watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
14:44:3728/04/2025
Kho tàng truyện
Chỉ mục bài viết
Trương Chi Đời Nay
Trang 2
Trang 3
Tất cả các trang
Trang 3 trong tổng số 3
Tuần tiếp sau đó, đầu óc tôi lúc nào cũng vấn vít cái âm hưởng của buổi tối kỳ lạ đó, nhất là cái anh chàng ngư phủ bí ẩn kia: Nước da học trò, tóc tai lộn xộn, áo quần cùng một phong cách với tóc tai, đôi mắt sáng hơi buồn, đôi bàn tay không vạm vỡ nhưng chắc chắn ... Người như thế, nếu ăn mặc cẩn thận một chút và đầu tóc chỉ cần chải qua thôi thì ai bảo là không phải là bậc trí giả ! Thế mà lại là một ngư ông một trăm phần trăm ! ... Mà sao lại đến nỗi vào đến tù mới bắt đầu học đánh vần chữ quốc ngữ ? Sau này có học tiếp không ? và học đến bậc nào ? Sao không đi làm như mọi người ? Mà sao lại biết nhiều về cái thứ nhạc mà phần lớn những người cùng trang lứa và phần lớn lớp trẻ bây giờ không chuộng ?
"Mặt mũi cháu độ này trông xanh xanh, ngây ngây thế nào ấy - Mấy chú làm cùng cơ quan ái ngại nhìn tôi - đến bệnh viện khám xem ốm đau thế nào, nếu cần thì nghỉ lấy mấy ngày !". Tôi mỉm cười cảm tạ, thầm biết ơn những đồng nghiệp lớn tuổi và độ lượng. Cũng may, cụm cấp liệu tôi được giao thiết kế đã được kỹ sư trưởng xác nhận là khớp với liên hợp máy cả về công suất và các kích thước lắp ghép. Hiện tại, tôi chỉ phải theo dõi chế tạo thử nên cái nỗi vấn vít kia hầu như không ảnh hưởng đến công việc. Một điều may nữa là bố tôi có việc, phải đi công tác xa mà ông đang rất nóng lòng, muốn biết hoàn cảnh của anh Hoành nên đưa cho tôi địa chỉ của anh, bảo tôi đến thăm "toàn diện" và phải báo cáo chi tiết lại khi ông trở về.
Đêm: ra "ngư trường" - Tôi nhẩm tính - sáng: chắc là ngủ bù; Chiều: có thể đến được.
Nhà Hoành cũng dễ tìm. Không hiểu sao, lúc đi thì hăm hở thế mà lúc đến nơi rồi lại thấy ngài ngại, dùng dằng: nửa muốn vào, nửa muốn quay về; Nhưng về thì lấy gì mà báo cáo với bố ? Trông thấy một quán giải khát gần đấy, tôi nghĩ: Vào đấy, uống một tách cà phê đặc cho đầu óc tỉnh táo rồi từ từ sẽ vào. Chủ quán là một bà trạc ngoài sáu mươi, nước da trắng hồng nhưng tóc đã bạc gần hết, cổ đeo một chuỗi hạt ngọc màu nước bí; cách đi đứng, nói năng rất nền nã, dịu mà nghiêm; đặc biệt có đôi mắt trông quen quen, như là đã gặp ở đâu rồi; Tóm lại tôi thấy rất có cảm tình. Nhận thấy ánh mắt quan sát của tôi, bà mỉm cười, bước lại gần:
- Cháu đang tìm nhà người quen phải không ?"
- Vâng - không hiểu sao, tôi thuận miệng nói luôn - cháu tìm nhà anh Hoành.
- à, nó là cháu ruột cô đấy. Thế, cháu với nó là ...
Thảo nào, đôi mắt giống anh chàng quá. Rồi, không hiểu sao, cứ như một kẻ bị thôi miên, tôi kể ra tuồn tuột tất cả những điều tôi biết về quan hệ giữa bố và anh và nhiệm vụ được giao, trừ cái vụ nghe hát lén bên bãi. Mắt bà vui hẳn lên: "Thật phúc đức quá, cô cảm ơn bố con cháu !". Và cũng không hiểu sao, âu cũng là cái duyên tương ngộ, bà kể cho tôi nghe nhiều điều về anh. Rằng "Người ta cứ bảo nó mắc chứng dở hơi, một thứ bệnh do di chứng của chiến tranh. Nhưng cô biết: không phải ! Ai mà cấm được miệng thế hả cháu. Hoàn cảnh nhà nó cũng có cái đặc biệt: Bố nó, là anh ruột cô, thời cuối Pháp thuộc là kỹ sư nhà đèn, làm được mấy năm thì cách mạng tháng Tám nổ ra, rồi ông ấy theo kháng chiến lên Tuyên Quang cho đến năm 1954 mới về, lại làm việc tiếp ở nhà đèn. Cuộc sống gia đình lúc bấy giờ có khó khăn, thiếu thốn hơn trước. Mẹ nó, một người đàn bà cũng có chút nhan sắc, rất say sưa các việc họp hành thời mới, chê ông ấy là phần tử đã làm cho Tây và bỏ hai bố con để theo một ông thứ trưởng. Nó buồn, trở nên ít nói và không chịu học hành gì cả. Nói sao cũng không chịu đến trường. Ông ấy thở dài, bảo cô: Thôi, cô đừng nói nữa, cái phúc nhà mình đến đây là tận rồi ! Rồi thời gian trôi đi, cứ thế, nó lớn lên như một con rái cá lạc mẹ, suốt ngày lóp ngóp ngoài bãi, bắt được con tôm con cá, ăn không hết thì đem bán lấy tiền đưa cho bố". - Bà ngừng lại, đôi mắt rưng rưng, rồi lại kể tiếp trong giọng nói ngàn ngạt - "Hai bố con cứ lụi cụi sống với nhau như thế. Trong nhà ít khi thấy có tiếng cười; liu hiu lắm cháu ạ. Rồi đến kháng chiến chống Mỹ, nó đi bộ đội vào nam. Nhờ phúc nhà vẫn còn, nó trở về nguyên vẹn, chỉ vào những lúc giở giời mới bị đau nhức những chỗ bị chúng nó đánh ác hồi ở tù thôi. Về nhà, chăm bố được mấy năm thì bố mất. Hai năm sau cái ông thứ trưởng kia cũng thành người thiên cổ. Mấy đứa con ông ta sợ bà mẹ kế chiếm mất căn hộ nên đối xử với cái bà già ốm yếu ấy chẳng ra gì, thất đức lắm ! Thấy vậy, thằng Hoành lầm lũi đến đón mẹ về phụng dưỡng, thuốc thang. Hàng xóm láng giềng cũng có mấy người không đồng tình với cách cư xử của nó; riêng cô thì thấy nó làm như thế là phải. Về ở với con được mấy năm thì bà ấy cũng mất nốt. Khổ thân, thời gian ấy nó sống vất vưởng lắm. Cứ nghĩ đến nó, còn lại trơ trọi một thân một mình trên đời, cô cứ đứt từng khúc ruột. Nhưng nó ương bướng lắm, chẳng bảo được ! Vợ con thì không chịu lấy. Bị cô giục rát quá, nó bảo: Cô ơi, cháu bị nhiễm chất độc da cam ! Không biết có phải thế không, nhưng cô ngờ là cái vết thương nhân tình đỏ đen bạc bẽo mẹ nó để lại trong lòng từ khi còn là một đứa bé thơ dại không dễ gì mà lành được; Đến nỗi, cho đến bây giờ, dường như nó không tin, nó sợ, nó ngầm coi thường và xa lánh phụ nữ". Ngừng một lúc, cô nhìn tôi rồi cầm lấy tay tôi: "Gặp cháu lần đầu, nhưng cô có linh cảm cháu là một cô gái tốt, tâm sáng lắm ... thật có phúc cho cậu trai nào lấy được cháu ! ... ấy, chớ có hiểu nhầm ý cô, cô nào dám nghĩ như thế, cô chỉ muốn nhờ cháu khuyên giải và bảo cho nó thấy cái ý nghĩ sai lạc của nó. Việc này khó lắm, phải là người có tâm sáng thì mới làm được. Nó mà lấy được vợ và sinh con đẻ cái là cháu đã đem cái đại phúc đến cho họ Phan nhà cô đấy !".
Tôi không dám nói lời từ chối, nhưng làm sao mà tôi - một đứa con gái ngu ngơ, chỉ "giỏi" những cái không đâu - có thể làm nổi một việc lớn và phức tạp như vậy ? Một việc chỉ có thể may ra thành tựu được nếu cậy đến các bậc "trưởng lão" thiệp đời, hỷ xả và nhân hậu.
Đứng trước ngôi nhà hai tầng cũ kỹ rêu phong, có đắp hàng số 1926 chính giữa phía trên nóc tầng ba, tôi dõng dạc gõ cửa. Sau một chút ngạc nhiên, anh mời tôi vào nhà. "Ngồi đi, cô bé !" nói xong, anh biến luôn vào nhà trong. Tôi tranh thủ quan sát. Phòng khách khá rộng: Trên bức tường chính diện cửa vào, treo một bức thư hoạ vẽ trên sứ, lồng trong khung gỗ. Bức tranh vẽ một ông vua đang đứng trên bục, miệng cười vui vẻ và tay đang trỏ vào một người con gái đang lấy ống tay áo che mặt e lệ; Đứng trước vị vua, phía dưới bục là một ông quan đang hơi cúi, vòng tay thi lễ với vua; Góc bên phải, phía trên là hai dòng chữ nho loằng ngoằng, viết theo chiều dọc bức tranh. Dịch ra ngoài một chút là bộ sa lông Tàu mặt đá chân sen mà tôi đang ngồi. Phía tường bên phải treo bộ tứ bình vẽ tích "Dương Lễ - Châu Long - Lưu Bình". Sát tường bên trái là một chiếc tủ cổ, cao ngang ngực, làm bằng gỗ gụ lâu năm, lên nước nhẵn lỳ. Phía trên, chính giữa, để một bát hương và ba bức ảnh. Hai bức chân dung có lẽ là ông bà, còn bức chụp chung hai người có lẽ là bố mẹ của anh lúc mới cưới.
Hoành bước ra, nghiêm chỉnh trong bộ đồ hôm trước và trên tay là bộ khay chén còn ướt (chắc bẩn quá, sợ tôi cười cho nên vừa rồi phải rửa vội).
- Những người trên bức tranh kia là ai và hai dòng chữ nho nghĩa là gì hả anh ?
Anh ngừng tay rót nước, nhìn lên:
-  À, một tích lấy từ Hậu Hán thư của người Tàu. Người đứng trên cao là vua Hán Quang Vũ. Người con gái là công chúa Hồ Dương, chị của vua. Còn người đàn ông đứng thấp hơn là quan đại tư không rất có uy đức, tên là Tống Hoằng - anh đặt chén nước trước mặt tôi - uống đi cô bé !
- Thế còn hai dòng chữ nho kia là gì ?
- "Bần tiện chi tri bất khả vong, tao khang chi thê vô hạ đường"
- âm thanh phát ra vững như kiềng, nghe thích thật, nhưng em không hiểu gì. Thôi, đã kể thì kể cho trót đi anh.
Anh nhìn tôi, cười có vẻ thú vị. Điều này làm tôi hơi đỏ mặt.
-  Vua Quang Vũ muốn lo việc chồng con cho người chị là công chúa Hồ Dương. Biết công chúa có lòng quý mến Tống Hoằng, nhưng hiềm một nỗi ông lại có vợ rồi. Một lần, nhân có cả hai người, Quang Vũ bèn hỏi dò Tống Hoằng: "Tục ngữ có câu: Giàu đổi bạn, sang đổi vợ. Có phải nhân tình là thế ư ?". Hoằng đáp: " Thần nghe nói bạn bè chơi với nhau từ thuở nghèo hèn không thể quên nhau, người vợ lấy từ thuở còn nghèo túng khốn khổ không thể bỏ cho ra khỏi nhà". Quang Vũ biết ý nên thôi. - Anh đưa tay trỏ lên bức tranh -  Câu trả lời của Tống Hoàng, có âm thanh làm cô thích tai, chính là hai dòng chữ nho đó.
- Anh tốt nghiệp trường ngoại ngữ năm nào ? - Tôi vờ hỏi.
-  Không, tôi có học hành gì cho ra hồn đâu. Đến chữ quốc ngữ, cũng vào tù mới biết. Mà chính là nhờ chú Tô dạy cho đấy. Buồn cười lắm, hồi ấy chỉ đọc được chữ in trong sách, còn chữ mọi người viết tay thì không nhận ra mặt chữ được; viết cũng không biết, bởi có giấy bút gì đâu, sàn nhà thì bằng xi măng, trong tay chẳng có gì mà vạch xuống được.
-  Thế còn chữ Nho ? - Tôi bắt đầu thấy tò mò.
-  ức mà học. Mà cũng chỉ ở trình độ gọi là võ vẽ một chút của người tự học thôi.
-  Ai làm anh ức ? - Tôi nghĩ ngay đến hạng người, được dăm ba chữ đã lấy làm vênh vang, thích đi chọc quê người khác
-  Không, không có ai làm như thế với tôi. - anh vội vã trỏ lên bức tranh, giải thích - chỉ là vì những thứ này và những chồng sách ông nội tôi để lại, nhìn mà mù tịt, không biết người ta viết gì, ức lắm. Sẵn cái đà học chữ quốc ngữ, tôi cố luôn.
- Cơ quan anh làm có gần nhà không ?
- Tôi không có cơ quan ... - ngập ngừng một chút, anh nói tiếp - thực ra thì trước đây cũng có, nhưng phức tạp lắm, cái tạng tôi nó không hợp với nghề công chức nên xin thôi. Sẵn có cái nghề từ thuở nhỏ, tôi sắm cái thuyền nhỏ, kiếm mấy con cá nhỏ ngoài sông để sống qua ngày thôi.
- Em thấy bên kia sông, chỗ rặng vườn khế, có cái vụng có vẻ nhiều cá.
-  Đúng ! Tôi thường đến đấy vào ban đêm - "Thế là rõ rồi, đích thị là hắn !" tôi thầm nghĩ. Còn anh thì khoái chí nhìn tôi - nghe cái giọng cô, tôi thấy cũng có chút mùi bùn nước đấy.
Nghe anh nói tôi cũng thấy phổng mũi. Nhớ tới nhiệm vụ được bố giao, nhân đà anh đang cởi mở, tôi làm bộ rụt rè:
-  Nhà các cụ làm trông thích thật ... anh cho em thăm một lượt được không ?
-  Có gì đâu, để tôi dẫn cô đi.
Tôi theo anh vào phía trong. Bếp núc thiếu mùi khói, lạnh lẽo. Ngoại trừ vài ba gói mì ăn liền vứt lỏng chỏng trên bệ nấu, tôi không thấy còn thứ gì khả dĩ gọi là ăn được. Ôi, đêm đi đánh cá, ngày ngủ bù, loanh quanh một chút rồi lại đi đánh cá ... cuộc sống cứ thế, cọc cạch chạy như một cỗ máy thô sơ, đơn điệu và buồn tẻ. Nhưng suy cho cùng, nếu lột bỏ toàn bộ những lý do này kia, những cụm mỹ từ mà chúng ta lạm dụng, tự khoác bừa cho mình, cho nhau, thì ai cũng vậy thôi, "dân coi ăn như trời " mà ! Chỉ có điều, là một anh đánh cá thì không được oai cho lắm, và đương nhiên, chẳng mấy ai hứng thú với một cái nghề như thế. Thậm chí, một lần, vô tình, tôi còn được nghe ông lão hàng xóm của bác cả tôi, đang thực thi sự nghiệp giáo dục của mình với thằng cháu đích tôn: "Liệu mà học, không rồi lại khổ như cái thằng đánh cá ngoài sông kia kìa !". Ôi, nếu đột nhiên chợ búa trở nên khan hiếm cá - Tôi nghĩ - cá trở thành món ăn xa xỉ, đắt gấp trăm lần thịt gia súc, liệu ông lão ấy có còn nói như vậy không, hay hình tượng "thằng đánh cá" lại trở thành một cái đích hướng nghiệp mới, một khát vọng mới ? Cũng như cách đây trên dưới ba thập kỷ, thật may mắn cho gia đình nào có người nhà là nhân viên bán thịt hoặc tạp hoá gì đó cho mậu dịch quốc doanh... Vậy mà xem ra cái anh chàng này có vẻ không mấy bận tâm; Có vẻ như việc bơi thuyền, thả lưới đánh cá hay lật trang giấy, ký tá hoặc, thậm chí, đưa bút làm thơ thì cũng vậy cả thôi.   
"Tầng hai có hai buồng: Buồng bên trái là của ông bà nội tôi, bên phải là của bố ... tôi" - anh giới thiệu, khi chúng tôi đang đi lên tầng hai. Có vẻ như chủ nhân hiện giờ của ngôi nhà muốn giữ nguyên trạng nơi ở của các vị tiền bối đã quá cố. Buồng bên trái: có một kệ lớn đầy sách chữ Nho mà giấy đã ngả sang mầu vàng. Hai đầu kệ sách treo cây đàn đáy và một cây thập lục. Phía sát cửa ra vào là một giá treo áo, trên đó thấy ngoắc một chiếc khăn xếp, cái áo the đen trùm lên cái áo đoạn và kế đó là một chiếc áo dài cùng một cái độn tóc. Buồng bên phải cũng có nhiều sách nhưng phần lớn là tiếng Tây. Phía cuối chiếc giường đôi kê một chiếc dương cầm mà nước véc ni đã bị thời gian và thời sự làm cho sờn bạc và trở nên lạc lõng. Một tủ áo không cửa, treo trong đó hai bộ com lê cũ và hai bộ quần áo ta màu gụ đã bạc phếch hai vai. Bước ra khỏi căn buồng bên phải, anh chìa tay hướng xuống phía dưới cầu thang, làm một động tác lịch thiệp mời tôi xuống dưới nhà. "Còn tầng ba ?" - tôi hồn nhiên khiếu nại. Anh cười lúng túng: "Buồng của tôi. Cách xây cất cũng như thế, chẳng có gì đặc biệt hơn, nào ta xuống thôi !" ."A ... chắc có điều gì mờ ám đây ?!". Bất giác, tôi sinh nghi và láu cá làm điệu bộ hào hứng, vô tư, trong sáng muốn bước lên, xem cho thoả cái mối quan tâm về kiến trúc của mình. Nhưng không được, anh đã kịp đứng chắn ngang lối lên cầu thang. Bí quá, cái đầu mụ mẫm của tôi chẳng nghĩ ra được mánh lới nào nữa. Ngập ngừng một lát, tôi đành phải nói thật rằng bố cử tôi đến thăm anh, xem anh sống thế nào; rằng "Nếu không cho em lên thì em lấy gì mà báo cáo lại với cụ theo "lệnh đã được ấn định" ? Nói dối cụ thì chẳng hoá ra anh vô tình làm em trở thành hư thân. Còn nói thật thì cụ sẽ đặt câu hỏi và buồn phiền bởi em biết, qua cách nói năng, cụ quý anh còn hơn cả em !". Đúng là thật thà bao giờ cũng hơn. Sau một lát lưỡng lự, anh nhoẻn một nụ cười, lối cười của kẻ tội đồ láu cá hết đường chống cự, và tránh ra nhường lối cho tôi. Không còn phải kiểu cách, giữ gìn như trước, tôi xoay nắm đấm, mở cửa, bước vào phòng. Mùi hôi ẩm xộc vào mũi. Chẳng phải lâu la gì, tôi xác định được ngay toạ độ nguồn phát: đó là đống quần áo chưa giặt, tấp ở góc buồng. Cũng chẳng có gì đặc biệt, đáng ngờ như tôi nghĩ ngoài tình trạng đồ đạc xắp xếp hỗn độn, cẩu thả và thiếu vệ sinh thường thấy ở mấy gã trai chưa vợ. Điều làm tôi chú ý là một đống sách cao đến ngang thắt lưng, để lộn xộn dưới sàn gỗ, ngay bên cạnh chiếc bàn viết (chắc là đem từ phòng của bố anh sang), kê sát cửa sổ cuối phòng. Trên mặt bàn là một cây đèn có chụp hình nón cụt, cũ đến mức không thể cũ hơn, và cũng lủng củng những sách là sách. ấn tượng nhất là bộ máy vi tính màu ghi sáng, thứ màu đặc trưng của những văn phòng tân thời, sản phẩm duy nhất của nền tân văn minh lạc địa vào một thế giới dường như không phải dành cho nó. "Anh đi lấy xô nước lên đây, để em lau qua cái sàn một tí ! - không hiểu sao tôi lại nói bằng cái giọng như thể tôi và anh đã quen thân từ hàng thế kỷ". Mà cũng lạ: anh đứng thộn ra một lát, không nói gì và lẳng lặng đi xuống cầu thang. Nhân lúc anh vắng mặt, tôi tranh thủ săm soi cái đám vật chất tri thức nhếch nhác kia: Bangiắc, Thi Nại Am, Víchto Huygô, Lép Tônxtôi, Nguyễn Du,  Ngô thừa Ân, Sếchxpia, Nguyễn Khuyến, Trần Trọng Kim... rồi lại gì nữa đây ... Đại việt sử ký toàn thư, Đại nam thực lục chính biên, Sự phát triển của hệ tư tưởng ở Việt Nam, Hý phường phả lục, Văn đàn bảo giám ... ái chà ! Tất cả những thứ này ... với một ngư phủ mọn ... dường như có cái gì đấy không được ăn khớp cho lắm. Trên bàn có khá nhiều sách chuyên đề về ca trù - điều này thì còn có thể hiểu được - trong đó có cả những công trình nghiên cứu của người nước ngoài. Xem nào - tôi cầm một cuốn lên - "Cuộc thử nghiệm về hát ả đào"  của Gisa Jahnichen, một phụ nữ người Đức ! Còn gì nữa kia. Tôi cúi xuống, moi lên một cuốn bìa hãy còn mới, rơi tọt vào khe giữa chân bàn và tường: "Hát ả đào - Sự nổi loạn của kẻ sỹ dòng Nho gia", tác giả: Phan Hoành, Nhà xuất bản ... năm ... Vừa in xong ! Tôi nhớ ra bà cô anh có nói tới họ Phan ... là của anh chàng này sao ?! Tôi hấp tấp lật tìm trang mục lục ... Phần một: Lược sử hình thành và phát triển. Phần hai: Một nhu cầu nội sinh mang tính xã hội. Phần ba: Lối chơi và những thành kiến. Phần bốn: Nguyên nhân khiến sự phát triển bị chững lại và những vấn đề đặt ra cho ngành âm nhạc dân gian. Tôi đảo mắt, lật mấy chồng khác, xem tiếp. Lại tìm thấy thêm một Phan Hoành nữa: "Lối chơi bác học và mối quan hệ qua lại giữa các danh nhân với hát ả đảo". Cuốn này tôi đã đọc ở thư viện, nhưng tôi có thói quen rất xấu là ít khi để tâm xem người viết là ai.
Nắng chiều hoe vàng, làn gió cuối thu đã pha chút heo may se lạnh, thổi dọc theo dãy chân tường những ngôi nhà cũ kỹ, cuốn dồn những chiếc lá khô lăn lóc tóc làm chúng vón lại thành từng đám nhỏ. Hàng cây bàng dọc vỉa hè sáng bừng lên một sắc đỏ tía trong tiết chuyển mùa. Con đường vắng, chạy dọc con phố cổ, dẫn ngược ra phía bờ sông gió lộng. Mới có mấy tuần trôi qua mà trong tôi đầy ắp những sự kiện. Rời khỏi nhà anh một đoạn, tôi thấy uể oải, không muốn đạp nữa. Xuống xe dắt bộ, tôi bước đi mà cảm thấy, trong sâu thẳm, đang dâng lên một cảm giác gì đó, là lạ mà tôi chưa từng biết đến trong đời: Một chút buồn dìu dịu, một chút bâng khuâng, chống chếnh ... và trong vô thức, một câu Kiều chợt hiện về, ngân nga nhè nhẹ: "Người đâu gặp gỡ làm chi ... "
Suốt những ngày sau đó, tôi trở nên ít nói và hay quên. Một cảm giác như trống vắng, như thiêu thiếu một cái gì đấy, mơ hồ và không gọi ra được, cứ vấn vít, đầy dần lên trong lồng ngực. Ông anh trai tôi bảo: "Cái con bé độ này cứ như mộng du ấy, canh thì mặn, cá thì cháy - anh nhìn như xoắy vào mắt tôi, ranh mãnh - Hay là cô mình đang lâm vào hoàn cảnh "Tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn !", có cần anh tư vấn không ?". Tôi giơ cây đũa cả lên dứ dứ, đe nẹt và tuyên bố "Bữa tiếp theo sẽ là rau luộc kết hợp hài hoà với món đậu phụ ... cũng luộc luôn !". Còn bố tôi thì ngồi nghe và cười, nụ cười hàm chứa niềm hạnh phúc cùng nỗi lo lắng của những người làm bố thiếu vắng người bạn đời bên cạnh.   
Từ đấy, tôi thường lui tới nhà anh. Khi thì bố sai mang tới một ít mực khô, khi thì chiếc áo bố mua cho anh khi đi công tác ... Cũng có khi chẳng vì lý do gì mà chỉ là kiểm tra "nội vụ doanh trại" một chút, dọn dẹp một chút, rầy la một chút và nấu cho anh bữa ăn rồi tất tưởi ra về như một bà cô lắm điều và thích quán xuyến. Mọi cái diễn ra giữa anh với tôi có vẻ không như những điều tôi được bà cô anh cảnh báo. "Thế là phải, là biết điều. Đâu có phải tất cả phụ nữ đều giống nhau ! - tôi thầm nghĩ". Anh là người ít lời. Thường, tôi hỏi thì anh mới nói. Cũng chẳng sao. Cái chính là tôi được gặp anh, là tôi thấy yên lòng, là tôi thấy cái chống chếnh, cái thiếu vắng vơi đi ít nhiều.
Từ sau lần những người bạn tù gặp lại nhau ấy, những ngày nghỉ, anh hay đến thăm bố tôi với cái giỏ cá nhỏ toòng teng trên tay. Đưa giỏ cá cho tôi, anh bảo: "Cá này không được to như cá nuôi, nhưng là cá "thật", thịt dai và thơm". Cái nhóm "Bồng bềnh tom chát " đó lâu lâu lại tổ chức một chầu, khi thì ở nhà tôi, khi thì ở nhà anh. Và, rất tự nhiên, mọi người trong nhóm đều mặc nhiên coi tôi là một thành viên khai sáng. Có lẽ vì tôi ham nghe, vì tôi cũng có đôi chút kiến thức về ca trù, vì tôi biết làm các món nhắm khá "tinh" mà không phải sử dụng đến các công nghệ chế biến cầu kỳ chăng ?
Những điều tôi không biết, nếu hỏi anh, bao giờ cũng được anh ân cần trả lời, giải thích cặn kẽ, khúc chiết và ngắn gọn. Tôi ngày càng ngạc nhiên bởi những kiến giải sáng sủa và bất ngờ anh đưa ra trong khi phân tích cho tôi một vấn đề nào đó; bởi, lần lần, tôi khám phá ra cái khối kiến thức nhiều mặt, phong phú, không hiểu bằng cách nào, lúc nào, đã lọt vào và đang tàng trú bên trong cái đầu "chưa bao giờ chải" kia, một người mới xoá nạn mù chữ cách đây ít năm và đang lặng lẽ kiếm sống bằng việc "kiếm mấy con cá nhỏ" bằng "một chiếc thuyền nhỏ" trên một dòng sông chưa thấy ai gọi là nhỏ.
Đã lâu rồi, có dễ đến vài ba tháng, nhóm "bồng bềnh" không hội họp. Tôi cảm thấy nhớ và muốn nghe. Vậy thì tôi lại sang sông !
Từ ngoài vườn đi vào, trông thấy tôi đang ngồi với bác cả, chị Mai nhìn tôi, rồi lắc đầu thở dài, không nói gì. Bác tôi ngơ ngác: "ơ, cái con bé này, hôm nay làm sao thế ?".  Khi chỉ còn lại hai chị em, chi Mai giận tôi ra mặt: "Tối nay về nhà, không ngủ lại nữa !". Chị đã nói đúng. Cả cái điều chị lo cho tôi cũng đúng. Giả sử bọn con trai biết tôi đã nghiện và còn lẩn thẩn đến mức thức đêm thức hôm để nghe trộm tiếng hát của một người đàn ông, nhất là lại của một anh thuyền chài thì thử hỏi ai còn muốn rước tôi về làm vợ ? Nhưng có một điều, chị không biết và có lẽ không bao giờ biết, là tôi có vốn có chút khí chất "dở hơi", nên cho dù một trong số những gã con trai trong cái "tập hợp" "không dám rước tôi về làm vợ" ấy, vì lý do nào đấy, không biết được bệnh sử của tôi mà cứ nằng nặc, nhất định đòi rước tôi về, thì tôi cũng chỉ biết nghiêng đầu tạ lỗi: "Xin cảm ơn và không hẹn gặp lại !"   
Tuy vậy, thái độ của chị cũng không phải là không có tác dụng. Trên đường về, tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc hơn về mối quan hệ giữa tôi và anh:  Nó thế nào nhỉ ? Cũng bình thường thôi. Mày quý mến anh ta ? - Rõ rồi, không cần phải hỏi ! Anh ta cũng quý mến mày ? - Không chắc lắm ! Mày ngưỡng mộ anh ta ? - Đúng thế. Mày có thường nghĩ về anh ta không ? - ... Có ! Mày có thương anh ta không ? - Có ... hình như là tình thương của một người mẹ ... có lẽ thế ! Có lúc nào mày thấy nhớ anh ta không ? - có ... mà cũng không biết nữa ! Mày đã phải lòng anh ta ? - ... Người ta hơn mình có đến chục tuổi ! Người ta thường nói: "Gái ham tài, trai ham sắc" điều đó có đúng không ? - Có lẽ đúng, nhưng ... có cái còn quý hơn cả sắc, điều đó ai cũng biết, nhưng chỉ có một số ít đàn ông là hiểu được. Anh ta nằm trong số ít này ? - Chắc chắn là thế ! Nếu mày thực sự thương anh ta thì liệu có được đáp lại xứng đáng không ? ... Ôi, vớ vẩn quá, lung tung quá ... !

Liên hợp máy chế biến nông sản, đề tài nghiên cứu của phòng tôi, đã chế tạo xong. Tôi được kỹ sư trưởng cử đi cùng mấy chú trong nhóm nghiên cứu, thực hiện bước khảo nghiệm tại đồng bằng sông Cửu Long. "Ngày mai, anh đưa em ra ga chứ ?" Tôi hỏi, sau khi thông báo cho anh lịch công tác của tôi. "ừ, cứ ở nhà rồi anh đến". Nghe anh nói mà cứ như tôi chỉ đi sang Bắc Ninh rồi tối lại về, tức chết đi được. Thật ... người đâu mà không có lấy một chút lương tri !
Tối hôm ấy, bố hỏi tôi: "Ngày mai, con đi giờ nào để bố sắp xếp công việc, đưa con ra ga". "Thôi, con tự đi thôi, "Hảo hán" không nhờ vả những việc nhỏ !". "Không được, đừng có bướng bỉnh như thế !". Biết tính bố, đã nói là làm, bí quá tôi đành phải nói thực: "Anh Hoành đưa con đi bố ạ !". " ồ, thế à ! - sau một chớp mắt ngỡ ngàng, bố tôi nở một nụ cười, nụ cười làm bừng sáng cả gian phòng - Thế thì tốt, thế thì tốt !". Thấy vậy, tôi đâm lo, một nỗi lo không thể nói thành lời được: "Ôi, bố ơi ! Nho thì chín mọng và thơm thảo đấy, nhưng giàn lại cao quá, không chừng cáo ta phải ra đi thôi ! Chuyện này vẫn thường xảy ra như thế mà !".
Anh đưa tôi ra ga bằng chiếc xe đạp cà khổ, tiếng cót két phát ra theo từng nhịp đạp. Nhìn những cặp trai gái đèo nhau trên những chiếc xe máy "long lanh", êm ru lướt qua, một ý nghĩ vênh váo, tự phụ thoáng qua đầu tôi: "Chả có thứ xe nào tuyệt bằng xe của tớ ! Nhưng tớ sẽ không nói ra đâu, bởi không biết chừng có những kẻ tham lam, khôn khéo lại chẳng sinh lòng thèm muốn và tìm cách chiếm đoạt ?!".
Tôi cứ nấn ná trước cửa toa xe. Liếng loa của nhà ga lại vang lên, giục những hành khách cuối cùng lên tàu. Tàu cựa mình, chuyển bánh. "Cầm lấy này !". Anh đưa cho tôi một gói nhỏ, xù xì, chẳng óng ánh, chẳng sắc màu giống như những cái gói mà người ta vẫn thường đưa cho nhau. Tàu chạy ra tới Khâm Thiên, tôi run run, lóng ngóng, thấp thỏm mở ra: Một củ sâm và một hộp dầu Con hổ ! Thế đấy !
Từ miền nam trở về sau đợt công tác, tôi lăn ra ốm. Người ta bảo tôi bị mắc chứng sốt do lây nhiễm virus và đưa thẳng tôi sang khoa cách ly của bệnh viện. Những cơn sốt làm tôi mê man, ly bì, mỏi rã toàn thân. Có lúc tỉnh lại, thấy bố ngồi bên cạnh, tôi cười với cụ nhưng tâm trí lại cứ lương vương về một mái tóc "chưa bao giờ chải". Nói chuyện với bố mà câu được câu chăng, chả đâu vào đâu. Không hiểu có biết đường mà nấu nướng cho ra bữa không ? ... Mà sao không thấy đến ? Người ta nằm bẹp cả tuần nay rồi chứ có phải bỡn ! Mình thì cháy cả ruột, còn anh ta thì thế đấy ! ... Thật ... chẳng có lấy một chút lương tâm !
Cơn sốt lại nhùng nhằng kéo đến. Rồi tôi lại chìm vào mê man. Tôi thấy mình bay lên, lên mãi, không gian đen kịt một màu. Im ắng quá, không một tiếng động, không cả một làn gió nhẹ. Tôi cứ bay lên thế, chấp chới, không chỗ bấu víu ... xung quanh, trên, dưới vẫn một màu tối đen, tai tôi cứ u u tịch tịch ... hình như, đâu đó, có vài đốm sáng li ti loé lên rồi lại tắt lịm ... tôi hoảng hốt, tôi cần một chỗ dựa, tôi cố giãy giụa để thoát khỏi cái khoảng không đáng sợ ấy ... dường như có ai đó đang nắm tay tôi ... ấm lắm. Tôi thu hết sức lực, gắng mở mắt: một bóng người mờ mờ ... màu xanh lá cây ... sao lại buông tay tôi ra ? và đúng khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra cái mái tóc "chưa bao giờ chải" cùng màu xanh của chiếc áo lính đã sờn cũ, may bằng thữ vải Tô Châu quen thuộc. Anh mỉm cười hiền từ với tôi. "Ôi, đây rồi ! ...". Tôi thầm reo lên nhưng, ngay lúc ấy, không hiểu làm sao mấy ông Tam bành đã ập đến nhanh thế, rồi xui khiến thế nào, tôi lại trình bày ra một thái độ mà trước đây tôi chưa từng có:  "Anh ... - tôi thổn thức, khó nhọc - về đi, em bị sốt virus, lây đấy !". "Thức đêm quen rồi, đến sáng anh về !" - Anh trả lời, giọng vô tư đến đáng ghét. "Em đã bảo là về đi cơ mà !" - tôi nói mà vẫn kịp nhận ra cái giọng đáo để của mình. "ừ, anh về !" - Nói, rồi anh đứng lên, kéo chăn phủ kín lên cổ cho tôi rồi thản nhiên quay lưng đi ra. Như một kẻ chợt nhận ra mình đang đứng trên bờ vực, một cảm giác hối hận, nuối tiếc chợt dâng lên rất nhanh, khiến tôi không thể đừng được nữa:
- Hượm đã !
Anh dừng bước, nhưng không hề quay đầu lại, ra ý: Tôi nghe đây !
- Quay lại ! - Tuy là sẵng giọng nhưng tôi đã muốn khóc lắm rồi.
Anh quay lại.
- Ngồi xuống đây !
Anh ngồi xuống ghế.
- Em chịu thua rồi, anh ở lại với em ! - giọng tôi dịu lại (mẹ mìn thật !) và nước mắt bắt đầu túa ra.
- ừ, đến sáng mai !
- Không ... đến khi em ra viện !
- ừ, đến khi em ra viện !
- Thế ra vừa rồi anh định về thật sao ?
- Nghe em đuổi quá, anh sợ ..., chỉ định ra ngoài, chờ em ngủ rồi lại vào.
Bao nhiêu hờn giận, ấm ức đã trút hết sang anh. Lúc này, được bên anh, được nhìn anh, tôi thấy mình trở nên nhẹ nhõm, thanh thoát đến mức có thể bay lên được. Anh ngồi trên chiếc ghế kê bên giường, yên lặng. Chưa bao giờ tôi thấy anh gần gũi đến thế. Nhìn đôi mắt buồn buồn, khuôn mặt hao gầy, tôi thấy vừa xót xa, vừa thương và muốn chở che cho anh. Tôi thèm được ngả đầu vào ngực anh mà hít hà cái mùi hôi hôi của cái áo lười giặt. Nhưng sao lại không nói gì, mà sao mắt cứ phải nhìn ra cửa sổ như thế ? ... Tôi khẽ chạm vào tay anh, nói trong hơi thở:
- Lúc nẫy anh nắm tay em phải không ?
- Không ... - Anh bối rối, vẫn cái lối bối rối của kẻ tội đồ bị bắt quả tang đó -... ừ !
- Anh nắm tay em nữa đi !
Anh nhìn tôi, rồi thận trọng để bàn tay tôi vào lòng bàn tay ram ráp của mình và khẽ ấp lại. Tôi lặng lẽ đón nhận cái thô ráp ấm nồng cùng với sự run rẩy trong vắt từ đôi bàn tay của một anh chàng khờ khạo, khốn khổ đang truyền sang tôi từng đợt, từng đợt ... "Đừng khỏi vội, đừng khỏi vội ... xin đừng bắt con phải khỏi nhanh !". Tôi bồng bềnh, ngây ngất, thầm khấn xin trời đất ban cho cái điều hằng phỉ phui ấy.
Hà Nội, tháng 9 năm 2004
<< Lùi - Tiếp theo

HOMECHAT
1 | 1 | 110
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com