Chỉ mục bài viết |
---|
Cam Tâm |
Trang 2 |
Tất cả các trang |
Cam Tâm
Tác giả: Phạm Thị Hoài
Hai năm trước tôi nhìn ống gỗ quế chạm một đôi chim đậu trên cành hoa bé xíu kia mà tưởng đến cái ống hít của những thiếu nữ như Lâm Đại Ngọc trong Hồng Lâu Mộng. Giấu trong tay áo, bên hồ sen vắng vẻ mới giở ra hít hững hờ, thoáng bóng người lại cất nhanh vào tay áo. Lời cô Cam dặn tôi chỉ nghe loáng thoáng: tăm mốc đựng vào ống này là bao nhiêu công lao vứt đi cả.
Nhưng câu chuyện cô kể thì tôi nhớ kỹ: ống tăm ấy chồng chưa cưới của cô, là cậu Luân, phải nhờ bạn làm quản giáo ở Thanh Hoá bảo tù thửa. Tù tìm được cây quế hoang hơn hai chục năm tuổi, bóc lấy phần thượng châu, đem về ngâm nước một ngày, ủ lá chuối bẩy ngày, dỡ ra lại ngâm, phơi mát, ép bằng ống nứa, hàng ngày lau chùi mặt trong cho bóng, cầu kỳ cả thảy gần hai tháng, chưa kể bao nhiêu thời gian cắt, gọt, dán bằng keo pha mật, và chạm trổ. Quế Quỳ ấy đắt giá nhất thế giới. Nếu làm bằng quế quan, quế đơn nhập lậu qua Trung Quốc, thứ quế bóc non, cây may ra được ba bốn năm, bóc xong chỉ phơi qua rồi đem bán cân cả lố, dùng ba tháng là hết thơm, thì cô Cam khỏi mất công dẫn tôi ra siêu thị Westside chọn loại tăm gỗ sấy đúng công nghệ, trắng muốt, tiện tròn cả hai đầu, trông như trâm cài tóc búp bê của cô Lâm Đại Ngọc. Cậu Luân bảo, sang nhất là dùng tăm đồi mồi, nhưng cũng phải nhờ người thửa tận nơi, cậu ngờ đồi mồi bán ở các tiệm mỹ nghệ là chất dẻo giả hiệu. Ở nhà tôi, ai xé đóm đựng trong cái ống bơ mà xỉa răng thì xé, nếu không thì ra bờ rào tuốt lá duối lấy gân. Nhựa duối chữa được chứng trướng bụng.
Tăm dự trữ, tôi đựng trong hộp kem dưỡng da sản xuất tại Mỹ có chất chiết xuất từ rau bà đẻ giúp cho làn da căng mọng và đàn hồi. Cô Cam dùng hết kem thì bảo:"Này Tâm, cho mày cái hộp đẹp nhé!"
Hai năm qua tôi thu thập những thứ đẹp nhé cô Cam bỏ đi như sau: lọ dầu gội giã biệt gầu ; lọ dầu gội cho loại tóc cực kỳ mẫn cảm ; lọ dầu xả táo tầu jujube để tóc không bị tổn thương khi chải và hết hẳn chẻ ngọn ; lọ sữa tắm vòi hoa sen gật gù ; lọ sữa tắm bồn bầu dục ; lọ sữa rửa mặt ; lọ sữa thoa mềm da toàn thân ; vô số lọ nước hoa ; hộp kem làm sạch mụn cám, mụn đầu đen, tẩy lớp sừng hoá dưới da, thông thoáng lỗ chân lông ; hộp kem dưỡng da siêu hạng dùng cho loại da mỏng dễ dị ứng ; hộp kem chống nắng, không trôi khi gặp nước ; hộp kem một bước đột phá trong việc trị nám và tàn nhang ; hộp kem bào chế từ thực vật của hãng mỹ phẩm Kanebo nổi tiếng nhất ở Nhật ; hộp kem làm tan mỡ bụng, làm thon và săn chắc vùng đùi, trị các vết rạn nứt trên bụng ; hộp kem làm mượt da vùng ngực, tẩy thâm đầu ngực và làm hồng nhũ hoa... Làm hồng nhũ hoa... Chúng đều bền và nắp đóng rất khít. Để đựng kim chỉ cúc áo linh tinh, hạt cườm, ghim băng, chun buộc tóc, khuyên tai, mì chính, cau khô, muối tinh, ớt bột... cho sạch. Tôi còn chưa kể vô vàn túi giấy bóng và hộp giấy cứng một mình cô Cam thải ra, đủ cho cả huyện Mường Lặt nhà tôi dùng mọt đời.
Những thứ sau đây cô Cam bỏ đi tôi không giữ: tuýp kem lột nhẹ da mặt ; tuýp kem đắp mặt nạ thư giãn và sảng khoái ; tuýp kem tẩy lông tay vĩnh viễn ; tuýp kem nền ; vô số ống mascara và ống son ; lọ dung dịch dưỡng dài và dày lông mi lông mày, làm mắt long lanh ; lọ nước hoa khô ; lọ nước hoa xịt ; lọ thuốc bôi móng tay ; lọ dung dịch tẩy thuốc bôi móng tay ; lọ keo tẩy da móng tay ; lọ keo xịt tóc giữ nguyên hình dáng cả ngày ; lọ nước xịt miệng thơm cả ngày ; hộp kem đặc trị túi mỡ mắt, xoá nhăn mắt và quầng thâm dưới mắt ; hộp phấn đánh quầng mắt mười hai mầu, hộp sáp giữ môi mềm ẩm... Cũng đẹp nhé mà vô dụng, trẻ con không thèm chơi, đồng nát không thèm nhặt. Ai cũng như cô Cam thì chết cả nút trong rác đẹp.
Ban đầu tôi hoảng, thấy mình đứng góc nào là hỏng góc ấy trong căn nhà bày biện như trong hoạ báo của cô cậu. Cách tôi ngồi chồm hổm cũng hỏng. Cách tôi há miệng xem vô tuyến. Cách tôi cầm đũa vung vít, như chọc vào mặt người ta. Cách tôi a lô liên hồi vào máy điện thoại. Tất cả đều hỏng. Không đẹp mắt. Sửa chỗ này thì chỗ chuế khác lòi ra. Cô cậu bảo tôi là một ca hoàn toàn đáng tuyệt vọng. Tôi sửng sốt, cả cô cả cậu mở miệng là nói cái này xấu, cái này đẹp. Suốt ngày chỉ quẩn quanh chuyện xấu đẹp. Suốt ngày chỉ dỏng tai nghe lời cái gương. Tôi chẳng gì cũng nguyên một con người, không nhiều thì ít chuyện ấp ủ, cô cậu đâu buồn biết, chỉ chăm chú vào những chi tiết bề ngoài. Bảo ngay là da con gái Mường sáng, dáng con gái Mường hay. Nhưng mặt con gái Mường đần. Tay con gái Mường thô. Mông con gái Mường hơi bự và ngực hơi nở, hơi kém nhã.
Tôi chỉ là con gái Mường một nửa. Mẹ tôi cùng lứa, cùng người Hà Đông như bà Lý, mẹ cô Cam. Hai nhà quan hệ với nhau kiểu gì mà đầu tiên cụ cô ấy gọi cụ bên tôi là thầy xưng con, sau bà tôi lại gọi bà cô ấy là bà xưng con, rồi mẹ tôi với bà Lý lại xưng chị em với nhau, bố tôi với bố cô ấy thì gọi nhau là đồng chí. Đến lượt tôi, hôm gửi tôi lên cho cô Cam, mẹ tôi dặn phải gọi cô, xưng thì tuỳ, em cũng được, cháu cũng được, con cũng được. Nhưng em thì hơi nhờn, con thì hơi nhún, vậy xưng cháu là tiện nhất. Tôi không hiểu. Cô ấy chỉ hơn tôi dăm ba tuổi. Mẹ tôi gắt:"Ngu lắm! Gọi thế cho người ta dễ đối xử! Chứ lại đòi công bằng hay sao!"
Sao lại không đòi công bằng? Đời tôi mặt đần, tay thô, mông bự, ngực nở kém nhã mặc tôi, không khiến cô cậu ấy chê bôi. Tôi cũng mặc đời cô cậu ấy ngắc ngoải trong những cái đẹp cái nhã không biết thế nào cho vừa của cô cậu. Chả bên nào phải cải tạo bên nào. Công bằng chỉ ít ỏi thế mà không đòi thì còn sỉ nhục gì?
Một lát sau mẹ vuốt tóc tôi, dỗ dành:"Ngày xưa nhà mình tiếng là chủ mà đãi đằng nhà ấy như trong gia đình. Lúc bị phát động, nhà ấy phải đứng ra tố điêu, không thế thì liên luỵ mà chết theo mất. Chuyện ở ta nó điên đảo thế con ạ, nghĩ làm gì cho quẫn trí. Bây giờ con đi ở cho họ, nếu họ tử tế thì sau này thời buổi có lật lại cũng chớ cam tâm làm người vô ơn."
Mẹ tôi ở làng mãi không ai dám đánh tiếng, lên sông Bôi trồng chè, nói là để cải tạo bản chất chứ không nói là chống ế. Cải tạo tốt, lấy cha tôi là người Mường giác ngộ làm cán bộ nông trường. Cha tôi không đeo dao phát ngang hông mà thường đeo một cái túi dết, bên trong có cái đài nhỏ, đèn pin, sổ công tác, và một khẩu súng lục tước được của Pháp nhưng đã bắn hết đạn từ lâu. Xung quanh cũng chẳng có gì đáng bắn. Người thì mang ra họp là êm. Thú thì người đã chén sạch. Ông cũng không có trong người bốn mươi vía ở bên phải và năm mươi vía ở bên trái. Ai hỏi thì ông cười bảo:"Mình thông suốt lý luận rồi. Một vía đã là lạc hậu rơi rớt, chín mươi thì đại phản động à?"Tôi mang họ Đinh của cha, nghe cũng không khác họ người Việt. Hai năm trước cha tôi mất, họ hàng bên nội chạy được một ông thầy còn nhớ vài đoạn mo bằng tiếng Mường, chỗ nào quên lại xen vào tiếng Việt, nghe cũng na ná nhau. Mãi lúc ấy tôi mới biết, chuyện ngày xưa nhà mình không phải chỉ là chuyện của mẹ, những chuyện xưng hô, điên đảo, liên luỵ, ế ẩm, phụ bạc nào đó, chẳng ra một nghĩa lý gì. Chuyện ngày xưa nhà mình của cha khác lắm, tôi nghe mò mẫm trong lời mo ngâm nga lộn xộn Mường Việt, hình như là chuyện đi thăm dưới đất, đi kiện trên trời, chuyện một con thú to bằng quả núi, một người mẹ vú to bằng quả đồi... Chả trách ngực con gái Mường nở. Lại cả chuyện một vườn hoa ở núi Cối...
Vườn hoa núi Cối.
Làm hồng nhũ hoa.
Tôi chọn đúng năm mươi chiếc tăm trong hộp dự trữ, cũng Westside, trông cũng như mới. Cậu Luân ăn uống cảnh vẻ như cậu Giả Bảo Ngọc trong Hồng Lâu Mộng, cầm cái tăm chỉ chọc hờ hững lấy lệ, như quên vừa dùng bữa, không xỉa kỹ rồi bẻ đôi như cô Cam. Tôi đem rửa, chuốt lại hai đầu một chút là lại tốt chán. Cậu Luân hay đãng trí. Những hôm ngủ lại, đêm dậy đi tiểu thế nào mà về nhầm giường. Từ hôm tôi cài then trong thì cậu quên mót tiểu.
Tôi mở nút lọ nước hoa Chanel số 19 đựng phoóc môn. Bà bán bánh phở ở chợ Âm Phủ nhận của tôi một hộp kem giải phóng các tế bào chết để đựng vôi ăn trầu, một lọ nước cọ gạch men để đựng dấm và một chai nước xịt gương để làm súng phun cho đứa cháu nội, rồi mới sẻ cho tôi được mấy muôi phoóc môn. Bà bảo phoóc môn nhà bà mua tận gốc trên biên giới Trung Quốc, không mua lại của nhà xác, cứ dùng vô tư. Tôi hoà một thìa ấy với một thìa nước máy, ngâm tăm. Nước máy sặc cờ lo thế này, có hoà thuốc sâu cũng bạt mùi.
Trong lúc đợi tăm ngấm, tôi soạn bữa sáng cho cô Cam. Ít lâu nay cô chê bánh mì với bơ, chuyển sang xà lách trái cây, gồm một nửa quả táo Đà Lạt để nguyên vỏ đỏ, đã rửa kỹ bằng nước La Vie, cô Cam không ăn táo Tầu phun thuốc hoá học ; một quả chuối tây trắng nõn vừa chớm chín, cô Cam không ăn chuối tiêu quá nhiều hàm lượng đường ; một quả hồng xiêm Xuân Đỉnh nâu hồng chín cây, tuyệt đối tránh loại ủ đất đèn ; và một vạt xoài Mộc Châu vàng rực, cô Cam không ăn xoài miền Nam cũng quá nhiều hàm lượng đường. Tất cả thái nhỏ trộn đều, bên trên lại rắc nhân một quả hồ đào Lạng Sơn đập vụn. Thức uống gồm một cốc 200 ml sữa tươi Úc không béo tiệt trùng, một ly 150 ml trà nhúng Dilmah không đường, một ly 150 ml cam vắt Bố Hạ không đường. Tôi viết thư kể, bị mẹ mắng là điêu toa, trên đời làm gì có thứ cầu kỳ quá quắt như vậy. Tôi cũng đã tưởng khảnh như cô Lâm Đại Ngọc chỉ là trong truyện thời nào ở đâu. Để đọc cho quên ở ta thời này.
Hai năm qua tôi học phân biệt những thứ sau đây: nho chỉ chọn loại Mai Cô Hương mầu đen tía, dễ nhầm với loại Ong Chúa cũng đen tía nhưng vỏ chát ; giá đỗ chọn loại gầy, dài không quá năm phân mầu vàng nhạt, tránh loại ủ bằng đạm hóa học phốp pháp trắng mọng; ba ba chọn con đực đuôi dài quá mai, mai phải mầu xanh ; cua biển nếu thích ăn gạch lại phải chọn con cái ; trứng chọn quả quay nhiều nhất là ba vòng ; giò phải giã chày truyền thống ; lợn bò thì miếng thăn ấm tay còn phải nhảy trên mặt thớt ; gà vịt chỉ ăn hai mảnh ức lột da... Không thì bao nhiêu công lao đổ vào tấm thân đặc sắc của cô Cam vứt đi cả.
Cô Cam cao tới một mét bẩy, lưỡng quyền cao, mũi cao, cổ cao, mặt dài, lông mi dài, tóc dài, ngón tay dài, móng tay dài, chân dài. Những lúc uể oải yểu điệu cũng ra cây liễu. Còn bình thường như cây sào. Nhưng mắt tôi có tròng, tròng lại nằm trong ổ, ổ lại kẹp giữa hai mí, nhìn thế nào cũng không ra khỏi ba cái nấc ấy, biết phán thiên hạ đẹp xấu thế nào.
Những thứ sau đây tôi không phải học phân biệt, cô Cam dạy cho vài lần rồi nhớ: rau ở quầy rau sạch Thiên Đường Xanh ; dầu vừng đúng chai lùn cổ thắt vàng óng của Hàn Quốc ; đồ Tây lấy ở cửa sau khách sạn Sofitel ; bánh ngọt ở L"Indochine ; bánh bao hiệu Tâm Tâm, bánh mì ở Hilton cạnh Nhà hát lớn ; đường, dấm, muối, xì dầu và gạo Thái Lan ở Westside, ốc lại lên tận Tây Hồ, còn đồ khô đến chợ Hàng Bè... Cứ y nguyên như vậy. Trệch đi một tí là cô cậu mất thăng bằng, mà cái thế giới của những đồ phế phẩm rẻ tiền thì giăng như lưới đất, trượt đà sa xuống chỉ còn chờ chết trong những chiếc quan tài loại III đóng bằng gỗ thùng, đầu đinh tua tủa. Hôm tôi mua kem Mỹ hai mươi đô la một ký như thường lệ, tráo vào cái hộp nhựa méo mó của Vinamilk, cô cậu không buồn nếm. Có nếm chắc cũng chê.
Tôi vớt tăm, lấy máy sấy tóc của cô Cam sấy thật đúng công nghệ, rồi cho vào ống quế Quỳ. Không mốc nhé. Chỗ phoóc môn còn lại quấy đều vào cốc sữa. Tiệt trùng nhé. Hôm nọ tôi xin được ít bả chuột, nghe nói hiệu nghiệm, chuột béo chỉ cần xơi nửa vốc, vậy tôi vẩy cho đám trứng giun tái mét còn sót trong mớ rau mua của quầy Thiên Đường Xanh một đầu đũa là vừa. Để giun sán khỏi lẫn vào, làm hỏng bố cục của những thỏi phân cầu kỳ mà cô Cam phải nhào nặn mãi mới thải ra trên nền men trắng óng của chiếc bồn vệ sinh American Standard hoàn mỹ theo tiêu chuẩn Mỹ.
Xong xuôi cả, chỉ còn việc cắm bó hoa cậu Luân cho người mang tới từ sáng sớm. Đêm qua cậu không ngủ lại, bảo là có việc, nhưng việc gì bằng việc cô Cam đánh rắm suốt đêm. Hôm đầu tiên như vậy, cách đây mấy tháng, cậu còn cố bịt mũi, cô còn rẩy nước hoa cho đỡ ngượng. Sau cứ dăm ba ngày lại thối um. Dăm ba ngày tôi sắc một lần nước lá thị đặc quánh, pha vào suất 200 ml nhân trần buổi tối của cô Cam. Tôi luôn để một quả thị đầu giường, lót trong lá thị. Hạt mít không nhạy bằng lá thị. Rắm đánh thưa, nhưng mùi lợm hơn. Những hôm cô Cam dùng 200 ml sữa đậu nành thay đổi với nhân trần thì tôi hoà hạt mít rang tán mịn, trữ sẵn trong hộp sáp khử mùi và làm trắng vùng nách, vùng bẹn. Cô cậu ngạc nhiên lắm, chọn thực phẩm tinh khiết thế mà xú khí vẫn phọt ra, như ở bọn hạ tiện chuyên rình mua hàng ôi chợ ế. Cô cậu lấy làm tởm. Cô cậu sai tôi đốt trầm và thắp hương. Chắc cũng không có ý chờ tôi nịnh là rắm thơm. Rắm ướp trầm hương trong nhà chạy máy điều hoà đóng kín thành mùi thế nào, tôi không kể, sợ mẹ mắng là tục.
Cậu Luân luôn chọn loại hồng Singapore ráo hoảnh, hương không một gợn nhưng sức khoẻ tràn trề. Lá, cọng, bông và gai trông như năng tập ở phòng thể dục thẩm mỹ Bạn Gái mà cô Cam thường tới vào chiều thứ ba và chiều thứ bảy, trong khi cậu Luân đi đánh ten nít ở câu lạc bộ New Asia. Cậu bảo, ten nít là phát minh vĩ đại nhất của nhân loại sau phát minh chữ viết. Người Mường không có chữ. Tiếng nói có rồi cũng ra không. Giữ được tiếng nào là may tiếng ấy, bố mo hôm đó bảo thế. Đến ông là hết tiếng Mường. Cô cãi, cô cho aerobics cái vinh dự phát minh vĩ đại. Đến cãi nhau cũng cãi hờ như thế, chẳng trách cứ làm chồng chưa cưới, vợ chưa cưới mãi. Lại còn bảo, giá thú chỉ là chuyện hình thức. Tôi không hiểu. Cô cậu ấy sống cả về cái mẽ mà lại phản đối hình thức hay sao? Cậu Luân giảng giải tự do cá nhân, tự do luyến ái, tự do tình dục. Cô Cam cười cười, can:"Thôi, tha cho nó. Anh nói nữa là nó khóc đấy."
"Phải dạy dần cho nó mở mang ra chứ. Con bé này có vẻ biết tiếp thu. Thỉnh thoảng thấy đọc tiểu thuyết Tầu cơ mà.", cậu Luân đáp.
Một nghìn điều tôi tiếp thu hai năm qua, đem kể về nhà chỉ nghe mẹ mắng. Đầu óc nhồi đầy những chuyện như thế, sau này còn chỗ nào mà học khôn? Tết năm tới mẹ quyết xin tôi về. Con ơi, thế này là bà Lý làm phúc cho nhà mình, hay làm tội?
"Truyện Tầu cũng chả hơn gì phim Ấn Độ. Đằng thì chen vào hát. Đằng thì sấn vào triết lý. Chỉ cảm động hờ với thông thái suông là tài. Bây giờ phải đọc truyện Mỹ, xem phim Mỹ, cho thực tế, bạo dạn lên.", cậu Luân khuyên.
"Anh chỉ tàn nhẫn!"Cô Cam trách.
"Giời ơi! Tiến bộ không tàn nhẫn thì nước mình tiến rồi!", cậu Luân than, nhưng than mà khoái ra mặt.
Tôi lom khom lau cái bàn trà bằng gỗ pơ mu thấp lè tè, nghe nói là kiểu Nhật. Cậu Luân phát tôi một cái vào mông, lắc đầu bảo:"Mông miếc thế này thì tiến thế nào!".
Cậu lại giảng nữa, về chỉ số văn minh đo bằng ba số vòng ở người đàn bà. Ở tôi là một độ phình đầy tính bản năng và phản nhận thức, nghĩa là phản văn minh, cậu kết luận. Song còn hơn khối đứa khác, vòng trên và vòng dưới đều lép, vòng giữa lại lồi. Bọn thui chột ấy, cậu không tính. Gọi chúng là người làm gì cho chữ người mất giá. Vậy gọi là ngợm. Con Tâm nhớ nhé! Thành ngợm là cô cậu không dạy được đâu.
Cô Cam nghe lơ đãng. Những lúc như thế, may ra có lời tâu ngon ngọt của cái gương mới khiến cô choàng tỉnh. Mọi chuyện xảy ra ngoài tấm thân đạt chỉ số văn minh tuyệt đối của cô đều không xảy ra. Còn tôi, con gái Mường họ Đinh, họ vua mở đầu nước Đại Cồ Việt, ngu đần có giống có nòi cũng thừa hiểu, sao tay cậu phát hơi lâu mà không đau gì. Bao giờ miền núi tiến kịp miền xuôi thì Tâm ơi, đêm đừng cài then trong, rồi cũng được làm người mẫu như cô, cởi ra mặc vào những váy áo do cậu thiết kế. Cậu thèm những cái kém nhã, ừ thì thèm ăn dở, tôi thông cảm. Đừng chẳng nổi thì phận đứa ở như tôi, phục vụ được đến đâu cũng đành. Còn hơn để cậu đi tìm tự do ở những chỗ ăn bớt vào cái tư cách vợ chưa cưới của cô chủ. Mẹ ơi, thế là nhà mình trả ơn cho nhà bà Lý, hay trả vạ?