Hạ đã tưởng mình giữ được danh tiết đến trọn đời. Bà con hàng phố thường lấy Hạ làm tấm gương răn dạy con cháu. Nào ngờ... Từ khi vướng vào anh ấy, Hạ không dám ngẩng mặt nhìn ai. Vợ chồng nhà Toàn không khiến Hạ đưa, đón con nó nữa. Người hàng phố thường tránh Hạ. Hạ thấy ê chề quá. Nhiều lần Hạ đuổi anh ấy về. Hạ van xin anh ấy đừng đến nhà Hạ nữa. Hạ ập tới nhà tôi như con gió lốc. Mạnh mẽ và quyết liệt. - Mình lấy chồng. Bạn ủng hộ nhé - Hạ thông báo Tôi sững sờ. Hạ bảo: - Bất ngờ lắm à? Tôi gật đầu, xác nhận. - Bất ngờ. Hạ cười tít. Nụ cười của người đàn bà đang ngập tràn hạnh phúc. Mấy chục năm nay, tôi mới gặp nụ cười tươi bưởi, rực rỡ trên gương mặt Hạ. Tuy vậy tôi vẫn hỏi: - Hạ nói thật hay đùa? Hạ cười tươi, da mặt dậy đỏ: - Thật. Tôi vẫn chưa hết nghi ngờ, hỏi: - Hạ đi một mình à? Hạ cười tít: - Đi hai người. - Thế bạn đâu? Xe đâu? - Ở ngoài kia. - Sao không mời anh ấy vào đây. - Anh ấy ngượng. - Ngượng gì. Để mình ra mời anh ấy vậy. - Này, đừng. - Sao vậy? - Chẳng sao cả. Kệ anh ấy. - Anh ấy bao tuổi rồi? - Ngoài sáu mươi. - Là sáu mấy? - Sáu bảy sáu tám gì đấy. - Hơn Hạ gần mười tuổi. - Quãng ấy. Nhưng còn khỏe lắm. - Thế cơ à? Quê anh ấy ở đâu. - Bình Định. - Võ Bình Định là khiếp lắm đấy. Mặt hạ rực đỏ. - Ừ, khiếp lắm - Vợ con anh ấy thế nào? - Chả thế nào cả. Chị ấy người thị xã. Con gái duy nhất nhà tư sản bên phố Ngô Quyền. Anh ấy người miền Nam tập kết. Ở gửi rể. Mấy năm gần đây nhà nước mở cửa, chị ấy mới đổ vàng ra làm nhà và chia cho các con. Chị ấy thật khổ. Cái số không được ở nhà cao, cửa rộng. Nhà làm xong ngày nào, chị ấy lăn ra ốm ngày ấy. Khánh thành nhà buổi sáng, buổi chiều chị ấy bị cấp cứu. Sống luôn trong bệnh viện, đến lúc cái chết đã gần kề, con cái vội đón về nhà được dăm hôm thì đi. Hạ rơm rớm nước mắt. - Thân phận người đàn bà khổ thế. Vàng một đống vẫn thắt lưng buộc bụng, chắt bóp từng xu, từng đồng vì chồng vì con. Làm nhà gần xong thì chia đất, chia nhà, chia vàng cho các con phân minh, sòng phẳng. Nhưng không để lại một chỉ nào cho chồng. - Tại sao thế? - Biết đâu được với nhà người ta. Anh ấy bảo, đó là tài sản thừa kế của chị ấy. Nếu chị ấy không phải con nhà tư sản, chắc chắn chị ấy chả thèm lấy anh ấy. Lúc còn thanh nữ, nhà chị ấy luôn luôn có một tiểu đội đàn ông sếp hàng. Tôi tấm tắc: - Ghê nhỉ? Chắc chị ấy đẹp lắm. - Đẹp. Đẹp nhất thị xã.
Tôi đã ngờ ngợ nhận ra ai. Bởi tôi đã có ba năm học ở trường cấp III thị xã. Tháng tháng xách tương vác gạo đi bộ hai mươi nhăm kilômét từ quê lên thị xã. Chẳng lẽ người đẹp nhất thị xã là Quế Hoa, cũng trạc tuổi tôi và Hạ, cùng học lớp 8B với chúng tôi. Quế Hoa đẹp kiêu sa, lộng lẫy. Tính tình kín đáo, tế nhị. Đi đứng ung dung. Nói năng nhỏ nhẹ. Bạn bè cùng khối 8, các anh ở khối 9, khối 10, rồi cả các thầy giáo trẻ nữa, vo ve quanh Quế Hoa hàng đàn. Học hết năm lớp 8, Quế Hoa biến mất. Không ai rõ Quế Hoa đi đâu. Những năm gần đây, họp trường, họp lớp hàng năm Quế Hoa cũng không có mặt. Và cũng chẳng thấy ai nhắc đến Quế Hoa. Ở thời chúng tôi, con gái đẹp nổi tiếng thị xã chỉ có Quế Hoa.
Tôi hỏi Hạ: - Quế Hoa à? Hạ gật đầu. - Sao Hoa im hơi kín tiếng thế? Hạ nói: - Mình sống ở thị xã, sinh con đẻ cái, nuôi dạy các cháu khôn lớn, mấy chục năm trời ngay bên phố Cửa Hậu mà có giáp mặt nó bao giờ đâu. - Vậy sao biết Quế Hoa? - Thế mới lạ. Quả đất quay vòng. Con người ta có duyên kỳ ngộ thì trước sau rồi vẫn gặp nhau. Chả là khi thân với mình, anh ý cứ tha thiết mời đến nhà chơi. Hơn nữa, mình cũng muốn đến xem gia cảnh anh ấy thế nào. Thường ngày anh ấy đưa đón đứa cháu ngoại đi lớp mẫu giáo. Còn mình đưa đón thằng cu nhà hàng xóm. Vì bọn thằng Hiến, cái Hiền đem hết con cái chúng nó sang Séc rồi. Trong khi đó mình ở nhà chơi mãi cũng buồn. Cô đơn lắm.
Vợ chồng con bé hàng xóm lại bận tối mắt. Chồng nó học cùng với cái Hiền. Nó thấy mình nhàn rỗi nên sang vật nài mình đưa đón con hộ nó. Mình nhìn hoàn cảnh nó cũng thương. Bố mẹ đôi bên sớm khuất núi cả. Chả nhờ cậy được ai. Nên mình nhận lời. Thằng cu con nhà nó lại học cùng lớp với đứa cháu anh ấy. Duyên trời run rủi ông bà đưa đón cháu gặp nhau, trước chào hỏi, sau kiếm đôi ba câu chuyện làm quà. Rồi mời nhau vào quán. Anh ấy tâm sự, vợ anh mất đã đoạn tang. Cải cát rồi.
Hạ bảo, đứng trước bàn thờ vợ anh ấy, Hạ sững người, lạnh toát cả chân tay. Bức ảnh chân dung trên bàn thờ trông quen quá. Một chút khóe môi, một đôi mắt đẹp nhưng sao lạnh lùng, khinh bạc thế. Ảnh chụp thời còn trẻ, chừng mười tám, đôi mươi. Hạ nhận ra ngay Quế Hoa. Hạ hỏi: - Chị ấy không có bức ảnh nào chụp gần đây hở anh? - Bức ảnh này là cuối cùng. Cô ấy rất ghét chụp ảnh - Sao lại thế? - Tính cô ấy thế. May mà bố mẹ cô ấy còn có gian nhà mặt phố, còn tích lũy, giấu giếm được tí ti vàng, buôn bán lặt vặt thêm vại dưa, quả cà đắp đổi qua ngày... - Anh biết gia đình chị ấy tư sản rồi, sao còn lấy? Anh ấy kể: - Anh đã có vợ con trong quê. Ra Bắc không chịu nổi cô quạnh, ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân nên anh quyết tâm lấy vợ. Thấy cô ấy đẹp quá, đoan trang, hiền dịu quá mà anh nào cũng sợ, đến lại đi, thì anh lao vào. Lấy được vợ thì mất chức vụ, chuyển ngành làm công nhân vệ sinh thị xã. Thỉnh thoảng anh ức đời, uống rượu, về nhà dồn cả lời nói, cả cẳng chân, cẳng tay vào cô ấy. Bây giờ nghĩ lại anh rất ân hận. Đời đã dồn đuổi cô ấy phải làm vợ một thằng như anh. Hạ an ủi: - Anh đừng tự giày vò mình nữa. Dẫu sao đã qua một thời, một kiếp người. Hạ hỏi tiếp: - Còn vợ con anh trong quê thế nào? Giọng rầu rầu, anh ấy bảo: - Vợ lấy sĩ quan ngụy. Con đi lính ngụy chết trận ở Đắk Lắc. Anh chỉ còn gia đình ở ngoài này.