tự nhủ:
- Cây vàng tâm đang có dấu hiệu ra hoa.
- Ồi! - Chồng chị nén bực mình, chị cũng cảm nhận được
- Có ai quan tâm gây lại cái giống vàng tâm. Vớ được cây nào sót lại phải nhanh tay mà chộp lấy, ai dại!
- Anh chẳng đã khuyến khích dự định của em đấy thôi.
- Cái thời ấu trĩ ấy thì nói làm gì. Cuộc sống mở mắt cho anh rồi. Bây giờ người ta trồng bạch đàn chứ không trồng lim, nói chi vàng tâm. Bạch đàn, sau dăm năm đã xài được, lim ít ra vài ba chục năm. Trồng lim tuy vậy vẫn không bông lông như cái việc nghiên cứu. Đâm đầu vào khoa học kĩ thuật thì chỉ thấy then với thấy chốt.
- Nhưng chẳng lẽ những hoài bão…
- Thôi! Ngủ đi!
Anh ta duỗi thẳng người và thở đều đều ngay. Chồng chị ngủ thật hay vờ chẳng rõ, riêng chị thì còn thao thức lâu. Chị nghĩ lung tung lắm chuyện song lại không dè được lúc này…
Giám đốc nhẹ nhàng lái hội nghị đi đến một nghị quyết viết sẵn. Chị cố nèo một ý kiến:
- Tôi đề nghị chưa thực hiện nghị quyết này vì vấn đề đặt ra nằm ngoài qui hoạch của lâm trường. Đoàn kiểm tra của bộ cũng sắp về.
Lần đầu tiên trong đời, chị đã dám có ý kiến riêng. Hơn nữa, ý kiến ấy lại ngược với ý kiến lãnh đạo, ngược với số đông. Trước kia chỉ mới mường tượng mình lâm vào cảnh này, tim chị đã đập thình thịch rồi. Ai nói ở đâu nhỉ? Con người lúc nào cũng sợ thì chẳng thể làm chủ ngay bản thân mình, nói chi đến dân chủ với tự do! Tự do, trước hết là không phải sợ.
Có tiếng từ hàng ghế đầu:
- Quyền tự chủ kinh doanh của cơ sở để đâu?
Một tiếng khác đế thêm:
- Làm chủ tập thể chứ không phải cá nhân làm chủ.
Chị nghĩ thầm: toàn lợi dụng mĩ từ! Nói "tập thể", nói "nhân dân" mà chẳng phải tôi, chẳng phải anh, chẳng phải ai cụ thể trong đám quần chúng cả thì chỉ suông thôi. Chị nói dứt khoát:
- Tôi xin được bảo lưu ý kiến.