watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
06:31:2726/04/2025
Kho tàng truyện
Chỉ mục bài viết
Trước Cảnh Hoang Tàn Đế Thiên Đế Thích
Trang 2
Tất cả các trang
Trang 1 trong tổng số 2

Trước Cảnh Hoang Tàn Đế Thiên Đế Thích

Tác giả: Lê Văn Trương

Trong phòng xem sách tại khách sạn Angkor-les-Ruines, đèn điện thắp sáng choang, những cánh quạt trần tung ra cái không khí mát mẻ, những cậu bồi mẫn cán quần áo sạch sẽ, cử chỉ lễ phép, đã khiến cho khách du quan đến trọ ở đây không phải phiền lòng về sự bỏ nhà ra thất nghiệp, được thảnh thơi mà xem xét những di tích lâu đài thành quách rải rác khắp chung quanh. Khách sạn này trước kia chỉ có mấy cái nhà gạch đơn sơ nhưng từ khi Chính phủ đặt ra phòng du lịch, nhờ về sự quảng cáo đắc lực mà khách phong lưu giầu có năm châu đến đây vãn cảnh một ngày một đông: khách sạn đã phải mở rộng ra: phòng ngủ, phòng ăn, phòng xem sách, phòng tiếp khách hàng ngang dãy dọc san sát qui mô rất to tát xếp đặt rất tối tân.
Hồi ấy về tháng sáu đang là vụ mưa nên khách du quan đến đây rất ít, có chăng chỉ một vài viên chức Nhà nước nghỉ phép, một vài nhà đại phu hiếu kỳ cũng đâm lo thủy quan, thừa lúc tầu đỗ bến Sài Gòn tiện thể lên thăm cổ tích mà thôi.
Trong phòng xem sách khách sạn, tối hôm ấy, chỉ có hơn một chục người vừa Pháp, vừa Nam. ở góc phòng bên trái, một thiếu nữ đang ngồi dựa lưng vào cái ghế xích đu nói chuyện với người hướng đạo (guide). Nàng trạc độ hai ba hai tư tuổi, ăn mặc rất lịch sự, quần cẩm châu trắng, áo cẩm quít màu da giời. Đôi bông tai, chiếc vòng ngọc và mấy sợi dây chuyền nạm kim cương phản chiếu ánh sáng đèn điện nẩy ra những tia sáng lóe mắt làm cho con người ngồi đó đã xinh lại càng thêm xinh. Một mái tóc cánh phượng đen nháy, một bộ mặt trái xoan nõn nà, một khổ người óng ả, điểm thêm nụ cười tươi tỉnh: đó là cái biểu hiệu cho vẻ đẹp của đàn bà xứ Nam. Nàng chẳng những kiều mị lạ thường, lại nói năng rất hoạt bát, cử chỉ rất lịch thiệp chẳng có vẻ rụt rè, e lệ của người xứ Bắc. Nhưng đừng thấy thế mà đã vội bảo nàng có vẻ lả lơi tầm thường đâu. Không, nàng có vẻ trang nghiêm, sắc sảo khiến ta trông thấy phải đem lòng kính nể.
Tờ báo La Tribune indigène ở trên tay ngọc ngà kia đủ tỏ cho ta biết rằng nàng chẳng phải là người vô học, mà trông cách phục sức, cách đi đứng ta có thể đoán được rằng nàng không phải là kẻ mới ra đời vậy.
Nàng chính tên là Bella Như Nhang, nhưng đám phong lưu công tử đất Sài Gòn lại đặt cho cái huy hiệu "Cô ba Cần Thơ" vì nàng chính quê ở Cần Thơ và lại là con thứ hai. Ai có qua con đường Legrand de la Liraye ở Sài Gòn, mà chẳng phải dừng chân lại, nhìn tòa nhà ba từng nguy nga ở đầu phố. Trong bảy năm giời lăn lộn với đời, nàng đã dùng cái sóng khuynh thành kia đạp đổ bao nhiêu cơ nghiệp để lấy tiền tậu ngôi nhà lộng lẫy ấy.
Trong cái đội tình nhân của nàng (nói cho đúng những người mê nàng) quan sang có, điền chủ có, hiệu chủ có, nàng chẳng hề yêu ai, mà thứ nhất đối với những hạng công tử xác thì dẫu xinh xắn như Phan An, tài tình như Tương Như, nàng cũng chẳng thèm để mắt đến bao giờ. Nàng chỉ coi bọn phú quý kia như những cái máy đúc tiền cho nàng, mà hạng công tử xác kia, nàng chỉ coi như những vật vô dụng vậy thôi. Một cuộc thí nghiệm rất đau đớn về tình ái xưa kia đã làm cho thui cái mầm tình ái nó sắp nẩy nở ở trong lòng nàng. Nàng bước chân vào cõi phong tình đã bảy năm giời nay mà tự thân mình chẳng hề vướng víu, nhưng khách tài hoa đã vướng víu vì nàng chẳng phải là ít. Nàng đã làm nghiêng ngửa bao nhiêu cơ đồ, tan nát bao nhiêu gia đình!!!
Một vài thí dụ trong nghìn việc đã xẩy ra đủ khiến cho ta biết nàng là hạng người thế nào.
Ông điền chủ họ Nguyễn ở Bặc Liêu là một trang thiếu niên rất lanh lợi đã đem một tấm tình si yêu nàng. Ông bỏ vợ dại, con thơ, bán hết điền sản lên ở Sài Gòn cho được gần gũi nàng. Không đầy một năm giời, cái gia tư mấy chục vạn kia đã thành ra luồng khói: tiêu tan trong cuộc đổ bác, cuộc vui chơi cả. Lúc biết ông đã hết tiền, nàng liền cự tuyệt ngay. Ông bèn năn nỉ mà rằng: quá vì yêu em mà ra cái thân thế dường này, nếu em dứt tình cùng qua thì thà rằng qua chết trước mặt em, chứ qua không đành lòng mà xa em đâu. Ông vừa nói, vừa rút súng ra. Nàng thấy thế cứ điềm tĩnh mà bỏ đi. Hai phát súng lục đinh tai cũng không làm cho nàng quay đầu lại.
Dư luận ở Sài Gòn đã một phen sôi nổi. Tuy pháp luật có can thiệp vào nhưng vì chẳng đã chứng cớ nên không kết án nàng được. Từ đấy người ta đặt cho nàng cái biệt hiệu "Con cọp cái". Tuy biết chắc là "Con cọp cái" nó ăn thịt người đấy mà bọn phong lưu tài tử cũng vẫn tranh nhau lăn mình vào.
Lại một lần nàng nhận được một bức thư:
Sài Gòn, ngày...
Cô Ba,
Tôi là học trò kiết mà lại muốn ăn ngon, muốn gái đẹp, muốn có tiền tiêu, nhưng tự xét mình chẳng có một cái tài năng gì để làm cho thỏa được những điều sở nguyện, vậy xin mong ở tấm lòng nghĩa hiệp của cô.
Phạm Bích Ng...
Nàng xem xong, viết giấy hẹn ngày, mời lại chơi nhà,
Đúng hẹn, anh chàng vác cái "mặt dày" lại. Sau một bữa tiệc đủ cả rượu ngon, vật lạ, nàng giữ "cu cậu" ngủ lại một đêm. Sáng dậy nàng cho một tấm giấy phiếu ngân hàng mà bảo rằng:
- Từ nay thày đừng có trở lại đây nữa nhé.
Nàng lại cho gọi hết gia nhân đầy tớ đến mà dặn rằng:
- Hễ từ nay chúng bay thấy người này lại, cứ việc đuổi cổ ra, không cần phải hỏi han gì. Phải nhớ lấy nghe không...?
Cái bản lĩnh nàng đã như thế thì bọn nam tử trong con mắt nàng chẳng qua là những "bồ nhìn" mà thôi. Mà ngày nay nàng đã trở nên giàu có, chẳng cần phải lợi dụng bọn si tình nữa, thì cái giá trị của bọn đàn ông đối với nàng, ta chẳng cần phải nói cũng đủ biết là thế nào rồi vậy.
Ngày nay, nàng lại xem chùa Đế Thiên Đế Thích, trong khi nàng biết chắc rằng đương vụ mưa này, ít kẻ đến, cũng là muốn tìm lấy cái thú tịch mịch, để được thư lòng xem xét những dấu vết của một nền văn minh rực rỡ mà nay đã mai một đi, mà có lẽ vì nàng đã chán cảnh ngựa xe huyên náo đất Sài Gòn rồi.
Trong khi nàng đang ngồi nói chuyện với người hướng đạo, thì cái sắc đẹp của nàng đã làm cho bao nhiêu người Pháp ngồi đấy phải ước vọng, mắt nhìn chầm chập mà bàn ra nói vào. Nếu ta để tai nghe thì thấy tiếng xì xào:
- Morceau de roi (Đồ ngự của vua) - Extra chie (Lịch sự quá) Trop sérieuse (Đứng đắn quá) - Ce n est pas à vendre, c est dommage (Thế mà không đem bán, tiếc nhỉ?)
Những cái nhìn sống sượng ấy, những câu nói vô lễ ấy, chẳng hay nàng có biết không, nhưng xem ra nàng cũng chẳng thèm để ý đến, coi như là bọn họ không có mặt ở trong phòng vậy. Nàng chỉ chăm chú nói chuyện với người hướng đạo để hỏi về lịch sử các di tích mà nàng đã được xem qua. Nhưng nếu ta để tâm xét kỹ thì cuộc hỏi chuyện người hướng đạo khúm núm ở trước mặt nàng chẳng qua là một cái "cớ", chứ nàng vẫn chú ý nhìn một thiếu niên ngồi tít ở đầu phòng, nhưng tiếc thay, thiếu niên cứ cặm cụi xem sách tưởng chừng như không có nàng ngồi đấy. Mà nào anh chàng ta có đẹp đẽ gì cho cam, nhưng nàng sở dĩ nhìn, chẳng phải là nhìn về sự đẹp đẽ của anh chàng.
Thiếu niên người dong dỏng cao, mặt mũi gân guốc, phỏng độ hai sáu hai bảy tuổi mà nét mặt trông đã già cằn. Trông da chỗ đen, chỗ trắng, ta có thể đoán ngay chẳng phải lúc sinh ra đã thế, có lẽ trong đời dầm mưa dãi nắng nhiều, nên mặt phong trần đã phải nắng sạm mầu dâu vậy. Toàn thể con người, trông chẳng có cái vẻ gì là đặc sắc, đại để có vẻ rắn rỏi lanh lẹn mà thôi, nhưng ta nhìn kỹ, ta sẽ thấy hai con mắt sáng quắc như sao. Nếu bảo rằng có thể đoán sự thông minh của con người ta bằng hai con mắt, thì thiếu niên chắc là thông minh lắm. Hai lưỡng quyền thật cao nó biểu hiệu cho sự nghị lực, sự can đảm; một cái mồm thật rộng, hai làn môi mỏng dính. Ta trông thấy cặp môi ấy, cái mồm ấy, trên khuôn mặt lạnh lùng ấy, ta tưởng tượng rằng dễ suốt đời thiếu niên, không cười bao giờ, nhưng nếu việc đáng cười mà đã làm cho cười được thì ta sẽ thấy một cái cười cay độc, chua chát, một cái cười hoài nghi về thế sự, về nhân tình.
Ta đừng thấy thế mà đã vội cho là vô duyên đâu, cái duyên của con người quắc thước là ở chỗ quắc thước. Thiếu niên mặc một bộ áo trắng rất xoàng nhưng toàn thể có thể tỏ cho ta biết được con người lịch sự, con người hành động tuy ngang tàng mà lễ phép, nghiêm nghị mà dễ dàng.
Chàng đến đây đã ba hôm nay, sáng nào cũng đi xem phong cảnh mãi đến bữa cơm tối mới về.
Tuy lúc ra vào, có được gặp Bella Như Nhang luôn, nhưng chàng cũng chẳng hề để ý đến, chẳng qua theo phép lịch sự, khi nào gặp thì hoặc ngả mũ, hoặc cúi đầu chào đó mà thôi.
Về phần Bella Như Nhang tuy là người đã lịch duyệt thế cố chẳng còn mong mỏi gì về nhân tình nữa, tuy sự từng trải đã đúc cho nàng một quả "tim sành", mỗi đoạn trường đã làm cho nàng lạnh lùng như đá, nhưng dẫu sao, cũng vẫn là đàn bà, mà đã là đàn bà thì không sao thoát khỏi cái khuôn sáo của tạo hóa được, mà thứ nhất đối với một người đàn bà đẹp thì cái luật thiên nhiên kia lại càng chặt chẽ lắm.
Xét tâm lý, người đàn bà đẹp, ai cũng tưởng tượng rằng cái sắc đẹp của mình là trung tâm điểm của vũ trụ, mà mọi sự hành vi của nhân loại cũng chỉ vì cái sắc khuynh thành ấy mà ra cả. Thì như Bella Như Nhang kia, lúc đi sắm đồ ở hãng Charner, lúc đi chơi chợ phiên, lúc đi xem diễn kịch, hàng vạn con mắt bọn nam nhi chẳng đổ dồn vào mình nàng là gì? Những cái lườm, cái nguýt của bọn chị em chẳng là những cái tang chứng ghen tỵ vẻ kiều mị của nàng là gì? Mà bao nhiêu lũ "con đen" lìa vợ, lìa con phá gia, phá nghiệp khuân tiền đến cho nàng tiêu, cũng chẳng là vì một nụ cười của nàng sao?
Bella Như Nhang xưa nay vẫn yên chí như thế, nay bỗng gặp một người, chẳng những không thèm để ý đến cái sắc đẹp của mình, chẳng những không thèm nhìn đến những đồ châu ngọc mình trang sức mà lại hình như không biết mình ở đấy nữa, thì thế tất nhiên là nàng phải để tâm đến "anh chàng" chẳng thèm để tâm đến nàng vậy.
ấy bọn phụ nữ thường hay yêu những người không yêu mình.
Oái oăm thay là ông Tạo vật!
Những trang sắc nước hương trời đã in sâu vào óc cái tư tưởng:
Sắc bất ba đào dị nịch nhân.
Mà nay bỗng gặp một người không chịu say đắm vì mình, lẽ tất nhiên là phải để tâm đến cái "chỗ" không say đắm ấy.
Lúc Bella Như Nhang nhìn thiếu niên thì thiếu niên chỉ nhìn sách. Một lúc lâu chàng đánh diêm hút thuốc lá rồi móc túi lấy ra bức thư mà chàng vừa nhận được lúc ban chiều. Phong thư đóng dấu nhà bưu điện Nam Vang (Phnompenh) của phòng luật sư gửi cho M. Hoàng Cương ở Battambang, rồi sở bưu chính Battambang lại gửi theo đi (réexpédié) tới Angkor-les-Ruines.
Phnompenh ngày 2 tháng 8 - 1930
Thưa ngài.
Theo như ý muốn của ngài, tôi đã cho mời các chủ nợ đến điều đình, họ đều không bằng lòng cho giả dần mà gay go nhất là nhà Đông Pháp ngân hàng. Họ đã đầu đơn ra tòa án xin phát mại sản nghiệp của ngài.
Cứ theo giá trước kia thì cái đồn điền 600 mẫu tây đất ấy cùng các đồ nông khí có thể bán được tới hơn 60.000. Nhưng nhất đán đem phát mại trong lúc đồng tiền đang khan này thì vị tất đã có kẻ dám mua tới 20.000. Mà để như thế thì sợ tiếng tăm, có điều trở ngại cho sự doanh nghiệp của ngài sau này. Vậy tôi đã hết sức điều đình với ông Mahomed Chettyar, ông ấy đã thuận mua tới 25.000. Trừ 4.000 tiền nợ, ông ấy còn phải trả lại ngài 21.000. Số tiền ấy chỉ đủ trang trải các món nợ khác và tiền bút giấy mà thôi. Tôi lấy bổn phận là người biện hộ và cái danh dự là bạn của ngài trong sáu năm giời nay mà khuyên ngài bằng lòng đi, vì làm như thế thì ngài sẽ toàn danh dự mà danh dự trong sạch vị tất đã không phải là cái lợi khí cần dùng nhất cho cuộc tương lai sau này. Định kiến ngài thế nào xin cho biết ngay.
Một người bạn rất trung thành của ngài:
Maitre Tromeur
Cái thư "ghê gớm" ấy, Hoàng Cương xem đi đọc lại chẳng đổi sắc, trên cái vẻ mặt nghiêm nghị rắn rỏi như tạc vào đá kia, ta không thấy một cái triệu chứng gì nó biểu lộ cho ta biết được rằng con người mà cái thân thế, cái sự nghiệp có can thiệp với bức thư kia đã vì những nỗi éo le ấy mà cảm động. Đối với những người gan góc ấy thì sự khó khăn, đau đớn vị tất đã làm cho núng chí được mà đến ngay sự phú quý vinh hoa vị tất đã làm cho động lòng được.
ở trong cái đời nhục thể này, đã bao kẻ, hễ hơi có một sự gì buồn - vị tất đã đáng buồn - thì mặt nhăn mày nhó, mà hơi có một sự gì vui - vị tất đã đáng vui - thì hí ha hí hởn. Những kẻ đó đều là thiếu can đảm thiếu nghị lực cả. Cuộc đời đã là một cuộc phấn đấu mà cái công lệ thiên nhiên đã phải tiến lên mãi thì cơ tồn vong, sự thành bại chẳng qua là những bài học của Hóa Công, hà cớ gì mà phải quan tâm; cuộc đời đã là một trường huyết chiến thì dẫu khóc than cũng chẳng ích gì, âu là ta cứ gia công rèn luyện cái bản ngã của ta cho ngày một cứng cáp, nên chăng thì ta biết với ta, thế chẳng cũng là quá đầy đủ rồi sao?
Hoàng Cương vừa nhìn bức thư vừa ngẫm nghĩ... Cái cảnh tượng tan tành ngày nay đã bắt ký ức của chàng phải quay đầu lại.
Chàng hồi tưởng lại xưa kia, chàng chỉ đem một bầu nhiệt huyết, một tấm lòng kiên nhẫn rời bỏ quê cha đất tổ là xứ Bắc Kỳ tốt tươi kia mà vào xứ Cao Mên nóng nực này. Nếu nhất đán có phải giở về chốn cũ thì cũng vẫn một bầu nhiệt huyết ấy, một tấm lòng kiên nhẫn ấy, nào có thiệt gì đâu, chẳng qua tay trắng mà đi thì lại tay trắng mà về. Chàng ngẫm nghĩ đến đấy xoa tay rồi vùng cười xòa.
Tiếng cười chua chát, cay độc, tiếng cười lạnh gáy, ghê mình khiến cho Bella Như Nhang nghe tiếng mà phải giật mình, tờ báo đương cầm ở tay bỗng rời ra: những khách xem sách ở trong phòng đều phải sửng sốt quay đầu nhìn chàng. Tiếng cười kia có khác chi lưỡi dao cực sắc nó đã đâm toang cái màn yên tĩnh che phủ phòng xem sách nhà khách sạn Angkor les Ruines lúc bấy giờ.
Hoàng Cương biết mình sơ ý bèn bỏ chỗ ngồi đứng dậy ra hiên.
Đêm ấy là đêm rằm.
Trên vòm trời trắng toát, gương nga đưa đẩy, tỏa xuống dưới trần muôn nghìn đạo hào quang, khi mờ khi tỏ, bao phủ những đỉnh lâu đài cao chót vót, rải rác khắp chốn danh lam thắng tích này. Cây si cổ thụ mấy người ôm ở đằng trước khách sạn kia (mà có lẽ cũng là ở trước chùa Angkorwat nữa vì chùa với khách sạn đối diện nhau) nó rườm rà, tha thướt, lù lù như một bức Vạn lý tràng thành đắp ngược chặn lấp phía trời Tây không cho chàng thấy các đỉnh lâu đài điện Angkorthom và các đỉnh chùa tản mác ở phía ấy.
Không biết vì lẽ gì nhà Viễn Đông Bác Cổ chủ trương trông coi những di tích Đế Thiên Đế Thích (Ruines d Angkor) lại cấm không cho khách sạn làm nhà gác. Giả thử có một nhà lầu cao ngất thì ta đứng lên đấy, tầm con mắt có thể bao quát được hết cái đai cương của các đống đá đổ nát mà người ta gọi là những kiến trúc vĩ đại của nền văn minh ấn Độ kia. Các di tích ấy rải rác khắp trong một khu vực hơn mười cây số vuông.
Tiếng cắc kè kêu ở các kẽ hộc (có thể gọi xứ Cao Mên là xứ cắc kè được vì đi đến đâu cũng chỉ nghe tiếng cắc kè) hòa lẫn với tiếng cây reo, họa nên những khúc nhạc rất khắc khoải, rất thê thảm riêng cho xứ Cao Mên.
Bóng giăng vằng vặc chiếu xuống, một cảnh bí mật êm đềm như giục lòng khách...
Hoàng Cương lần theo bóng giăng, vừa đi vừa ngắm cảnh...
Suốt một góc trời Tây, lố nhố những đỉnh lâu đài cao vòi vọi, đột khởi ở trong đám rừng cây cối đen xì...
Cái trạng thái ấy đã gây cho vùng Đế Thiên Đế Thích một cảnh tượng hùng vĩ lạ thường.
Nếu ta muốn tưởng tượng cái hùng vĩ của nó thì tất cả nhà cửa thành phố Hà Nội đem dỡ ra, chất thành một đống gạch, mới gọi phác ra được đôi ba phần. Nhưng cách kiến trúc kia còn có vẻ mỹ thuật, lộng lẫy biết là bao, mà những di tích ấy lại chen chúc vào trong những rừng cây bát ngát thì còn có vẻ mỹ quan hơn nhiều.
Hoàng Cương noi theo một con đường thật rộng, lát toàn những tấm đá to bằng cái mặt bàn, qua mấy dẫy hành lang, trèo mấy lần thềm đá, mới lên đến chỗ chính điện cao nhất chùa Angkorwat.
Chùa này làm toàn bằng đá, nóc đá, vách đá, cột đá, chạm trổ rất cầu kỳ. Hoàng Cương đứng ở đấy nhìn khách sạn Angkor les Ruines thấp lẹt đẹt nhỏ tí tẹo, đối với chùa này chỉ như một chiếc thuyền nan đứng cạnh một chiếc tầu bể to lớn vậy. Nhưng trong nhà khách sạn đèn thắp sáng choang, nó biểu hiệu cho sinh hoạt mà chùa này thì bốn bề tường đá im lặng như tờ, nó bảo cho khách biết rằng: cái di tích hùng vĩ này chỉ còn là một nơi hoang phế mặc cho gió dập mưa vùi. Bóng nga phản chiếu, bao la sắc đá trắng nhạt một mầu, trong cái cảnh hùng vĩ lạnh lùng ấy như hiện ra một vẻ thê lương thảm đạm khiến cho lòng khách giang hồ phải ngậm ngùi về nỗi "sao dời, vật đổi" luống lại ngao ngán cho thân thế nổi chìm.
Này Angkorwat, nọ Angkorthom cùng bao nhiêu lâu đài, bao nhiêu chùa, miếu xưa kia lộng lẫy, nguy nga biết là bao mà nay chỉ còn là những đống đá xanh ngổn ngang chồng chất!
Đế Thiên Đế Thích xưa kia cổ nhân đã tốn bao công phu, trải bao thế kỷ mới xây đắp nên ngươi, nay ngươi chỉ còn là một vật kỳ quan bí mật nó khêu gợi tấm lòng tò mò của khách năm châu.
Song những du tử đến đây, chẳng biết có hiểu thấu cho rằng mỗi một hòn đá này là một mạng người, mỗi một giọt nước ở hồ kia là một giọt máu đào không???
Chẳng biết khách có biết cho rằng chốn này xưa cũng là một đế đô phồn thịnh của một dân tộc, chốn này xưa kia đã nung đúc nên biết bao nhiêu bực anh hùng cái thế làm vẻ vang cho giống cho nòi, chốn này xưa kia đã trải qua một thời kỳ khói hương sầm uất, ngày nay chỉ còn lạnh ngắt như tờ không?
Bao nhiêu thảm trạng tranh quyền cướp nước, bao nhiêu "ân ái éo le" đã làm cho chìm đắm biết bao nhiêu trượng phu hào kiệt, thục nữ thuyền quyên, mà ngày nay... ngày nay thì dẫu đến nắm xương tàn ta cũng không còn trông thấy nữa!!!
Đế Thiên, Đế Thích, ngươi là một nguồn học vô tận cho nhà khảo cổ, một mối tiêu sầu thú vị cho khách năm châu, nhưng đối với ta, ngươi chỉ là cái tang chứng hiển nhiên của cuộc đời dâu bể, ngươi chỉ là một mối não nùng ai oán cho cảnh phù du.
Hoàng Cương nghĩ đến đấy muốn hét lên một tiếng: "Ai ngờ"? Ai ngờ đâu những công trình lao khổ của mấy mươi triệu con người trong bao nhiêu thế kỷ, những chí khí vĩ đại oanh liệt của bao nhiêu bực anh hùng, ngày nay chỉ còn là một đống đá rêu!!!
"Hữu hình tất hữu hoại", ngán thay! Cái thời gian vô tình kia đã xây đắp nên thì cái thời gian cay nghiệt kia lại đạp đổ đi, thế thì đời người thấm thoát, trăm năm nào có ra gì!!!
Ôi! Gương kim cổ rành rành ra đó, khách phù du sao cho khỏi ngậm ngùi!
Hoàng Cương hồi tưởng lại xưa kia lúc còn măng sữa, cha yêu mẹ quý, sung sướng biết là bao, nhưng chẳng may thông huyên sớm vội lánh trần, tấm thân "tầm gửi" nhờ người, đã phải chịu bao nhiêu chiều cay đắng. Gặp đến lúc, thân đã lớn, trí đã thành, những tưởng đem một bầu nhiệt khí chống chọi với ông xanh già để chiếm lấy một ghế ngồi trong vũ trụ, cái chí nguyện bình sinh tưởng chừng như vượt qua muôn trùng sóng gió, giầy đạp chông gai mà bước lên, chứ có ngờ đâu đến cái quang cảnh ngày nay!
Chàng lại hồi tưởng khi mười tám tuổi đầu, lìa phần mộ, lìa quê hương mà đến xứ này; nào khi doanh nghiệp bôn ba, cái thân thế tang bồng nay đây mai đó, khi Vọng Các (Bangkok), khi Sài Gòn; nào lúc trèo đèo lặn suối, mặt phong trần đã bao phen giãi gió dầm mưa, nay núi Đậu, mai Biển Hồ. Dẫu cực khổ mà chí chẳng chùn, gian nan mà lòng chẳng đổi, bao nhiêu năm giời thân cò lặn lội, mới gây được một cái cơ nghiệp cỏn con, ngày nay bỗng bị ngọn trào "kinh tế" nó cuốn hút ra tận bể khơi, tan tành man mác còn có gì đâu!
Chàng càng ngẫm nghĩ lại càng chán nản cho đời, ái ngại cho thân, nhưng trông thấy những đống đá lù lù trước mặt, nó như nhắc nhở lại cuộc tang thương, nó như vẻ mỉm cười chế nhạo mà bảo rằng:
" - Sao anh không trông tôi đây?"
Phải, bể dâu dù biến đổi, đá kia vẫn đứng trơ trơ:
Gan lì, già sọc có non gì mà sợ cóc chi ai.
Chàng bùi ngùi cho cảnh vật, xót xa cho thân thế, luống lại chạnh niềm nhớ tới người xưa. ừ mà, tướng quân Marius khi xưa đã bao phen đạp xương tắm máu, xông pha trong bãi chiến trường, lập nên những đại kỳ công làm vẻ vang cho xứ La Mã (Romé). Đã bao phen nắm cái uy quyền "trấn quốc" ở trong tay, thế mà khi tám mươi tuổi, tóc đã bạc, lưng đã còng, chân đã mỏi còn phải lênh đênh cơ khổ lẩn lút xứ người. Tuy vậy mà chí chẳng chùn, gan chẳng núng, sau lại khôi phục được cơ đồ nghiêng ngửa. Cổ nhân thì mãnh liệt hùng dũng như kia, sao mình lại yếu đuối hèn nhát thế này. Nghĩ đến đấy, Hoàng Cương đã thấy phấn khởi trong lòng, dận mạnh gót chân xuống đá mà nói to lên rằng:
- Cho người về bảo chủ ngươi: có thấy Marius Tướng quân ngồi trên di tích đổ nát thành Carthage.
Chàng nói vừa dứt lời thì nghe có tiếng người hỏi:
- Thầy Hai nói chi mà coi bộ giận dữ vậy?
Rồi một cái bóng xanh xanh, trắng trắng, thướt tha, phảng phất như một cái hồn ma mới chui ở dưới đá lên, mà hiện ra trước mặt. Hoàng Cương định thần nhìn kỹ thì là Bella Như Nhang. Chàng đương bàng hoàng chưa kịp giả lời thì nàng lại hỏi:
- Có phải thầy Hai đến thăm Đế Thiên Đế Thích này cũng có một mối cảm tưởng như Marius Tướng quân, hồi trốn tránh đến thành Carthage không?
- Thưa cô, tôi đâu dám ví mình với cổ nhân.
- Cổ nhân thì cũng là mình chứ ai, cũng gan ấy, cũng óc ấy, cũng cùng phải chịu một cái cảnh tình ấy, thì cũng cùng phải đeo một mối cảm hoài ấy, có khác gì đâu. Phải, Marius Tướng quân xưa kia, tỉ cái thân thế mình khi oanh liệt cũng như thành Carthage lúc cường thịnh, mà lúc thân thế gian nan, cũng như thành Carthage khi đổ nát. Tướng quân cám cảnh chạnh lòng mà phát lộ ra nhời ấy. Nhưng sau khi Marius Tướng quân lại hiển hách trở về thành La Mã chẳng biết còn có nghĩ gì thương đến thành Carthage đổ nát kia không?
- Thưa cô, người là người, vật là vật, sức người há chống chọi được với búa giời ru? Thánh Carthage kia cùng chùa Đế Thiên Đế Thích này há chẳng là phải chịu chung cái công lệ thiên nhiên mà đào thải theo thời gian sao? Cơ trời đã dĩ nhiên như thế, thì ta dù có thương xót chẳng qua cũng là thương xót cho cái thân thể phù du, chứ đã tắm bụi trần ở trên mặt đất, há canh cải được những quy tắc thần bí của Hóa công sao?
Nguyên Bella Như Nhang từ khi Hoàng Cương bỏ phòng sách ra ngoài hiên, nàng tò mò muốn biết con người kỳ lạ ấy bèn theo ra định bụng lân la làm quen hỏi chuyện. Nhưng khi ra đến nơi, đã không thấy chàng đâu. Nàng vừa muốn quay về phòng ngủ thì vừng giăng sán lạn, cảnh vật thanh u như gợi ra trong lòng nàng một mối cảm hoài vô hạn, nàng bèn lần theo bóng giăng mà đi... cũng ngẫu nhiên mà vào Angkorwat, cũng ngẫu nhiên mà được nghe câu nói, song nàng đã định bụng im đi, nhưng không biết một cái sức mạnh thần bí gì nó buộc nàng phải hỏi.
Hai người vừa đi vừa nói chuyện, phút chốc đã ra khỏi mấy lần cung điện.
Gió thổi... những lá cây dừa cao chót vót ngất nghểu ở trước sân chạm nhau kêu sột soạt; những tiếng dế cùng những tiếng của bao nhiêu con vật vô hình nó ẩn nấp ở dưới đất pha lẫn với nhau mà nổi lên một thứ âm hưởng bi ai thảm khốc như tiếng khóc than rền rĩ của hồn ma, bóng quỷ phảng phất ở đâu đây. Những bông hoa rừng chen chúc ở trong kẽ đá xông ra mùi hương ngào ngạt. Mùi đá, mùi rêu, mùi đất, mùi cây hòa lẫn với nhau tỏa ra bầu giời một thứ hương lạ lùng "khác tục"; luồng gió mát mẻ thơm tho như cuốn cuộn hai người vào một cõi bồng lai tĩnh mịch; gương nga chênh chếch như bao bọc hai người vào trong vòng hào quang ấm áp...
Cái vẻ mặn mà khả ái của cảnh vật như giời chỉ dành phần riêng cho khách giang hồ du tử.
Bước xuống đến thềm, Bella Như Nhang lại hỏi:
- Thày Hai ôi, đã biết đạo giời là như thế mà sao người ta vẫn cứ thi nhau sáng tạo, xây đắp nên những "cái" mà đã biết chắc sau này sẽ phải tan tành, mà đã biết thế sao còn lăn lóc sống chết vì danh lợi là những cái "hư vô" nhỉ?
- Người ta lúc mới sinh ra đã biết chắc rồi sẽ phải chết, sao mà vẫn phải sống, mà cho dẫu đến phút cuối cùng vẫn chứa chan những hy vọng về sự sống. Giả dụ ông Hóa công khắt khe kia, lúc sinh ra người, lại in ngay cái "tử kỳ" vào mặt thì cõi đất sẽ không phải là cõi đất ngày nay nữa. Thế giới ngày nay sở dĩ là thế giới ngày nay là vì con người ta, ai cũng có một "vũ trụ hi vọng" ở trong lòng. Đã đeo nặng cái hi vọng ấy, lẽ tất nhiên là phải lo hành động cho đạt những điều sở nguyện. Chẳng qua phép giời là phải "động" luôn. Kìa, cố trông cái tinh tú trên giời, có lúc nào ngừng không? Nếu ngừng lại thì cái thế giới này sẽ phải diệt vong vậy. Tuy rằng "động" luôn như thế mà vẫn phải theo một cái khuôn phép, nghìn muôn năm cũng thế mà thôi. Ví dụ nếu các tinh tú mà "động" ra ngoài khuôn phép, thì vị nọ thế tất nhiên sẽ đụng phải vị kia, mà đụng nhau thì... Nói đến đấy, hai người nhìn nhau cả cười.
Gương nga vẫn vằng vặc sáng tỏ một góc giời...
Bella Như Nhang lại nói:
- Nghe thầy nói, như được nghe những nhời bàn xác đáng của một nhà triết lý. Còn tôi thì vừa ngu, lại vừa ít học, thành thử tuy là có óc mà cũng như không.
- Cô đã đọc qua sách của Plutarque tiên sinh thì sao gọi là ít học được. Cô đọc đến "Đời Marius Tướng quân" mà có còn nhớ câu châm ngôn kia, chắc là lúc đọc đến đoạn ấy, cô cũng xúc cảm mà để tâm suy xét, đã thế sao gọi là ngu được?
- Thầy Hai, cứ nói tốt cho tôi làm gì? Chẳng qua đọc thì nhớ lõm bõm đó mà thôi, chẳng qua như nước mặt hồ kia, bóng giăng chiếu xuống thấy mình sáng thì biết rằng mình sáng đấy thôi, chứ nào có biết tại làm sao mà mình sáng đâu?
Nàng vừa nói vừa chỉ tay xuống mặt hồ...
Một làn nước bạc trắng phau, phẳng lờ như một tấm thảm. Lâu lâu, một luồng gió thoảng qua làm cho mặt nước lăn tăn biến hóa ra muôn nghìn con rắn trắng đuổi nhau trên mặt sóng... Dưới đáy nước, một vừng giăng trắng xóa như một cái đĩa bạc...
Nhìn bức tranh tuyệt xảo của Hóa công; đứng trước một cảnh tượng nên thơ của Tạo vật, chạm trán với một vấn đề huyền bí của vũ trụ, hai người bỗng xúc cảm mà đem lòng nghĩ ngợi...
Trầm ngâm một lát lâu, Bella Như Nhang mới hỏi chàng:
- Tại sao giời lại sinh ra mặt giăng nhỉ? ừ thì giời sinh ra mặt giời đã đành rằng để cho người ta được sáng sủa làm lụng để nuôi sống, cho cây cỏ hấp thu lấy khí ấm áp mà sinh chồi nẩy lộc. ừ thì giời sinh ra ban đêm để nghỉ ngơi, để di dưỡng lấy sức khỏe, lấy tinh thần. Nhưng đã ngủ thì thôi chứ. Cớ chi giời lại sinh ra giăng rằm nhỉ? Sao lại sinh ra cái hiện tượng nửa tỏ, nửa mờ thế; mà sao những cảnh tượng đêm giăng lại êm đềm, đẹp đẽ thế này?
Hoàng Cương nghe nàng nói mà bàng hoàng, không ngờ một người con gái lại có cái kỳ tưởng suy xét đến thế, đeo một mối cảm tình nồng nàn đến thế. Câu hỏi khó giả nhời thay! Chàng tự xét cũng không biết Hóa công đã sinh ra đêm giăng để làm gì?
Hai người vừa đi vừa ngẫm nghĩ, nặng trĩu một tấm lòng thơ, thì vừa lúc ấy, ở trên con đường đá trắng xóa kia, hai vợ chồng người quản lý nhà khách sạn đang dắt nhau vừa đi vừa cười về phía cổng chùa, hình như ông Hóa công sai đem câu giả nhời có sinh hoạt đến cho hai người, hình như ông Hóa công muốn đem gói ghém cặp vợ chồng kia vào trong tấm màn "băng" để cho cái khí vị nồng nàn, ấm áp của ái tình nó khỏi tan đi vậy.
Bella Như Nhang trông thấy thế, nhìn Hoàng Cương mà sửng sốt, mà bối rối nhưng chàng vẫn bình tĩnh như thường. Hai người lững thững giở về, khi chàng từ giã nàng để về phòng ngủ, nàng còn dặn với:
- Tôi nghe nói thầy ở Cao Mên lâu năm, thầy lên đây vãn cảnh luôn, thông thuộc vùng này lắm, vậy sớm mai thầy làm ơn đưa tôi đi xem và giảng cho tôi nghe nhé.
Bella Như Nhang về buồng trằn trọc không sao ngủ được, những cảm tưởng hồi vừa qua bắt thần trí nàng phải suy nghĩ...
Nàng nghĩ đến biết bao kẻ nam nhi xưa kia chỉ một cái liếc mắt, một cái mỉm cười của nàng cũng đủ làm cho bó tay chịu trói mà sao cái anh chàng gặp gỡ này lại gan lỳ thế được? Nàng lại nghĩ đến những di tích nàng đã xem qua, xưa kia, lộng lẫy biết bao, mà nay chỉ còn là một đống đá. Thế thì cuộc phú quý vinh hoa ở trên đời này phỏng có ra gì! Nàng lại nghĩ bấy lâu nay nàng nằm trên đống tiền, nàng đã được hưởng những lạc thú gì? Một vành lược bạc, gẫy tan nhịp gõ, một mảnh hồng quần hoen ố rượu rơi, thì dấn mình vào cõi yên hoa chẳng qua là: "Gặp thời thế thế thì phải thế" chứ đồng bạc trắng kia nào đã đem lại cho khách má đào được một chút "chân lạc thú" nào đâu! Nghĩ đến đấy, nàng thấy trong mình lạnh lùng, trống trải hình như thiếu thốn một "thứ" gì. Các nhà tiểu thuyết thường nói: "ân ái là nguồn lạc thú mà chốn gia đình là cõi tiểu thần tiên". Nhưng nhìn quanh mình thì thấy trái hẳn. Biết bao nhiêu bạn gái đã phải chịu trăm chiều cay đắng về nỗi chồng con. Nàng đã biết thế mà chính thân mình khi đào còn tơ, liễu còn yếu cũng đã qua cầu ấy, nên từ bấy đến nay, nàng vẫn giữ mình, chẳng để cho vương víu. Còn như nói ân ái là nguồn lạc thú thì đấy, những kẻ bấy lâu nay lăn lóc sống chết vì nàng chẳng là cái gương phản trái lại ư ? Nào đã thấy ai tìm được một chút hạnh phúc gì đâu? Hay chỉ mua lấy cái vạ: nghiệp đổ nhà tan. Nàng ngẫm nghĩ đến đây rồi lại tự hỏi: nhưng ngoài chốn gia đình, ngoài sự ân ái ra thì trong đời người đàn bà còn có việc gì đáng để tâm nữa không? Nghĩ đến đấy, nàng sửng sốt, bàng hoàng toát mồ hôi...
Ngoài những "cái" ấy ra thì đều là "hư vô", đều là mộng, đều là "không không" cả. Thế ra từ bấy đến nay nàng đã lăn lóc về những cái "hư vô", nên sắc có mà hình không! Nàng lại thấy một tiếng gọi ở trong bể lòng nó đột khởi lên, rồi muôn vật hình như bảo nàng phải "yêu" để sống, phải "yêu" để cầu lấy chân lý sự sống, rồi nàng thấy một cái buồn rầu vô hạn nó bao la ở trong cái lạc thú vô hạn hiển hiện ra bởi cái ái tình vô hạn...
Ngọn đèn điện le lói... Nàng nhìn xuống chiếc nhẫn kim cương, chiếc vòng kim cương lóng lánh như sao mà nàng buồn, mà nàng giận, mà nàng mắng:
"Cái ánh sáng khốn nạn của bay đã làm cho ta lóe mắt mà đi sai đường lạc lối, bay có biết không?"
Rồi nàng nhìn qua cửa sổ, những đỉnh chùa Angkorwat như chỉ rõ cho nàng biết cái "hư vô" của nhục thể, rồi nàng nghĩ: ừ, đã đành rằng ngoài nguồn tình ái, thì ở đời "sắc, ưởng" đều không cả, ừ đã đành rằng bể tình là bể khổ mà ta vẫn phải dấn mình vào mới tìm thấy sự lạc thú, nhưng ta biết yêu ai bây giờ? Ta tìm đâu cho thấy một người đáng yêu để... Nghĩ đến đây thì hình ảnh của Hoàng Cương như hiển hiện ra ở trong thần trí nàng; một nguồn sinh hoạt mới mẻ thơm tho như theo cái hình ảnh kia đến mà nhập vào thân thể nàng vậy. Rồi, nàng phải tự nhận rằng nàng đã yêu Hoàng Cương, nàng yêu thực, nàng yêu lắm. Có lẽ nàng đã bị "một tiếng sét của ái tình" nó đánh phải, nhưng một tiếng sét mới êm đềm thú vị làm sao!
Trong một đời người, mà chưa có một tiếng sét ấy, chưa đủ gọi là một đời người vậy.
ái tình! ái tình! Nó có phép thần thông rất quảng đại, thuật biến hóa rất nhiệm mầu. Nó làm cho kẻ dại nên khôn, kẻ ngu nên trí, nó khiến cho kẻ đại gian đại ác thành ra đại nhân đại nghĩa. Nó bắt ta phải lo sợ, buồn rầu, nhưng lo mà vẫn vui, buồn mà vẫn thú.
Nó tức là ngọn thần đăng soi sáng cho ta trong bước đường đời tối tăm này vậy.
Bella Như Nhang nghĩ đến Hoàng Cương thì nàng thấy nàng "sống" một cảnh đời mà xưa nay nàng chưa từng "sống", nàng thấy một cái ánh sáng hi vọng nó đột khởi lên. Nhưng nàng lại lo:
"Không biết cái anh chàng mặt sắt lạnh lùng kia có lòng yêu đến ta chăng? Không biết...?
Nàng ôn lại trong trí nàng những cách cử chỉ của Hoàng Cương mà nàng phải áy náy. Nhưng áy náy cũng là áy náy vậy thôi, chứ nó cũng không sao làm cho bế tắc được nguồn lạc thú bồng bột ở trong lòng nàng lúc bấy giờ.
Nàng trông bó hoa hồng đang phô thắm ở trên mặt bàn như có vẻ ghen tị sự sung sướng của nàng, nhưng quay lưng lại nhìn đến chiếc giường lò xo rộng rãi, chiếc gối trơ trọi lại ra chiều mai mỉa.
Rồi, không biết... không biết tại làm sao nàng bỗng bưng mắt khóc.
Từ xưa đến nay, bao kẻ chết vì nàng, nàng không khóc, bao kẻ điêu đứng vì nàng, nàng không khóc, ngày nay nàng đi khóc một cái vô hình... Mà con người đá ấy đã phải khóc, ắt sự chẳng vừa. Nàng nghĩ đến tấm thân ngọc ngà đem ra làm mồi thơm cho ong bướm, làm cái cạm để bẫy tiền mà nàng tự mình lại "ghê tởm" cho cái thân mình. Ôi! Ví dụ Hoàng Cương yêu ta thì ta chỉ đem hiến cho người yêu một tấm thân hoa tàn nhị rữa này, thì nhục nhằn biết là bao! Nhưng trái tim nóng nó đập thình thịch ở trong ngực nàng hình như nhắc nhở cho nàng biết: ta đây mới là vật đáng kể, còn những bộ phận khác đều là những cái bỏ đi. Ta đây thì dẫu bể dâu biến đổi cũng vẫn trơ như đá, vững như đồng, chứ những "cái" kia có chống chọi được với thời gian cay nghiệt đâu. Nghĩ đến đấy nàng lại tự nhủ nàng:
- Biết đâu Hoàng Cương chẳng cũng nghĩ như thế.
Sáng mai, nàng dậy thật sớm, ra công trang điểm cho thiệt đẹp. Nàng đã đẹp lại muốn đẹp thêm, đẹp nữa, để cho ai phải để ý đến. Trong cái rương áo của nàng thôi có thiếu gì mà nàng chọn mãi chẳng được cái nào vừa ý, sau mãi nàng mới mặc tạm cái áo nhiễu trắng.
Nàng nhìn vào gương đứng thấy hiển hiện ra một cô thiếu nữ lộng lẫy như ngọc, trắng trẻo như ngà mà nàng tự nghĩ: "Nếu về đất Sài Gòn ta chỉ hô lên một tiếng, còn biết bao nhiêu kẻ sẵn lòng chết vì ta, nhưng chẳng biết cái anh chàng họ Hoàng kia có để ý gì đến cái đẹp của ta không?"
Nàng đến phòng ăn thì còn sớm lắm, chưa ai đến. Nàng bảo bồi dọn chung, để nàng cùng ngồi ăn điểm tâm một bàn với Hoàng Cương. Nàng lại cho thu xếp đồ ăn để nàng đem đi ăn buổi trưa vì nàng định đi chơi đến chiều mới về.
Nàng ngồi chờ mãi, đến hơn bẩy giờ, Hoàng Cương mới đến, tay cầm cái ống nhòm. Nàng liền vồn vã hỏi:
- Sao thầy Hai ngủ trưa dữ thế, đem ống nhòm đi để làm gì?
- Không, tôi dậy đã lâu, nhưng tưởng cũng như mọi ngày cô dậy trưa, nên còn ngồi xem sách mãi, ("à thế ra từ trước đến nay, chàng cũng vẫn để ý đến ta", nàng nghĩ mà mừng thầm). Hôm nay, tôi định đưa cô lên trên lăng ở đỉnh núi Phnompakhean, đứng đấy có thể trông thấy rõ Biển Hồ mà nếu dùng ống nhòm thì lại càng tỏ ra lắm.
Cái xe hòm rộng rãi êm ái đã chờ ở cửa. Mọi ngày nàng đi chơi đâu vẫn cầm lái lấy, nhưng hôm nay nàng thấy tinh thần dường như vơ vẩn, không chú ý được, sợ có điều bất trắc, bèn sai tài xế cầm.
Lúc ra đến xe, Hoàng Cương vừa định trèo lên ngồi đằng trước với bác tài thì nàng vội nắm áo mà bảo rằng:
- Thầy Hai ngồi dưới này nói chuyện với tôi cho vui. Một người như thầy mà còn e lệ những điều tiểu tiết ấy sao?
- Đối với tôi thì có hề gì, nhưng sợ có điều bất tiện cho cô.
- Bất tiện gì, tôi thân cô, thế cô, một mình trơ trọi ở trên đời này, thầy tính còn ai để tâm gì đến mình mà hòng...
Nàng vừa nói, vừa để ý nhìn Hoàng Cương xem chàng có ái ngại cho thân thế nàng không, nhưng bộ mặt gân guốc già cằn kia vẫn lạnh lùng như tuyết, nàng thấy thế mà buồn.
Lăng Phnompakhean ở trên một ngọn đồi cao, cách khách sạn độ gần một cây số. Vụt chốc xe đã đến nơi. Đường lên rất dốc, thật khó đi, nàng vừa đi, vừa thở hổn hển, lắm lúc giả đò như muốn ngã, xem anh chàng kia có lại gần đỡ cho nàng không, nhưng anh chàng cứ khom khom rảo bước chẳng để ý gì đến. Nàng thấy thế mà thất vọng, nhưng lại tự nghĩ:
- "ở đời có chí thì nên; dẫu sự tình ái cũng phải có công phu mới có kết quả được, ta đã vội gì mà nản lòng"
Xứ Cao Mên, tuy về đêm mát mẻ, nhưng ban ngày thì nóng bức lắm. Vì mưa luôn, đất ướt, đường lại trơn, trèo lên là vất vả, Bella Như Nhang lên đến đỉnh, đã mệt thở không ra hơi, mồ hôi ra ướt đầm cả áo. Nàng phải ngồi nghỉ ở trên tảng đá "Vết chân Bụt." Vết chân Bụt này rộng độ hơn một cái nong. Dưới bàn chân, có thích chữ Cao Mên. Hoàng Cương chăm chú đọc. Bella Như Nhang thấy thế bèn hỏi:
- Thấy Hai cũng biết chữ Cao Mên à?
- Có, tôi làm đồn điền, thường hay giao thiệp với người Cao Mên, cũng phải biết.
- Sao tôi nghe người ta nói thầy là người buôn bán?
- Có, ngoài vụ kia thì tôi đi buôn.
- Tôi đi qua Nam Vang (Phnompenh), Gò Sật (Pursat), Dũng Sa Nang (Kompong chnang) thấy các người buôn bán toàn là các Chú cả.
- Thế thầy giao thiệp với họ, thầy có biết tiếng họ không?
- Tôi cũng có biết, người Bắc Kỳ tôi, lúc nhỏ thường ai cũng học chữ Hán, nên học tiếng Khách cũng dễ.
- Thầy biết nhiều thứ tiếng cũng thú nhỉ?
- Thú gì? Tôi chỉ vì biết lắm thứ tiếng mà suýt nữa mất mạng đấy.
Hoàng Cương nói xong biết mình lỡ lời, vội im đi, nhưng Bella Như Nhang cứ gặng hỏi đầu đuôi mãi, thành thử chàng không muốn nói mà phải nói:
- Đầu đuôi có gì đâu! Một hôm tôi có việc đến nhà một người bạn ở một xứ đồng rừng kia. Vì mưa không về được, y rủ tôi đến nhà Bang trưởng đánh mã chược. Cái nghề đánh bạc, cô tính ai lại muốn thua bao giờ, tôi ngồi đánh đầu cánh trên lão Bang, đánh "đì" dữ lắm. Lão ta không ù được. Lão ta tức. Gia dĩ các Chú ở xứ này giao thiệp với người ngoài thường hay dùng tiếng Cao Mên, nên lão ta cũng không biết tôi nói được tiếng Khách. Lão ta nói nhiều câu thô bỉ lắm, tôi vẫn làm lơ như không biết, nhưng sau lão ta nói đến câu "ố nàm chày sẩy lửa" (An Nam tử khốn nạn), không đừng được, tôi bèn vùng dậy, nắm cổ lão ta mà hỏi:
- Anh thử đứng với tôi, coi ai nhớn hơn? Sao anh khinh người thế, anh có biết Nhật Bản nó gọi anh là giống gì không?
Lão ta tưởng tôi đánh lão, kêu cứu ầm ỹ, một lũ đầy tớ lão xông ra đánh tôi. Cùng thì phải tính, tôi liền thuận chân đạp lão ta ngã chúi xuống và nhấc cái ghế ngồi, đánh lung tung. Nhưng "mãnh hổ bất như quần hồ" tôi vừa đánh, vừa đỡ, vừa lui. Lùi ra đến cửa, cửa khóa! Đã tưởng mình phải chết thì vừa may, mấy đứa đầy tớ Cao Mên đi theo tôi ở nhà bên cạnh, thấy tiếng ồn ào, liền chạy sang phá cửa, xông vào cứu được tôi ra. Từ đấy, tôi thề không học thêm thứ tiếng nào nữa.
Bella Như Nhang nghe chàng kể chuyện đến chỗ nguy hiểm, lòng nàng bồn chồn lo sợ thay cho chàng tưởng chừng như nàng đang mục kích tấn kịch kia vậy. Lúc chàng nói dứt, nàng mới hỏi:
- Thế thầy có bị vít (thương tích) nào không?
- Có, cái sẹo ở trên đầu này là một cái tang chứng nguy hiểm cho những người biết lắm thứ tiếng đây.
Hoàng Cương hồi tưởng đến việc ấy cũng tủm tỉm cười, nhưng Bella Như Nhang thì mặt có vẻ ái ngại, rồi bỗng nhiên nàng đứng dậy, chạy lại, chẳng nói năng gì lật mũ chàng ra xem. Thấy cái sẹo to tướng nó rành rành ra đó, nàng rươm rướm nước mắt, rồi nàng lấy tay vuốt mái tóc chàng. Lúc bấy giờ nàng mới biết sự lạc thú của cái khóc, nàng thấy trong mình khoan khoái như một người mẹ vuốt mái tóc đứa con cưng bị ngã mà lại có vẻ mặn nồng hơn; như một người yêu vuốt mái tóc của người yêu vậy.
Hoàng Cương thấy nàng cử chỉ sỗ sàng thế, có vẻ bất bình. Chàng có biết đâu cách cử chỉ mà bề ngoài chàng cho là sỗ sàng ấy có ẩn một mối tình yêu vô hạn ở trong.
Bella Như Nhang dường như biết ý bèn nói chữa:
- Tôi vừa muốn học tiếng Cao Mên nhưng ngày nay tôi cũng theo thầy mà không học một thứ tiếng gì nữa. Thầy bảo đứng dậy trông thấy Biển Hồ, nào có thấy đâu?
- Muốn thấy thì phải trèo lên gác sân ở đỉnh lăng kia chứ.

HOMECHAT
1 | 1 | 226
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com