Chỉ mục bài viết |
---|
Chiếc Lá Bay Bay |
Trang 2 |
Tất cả các trang |
Thảo đã tỏ ra bất lực, bật khóc. Thôi, đành phải từ giã chú mày thôi Vots ơi... Tớ có tội với bà chủ của mày, có tội với mày... Quang quỳ xuống, ôm cổ con Vots, thì thào. Hãy tha lỗi cho tớ nhé. Nào tớ có muốn thế này đâu... Bây giờ thì con Vots hiểu cái gì sắp xẩy ra với nó rồi. Từ lúc Quang đang làm thủ tục nhập trại, Vots thấy người quản trại cứ nhìn nó bằng con mắt đầy vẻ ái ngại, làm nó sợ. Rồi cậu chủ và người bạn gái của cậu ta nói gì đó rất căng thẳng, hẳn là liên quan đến sự có mặt của nó, đã làm Vots lo thon thót.
“Cậu định bỏ con chó thật hả?” - Một giọng hỏi chắc nịch bằng tiếng Anh bỗng vang lên. Vâng! Người quản trại trả lời thay cho Quang. Cậu ta muốn nhập trại tỵ nạn nhưng lại không muốn bỏ rơi con chó. Kể cũng tội...
Đó là ông ông giám đốc trại tỵ nạn. Ông ta xuống kiểm tra số tỵ nạn mới nhập trại, tình cờ chứng kiến chuyện của Quang với Thảo và con Vots từ nãy giờ.
Ông ngồi xuống cạnh Quang, hai mắt đăm đắm vào con chó. Một lát sau, ông ta lẩm bẩm, tuyệt... thật là tuyệt...
- Con chó này cậu nuôi lâu chưa?
Ông ta hỏi Quang. Quang đưa hồ sơ của con Vots và kể vắn tắt bằng tiếng Anh cho vị giám đốc nghe việc mình gặp bà chủ cũ và phải nhận nuôi nó như thế nào. Vị giám đốc nghe rất chăm chú rồi đọc kỹ hồ sơ của con Vots. Ông ta suy nghĩ một lát rồi dứt khoát:
- Tôi rất thông cảm với cậu và “mê” con chó này lắm. Nhưng tôi không thể. Nguyên tắc là nguyên tắc. Nhưng thôi, tôi sẽ có cách giúp cô cậu và con chó đáng yêu này.
Hôm đó, ông giám đốc đưa Vots về nhà ông ta. Quang cùng đến. Và anh thực sự yên tâm khi thấy ông chủ trại có cả một đàn chó với rất nhiều chủng loại, giống nòi, mà con nào cũng quấn quýt, tỏ ra yêu quý ông lắm. Duy chỉ có một con đã già lắm, lông rụng gần hết, đang nằm thở khó nhọc trên một tấm nệm. Ông vuốt ve nó, nói với Quang, đây là con chó ở với ông lâu nhất, bây giờ nó đã quá già, chắc chẳng còn sống được bao lâu nữa. Ông bảo rằng, Quang và Thảo cứ ở trong trại tỵ nạn của ông một thời gian, ông sẽ liên hệ với người bạn là giám đốc một trại tỵ nạn ở Ca-na-da, rồi cho cả ba sang đấy. Ở đấy, người tỵ nạn được đem cả chó vào trại.
Ông giám đốc trại tỵ nạn tốt bụng không để Quang và Thảo phải chờ lâu, mấy tháng sau, họ đã cùng con Vots được ông ta bảo lãnh, gửi sang Ca-na-da như đã hứa. Rồi từ đó, cuộc đời của Quang, Thảo bắt đầu một giai điệu đẹp. Và con Vosts luôn cạnh họ, như một nhân vật thân thiết nhất trong gia đình... Càng ngày, Quang càng phải công nhận Vots không những là một con vật trung thành, khôn ngoan mà nó còn luôn đưa đến cho gia đình anh rất nhiều may mắn. Đúng như lời bà chủ cũ khi giao Vots cho anh...
Và bây giờ, Quang đã là một nhà vật lý như mơ ước, công trình anh đang nghiên cứu sẽ còn chắp cánh cho anh bay xa trên con đường khoa học. Còn Thảo, không trở thành người nghệ sỹ mà thành một bà chủ Nhà hàng Châu Á nổi tiếng ở
Ốt-ta-oa rồi. Nhưng hình như càng thành đạt, càng làm được nhiều tiền thì thời gian với họ càng trở nên quý báu, hiếm hoi thì phải. Chẳng vậy mà sắp xếp, lựa mãi Quang mới có chuyến về thăm quê này. Thảo đang “mùa làm ăn” và phải lo cho hai thằng con học hành, sẽ về sau. Vả lại, chuyến này, Quang muốn ghé lại Vác-sa-va, thăm bạn bè thuở hàn vi và cũng muốn có dịp cho con Vots được trở lại Ba Lan một lần cuối. Anh hiểu, nó đã già lắm, chắc cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa...
Buổi hoà nhạc Sô-panh đã tan. Quang và Vots theo dòng người ra cổng chính. Mới hơn một giờ trưa. Quang đang chưa biết nên trở về khách sạn hay liên lạc với đám bạn thì con Vots bỗng tỏ ra nhanh nhẹn, hăm hở chạy đến bến xe buýt. Chẳng lẽ nó vẫn nhớ chuyến xe ngày xưa với bà chủ cũ của nó ư? Quang không tin, nhưng anh vẫn chiều theo ý nó. Vác-sa-va có nhiều xe buýt mới, trông sang trọng, lịch sự hơn thuở xưa, nhưng màu sơn, số xe, các tuyến xe vẫn không hề thay đổi. Tuy nhiên, con Vots đã không nhận ra được số xe ngày nào nó và người chủ cũ vẫn hay đi từ nhà ra Oa-zien-ki. Nó đã tỏ ra sốt ruột, chuyến xe nào ghé vào bến nó cũng hít hà, đánh mùi rồi thẫn thờ ngồi nhìn Quang. Thật tội nghiệp. Vots thân yêu, tài đánh hơi nhớ đường hẳn không giúp mày tìm được đường về nhà chủ cũ rồi. Bao nhiêu năm rồi còn gì, những chiếc xe thuở ấy, bây giờ hẳn không còn cái nào còn lưu hành nữa.
Giá hồi ấy, khi theo Vots về thăm bà cụ lần cuối cùng, anh để ý số xe, số bến, bây giờ có thể lần ra. Sau gần một giờ tại bến xe, con Vots đã hoàn toàn bất lực. Quang dẫn Vots đến bến xe tắc xi bên cạnh. Nhưng nó không chịu, cứ ép vào người Quang, mắt nhìn anh vẻ cầu khẩn. Rồi chẳng đợi Quang đồng ý, nó cứ đi bộ dọc theo con đường lớn, hướng về đại lộ Sô-biêc-xki. Vots! Quang lắc đầu. Làm sao có thể tìm vu vơ được nhà bà chủ của mày. Mà bà ấy chắc là đã chết lâu rồi. Không hiểu con Vots có hiểu được ý nghĩ của Quang không, nhưng nó vẫn lon ton chạy trước. Chốc chốc đứng lại hít hà đánh hơi và chờ anh. Thôi, đành chiều mày vậy.
Gần hết cuộc đời mày mới được trở lại thăm quê, và chắc gì đã có chuyến tiếp theo. Nghĩ vậy, Quang cứ lẳng lặng bước theo con chó. Và Quang thực sự kinh ngạc khi chính con Vots đã đưa anh lần theo con đường gần hai cây số rồi rẽ vào một khu tập thể mới cải tạo lại, khá khang trang, đẹp mắt. Không có lẽ, đây là nơi ở cũ của con Vots với bà chủ của nó sao. Quang cố nhớ lại nhưng đành chịu. Thôi được, tao tin mày, tin ở tài đánh hơi của mày, tin ở tình cảm son sắc mà loài người cũng hiếm có ai được như mày. Ừ..mà biết đâu, thủơ ấy, có thể có những lần bà cụ cùng mày đi bộ từ nhà ra công viien Oa-zien-ki? Mà chỉ cần một lần như thế, thì những con chó khôn ngoan như mày sẽ tìm lại được.
Cho đến khi con Vots dẫn Quang vào chân cầu thang một nhà cao tầng, đứng trước một căn hộ, dù mới sửa sang nhưng vẫn không lấp hết dấu vết cũ, anh mới thực sự tin đó là căn hộ của bà cụ nuôi Vots năm xưa.
Cả anh và Vots cùng hồi hộp sau mấy lần bấm chuông. Đón tiếp anh là một người trung niên, tự giới thiệu là người con trai của bà chủ cũ của Vots. Qua đôi ba câu chuyện xã giao, gượng gạo, anh được biết, ông ta đã quá mệt mỏi với những cuộc chạy đua chính trị. Sau lần thất bại nặng nề của đảng mình, ông ta cùng gia đình chuyền từ Gdan’sk về đây. Dẫu vậy, con Vots vẫn được chủ nhà cho phép vào thăm các phòng trong căn hộ. Mãi nói chuyện với chủ nhà, Quang không để ý đến Vots, nhưng lúc ra về, nó bần thần, xúc động lắm. Theo yêu cầu của anh, chủ nhà đưa cho anh sơ đồ tìm ngôi mộ của bà cụ.
Quang gọi tắc xi, cùng Vots xuống nghĩa trang Xmen-tar Voi-xki. Đây là nghĩa trang đẹp nhất Vác-sa-va, nơi an nghỉ của hầu hết các vị nguyên thủ quốc gia Ba Lan, các tướng lĩnh, hàng vạn chiến sỹ vô danh đã chết trong các cuộc chiến tranh trước đây. Nghĩa trang có từ nhiều thế kỷ trước. Ở đây không phân biệt giàu nghèo, sang hèn mà các ngôi mộ được chôn cất theo các lô đất của từng dòng họ, đại gia tộc từ trước. Có lẽ vì thế mà bà cụ được an nghỉ ở đây.
Hồi đang học tại Vác-sa-va, Quang cũng đã đến nghĩa trang này vài lần, chủ yếu là vào ngày Mồng một tháng Mười một, ngày “Thần Thánh” 0, giống như ngày “xá tội vong nhân”- Rằm tháng Bảy ở Việt Nam, để viếng mộ mấy người Việt Nam xấu số chôn cất ở đây. Hồi ấy so với bây giờ, nghĩa trang gần như không thay đổi. Đã tầm chiều, màu vàng mùa thu trong nghĩa trang đang xuộm lại, thấp thoáng những ngọn nến ẩn hiện trong các dãy mộ, trông mờ ảo, lung linh, đẹp như một công viên. Xen trong những hàng cây, bên những con đường rộng, thẳng là những hàng mộ xây đa dạng, nhiều kiểu cách nhưng nhất nhất đều theo quy hoạch, chẳng rõ từ đời nào, trông thật đẹp và hiền lành. Đi trong nghĩa trang nhưng hoàn toàn không có cảm giác lạnh lẽo, sợ hãi mà có cái gì đó thật trầm tĩnh và buồn. Không ít mộ người ta xây thêm ghế nhỏ bên cạnh, không phải để cho người chết mà để cho những người đang sống ngồi tâm sự với người dưới mộ. Quang thấy đây đó, những bóng người đang ngồi như chết lặng bên những ngoâi mộ. Nhiều nhất là những bà cụ già, chắc là đang tâm tình với cụ ông...
Mộ bà cụ nằm ngoài rìa dãy mộ của những người cùng dòng họ. Mộ mới chỉ được kè đá xung quanh, chưa được xây cất công phu như những mộ xung quanh nên trông thật lẻ loi. Tấm hình trong kính, gắn dưới cây thánh giá cũng đã úa vàng. Nhìn ảnh, Quang không hình dung nổi đó là người chủ cũ của con Vots. Có thể vì khuôn mặt trong ảnh trẻ và trông béo tốt hơn khi anh gặp. Anh không hiểu qua tấm ảnh hay hơi của người dưới mộ lẩn quất đâu đây mà con Vots nhận ra người chủ cũ. Nó không rít lên như mỗi khi xúc động, chỉ đi vòng quanh ngôi mộ để ngửi, để nhìn đăm đắm từng hòn đá, từ bát nến lâu ngày bám bịu bặm, bẩn thỉu. Quang dọn dẹp, quét mớ là úa vàng từng lớp dày trên mộ và thắp nến. Anh thầm khấn với người dưới mộ, rằng anh đã cưu mang con Vots như ý nguyện của bà. Anh cũng cảm ơn bà đã ban cho anh một con vật vừa tình nghĩa vừa mang nhiều vận may cho đời anh. Kìa... Vots, hãy tâm tình với người chủ của mày đi... Vots ngước nhìn Quang với cái nhìn khác thường, hình như ẩn chứa sự biết ơn và thành kính - Quang cảm thấy như vậy, rồi nó run rẩy bò lên nằm áp người trên ngôi mộ, đầu gác sát vào tấm ảnh dưới cây thánh giá. Chẳng hiểu nó nghĩ gì, tâm tình gì với người dưới mộ mà mắt lim dim, nằm im rất lâu như thế...
Vẫn biết rằng chó là loài vật vô cùng khôn ngoan và trung thành, tận tuỵ với chủ nuôi, nhưng Quang không ngờ Vots lại nặng tình, nặng nghĩa với người chủ cũ như vậy. Thế ra, mười lăm năm qua, nó luôn bên anh với bao thăng trầm, lúc cơ hàn, nhục nhã, lúc vui sướng, vinh quang nhưng con Vots chưa bao giờ quên người chủ cũ. Không hiểu có phải con chó nào cũng như vậy hay chỉ có con Vots này thôi nhỉ? Chắc cũng giống như người, đâu phải ai cũng như ai... Chẳng hiểu sao, Quang bỗng thấy nao nao buồn. Một đợt gió lạnh ào tới làm anh rùng mình. Cả nghĩa trang xào xạo tiếng lá khô. Một chiếc lá bay bay trong gió, chao qua, chao lại trước mặt anh rồi nhẹ nhàng rơi xuống cạnh con Vots. Đó là chiếc lá phong, mỏng tang, thẫm đỏ như pha máu, có năm cánh giống như một bàn tay người, đang cố xoè ra, bám vào nấm mộ. Một chiếc lá khác cũng đậu nhẹ nhàng lên vai anh. Lại mấy chiếc là nữa... Anh ngước lên, rất nhiều chiếc lá như thế đang quay, múa trên không trung trước khi rơi xuống đất. Bây giờ anh mới để ý, đầu hàng mộ là một cây phong cổ thụ đang trong mùa thay lá...
Nến đã cháy gần hết, Quang vỗ nhẹ vào lưng Vots. Con chó sực tỉnh, uể oải đứng dậy, bước theo Quang ra khỏi nghĩa trang. Trời đang chuyển tối, bỗng trở nên huyền ảo trong ánh điện vàng vọt từ các vòm lá trên cao và những ngọn nến chợp chờn hắt lên từ những ngôi mộ. Cả hai cùng im lặng bước. Xung quanh họ vẫn xào xạc những chiếc lá bay bay...
Vác-sa-va, ngày 5.11.2004
T.C.T
0 Ngày Thần Thánh - Cũng như nhiều nước khác ở Châu Âu, người Ba Lan ngoài tên gọi theo khai sinh còn được đặt tên thánh. Quan niệm của họ, khi chết, con người lại trở về với với tên thánh của mình (T.G)