Cô Hai Nguyện săm soi mớ dưa giá trắng phau phau trong chiếc thau nhôm. Cọng giá mập mạp thấy thương hết sức! Ðiểm vào đó là những cọng hẹ xanh biếc. Tui có biệt tài nấu bất cứ món rau cải nào cũng giữ được màu xanh. Rau lang luộc, rau cải trời luộc, rau giền, mồng tơi, bồ ngót, cao kỷ nấu canh xanh tươi ngăn ngắt. Còn tui mà xào cải bẹ với thịt gà thì màu cải khi chưa vô chảo chỉ xanh có bảy, đến khi ra dĩa nó xanh tới mười, vừa xanh vừa trong, đẹp dễ sợ! Năm nay cô Hai Nguyện tính ăn Tết tươm tất hơn năm ngoái. Cô đã lựa con cá lóc vừa bự vừa mập để kho chung với thịt bắp đùi, nước kho phải bằng nước dừa xiêm tươi thì cô mới bằng bụng. Có nồi thit cá kho chung đệm trứng luộc để dành ăn với bánh tét hoặc bánh chưng của cô Ký người Bắc thì phải điệu quá rồi, ăn lai rai, ăn hoài hoài tới hạ nêu cũng không ngán. Bánh tét ăn với món kho phải đệm thêm dưa giá, dưa cải hoặc củ kiệu, củ hành ngâm giấm thì mới nổi vị mà không ngán. Bởi vậy cô Hai Nguyện cùng hai đứa con gái lớn, Trang và Hiền, làm đủ thứ dưa. Trang trổ tài làm khéo, mua củ cải trắng, cà rốt, đu đủ xanh để tỉa bông huê, chim bướm trước khi ngâm giấm, coi vừa đẹp lại vừa ngon! Sáng ba mươi tháng chạp ta, cô Hai Nguyện thở một cái phào, khoan khoái hết sức. Nồi cá thịt cùng trứng luộc kho chung đã xong. Cô còn làm thêm nồi giò heo hầm với măng, nồi khổ qua dồn thịt bằm với bún tàu, nấm mèo nước trong leo lẻo, niêu tôm kho tàu nước gạch đỏ ối…Chiều nay cô mới mổ gà nấu cháo kèm gỏi gà trộn bắp chuối, rau răm để cúng rước ông bà. Cô Hai Nguyện đã lau chùi, quét tước nhà cửa, bàn thờ ông bà. Lư hương, chân đèn, mâm cổ bồng đã đánh sáng loáng. Trên vách, cô treo bộ tranh tứ quí màu sắc tươi rói. Trên các cột hàng ba, cô dán liễn bằng giấy hồng đơn, chữ thảo mực tàu đen lánh. Năm nay cô chỉ mua một cặp cúc vạn thọ màu hoàng yến, một cặp mồng gà lưỡi búa đỏ để bày trong sân. Bánh phồng, bánh tráng, bánh tét thì đã có má cô là bà Hương kiểm Thiện ở chợ Trường an cho ê hề. Còn mứt thì cô mua ở chợ Vĩnh Long. Hai hộp mứt hình trái tim gói giấy trang kim lấp lánh cài cái nơ sa-teng hường coi mê quá! Trong hộp, mứt củ cải và mứt bí như giồi phấn, mứt khổ qua tươi nước cốt cỏ rồng chầu xanh như cẩm thạch, mứt cà-rốt màu gạch mới, mứt cà-chua đỏ như son tàu, mứt nào cũng khéo ơi là khéo, bỏ tiền ra mua giá phải chăng, tội gì mà làm cho mệt để lãnh cái thua sút, thô kém! Dữ ác! Năm nay không hiểu ông ứng bà hành gì mà cô Hai Nguyện phấn khởi đón xuân như vậy? Năm năm qua, thằng bảy Huỳnh Kim Báu, thằng chồng trời đánh thánh đâm của cô đã bỏ nhà theo vợ bé, trôi nổi ở chơn trời góc biển nào rồi. Hễ cở mười năm mà nó không về, hoặc cô không tìm được tung tích nó, thì cô đành lấy cái ngày nó ra đi để làm đám giỗ. Thây kệ, ai quấy ai sai có trời cao đất dày, có nước mây cây cỏ chứng giám. Thằng Bảy kia dù gì cũng là tía của lũ con cô. Bên chồng cô kể từ khi biết nó ăn ở tệ bạc với cô, họ đâm ra thương mến cô. Bởi đó tuy giận nó, cô vẫn không nỡ để lũ con cô quên nguồn cội, tổ tông. Năm năm qua, một thân đàn bà yếu đuối, cô Hai Nguyện vẫn phải đảm đương mọi việc mưu sinh. Cô mua lúa đem tới nhà máy chà gạo rồi đem gạo ra bán ngoài chợ. Con Trang vừa học xong đệ lục phải bỏ học ngồi trước rạp hát bóng Lạc Thanh bán quà vặt như cốc, ổi, xoài dầm chua, me ngào đường…Con Hiền thì ở nhà coi việc bếp núc, dọn dẹp. Chỉ có thằng Ðức được đi học. Nhờ trời thương Phật độ, má con cô lần hồi đủ ăn. Tối tối Trang đi xuống cầu Cái Cá học nghề luôn áo vắt sổ nơi cô Tám Kim Chi, em kế ba nó. Tới năm ngoái, bà nội nó mua cho nó cái máy vắt sổ để nó trả góp. Nhờ luôn áo khéo, vắt sổ tính giá phải chăng nên nó có khá nhiều khách hàng. Năm nay con Trang mười tám, sáng đẹp như trăng rằm. Con nầy lanh lợi, biết phải quấy, ăn nói mực thước, lớp lang nên được lối xóm mến yêu, bạn bè trang lứa nể nang. Còn con Hiền mười lăm tuổi mà khờ khạo lắm! Nước da nó trắng hơn con Trang, vóc vạc thanh cảnh, thân hình đã bắt đầu dậy mẩy. Chiều chiều nó ưa mượn cáo quần xăng-đầm của cô Hai Nguyện mặc vào rồi kéo quần lên tới ngực buộc chặt, nhảy xuống cái đìa bên hông nhà tắm lội đùng đùng như cù dậy. Một hôm ngủ đêm sáng dậy, nó thấy máu từ quần loang ra ướt mền, ướt chiếu, nó hoảng hồn gọi cô Hai Nguyện, mếu máo kể lể:” Má ơi, con hay tắm đìa nên chắc đĩa chui vô người con làm ổ, máu me nhểu tùm lum đây nè!” Cô Hai an ủi: “Hễ làm đờn bà con gái, tới tuổi dậy thì là mỗi tháng máu tuôn ra rỉ rả như vậy đó, không sao đâu con”. Nhìn hai đứa con gái, cô Hai Nguyện tự hào, nhủ thầm: “Tui không được đẹp nên không giữ nổi thằng chồng mắc dịch, bị nó phụ bạc bỏ lăn bỏ lóc. Bù lại, tui được bầy con hiếu hạnh, ngoan ngoãn. Con Trang sắc sảo, con Hiền đoan trang, thằng Ðức siêng năng, tuy giống ông già nó như đúc nhưng thằng tía nó mặt mày dúc dắc, lẳng lơ bao nhiêu thì thằng con nghiêm trang, đằm thắm bấy nhiêu.
Từ ngoài đầu ngõ, Trang và Hiền la chói lói: - Má ơi, ba dìa! Ba dìa má ơi! Cô Hai Nguyện đang ngồi xắt su hào, vụt đứng dậy, mặt xanh dờn như đờn bà xảo thai. Nhưng cô không nhúc nhích, chơn cẳng như chôn chặt trong đất. Thằng Ðức tưởng má nó chưa nghe kịp, nhắc: - Ba dìa má à. Ba dìa thiệt mà! Cô Hai Nguyện vụt tỉnh cơn bàng hoàng, ngây ngất. Thằng chồng ôn dịch của tui về? Nó còn dám vác cái bản mặt chai mày đá về đây làm gì? Tưởng nó chết bờ chết bụi, không bỏ xương trong miệng cọp thì cũng gởi thịt trong bụng sấu rồi chớ! Ai dè nó còn xách đít về đây để tui tức thiếu điều trào máu hoè ra khỏi họng. Cô rít lên: - Thây kệ mồ nó! Cô ngoe nguẩy ra ngoài vườn, ngồi trên cây sung gie ra mặt ao. Hừ, thằng khốn nạn Bảy Báu, thằng chồng oan gia của cô, năm năm nay đi theo con Tư Mỹ Huệ, chẳng hiểu nó có phỉ chí trong thú yêư đương, hay bị con dâm nương kia hành thân hoại thể? Hồi nó gây gổ, bỏ cô đi theo con Tư, cô hăm he: - Mầy đành đoạn bỏ tao mà đi theo bợ đít mấy con thúi thây lầy cốt, mai sau mầy vác mặt về đây là chổi nhúng đường mương, chổi dọn chuồng heo tao sẽ quét mầy ra khỏi nhà, biết chưa? Tên Huỳnh Kim Báu đã mặt trơ trán bóng, bảo: Con cá buôi quạt đuôi ra biển Bắc, Bơi dọc lộc ngang, không chắc trở về. Ôi năm năm qua, ngày ngàyb cô làm lụng đầu tắt mặt tối để kiếm miếng ăn. Ðêm đêm, càng nghĩ tới thằng chồng lòng lang dạ thú kia mà tay chân cô lạnh ngắt, ngực cô nặng trĩu, châu lụy cô tuôn rơi đồm độp: Cu kêu từng cặp trên cây Tào khương nghĩa nặng, sao mầy bỏ tao? Ngồi trên cành sung, cô Hai Nguyện lắng tai nghe tiếng lao xao từ trên nhà vọng tới. Có lẽ chòm xóm tới chào hỏi thằng chồng đi hoang của cô đó mà. Xời ơi, họ chỉ biết nó là thằng hàng xóm dễ thương chớ đâu thèm biết tới cái tánh bạc bẽo, ưa thay đào đổi mận của nó! Còn lũ con cô đó, bởi sợi dây huyết thống thiêng liêng, thấy tía nó về là mừng rối rít. Lá rụng về cội mà! Tụi nó quên tưốt luốt cái thói vô trách nhiệm của tía tụi nó, quên lúc tên Bảy Báu bỏ nhà ra đi, bốn mẹ con đổ mồ hôi hột ra vật lộn kiếm miếng ăn, chơn chạy không bén đất. Ðã bao phen đi bán gạo về, thay vì nghỉ ngơi, cô hăng hái ra sở rẩy sau nhà để săn sóc mười luống dưa gang. Tháng bảy âm lịch vừa rồi, cô trúng mùa dưa. Cô bán mớ dưa chín mềm, còn kỳ dư loại dưa cứng cạy, cô bán cho các vựa mắm để họ gài mắm. Vốn là dân làng Tân Ngãi nên cô rất mát tay trồng dưa: Dưa Tân Ngãi, bự trái dầy cơm, Dẫu mình không nợ, không duơn, Tháng bảy, tháng tám mau chơn trở về Té ra, Tết nầy chồng cô trở về! Cơn giận làm trái tim cô nhảy ạch đụi trong lồng ngực. Thiệt tình cô Hai Nguyện không oán cô Tư Mỹ Huệ. Cô có bao giờ gặp mặt con tình địch nầy đâu! Nhiều lần cô suy nghĩ, biết Bảy Báu là thứ tham thanh chưộng lạ, hết đèo con nọ tới xọ con kia. Cô đã từng nhiều phen trách ai tham giấy bỏ bìa; khi thương, thương vội, khi lìa, lìa xa.. Chồng của cô nếu không dính con Tư Mỹ Huệ vốn là gái điếm chợ Lách, thì cũng rượn theo con Bảy Kim Hoàng ở Cái Nhum, cũng lẹo tẹo với con Mít con Xoài, cũng mê say con Ổi con Lựu nào đó…Trước con Tư Mỹ Huệ, Bảy Báu cũng đã từng cặp xách hết con ngựa bà nầy lại du dương mùi mẫn với con đĩ chó khác. Cô Hai Nguyện đã từng ốm o so bại, mình mẩy mỏng lét, da dẻ xanh chành vì ghen. Ngày tối cô đâu có làm ăn gì cho an ổn được! Cô cứ rình rập để bắt gian phu. Cô hết ghịt tóc lột quần tình đình lại đè đầu đè cổ chồng ngắt véo, đánh vả. Cô phung phí hơi sức chửi bới la rầy chồng tới mỏi miệng rát cổ, ran ngực thốn tim. Chồng cô lúc nào cũng nhịn cô, mặt mày lấm la lấm lét, mắt mũi dớn dác, lơ láo… Vậy mà đời nào nó chừa thói ngoại tình, bỏ tật phong nguyệt cho cô nhờ! Mà cắc cớ thay, ông trời ổng sanh chi cho cô cái tánh lạc lòng. Chồng cô mỗi khi chán mèo hoặc bị mèo đá đít là quay về với cô, dùng giọng kèn tiếng quyển lung lạc khiếng cô xiêu lòng ăn ở với nó, để nó bơm cho cô một cái bầu bự chình ình. Hễ cô vừa đẻ xong là nó đánh lừa đánh đảo cô để đi ve vãn, tò tí mấy con khác rồi quất ngựa chuối bôn đào. ° ° ° Bảy Báu xách chiếc valise bự tổ chảng, tay kia bồng một thằng nhỏ cỡ hơn một tuổi đứng tần ngần trước ngõ. Trang vồn vã: - Ba vô nhà đi ba, kẻo nắng. Không sao đâu! Bảy Báu gượng làm tỉnh: - Ừ, có sao đâu! Nhưng ba nhờ tụi bây năn nỉ má tụi bây dùm ba một tiếng. Hiền rụt rè hỏi: - Con của ai đây ba? Bảy Báu tỉnh tuồng: - Em của bây đó đa. Ba đặt tên nó là thằng Phước. Má nó chết rồi. Ba vừa làm tuần bách nhật cho cổ hôm qua. Ðứa nhỏ thiệt dễ thương, mập mạp trắng trẻo. Nó giuơng cặp mắt đen huyền như hai hột nhãn, nhìn hai cô gái rồi cười hịch hạc, thấy thương đứt rưột. Trang sốt sắng: - Ba đưa em cho con bồng. Vô nhà mau đi ba. Khi bốn cha con vô nhà thì Hiền đòi bồng em lấy hên rồi hun thằng nhỏ chùn chụt. Trang giằng lấy thằng nhỏ, hun ngay cái nọng của nó, đả đớt: - Mèn ơi, cưng của chị “Chang” thơm “xữa” quá “chời” quá đất! Hiền xía vô nựng đứa nhỏ, miệng tía lia: - “Chắng” gì mà “chắng” như dừa nạo, như bông bưởi vậy nè “chời”!